TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH VÀ NỘI DUNG ĐIỀU TRA CHỌN MẪU
Bước 1: Xác định mục đích điều tra
Do nhu cầu thực tế ta cần thông tin về một hiện tượng nào đó mà không có sẵn và không thể thu thập bằng điều tra toàn bộ được thì ta chọn điều tra chọn mẫu. Xác định mục đích điều tra là nhằm thu thập thông tin gì, phục vụ cho mục đích nghiên cứu nào. Việc xác định rõ mục đích điều tra có ý nghĩa quan trong trong việc lựa chọn số lượng và phương pháp lấy mẫu.
Bước 2: Xác định tổng thể có liên quan
Mẫu được chọn ra phải mang tính chất đại diện cho tổng thể, do đó cần xác định tổng thể nào có chứa mẫu. Xác định tổng thể có liên quan nghĩa là xác định phạm vi, tính chất của tổng thể phù hợp với mục đích nghiên cứu.
Bước 3: Xác định kích thước mẫu và phương pháp chọn mẫu
Số lượng mẫu cần chọn là bao nhiêu? Phương pháp chọn mẫu như thế nào là bước rất quan trọng có liên quan đến kết quả suy rộng cho tổng thể. Nội dung cụ thể của bước này được trình bày chi tiết ở mục sau.
Bước 4: Phương pháp thu thập và tính toán thông tin
Sau khi đã chọn được mẫu đại diện, công việc tiếp theo là thu thập các thông tin của từng đơn vị mẫu. Phương pháp thu thập thông tin của các đơn vị mẫu thường áp dụng như các phương pháp thu thập thông tin đã được trình bày ở chương II (số trung bình mẫu, tỷ lệ mẫu).
Cách xử lý, trình bày và tính toán các đặc trưng của mẫu giống như các phương pháp đã trình bày ở các chương III và IV.
Bước 5: Suy rộng các đặc trưng của tổng thể
Từ các đặc trưng của mẫu như số trung bình mẫu, tỷ lệ mẫu, sử dụng các phương pháp thống kê để suy rộng thành các đặc trưng của tổng thể.
Bước 6: Rút ra kết luận về tổng thể
Nội dung của bước này là xem xét các kết luận rút ra từ kết quả suy rộng trên cơ sở các đặc trưng của mẫu có đáp ứng yêu cầu đặt ra trong mục tiêu nghiên cứu hay không? Nhận xét này cũng cần đối chiếu với nội dung bước 1 xem có phù hợp không?
2.2. Những nội dung cơ bản
Lý thuyết điều tra chọn mẫu là vấn đề khá phức tạp trong lí thuyết thống kê. Nó liên quan nhiều đến lí thuyết xác suất và thống kê toán. Ở đây chỉ trình bày một số nội dung cơ bản của phương pháp này và sử dụng các công thức tính toán mà thống kê toán đã chứng minh.
a) Các cách chọn mẫu:
Việc chọn các đơn vị mẫu điều tra đảm bảo tính khách quan trong điều tra chọn mẫu được tiến hành theo các cách chọn: ngẫu nhiên (hay tuỳ cơ), máy móc, điển hình và cả khối.
* Chọn ngẫu nhiên (tuỳ cơ): Là phương pháp chọn mẫu hoàn toàn ngẫu nhiên, trong đó các đơn vị mẫu được chọn bằng cách bốc thăm, quay số hoặc theo bảng số ngẫu nhiên và có thể chọn một lần (không lặp), chọn nhiều lần (chọn có lặp).
+ Chọn 1 lần là sau khi rút ra 1 thăm người ta không bỏ lại vào tổng thể để chọn lần sau. Như vậy, mỗi đơn vị tổng thể chỉ có thể được chọn ra 1 lần và tổng thể mẫu gồm các đơn vị hoàn toàn khác nhau, sẽ đại biểu cho tổng thể cao hơn.
+ Chọn nhiều lần là cách chọn sau khi rút ra 1 thăm người ta ghi lại đơn vị được chọn rồi trả lại cái thăm vào tổng thể cũ. Như vậy, lần sau chọn vẫn có khả năng chọn đúng vào cái thăm đã chọn lần trước. Trong trường hợp này tổng thể mẫu có thể có một số đơn vị được chọn lại nhiều lần và mức độ đại biểu cho tổng thể chung sẽ không cao.
Trong điều tra chọn mẫu ngẫu nhiên người ta thường chọn cách chọn 1 lần.
Phương pháp chọn ngẫu nhiên đơn giản có thể cho kết quả tốt nếu giữa các đơn vị của tổng thể không có khác biệt nhiều. Ngược lại nếu tổng thể các đơn vị khác biệt nhau nhiều quá thì cách chọn này khó đảm bảo tính đại biểu. Hơn nữa, nếu tổng thể quá lớn thì không thể đánh số thăm hay đánh số cho tất cả các đơn vị tổng thể được.
* Chọn máy móc: Là phương pháp chọn mẫu hoàn toàn máy móc, nghĩa là cứ sau một khoảng cách nhất định người ta chọn ra một đơn vị mẫu.
Cách chọn này thường được tiến hành như sau:
- Trước hết sắp xếp các đơn vị tổng thể theo trình tự nào đó (thí dụ: tăng dần hoặc giảm dần của lượng biến theo tiêu thức cần nghiên cứu; hoặc theo vần A, B, C...).
- Căn cứ vào trật tự sắp xếp này, sau một khoảng cách nhất định lại chọn ra 1 đơn vị mẫu. Khoảng cách để chọn ra đơn vị mẫu được tính là k = N/n. (N là số đơn vị tổng thể, n là số đơn vị mẫu).
Chú ý: Thông thường đơn vị đầu tiên được chọn là đơn vị có số thứ tự nằm giữa khoảng cách chọn thứ nhất, hoặc nằm chính giữa trật tự sắp xếp nói trên. Đơn vị tiếp theo được chọn bằng cách cộng thêm 1 khoảng cách chọn vào thứ tự của đơn vị chọn trước. Như vậy số đơn vị mẫu đã được phân bố đều theo mức độ biến động của tiêu thức chủ yếu. Vì vậy, tính chất đại biểu của mẫu chọn ra cao hơn so với cách chọn trên.
* Chọn điển hình tỷ lệ (chọn phân tổ): Là phương pháp chọn mẫu từ các tổ. Phương pháp này thường được tiến hành như sau:
+ Trước hết phân chia tổng thể thành các tổ căn cứ vào tiêu thức có liên quan chặt chẽ đến mục đích nghiên cứu;
+ Từ mỗi bộ phận hay mỗi tổ chọn ra một số đơn vị mẫu;
+ Số đơn vị mẫu chọn ở mỗi tổ thường tỷ lệ với số đơn vị thuộc mỗi tổ so với tổng thể.
Theo cách chọn này số đơn vị mẫu của từng tổ đã có tính chất đại biểu cao cho
từng tổ và tổng thể mẫu, cũng có tính chất đại biểu cao cho tổng thể chung.
Cách chọn này khoa học hơn 2 cách trên nên nó được áp dụng rộng rãi hơn, nhất là đối với hiện tượng cần điều tra có số đơn vị tổng thể lớn không thể chọn theo phương pháp chọn máy móc được. Song, cách chọn này đòi hỏi phải có sẵn các nguồn thông tin về tổng thể và có kiến thức phân tổ.
Phương pháp này phần nào cũng dựa vào những kinh nghiệm phán đoán chủ quan, nên cần phải tuân theo những nguyên tắc chung khi tiến hành phân tổ như:
- Trong mỗi tổ phải đảm bảo tính đồng chất;
- Số tổ không được chia quá ít hoặc quá nhiều;
- Số đơn vị mẫu của từng tổ phải đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy cho suy rộng, hayước lượng.
* Chọn cả khối: Là phương pháp tổ chức chọn mẫu, trong đó số đơn vị mẫu được chọn không phải là lẻ tẻ mà cùng một lúc chọn ra một khối đơn vị.
Theo cách chọn này, trước hết tổng thể chung được chia thành các khối, sau đó chọn ngẫu nhiên một số khối để điều tra. Cách chọn này thường áp dụng trong điều tra chất lượng sản phẩm mà khi sản xuất xong, sản phẩm đã được đóng kiện. Mức độ đại biểu thường không cao bằng các cách chọn trên.
b) Sai số bình quân chọn mẫu và phạm vi sai số chọn mẫu:
* Khái niệm về sai số chọn mẫu
Do cuộc điều tra chọn mẫu chỉ tiến hành ở một số đơn vị tổng thể mà kết quả lại suy rộng ra cho cả tổng thể nên tất yếu nảy sinh sai số (gọi là sai số chọn mẫu).
Vậy sai số chọn mẫu là sự chênh lệch giữa các chỉ tiêu tính được trong điều tra chọn mẫu với các chỉ tiêu tương ứng của tổng thể.
Sai số chọn mẫu phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Số đơn vị mẫu được chọn ra để điều tra.
Nếu mở rộng phạm vi điều tra bằng cách tăng số đơn vị mẫu lên cho tới khi nó bằng số đơn vị tổng thể thì không còn sai số chọn mẫu. Như vậy, sai số chọn mẫu tỷ lệ nghịch với số đơn vị mẫu được chọn để điều tra. Trong thực tế thì số đơn vị mẫu không bao giờ bằng số đơn vị tổng thể.
- Mức độ đồng đều về lượng biến của tiêu thức nghiên cứu ở các đơn vị tổng thể. Nếu lượng biến của tiêu thức nghiên cứu ở các đơn vị tổng thể xấp xỉ bằng nhau thì
khi chọn các đơn vị mẫu để điều tra sẽ tính được lượng biến bình quân của các đơn vị
mẫu cũng sẽ xấp xỉ với lượng biến bình quân chung, khi đó sai số chọn mẫu sẽ nhỏ và ngược lại.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro