Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bút, súng và Tổ Quốc

Lưu ý: Những sự kiện được nhắc tới trong chương này không sát 100% với sự thật lịch sử.

____________________________________________________________

Thằng Thịnh, thằng Triết nhận lệnh của đội trưởng đi tìm Quang "bún". Cũng đoán biết được đại khái tình hình, chúng chạy thẳng theo lối lên cầu I6. Khi hai đứa tới nới, thằng Quang đương nằm mê man ở giữa cầu, máu chảy thấm cả sang cái áo may ô mới tinh, khô lại đặc quánh.

Viên đạn ban nãy của giặc Pháp may mắn không bắn trúng Quang, nhưng nó cũng bị sức công phá của làn đạn dồn dập hất văng khỏi yên, trán đập vào thành cầu. Gom chút sức lực còn lại, Quang cố lết về phía chiếc xe. Nó có vẻ lo cho con "chiến mã" cùng mớ lương thực lĩnh được hơn là chính nó lúc này. Sau khi chắc chắn rằng cả xe cả gạo vẫn còn nguyên, nó mới nằm gục xuống, rồi ngất lịm đi.

Thịnh "sếu" xốc nách Quang dậy, để nó ngồi ngay ngắn lên xe rồi đạp nhanh về doanh trại. Thằng Triết vai vác bao gạo, tay cầm túi muối chạy đuổi đằng sau. Trời tối, chỉ có ánh sáng nhờ nhờ của trăng với vài ánh đèn leo lét hắt ra từ phía những ngôi lầu của tụi Tây. Quân ta không dám lắp đèn quanh khu vực này vì sợ đánh động, tạo điều kiện cho giặc Pháp bắn phá.

Bất chấp khả năng địch có thể đột ngột nổ súng thêm lần hai, lần ba, thằng Thịnh, thằng Triết vẫn băng đi. Nếu hỏi chúng có run sợ trước bom đạn không, thì câu trả lời là có. Nhưng có một điều khiến chúng hãi hùng hơn cả, ấy là viễn cảnh người em, người đồng đội thân thiết chỉ vì một phút chùn chân của chúng mà ra đi mãi mãi. Ý nghĩ ấy đã thôi thúc chúng tiếp tục chạy về phía trước. Dù cho có phải hy sinh máu thịt thì chúng vẫn sẽ gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Đội trưởng Nguyễn Thành đón cả ba ở cửa doanh trại, cùng với anh Đức y sĩ. Tổ quân y đóng cách doanh trại của tụi trinh sát độ hai cây. Anh Đức nhận được điện của anh Thành lập tức cầm hòm thuốc chạy sang, vừa kịp lúc hai đứa đưa được Quang "bún" về.

Thằng Quang máu chảy lênh láng, nửa tỉnh nửa mê vẫn ú ớ nhắc tới bao gạo túi muối mà nó lĩnh được. Tới mức đội trưởng phải nắm chặt tay nó trấn an: "Gạo muối vẫn còn nguyên. Em làm tốt lắm!" thì nó mới chịu nằm yên.

Thằng Thịnh phụ anh Thành đỡ Quang vào buồng nằm, thằng Triết đi sau ôm lương thực, dắt theo cả cái xe đạp. Nó dựng xe vào đúng chỗ gốc bàng rồi mới mang gạo xuống bếp.

Trong lúc anh Đức kiểm tra vết thương cho thằng Quang, cả đội chia nhau mỗi đứa một tay một chân phụ làm cơm. Đứa chẻ củi, đứa nhóm lửa, đứa vo gạo, đứa đãi lạc..., phối hợp nhanh nhẹn nhịp nhàng. Chẳng mấy chốc, một nồi cơm trắng nóng hổi đầy kênh vung đã được bê lên, thêm đĩa muối vừng, đĩa trứng kho với bát canh rau nhạt. Thời chiến, có một mâm cơm như thế đã là quý lắm.

Phần ăn tối của đội đã chuẩn bị xong xuôi, nhưng Ngọc vẫn nấu thêm một nồi cháo loãng, đập vào đấy ít trứng, ít hành, phòng khi Quang "bún" đau nặng không ăn cơm được thì còn có chút cháo nóng bỏ bụng.

Trong buồng, anh Đức tỉ mỉ giúp Quang xử lý vết thương, rửa qua bằng cồn rồi băng lại để tránh nhiễm trùng. Chấn thương của thằng Quang rất may không quá nghiêm trọng. Nhưng nó mất máu nhiều, cộng thêm bị nhiễm lạnh nên vẫn mê man chưa tỉnh. Đội trưởng ngồi lại canh nó, còn anh Đức thì được Khải với Nhật tiễn ra tới cửa. Cả hai không quên gửi anh một phần trứng kho: "Trứng của dân tiếp tế, ngon lắm. Anh cầm về cho tổ quân y một ít.". Anh Đức đã định từ chối, nhưng hai em nài quá anh đành nhận lấy rồi tất tả ra về.

Bữa cơm hôm ấy của đội trinh sát diễn ra trong không khí trầm lắng. Không còn tiếng cười đùa, nói chuyện rôm rả như những buổi trước. Đứa nào cũng cúi đầu, chăm chú và cơm như thể đói lắm.

Anh Thành bước vào phòng đúng lúc nhìn thấy cảnh ấy. Anh hiểu tận mắt chứng kiến đồng đội mình bị thương là một việc đau buồn tới nhường nào, đặc biệt là khi các em vẫn còn là những đứa trẻ. Là một người đội trưởng, anh biết nhiệm vụ của mình là nhanh chóng xốc lại tinh thần của những chiến sĩ nhỏ tuổi này.

Anh gọi các em vào phòng làm việc, lấy từ trong ngăn kéo ra một mảnh lựu đạn chỉ to bằng hai đốt ngón tay:

- Có những người, tuổi xuân của họ gắn liền với mùa xuân của đất nước...

Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn bão, anh thấp giọng kể lại một câu chuyện mà chính bản thân đã trải qua. 

Đội trưởng Nguyễn Thành năm đó mới chỉ là cậu học sinh trường Bưởi. Cả Bắc Kỳ khi ấy chỉ có trường Bưởi là Lycée dành cho học sinh An Nam. Nơi đây được gọi là cái nôi của lớp trí thức trẻ người Việt, đậu vào trường vào thời điểm này được coi như một niềm vinh dự lớn lao.

Tên chính gốc do Toàn quyền Đông Dương đặt là Collège du Protectorat- Trường Thành chung Bảo hộ, sau nâng cấp thành Lycée du Protectorat tức Trường Trung học Bảo hộ. Vì không muốn thừa nhận mục đích đào tạo thể hiện ngay trong cái danh ấy, một cậu học trò đã gọi trường là trường Bưởi. Về sau bè bạn, rồi nhân dân làm theo, cứ gọi mãi rồi cũng thành quen, cũng để một phần thể hiện tinh thần phản kháng lại người Pháp.

"...Trong lòng ta hằng cháy bỏng một ước mơ

Bàn tay cầm bút vẫn giương cao cây súng

Để bảo vệ hoà bình Tổ Quốc ta

Nguyện hiến dâng máu thịt oai hùng

Trái tim còn đập, máu còn chảy là còn chiến đấu..."

Ấy là bài hát mà biết bao thế hệ học trò trường Bưởi đều thuộc. Khoảng thời gian cuối năm 1931, cách mạng nước ta bước vào thời kì vô cùng khó khăn, rất nhiều học sinh tình nguyện "xếp bút nghiên", trở thành chiến sĩ cộng sản. Cậu học trò Đinh Hoàng cũng không phải ngoại lệ. Hoàng, không ai khác chính là người đã tiên phong gọi trường bằng cái tên Bưởi, cũng là người sáng tác bài hát "Bút, súng và Tổ Quốc". Nguyễn Thành là bạn cùng lớp với Đinh Hoàng, cả hai đã hẹn nhau sẽ cùng lên đường bảo vệ đất nước, giành lại độc lập.

Tuy nhiên, tụi Tây cũng là những tên cáo già. Chúng rất nhanh đã đánh hơi được âm mưu của đám học trò An Nam nên thẳng tay đàn áp bằng những hình thức cực kỳ tàn bạo. Chúng nghiêm cấm việc lưu hành bài hát của Đinh Hoàng, ai dám làm trái sẽ xử bắn tại chỗ.

Không chịu khuất phục, Hoàng và Thành cùng nhiều người bạn khác vẫn ngầm thực hiện những buổi tuyên truyền, cũng như tổ chức học tập rèn luyện tư tưởng chính trị cho học sinh trong và ngoài trường. Những hoạt động như thế, diễn ra đều đặn trong mấy tháng trời. Toàn phải bí mật mà làm, địa điểm và mật hiệu thay đổi liên tục để giặc khó mà lần theo.

Đáng tiếc thay cuối cùng chúng cũng phát hiện ra. Một toán lính Pháp ập vào giữa lúc Hoàng đang diễn thuyết về tầm quan trọng của Đảng và Bác Hồ. Hơn năm chục học sinh có mặt khi ấy đều bị bọn chúng trói lại giải đi. Riêng Đinh Hoàng, chúng chĩa súng vào thái dương, ý đồ bắn chết ngay tại đó. Thế nhưng cậu học trò trường Bưởi không hề run sợ, nhanh tay rút chốt an toàn quả lựu đạn đã thủ sẵn. Lựu đạn nổ, Đinh Hoàng hy sinh, kéo theo những tên lính Pháp còn lại.

Nguyễn Thành, may mắn tránh khỏi cuộc vây bắt của địch vì đi giải quyết công vụ với thầy giáo, khi chạy tới tìm bạn thì tất cả những gì còn sót lại chỉ là máu tươi, thịt vụn và vài mảnh lựu đạn.

- Hoàng đã ra đi một cách đầy anh dũng. - Đội trưởng đưa mắt nhìn toàn đội đầy âu yếm, chậm rãi kết thúc câu chuyện. - "Hiến dâng máu thịt oai hùng" đúng như bài hát anh đã viết.

Khải "vàng anh" không biết từ bao giờ đã ôm cây guitar, dạo những nốt nhạc đầu tiên. Nhật cất giọng hát trước, trầm ấm và hào hùng. Rồi một người lại thêm một người, cuối cùng cả đội trưởng Nguyễn Thành cũng hát theo. 

Bài hát "Bút, súng và Tổ Quốc" của một người học trò, một người lính kiên trung bất khuất.

"...Bàn tay cầm bút vẫn giương cao lá cờ

Để ghi dấu độc lập toàn dân tộc

Nguyện hy sinh một đời tuổi trẻ

Đôi chân chưa mỏi, sức chưa tàn là còn đấu tranh..." 













Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro