Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

8. Đèn lồng đỏ treo cao


Hơn hai tháng trước tôi có về quê tạ mộ, quê tôi ở Phù Cừ, dù giáp danh thị xã Hưng Yên, nhưng đó vẫn là một vùng nông thôn đậm nét. Thú thực là từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới về đây lần này là lần thứ tư, tính ra thì cũng đã 7 8 năm tôi chưa quay lại nơi này. Cơ bản là nó không có nhiều kỷ niệm với tôi lắm, vật duy nhất mà tôi còn lưu giữ sau mỗi lần về quê, chính là những bức ảnh chụp từ chiếc máy ảnh film của bố. So với trong ảnh thì thực tế đã thay đổi ít nhiều, có thể nhận ra đời sống đang đi lên từng ngày, trên con đường dẫn vào khu nghĩa trang tôi bắt gặp một cây gạo. Nó mọc ngăn cách giữa khu dân cư và bãi tha ma, vô tình tôi nghe được bà nội hỏi về nhà ông Tịnh nào đó, người mà trước đây từng sống cạnh cây gạo này.

Hồi đó là cách đây khoảng trên chục năm, ngày ấy chưa có đường be tông như bây giờ, gần ruộng nên bùn đất quanh năm lầy lội, mồ mả cũng chưa được quy hoạch vào một bãi, rải rác đây một nấm, kia một nấm, rất mất mỹ quan. Tôi không biết rõ lai lịch bác Tịnh kia như thế nào, chỉ nghe bà nội và họ hàng nói với nhau, rằng nhà bác ấy ở bên trái cây gạo, dưới tán cây có đống rơm to, chắc phải to nhất thôn hồi ấy.

Có vẻ gia đình bác Tịnh là một nhà khá giả. Ruộng nhà bác rộng lắm, phải bằng cả bãi tha ma bây giờ, quê tôi được xét vào vùng khó khăn, nhà bác tuy không khá giả gì nhưng cũng hơn hầu hết các nhà khác trong thôn. Có điều bác Tịnh nghiệt lắm, bà tôi nhớ như in cái ngày qua nhà bác ăn cỗ, bác có bày trầu cau, bà tôi không ăn nhưng có bọc mấy miếng đem về cho cụ, lúc cụ bỏ vào mồm nhai, thấy rắn quá phải nhổ ra, bên trong không thấy có cau mà thay bằng một miếng vỏ cây nhãn.

Tiếp đến là chuyện tranh mả, chả là có ngôi mộ tổ nhà bác kia xây trên khoảng ruộng nhà bác Tịnh từ ngày xưa rồi, đến khi con cháu muốn di dời về một cụm với mộ gia đình thì bác lật mặt, đòi nhà kia bồi thường, thì nhà kia có trả nhưng bác lại đòi giá cao, hai bên bất đồng rồi nảy sinh cãi vã, còn tưởng đánh nhau vỡ đầu đến nơi. May mà cán bộ xã xuống làm việc kịp thời, từ dạo đó cả làng cả xóm ai cũng gớm cái tính nghiệt ngã của nhà bác Tịnh.

Đỉnh điểm là khi huyện đánh công điện xuống đề nghị mỗi xã phải quy hoạch một cái bãi tha ma, tránh để tình trạng rải rác như bây giờ, mất đất canh tác. Khoảng đất được chọn làm bãi tha ma chiếm 1/3 là đất ruộng nhà bác Tịnh và dù đã được cán bộ xa xuống tận nơi cam kết bồi thường bằng giá thị trường nhưng bác vẫn nhất định không giao đất. Lằng nhằng mất mấy tháng chưa xong, tới rằm trung thu năm ấy, nhà bác xảy ra hỏa hoạn.

Theo lời của đám trẻ con ngày ấy, thì chúng nó đang rủ nhau đi rước đèn ông sao, xong tụ tập ở bãi ruộng cạnh nhà bác Tịnh chơi trốn tìm. Đứa con trai nhà bác Tịnh cũng có trong đám đó, nó cầm đèn ông sao có cắm cây nến đang cháy ở trong, trèo lên cây gạo để trốn. Thế thì lúc nhận ra cái đèn sáng quá kiểu gì cũng bị bắt, thằng bé liền thả cái đèn xuống đống rơm. Cái đèn không rơi trên chốc đụn rơm mà trượt xuống bên mé, vì vậy sau đó không ai thấy nó bén lửa ra xung quanh. Bọn trẻ mải chơi càng không để ý, nhất là thằng con nhà bác Tịnh, nó trốn trên cây gạo kín tới độ không ai phát hiện ra. Kết quả đống rơm bốc cháy thành ngọn, đám trẻ hoảng loạn chạy hét ầm ĩ, bác Tịnh nghe thấy lập tức lao ra, đụn rơm to nhất làng giờ đã cháy rừng rực, lửa còn lan sang mái nhà và cháy luôn cả cây gạo.

Trong đám lửa văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu cứu, mấy người kể lại quả quyết có nghe thấy nhưng tưởng là ai đó trong nhà nên chỉ tập trung chạy đồ và dập lửa. Tới lúc bác Tịnh giật mình nhớ ra thằng con thì đã chẳng thấy nó đâu nữa, bác cuống cuồng đi tìm, bấy giờ có người mới chỉ lên cây gạo, cái tán ở ngay trên đống rơm hình như vừa có cái gì rơi xuống. Chỉ nghe phụt một tiếng, đám lửa cháy bùng lên cả tàn đỏ, cây gạo chìm trong màn lửa hừng hực, tiếng lép bép xen lẫn với tiếng gọi con tuyệt vọng của bác Tịnh khiến cho bất cứ ai nhớ lại cũng mủn lòng.

Tới gần sáng thì đám cháy mới được dập tắt, đồng rơm, căn nhà và cây gạo đều cùng một màu đen của tro tàn, khói vẫn bốc lên nghi ngút, bác Tịnh vẫn gào khóc gọi con, người ta bới trong đám tro rơm ra một xác trẻ con cháy đen, vừa nhìn bác đã ngất lịm đi. Chỉ trong một đêm mà bác mất nơi ở, mất luôn cả đứa con, đau khổ tột cùng.

Không lâu sau mọi người chung tay giúp bác dọn dẹp đống đổ nát, muốn an ủi phần nào nỗi đau thương mất mát của gia đình nên dân làng quyết định xây cho bác ngôi nhà mới, họ thấy cây gạo cháy đen kia không sống được nữa nên mới chặt nó đi, nhưng kì lạ là năm lần bảy lượt đem cửa đên đều không được. Khi thì cưa gãy, khi thì người bị tai nạn, ngay như ông trưởng thôn ra quyết định chặt cây cũng bị ngã cầu thang gãy chân, dân làng đâm ra sợ cái cây gạo chết này, thôi thì họ quay ra khuyên nhủ bác tình, bảo bác bán mảnh ruộng đi làm bãi tha ma, lấy tiền mua mảnh khác trong xóm mà ở. Bác Tịnh lúc đấy không còn thiết gì nữa, với cả cho bác ở lại mảnh đất này bác cũng không ở được, thế là quyết định bán.

Ai cũng tưởng cây gạo kia chết chắc rồi, nhưng chỉ sang năm tiếp theo, người ta lại thấy nó đâm chồi nảy lộc, cái thân bị cháy đen trụi thế mà vẫn sống. Nhiều lời đồn đoán xung quanh nó, nhưng chẳng ai dám chắc, cuối cùng bãi tha ma cũng được quy hoạch xong và cây gạo được nằm chính giữa hai bên một là người sống một là người chết. Chuyện chưa dừng lại ở đó, chương trình cải cách nông thôn mới về tới từng thôn xóm, yêu cầu đầu tiên chính là làm đường bê tông. Khi mà tất cả đường làng ngõ xóm trong thôn đều đã được san phẳng lỳ, thì tới lượt đoạn qua bãi tha ma đi vào thi công.

Nghe bà con kể lại, buổi chiều người ta cho rải đá và đổ bê tông lên mặt đường xong, sáng hôm sau ra nhìn dưới gốc cây gạo thấy rất nhiều dấu chân trẻ con dẫm lên. Dấu chân đi xung quanh gốc cây, không có hướng đến hướng đi, chỉ vòng hai ba vòng dưới gốc cây rồi biến mất. Bọn trẻ con trong thôn từ đợt có bãi tha ma thì không dám chơi gần cây gạo nữa, chưa kể là công nhân có đặt rào chắn người qua lại vì đang làm đường, không thể là người ngoài chạy vào được. Thế là dân làng thi nhau đồn đoán.

Có người còn kể lại rằng, vào lúc tờ mờ sáng, người đó đi chở rau ra thị xã bán, có đạp ngang qua đoạn cây gạo, từ xa đã thấy trên cây có đốm sáng lập lòe. Mà không chỉ một người đó, nhiều người dân xung quanh cũng nói theo, từ nửa đêm về sáng trên cây có xuất hiện ánh lửa, nó không phải xanh như ma trơi, nhìn nó giống như màu đỏ của giấy bọc oản vậy. Biết bao nhiêu người cùng nhìn thấy thì không thể nào nhầm được, dân làng lại được dịp đồn đoán thêm nữa.

Bà tôi bảo có khi là do bác Tịnh tham đất của người chết nên mới bị trả thù như vậy, cái gì chứ riêng vấn đề tâm linh thì không nên hơn thua, người chết không nói lí được đâu. Sau khi từ quê về, tôi có tìm lại số ảnh đã chụp tám năm trước, thấy có một cái chụp cạnh cổng nghĩa trang, bên góc ảnh là cây gạo, đúng là thân nó đen hơn so với bây giờ rất nhiều. Tôi bỗng nhớ lại lời người làng nói, rằng trên cây gạo thường xuất hiện ánh lửa đỏ chập chờn, tự nhiên tôi thấy những cụm hoa gạo trong ảnh lại sáng lên, màu đỏ của chúng giống như ở đèn ông sao mà đêm rằm trung thu người ta mắc lên đó vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro