Đại mạc dao
"Chúng ta hoang dại như cỏ lau
Bỏ tiền bỏ bạc chứ không bỏ nhau"
Đây là câu hát bỗng chốc vang trong đầu tôi khi chứng kiến chuyện tình của Ngọc Cẩn và Hoắc Khứ Bệnh trong bộ phim "Kỳ duyên trong gió" (Đại mạc kỳ duyên). Dư cảm của bộ phim đem đến đã khiến tôi đặt bút viết xuống để một ngày nào đó đọc lại sẽ được sống lại những cảm xúc này - cảm xúc mà tôi không muốn quên đi...
Phim lấy bối cảnh thời Hán Vũ Đế, ở sa mạc hoang vu rộng lớn có cô gái mồ côi tên Ngọc Cẩn sống cùng bầy sói. Tôi dám khẳng định cuộc đời Ngọc Cẩn có 3 điều may mắn lớn nhất, đầu tiên là được cha nuôi kéo ra khỏi bầy sói, nuôi nấng và dạy dỗ cô như một con người. Có một đoạn tác giả viết rằng sau khi được Ngọc Cẩn cho uống máu dê để khỏi chết khát, người đàn ông đó (sau này là cha nuôi) đã lấy oán trả ơn cô bằng cách kéo cô vào cuộc sống loài người, từ dạy cô cách đi đứng, chải tóc,... đến đối nhân xử thế. Quả thật là nghệ thuật nói ngược! Khi đọc đến đây tôi đã nghĩ: "Cha cô cũng thương cô đó chứ!". Tình thương đó càng được chứng minh rõ hơn khi ông chỉ mong cô sống tốt, lòng không mang thù hận. Vì vậy sau cái chết do tự sát của cha nuôi, Ngọc Cẩn bằng lòng tha thứ cho Y Trĩ Tà, cho dù hắn gián tiếp gây nên cái chết của cha cô. Nhưng tha thứ không có nghĩa là quên đi, Ngọc Cẩn chọn cách rời xa Y Trĩ Tà, huynh đi đường huynh, muội đi đường muội, không còn liên quan đến nhau có lẽ là cách tốt nhất. Đó là điều may mắn thứ 1 của Ngọc Cẩn, mà cho đến gần cuối phim cô đã nói với Lý Nghiên rằng: "Bởi vì ta có một người cha thương ta, không muốn ta sống trong thù hận, chỉ muốn ta luôn vui vẻ". Thử nhìn Lý Nghiên mà xem, cô ta cũng mang mối thù giết cha như Ngọc Cẩn, nhưng từ nhỏ đã phải mang gánh nặng báo thù trên vai. Thương thay một con người sống chỉ để báo thù, cuối cùng người mình thương không còn ai, thù báo không xong, đành quyên sinh tự vẫn.
Đại may mắn thứ hai của Ngọc Cẩn đó chính là được Mạnh Cửu yêu. Và, may mắn thứ ba là được Hoắc Khứ Bệnh yêu. Hai người đàn ông vô cùng tốt lại yêu cùng một cô gái, chẳng trách được những trải nghiệm đau thương.
Mạnh Cửu là người đến từ thành Trường An đầu tiên mà Ngọc Cẩn gặp, là thương gia lớn nhất kinh đô. Mãi sau này tôi mới hiểu ra có lẽ Mạnh Cửu đã yêu Ngọc Cẩn ngay từ lần đầu gặp mặt, bởi chàng đã ra tay hào phóng tặng nàng bộ y phục tốt nhất, đẹp nhất mà một người bạn đã cho chàng, với mong ước Mạnh Cửu sẽ trao nó cho nương tử tương lai. Há chẳng phải chàng đã vô tình khẳng định tình cảm với Ngọc Cẩn rồi sao? Mạnh Cửu rời đi với câu nói: "Cô gái, cô vẫn nên sống với người thì tốt hơn". Câu này là một chất xúc tác khiến Ngọc Cẩn rời bỏ đại mạc đến Trường An sau này, khởi đầu cho chuỗi những ngày tháng không thể nào quên.
Mạnh Cửu là người đầu tiên tìm thấy Ngọc Cẩn khi cô đến Trường An, cũng là mối tình đầu của cô. Cô gái nhỏ lần đầu trải nghiệm cảm giác được người khác giới quan tâm chăm sóc đã nhen nhóm một tình yêu thầm lặng dành cho Cửu gia. Ngọc Cẩn như một con sói hoang theo đuổi một Mạnh Cửu - ánh trăng nhu hòa êm ái. Chỉ tiếc một điều sói không thể nào chạm đến mặt trăng, cũng như Ngọc nhi không thể lay động được Cửu gia. Mạnh Cửu, có lẽ từ nhỏ đã quen sống cô độc, mang gia nghiệp của cả gia tộc trên vai, và có lẽ áp lực bởi vì mình là người tàn tật nữa; nên đã 3 lần từ chối tình cảm của Ngọc Cẩn. Một lần là khi Ngọc Cẩn thổi bản "Diệc nhân ca" để thổ lộ tâm tình, Mạnh Cửu đáp rằng "Tiếng sáo hay lắm, nhưng muội thổi không hay. Trời khuya rồi muội về đi". Lần hai khi được Ngọc Cẩn tỏ ý trước dàn hoa kim ngân do nàng trồng, Mạnh Cửu cười đáp rằng "Rồi sẽ có một người bằng lòng cùng muội ngắm hoa". Và, lần cuối cùng khi Ngọc Cẩn nói rằng nếu bằng lòng bên nàng thì ngày mồng một năm mới hôm sau hãy đến, nhưng Cửu gia không đến, chỉ để lại mảnh giấy nhắn rằng "Huynh xin lỗi". Mạnh Cửu có yêu Ngọc Cẩn không, câu trả lời đã yêu từ lâu, nhưng lại nhút nhát lo sợ nên đánh mất. Chính vì chàng đẩy Ngọc nhi ra xa mới có cơ hội cho Hoắc Khứ Bệnh. Một điều mà tôi khâm phục ở Mạnh Cửu đó chính là người quân tử. Dù biết Ngọc Cẩn đang hạnh phúc bên Hoắc Khứ Bệnh nhưng vẫn dốc sức chữa trị cho Khứ Bệnh khi hắn ngã ngựa và khi trúng độc. Tôi đã nghĩ Mạnh Cửu có thể ích kỷ, có thể giở trò thấy Khứ Bệnh chết mà không cứu để loại bỏ đi tình địch, nhưng chàng đã không làm vậy. Thậm chí đã đổi cả đôi chân tàn tật của mình suốt đời không đứng được để cứu mạng Hoắc Khứ Bệnh, bình tĩnh nói một câu: "Đổi đôi chân của ta để lấy một người khiến người ta yêu hạnh phúc, đáng mà!". Mạnh Cửu đã từng bỏ lỡ, vậy hãy để chàng đền đáp tấm chân tình của Ngọc nhi bằng cách khác, cho dù không ở bên nhau.
Hoắc Khứ Bệnh - người thứ hai Ngọc Cẩn gặp ở sa mạc và được nàng ra tay cứu sống, và cũng là người thứ hai tìm nàng khi đến Trường An. Số phận trớ trêu sắp đặt khiến hắn luôn đến chậm hơn Mạnh Cửu một bước. Một đoạn tôi rất ấn tượng khi Khứ Bệnh truy tìm tung tích của Ngọc Cẩn, hắn đã đứng trước Nhất Phẩm Cư nhủ thầm rằng không biết nàng ta tiêu hết số ngân lượng chưa, biết vậy hôm chia tay mình đã đưa thêm. Cũng giống với một câu nói nổi tiếng:
Người yêu bạn chỉ sợ lo cho bạn không đủ. Kẻ không yêu bạn chỉ sợ bạn đòi hỏi quá nhiều.
Chính là nó đó, chắc không mấy ai để ý đâu hen! Ở cuối tác phẩm, Hoắc Khứ Bệnh cũng nói rằng: "Nàng có biết điều hối hận nhất trong đời ta là gì không? Đó chính là không nói ra thân phận thật của mình khi gặp nàng ở suối Nguyệt Nha". Vì nếu Khứ Bệnh chịu nói ra thân phận sớm hơn, có lẽ người đầu tiên Ngọc nhi tìm khi tới Trường An sẽ là hắn. Hắn đường đường là đại tướng quân, một đời cưỡi ngựa giương cung bạt kiếm, ngạo nghễ và bất cần thế mà cũng có khi phải hối hận. Nhưng Khứ Bệnh không vì thế mà bỏ cuộc, hắn lặng lẽ đến bên Ngọc Cẩn như một cái bóng. Nếu Ngọc Cẩn là sói mãi theo đuổi ánh trăng xa tít trên cao, thì Hoắc Khứ Bệnh chính là cơn gió luôn rong ruổi bên cạnh sói ta. Hắn cũng từng khẳng định rằng cho dù có đến chậm, chỉ cần ngày đêm kiên trì cưỡi ngựa rong ruổi không bỏ cuộc thì ắt có ngày đuổi kịp. Và quả thật Khứ Bệnh đã chứng minh điều đó. Hắn im lặng đứng phơi sương nhìn Ngọc nhi suốt một đêm không ngủ bên tường Cửu gia, hắn đến rủ Ngọc nhi đi chơi nhưng rồi lại đau lòng đứng dưới tán hoa hòe nhìn nàng sa vào vòng tay Mạnh Cửu, hắn tức giận phá đổ giàn hoa kim ngân của Ngọc nhi nhưng rồi âm thầm trồng lại cả một vườn hoa để đền cho nàng, chi tiết này khiến tôi vừa giận vừa thương. Hoắc Khứ Bệnh đã làm rất nhiều cho Ngọc Cẩn, quả là một người đàn ông si tâm tuyệt đối. Chính Mạnh Cửu đã đẩy Ngọc Cẩn rời xa vòng tay của chàng, để Khứ Bệnh có cơ hội đến bên nàng. Những ngày tháng Ngọc Cẩn chinh chiến bên Hoắc Khứ Bệnh ở đại mạc có lẽ là những ngày tháng yên bình nhất trong đời nàng, cho dù sự yên bình đó phải trả giá bằng xương máu của Tiểu Khiêm và Tiểu Đàm (đôi bồ câu mà nàng yêu nhất), hay cái chết của tiểu đệ nàng gặp trong quân doanh,...nhưng những điều đó có là gì với những tranh đấu như sóng ngầm cuồn cuộn ở hoàng cung? Hoắc Khứ Bệnh và Ngọc Cẩn sinh ra như dành cho nhau, cả hai đều vô tư, phóng khoáng, một đôi nam nữ không sợ trời đất, thậm chí Khứ Bệnh đã từng nói "Mấy khi được giam ở đại lao thành Trường An, ta cũng muốn đến xem nó thế nào". Nơi đại mạc nàng coi là nhà, được ở bên Hoắc Khứ Bệnh nàng xem là nhà, trong đêm say chếnh choáng cả hai đã trao thân cho nhau. Hôm sau, Khứ Bệnh đã ngay lập tức cầu hôn nàng, quả thực là chính nhân quân tử, một người đàn ông hiếm có xưa nay (nhiều thằng ăn xong zong đó thôi). Ngọc Cẩn đã liếc nhìn lang huynh, chả hiểu sao nàng mỉm cười đồng ý. Tôi đoán có lẽ sau cái chết của Tiểu Đàm và Tiểu Khiêm, lang huynh cũng có gia đình,...tất cả dần rời xa nàng, nàng cũng cần có một gia đình rồi. Nhưng tuyệt đối không phải vì lỡ trao thân cho Khứ Bệnh mà nàng đồng ý, với tính cách của Ngọc Cẩn còn sợ gì sao? Sự thật lúc đó nàng đã yêu Khứ Bệnh rồi, đó mới chính là thứ khiến nàng chấp nhận làm vợ Hoắc tướng quân.
Những ngày tháng tự do tự tại cũng phải kết thúc khi cả hai trở về Trường An, cuốn vào vòng xoáy tranh quyền ở hoàng cung. Hoắc Khứ Bệnh đã nói: "Khi nào giải quyết mọi việc ổn thỏa, ta hứa sẽ cùng nàng rời khỏi nơi này". Trước khi đi, hắn còn làm một việc cho nhà họ Vệ, dâng tấu xin cho nhị hoàng tử đến biên quan, tránh đe dọa vị trí thái tử của Vệ gia, cho dù Vệ gia đã quay lưng với hắn, hắn vẫn không quay lưng với ân nhân của mình, một người trọn tình trọn nghĩa. Hoắc Khứ Bệnh sắp xếp kế hoạch cho cái chết giả, rồi lặng lẽ cùng Ngọc Cẩn rời khỏi chốn phồn hoa đô hội, lui về đại mạc. Hoắc Khứ Bệnh trong lịch sử đã qua đời năm 24 tuổi, nhưng Hoắc Khứ Bệnh của "Đại mạc dao" sống như Phạm Lãi, vô lo vô nghĩ bên người mình yêu trên sa mạc rộng lớn...
Khép lại tác phẩm có lẽ nhiều người cảm thấy chưa thỏa đáng, kẻ ác như những người họ Vệ thì lại hả hê trước cái chết của Khứ Bệnh, không bị trừng trị. Nhưng chẳng phải Hoắc Khứ Bệnh và Ngọc Cẩn đã buông xuôi những tranh đấu trong thành Trường An, quên hết đi và sống vui vẻ đó hay sao? Bị trừng trị hay không, đâu còn quan trọng nữa, ta sống hạnh phúc là được. Riêng lũ người họ Vệ, sống trong hoàng cung tranh đấu không ngừng, chính là sự trừng phạt. Hiểu được điều này là bạn đã hiểu được tác phẩm rồi đó! Tôi chỉ tiếc cho Hồng Cô, liệu cô ấy nghe tin Ngọc Cẩn và Hoắc Khứ Bệnh đã chết liệu sẽ đau buồn như thế nào? Người tỷ muội tốt này, có lẽ Ngọc Cẩn vẫn luôn muốn gặp lại.
"Chúng ta hoang dại như cỏ lau
Bỏ tiền bỏ bạc chứ không bỏ nhau"
Bỏ hết những thứ hiện kim xa hoa, những công trạng, những "phú quý nhìn xem tựa chiêm bao", chúng ta chỉ cần sống hạnh phúc bên người mình yêu, nhìn thấy họ cũng hạnh phúc, đó chính là viên mãn. Cuối cùng đọng lại trong tôi sau khi xem chỉ còn lại hai chữ "TIÊU DAO".
__________________
Ban đầu khi đọc cái tên Hoắc Khứ Bệnh tôi đã cảm thấy khá quen thuộc nên đã search Google. Được biết Hoắc Khứ Bệnh là danh tướng có thật trong lịch sử với công trạng hiển hách chống Hung Nô. Được phong là tướng quân khi chỉ mới 18 tuổi, đọc những chiến công của người anh hùng thiếu niên ấy cũng phải khiến tôi tròn xoe mắt kinh ngạc. Chỉ tiếc ngài qua đời rất sớm ở độ tuổi 24, giữa độ tuổi rực rỡ nhất đời người, làm tôi nhớ đến đoạn Hán Vũ Đế nói ở cuối phim mà đau lòng: "Mang thi thể Hoắc Khứ Bệnh về Trường An, trẫm phải đại táng chiến thần của trẫm!". Một vị chiến thần bất bại trên chiến trường lại chết vì bệnh? Là ôn dịch hay không còn chưa rõ. Liệu có điều gì khuất tất đằng sau cái chết này hay không? Câu trả lời có lẽ đã bị chôn vùi mãi mãi cùng với Hán triều. Duy chỉ có một điều mà tôi biết, đó là khi nào có dịp đến Trung Quốc, tôi nhất định sẽ đến thăm mộ ngài Hoắc Khứ Bệnh, và tặng ngài ấy một cành hoa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro