Không Khóc ở Hanover
*1. Mở cửa thấy thiên đường***
Hanover đón tôi bằng một ngày thật sự đẹp đẽ. Thu đã về ở Hanover, thổi vào nơi đây chút hanh hao và mê đắm rất tình. Bác Joseph đã đợi tôi ở sân bay cách đây nửa tiếng, nhìn tôi cười hiền hậu, nói câu "Chào Minh"bằng thứ tiếng Việt lơ lớ nhưng thật đáng yêu- Tôi hơi kiễng chân để ôm bác một cái thật thắm thiết (bác Joseph có dáng hình to lớn và cái bụng phệ, một vòng ôm của tôi cũng không ôm xuể người bác )rồi hì hục kéo vali hành lý to kềnh càng theo sau bác, ra chỗ bãi đậu xe đông mịt mùng.
Ngồi cạnh bác Joseph trên ghế trước của chiếc Citroen kiểu cổ, tôi lặng im đưa mắt nhìn khắp những hàng cây, những toà nhà dọc tuyến đường đi.
Hanover đẹp đẽ và yên bình như một nàng công chúa đang chìm đắm trong giấc ngủ ngàn năm. Những toà nhà san sát, sơn trắng và mang phong cách Châu Âu cổ kính, trước mỗi quán café hay đồ lưu niệm đều có treo những chậu hoa bé xíu rất dễ thương. Dọc bên đường là những cây phong và những cây gì đó mà tôi chưa biết tên, những cây giờ đã khoác lên mình bộ áo vàng của chúa thu, thi thoảng gió to, những cơn mưa lá vàng rơi rợp đường phố, tôi thò tay qua cửa kính xe, định đón một chiếc lá, nhưng thường thì tôi đón trượt và bác Joseph sẽ cười.
Xe chầm chậm chạy vào một con đường nhỏ, tĩnh lặng và yên bình một cách đáng ngạc nhiên. Tôi nhận ra ngay ngôi nhà của bác Joseph và bác An -ngôi nhà tôi đã rất thân thuộc dù chưa từng đặt chân đến (do nhìn ngắm hoài trên những tấm hình bác An gửi). Bác An đã đợi sẵn tôi ở cửa. Bác mặc chiếc tạp dề và tay vẫn còn dính ít bột, rõ ràng là đang làm dở mẻ bánh nào đó. Nhìn bác trẻ trung chẳng khác gì 5 nămtrước — khi về Việt Nam thăm cả đại gia đình. Bác An ôm tôi một cái rất chặt, trước khi bắt tôi quay một vòng, rồi nhận xét trông tôi xinh và trắng hơn so với webcam và những tấm hình gửi bác.
Sau màn ôm hôn và chào đón khá "long trọng", bác An lại tiếp tục với mẻ bánh và những bữa ăn hứa hẹn kết hợp cả Âu Á, còn tôi được bác Joseph dẫn lên phòng. Phòng tôi sẽ ở trước là phòng của chị Susan, giờ chị đã kết hôn và sang định cư cùng chồng ở bang California. Bác Joseph đã cất đi những đồ vật cũ của chị, quét lại sơn và thay lại ga giường để đón tôi. Bác nói, bác mới chỉ quét sơn màu be, còn lại tôi phải tự trang trí cho ra dáng phòng của con gái. Rồi bác nháy mắt với tôi và đi xuống, để tôi tự do chiêm ngưỡng khoảng không thuộc về mình.
Cửa sổ phòng vẫn còn khép hờ, từng tia nắng chiếu qua khe cửa như mời gọi. Tôi đã từng nghe chị Susan kể về căn phòng của chị. Chị đã nói vớitôi rằng: "Chỉ cần mở cửa sổ, em sẽ có cả thiên đường trong tay". Và chẳng để mình đợi lâu, tôi chạy đến ngay và mở toang cánh cửa. Một cánh rừng nhỏ hiện ra trước mắt với bạt ngàn những cây lá phong. Nắng chiếu qua tán cây từng vạt lấp lánh, tạo nên bức tranh mùa thu đầy lãng mạn và đắm say. Tôi thầm thốt lên với chính mình, tự hỏi nếu Levitan có mặt ở đây, thì ông có trầm trồ như tôi không, vàcó cố gắng ngăn cho tim mình không khỏi đập nhanh như tôi không. Khoảnh khắc ấy, hơn mọi khoảnh khắc trong đời, tôi đã ước rằng mình biết vẽ, và vẽ đẹp. Nếu như thế, chắc hẳn tôi sẽ cho ra đời một tác phẩm hoàn hảo nhất và đặt cho nó một cái tên thật "diễm tình". Tiếc là tôi lại không biết vẽ, điều duy nhất có thể làm là lôi chiếc máy ảnh Canon ra và bấm "tách". Sau bữa ăn, tôi sẽ gửi bức ảnh đó cho Nam trong một email có cái tựa đề rất "kêu" (mà anh đọc có thể sẽ bảo tôi thật sến :D): Thiên đường bé nhỏ của riêng em.
Sau ngày đầu tiên ấy, tôi cũng quyết định vẽ lên mảng tường màu be của bác Joseph những cây lá phong xinh đẹp (tôi vẽ thân cây, rồi nhặt về những chiếc lá phong to đẹp, nhúng cả nó vào thùng sơn, rồi in lên khắp tường). Vậy là, chỉ ba ngày sau, tôi đã hoàn thành tâm nguyện, mang cả "thiên đường bé nhỏ" ngoài kia lấp đầy khoảng trống của riêng tôi.
*2. **Tiên đỡ đầu và Những-bài-học-đầu-tiên*
Tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới ở Hanover. Tôi giống như một cô gái bé nhỏ vừa đi lạc vào một thế giới khác, đang cố gắng một cách nhanh nhất để thích ứng với những gì đang diễn ra xung quanh. Tôi học cách nhớ tên các tuyến đường, học cách di chuyển trêncác phương tiện công cộng,học cách nói tiếng Đức không ngọng nghịu, học cách không nhăn mặt khó chịu khi ai đó... xì mũi ngay trước mặt mình, và hơn cả, học cách cắn chặt môi khi cảm thấy tủi thân. Thật may là bên tôi luôn có hai tiên đỡ đầu - biệt danh trìu mến tôi dành tặng cho bác Joseph và bác An.
Những ngày đầu đến trường cũng thật gian nan nhưng vô cùng thú vị. Tôi phải học cách thể hiện bản thân, học cách nói ra chính kiến và bảo vệ nó đến cùng, học cách làm quen với những buổi tranh luận nảy lửa chẳng khác gì cãi vã. Lắm khi, tôi cảm thấy thật sự khó chịu khi buổi tranh luận đang đến hồi cao trào, còn tôi thì lại không tìm được từ gì để diễn tả điều mình muốn nói.
Sau một ngày vất vả, tôi sẽ về nhà và nằm ườn ra giường như một chú mèo lười biếng. Đó là khoảng thời gian tôi dành cho riêng mình. Tôi sẽ nằm và mường tượng ra những người thân yêu cách tôi nửa vòng trái đất, giờ này họ đang ở đâu và làm gì.
Ngày tôi đi, gia đình, bạn bè và Nam tiễn tôi ở sân bay. Từng vòng ôm chặt và thấm đẫm nước mắt. Lúc ôm tôi, Nam thì thầm rất nhẹ:
"Minh, nhớ nhé, chỉ hôm nay thôi nhé... Đừng khóc ở Hanover". Tôi ghi nhớ lời anh dặn. Ở Hanover, dù thế nào, tôi cũng sẽ phải trở thành một con người khác, không còn là con nhóc Minh dựa dẫm và mít ướt, không hơi tý là nũng nịu, không hơi tý là mất hết kiên nhẫn. Bởi vì ở Hanover không có bà và bố mẹ. Bởi vì ở Hanover—không có Nam.
Rồi tôi sẽ lôi quyển sổ Nam tặng ra và bắt đầu viết ngấu nghiến, như thể bù đắp lại những ngày dài không được nói tiếng mẹ đẻ, bù đắp lại nỗi nhớ đằng đẵng của tôi. Anh cũng có một quyển sổ giống tôi, chúng tôi đã giao hẹn với nhau khi về sẽ trao đổi sổ. Thật kì lạ, dù thời đại internet đã và đang phát triển như vũ bão, thì tôi và Nam vẫn yêu thích việc viết tay hơn. Tất nhiên, chúng tôi vẫn chat với nhau, vẫn gửi email và vẫn ghé Facebook của nhau đều đặn, nhưng cuốn sổ mới là nơi tôi lưu giữ giùm tôi những tình cảm sâu kín nhất những niềm vui, và cả những cô đơn củamột con nhóc 19 tuổi lần đầu tiên xa nhà.
*3. **Bức ảnh của bà*
Rồi tháng ngày cũng lặng lẽ trôi đi, bên cửa sổ phòng tôi, màu lá phong chuyển từ vàng sang đỏ, rồi từ từ rơi xuống mặt đất. Một thảm lá dày êm như chiếc nệm, qua vài ngày nắng biến thành tiếng kêu giòn tan dưới bước chân tôi. Những ngày nghỉ, tôi hay ngồi dưới một cây phong nào đó, và đọc một vài cái note Nam "private" dành riêng cho mình. Anh kể tôi nghe tình hình ở nhà và chụp cho tôi xem một vài bức ảnh. Có một vài bức thật đặc biệt, như bức con mèo Magic của tôi nằm dài bên cửa sổ phơi nắng, hay bức ảnh bà tôi đứng lặng lẽ nơi ban công tầng hai nhìn xa xăm.
Ở nhà, tôi thương nhất là bà. Bố mẹ tôi đi làm triền miên, bà tôi dườngnhư trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi từ tấm bé. Tôi và bà hay cùng nhau dậy sớm, đi bộ thể dục và cùng tưới những chậu cây thường xuân, phong lan, trà my ở khắp ban công. Bà cũng thường ngồi trên chiếc ghế bành to, ôm con mèo Magic trong lòng, tỉ mẩn đan mỗi giờ tôi ngồi học. Tôi hay hỏi bố mẹ và Nam tình hình sức khoẻ của bà. Bà tôi giờ đã gần 90, và thời gian thì dường như chẳng bỏ quên ai cả. Trước lúc tôi đi, bà đã dần có dấu hiệu lẫn (một căn bệnh khó tránh của người già)...
Bà hay hỏi đi hỏi lại tôi một câu hỏi và thường xuyên quên mất mình đang làm gì. Tôi thoảng thốt khi nghĩ đến một ngày, tôi trở về và bà không còn nhận ra tôi, ý nghĩ thoáng qua rất nhanh nhưng lại khiến tôi muôn phần sợ hãi. Tôi ngồi bó gối và thấy lòng sao se sắt...
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi, bàn tay không to, nhưng ấm áp, bàn tay có vương mùi bột mì. Và chúng tôi ngồi lặng bên nhau cho đến tận hoàng hôn.
*4. *Không khóc ở Hanover.
Mùa đông ở Hanover đến chậm chạp nhưng rõ nét. Sáng sớm của một ngày tháng Mười Hai, tôi mở cửa sổ và ngỡ ngàng bởi khung cảnh quá ư tuyệtvời. Cả khu rừng bị bao phủ bởi một làn sương, cảnh vật làm tôi liên tưởng đến một xứ sở huyền bí, hoang sơ trong những câu chuyện cổ. Có vẻ ngày đang đến thật muộn, tôi chậm chạp một cách lười biếng trèo xuống giường, đánh răng rửa mặt rồi xuống chuẩn bị bữa sáng với bác An. Hôm nay tôi có giờ của thầy Alex - thảo luận về Sherlock Holmes. Tôi đã chuẩn bị cho bài rất kĩ. Dù thời tiết lạnh lẽo và đầy sương mù hôm nay làm người ta biếng nhác, nhưng rõ ràng tôi chẳng muốn đến muộn tẹo nào.
Vì là buổi học cuối cùng trong năm nên lớp đông hơn thường lệ. Mọi người thảo luận một cách sôi nổi về Sherlock Holmes, về tài năng, tính cách và đời sống riêng của ông, chúng tôi thậm chí còn tò mò xem Sherlock Holmes có "gay" hay không và mối tình giữa ông và nàng Irene Alder có thật sự tồn tại. Có lẽ Sherlock Holmes là nhân vật hư cấu duy nhất gây cho tất cả chúng tôi sự háo hức, thích thú nhiều đến vậy, thậm chí nhiều lúc, tôi còn quên đi rằng Sherlock Holmes không thật sự tồn tại và ông chỉ là nhân vật được tạo nên bởi trí tưởng tượng phong phú siêu phàm của Arthur Conan Doyle. Tôi cũng thấy vui vì sự tiến bộ của bản thân, chỉ mấy tháng ngắn ngủi nhưng khả năng nghe và bật tiếng Đức của tôi đã tốt lên trông thấy, tôi đã có thể thảo luận một cách trơn tru và không ngại ngùng trước một anh chàng hay cô nàng bản xứ. Tôi cho đó là một thành quả xứng đáng với tất cả những công sức mà tôi bỏ ra.
Kì nghỉ đông kéo dài tận một tháng, nhưng tôi không về Việt Nam. Năm nay, tôi sẽ trải qua một mùa nghỉ lễ dài ở Hanover. Chị Susan cùng chồng có về thăm nhà vài ngày rồi lại bắt đầu một chuyến chu du mới. Bác An sợ tôi buồn và nhớ nhà, nên liên tục rủ tôi đi chợ. Bác cũng lục đục muối dưa hành, và làm đủ các thể loại mứt để chuẩn bị cho tôi một cái Tết không-khác-gì-Việt-Nam.
Thời gian nghỉ dài, tôi dành để học lái xe ô tô, đi thăm thú Hanover và các vùng lân cận. Đây cũng là thời kì tôi bắt đầu chiêm nghiệm những tácphẩm kinh điển của Marguerite Duras và Murakami. Tôi thường ghi chép lại một ngày của mình, những lý thú mà mình trải qua cũng như những nghĩ suy về cuộc sống trong cuốn sổ dành riêng cho Nam (tôi hay cười một mình và mường tượng ra vẻ mặt của anh lúc đọc nó). Tôi cũng cố gắng chọn và chụp những bức ảnh thật đẹp của Hanover, đăng nó lên Facebook và "tag" nhữngngười thân ở Việt Nam. Thường thì Nam sẽ là người đầu tiên comment những bức ảnh của tôi. Anh khen Hanover đẹp, khen góc chụp đẹp, khen nước ảnh đẹp, nhưng nhiều lúc Nam chỉ viết ngắn gọn: "Anh nhớ em". Câu nói ấy khiến nước mắt tôi bỗng dưng chực trào, nhưng tôi cắn chặt môi và nhìn lên phía bầu trời xanh thẳm, ngăn mình không khóc. Không khóc ở Hanover.
Tôi cố gắng làm mình bận rộn nhất có thể, cố gắng luôn vui vẻ.
Và tôi đã đi qua cái Tết đầu tiên xa quê hương...
*5. **Mùa không yên ả*
Mùa hè đầu tiên tôi trở lại Việt Nam. Được sống trong ngôi nhà thân yêu, và ăn những món ăn mẹ nấu thật là dễ chịu. Mất vài ngày để quen với sự thay đổi múi giờ đột ngột, để rồi tôi lại bắt đầu khôi phục những thói quen cũ của bản thân.
Tôi cùng bà dậy sớm tập thể dục và tưới những chậu cây, những chậu cây giờ đã vơi đi phân nửa. Từ ngày tôi đi, bà có vẻ hay buồn và gầy hơn. Bà không còn mua thêm những chậu cây nữa. Bà cũng không hay đan lát, chỉ lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế bành và nhìn con Magic nghịch ngợm mấy cánh hoa. Bà nói không có tôi, những thói quen của bà đã dần mất đi ý nghĩa... Tôi mỉm cười nhìn bà mà mắt cứ rưng rưng.
*
Tôi cùng Nam đi chơi, để anh đèo vòng vèo qua những con phố. Tôi ngồi sau lưng anh, lặng lẽ ngắm một mùa hè Hà Nội rực rỡ, và muốn gói trọn mùa hè ấy vào vali. Nhưng có một vài thứ trong chúng tôi đã khác đi. Vì tôi, vì anh, hay vì điều gì thì tôi không hiểu nổi. Những lời nhớ, thương, khi xa nhau thì không ngừng muốn nói, nhưng khi ở ngay sát gần thì bỗng hoá xa xôi. Tôi nhận ra những mối quan hệ và quan tâm chung giữa tôi và Nam đang ngày càng ít đi. Vì khoảng cách xa xôi, vì thời gian xa vắng... Anh đang lấp đầy cuộc sống của anh bằng những người bạn mới, những sở thích mới, còn tôi cũng đang lấp đầy cuộc sống của mình bằng những điều mới mẻ ở bên kia đại dương.
Tôi nhận ra thói quen viết sổ cho nhau cũng ngày càng vơi đi. Là do tôi, và anh đang cảm thấy quá yên ổn? Hay là do nỗi nhớ (của cả hai người) đã không còn dành cho nhau?
*6. **Mùa nối mùa trôi đi...*
Hanover lại bước vào một mùa thu, ôm trọn tôi trong một cảm xúc lãng đãng. Những cảm xúc của một năm trước một lần nữa ùa về khiến tôi chao đảo. Một lần nữa lại phải lòng Hanover.
Giữa một ngày thu rất đẹp của Hanover, tôi ngồi dưới gốc cây phong và đọc note Nam viết. Note kể câu chuyện về một con lừa và một con ngựa:
"Trong một cái chuồng nhỏ có hai con vật sống với nhau. Mỗi ngày, cả hai đều được cho ăn cỏ và thay phiên nhau kéo chiếc cối xay thóc cho chủ. Một ngày kia, có một tay cao bồi xuất hiện và hỏi hai con vật: "Trong hai ngươi, ai là kẻ sẽ theo ta đi thám hiểm thế giới?" Trong khi con lừa chần chừ và không muốn đi, thì con ngựa đã reo lên háo hức: "Tôi! Tôi! Tôi muốn đi và muốn khám phá, tôi chán cuộc sống gò bó và tẻ nhạt này lắm rồi". Nói xong, nó theo người cao bồi bước ra khỏi cái chuồng nhỏ và đi mãi, đi mãi về phía chân trời.
Rất nhiều năm sau, con ngựa trở về thăm con lừa và kể lại những chặng đường mình đã đi qua: những sa mạc mênh mông vô tận, những đỉnh núi cao chót vót, những băng tuyết dựng đứng như thác... Con lừa kinh ngạc và thán phục về những kiến thức phong phú và những chặng đường xa xôi mà con ngựa đã đi qua, nhưng con ngựa chỉ cười và nói:"Thực ra, chặng đường mà chúng ta trải qua là như nhau, khi tôi vượt thác ghềnh, núi lửa, anh cũng đâu dừng bước chút nào. Chỉ là tôi chọn một con đường khác để đi và thấy một thế giới rộng lớn, còn anh thì lại quanh quẩn bên cối xay và mãi mãi không ra khỏi không gian chật hẹp của mình... "
Tôi không hiểu có phải Nam đang muốn ám chỉ đến mối quan hệ giữa tôi và anh, về những gì tôi trải qua và những gì anh đang cảm nhận? Chỉ là tôi thấy buồn về những điều vừa đọc. Một điều gì đó nứt vỡ, khẽ khàng như một chiếc lá vừa chao nghiêng...
Một mùa, lại một mùa nữa cứ trôi, đẩy chúng tôi xa thật xa về hai chiều ngược lại. Những dòng email viết vội, những cuộc chat cứ đứt đoạn liên miên. Cả tôi và Nam đều không nói điều mình cảm nhận với đối phương, cứ lặng lẽ đi bên nhau và lặng lẽ cảm nhận những nứt vỡ. Thương nhau nhiều, nhưng những tháng ngày cứ làm dày lên cách trở.
Mà mùa nối mùa cứ thế trôi đi...
*7. **Chúng ta chẳng có lỗi gì cả... Khi đã phải lòng **Hanover!***
Mùa hè của năm thứ Ba Đại học, tôi trở về nhà và thấy lòng nặng trĩu. Bà đã không còn nhớ ra tôi... Cùng với đó, bà cũng quên đi những thói quen tôi và bà hay làm cùng nhau, quên cách đan len, quên cả những câu chuyện tôi đã từng kể. Điều đó làm tôi cảm thấy mất mát ghê gớm, giống như cả một khoảng trời ấu thơ của tôi bỗng dưng sụp đổ tan tành.
Tôi cũng không liên lạc với Nam cách đây gần một năm. Chúng tôi buồn nhiều nhưng nhận ra như vậy có thể là điều tốt nhất. Chúng tôi giờ đã đi quá xa khỏi nhau, khỏi cái xuất phát điểm của ba năm về trước. Và vì thế, chúng tôi đành buông tay nhau ra.
Những buổi chiều nhạt ở Hanover, tôi ôm quyển sổ ra dưới gốc cây phong và viết. Giờ tôi không còn viết cho Nam nữa, tôi viết cho chính mình, như một sự ghi nhận chân thực nhất về những năm tháng trưởng thành của tôi.
Một lần, bác An đến và lặng lẽ ngồi cạnh tôi. Tôi tựa đầu vào vai bác và hỏi những câu mà tôi đã giữ trong lòng từ lâu lắm, rằng: Có phải vì tôi đi mà bà tôi đã dần quên mất mọi thứ? Có phải vì tôi đi mà tôi và Nam đánh mất nhau? Bác An lúc đó đã nhẹ nhàng vuốt tóc tôi. Bác nói với tôi rằng, đó là điều phải đến. Tôi chẳng có lỗi gì cả. Chẳng có lỗi gì cả. Khi đã trót phải lòng Hanover...
Mùa nối mùa cứ thế trôi đi. Bên cạnh những trang viết đầy lên của tôi là những yêu thương mà tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được.
Ở Hanover, mùa vẫn trôi yên ả.
Ở Hanover, tôi đã dần lớn lên...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro