Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bài làm 2

Nhắc đến đại thi hào dân tộc Nguyễn Du chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm "Truyện Kiều". Đây là tác phẩm mà Nguyễn Du đã thể hiện được niềm cảm thông, thương xót với số phận "hồng nhan bạc mệnh". Cuộc đời của Thúy Kiều gặp nhiều sóng gió, trắc trở. Mười hai câu thơ đầu của đoạn trích "Trao duyên" là sự mở đầu cho những tai ương mà nàng gặp phải.

Để có tiền chuộc cha và em, Thúy Kiều đã quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh. Quyết định ấy khiến nàng vô cùng đau đớn khi mối tình với Kim Trọng bị dang dở. Để không phụ lòng người mình yêu, nàng đã trao duyên lại cho người em gái Thúy Vân để cô thay mình nối duyên với chàng Kim:

"Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

Ngay từ câu thơ mở đầu, người đọc đã cảm nhận được sự trang trọng trong lời nói và hành động của Thúy Kiều. Phải chăng việc trao duyên là việc hệ trọng, khó nói nên cách thức trao duyên cũng trịnh trọng và khác lạ hơn bởi thông thường người ta chỉ trao những đồ vật chứ không có ai lại trao đi một thứ khó xác định, khó nắm bắt như trao duyên.

Tuy là chị nhưng Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ, hành động rất trang trọng đối với Thúy Vân. Nàng không sử dụng từ "nhờ" mà lại dùng từ "cậy". "Cậy" không chỉ mang nghĩa nhờ vả mà còn mang sắc thái như nài nỉ, ép buộc đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng vào người được nhờ cậy. Song song với lời nói là hành động "lạy", "thưa" của Thúy Kiều. Việc nhờ cậy phải hệ trọng, khẩn thiết lắm thì Thúy Kiều mới có hành động như vậy. Thông thường chỉ những người có vai vế thấp hơn người cùng giao tiếp mới có những hành động "lạy", "thưa" nhưng trong trường hợp này, Kiều đã hạ mình xuống để cầu mong em gái chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng bởi lẽ nàng là người mang ơn. Đặt mình trong hoàn cảnh của Thúy Vân thì cô chỉ có thể "chịu lời" chứ không thể từ chối. Nếu Thúy Vân dùng từ "nhận lời" thì Thúy Vân có thể khước từ lời nhờ cậy, cô có thể giúp hoặc không giúp nhưng Thúy Kiều muốn em đồng ý giúp mình nên nàng đã đặt Vân vào hoàn cảnh mà cô chỉ có thể "chịu lời". Với lời nói và lễ nghi như vậy, làm sao Thúy Vân có thể từ chối giúp đỡ.

Để em gái hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sự nhờ cậy này, Thúy Kiều đã thuật lại câu chuyện của mình với Kim Trọng:

"Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề"

Có lẽ tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái nếu không bị đứt gánh giữa đường. Có lẽ tình yêu ấy sẽ có một kết thúc tốt đẹp nếu gia đình Kiều không gặp phải gia biến, Kiều không phải trải qua mười lăm năm lưu lạc. Hình ảnh ẩn dụ "gánh tương tư" chỉ mối tình của Thúy Kiều - Kim Trọng. Tình yêu vừa chớm nở chưa được bao lâu thì đã phải chịu sự lỡ dở. Có ai không đau xót cho sự dở dang của mối tình kim cổ đó. Tình duyên của bản thân không thành, đó có thể là "mối duyên thừa" đối với Thúy Vân nhưng Thúy Kiều vẫn "mặc em" chắp nối. "Mặc em" nhưng thực chất là nài nỉ, khẩn cầu em giúp đỡ. Biết rằng em gái sẽ khó xử nhưng nàng vẫn phó thác cho em, mong muốn em dùng keo loan để nối mối tơ duyên.

Nàng chia sẻ câu chuyện tình yêu của mình với Thúy Vân để cô có thể hiểu hơn về hoàn cảnh khó xử mà Thúy Kiều đang gặp phải. Kể từ khi gặp Kim Trọng, hai người đã nảy sinh tình cảm. Họ đã cùng nhau thề nguyền, đính ước. Các từ ngữ chỉ thời gian như "ngày', "đêm" cùng sự lặp lại ba lần của từ "khi": "khi gặp", "khi ngày", "khi đêm" đã cho thấy đó là một mối tình gắn bó sâu đậm. Chắc hẳn bạn đọc không quên đêm thề nguyền của Thúy Kiều và Kim Trọng:

"Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song"

Tình cảm dành cho nhau phải vô cùng sâu sắc thì họ mới cùng nhau thề nguyền. Nhắc đến hình ảnh "quạt ước", "chén thề" có lẽ Thúy Kiều đã không kìm được nỗi xót xa, tiếc nuối. Vầng trăng là chứng nhân cho lễ thề nguyền ấy vậy mà giờ đây nàng lại chính là người phụ tấm chân tình của chàng Kim. Đâu phải Thúy Kiều muốn như vậy. Đâu phải Thúy Kiều là con người bạc tình bạc nghĩa. Tai họa, sóng gió bỗng xảy đến bất ngờ, gia đình nàng bị thằng bán tơ vu oan, cha và em trai bị bắt. Để cứu cha và em thoát khỏi những đòn tra tấn tàn nhẫn của bọn sai nha, nàng đã quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh. Đọc đến dòng thơ này chúng ta mới có thể hiểu được nỗi khó xử của người con gái tài sắc ấy:

"Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai".

Là người con cả trong gia đình, đứng giữa chữ "hiếu" và chữ "tình", Thúy Kiều đã lựa chọn chữ "hiếu" để làm tròn bổn phận của một người con. Cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục chẳng lẽ bây giờ khi gia đình gặp sóng gió nàng lại chạy theo tiếng gọi của tình yêu để bỏ mặc gia đình? Là một người con hiếu thảo, nàng không thể làm như vậy. Công ơn của cha mẹ phận làm con dùng cả cuộc đời để báo đáp cũng không thể trả hết. Thúy Kiều tự nhận thấy tấm thân của mình không đáng giá bằng công ơn của cha mẹ:

"Vẻ chi một tấm hồng nhan
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành"

Sau khi giãi bày, tâm sự với Thúy Vân về mối tình với chàng Kim cũng là lúc nàng đưa ra những lời lẽ thuyết phục:

"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non"

Đối với Thúy Vân, những năm tháng tuổi trẻ của nàng vẫn còn dài rộng nhưng đối với Thúy Kiều thì những ngày xuân ngắn ngủi đã chấm dứt. Vì thế mà nàng lấy thời gian, "ngày xuân" ra để em thay mình giữ trọn lời thề non hẹn biển với chàng Kim. Để tăng thêm tính thuyết phục, Thúy Kiều còn nhắc đến tình máu mủ của chị em ruột thịt khiến Vân không thể từ chối lời khẩn cầu. Chỉ cần Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng thì dù cho Thúy Kiều ở nơi "chín suối" cũng mỉm cười vui vẻ:

"Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

Hai thành ngữ quen thuộc của dân gian "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" được tác giả sử dụng linh hoạt và tài tình. Đó đều là các thành ngữ chỉ cái chết, chỉ cõi âm phủ tăm tối. Với Thúy Kiều, mạng sống của mình không quan trọng bằng việc trả nghĩa cho chàng Kim. Chỉ cần Thúy Vân "chịu lời" thì dù có ở cõi chết nàng cũng cảm thấy mãn nguyện. Dù không còn sống trên thế gian này nữa thì ơn nghĩa của Thúy Vân nàng sẽ không bao giờ lãng quên. Không chỉ là người con gái hiếu thảo với cha mẹ, Thúy Kiều còn là một người sống có tình có nghĩa, biết hi sinh vì người khác.

Với thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển trong từng câu chữ cùng các thành ngữ, hình ảnh ẩn dụ, Nguyễn Du đã thể hiện thành công tâm trạng của Thúy Kiều khi phải trao lại mối duyên tình cho em gái ở mười hai câu thơ đầu tiên. Bằng giọng thơ xót xa đầy đau đớn, tác giả đã khơi gợi được lòng cảm thương, đồng cảm của bạn đọc bao thế hệ dành cho người con gái "hồng nhan bạc phận".

Có thể nói mười hai câu thơ đầu của đoạn trích "Trao duyên" đã khắc họa những tâm trạng dằn vặt, những giằng xé trong nội tâm nhân vật Thúy Kiều. Qua đó cũng thể hiện tiếng nói nhân đạo của nhà thơ khi lên tiếng tố cáo chế độ xã hội vì đồng tiền nên đã đẩy người phụ nữ rơi vào những bi kịch. Vì "sóng gió bất kì" mà Thúy Kiều phải "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Cũng vì sóng gió bất kì" mà nàng phải trải qua mười lăm năm lưu lạc. Đoạn thơ trên đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích "Trao duyên" nói riêng và tác phẩm "Truyện Kiều" nói chung, đồng thời nó cũng tạo nên những dư âm khó phai mờ trong lòng bạn đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #duyên#trao