1.
- Có thể chỉ còn lại sáu tháng, nhưng cũng còn tuỳ thuộc rất nhiều vào tinh thần em nó nữa, nếu như em nó có thể lạc quan thì kéo dài thêm tầm một hoặc hai tháng hay thậm chí một năm cũng không thành vấn đề. Nhưng mà... nếu như vài tuần tới mà chuyển biến không mấy khả quan thì tôi khuyên anh chị nên chuẩn bị tâm lý trước, có thể em nó sẽ ra đi sớm hơn thời gian dự kiến.
Vào thu, những cơn gió vẫn thoảng qua trên những tán cây già phủ rợp hai bên đường. Không như Hà Nội, Sài Gòn không có mùi hoa sữa vào độ tháng chín, cũng chẳng có những con đường phủ kín lá vàng như dòng lưu bút của những con người xa quê viết về Sài Gòn, hẳn chăng đó chỉ là một cách để người ta gợi nhớ những kỷ niệm cũ. Không giống nơi nào khác, Sài Gòn mang một màu rất riêng, một màu rất khác biệt, một màu khiến người đến thì thích người rời thì thương.
Hàng cổ thụ dọc đường Trương Định quận Ba độ này vẫn xanh um, dạo trưa như một thói quen cũ vẫn trải bóng dài từ Nguyễn Thị Minh Khai đâm qua công viên Tao Đàn rồi dọc đến cuối đường Hoàng Sa. Ngày nào cũng vậy, nó vẫn sừng sững đứng đó, vẫn thầm lặng nhìn dòng người lướt qua mà chẳng hay khi nào sẽ gặp lại.
Căn nhà khang trang nằm trong một con hẻm giữa trung tâm thành phố mấy tháng này tắt đèn tối tăm, hôm nay đã có hơi người trở lại. Mẹ tôi hai mắt sưng bụp sau những đêm dài lén khóc trong nhà tắm bệnh viện nay lại càng tiều tuỵ hơn khi nét mặt hốc hác trông rõ. Những tiếng nức nghẹn vẫn âm thầm động lại ngay cổ nhưng đôi lúc lại gãy ngang như sợ ai đó sẽ nghe thấy. Bà nào biết những lần bà xả nước xối xả trong nhà tắm tôi đã có thể nghe rất rõ những tiếng nức nở ấy rồi.
- Bây giờ bà khóc thì được gì, mình đã cố hết sức rồi, từ Sin cho tới Mỹ cũng đi đủ hết rồi. Thôi thì giờ chỉ cầu mong ông bà tổ tiên nhìn xuống mà độ cho nó thôi.
Ông Khanh ba tôi giọng thì có vẻ đanh thép vậy thôi nhưng khoé mắt ông vẫn chẳng thể nào che giấu được những cảm xúc trong lòng. Một người đàn ông cứng cõi tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ biết màu vị của giọt nước mắt thì giờ đây cũng trở nên yếu mềm với đôi mắt lưng tròng.
Kể từ ngày trở về sau những đợt hoá trị dài, mái tóc của tôi dường như biến mất, chiếc mũ len đen nhẻm mua ở chợ đêm Đà Lạt cách đây một năm nay lại vô tình trở thành người bạn cứu vớt đi cái vết sẹo vô hình trên gương mặt bé nhỏ của tôi, của cậu trai trẻ sắp bước qua tuổi mười tám. Nhớ ngày trước khi chưa phát bệnh tháng nào tôi cũng phải đi làm tóc một đến hai lần, riết rồi tôi thân luôn cả với anh thợ tóc vui tính gần nhà. Có hôm hai anh em vừa cắt tóc vừa tâm sự, ông ấy hỏi tôi. "Tóc đã dài đâu mà sao đi cắt hoài vậy?" Khi ấy tôi chỉ cười rồi đáp lại một cách bộc trực chẳng suy nghĩ nhiều. "Làm cho đẹp, mấy đứa bạn em thích em để kiều này lắm nhưng mà kiểu này dài ra xíu là hết đẹp rồi nên chăm đi làm tóc xíu cũng không sao, miễn đẹp là được." Giờ thì hay hơn rồi, tôi đã chẳng còn dịp để gặp ông anh ấy nữa. Có vạ may thì mai này chắc chỉ là vô tình bắt gặp trên đường rồi hỏi qua loa vài câu lại thôi.
Từ ngày trở về cánh cửa phòng của tôi luôn trong tình trạng khép chặt, ánh sáng căn phòng trên lầu ba dường như chỉ được thấp sáng nhờ những ánh hoàng hôn mờ nhạt hắt vào bên ngoài khung cửa kính. Cái kệ sách lớn đặt cạnh bên chiếc bàn nhỏ cũng mờ nhạt theo ánh chiều tà, phản phất những hạt bụi nhỏ bay vào không trung. Cũng phải thôi, bởi đã rất lâu rồi tôi chẳng còn màn đụng đến chúng. Đụng làm gì khi mai này mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.
Mẹ tôi mỗi lúc đem cơm, dặn tôi uống thuốc đều luôn sụt suỵt khẽ giọng. "Sao con không bật đèn lên cho sáng, để tối tăm như vậy u uất lắm." Khi ấy tôi chẳng nói gì chỉ lẳng lặng nằm nghiêng nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi ánh hoàng hôn đang dần khuất sau những áng mây phập phòng trôi dạt trên bầu trời. Tôi biết ngày mai đây tôi cũng sẽ phải lặn dần như ánh hoàng hôn kia, chỉ khác là sẽ không bao giờ mọc lên lại nên bây giờ học cách đối diện với bóng tối vẫn là cách tốt nhất.
Hôm ấy trời Sài Gòn bất chợt trút cơn mưa nặng hạt làm lòng tôi có phần nặng trĩu. Cuốn lịch đếm ngày tôi lén giấu trong hộc tủ nay lại xuất hiện thêm một dấu gạch sớm hơn mọi ngày. Ánh hoàng hôn tôi mong chờ đã bị vùi dập sau những áng mây đen sầu uất kia. Tôi bước xuống giường sau cơn đau quằn quại kéo dài mấy ngày hôm nay. Mẹ tôi đang loay hoay dưới bếp với mớ rau củ mà trong sách viết rằng có khả năng chữa ung thư rất tốt. Nhìn mẹ như vậy tôi chỉ biết cười gượng mà quặn thắt trong lòng. "Chữa được gì khi cơ thể chỉ còn lại đóng tế bào ung thư đang di căn khắp mọi ngõ ngách."
- Sao con xuống đây? Không khoẻ thì nằm trên phòng nghỉ đi, tí nữa mẹ đem cơm lên cho.
Thấy tôi xuống mẹ giấu vội cuốn sách trị ung thư vào ngăn bếp, có lẽ bà không muốn tôi nghĩ đến những thứ tiêu cực, hay đơn giản hơn đó là nghĩ về bệnh tật của mình. Tôi cũng hiểu nhưng cũng chỉ biết giấu trong lòng.
- Nay trời mưa trên phòng buồn lắm, con muốn xuống nhà ăn cơm cùng mẹ với ba.
Tính ra cũng đã rất lâu rồi gia đình tôi chưa có lấy một bữa ăn chung. Kể từ khi tôi phải nhập viện hoá trị cho đến khi về nhà thì tôi luôn tự tách mình ra khỏi gia đình chẳng bởi một lý do gì cả. Có thể chỉ là tôi muốn "hưởng thụ" cảm giác một mình. Mẹ tôi cũng khá bất ngờ, nghe tôi nói vậy bà vội rửa tay rồi gọi điện thoại ngay cho ba tôi hối thúc ông ấy mau mau về.
Bữa cơm hôm ấy yên ắng đến độ có thể nghe được tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài lớp kính. Ba mẹ nhìn tôi với ánh mắt mang đầy hi vọng, tôi có thể cảm nhận được cái khao khát đơn thuần mà cháy bỏng của hai người từ đôi mắt ấy. Khao khát tôi có thể tồn tại cạnh họ lâu hơn một chút, dù chỉ là một ngày thôi.
Tôi không biết do khẩu vị tôi ngày càng khó chiều hay tại cái nợ tôi đang mang trong người mà không món nào trên bàn làm tôi hợp ý. Cảm giác chẳng khác nào đang nhai một ngụm nước bọt của chính mình. Mẹ tôi dường như không biết, bà chỉ mãi miết gắp lấy gắp để bỏ vào chén tôi những món mà bà cho rằng có thể chữa lành căn bệnh đang ngấm ngầm tồn tại trong cơ thể tôi.
- Con không muốn đi học nữa.
Mẹ tôi dừng đũa ánh mắt thoạt buồn nhìn tôi, có lẽ bà đã hiểu được những dòng suy nghĩ đang chạy trong đầu tôi. Bà quay sang nhìn ba lòng nặng trĩu. Ba như đang cố lãng tránh ánh mắt của tôi, ông vừa cầm đũa vừa trầm giọng.
- Dù gì đi chăng nữa thì vẫn phải học, học cho bằng bạn bằng bè.
Tôi không hiểu khi ấy ông đã nghĩ gì, tôi chỉ biết ông đã cố gắng bỏ mọi công việc để về sớm để có thể ăn một bữa cơm chung với tôi. Và rồi đưa ra những ý kiến mà ông cho rằng đúng, còn với tôi thì lại là không.
- Bằng bọn nó để làm gì, không phải trước sau gì con cũng chết sớm hơn bọn nó sao?
Bàn ăn lại rơi vào thanh âm tĩnh lặng, mẹ nhìn tôi rơm rớm nước mắt, tôi biết bà không muốn tôi thấy bà khóc nhưng có lẽ lời nói vô tình tôi vừa thốt ra đã khiến lòng bà như bị bóp nghẹt. Ba tôi đập đũa xuống bàn, đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt bất lực từ ông.
- Sống chết có số, con có bao giờ nghĩ cho mẹ con chưa mà lại nói ra những lời đó. Con có biết nuôi con lớn lên bằng này để nhận lại những thứ như bây giờ ta với mẹ con đã đau như thế nào không? Con không được nói những lời như vậy, ta không cho phép!
Nếu như ngày thường có lẽ ông đã giáo huấn tôi bằng những lời cọc cằn khó nghe, nhưng khi ấy ông đã cố dặn lòng bởi ông biết những lời ông nói ra hôm nay sẽ là những lời dao đâm búa bổ vào ký ức của ông sau này.
Mẹ tôi đưa tay lau đi những giọt nước mắt ngắn dài trên gò má rồi cố nuốt nghẹn đưa tay vuốt ve bờ vai có phần gầy gò của tôi.
- Thôi không sao, con không muốn học thì thôi ba mẹ không ép con, miễn sao con thấy vui là được.
Từ bữa cơm đó cuộc sống của tôi ngày càng tẻ nhạt hơn. Một ngày trôi qua chỉ là việc đối diện với những cơn đau âm ỉ, rồi lại cuộn mình trên chiếc giường nhỏ ngắm nhìn hoàng hôn buông bên ngoài khung cửa. Tôi tự cách ly bản thân với thế giới bên ngoài như đang tự học cách đối diện với nỗi sợ bên trong. Nỗi sợ ngày mai tôi phải rời xa nơi này!
Ngày tiếp theo trôi qua, tôi tỉnh dậy khi bên kia lớp rèm đã che ché những vạt nắng gắt ban trưa. Tiết trời Sài Gòn vẫn khiến người ta khó chịu chẳng hề thay đổi. Tôi trườn người một cách đầy mệt mỏi. "À, mình vẫn chưa chết." Có lẽ những buổi sớm mai là lúc tôi khao khát được biến mất, bởi lẽ khi ấy tôi sẽ chẳng còn phải chịu đựng những cơn đau trong những tiếng còn lại trong ngày.
- Mẹ mới tìm được cho con một bác sĩ tâm lý tốt lắm, nghe nói là ở nước ngoài mới về. Dậy ăn uống rồi tí nữa mẹ chở con đi.
Tôi còn chẳng nhớ nỗi đây là buổi tư vấn tâm lý lần thứ bao nhiêu. Kể từ ngày tôi phát bệnh mẹ đã tìm hết tất cả mọi cách để ổn định tâm lý của tôi trước khi bước vào quá trình điều trị. Những lần đầu tâm lý của tôi dường như ổn định hơn nhưng dần dà mọi thứ trở nên vô ích. Thứ tôi nhận được chỉ là những lời động viên khích lệ và khuyên nhủ vô cùng sáo rỗng. Nhưng rồi tôi vẫn phải ngồi đối diện với những người tự xưng là "bạn" , họ nói họ đồng cảm thấu hiểu tôi mà đến cảm giác bị ung thư sẽ như thề nào họ còn không biết thì những lời nói đó cuối cùng cũng chỉ là công việc mưu sinh.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro