Thượng truyện
Truyền thuyết Thần Nông có kể, tạo hóa vì ưu ái loài người mà ban cho sự thông minh, quyền năng và đức độ. Con người nhờ những phẩm chất quý giá ấy, mượn thời gian tôi rèn, và đền đáp bằng một món quà cực kỳ tương xứng: sự tiến hóa.
Nhưng khi tiến hóa giúp con người đạt đến cảnh giới của giác ngộ, sự kiểm soát dần trở nên mong manh.
Con người đã đi sai đường.
Thông minh tạo ra gian trá, quyền năng biến thành tham vọng. Đức độ đã không còn là chân trị của loài người. Kỷ Khởi Nguyên, loài người phân hóa thành ba thế giới: tiên, nhân, và phi nhân.
Mở đầu cho đại kỷ, chiến tranh Ma Thần nổ ra, là đỉnh điểm của sự tranh chấp giữa tiên và phi nhân, giữa phi nhân và phi nhân, những kẻ đại diện cho quyền năng siêu nhiên và tham vọng.
Kết quả dẫn đến cực kỳ thảm khốc. Giới tiên rút khỏi trận chiến. Nhưng dưới quan điểm của giới phi nhân, bố cục vẫn chưa ngã ngũ. Những phi nhân tham chiến đều nhận ra họ cần sự có mặt của thế giới còn lại, nhân giới, hay chính là loài người nguyên cội.
Họ là số đông vốn nắm giữ sự thông minh và bản tính tò mò ham học hỏi. Họ an phận thủ thường, tránh xa mọi tranh chấp, tất nhiên, kể cả cuộc chiến Ma Thần.
Nhưng con người vẫn khao khát sự tiến hóa.
Điều đó dễ dàng bị lợi dụng. Rất nhiều phi nhân dưới danh nghĩa dẫn dắt bằng giáo lý đã lôi kéo vô số con người, lập ra hàng trăm phe phái, mở rộng quy mô chiến tranh, đưa loài người vào cuộc chiến lớn nhất của thế giới cổ đại: chiến tranh giáo lý.
Đó là một cuộc chơi quỷ khốc thần sầu, là cơn mưa khóc thê thảm nhất của tạo hóa. Loài người mất đi bảy phần mười nhân số của họ, và chính phi nhân cũng có một kết cục tương đương. Giới tiên đứng ngoài nhận thức rõ sự tai hại. Để răn đe các thế hệ, họ ghi chép lại hai cuộc chiến như một sự chấm dứt của kỷ Khởi Nguyên. Chúng trở thành huyền thoại.
Huyền thoại về hai cuộc chiến suýt đưa thế giới đến bờ diệt vong.
Để tránh vết xe đổ, tạo hóa tái thiết lập trật tự thế giới, an bài cho ba loài các vùng đất tách biệt.
Giới tiên sinh sống ở trên không trung, nơi chín tầng trời mây trắng muốt, thấu suốt đến vũ trụ mênh mông.
Giới người thường, họ ở các đồng bằng, các dãy núi thấp, bắt đầu học chăn nuôi trồng trọt, và sinh sôi.
Giới phi nhân, vốn đã bị phân hóa phức tạp, phải sống trên các dãy núi cao chạm chân trời ở phía tây Trung Thổ, để chịu sự giám sát của tiên, tránh xa cuộc sống an bình của con người.
Và như một con ấn đóng chắc cho sự bố trí cuối cùng, Thần Nông thị tộc, một dòng dõi cõi tiên, được tạo hóa ban cho quyền cai trị Trung Thổ, dẫn dắt sinh mệnh con người, cảnh giới tham vọng trong bóng tối của phi nhân, mở ra kỷ nguyên thứ hai, theo ghi chép giới tiên.
Kỷ nguyên Bình Minh.
Dị nhân, người thú, ma quỷ, bảy loài trong Thiên Long bát bộ, ... màu đen của giới phi nhân, lần lượt rút về những nơi u hoặc, nửa tối nửa sáng, hoặc đi phục thị cho giới tiên, hoặc chìm xuống biển sâu làm chủ của vạn loài hải vật.
Phi nhân ở miền sơn cước mang tên Vu Nguyên phía tây Trung Thổ, nghe theo sự dẫn dắt của giới tiên, phân chia thành các thần tộc, phục thị tộc Thần Nông, trở thành ngọn mâu và cái thuẫn cho sự hòa bình của loài người.
Bóng tối đã hoàn toàn bị đẩy lui.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa, nó đã hẹn ngày trở lại, như vòng tuần hoàn của ngày và đêm.
Cuối kỷ Bình Minh, ác tà xuống núi.
Dư âm của hai cuộc chiến kỷ Khởi Nguyên, ban đêm bắt đầu len lỏi vào trong loài người. Biên giới được vẽ ra, quốc gia được hình thành từ sự chia rẽ, và tranh chấp, như một điềm báo. Sự tiến hóa cuối cùng cũng đã biến dạng trước nỗi suy yếu và bất lực của tộc Thần Nông.
Chiến tranh bắt đầu kéo đến, ở ngay trong loài người, mà không cần sự xúi giục của giới phi nhân. Thay vào đó, nó mời gọi bóng tối của phi nhân trở lại với chiến trường.
Vào lúc ấy, tộc Thần Nông biết rằng, cũng như sứ mệnh của họ, kỷ nguyên Bình Minh đã sớm kết thúc. Sách giới tiên ghi chép, kỷ nguyên mới, mang tên kỷ nguyên Ánh Tà.
***
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro