Lời nói đầu
Tôi không hư cấu một tình tiết nào. Tất cả đều là những sự kiện đã diễn ra và. may thay, tôi nhớ được khá nhiều. Ngoài việc muốn ghi lại những sự kiện này, tôi còn muốn chuộc lại một lời hứa không được thực hiện. Như tôi đã kể lại trong một chương của cuốn sách, khi còn là một cô bé, tôi có trịnh trọng hứa với ông Kobayashi rằng, khi lớn lên tôi sẽ xin dạy ở trường Tomoe.Rõ ràng đấy là một lời hứa mà tôi đã không thể làm tròn. Vì vậy, thay vào đó tôi xin cố gắng làm cho mọi người biết rằng ông Kobayashi là người như thế nào, tình thương yêu to lớn của ông đối với trẻ em và việc ông đã tiến hành giáo dục các em ra sao.Ông Kobayashi mất năm 1963. Nếu ông còn sống đến ngày nay, chắc chắn sẽ còn nhiều điều để ông có thể kể cho tôi nghe. Khi viết cuốn sách này, tôi nhận thấy nhiều tình tiết là những kỷ niệm hạnh phúc thời thơ ấu của tôi và, trong thực tế, đó là những hoạt động mà ông đã vạch ra một cách thận trọng để đạt được những kết quả nhất định.Tôi tự nhủ chắc chắn đó phải là điều mà ông Kobayashi hằng suy nghĩ. Hay, thật đáng quý biết bao khi biết rằng ông đã nghĩ về việc đó. Với mỗi một khám phá mới, tôi càng hết sức nhạc nhiên – cảm động và biết ơn ông sâu sắc.Riêng tôi, tôi không thể đánh giá hết câu ông thường nói với tôi "Em biết không, em thật là một cô bé ngoan" đã giúp tôi vươn lên như thế nào. Nếu tôi không đến trường Tomoe và không gặp ông Kobayashi thì rất có thể tôi sẽ bị mệnh danh là "một cô bé hư", đầy mặc cảm và nhút nhát.Năm 1945 trường Tomoe bị phá huỷ trong trận oanh tạc của không quân vào Tokyo. Ông Kobayashi xây dựng trường này bằng tiền riêng, do vậy việc xây dựng lại đòi hỏi phải có thời gian. Sau chiến tranh, trên mảnh đát cũ, thành lập cơ sở hiện nay là Khoa Giáo dục trẻ em của trường Đại học Âm nhạc Kunitachi. Ông cũng đã dạy thể dục nghệ thuật ở đó và cũng đã hỗ trợ cho việc thành lập Trường Tiểu học Kunitachi. Ông qua đời ở tuổi 69, chưa kịp một lần nữa, mở lại ngôi trường lý tưởng của mình.Tomoe Gakuen là một địa điểm nằm ở phía tây nam Tokyo, cách ga xe lửa Jiyugaoka, trên tuyến đường Toyoko, ba phút đi bộ. Nơi đây hiện nay là siêu thị Peacock và bến đỗ xe. Một hôm tôi đi đến đó, hoàn toàn vì sự luyến tiếc quá khứ, chứ tôi đã biết rõ rằng ở đấy chẳng còn gì gọi là dấu tích củatrường và nền đất của nó. Tôi lái xe chầm chậm đi qua bến đỗ xe, nơi trước đây là những phòng học gồm có các toa tàu và sân chơi của trường. Khi nhìn thấy chiếc xe của tôi, người phụ trách bến đõ xe kêu lên: "Cô không thể lái xe vào đó được đâu, không thể vào được đâu! Bến hết chỗ rồi".Dường như tôi muốn nói: "Tôi có muốn đỗ xe đâu, tôi chỉ muốn nhớ lại những kỷ niệm". Nhưng anh ta làm sao có thể hiểu được. Thế là tôi lại tiếp tục lái xe đi và một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm lòng tôi, khiến nước mắt tôi cứ trào ra trên đôi má.Tôi biết chắc chắn rằng trên thế gian này có nhiều nhà giáo giỏi – những con người có những lý tưởng cao và có tình thương yêu to lớn đối với trẻ em – mơ ước mở những trường học lý tưởng. Và tôi cũng biết rằng để thực hiện được những ước mơ này người ta phải trải qua biết bao khó khăn gian khổ.Ông Kobayashi đã mất nhiều năm nghiên cứu, trước khi mở trường Tomoe vào năm 1937, và trường này đã bị thiêu hủy năm 1945, sự tồn tại của nó thật quá ngắn ngủi.Tôi tin rằng thời kỳ tôi ở đó chính là lúc nhiệt tình của ông Kobayashi đã đạt đến đỉnh cao và các kế hoạch của ông đang độ nở hoa rực rỡ. Giá như không có chiến tranh hẳn sẽ có biết bao em nhỏ đã được ông chăm sóc và giáo dục; tôi buồn lòng trước sự mất mát nói trên.Trong cuốn sách này, tôi cố gắng miêu tả các phương pháp giáo dục của ông Kobayashi. Theo ông, tất cả trẻ em bẩm sinh vốn tốt đẹp, và bản chất đó rất dễ bị môi trường xung quanh cùng những ảnh hưởng xấu của người lớn phá hoại. Mục đích của ông là khám phá "bản chất" của các em và phát triển nó, để giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng.Ông Kobayashi đánh giá cao tính hồn nhiên và muốn để cho các đặc tính của trẻ em được phát triển càng tự nhiên càng tốt. Ông cũng rất yêu thiên nhiên. Miyo-chan, con gái ông, nói với tôi rằng khi còn nhỏ cha cô thường dắt cô đi bộ và nói: "Chúng ta hãy đi tìm các nhịp điệu trong thiên nhiên".Ông thường dẫn cô đến bên một cây cổ thụ, chỉ cho cô biết các cành lá đung đưa trong gió như thế nào; ông cũng nói cho cô biết mối quan hệ giữa lá, cành và thân cây; lá cây đung đưa khác nhau là tuỳ theo tốc độ của gió.Họ đứng im quan sát những hiện tượng như vậy, và khi không có gió họ cứ đứng ngửa mặt lên trời, kiên trì đợi chờ một làn gió thoảng đến.Không những họ chỉ đứng để quan sát gió mà còn quan sát cả những dòng sông. Hai cha con cô cũng thường ra bên bờ con sông Tama gần đó để ngắm nhìn nước chảy. Cô gái nói với tôi rằng, hai cha con cô không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi làm những việc đó.Đến đây bạn đọc có thể băn khoăn tự hỏi làm sao các nhà chức trách Nhật Bản, trong thời chiến lại có thể cho phép một trường tiểu học khác thường, nơi việc học tập được tiến hành trong bầu không khí tự do như vậy tồn tại. Ông Kobayashi rất ghét sự khoa trương ầm ĩ, và thậm chí trước chiến tranh ông không cho ai được chụp ảnh hoặc tuyên truyền về tính khác thường của trường ông.Có thể, đó là một lý do tại sao ngôi trường nhỏ với gần năm mươi học sinh tránh được sự chú ý của các nhà chức trách và tiếp tục được phát triển. Một lý do khác: ông Kobayashi là một nhà giáo được Bộ Giáo dục đánh giá cao.Hằng năm cứ đến mồng ba tháng mười một, một ngày trong chương trình "Những ngày thể thao tuyệt diệu", mọi học sinh của trường Tomoe bất kể đã tốt nghiệp vào thời gian nào, lại kéo nhau về đền Kuhonbutsu dự hội trường. Tuy giờ đây tất cả chúng tôi đã ở tuổi ngoại bốn mươi – rất nhiều người trong chúng tôi đã xấp xỉ năm mươi – và đã có con có cháu, chúng tôi vẫn gọi nhau bằng những tên cúng cơm. Những buổi tụ họp này là một trong những di sản hạnh phúc mà ông Kobayashi đã để lại cho chúng tôi.Thực ra tôi đã bị đuổi ra khỏi trường tiểu học đầu tiên. Tôi không nhớ nhiều về trường đó – mẹ tôi có kể cho tôi nghe về những người hát rong và về trường đó. Tôi khó có thể tin rằng mình đã bị đuổi học. Liệu tôi có thực sự hư đốn đến mức đó không? Tự nhiên, cách đây năm năm, khi tôi tham gia vào một chương trình biểu diễn trên truyền hình buổi sáng, tôi được giới thiệu với một người biết tôi lúc đó. Bà chính là giáo viên của lớp bên cạnh lớp tôi. Tôi đã chết lặng đi trước điều bà nói:"Cô học ngay bên cạnh phòng tôi", bà nói "và khi tôi có việc đi đến phòng giáo viên, tôi thường thấy cô cứ phải đứng ở ngoài hành lang vì bị phạt. Khi tôi đi qua, cô thường níu tôi lại, hỏi tại sao người ta bắt cô đứng đó và cô đã làm điều gì sai trái. Có một lần cô hỏi tôi: 'Cô giáo có thích những người hát rong không?' Tôi không biết phải cư xử với cô ra sao, và cuối cùng, hễmuốn đến phòng giáo viên, tôi phải nhòm ra trước, nếu thấy cô đứng ở ngoài hành lang thì tôi tránh không đi. Cô giáo chủ nhiệm lớp cô thường kể với tôi về cô trong phòng giáo viên. Cô ấy nói: "Tôi chẳng hiểu vì sao em ấy lại như vậy". Chính vì vậy mà trong những năm sau này khi thấy cô xuất hiện trên màn hình, tôi nhớ ra ngay tên cô. Thời gian cách đây đã lâu rồi, song tôi vẫn nhớ như in khi cô học lớp một".Có đúng là người ta đã bắt tôi đứng ở hành lang không? Tôi không nhớ rõ và rất ngạc nhiên. Song chính và giáo mái tóc hoa râm với khuôn mặt phúc hậu, với dáng dấp còn trẻ trung kia, người đã chịu khó đến tham dự chương trình biểu diễn trên màn hình buổi sáng ấy, cuối cùng đã làm cho tôi tin rằng thực sự tôi đã bị đuổi học.Đến đây tôi lại muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với mẹ tôi vì bà đã không kể cho tôi biết điều đó, mãi cho đến ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của tôi."Con có biết tại sao con phải chuyển trường tiểu học không?" Có một hôm mẹ tôi hỏi như vậy.Khi thấy tôi trả lời: "Con không biết ạ" thì bà tiếp tục nói một cách rất thản nhiên rằng: "Chỉ vì con bị đuổi học".Ngày ấy bà hoàn toàn có thể nói: "Con sẽ trở thành người như thế nào đây? Con đã bị đuổi học. Nếu người ta lại đuổi con ra khỏi trường tiếp theo thì con sẽ đi đâu?".Nếu mẹ tôi nói với tôi như vậy trong ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào cổng trường Tomoe Gakuen thì tôi sẽ cảm thấy bất hạnh và lo lắng biết chừng nào. Và nếu vậy thì cổng trường rợp bóng cây cùng những phòng học toa tàu sẽ chẳng thể làm tôi phấn khởi. Thật may thay tôi đã có một người mẹ như mẹ tôi.Sau chiến tranh, chỉ còn lại vài tấm ảnh chụp tại trường Tomoe. Trong số đó chỉ có những tấm ảnh chụp khi tốt nghiệp là đẹp nhất. Học sinh lớp cuối cấp thường đứng ở các bậc lên xuống trước cửa phòng họp để chụp ảnh. Nhưng mỗi lần thấy học sinh tốt nghiệp xếp hàng và gọi nhau "Mau lên, chụp ảnh", thì học sinh các lớp khác cũng muốn chen vào và thế là bấy giờ không thể nào chỉ ra ai là những học sinh của lớp tốt nghiệp.Chúng tôi thường có những cuộc thảo luận sôi nổi về chủ đề này trong các buổi họp mặt. Ông Kobayashi không bao giờ nói gì vào những dịp chụp ảnh này. Có lẽ ông nghĩ rằng tốt nhất là có những hình ảnh sống động của mọi người trong trường, hơn là một bức tranh tốt nghiệp chính thức. Giờ đây xem lại, những tấm ảnh này quả là rất tiêu biểu cho trường Tomoe.Còn bao điều khác nữa tôi có thể viết về trường Tomoe. Nhưng tôi sẽ rất vui mừng nếu tôi có thể làm cho mọi người hiểu rằng cớ sao thậm chí một cô bé như Totto-chan, khi chịu những ảnh hưởng đúng đắn của người lớn, lại có thể trở thành một người biết sống hòa hợp với mọi người khác.Sosaku Kobayashi, người có nhiều cảm hứng và có tầm nhìn xa đã thành lập nhà trường tuyệt vời này, sinh ngày 18 tháng 6 năm 1893, tại một vùng nông thôn ở phía tây bắc Tokyo. Thiên nhiên và âm nhạc là những thứ mà ông yêu thích nhất. Lúc còn nhỏ ông thường ra đứng trên bờ sông gần nhà, với dãy núi Haruna ở phía xa, và tưởng tượng dòng nước chảy cuồn cuộn là một dàn nhạc và ông là "nhạc trưởng".Là con út trong một gia đình nông dân khá nghèo có sáu người con, ông đã phải làm trợ giáo sau khi học xong tiểu học. Tuy nhiên, để làm được việc, ông phải có những chứng chỉ cần thiết, và để có những thứ đó ông phải cố gắng vượt bậc bằng một tài năng phi thường. Ngay sau đó ông đã giành được chỗ dạy tại một trường tiểu học ở Tokyo. Ở đây ông đã kết hợp việc giảng dạy với việc nghiên cứu âm nhạc và chính điều đó đã giúp ông thực hiện được khát vọng mà ông hằng ấp ủ. Ông đã vào học trong Khoa Giáo dục âm nhạc, thuộc nhạc viện đầu tiên của Nhật Bản – nay là Trường Đại học nghệ thuật và âm nhạc Tokyo. Khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên dạy nhạc tại trường tiều học Seikei. Trường này do ông Haruji Nakamura sáng lập. Ông là một con người tuyệt diệu luôn luôn tin rằng giáo dục tiểu học là bậc giáo dục quan trọng nhất đối với trẻ em. Ở đây ông Haruji chủ trương tổ chức những lớp học nhỏ với các môn học tự do để giúp các em phát triển những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân và phát huy tính tự trọng. Việc học tập được tiến hành vào các buổi sáng. Buổi chiều dành để đi dạo thu thập cây cỏ, tập vẽ, tập hát hay nghe các bài thuyết trình của thầy hiệu trưởng. Ông Kobayashi chịu ảnh hưởng rất lớn các phương pháp của ông Haruji Nakamura, và sau này ông đã xây dựng một loại chương trình tương tự ở trường Tomoe.Trong thời gian dạy nhạc ở đây ông Kobayashi đã viết một vở ca kịch cho trẻ em, để học sinh trình diễn. Vở ca kịch của ông đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà công nghiệp Iwasaki – một thành viên trong gia đình có công ty thương mại Mitsubishi khổng lồ. Nhà đại tư bản Iwasaki đã đỡ đầu cho nền nghệ thuật – giúp đỡ Koscak Yamada, nhà soạn nhạc lão thành của Nhật và tài trợ cho nhà trường. Sau đó nhà đại tư bản Iwasaki còn cung cấp kinh phí để cử ông Kobayashi sang châu Âu nghiên cứu các phương pháp giáo dục.Ông Kobayashi ở châu Âu hai năm từ 1922 đến 1924. Trong thời gian này ông thường đến thăm các trường và cùng với Emile Jaques-Dalcroze nghiên cứu môn thể dục nghệ thuật ở Paris. Khi trở về nước, cùng với một người khác, ông thành lập Trường mẫu giáo Seijo.Ông Kobayashi thường nhắc nhở các cô mẫu giáo đừng gò ép các cháu vào những khuôn mẫu định trước. "Hãy để các cháu phát triển tự nhiên", ông nói "Đừng cản trở khát vọng của các cháu. Ước mơ của các cháu lớn hơn mơ ước của các cô". Trước đó chưa có một trường mẫu giáo nào như thế ở Nhật Bản.Năm 1930, ông Kobayashi lại đi Châu Âu để nghiên cứu thêm một năm nữa. Cùng với Dalcroze ông đã đi quan sát ở nhiều nơi và đi đến quyết định sẽ mở trường riêng của ông khi trở về Nhật Bản.Ngoài việc mở trường Tomoe Gakuen năm 1937, ông còn thành lập Hội thể dục nghệ thuật Nhật Bản. Nhiều người nhớ tới ông như là người truyền bá thể dục nghệ thuật ở Nhật Bản và ghi nhận công lao của ông trong việc xây dựng Trường Đại học âm nhạc Kunitachi sau chiến tranh. Chỉ còn lại vài người trong chúng tôi trực tiếp vận dụng các phương pháp dạy học của ông, và thật đáng buồn là ông đã qua đời trước khi có thể xây dựng một trường nữa giống như trường Tomoe.Khi trường này bị thiêu cháy, ông đã hình dung ra một trường khác tốt hơn. Bất chấp sự rung chuyển bởi bom đạn xung quanh, ông vẫn hỏi với vẻ sảng khoái: "Sắp tới, chúng ta sẽ xây dựng loại trường học như thế nào đây?".Khi tôi bắt tay vào viết cuốn sách này, tôi hết sức ngạc nhiên biết rằng ông chủ nhiệm chương trình phỏng vấn truyền hình hằng ngày của Tetsuko, người đã cùng tôi làm việc trong nhiều năm, đã tiến hành nghiên cứu về ông Kobayashi được chục năm rồi. Tuy chưa bao giờ gặp ông Kobayashi,song một người phụ nữ đã từng chơi piano cho các lớp thể dục nghệ thuật của trẻ em đã gợi ý cho ông chủ nhiệm quan tâm nghiên cứu về nhà giáo dục học này.Khi bà giáo ấy bắt đầu chơi đàn, ông Kobayashi thường sửa lại nhịp cho bà và nói: "Chị có biết không, các em không chơi như vậy đâu!". Ông quả đã hòa mình cùng các em, nên hiểu từng nhịp thở và bước đi của chúng. Tôi hy vọng ông Karuhiko Sano – ông chủ nhiệm của tôi – sẽ sớm hoàn thành cuốn sách của mình để kể cho thế giới biết thêm nhiều chuyện về con người phi thường này.Cách đây hai mươi năm, một biên tập viên trẻ của công ty Kodansha phát hiện ra bài tiểu luận của tôi viết về trường Tomoe đăng trong một tờ tạp chí của phụ nữ, ông tìm gặp tôi, tay ôm một tập báo, và đề nghị tôi phát triển bài tiểu luận thành một cuốn sách. Tôi có lỗi là đã dùng tờ báo đó làm một việc khác và người đàn ông trẻ tuổi kia đã trở thành một giám đốc trước khi ý kiến của ông thành hiện thực.Nhưng chính người đó – ông Katsuhisa Koto – là người đã cho tôi ý nghĩ và niềm tin để làm việc này. Khi đó vì chưa viết nhiều nên việc viết cả một cuốn sách là một việc làm đáng sợ. Bà cuối cùng người ta khuyên tôi nên viết từng chương một và đăng thành một loạt bài trên tạp chí "Người phụ nữ trẻ" của Công ty Kodansha. Và tôi bắt đầu viết từ tháng hai năm 1979 đến tháng mười hai 1980.Hàng tháng tôi thường đi thăm Viện Bảo tàng sách tranh của Chihiro Iwasaki ở Shimo Shakuji, Nerimaku, Tokyo để chọn tranh minh họa. Chihiro Iwasaki là một nữ họa sĩ thiên tài chuyên vẽ tranh thiếu nhi. Tôi tự hỏi không biết nơi nào trên thế giới này, còn có những nghệ sĩ có thể vẽ trẻ em sống động như bà.Bà vẽ các em dưới muôn vàn tâm trạng và tư thế khác nhau và phân biệt rõ ràng những đường nét khác nhau giữa đứa trẻ sáu tháng với em bé chín tháng tuổi. Tôi không thể nói hết niềm hạnh phúc của tôi khi được phép dùng tranh của bà để minh họa cho cuốn sách của tôi.Điều kỳ lạ là tranh của bà rất phủ hợp với câu chuyện của tôi. Bà mất năm 1974, và nhiều người luôn luôn hỏi có phải tôi đã bắt tay viết cuốn sách này khi bà còn sống không, điều đó chứng tỏ tranh của bà với muôn vàn cách miêu tả trẻ em trung thực và gần gũi với cuộc sống.Chihiro Iwasaki để lại gần bảy ngàn bức tranh, và tôi có đặc ân được xem rất nhiều tranh nguyên bản nhờ sự giúp đỡ ân tình của con trai bà, một nhà viết kịch, phó giám đốc nhà bảo tàng, và vợ anh. Tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với chồng bà nghệ sĩ vì đã cho phép tôi in lại các tác phẩm của bà. Tôi cũng xin cảm ơn nhà soạn kịch Tadasu Iizawa, giám đốc nhà bảo tàng mà hiện nay tôi là uỷ viên quản trị, đã liên tục giục tôi viết sách khi thấy tôi trì hoãn.Tất nhiên Miyo-chan và các bạn cùng trường Tomoe cũng đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn ông Keiko Iwamoto, người biên tập bản tiếng Nhật là người luôn luôn nói:"Chúng ta phải làm cho cuốn sách này trở thành một cuốn sách hay thật sự".Tôi có ý định chọn nhan đề tiếng Nhật từ một thành ngữ phổ biến từ nhiều năm nay đề cập đến những con người ở bên lề cửa sổ, có nghĩa là người ta đang ở trên mép cửa hay sắp bị đẩy ra ngoài giá lạnh. Tuy tôi thường phải đứng ở bên cửa sổ ngoài sự mong muốn để nhìn những người hát rong, tôi thực sự cảm thấy mình đã bị đẩy "ra ngoài cửa sổ" tại trường học đầu tiên đó – bị xa lánh và chịu sự lạnh lùng.Đầu đề của cuốn sách ngoài những ý nghĩa đó còn có thêm một ý nghĩa này nữa: cửa sổ của hạnh phúc, cuối cùng đã mở ra trước mắt tôi, tại trường Tomoe!Trường Tomoe không còn nữa. Có lẽ không gì có thể làm cho tôi vui sướng hơn nếu biết rằng khi đọc cuốn sách này, trường đó sẽ sống lại trong tâm trí các bạn.Tokyo, 1982 "Totto-chan, cô bé bên cửa sổ" mới xuất bản được ba năm, nhưng trong thời gian đó đã xảy ra biết bao điều làm tôi ngạc nhiên và sung sướng. Khi tôi viết về người thầy hiệu trưởng kính mến của mình và những tháng năm không thể nào quên của tôi tại trường Tomoe, chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng đây lại là cuốn sách bán chạy nhất. Bốn triệu rưỡi bản đã được bán trong năm đầu và hiện nay đã lên tới gần sáu triệu. Người ta nói với tôi rằng: "Đây là một kỷ lục trong lịch sử xuất bản ở Nhật Bản!". Nhưng điều đó ít có ý nghĩa đối với tôi.Mãi cho đến khi mỗi ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu thư từ khắp trên đất Nhật gửi về, tôi mới bắt đầu nhận thấy rằng thực sự có rất nhiều người đang đọc cuốn sách của tôi.Tôi nhận được thư của bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, từ em bé 5 tuổi đến cụ già 130 tuổi, và mỗi bức thư đều làm tôi xúc động. Tôi càng ngạc nhiên khi nhận được rất nhiều thư của các em học sinh tiểu học, vì chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng các em bé như vậy lại đọc cuốn sách này, mặc dù tôi đã cố gắng viết một cách thật dung dị, dễ hiểu, tránh dùng nhiều chữ gốc Hán khó hiểu.Trong thời đại ngày nay, khi nhiều từ đã trở thành từ chết, tôi thấy thật là tuyệt vời khi biết các em từ lớp hai trở lên đã dùng từ điển để đọc Totto- chan! Một bé gái lớp hai viết thư nói rằng cứ nhìn thấy một em bé bị tàn tật là em lại nghĩ: "Ôi lại có một Yasuaki-chan, hoặc nhất định em ấy phải là một người của trường Tomoe!" và thế là em lại chạy đến bên họ chào hỏi và cảm thấy rất vui khi được đáp lại. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi trường Tomoe không còn tồn tại! Các em của chúng ta thật là tuyệt vời, có đúng vậy không?Nhiều em học sinh khác viết thư kể rằng khi đọc đến đoạn nói về trường Tomoe bị thiêu hủy, các em nhận thấy chiến tranh là không tốt, và như vậy thật đáng để viết cuốn sách này. Tuy nhiên khi viết nó, trước sau tôi chỉ dám nghĩ rằng thật là vui nếu như các nhà giáo và các bà mẹ trẻ khi đọc về ông Kobayashi sẽ tự nhủ rằng: "Đã có một con người tận tụy, thật sự thương yêu và tin tưởng ở trẻ em". Nhưng tôi e rằng cũng có những giáo viên sẽ gạt bỏ những tư tưởng của ông và coi chúng là quá duy tâm trong xã hội ganh đua này... Trong thực tế, khi cuốn sách này ra đời, một số giáo viên tiểu học đã viết thư cho tôi biết, hàng ngày họ đã đọc cho các em nghe vào giờ ăn trưa. Còn các giáo viên họa ở trường tiểu học thì lại viết thư nói rằng họ đã đọc từng phần của "Totto-chan" cho các em trong lớp nghe, và sau đó yêu cầu các em vẽ tranh minh họa theo những gì mà các em nghe được.Một số giáo viên trung học lại viết thư nói rằng đúng lúc họ cảm thấy rất thất vọng đối với nền giáo dục đến mức họ đã tính chuyện từ bỏ nghề dạy, song được sự cổ vũ bởi những tư tưởng của ông Kobayashi, họ đã quyết định ở lại. Tôi nhận được nhiều bức thư chân thành như vậy và nước mắt tôi lại trào ra khi biết có rất nhiều người suy nghĩ giống như ông Kobayashi.Giáo viên đã dùng cuốn sách của tôi dưới nhiều hình thức khác nhau, và năm ngoái chương mang tiêu để "ông giáo nhà nông" đã được chính thức đưa vào sách giáo khoa lớp ba tiếng Nhật, và chương "Ngôi trường cũ đổ nát" được đưa vào sách đạo đức luân lý lớp bốn. Tôi cũng nhận được nhữngbức thư đầy lo âu. Một em gái trung học viết thư cho tôi từ một trại cải tạo trẻ em hư nói rằng: "Nếu em có một người mẹ như mẹ Totto-chan, và có một người thầy như ông Kobayashi, chắc chắn em đã không phải vào ở chốn này".Tại sao "Totto-chan" lại trở thành một cuốn sách bán chạy như vậy? Giới thông tin đại chúng đã đạt ra câu hỏi này và nó đã trở thành chủ đề của một số cuộc tranh luận. Báo A-sa-hi đã đăng một loạt bài nhan đề "Dấu hiệu Totto-chan", thảo luận các phương diện khác nhau về sự tác động của cuốn sách, và điều đáng nhạc nhiên là một nhà xuất bản khác đã cho ra đời một cuốn sách hoàn chỉnh về chủ đề này.Cuốn sách mang tên "Totto-chan: Câu chuyện của một cuốn sách bán chạy nhất", đã phân tích hiện tượng tại sao nó được bán chạy như vậy từ mọi khía cạnh. Tôi cho rằng một lý do về hiệu quả của cuốn sách là nó xuất hiện đúng vào lúc sự nghiệp giáo dục trở thành một vấn đề cốt yếu, và mọi người đều thấy rằng cần phải có một tác động nào đó đối với nền giáo dục, và vì vậy nhiều người đọc cuốn sách như là một luận thuyết giáo dục, mặc dù đó không phải là lý do tôi viết cuốn sách này.Hơn thế nữa đây là cuốn truyện cho mọi người, thu hút sự chú ý của mọi người, thuộc mọi lứa tuổi và quan điểm. Và chính đó cũng là một lý do khác của sự đắt khách.Đây cũng là một cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật của một nữ tác giả. Ban đầu phản ứng của nam giới đối với cuốn sách không thuận lợi lắm, và tôi nhận ra điều này khi các bạn nam giới được phỏng vấn đã trả lời rằng: " Tôi bị lôi cuốn vì cái bìa in hình phụ nữ", hoặc "Tôi gạt bỏ sự suy nghĩ đó là cuốn sách bán chạy nhất của một người mua vui nổi tiếng". Họ còn nói: "Tôi không định đọc, nhưng người nhà cứ giục tôi đọc..." Kết quả các cuộc trao đổi là tốt. Tôi xin chân thành cảm ơn những ai trong các gia đình đã nhiệt tình cổ vũ "Totto-chan"!Trước khi xuất bản cuốn sách, tôi đã quyết định sẽ dùng tiền nhuận bút để xây dựng nhà hát chuyên nghiệp đầu tiên cho các diễn viên điếc ở Nhật. Tôi đã đề nghị chính phủ biến nó thành một tổ chức phúc lợi xã hội để nó có thể tiếp tục hoạt động khi tôi đã quá già hoặc sau khi tôi qua đời. Đây là một việc rất khó vì không có tiền lệ, nhưng các nhà chức trách đã xem xét hơn hai mươi lăm năm tôi hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và cuối cùng đã đồng ý.Bằng cách này, tổ chức phúc lợi xã hội được nghe nói đến là quỹ Totto đã được lập ra. Đây là một thắng lợi không lường trước, và thông qua quỹ đó, nhà hát cho người điếc của Nhật đã xuất hiện.Hiện nay hơn hai mươi diễn viên điếc đang được huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện của quỹ Totto, và nơi đây cũng có lớp học ngôn ngữ ký hiệu.Tháng bảy vừa qua chúng tôi đã thực hiện được ước mơ mà chúng tôi hằng ấp ủ là đã đưa được vở kịch Kyogen đi biểu diễn tại liên hoan ca kịch của Đại hội quốc tế của những người câm điếc tại Pa-lếc-mô, Italia; trước những khán giả đại diện cho bốn mươi lăm nước. Đây là lần đầu tiên các diễn viên điếc của Nhật đi biểu diễn ở nước ngoài, và điều này có được cũng nhờ nhiều người trong số bạn đọc "Totto-chan".Cách đây hai năm, nhờ quỹ Totto được thành lập và vì cuốn sách bán chạy nhất, tôi đã được mời tới dự Tiệc Vườn Xuân của Hoàng Đế cùng với những người như Kenichi Fukui, người đã được giải thưởng Nobel, và tôi vô cùng phấn khởi khi được ngài nói với tôi rằng: "Vui thay cuốn sách của bà bán rất chạy".Năm 1981 là Năm quốc tế của những người tàn tật, và ngày 9 tháng Mười hai (hiện nay được coi là ngày của những người tàn tật ở Nhật), tôi nhận được phần thưởng của Thủ tướng Suzuki. Tôi cũng nhận được một số giải thưởng khác trong đó có Giải thưởng của thư viện "Hòn đá bên lề đường", để tưởng nhớ nhà văn sách thiếu nhi Yu-giô Yamamoto.Rất nhiều người yêu cầu tôi xây dựng Totto-chan thành một bộ phim, một ca kịch của chương trình truyền hình, một bộ phim hoạt hình, một vở kịch, hay một bản nhạc. Nhưng tôi nhận thấy rằng tôi khó có thể vượt được những ký họa của Chihiro Iwasaki, và những hình ảnh mà độc giả đã tạo dựng ra trong trí tưởng tượng của mình, nên tôi đã từ chối tất cả.Nhưng rồi tôi cũng đồng ý với Dàn nhạc giao hưởng Sin-xây Ni-hen là xây dựng câu chuyện này thành một bản giao hưởng, vì âm nhạc cho phép ta mặc sức tưởng tượng. Sáng tác của Akihiro Komori xúc động hơn tất cả mọi lời lẽ của tôi, và Dàn nhạc giao hưởng Sin-xây Ni-hen đã đi biểu diễn nhiều nơi trên đất Nhật, với lời dẫn truyện của chính tôi. Người ta cũng ghi âm về bản giao hưởng này.Năm 1982, một năm sau khi Totto-chan được xuất bản Dorothy Britton đã hoàn thành bản dịch sang tiếng Anh. Dorothy vừa là người sáng tác nhạcvừa là nhà thơ và bản dịch của bà có cùng nhịp điệu như nguyên bản, và tôi cũng rất xúc dộng khi đọc bản dịch của bà. Bản tiếng Anh cũng lập một kỷ lục mới, là cuốn sách tiếng Anh bán chạy nhất ở Nhật với khoảng bốn trăm ngàn bản.Bản tiếng Anh đồng thời cũng được phát hành tại Mỹ, và lúc đó tôi đã xuất hiện trong chương trình biểu diễn "Tonight" (Đêm nay) của Giôn-ni Các- xôn. Sau đó tôi được mời đi nói chuyện, dự các buổi thông tin, và tờ "Thời báo Nữu Ước", một tờ báo danh tiếng của Mỹ đã đăng một bài đọc sách dài trong mục Điểm sách chủ nhật.Ngoài sự việc nói trên, các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ cũng đã chớp cơ hội đưa tin về những điều mới lạ của một nữ diễn viên vô tuyến truyền hình của Nhật. Tạp chí Thời cuộc đã dành trọn một trang để phỏng vấn tôi trong số đặc biệt về Nhật Bản.Totto-chan cũng đã được dịch và xuất bản tại Trung Quốc và Triều Tiên. Vì Nhật Bản không có các hiệp định về xuất bản (bản quyền) với các nước này nên tôi không được biết về các cuốn sách dịch, mãi cho đến khi một người bạn tốt ở Trung Quốc đã gửi cho tôi một cuốn thông qua một người Nhật quen biết. Các nhà xuất bản ở Ba Lan, và ở Phần Lan cũng đang chuẩn bị dịch và xuất bản.Một nhà xuất bản của Tiệp cũng đang tiến hành các cuộc thương lượng và một số nước Châu Âu khác cũng đã có yêu cầu. Tôi rất vui mừng khi được biết có nhiều người biết về Nhật Bản qua Totto-chan. Tôi cũng nhận được thư gửi từ nước Mỹ đến, và một bé trai trường tiểu học đã viết; "Totto-chan, bạn có phải là một bạn gái xinh đẹp không? Nếu xinh đẹp bạn có thể tới nhà tôi ăn cơm tối".Cô giáo của em, người đã đọc truyện này cho cả lớp nghe, đã chú thích thêm một dòng, nói rằng em bé trai này xuất thân từ một gia đình nghèo người da đen.Tôi nghĩ điều này cũng rất có ý nghĩa là có rất nhiều nữ sinh trung học, đại học đã viết thư cho tôi, tâm sự: "Cháu không ngờ đây lại là một cuốn sách giàu lòng nhân ái đến thế". Các em không nói rõ điều gì cụ thể đã làm cho các em thấy hấp dẫn nhất. Có thể điều đó ở từng em sẽ khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, nói chung, các em đã muốn đáp lại tình thương và sự độ lượng đó.Tôi vừa được bổ nhiệm làm Sứ giả Thiện Chí của UNICEF (Quỹ nhi đồng của liên hợp quốc) – một tổ chức toàn thế giới, đã được giải thưởng Hòa Bình Nobel. Sở dĩ tôi được như vậy cũng là nhờ có Totto-chan, vì ông Giám đốc chấp hành của ban Thư ký UNICEF ở New York – người quan trọng nhất của tổ chức – đã đọc Totto-chan do một người bạn gửi cho.Ông rất xúc động và nói rằng những suy nghĩ của tôi cũng chính là những suy nghĩ của UNICEF, và thế là ông đã chọn tôi làm Sứ giả Thiện chí vì ông nghĩ rằng cần có một sứ giả Thiện chí người Châu Á. Diễn viên Mỹ Đan-ny Kay-ê, diễn viên Anh Pi-tơ U-sti-noop và nữ diễn viên Na Uy Lip UL-man đã là những Sứ giả Thiện chí nổi tiếng, và tôi là người thứ tư. Mỗi ngày có bốn mươi ngàn, và mỗi năm có mười lăm triệu trẻ em chết đói, và chết vì các bệnh tật do đói gây ra.Nhiệm vụ của tôi là phải đi để thấy các điều kiện sinh sống của các em và báo cáo với tất cả các bạn về những điều kiện đó. Mùa hè này tôi sẽ đi châu Phi và nếu bố trí kịp, tôi sẽ đi thăm một số nước Châu Á. Nếu ông Kobayashi còn sống, tôi chắc rằng ông sẽ rất hài lòng. "Các em có biết không, tất cả các em là một! Bất kể các em làm gì, các em đều là một trên thế giời này". Đó là câu mà ông Kobayashi thường nói.
Xuân 1984
Tetsuko Kuroyanagi
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro