triet hoc
Công trình lý luận quan trọng này được K. Marx viết vào cuối năm 1843 đầu năm 1944. Mục đích thôi thúc ông viết được xác định rõ ràng ngay trong nội dung của công trình. Theo K. Marx, “phê phán thần học” cần biến thành “phê phán chính trị”…nhưng không chỉ nhằm vào “bản chính” (thể chế chính trị) mà cả “bản sao” (tức tư tưởng, triết học làm nền móng tinh thần cho thể chế đó) - (tr.571). Ở đây, yêu cầu của ông thật hài hòa,“vừa là một sự phân tích phê phán đối với nhà nước hiện đại và đối với hiện thực gắn liền với nhà nước ấy, vừa là một sự phủ định kiên quyết nhất đối với tòan bộ hình thức đã tồn tại từ trước đến nay của ý thức chính trị và ý thức pháp quyền…”(tr.679). Ông đòi hỏi phải tiến hành phê phán thể chế xã hội một cách trực tiếp, đồng thời lại phải tiến hành phê phán tư tưởng vốn là nền tảng của thể chế ấy một cách triệt để. Trong công trình này, vì nghiêng về lý luận, ông chỉ có thể bàn tới mặt sau của vấn đề. Tuy nhiên, đừng bao giờ lãng quên sự phối hợp đồng bộ giữa chúng với nhau. Đặc biệt là vai trò to lớn của tư tưởng. Trong ý nghĩ sâu xa của mình, K. Marx luôn xác định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” (tr.580). Với một quan niệm rành mạch và nhất quán đó, ông thực hiện sự phê phán các khuynh hướng cực đoan, cả phía tả lẫn phía hữu.
Trước hết là phía hữu mà K. Marx gọi là chính đảng lý luận. Ông vạch rõ thực chất của xu hướng này ở chỗ: “Đảng này coi cuộc đấu tranh hiện giờ chỉ là cuộc đấu tranh có tính chất phê phán của triết học chống lại cái thế giới Đức, nó không nghĩ rằng bản thân triết học hiện tồn cũng thuộc về thế giới này và là sự bổ sung của thế giới này, tuy là một sự bổ sung trên ý niệm. Nó có thái độ phê phán đối với địch thủ của nó, nhưng nó lại có thái độ không phê phán đối với bản thân nó, vì nó xuất phát từ những tiền đề của triết học và chỉ dừng lại ở những kết quả rút ra từ những tiền đề đó”. Có thể dễ dàng liên tưởng tới thực chất của phái Nghệ thuật vị nghệ thuật ở ta trong một hòan cảnh gần như tương tự. Chẳng phải những người theo phái này chỉ mong muốn xây tháp ngà riêng cho nghệ thuật thanh cao, đối nghịch và thoát ly đời sống, nhất là đời sống lam lũ, cực khổ của dân chúng là gì? Hòan tòan đúng như K. Marx nói:“Sai lầm căn bản của nó có thể quy lại như sau: nó tưởng rằng có thể biến triết học thành hiện thực mà không cần phải xóa bỏ bản thân triết học” (tr.579). Như vậy chỉ có thể rơi vào ảo tưởng. Vì sao? K. Marx giải thích thật thấu lý: “Xã hội thì phân chia vô tận thành những đẳng cấp hết sức khác nhau, đối lập nhau, với những ác cảm nhỏ nhặt, với lương tâm nhơ bẩn và sự tầm thường thô bạo của chúng; và chính cái thái độ mập mờ và ngờ vực ấy của chúng đang cho phép những kẻ thống trị chúng đối xử với chúng – với tất cả bọn chúng, không phân biệt, tuy là bằng những thủ tục khác nhau – như với những sinh vật chỉ sống dựa vào ân huệ của kẻ bề trên. Và ngay cả đến việc chúng bị thống trị, bị cai quản, bị chiếm hữu, chúng cũng buộc phải thừa nhận và tuyên truyền rằng đó là ân huệ của trời ban cho” (tr.573). Chẳng cần phân tích dài dòng ta cũng dễ dàng nhận ra bóng dáng của các nhà trí thức chủ trương Nghệ thuật vị nghệ thuật có thể rất giàu tâm huyết và khát vọng nghệ thuật, nhưng trong hòan cảnh nước sôi lửa bỏng, cả dân tộc đang phải dồn sức vào công cuộc giải phóng vĩ đại khi đó, thì không thể không rơi vào ảo vọng cho được. Tất nhiên, họ không tránh khỏi bị cô lập, đi tới bất lực buông xuôi, để rồi cuối cùng chỉ biết than thân trách phận, hết trời xa lại đất gần, như đã thấy.
Thế còn phía cực đoan kia? K. Marx nhìn nhận cũng hết sức thuyết phục. Về thực chất của nó, ông chỉ rõ: “Sự phê phán, đang chĩa vào đối tượng ấy, là một sự phê phán giáp là cà, mà khi đánh giáp lá cà thì điều quan trọng không phải là địch thủ có cao thượng hay không, có xứng đáng về dòng dõi hay không, có đáng chú ý hay không – điều quan trọng là giáng cho nó một đòn” (tr.574). Có nghĩa, cuộc đối đầu ở đây, dầu chỉ là đối đầu về tư tưởng, luôn là trực diện giáp là cà. Với phái Nghệ thuật vị nhân sinh lẽ nào không đúng thế. Tôi nhớ tới ý kiến chỉ đạo của Phan Đăng Lưu trong cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung kỳ thời ấy: “Nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng” (Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, Sđd, tr. 567). Và điều đó phải được coi là một tất yếu lịch sử. Chỉ tập trung vào một mục đích duy nhất là đấu tranh mà thôi, đấu tranh kiên trì, kiên quyết để giành được chính quyền, bằng mọi cách và bằng mọi giá. Cho nên, chẳng có gì là khó hiểu, như K. Marx đã chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh chống những trật tự đó, sự phê phán không phải là sự hăng say của lý tính, mà là lý tính của sự hăng say – PQT nhấn mạnh. Sự phê phán không phải là con dao mổ, mà là vũ khí. Đối tượng của nó là kẻ thù của nó, kẻ thù mà nó muốn không phải bác bỏ mà là tiêu diệt đi” (tr. 573). Rồi: “Tự bản thân chúng, những trật tự đó không đáng trở thành một đối tượng để suy nghĩ – chúng tồn tại như những cái bị coi khinh theo mức độ chúng đang bị coi khinh. Sự phê phán chẳng cần phải làm sáng tỏ thái độ của mình đối với đối tượng ấy – nó đã thanh tóan xong đối tượng ấy rồi. Sự phê phán đã không còn thể hiện ra là mục đích tự nó nữa mà chỉ là phương tiện. Xúc cảm chủ yếu của nó là phẫn nộ, công việc chủ yếu của nó là vạch trần” (tr.573). Đã như thế thì vấn đề đặt ra không còn ở sức mạnh của lý lẽ mà dồn tụ ở sức mạnh truyền bá. Cần tập hợp đông đảo mọi lực lượng có thể dưới ngọn cờ mỹ học của giai cấp vô sản mà thực ra là ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội, ở mọi tòa báo, với mọi cây bút, để lấn tới, thậm chí xông tới, và cuối cùng giành ưu thế về phía mình. Cố nhiên, xu hướng này không tránh khỏi hạn chế, cho dầu hiệu qủa của sự tuyên truyền tư tưởng văn nghệ mới mẻ của giai cấp vô sản qua báo chí công khai là cực kỳ to lớn. Và như thế là đã thành công rồi. Hạn chế nếu có tính đến là ở phía sau, và vào lúc khác. Chỉ khi chính quyền đã nằm trong tay nhân dân mới cần nhìn lại, điều chỉnh và khắc phục. K. Marx cho rằng: “Sai lầm của nó không phải ở đòi hỏi đó, mà là ở chỗ nó không vượt quá đòi hỏi đó, không có khả năng thực hiện được. Nó tưởng rằng cứ việc quay lưng lại với triết học, ngỏanh đầu đi, nói làu bàu mấy câu bực tức và tầm thường là có thể phủ định được triết học ấy. Tầm mắt hẹp hòi của nó biểu hiện ở chỗ nó không đem triết học vào trong phạm vi của hiện thực – PQT lưu ý” (tr.578). Ông còn chỉ ra mạch ngầm của hiện tượng một cách cụ thể hơn: “Các ngài đề ra yêu cầu xuất phát từ những mầm mống hiện thực của đời sống, nhưng các ngài quên rằng mầm mống hiện thực của đời sống nhân dân Đức, cho đến nay, chỉ nảy sinh trong đầu óc của nhân dân Đức mà thôi” (tr.578). Càng đọc, càng ngẫm càng thấy thấm thía.
Như vậy, khi chưa giành được chính quyền, chưa thể có điều kiện khách quan để biến những “mầm mống hiện thực của đời sống” mang ý nghĩa nhân văn thành hiện thực sinh động được. Nó còn đang tiềm ẩn trong đầu óc của nhân dân. Có điều, khi cách mạng thành công từ sau năm 1945 thì mọi sự phải khác đi. Tính triệt để của mục đích phải được tính đến, như K. Marx nói: “Cuộc cách mạng triệt để chỉ có thể là cuộc cách mạng của những nhu cầu triệt để, nhưng để sản sinh ra những nhu cầu này thì dường như chưa có cả tiền đề lẫn cơ sở cần thiết” (tr. 583). Nghĩa là phải quan tâm tới những cơ sở cần thiết. Không gì khác hơn, đó là chính quyền dân chủ nhân dân. Bao gồm tòan bộ cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội khi đó đã thuộc về nhân dân lao động. Trong hòan cảnh đặc biệt như nước ta, phải sau 1954, hơn thế, phải sau 1975, cơ sở cần thiết như K. Marx đòi hỏi mới thật sự chín muồi. Từ đó trở đi, tính triệt để của sự nghiệp phải đi liền và phải được biểu hiện trong cuộc cách mạng vĩ đại, dài lâu hướng tới giải phóng con người. Tuy nhiên, nên nghi nhớ lời của K. Marx:“Con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội” (tr.569). Có thể hiểu, vấn đề con người phải gắn liền với chính thể. Không thể giải phóng con người nếu không tạo ra một cơ chế dân chủ trên thực tế, nhằm phát triển con người hài hòa tòan diện, xứng đáng là kiểu mẫu của muôn lòai như mong ước cháy bỏng của các nhà nhân văn vĩ đại thời trước. Để đạt những bước tiến lịch sử ấy, nào có dễ dàng gì. Nhiều thế lực bên ngoài và trở lực bên trong của con người luôn rình rập, luôn cản trở. Mỗi bước tiến về phía trước đều phải trả giá – cái giá của cuộc đấu tranh thầm lặng mà quyết liệt, mà dai dẳng như xưa, thậm chí có cái hơn xưa. Vẫn như trước đây, ý chí phê phán phải đựơc đề cao, trên tinh thần mới, đúng như yêu cầu của K. Marx: “Sự phê phán được nâng lên đến những vấn đề thật sự con người – PQT nhấn mạnh” (tr.575). Và hơn thế, tính triệt để không chỉ biểu hiện ở tính chất, mà còn được triển khai cả ở bề rộng lẫn chiều sâu: “Cái hình tượng trong ý niệm của người Đức về nhà nước hiện đại được trừu tượng ra từ con người hiện thực, cũng chỉ có thể có được chừng nào bản thân nhà nước hiện thực được trừu tượng hóa ra từ con người hiện thực hoặc chỉ thỏa mãn tòan bộ con người trong tưởng tượng mà thôi” (tr.579). Đó là một thách thức lớn đối với tòan xã hội và đối với mỗi cá nhân. Vì đây là cuộc cách mạng không chỉ chưa từng có mà còn sâu rộng nhất trong lịch sử lòai người. Do vậy, K. Marx cho rằng: “Thử hỏi: nước Đức có thể đạt tới một thực tiễn ngang tầm với các nguyên tắc, tức là một cuộc cách mạng có khả năng nâng nước Đức không những lên đến trình độ chính thức của các dân tộc hiện đại, mà còn lên đến tầm cao của con người, tương lai gần nhất của các dân tộc ấy, hay không?” (tr.580). Trong cuộc cách mạng chuyển lay tận gốc rễ của xã hội, tư tưởng, lý luận tiên tiến vì con người, cho con người tiếp tục có vai trò soi đường, chỉ lối. Trước sau K. Marx luôn quan niệm: “Lý luận có thể thâm nhập vào quần chúng…khi nó trở thành triệt để. Triệt để có nghĩa là hiểu được sự vật đến tận gốc rễ của nó. Nhưng gốc rễ của con người chính là bản thân con người”(tr.580). Rất dễ hiểu khi K. Marx đã dùng những lời sau để kết luận công trình lý luận kinh điển này của mình: “Nước Đức căn bản không thể hòan thành cách mạng được, nếu không bắt đầu cuộc cách mạng chính ngay từ căn bản. Sự giải phóng người Đức là sự giải phóng con người” (tr.589). Tôi muốn lưu ý rằng, ở một phương diện nào đó, người sáng lập ra chủ nghĩa Marx khoa học đã tìm được tiếng nói giao cảm với khát vọng về con người hòan thiện hòan mỹ mà các nghệ sỹ chủ trương Nghệ thuật vị nghệ thuật ở ta từng ấp ủ. Chỉ có điều, tính lãng mạn ở đây đã giao hòa với tính hiện thực, làm nên sức sống mãnh liệt của tư tưởng Marx. Tuy nhiên, từ tư tưởng tới thực tế bao giờ cũng có khỏang cách, có khi khỏang cách lại quá xa. Hết thảy tùy thuộc vào mỗi người chúng ta - những con người giàu năng lực hành động thiết tha cải tạo thế giới, nhằm biến ước mơ ngàn đời của nhân loại thành thực tế sống động trong tương lai gần…
Trở lại với bài viết của giáo sư Lộc Phương Thủy. Trong đoạn kết, chị viết: “Bài này không nhằm đề cập đến bản thân cuộc tranh luận, cũng như vai trò của nhà văn Pháp (tức A. Gide) trong tiến trình xảy ra sự kiện, mà chỉ muốn nêu hiện tượng với tư cách là một ví dụ sống động mà thôi. Vì vậy, những câu hỏi trên chỉ như những giả thiết, sẽ có sự phân tích, giải trình cụ thể vào một dịp nào đó” (Sđd, tr.531). Tôi cứ tự hỏi, có cần thiết không sự phân tích và giải trình như vậy? Mang ý nghĩa khoa học hơn có lẽ là đi tìm quy luật chung của sự việc. Đó là câu chuyện thuộc về giai đọan lịch sử một đi không trở lại. Đúng hay sai về mặt nhận thức giờ đây không còn mấy quan trọng nữa rồi. Vấn đề là hiệu quả lịch sử đã đựơc xác minh trên thực tế. Rốt cuộc thì phái Nghệ thuật vị nhân sinh đã đạt được mục đích đề ra, còn phái đối lập với họ - Nghệ thuật vị nghệ thuật thì lơ lửng, như lý tưởng thuần nghệ thuật trong sạch mà họ đeo đuổi vậy. Bài học lịch sử có thể rút ra ở đây là: Trong hòan cảnh mất nước, thiếu tự do, liệu có thứ nghệ thuật đứng ngoài cuộc mà lại hữu ích hay không? Nếu phải quay ngược bánh xe lịch sử trở lại, liệu một người trí thức có lương tri nào lại có thể trực tiếp đứng ra bảo vệ xu hướng nghệ thuật thóat 1y hay không? Xin hãy nhìn lịch sử bằng con mắt lịch sử. Mọi giả định khoa học chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng được gắn với con mắt lịch sử như vậy! Hình như K. Marx đang thầm thì nói với chúng ta về điều này. Nhưng da diết, cháy bỏng hơn chính là lời thúc giục ta tiến thẳng về phía trước, nơi con người lý tưởng đang trông chờ…
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro