Phần 4
TẠI SAO NGƯỜI DO THÁI LUÔN TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI BẰNG MỘT CÂU HỎI KHÁC?
"Trí thông minh của con người là ánh sáng của Chúa trời, thâm nhập
vào nơi đáy cùng của mọi thứ
Thành ngữ Ả Rập
Lá đỏ phủ kín vỉa hè. Mặt trời đã gần như lặn hẳn khi chúng tôi thư thái tản bộ dọc theo bờ sông Seine.
"Cứ như đi trên lớp khoai tây chiên ấy," Jerome nói.
Tôi kéo phéc-mơ-tuya túi khoác và lấy ra một chiếc phong bì màu trắng từ túi trong.
"Điều ngạc nhiên cho cậu đây," tôi đưa chiếc phong bì cho hắn.
Jerome cười toe toét và xé ngay chiếc phong bì ra.
"Trời ạ, không thể tin được!" hắn hét lên khi nhìn thấy hai chiếc vé trên tay. "Paris San Germain và Marseille." Hắn vỗ vai tôi nồng nhiệt. "Cảm ơn nhé. Đi xem bóng đá tại Paris thay vì ở sân vận động Teddy Kollek ở Jerusalem. Cậu mang đến cho tớ ngày hoàng kim rồi đấy."
Khi bóng tối phủ kín thành phố thì chúng tôi đã đến Đại lộ San Michelle. Hàng đoàn khách du lịch đi dạo chật kín đường phố. Chúng tôi băng qua hết đám đông và mười phút sau, thấy mình trong một con hẻm nhỏ, tĩnh lặng.
'Café Terrace,' quán cà phê duy nhất trong con hẻm, tựa như bước ra từ một bức tranh của Van Gogh vậy.
Samuel đang ngồi ở một chiếc bàn trước quán chờ chúng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, mỉm cười và bắt tay chào Samuel.
"Tôi đến đây được năm phút rồi," Samuel giải thích và đưa tay về phía Jerome. "Tôi là Samuel. Rất vui được gặp cậu."
"Tôi là Jerome," hắn bắt tay Samuel. "Ông đi loanh quanh khắp nơi với chiếc mũ Do Thái này mà không sợ à?" Jerome hỏi, vẫn thiếu tế nhị như thường lệ.
Samuel phá lên cười. Rõ ràng câu hỏi này không làm ông lúng túng.
"Thế cậu đi loanh quanh với chiếc áo in hình Jacque Chirac thế này không không sợ à?"
"Tôi nghĩ là dân Pháp sẽ thích nó." Jerome chỉ vào Samuel khi hắn quay lại phía tôi. "Ông bạn này được đấy." Jerome ngồi xuống.
"Cậu vẫn hay nói thế với người vừa mới quen hả?" tôi hỏi.
"Tất nhiên là không rồi. Thường thì tớ hỏi xem họ có biết cô nàng dễ thương nào đó có thể hứng thú với tớ không... thế ông có biết cô nào không?"
Jerome có rất ít khả năng kiềm chế. Giờ tôi mới nhớ ra.
"Thế chính xác là cậu tìm người như thế nào?" Samuel tủm tỉm cười.
Jerome ngồi thẳng lại và đặt tay lên bàn. "Ồ, tôi tìm một cô nàng xinh đẹp, thông minh, có khiếu hài hước, có cổ phần của Microsoft và Yahoo! từ năm 1987. Và cuối cùng, theo thiển ý của tôi, phải góp phần quan trọng cho một mối quan hệ tốt đẹp."
"Cậu ta cũng được đấy," Samuel nói với tôi.
"Ồ, vậy thì, tôi rất vui vì buổi hẹn hò đầu tiên đã thành công," tôi đầu hàng.
Tôi không biết liệu Samuel có chuẩn bị để tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm trước không, hay chỉ là tình cờ thôi, nhưng chúng tôi đã tiến đến một nguyên tắc khác liên quan đến trí thông minh của người Do Thái.
Samuel ca ngợi Jerome vì quyết định của hắn, cho hắn một vài lời khuyên rồi hỏi, "Cậu có biết tại sao người Do Thái luôn trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác không?"
"Sao họ lại không nên làm thế chứ?" Jerome mỉm cười.
"Dĩ nhiên, ai cũng biết là thế, nhưng nghiêm túc đấy, có hẳn một triết lý dựa trên điều này. Hôm qua Eran đã kể cho tôi nghe về dự án của các cậu, và trên đường về khách sạn, tôi nghĩ rằng một trong những nguyên lý cơ bản của trí thông minh Do Thái đó là sự quan tâm dành cho việc học hành và giáo dục. Ai cũng có một khao khát cơ bản là được hiểu biết nhưng không phải xã hội nào cũng ưu tiên cho giáo dục. Chẳng thiếu gì lý do để biện hộ cho việc này: họ không có tiền, và nếu có đi nữa thì có vẻ đầu tư số tiền đó vào phát triển kinh tế sẽ có nghĩa hơn nhiều so với đầu tư vào sách vở, trường lớp hay các thứ 'xa hoa' khác.
"Nhưng người Do Thái thì khác. Một người có thể sống mà không có vật chất nhưng không thể sống trong sự ngu dốt.
Trong suốt lịch sử, người Do Thái luôn sống ở những nơi tồi tàn. Mà ngay cả ngày nay cũng vậy, nếu nhìn vào những khu Do Thái chính thống – ngay ở Jerusalem hay Bnei Barak – sẽ thấy rằng hầu hết họ đều sống dưới mức nghèo khổ. Một cậu bé có thể không có nổi một miếng thịt nhưng không thể không có sách vở. Bố mẹ cậu bé có thể chẳng kiếm được đồng nào khi làm giáo viên bán thời gian nhưng đổi lại, họ sẽ nhận được những điều quý giá hơn – sự kính trọng và danh dự. Đề cao việc học hành là một giá trị rất cao đối với người Do Thái.
"Vì vậy, những nhà lãnh đạo Do Thái hiểu rằng tương lai của đạo Do Thái dựa vào giáo dục. Giáo dục quan trọng đến nỗi một trong những thầy đạo cấp cao còn thừa nhận rằng ông ta thích học kinh Torah hơn bất cứ bổn phận nào khác, trong đó có việc chăm lo chuyện lễ tế hàng ngày. Sau đó, một triết lý của người Do Thái đã được phát triển 'Thế giới được chống đỡ bởi ba điều: Torah, công việc và lòng từ thiện.' Để ý mà xem, giáo dục đứng đầu danh sách đó đấy."
"Thức ăn ngon và những trận bóng đá nữa chứ," Jerome bổ sung. "Nếu bạn muốn thế giới ổn định hơn nữa và được chống đỡ tốt hơn trên nền tảng năm điều."
"Điều mà có thể người Do Thái không biết hay ít nhất là họ không nghĩ
sẽ xảy ra đó là việc họ đã đặt nền móng cho sự phát triển của trí thông minh của cả cá nhân và tập thể. Người Do Thái tập trung vào việc sử dụng cái đầu, sau đó mới đến chân tay. Đó là một lý do nữa giải thích tại sao hầu hết người Do Thái đều làm việc trong những ngành ít đòi hỏi vận động mà chủ yếu đòi hỏi trí óc như y khoa, thương mại, luật, v.v... Đó cũng là lý do tại sao có rất ít vận động viên nổi tiếng người Do Thái. Phát triển trí óc luôn đi trước phát triển thân thể."
"Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng bộ não, tức là suy nghĩ nhiều, sẽ giúp phát triển trí thông minh. Nếu bạn làm những việc mang tính máy móc như là hái cà chua hay những việc ít đòi hỏi suy nghĩ, sáng tạo thì rất có khả năng sẽ bị teo não."
"Đúng rồi đó," tôi đồng ý. "Hồi ở khu định cư, tôi cũng đã nghĩ y như thế."
"Cậu đã từng sống ở khu định cư hả?" Samuel hỏi có vẻ ngạc nhiên.
"Đúng vậy. Cả Jerome cũng thế," tôi trả lời đầy tự hào.
"Tôi cũng đã từng làm tình nguyện viên ở một khu định cư," Samuel trả lời thỏa mãn, "mà... đợi chút. Thế hồi ở khu định cư ấy, cậu nghĩ gì?"
"Ôi, chả có gì đâu. Chỉ là chúng tôi làm những công việc nhà nông kiểu như nhặt cà chua, dưa hấu, hành và khoảng năm mươi loại rau củ quả khác. Tôi nhớ là sau hai năm làm công việc nhặt nhạnh đó, tôi chỉ muốn nhặt những thứ như kiểu hoa tai, bóng đèn, bóng bay... Nói tóm lại – không phải là tôi muốn xúc phạm những người nông dân đâu, có Chúa chứng giám – nhưng rõ ràng là nhặt cà chua thực sự không đòi hỏi nhiều suy nghĩ lắm.
"Ngay cả việc vắt sữa bò, một công việc được coi là thú vị hơn nhiều, thì công đoạn cần đến bộ óc nhất cũng chỉ là nhớ đặt chiếc ống hút vào vú con bò chứ không phải vào chỗ nào khác. Tất nhiên, để hoàn thành được công việc đó, đầu tiên bạn phải túm được vú con bò đã. Và, thêm nữa, phải nhớ đưa mỗi con trở lại đúng chuồng và cài then cửa – việc này thì thỉnh thoảng tôi vẫn hay quên. Nhưng dù gì, khoảng thời gian ở khu định cư là một trong những giai đoạn tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi vì tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi gì hết..."
"Cậu nói cũng đúng," Samuel mỉm cười. "Đôi khi, không nghĩ gì lại tốt, nếu người ta đã chọn như thế. Nhưng ta có quyền quyết định mình muốn cả ngày làm công việc nhặt cà chua nhàm chán hay đầu tư thời gian cho phát triển trí não và đấu tranh với sự đơn điệu, buồn tẻ."
"Đến lúc bảy mươi thì chẳng làm được gì nữa," Jerome lẩm bẩm.
"Hừ. Tuổi tác chả liên quan gì hết."
"Không liên quan sao?" Lông mày tôi rướn lên đầy thắc mắc.
"Hoàn toàn đúng." Samuel chậm rãi gật gù. "Con người có thể học tập và phát triển bộ óc ở bất cứ lứa tuổi nào. Như đại tá Sanders, người sáng lập ra KFC, một trong những chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh phát đạt nhất thế giới, đến tận tuổi sáu mươi mới thành lập hãng đấy."
Jerome đưa tay lên má. "Tôi nghĩ chắc mình sẽ về hưu ở tuổi năm mươi thôi."
"Có một điều còn thú vị hơn," Samuel tiếp tục, "đó là người Do Thái có một phương pháp rất hiệu quả để kích thích não bộ. Phương pháp cân nhắc."
"Hỏi và đáp," tôi dõng dạc tuyên bố.
"Cậu có nhớ tôi đã hỏi cậu tại sao người Do Thái luôn trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác không?" Samuel quay sang Jerome. "Bởi vì họ được dạy như thế và đó là thói quen đã truyền lại qua nhiều thế hệ."
"Đạo Do Thái có một nguyên tắc là không bao giờ được coi bất cứ điều gì là chuyện đương nhiên, thậm chí cả những mệnh lệnh nghiêm khắc và cơ bản nhất. Cho dù mệnh lệnh có đến từ đâu thì người Do Thái cũng luôn khao khát được hiểu tại sao họ phải hành động như thế và logic đằng sau mỗi mệnh lệnh là gì. Sinh viên trường đạo không phải cứ mù quáng chấp nhận tất cả những điều thầy đạo nói như những lời thánh truyền mà không có gì chứng minh cho những lời đó. Họ được quyền tranh luận với người dạy mình và được khuyến khích đưa ra câu hỏi nếu họ nghĩ rằng hành động của thầy đạo đi ngược lại những điều họ được học. Một giáo viên may mắn là người được dạy những sinh viên có khả năng giúp mình hiểu biết hơn nhờ những câu hỏi của sinh viên và việc trả lời những câu hỏi đó. Đó cũng là lý do vì sao sách Talmud lại đóng một vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc
sống của người Do Thái. Đó là một tác phẩm không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Không có cái gọi là câu trả lời cuối cùng và ai cũng có thể bắt đầu một cuộc thảo luận tại bất cứ điểm nào trong đó, thậm chí cả những điểm đã được tất cả mọi người 'chấp nhận.' Học tập không phải là học thuộc như vẹt những điều về quá khứ mà phải là lời mời gọi thảo luận về tương lai."
"Không được coi bất cứ điều gì là hiển nhiên," Jerome kết luận.
"Đúng vậy," Samuel khẳng định. "Bạn cần phải kiểm tra tất cả, nghiên cứu và đưa ra những câu hỏi. Chúng ta thường chấp nhận nhiều điều mà không xem xét chiều sâu của những điều đó, và chính vì thế mà cuối cùng chúng ta sống với rất nhiều quan điểm sai lầm. Tôi sẽ cho mọi người một ví dụ." Ông ngừng lại nghĩ một lúc.
"Cậu có biết câu chuyện Adam và Eva bị trục xuất khỏi vườn địa đàng khi Eva xúi giục Adam cắn một miếng táo cấm không?"
"Có chứ," tôi trả lời.
"Hãy kể câu chuyện đó với một học sinh trường đạo và tôi chắc chắn một điều là cậu học sinh đó sẽ nhảy dựng lên... ai bảo đó là trái táo chứ?"
"Ừ, phải rồi," Jerome mỉm cười. "Thật ra nó là 'một trái hái từ cây tri thức.'"
"Chính xác, và các nhà hiền triết cho rằng 'trái' đó rất có thể là nho hoặc sung vì chúng ta biết rằng sau đó Adam và Eva phủ đầy mình lá sung." Samuel mỉm cười.
"Cũng giống như hộp đen ấy nhỉ," Jerome nói to suy nghĩ của mình.
"Tớ chả thấy liên quan gì hết," tôi nói.
"Cái hộp đó thực ra đâu phải màu đen. Nó màu da cam mà, để cho dễ tìm." Jerome đã cho chúng tôi một ví dụ về một điều chúng tôi cứ tưởng mình biết trong khi thực ra không hề biết.
"Chung quy lại, tôi muốn giải thích cho thực tế rằng việc học hành của người Do Thái dựa trên những câu hỏi, nghiên cứu, tranh luận và xem xét chiều sâu, chiều rộng của mọi vấn đề. Phương pháp này là một thứ tài sản có
đóng góp rất lớn vào trí tuệ và khả năng rút ra những kết luận chính xác của người Do Thái." Ông quay qua Jerome. "Trước khi cậu bước vào một sự kiện mới, đàm phán công việc làm ăn hay đơn giản chỉ là đến thăm một chỗ nào đó mới lạ, hãy đưa ra những câu hỏi. Bằng cách này, cậu có thể biến một tình huống nan giải với hàng tỉ thứ không biết thành một điều quen thuộc với cảm giác mình có thể kiểm soát được mọi thứ. Giữa tri thức và sự tự tin có mối quan hệ rất mật thiết."
Điện thoại của Jerome bắt đầu đổ chuông. Hắn lục tung tất cả các túi để tìm chiếc điện thoại. Hắn vừa tìm thấy thì chuông ngừng kêu. Hắn nhìn chằm chằm vào màn hình.
"Số máy đã bị chặn. Tuyệt thật, và trong nửa tiếng tới, mình sẽ phải bận rộn nghĩ xem đó có thể là ai được." Hắn tắt điện thoại.
"Lạc quan lên nào," tôi nói.
"Có thể cậu không biết được đó là ai nhưng việc cố gắng suy nghĩ sẽ làm bộ óc cậu sắc sảo hơn."
"Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một cậu bé và ông bố có liên quan đến việc học hành và những câu hỏi," Jerome ngắt lời. "Có ai nghe chưa?"
"Chắc là chưa đâu... Cậu kể đi."
Jerome mỉm cười và ngồi thẳng dậy. "Một cậu bé đến chỗ bố và hỏi, 'Tại sao bầu trời lại màu xanh?' Bố cậu trả lời rằng ông không biết. Sau vài phút, cậu bé hỏi, 'Đường kính của trái đất là bao nhiêu?' Ông bố gãi đầu và nói, 'Đó là một câu hỏi khó, sao con không thử tra trong sách xem?' Một vài phút sau nữa, cậu bé lại hỏi, 'Tại sao con voi lại có cái vòi dài thế?' 'Con trai à, bố không biết.' Cuối cùng, cậu bé quay sang bố và nói, 'Thế bố có bực mình vì con hỏi nhiều quá không?' 'Dĩ nhiên là không rồi,' ông bố trả lời. 'Nếu con không hỏi thì làm sao con học được?"
Samuel cười và tự nói với mình, "Mình phải nhớ câu chuyện này mới được."
Jerome ngả người tựa vào ghế, bắt chéo chân và nhìn chằm chằm vào một cặp vợ chồng già đi ngoài phố. "Ông có ví dụ nào về một câu hỏi kiểu
Talmud không?"
Samuel nghĩ một lúc. "Có hai tên trộm đột nhập vào một ngôi nhà qua ống khói. Mặt một tên bị đen sì đầy bồ hóng còn tên kia thì mặt mũi vẫn sạch nguyên. Thế cậu nghĩ tên nào đi rửa mặt?"
Samuel nhún vai. "Tôi đoán chắc tên mặt bẩn."
Samuel lắc đầu. "Cậu đưa ra kết luận mà không nghĩ ngợi chút nào. Tên mặt bẩn sẽ nhìn mặt tên đồng phạm của hắn, thấy một khuôn mặt sạch sẽ và nghĩ rằng mặt hắn cũng sạch như thế. Còn tên kia sẽ nhìn tên mặt bẩn và cho rằng mặt mình cũng bị bẩn. Tên thứ hai mới là người sẽ đi tìm chỗ rửa mặt."
"Ừ, đúng rồi," Jerome mỉm cười. Hắn nhìn ra đường và ngồi ngẫm nghĩ một lúc. "Nhưng mà... sao hai tên cùng trượt xuống ống khói mà một tên lại chui ra với khuôn mặt sạch sẽ được chứ?"
Samuel giơ ngón tay cái lên và nháy mắt với hắn. "Câu hỏi của cậu chứng tỏ cậu có khả năng học Talmud đấy."
Tôi lục túi áo và tìm thấy một mảnh giấy nhỏ. Tôi mượn Jerome chiếc bút đắt tiền lúc nào hắn cũng để trong túi áo trái và viết:
Để học tập mãi mãi, hãy đưa ra những câu hỏi và không bao giờ được coi bất cứ điều gì là chuyện hiển nhiên.
"Eran chịu trách nhiệm thu thập mọi thông tin cho cuốn sách," Jerome giải thích. "Tôi thì nhận vai trò dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần thực hiện mọi thứ thôi." Hắn mỉm cười ngượng nghịu.
"Mà nhân tiện," Samuel tiếp tục dòng suy nghĩ, "khi cậu đưa ra những câu hỏi, cậu sẽ có khả năng nhận ra những thay đổi cần có trong thực tại, như cái băng dán trên tay cậu kia chẳng hạn. Khi đó, cậu sẽ thực sự có khả năng thay đổi tương lai của mình."
Jerome xem xét cái băng tay một lúc. "Cái băng tay của tôi thì có vấn đề gì chứ?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro