Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Part 1

Cho vừa lòng em

Mình khởi nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ một cái gì đó, có nên kêu gọi bạn bè, gia đình, người quen ủng hộ mình hem? Câu trả lời là hem. Chớ có dại dột.

Nhiều bạn ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Tư duy của tiểu thương nhỏ hẹp xưa nay nên khi mình mở ra làm, khách hàng mình nghĩ đầu tiên là người quen. Ví dụ nói với bạn bè, tao mới mở quán bún bò trên đường X, mày nhớ ghé ăn. Rồi nó ghé ăn bún chỗ mình, dẫn đến rất nhiều lúng túng. Mình bán phải đặc biệt tí, thêm thịt thêm bún, chứ giống khách khác thì cũng không ổn. Nó ăn xong, mình không giảm giá cũng kỳ, mình lấy tiền cũng kỳ, mà không lấy tiền thì cũng kỳ nốt. Cảm giác MANG ƠN, nợ 1 món nợ tình cảm nó đè nặng trên người.

Dưới góc độ người ủng hộ, họ sẽ suy nghĩ khác. Nếu lấy tiền, nó sẽ nói trời ơi nó chủ quán mà vô ăn nó cũng lấy tiền, đi kể tùm lum. Không lấy tiền nó nói trời ơi sao không lấy, tao ngại quá bữa sau tao không qua nữa, hoặc đứa phức tạp hơn nó còn nghĩ "nó làm chủ rồi, nó khinh không lấy tiền tao", cũng đi kể tùm lum. Cuối cùng phải làm sao cho vừa lòng người đây, người ơi?

TỐT NHẤT là KHÔNG KỂ, KHÔNG TÂM SỰ chuyện kinh doanh của mình cho người thân bạn bè, kể cả cha mẹ vợ chồng con cái. Chuyện ai nấy làm. Không bán cho người thân là nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh. Những bạn làm sale, làm bán hàng, mới vô thấy bán khí thế, nhưng toàn cho người quen người nhà...thì đứa đó quá dở. Vì người thân của nó mua xong thì hết mối. Một số bạn tuyển nhân viên kinh doanh, thấy nó có quan hệ gia tộc nhiều, mừng quá mời vào, tuy nhiên không lâu dài được, nó bán xong cho ông chú bên Việt Teo, ông cậu bên Việt Tóp...thì hết biết bán cho ai, bèn nghỉ việc.

ĐỪNG BAO GIỜ TẬP TRUNG THỜI GIAN BÁN CHO ĐỐI TƯỢNG ỦNG HỘ. Ủng hộ thì không lâu dài được. Nhớ nhé các bạn. Đừng có nghĩ chồng mình làm hiệu trưởng cái trường đó mà mở căng tin bán cho học trò, giáo viên để họ ủng hộ. Họ ủng hộ cũng chỉ vài ba bữa à, mà uy tín của chồng mình lại không được tốt, lỡ nó ăn của vợ mình rồi thì mình khiển trách nó không mạnh miệng được nữa. Xưa thời bao cấp khó khăn, có nhiều thầy cô giáo vừa đi dạy vừa bán cà rem. Có lần học trò nó làm sai, cô giáo cho nó 1 điểm, nó khóc nó nói, sao em mua cà rem của cô mà cô cho em có 1 điểm? Bữa sau em sẽ mua cà rem của bà Tư ngoài cổng trường cho cô biết mặt, I will let you know my face. Đấy, nó khổ thế thấy, nó là học trò, tự dưng biến thành khách hàng, ép nó ủng hộ thì sao mà lâu dài được. Chưa kể là quan hệ công việc (dạy-học) sẽ không tốt do có business cà rem xen vào.

Làm kinh doanh, cách xây dựng khách hàng đúng là phải tìm khách ổn định, tìm khách bên ngoài, tìm khách có nhu cầu. Việc mua hàng phải xuất phát từ NHU CẦU. Người ta không có nhu cầu thì tạo cho người ta nhu cầu. Xưa admin thấy dượng Tony ra sách, dượng nói đối tượng chính của dượng là người chưa bao giờ đọc sách. Dượng đang tạo ra nhu cầu bằng cách xây dựng "văn hóa đọc", và đúng vậy, rất nhiều bạn, quyển Cà phê cùng Tony là quyền sách đầu tiên họ đọc trong đời sau mấy cuốn sách giáo khoa. Hay phân bón dượng ấy bán, cũng toàn do dượng hướng dẫn những người có tiền, có chí để họ mở nông trại, xuất khẩu nông sản, rồi họ mua phân để sử dụng...Dượng ấy bán phân nhưng không lấy mất thị phần của các hãng phân khác, nên hẻm có đối thủ cạnh tranh hay có ai ghét cả. Nhật muốn bán xe ô tô cho Ấn Độ, họ đã viện trợ cho nước bạn hệ thống đường sá cao tốc này nọ, tạo ra nhu cầu mua xe cho người dân nước này. Ví dụ vậy.

Mấy lời nhắn nhủ cho các bạn mới khởi nghiệp. Tự xây dựng hệ thống khách mới toanh, rồi biến họ thành khách ruột, khách quen, bạn hàng. Tạo ra nhu cầu, biến không thành có.

Chuyện quả xoài

1. Cách đây 3 năm, 2 bạn K,Q, lúc đó đang học khoa Sinh của ĐH Đà Lạt, trong lần giao lưu CLB con dượng ở Đà Lạt có hỏi, "theo dượng, tụi con phải học và làm sao để có mức lương 50 triệu/tháng. Vì chỉ có mức lương đó, tụi con mới có thể để dành mà đi du học, dự định của tụi con là ra trường làm 2 năm sau đó đi châu Âu du học". Lúc đó mọi người đều cười và bĩu môi, nói đi bán hàng đa cấp đi, sao ảo tưởng quá. Vì nhiều người đang mặc định sinh viên ra trường là non kinh nghiệm, là dở, là kém, kiếm được vài ba triệu đồng/tháng là may mắn lắm. Thất nghiệp đầy ra kìa mà còn đòi hỏi.

Lúc đó, admin thấy dượng Tony nói là các bạn hiểu sai câu hỏi này rồi. Đó là 1 câu hỏi thông minh và rõ ràng. Khi giao lưu với các chủ DN, các CEO các tập đoàn, sinh viên Harvard cũng hỏi làm thế nào để được nhận vô phố Wall làm với mức lương 240,000 đô/năm (tức 20,000 đô/tháng), hay làm thế nào để vào được NASA, Boeing. Nhà tuyển dụng nếu biết thì chỉ cho sinh viên, nếu không biết thì thôi. Phải có một trình độ triết học rất sâu mới hiểu câu hỏi này.

Lương chính là giá cả của hàng hóa sức lao động. Mà sức lao động thì là một HÀNG HÓA THAY ĐỔI THEO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI ĐÓ. Nó muốn tốt là tốt, nó muốn xấu là xấu. Hàng chất lượng càng cao thì bán giá càng cao. Lúc đi học, các bạn phải làm cho chất lượng sức lao động của mình cao hơn thông qua việc học.

Học này không phải điếm số hay bằng cấp. Học giỏi theo quan niệm xưa nay của mình, là có điểm số cao, bằng đẹp, học vị tiến sĩ này nọ. Thật ra, nó chỉ là kỹ năng thi cử về KIẾN THỨC.

Học là quá trình NẠP VÔ ĐẦU mình những CÁI GÌ ĐÓ, mà sau này có thể biến CÁI ĐÓ thành THÀNH TỰU. Học bao gồm học kiến thức, trải nghiệm, ngoại ngữ, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, tập luyện thể chất và bản lĩnh...từ trong trường và bên ngoài.

Sau đó thì nghe lời dượng Tony, 2 bạn này đã tham gia mọi cuộc thi hùng biện, khởi nghiệp, nhà doanh nghiệp tương lai. Các bạn học đêm học ngày để có IELTS 7.0 trước khi ra trường. Các bạn cũng tham gia công trình nghiên cứu khoa học tham dự cấp bộ, tham gia các bài báo với giảng viên để công bố quốc tế. Đồng thời rèn luyện thể lực kinh hoàng để vô cùng khỏe mạnh (2 bạn tham dự học võ ở CLB võ thuật tỉnh Lâm Đồng sau buổi nói chuyện hôm đó). Hai bạn cũng tham gia hiến máu, hiến tạng, tình nguyện, công tác xã hội, làm thêm bán thời gian đủ cả.

Khi ra trường, 1 bạn đã được một công ty dược phẩm của Nhật ở Tp HCM đã nhận vào làm với mức lương khởi điểm 50 triệu/tháng, tức khoảng 2300 đô. Một bạn ở lại Đà Lạt làm cho 1 liên doanh trồng hoa xuất khẩu của Đài Loan, mức lương 1800 đô/tháng.

Và bây giờ, tháng 9 vừa rồi, cả 2 bạn đều đã đi Phần Lan du học sau khi tích lũy đủ tiền ăn ở, vì bên đó miễn học phí.

2. Cho nên, nếu các bạn sinh viên hỏi làm thế nào để đạt mức lương 2000 đô, mình biết thì mình chỉ, không thì thôi. Không nên nói "em làm cho anh 15,000 đô đi, anh trả lại cho em 2,000 đô", câu trả lời này sai về bản chất vì người ta hỏi phải HỌC VÀ RÈN LUYỆN thế nào. Mình không biết thì nói "anh không biết em ơi, xưa anh vô làm lương khởi điểm cũng có 4 triệu à, nên em hỏi vậy sao anh biết mà anh chỉ cho em được". Hoặc nói "công ty anh chưa bao giờ trả ai lương khởi điểm cao thế, nên anh không biết tiêu chuẩn thế nào, em có thể hỏi các anh chị từng vô được các tập đoàn lớn để biết". Lương khởi điểm của một số tập đoàn lớn, mức 2000 đô là bình thường, có khi còn quá thấp. Có một tập đoàn sữa nọ còn trả lương khởi điểm cho nhân viên phòng marketing là 5000 đô/tháng. Và vẫn có rất nhiều bạn tốt nghiệp ĐH xong và được nhận vào đây làm.

Lương là giá cả của sức lao động. Nói về giá thì giá nào chẳng có. 5,000 đô, 10,000 đô hay 100,000 đô/tháng vẫn có. Vấn đề là nó có tố chất và thông qua rèn luyện, BIẾT HỌC, HỌC ĐÚNG, thì bán được mức này, vậy thôi.

Mình quen xài đồ bình dân, chỉ biết có hàng bình dân nên không biết là 1 cái túi xách Hermes có khi lên tới 20,000 đô. Nhiều bạn ngạc nhiên mãi là tại sao chỉ là cái túi đựng đồ thôi mà mắc đến như vậy? Không hiểu nên mắng chửi người mua là đồ khùng đồ điên đồ sĩ diện đồ ngu. Cũng chỉ là phòng ngủ khách sạn, sao có người lại bỏ 100 triệu/ngủ 1 đêm? Đám đông mà biết, nó mắng cái đồ hoang phí, đua đòi, không giúp đỡ người nghèo, đại loại vậy. Ngu khùng mà người ta có tiền mua, còn mình hem ngu hem khùng, mình khôn quá trời mà hem có. Sao lạ vậy?

Thế giới hàng cao cấp, xa xỉ nó có cái lý của nó, mà đám đông bình dân chưa hiểu hết được. Ad cũng từng nghĩ, thôi làm chi cho lắm, ngày ăn cũng 3 bữa chứ nhiêu. Nhưng sau lần đi du lịch tới Maldives, tận mắt chứng kiến sự thụ hưởng của các triệu phú, tỷ phú...mình đã có một quan điểm hoàn toàn khác. Thế giới người ta quá khác với thế giới bé nhỏ và chật hẹp của mình. Và cái họ giúp người, giúp đời...cũng lặng lẽ mà mình không biết. Tiền của họ làm ra, cũng lạ lùng sáng tạo và cật lực lắm, chứ không phải tiêu cực như mình nghĩ. Cũng do xưa nay mình ít đi đâu, mình làm ít tiền quá, thế giới của mình chỉ xoay quanh VIỆC ĂN, nên mới kết luận "làm cho lắm cũng ăn ba bữa". Ai làm ra tiền nhiều, mình cảm giác nó không thể, vì người bình thường luôn lấy khả năng của mình để kết luận người khác.

3. Nhìn lên là để phấn đấu, để đạt được giống vậy và thậm chí cao hơn. Nhìn máy bay là ước mơ và ra kế hoạch để bay cao hơn. Không phải lấy cái sào kéo xuống như hái xoài ở quê. Tâm lý hái không được thì chọt cho nó rụng.

Máy bay nó khác, hem phải trái xoài. Mình có chọt miết nó cũng hem có rụng. Có mắng chửi, bực bội thế nào thì chỉ khổ mình thôi. Mình đang đứng chống nạnh chửi dưới gốc xoài thì nó bay mất và đáp xuống một thiên đường nghỉ dưỡng nào đó. Bước ra khỏi máy bay là những người ăn vận với những bộ quần áo vài chục ngàn đô trên người, là những chú chó cưng có tên riêng và có hộ chiếu, những chai nước hoa mà cả làng mình bán hết xoài, vặt luôn cả lá cũng không mua nổi.

4. Bèn bước vô nhà, lầm bầm suy nghĩ. Phải nghĩ khác, làm khác đám đông vậy.

Cải số được không?

Từ 16-19 tháng 11, ở hội chợ Foodexpo tại SECC, số 799 Nguyễn Văn Linh, Q7, Tp HCM, có một nhóm khởi nghiệp trong CLB con dượng đến trưng bày sản phẩm. Các bạn có thể đến để học tập mô hình, dùng thử sản phầm, xem cơ hội hợp tác. Ví dụ như chị Trang đã xây dựng nhà máy nước ép Thanh Long ở Phan Thiết, với dây chuyền thiết bị đầy đủ ISO cả rồi, thì mình có thể liên hệ để chị gia công cho, ví dụ nước dừa tươi, nước tỏi đen, hay cái gì đó, thương hiệu riêng của mình. Thay vì tự xây nhà máy, mình có thể liên hệ với chị để tận dụng hết máy móc thiết bị. Hoặc mình có thể nhận làm phân phối, nếu giỏi về thương mại.

Mai và mốt, chỉ các bạn có card visit mới được vào cổng. Còn 2 ngày sau đó thì mở cửa tự do cho khách tham quan. Các bạn sắp xếp tham dự nhé.

Mời các bạn cùng đọc lại bài viết tâm sự của chị Trang 2 năm trước. Biết đâu bạn sẽ tìm được hướng đi của mình từ những dòng chữ giản dị dưới dây.

Số phận đã bắt chị làm công nhân. Nhưng chị không muốn, và thế là chị đã trở thành một nữ doanh nhân. Các bạn hãy tin vào điều này: người ta hoàn toàn có thể cải số (hoán cải số phận) bằng ý chí. Bạn có thể đã đọc rồi, nhưng nên đọc lại. Vì có những câu chuyện, ta không thể đọc chỉ 1 lần.
---------------------------------------------------
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận. Những năm đầu thập niên 90, khi tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn quá nên tôi bỏ học, vô Sài Gòn làm công nhân may tại xí nghiệp giầy dép Bitis. Hàng tháng tôi lãnh lương khoảng 500,000 đ, trừ tiền nhà và tiền ăn, còn lại tôi sắm 5 phân vàng gửi về phụ giúp cha mẹ. Công việc bên chiếc máy may cứ thế cuốn tôi vào, những đêm tôi ngủ gà gật bị kim đâm chảy máu. Tôi nhìn các bạn trang lứa mặc áo dài trắng đạp xe trên phố, bao lần tôi tủi thân khóc cho số phận mình.

Sau khi chị gái lập gia đình, anh rể đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều về vật chất. Vì ham học, tôi kiên quyết về quê tiếp tục học cấp 3. Tôi trở lại Sài Gòn để theo học đại học tại chức, vì không thi đỗ chính quy. Tôi xin việc phục vụ buffet hoặc bán hàng, tiếp thị trên phố ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm. Tốt nghiệp, tôi bắt đầu với vị trí "giúp việc" cho các phòng ban, trực điện thoại, photocopy, quét dọn, pha cafe cho khách, mua đồ ăn trưa cho mọi người...ở một công ty Hàn Quốc. Sau đó công ty mở rộng thêm lĩnh vực may mặc, ông chủ xây dựng một nhà máy lớn ở Củ Chi, tôi được ông giao công việc cân đối nguyên phụ liệu, cùng theo dõi tiến độ, xử lý, làm việc trực tiếp với các nhà máy cho đến khi hàng được xuất đi, có nhiều lúc chúng tôi trở về nhà 4, 5h sáng.

Tôi công tác trong ngành may 5 năm thì lấy chồng. Sau khi sinh em bé, tôi nghỉ việc và tự kinh doanh đồ dùng trẻ sơ sinh của nước ngoài. Lúc đầu công việc khá thuận lợi, tuy nhiên tỷ giá tiền Việt và USD cứ thay đổi liên tục. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thu ngoại tệ thay vì phải thanh toán ngoại tệ cho nước khác. Thế là tôi quay về quê, lúc này một số bạn học của tôi vẫn sống ở quê và đa phần đều có cuộc sống khá giả từ cây thanh long. Thanh long Phan Thiết xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua TQ là chủ yếu, vô cùng phụ thuộc vào thị trường nước bạn. Tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới.

Rồi tôi liên lạc với Sở KHCN và được họ cho biết có 1 nhóm kỹ sư thực hiện đề tài nước ép Thanh Long trước đó 3 năm, nghiên cứu xong thì không có đơn vị ứng dụng nên cất trong tủ, cần họ giới thiệu cho. Mọi việc được tiến hành rất nhanh, tôi ký hợp đồng thuê đất trong KCN, thuê thiết kế nhà xưởng, mời đơn vị tư vấn ngành thực phẩm... Tuy nhiên một vấn đề lớn đã xảy ra, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thoái thác không chuyển giao kỹ thuật ở phút thứ 89, dù các anh ở Sở cố gắng thuyết phục họ. Tôi lại không phải người được đào tạo ngành chế biến thực phẩm, không hình dung được một cái nồi nấu là gì huống chi cả một dây chuyền thiết bị. Mấy tháng trời, ở Sài Gòn chỗ nào có triển lãm là có mặt tôi, chỗ nào có cung cấp thiết bị, gần xa gì tôi cũng mò tới. Nơi nào cung cấp phụ gia thực phẩm là tôi gọi như bạo động. Song song đó tôi viết dự án theo mẫu, may nhờ có một người em đã phụ giúp tôi hoàn thiện dự án để xin tài trợ chương trình sản xuất thử nghiệm. Ngày tôi ra hội đồng thuyết trình dự án, nhà máy đã sắp hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Hội đồng thấy sự quyết tâm (và cả liều lĩnh ) của tôi nên đa số đều bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Tôi đạt số điểm rất cao và xin được số tiền kỷ lục cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận. Từ chỉ vài ba chục triệu đồng ít ỏi tự tích luỹ, nhờ tiền của dự án tài trợ nên tôi đã sở hữu được một nhà máy của riêng mình.

Tôi đi đi lại lại giữa SG – Phan Thiết như con thoi để hối thúc tiến độ, những đêm thức trắng để nghiền ngẫm quyển tài liệu dày ngàn trang. Sau khi nhà máy hoàn thiện, các thiết bị được đưa về từ từ, tôi nhìn những thiết bị đó như nhìn những cỗ phi thuyền từ hành tinh nào xuất hiện. Rồi những nhân viên đầu tiên của tôi có mặt. Một bạn chuyên trách về thực phẩm về hỗ trợ tôi. Từ đây là chuỗi những thử thách của tôi bắt đầu. Tôi vật lộn trong nhà máy, việc rửa sạch, chần, tách hạt quay, khuấy trong nồi...tôi và anh em lao vào nghiên cứu vận hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có hôm bị các ống hơi nóng phỏng người. Và bao nhiêu nỗi cực khác mà chỉ có người làm sản xuất nói ra mới hiểu.

Rồi vấn đề về nhân sự cũng làm tôi đau đầu nhưng nhờ quyết tâm của mọi người nên từ từ mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Thành phẩm có cái mới để 7 ngày đã nhiễm vi sinh căng phồng, có cái vỡ tung, cái nổ bôm bốp. Mấy tháng trời chúng tôi vật lộn với hàng trăm sự cố, tìm cách khắc phục, thêm cái này, bớt cái kia, bỏ cái nọ, thay mới cái nớ... cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thiện được công thức, ra được sản phẩm hoàn hảo. Tôi mang sản phẩm đặt lên bàn vị lãnh đạo sở KHCN, tôi thấy trong mắt ông có một sự vui mừng không giấu được. Đứa em đã âm thầm sát cánh bên tôi, tôi thấy niềm vui trong mắt nó lấp lánh. Đến nay dường như công thức chế biến đã 100% thay đổi so với công thức nghiên cứu ban đầu.

Đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, đó là khoảng thời gian có thể nói là vắt kiệt sức lực, tinh thần, tài chính của tôi và của gia đình. Tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì công việc. Có những lúc tôi muốn buông tay, rồi tôi lại bừng tỉnh, không cho phép mình gục ngã. Vì bên cạnh tôi bây giờ có gia đình và những người đã âm thầm ủng hộ. Và hơn hết, sau lưng tôi là hàng ngàn ánh mắt hồn hậu của nông dân trồng thanh long ở xứ cát nóng này. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ phải trả nợ quê hương bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Rồi hàng ngàn nhà máy sẽ mọc lên trên đất Việt. Những nhà máy chế biến vải ở Bắc Giang, những nhà máy nước bưởi thanh trà ở Huế, những nhà máy sô-cô-la ở Tây Nguyên, những nhà máy thủy sản ở Tây Nam Bộ...Nếu có lời nhắn nhủ, nếu bạn có chút tài năng và ý chí, bạn hãy khởi nghiệp sản xuất cho quê hương bạn. Cứ gõ đi, cửa sẽ mở.

Tôi chỉ là người con gái bé nhỏ, xuất phát điểm từ một cô công dân dệt may ở quê nghèo, tôi đã làm được một nhà máy lớn và góp phần giúp nông sản quê hương tôi không bị ép giá. Tôi đã làm được, thì các bạn ơi, tại sao các bạn lại không?

Chọn cái bấp bênh

Sáng nay Tony đi hội thảo nhân sự doanh nghiệp, thấy có mấy ý hay đúc kết lại:

1. Vốn quý nhất của doanh nghiệp là con người. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Người ở đây phải là người có năng lực, có đầu óc. Còn người tào lao thì lỡ nhận vô rồi, chỉ ước mong nó nộp đơn xin thôi việc sớm.

2. Tính cách đầu tiên và quan trọng nhất của người có năng lực: tính chủ động. Họ không bao giờ có thời gian trống. Ở chỗ làm, họ làm việc A, việc B, việc C..., thậm chí nếu họ không đủ thời gian để làm thì họ sẽ giao hoặc nhờ người khác làm. Còn ở nhà, là nhiều hoạt động thú vị, lúc dọn dẹp nhà cửa, lúc trồng cây, lúc đi học võ đánh đàn, bơi lội, từ thiện. Sống, làm việc với người có năng lực thì sẽ không bao giờ tẻ nhạt.

3. Còn người kém năng lực thì vô cùng thụ động, não trạng và thân thể rất lười. Hỏi mới trả lời. Nên cứ phải bị hỏi, việc A sao rồi, việc B tới đâu rồi. Họ xử lý mọi thứ vô cùng chậm, vì quên. Có ai nhắc mới nhớ, mới lôi ra làm. Trong chỗ làm, quản lý phải hỏi thì mới biết nó đang làm gì, mới biết việc đó đang diễn biến tới đâu. Quản lý đưa ra nguyên tắc làm việc, quy trình làm việc và hướng dẫn vài lần, đứa có năng lực sẽ hiểu ra vấn đề và thay đổi, chủ động làm và báo cáo, còn đứa kém thì phải cầm tay chỉ việc. Đốc thúc, theo dõi đến mệt mỏi.

4. Thời sinh viên, đứa nào kêu đi làm thêm, bứt tóc móc mắt nói "không biết làm gì ngoài dạy thêm" thì có học giỏi cỡ nào, ra đời cũng chỉ là 1 nhân viên bình thường, vì không có sự sáng tạo hay quyết đoán, chịu khó chịu khổ, tính cách hay ngại ngùng sĩ diện. Nhóm này, mình chớ cân nhắc làm lãnh đạo hay làm quản lý, nó sẽ mang lại đống nợ cho công ty, hoặc khiến công ty sớm đóng cửa. Quản lý hay lãnh đạo mà để doanh nghiệp thua lỗ thì là do lỗi của họ.

5. Mình nhận nhân viên mới, thấy có tư chất, tài năng, chịu thương chịu khó thì tích cực chăm bón cho "hạt giống" ấy nẩy mầm. Còn thấy đứa bình thường, chỉ ngoan, hiền, thì nên giao việc bình thường, khả năng người ta có vậy. Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn. Năng lực làm việc này không liên quan gì đến bằng cấp, học vị, khả năng ăn nói, viết lách, gia thế, dòng họ. Phải giao việc thực tế thì mới biết có tài hay bất tài.

6. Hàng ngày, nhân viên nên yêu cầu quản lý nhóm (team leader) giao việc cho mình, các quản lý cấp cao hơn tìm việc cho mình. Nói mình chỉ là nhân viên, các anh là quản lý, phải làm cho ra quản lý, lãnh đạo. Cứ ra quy tắc, tụi này sẽ theo. Sai đuổi, phạt. Tốt thưởng. Chủ động đề xuất như vậy. Có bạn ví dụ ví von trong thế giới tự nhiên, từ con vịt trở lên là đã tổ chức một con đầu đàn. Con đầu đàn sẽ có trách nhiệm dắt đàn đi, tìm một bãi cỏ xanh hơn, nước ngọt hơn, cá tôm nhiều hơn cho cả đàn no bụng. Khi có kẻ thù, con đầu đàn sẽ hướng dẫn cả đàn chạy trốn hoặc chống lại. Con đầu đàn có nhiệm vụ, có trách nhiệm rất khổ, nhưng cũng có quyền lợi rất lớn. Được "ăn trên ngồi trước", được các con khác bảo vệ khi ăn khi ngủ, được quyền chọn bồ. Đó là điều vô cùng công bằng, trách nhiệm lớn thì quyền lợi cũng phải lớn, đừng mong nghèo khổ họ giống mình mà trách nhiệm thì lớn. Vậy là bất công.

7. Khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, là khuyến khích nhóm có năng lực, có đầu óc và tố chất làm chủ đang mắc kẹt vô tư tưởng ổn định chắc ăn (trung bình mỗi xã hội, nhóm này chiếm khoảng 5% dân số). Chỉ có nhóm này mới làm nên chuyện. Hem phải khuyến khích nhóm không có năng lực (95%), vì tụi nó sẽ làm theo phong trào, hào hứng cho vui 3 bữa rồi đi học thạc sĩ MBA, hay đi xin việc trở lại, chứ làm chủ gì nổi. Cũng hay cản người khác, vì mình làm không được nhưng cũng hem muốn ai làm được.

Mỗi cá nhân nên tự xét mình, khả năng không có thì mình chỉ nên yên phận làm cấp dưới, làm nhiệt tình cho người ta mà chia tiền, hem nên đứng mũi chịu sào rồi bị stress, ảnh hưởng đến nhan sắc. Đã kém, đã dở thì phải đẹp để gỡ lại.

8. Trong hội thảo có một diễn giả đặc biệt, tên Lý, 28 tuổi, người gốc Hoa. Anh Lý học tới lớp 12 thì nghỉ vì thi ĐH không đậu. Anh mày mò mở doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo 10 năm nay. Lúc anh bắt đầu chia sẻ, các diễn giả khác (vốn có học hàm học vị, đọc sách nhiều) coi thường, cười cợt. Anh thú nhận là không rành các khái niệm "điểm hoà vốn, tỷ suất lợi nhuận, quản trị chuỗi cung ứng, tỷ suất PE PS ROI...". "Ngộ chỉ biết ngộ tự làm từ cái chảo chiên bánh, rồi mở quán bán, rồi đi bỏ mối, rồi mở xưởng, rồi đông người làm quá, nhà ngộ trong Chợ Lớn hem đủ chỗ làm nên ngộ xuống khu công nghiệp dưới Long An lấy 3 héc ta làm cái nhà máy". Nghe đến đây thì mọi người choáng váng. Nhiều bạn đứng lên hỏi, anh có lời khuyên gì cho sinh viên, ra trường nên xin vào đâu để ổn định. Anh nói, nếu đi làm cho người ta, người ta phát lương cho mình, mình phụ thuộc người khác thì sao "ổn định" được. Mình làm dở, chủ nó đuổi. Mình làm tốt, nhưng chủ nó tham, mình cũng có nhiêu đó tiền. Mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng chủ quản lý bất tài dẫn đến thua lỗ, mình mất việc. Muốn ổn định, cách duy nhất là mình làm chủ cuộc sống của mình bằng cách sản xuất. Chứ thương mại mua bán thì cũng phụ thuộc người bán người mua, nó biết nhau hết thì mình mất mối. Hay mấy cái kinh doanh đa tình đa đoan, tài chính chứng khoán, môi giới bất động sản này nọ...cá nhân tui thấy có gì ổn định, vì phụ thuộc người khác hết trơn. Chỉ có sản xuất ra 1 cái gì đó, tạo ra của cải cho con người sử dụng, mới gọi là căn cơ, ổn định.

MC hỏi về "hiệu quả kinh doanh", anh không hiểu. Cái MC mới diễn nôm là "tiền lời hàng tháng", anh liền nói. "Tiền lời bấp bênh lắm. Có tháng kiếm được 6-7 tỷ, có tháng chỉ 2-3 trăm triệu thôi".

Nghe xong, một số bạn có mong ước "thu nhập ổn định" xịu mặt nhìn nhau.

Ăn chắc, mặc bền

1. Tony có 6 tháng làm việc cho một tập đoàn tại Hồng Công thời còn trẻ. Trong 6 tháng đó, có nhiều bài học quý giá mà ông chủ và đồng nghiệp xứ cảng thơm này đã chỉ cho Tony.

Khi về nước, ông chủ dặn, mày không nên làm ăn hợp tác với giáo viên và nghệ sĩ. Lúc đó Tony cũng sốc vì mẹ mình là giáo viên, còn bạn bè mình nghệ sĩ cũng nhiều, nghe như có cái gì đó không phải. Nhưng ổng nói, ý tao ở đây là phần lớn giáo viên bị bệnh chắc ăn nên làm ăn rất khó. Rủ làm ăn, họ căng thẳng lắm, 3 bữa là đòi rút vốn à. Còn nghệ sĩ, đầu óc của họ là nghệ thuật, kém về quản lý tài chính, nên làm ăn 3 bữa là lên báo khóc vì phá sản. Thường nghệ sĩ muốn làm thành công, phải có công ty quản lý đầu tư đứng ra. Tony thấy cũng hợp lý, vì thấy bạn bè nghệ sĩ của mình làm ăn thua lỗ miết, tư duy về tiền bạc của họ cực kỳ lộn xộn, tiền hàng thay vì trả cho nhà cung cấp thì đem đi trả lương, hoặc mua sắm những thứ không cần thiết. Thế còn giáo viên, Tony hỏi. Ông chủ đáp, đó là một nghề đặc thù. Họ chọn làm nghề giáo viên thì trong gene của họ có sự chắc ăn rất lớn rồi, mà chắc ăn lại là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ trong "tố chất doanh nhân". Học sinh châu Á từ nhỏ thường ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy dỗ, nên bệnh chắc ăn ít nhiều thấm vào người. Ông hỏi, hồi năm 18 tuổi, mày có được thầy cô trường cấp 3 tư vấn nghề nghiệp không. Tony bảo là có, hồi đó ai cũng bắt tụi tao nộp đơn 5-6 trường. Tụi tao khối A thì nộp một khoa toán tin ĐH tổng hợp, một trường kinh tế, một trường bách khoa, rồi giao thông vận tải, thuỷ sản...rồi thêm mấy cao đẳng nữa, đậu cái nào học cái đó. Cái ổng hỏi rùi mày thì sao, Tony nói tao hem chịu, tao chỉ thi có 1 trường, rớt thì thôi đi làm lao động chân tay, chứ mình có đam mê các ngành khác đâu mà thi tùm lum vậy. Nhưng bạn bè thì đều thi rất nhiều trường, căng thẳng vì 5 trường đều đậu, lựa chọn mắc mệt. Năng lực cứ như đa khoa, ngành gì cũng học được, cũng làm được.

Nói mới nhớ bữa nộp đơn, cô giáo chủ nhiệm thấy mình chỉ nộp một hồ sơ thì la um sùm. Thầy hiệu trưởng cũng phân tích rủi ro lắm nếu chỉ thi một trường. Quan niệm xưa cũ, trường muốn có "bề dày thành tích" gì đó, một trong những tiêu chí đánh giá là "lượng học sinh vào ĐH". Giờ nghĩ lại thấy buồn cười, học sinh vào ĐH là lựa chọn cá nhân của các bạn, liên quan gì đến trường phổ thông, vốn là nơi cung cấp kiến thức cơ bản, phổ thông cho con người. Thời Tony học, mỗi ngành chỉ có 1 trường ĐH nên Tony kiên quyết nói em chỉ thích ngành đó, trường đó. Cô và thầy có la Tony dữ dội, phân tích cũng lâu lắm, nhưng tất cả im bặt khi Tony bảo là nhà em không có tiền, nếu thầy cô muốn thì cho em tiền đi, em thi hết chục trường cũng được. Nhưng em báo trước là ngành em mà rớt, dù mấy trường kia thủ khoa thì em cũng không học. Ai cũng lắc đầu, nói thằng này lạ. Quá lạ.

2. Mark Zuckerberg, ông chủ facebook mà chúng ta đang kết nối với nhau, được xem là một bộ óc xuất sắc của nhân loại hiện nay. Anh nói "Rủi ro lớn nhất là không dám rủi ro. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, có một cách làm đảm bảo bạn sẽ thất bại trong mọi thứ, chính là KHÔNG DÁM MẠO HIỂM".

Như vậy, "chắc ăn" sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn "mạo hiểm". Một con tàu ra khơi sẽ an toàn hơn việc nó nằm ở cảng. Sóng thần không gây hại ngoài khơi, nó chỉ tàn phá đất liền, nơi con tàu tưởng như bình yên trú ngụ.

Thế giới đã khác, cách tiếp cận của giới trẻ phải khác. Đặc biệt là việc chọn nghề để học và chọn việc để làm, để khởi nghiệp.

Hình mẫu ngoan hiền, vở sạch chữ đẹp, "khi đi em hỏi khi về em chào, miệng em chúm chím" không được đánh giá cao nữa. Hình mẫu cá tính, đột phá, quyết đoán, làm khác, nghĩ khác, xê dịch, mạo hiểm, thay đổi...(nhưng không hư) là hình mẫu giới trẻ mà thế giới đang cần. Nhưng thật tiếc là cái này lại vô cùng hiếm ở châu Á. Chữ "ngoan" là một chữ không có tương đương trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoan ở châu Á nghĩa là biết vâng lời, obedient. "Không hư" mới là từ có giá trị hơn. Hãy nhận 1 bạn trẻ không hư vào làm, bạn sẽ được việc hơn 1 bạn trẻ ngoan (trừ việc văn phòng, thư ký).

3. Nhiều bạn trong CLB khởi nghiệp của Tony, khi yêu cầu thay đổi kiểu tóc, đầu đinh hay nhuộm mới, liền nói "ba con mắng chết". Kêu lên Đà Lạt họp khảo sát farm thì hào hứng lắm, tới đoạn nộp tiền thì im lặng. Cuối cùng chỉ có 4/10 bạn đi, 6/10 còn lại "mẹ không cho, bạn gái không đồng ý". Chưa có tỷ phú nào hỏi mẹ "mẹ ơi, con mở công ty nhé" rồi bà mẹ nói ừa mới dám mở. Làm ăn, mua bán với thể loại doanh nhân gì mà tới đoạn quyết định thì "để anh về hỏi vợ", "để chị về hỏi chồng" thì thôi, chỉ là cò con. Công ty mà chồng giám đốc, vợ làm kế toán để "chắc ăn" thì chỉ mãi mãi nằm ở quy mô doanh số tầm tầm, vì có những cơ hội kinh doanh, "bà kế toán" không duyệt vì sợ mất.

Có bạn trẻ "chân trong chân ngoài", vẫn đi làm, khởi nghiệp vào ban đêm hay cuối tuần, vì sợ "khởi nghiệp thất bại mà việc cũng mất", đợi thành công mới xin nghỉ việc. Tham vài đồng lương lẻ tẻ, hoặc không tự tin về việc mình triển khai. Ở cơ quan thì lén lút làm việc bên này, ngồi bên này thì điện thoại léo nhéo việc cơ quan. Thì cả 2 đều tèo. Có bạn quyết tâm du học, luyện IELTS, SAT để xin học bổng nước ngoài mà cũng luyện luôn toán lý hoá để quyết tâm đậu ĐH tốp trên trong nước thì...cả 2 đều không đạt. Có bạn xin Tony cho học bổng đi du học, tới đoạn yêu cầu viết tự luận và nộp hồ sơ thì "thôi con không đi, con đang mua nhà trả góp. Trước khi đi du học, con phải có 1 cái nhà ở đây, qua kia học không nổi thì về". Có bạn vừa suy nghĩ lên phương án kinh doanh, mà cũng luyện GMAT để thi thạc sĩ, tiến sĩ. Ham bằng cấp, nhưng cũng lại ham tiền, ham thành tựu. Vừa mở công ty, vừa đi phỏng vấn xin việc chỗ lương cao. 10 năm gặp lại, vẫn ly bia ngửa cổ lên trời uống nói số mình không may mắn. 20 hay 50 năm nữa thì cũng chỉ thế. Có ai chắc ăn mà thành công đâu, chắc ăn thì CHỈ ĐỦ ĂN.

3. Không chỉ là làm ăn, bất cứ nghề gì, thế giới đỉnh cao của lĩnh vực đó không dành cho người bị bệnh "chắc ăn". "High risk, high return". Ai rủ mình làm ăn mà "đảm bảo, không có rủi ro gì" thì một là lừa đảo, hai là đứa thơ ngây, mới bước ra từ tháp ngà lý luận. No risk thì no return. Không có cái gì mà "100% chắc thắng". Những doanh nhân lớn của Việt Nam hay nước ngoài, ai ai cũng có tố chất của sự quả quyết, tự tin, chịu trả giá.

Bệnh chắc ăn không phải ở giáo viên mới có, mà hầu như cư dân các nước nông nghiệp lúa nước lạc hậu đều bị. Chúng ta bị "bệnh chắc ăn" chủ yếu do tác động của gia đình, cha mẹ, bạn bè, làng xóm. Họ canh tác dựa vào thiên nhiên, nên luôn có "1 vụ mùa ăn chắc", 1 vụ mùa gieo xong thì ra cúng lạy quá trời để mong mưa thuận gió hoà. Khác với các dân tộc khai phá, chinh phục, đặc tính chấp nhận rủi ro nằm trong gene của họ. Với cái la bàn thô sơ, tàu gỗ, buồm vải...họ giong lên đi dọc ngang quả đất. Bão tố khiến họ chết cũng nhiều, nhưng vì thế mà châu Mỹ, châu Úc...mới được tìm ra và trở thành trù phú. Bây giờ, trước đại sứ quán Mỹ, Úc của các nước châu Á, luôn rất đông người dân đứng xếp hàng xin visa để sang đó tham quan du lịch.

Giờ đi máy bay rồi, chắc ăn thì mới đi. Dân châu Á cứ lẹt đẹt bắt chước theo sau người ta hoài, cũng là do "bệnh chắc ăn" nó thấm sâu vào từng tế bào. Ai có nhận thức mạnh, thoát ra được thì mới bật lên, đột phá, sống phong lưu sung túc và quan trọng nhất là có thành tựu.

Câu chuyện về nền kinh tế Hàn Quốc

Nhiều người Mỹ nói với Tony là họ không dám mua xe của Hàn Quốc sản xuất cho đến khi xem xong bộ phim "Những tay đua kiệt xuất" trên truyền hình. Câu chuyện thành công của họ luôn là một bài tập tình huống (case study) được dạy ở các trường kinh doanh lớn như Harvard Business School cho sinh viên thảo luận. Mời các bạn cùng tham khảo.

Thập niên 1960, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định tham khảo các bộ sách giáo khoa của các nước tiên tiến (đặc biệt là của Nhật), đem về dịch ra và giảng dạy, ngoại trừ các môn người Hàn phải soạn như địa lý Hàn Quốc, lịch sử Hàn Quốc và văn học Hàn Quốc. Vì họ biết rằng, người Nhật đã đầu tư cho giáo dục ra sao để mãi là dân tộc châu Á duy nhất trong khối G7. Và các kiến thức khoa học tự nhiên như toán lý hóa sinh đều là tiến bộ và phát minh của người phương Tây, kiến thức phổ thông này thì nước nào cũng giống nước nào, không cần phải biên soạn lại. Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên 3 yếu tố là lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đúng 20 năm, năm 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích sông Hàn. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hóa chất, đóng tàu, điện tử, thực phẩm...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số Hàn chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Sản xuất và sản xuất. Tài năng là phải đầu tư vào sản xuất. Họ mua hầu hết mọi sản phẩm nước ngoài về lục tung lên, mày mò sản xuất y chang như vậy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động phổ thông và phải xây dựng các nhà máy ở nước ngoài, những nơi luôn thừa lao động tay chân. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc. Người Hàn ra nước ngoài là làm ông chủ, làm quản lý, phỏng vấn và trả lương cho người khác, thay vì đi xin việc, chờ phỏng vấn và được trả lương như các thế hệ trước.

Năm 1988, khi pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, khi tiếng quốc ca trỗi dậy, người Hàn Quốc đang chạy xe trên đường bỗng dưng dừng xe, bước xuống, cúi đầu. Những bàn tay chai sạn đan vào nhau và họ cười trong nước mắt. Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Thuở đó, phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Hollywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng, Anh em nhà bác sĩ... với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hallyu nổi tiếng. Người Nhật quay ngược lại hâm mộ tài tử Hàn Quốc một cách điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo. Các nước Đông Nam Á thì chỉ biết "ụ pa ơi, ụ pa hỡi". Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

Năm 1988, ngần ấy người được khuyến khích đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu" tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, Tây không thích, không bán được. Liên tiếp nhiều năm, xe của Hyundai, KIA là những nhãn hiệu bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhất là sau bộ phim "Những tay đua kiệt xuất". Những sinh viên giỏi toán nhất được khuyến khích xin học bổng theo học ngành tài chính ở các đại học lớn trên thế giới, với tham vọng biến Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York. Du học sinh Hàn cực kỳ kỷ luật, họ học ngày học đêm và kéo rầm rập về nước khởi nghiệp, không ai xin thẻ xanh thẻ đỏ hay hôn nhân giả để ở lại. Công dân nam, kể cả diễn viên ca sĩ, đều đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc 2 năm.

Mọi người góp tiền vào nhau và các quỹ đầu tư ra đời, tự đi tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không ai chỉ trích, đổ lỗi cho ai, mỗi cá nhân chỉ góp sức góp trí để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh hơn, với tinh thần "giúp cho một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn thêm giàu có". Hệ thống bán lẻ Lotte Kmart... phải có nghĩa vụ mang hàng hóa Hàn đi khắp nơi. Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ.Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Muốn trở thành một dân tộc lớn thì mỗi cá nhân phải nghĩ lớn. Tài năng thì làm chủ, ít tài hơn thì ủng hộ người chủ đó bằng cách tiêu thụ sản phẩm của họ sản xuất ra. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này? Người Trung Quốc cũng mang tinh thần sản xuất ấy, đúng 20 năm sau, năm 2008, Olympic Bắc Kinh ra đời. Cốt lõi của một nền kinh tế mạnh là nhân tài khởi nghiệp, tạo lập cơ sở sản xuất, người dân ủng hộ hàng sản xuất trong nước để có thị trường, sau đó là xuất khẩu.

Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở Việt Nam ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ mình mua giùm. Ở cửa hang ở Seoul, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay, leo lên kệ lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho tôi xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng và bật khóc. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ, dù cô chỉ là một người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi này. Vì quá kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn sản xuất, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại, Tony vẫn thấy cô gập đầu cung kính.

Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, trên lưng của mỗi công dân luôn là Tổ quốc.

Chuyện nhà ông Bèn

1. Hồi nhỏ xíu, Tony thích nhất là ông Bèn. Vì coi truyện tranh, truyện nào cũng "SAU KHI ĐÁNH THẮNG QUÂN GIẶC, ÔNG BÈN LÊN LÀM VUA". Trăm truyện như một. Sau này lớn lên chút, mới biết "bèn" là một động từ, hẻm phải tên riêng.

"Bèn" có nghĩa đại loại "hem có dự trù trước". Quánh giặc là vì yêu nước, nhưng khi thắng rùi, lỡ rùi nên thôi lên làm vua luôn. Vua đời đầu, thường là anh hùng liệt lẫm. Theo văn hoá Trung Quốc, khi làm vua, ông Bèn thường lấy hiệu là "Thái Tổ". Rùi tiếp các đời Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Dực Tông gì đó,... (hay Tôn). Trong Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết:

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần
bao đời gây nền độc lập
cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên,
mỗi bên hùng cứ một phương,
tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
song hào kiệt đời nào cũng có".
(Triệu ở đây là Triệu Đà. Quan niệm của người xưa vẫn xem Triệu Đà, vua nước Nam Việt lúc xưa là vua của nước ta, sau đó là nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần. Còn bên kia tương ứng là nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên).

Tây Tàu gì cũng giống nhau, ông "Bèn" lúc lập quốc thì xuất chúng, tới thời vua cuối cùng thì dở ẹc. Tỷ phú tự thân nào cũng giỏi, nhưng con cái làm mất gia sản hết. Con của đại trí tuệ như Khổng Tử, Lê Quý Đôn, Pasteur, Anh-x-tanh...cũng hem thấy có gì xuất sắc. Dân gian có câu "trứng rồng lại nở ra rồng. Liu diu lại nở ra dòng liu diu", Tony thắc mắc, Quang Toản là con Quang Trung, mà sao hẻm có chút khí chất gì giống cha. Sau này đi qua Mỹ học, những pho sách thư viện Há Vợt đã làm sáng tỏ biết bao điều. Các người thành đạt ngày xưa phần lớn chọn vợ sai lầm cả.

2. Công thức mọi người hay nói là "trai tài - gái sắc". Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mày tài giỏi vậy, phải lấy gái đẹp mới xứng, thành đạt rùi thì phải cưới hoa hậu, chân dài, diễn viên điện ảnh....chứ hem có cưới nữ giáo sư tiến sĩ khoa học đoạt giải Nobel. Nhưng con cái của các mỹ nhân thì hem có ai đẹp như mẹ, thậm chí rất xấu nếu cha nó xấu. Các nghiên cứu di truyền học mới nhất cho thấy, đứa con thừa hưởng 80% trí tuệ từ mẹ, 20% từ cha. Ngoại hình thì ngược lại, 80% từ cha và 20% từ mẹ. Có vậy thôi là hiểu. Ông Bèn xưa tài giỏi nhưng phần lớn xấu trai, khi làm vua bèn tuyển cung phi mỹ nữ, cứ đẹp là tiến cung nên sinh ra hoàng tử công chúa công nương, nhan sắc giống cha, trí tuệ giống mẹ. Thử coi hình mấy "mặt rồng" ở mấy viện bảo tàng thì biết. Rùi các thế hệ hoàng tử tiếp tục lấy gái đẹp mà hẻm khôn. Đâu mấy đời, hoàng tử công chúa ngu dần đều. Mà vẫn xấu giống ông nội ông tổ. Lúc mất nước, đứa nào đứa nấy ngơ ngác hỏi ủa giờ mình hết được ở hoàng cung rùi hả? Why, why?

Người Nhật và người Do Thái họ biết vụ này từ hồi xa xưa. Các cô gái thông minh, giỏi giang được khuyến khích đẻ nhiều. Còn đàn ông cao lớn đẹp trai...là gene quý, cũng được khuyến khích có nhiều con. Thậm chí người Nhật họ khuyến khích các cô gái giỏi lấy chồng Tây, bổ sung nguồn gen cao to, xoá bỏ mặc cảm "Nhật lùn", vì so với các sắc dân châu Á khác vào thế kỷ 19 trở về trước, người Nhật là lùn nhất.

Công thức đúng phải là "trai sắc - gái tài". Các cô gái học giỏi, có công trình nghiên cứu công bố quốc tế...nếu hẻm có nhan sắc thì đừng lo. Sẽ có các chàng trai cao to đẹp đẽ và hiểu biết đến với mình, hem Việt thì Tây, trai đẹp sẽ đứng xếp hàng cho lựa. "Nếu bạn muốn có con giỏi thì phải lấy vợ thông minh", người Do Thái cũng có câu tục ngữ như vậy. Tuy nhiên, về mặt hấp dẫn sinh học, thì các cô gái xinh đẹp vẫn được nhiều người săn đón hơn. Tuy nhiên, các bạn nữ yên tâm nhé. Là phụ nữ, thời đại mới, chúng ta nên toả sáng về trí tuệ. Các trường cấp 3 nên có trường nữ như các trường Gia Long, Đồng Khánh ngày xưa (gọi là girl school) để đào tạo nhân tài. Những cô gái học giỏi thông minh cũng là nguồn gene rất quý, đối tượng của những người đàn ông hiểu biết theo đuổi.

Còn các bạn nam, thời đại này, các bạn sẽ phải cạnh tranh nhau bằng ngoại hình. Nhan sắc là cái cần ưu tiên đầu tư. Nhan sắc ở đây hem phải là vẻ mỹ miều mỹ phẩm, mà đó là bộ khung cơ thể, sức bền và sự khoẻ mạnh. Phải tập luyện thể lực nhiều, ngủ sớm dậy sớm để cao to, rắn rỏi. Từ nhỏ, bớt giải bài tập luyện thi, bớt "ô mê ga tê cộng phi" trên bàn giấy, trên máy tính, nên dành 1/3 thời gian thức trong ngày để tập luyện ở sân bóng đá, bóng chuyền, hồ bơi, cưỡi ngựa, bắn cung, leo núi, đua thuyền, thám hiểm, võ thuật...Cứ dặt dẹo cái cặp kính cận 10 đi ốp, nói toàn chuyện thiên hạ trên mạng, cả ngày ngồi ôm bàn phím laptop ipad iphone, tay chân teo tóp, cơ bắp nhão nhoét, không biết làm việc nhà, nấu cơm chẻ củi không rành, sửa không nổi chiếc xe đạp trật xích, hay leo cầu thang có chút xíu đã hổn hển, thì coi như thua. Các cô gái đừng có dại mà dây vào, rất khổ. Các trường cấp 3 trên thế giới bây giờ cũng khuyến khích mở trường nam sinh (boy school), trong đó việc học thể lực là ưu tiên hàng đầu, sau đó là ứng xử của một nam nhân cao sang thanh lịch. Các đức tính PHẢI CÓ của một người con trai là nhường nhịn, tha thứ, bảo vệ người khác, nghĩ lớn, quảng đại, quân tử, không để ý tiểu tiết tiểu nông, không phán xét người khác và sợ bị người khác phán xét, không quan tâm đời tư cá nhân người ta, sẵn sàng chịu thiệt trong các quan hệ ứng xử, hào sảng và cho đi, tôn trọng kỷ luật, trung thực và chính trực, không thoả hiệp với cái xấu và sợ hãi người xấu*. Phụ nữ trở thành đàn ông là chuyện rất khó, nhưng đàn ông biến thành đàn bà thì rất dễ. Chỉ cần một hành động nhỏ xíu, một suy nghĩ hẹp hòi lặt vặt, như tranh luận ăn thua hay quánh phụ nữ 1 cái, thế là biến thành đàn bà ngay. Trong tự nhiên, con đực hiếm khi tấn công con cái, dù là giành ăn. Ngay cả trí tuệ chút xíu như loài gà, gà trống nó vẫn nhường gà mái, không đá.

3. Và dù hình thức dung mạo thế nào, người sở hữu những tính cách trên (*) được gọi là người có mái đầu lớn. Nhật là một nước nhỏ về diện tích và dân số, nhưng là một dân tộc lớn. Vì nó tập hợp những mái đầu lớn. Xã hội càng nhiều trai sắc, gái tài...thì xã hội đó càng phát triển. Sắc ở đây là sự khoẻ mạnh, tài ở đây là thành tựu.

Hôm bữa kể cho mấy đứa gia nhân ở villa công thức này, tụi nó nói "con thà lấy gái đẹp mà dở, còn hơn là gái thông minh mà hem đẹp". Vậy là bạn sẽ phải làm cật lực nuôi con cái, nó sẽ dở giống mẹ nó. Một đứa còn nói, con sẽ lấy "vừa đẹp, vừa thông minh", vẫn có feeling cảm giác sinh học tốt, mà con cái của con vẫn giỏi, trên đời có cô gái nào vừa đẹp vừa thông minh hem dượng? Tony bèn đáp: Cũng có, nhiều là đằng khác, nhưng không đến lượt mày. Mày ôm cái laptop và facebook, game online cả ngày, thì có đứa chịu lấy đã là may. Ngồi đó mà lựa với chọn.

Để cuộc đời nhớ mãi

1. Cơ thể con người hoàn toàn giống nhau về mặt sinh học, cũng tay cũng chân cũng mắt cũng mũi...Như những cái máy tính để trên bàn, không biết máy nào chạy tốt hơn máy nào cho đến khi máy được bật lên để sử dụng. Chỉ có "phần mềm" khiến nó khác nhau. Con người cũng vậy, phần mềm của con người chính là nhận thức, thái độ, hành động ra bên ngoài. Người vĩ đại, kẻ bình thường, kẻ tiểu nhân. Kẻ hiền người ác, kẻ thiện người dữ. Kẻ may mắn người xui xẻo. Để tiểu nhân trở thành người bình thường, hay người bình thường trở nên vĩ đại, người ác trở nên thiện, người dữ trở nên hiền, người xui xẻo trở nên may mắn, người ta phải CÓ MỘT ĐỨC TÍNH DUY NHẤT LÀ HÀO SẢNG. Khi tập được tính CHO ĐI, và sẵn sàng CHO ĐI, các đức tính tốt đẹp khác sẽ từ đó phát sinh. Còn càng tập tính LẤY VÀO, thì họ càng ích kỷ, càng nhỏ nhoi, mọi thứ trên người họ càng ngày càng xấu. Nên xấu tốt, thiện ác, hiền dữ, may rủi...không phải bất biến mà hoàn toàn có thể thay đổi theo nhận thức, theo thời gian. Hoàn toàn do mình tạo ra.

Một ngày nào đó, một người ngủ dậy, bàng hoàng nhận ra hôm nay mình khác. Họ thấy cuộc đời này, thân xác này chỉ là vay mượn của tạo hóa để sống mấy chục năm trên trái đất. Và khi mất đi, cái người ta nhớ đến chỉ là trí tuệ và tấm lòng. Còn cơ thể sinh học, thì mồ mả có xây to đẹp cỡ nào, thì chỉ vài ba thế hệ nó nhớ đến mà thôi. Ít ai trong chúng ta biết ông cố của ông cố mặt mũi ra sao, mồ mả ở đâu...trừ được ghi vào sử sách là một hiền nhân.

2. Nhiều bạn hỏi hào sảng là gì. Vì xưa giờ chưa nghe ai nói. Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán, là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không ích kỷ, không cá nhân chủ nghĩa.

Tony có 2 người bạn, A và B, đều là chủ 2 công ty thương mại lớn. Cả hai đều ly hôn. Ngày chia tay, mọi thứ với anh A đều chia đôi. Con 2 đứa, vợ chồng anh chia mỗi người nuôi một. Đũa anh lấy 1 chiếc vợ 1 chiếc, cả củ gừng trong tủ lạnh anh cũng bẻ đôi. Những gì không chia đôi được như tivi, tủ lạnh, máy nước nóng... thì anh quy thóc, định giá bằng giá mua. Cô vợ thì không chịu, nói giá mua 5 triệu bây giờ đã là đồ cũ chỉ có 2 triệu thôi, cãi nhau ầm ĩ đàm phán tòe loe, cuối cùng cô vợ phải chấp nhận mức 3 triệu và trả lại cho anh 1.5 triệu. Nhìn hành lý anh gánh ra khỏi nhà lỉnh khỉnh đồ đạc, lẽo đẽo với đứa con gái nhỏ, ai trông cũng hết sức thương cảm. Anh làm ăn cũng có tiền, nhưng không phát triển được. Anh ngồi thở dài miết, nói sao tôi không thành tỷ phú nhỉ? Gương mặt anh khôn thiệt khôn, quắt queo trong cái nắng Sài Gòn tháng 1...

Anh B cũng ly hôn, để lại hết gia tài cho vợ, bước ra khỏi nhà và đêm đó thuê khách sạn ngủ, bắt đầu lại từ đầu. Sự hào sảng của anh gặp phải sự chỉ trích khủng khiếp từ cha mẹ người thân, bảo là "cái thằng ngu chưa từng có", "cái đồ u mê, cái đầu chỉ để đội nón". Anh cười khảy, vì anh biết vợ cũ của anh vẫn cứ tiếp tục nuôi con, và mình là đàn ông đàn ang, phải biết hào sảng buông bỏ. Đến giờ, công ty anh càng ngày càng lớn, khách hàng ngày càng nhiều, đối thủ cạnh tranh cũng nể, anh chia sẻ đơn hàng với họ, họ chia sẻ đơn hàng lại với anh. Tới mua hàng, nếu anh hết hàng đó, hoặc không có, anh sẽ giới thiệu qua một đơn vị cung cấp khác. Người ta nợ 1 món nợ ân tình, trả hoài không hết...

3. Có 2 sức mạnh lớn của một con người. Một là sức mạnh lấy vào, the power of taking. Cố gắng học để có bằng cấp, để có kiến thức, kiếm tiền thật nhiều, mua nhà nhỏ rồi nhà to rồi biệt thự, đất vàng, xe xịn. Cố gắng đẻ nhiều con đặng "hào con, hào của". Tài khoản ngân hàng phải nhiều chữ số. Từ vô danh, họ bỏ tiền ra mua danh hiệu để được nổi tiếng, để được mọi người biết đến, được trọng vọng, nể phục. Mọi thứ, họ đều muốn sở hữu, càng nhiều càng tốt. Từ tay trắng, nhiều người đã có tất cả những gì họ từng mơ ước, với sức mạnh của sự lấy vào này. Họ có thể thức đêm hôm, nếm mật nằm gai, chịu bao cực khổ để CÓ TẤT CẢ. Nhưng có một sức mạnh lớn hơn, chính là sự cho đi, the power of giving. Đó là đang CÓ mà BỎ HẾT. Đỉnh cao như đức Phật, từ bỏ hoàng cung để ra cây bồ đề ngồi. Đang trên đỉnh vinh quang, nhiều người sẵn sàng về quê với cuộc sống an nhàn, mà bị người đời chê là dại. Bậc đại trí Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao".

Có hoa hậu nọ đăng quang xong, sau 2 năm trả hết nghĩa vụ từ thiện, đi nước ngoài du học, lấy chồng sinh con, từ chối mọi cuộc phỏng vấn hay xuất hiện chốn đông người, sống cuộc sống bình yên. Tony thật sự ngưỡng mộ, vì cô buông bỏ được những lời tán dương đẹp đẽ, những son phấn nước hoa, những siêu xe, những ánh đèn màu và những xấp đô la lấp lánh, cô đã bỏ được những phù phiếm xa hoa để lấy giá trị bình yên của riêng mình. Thay vì nổi tiếng, nhiều người chọn giải pháp âm thầm giúp đỡ người khác, lặng lẽ không danh xưng danh hiệu, thậm chí phải chịu đựng sự soi mói, nghĩ xấu, nghi ngờ...của những mái đầu nhỏ hẹp, thiển cận. Nhưng họ bình thản bỏ qua, vì chỉ là "lời ong tiếng ve". Đại bàng quan tâm chi đến lời của mấy con ong, con ve? Người đẳng cấp, họ bình thản trước mọi thị phi. Chỉ có họ biết, họ hiểu, hoặc cao lắm là có 1 vài người biết, hiểu. Vậy là quá đủ với họ.

Tony có quen một MC được nhiều người ưa thích. Bạn đang hot nên chạy sô liên tục, xuất hiện ở mọi chương trình đến nhẵn mặt. Khán giả bắt đầu ớn, vì câu nói nào cũng giống câu nói nào. Tony khuyên thôi em nghỉ một thời gian đi, đi du học đi rồi 2 năm sau về, dẫn chương trình bằng tiếng Anh luôn, bạn sợ, nói em ráng khai thác thêm chút tiền nữa. Với bạn, sức mạnh của sự lấy vào quá lớn so với sức mạnh của sự cho đi, nên cuối cùng bạn rơi vào ngõ cụt của sự nghiệp, vì tài năng không có thời gian phục hồi. Một người bạn khác của Tony là giảng viên ĐH, anh nhận làm giảng viên, sáng dạy chiều dạy tối dạy, không có thời gian nghỉ ngơi đọc sách nâng cao trình độ, nên có nhiêu đó nói miết, nói hoài...Rồi anh bị lao lực, đang giảng bài thì bị đột quỵ, phải cấp cứu. Những đồng tiền kia cũng cắp nón ra đi theo hóa đơn dài ngoằng của bệnh viện. Giờ anh nằm ở nhà, chèo queo một mình, rồi luôn miệng giá như, giá như...

4. Buông bỏ thật sự là rất khó, phải tập luyện mới có. Buông bỏ không có nghĩa là mất, mà là "có chỗ trống" để đón nhận cái lớn hơn. Nhưng nhiều người với tư tưởng tiểu nông vụn vặt, sợ "mất cả chì lẫn chài" nếu buông bỏ, nên cố bám víu, riết đầu óc càng nhỏ hẹp, sự ích kỷ cá nhân và giúp sự tham lam chế ngự hết tâm trí, u u mê mê, không phân biệt cái gì đúng, cái gì sai.

Để có thể làm cái gì đó lớn lao, chúng ta phải tập tính sẵn sàng cho đi, SẴN SÀNG BUÔNG BỎ. Vì được đó, mất mấy hồi. Mất đó, được mấy hồi. Lúc sinh ra, mình trần truồng chẳng có gì. Người đời mới đeo vàng đeo bạc đeo bằng cấp phấn son lên người, nhưng khi chết đi, chui vô hòm nằm, cũng chỉ là những mảnh vải trắng quấn quanh thân. Vua chúa ngày xưa chôn theo nào là châu báu bạc vàng nhưng mồ mả của họ chả yên ổn vì cứ bị trộm đào miết.

Cái gì của mình, thì MÃI MÃI là của mình, không muốn nó cũng TỰ ĐẾN. Cái gì không phải là của mình thì KHÔNG BAO GIỜ GIỮ ĐƯỢC.

5. Như câu nói trong bức hình này "Tôi cho đi không phải vì tôi dư dả, mà vì tôi hiểu cảm giác của sự không có"

Đến Paris

1. Đến Paris, để "tận hưởng cảm giác chìm đắm trong Paris" chứ hem phải tới chụp hình, check in, ghi vào list những nơi đã đi qua với mục đích khoe cho bạn bè. Đi chơi là tận hưởng cho riêng mình, chúng ta nên lặng lẽ nên âm thầm mà đi, không phải vì "cho thế giới biết mình là ai". Leo núi để tận hưởng cảm giác của độ cao và sức người đã chinh phục, hem phải cắm cờ chụp hình, post lên FB và chờ đếm like. Du lịch kiểu vậy thể hiện mình là người không có văn hoá sâu, nhu cầu thể hiện cao quá.

2. Điều tốt đẹp nhất là lòng vị tha, tha thứ, yêu thương người khác, bỏ qua khác biệt, lỗi lầm (mà chưa chắc gì đã là lỗi lầm, chỉ là do quan niệm của mình lúc đó). Vị tha, cuối cùng lại là cốt lõi của hạnh phúc, vì tự mình giải thoát những bùng nhùng trong suy nghĩ của chính mình.

3. Suy nghĩ độc lập, sáng tạo, táo bạo....không phải vì mục đích có lợi cho bản thân, mà là có lợi cho 6.5 tỷ dân trên trái đất. Vì chúng ta đang sống chung với nhau. Độc lập tư duy để không bị cuốn theo suy nghĩ đám đông. Sáng tạo, táo bạo để tạo ra vật chất mới cho xã hội, nếu không có sáng tạo, thì việc học lại tri thức của người xưa, người khác không có ý nghĩa gì lớn.

Diễn giải từ đề thi minh hoạ môn văn học mà bộ giáo dục mới ra hôm nay cho các bạn lớp 12 làm thử. Đề ra khá thú vị và rất nhiều điều cho chúng ta suy ngẫm...

P/S: Nếu có môn kinh tế học cơ bản như các nước nữa thì tuyệt. Tốt nghiệp lớp 9 hay 12, các bạn trẻ có thể tự mình làm ăn, kinh doanh trên cơ sở những kiến thức cơ bản về lãi lỗ, doanh thu chi phí...Môn kinh tế học hay khởi sự doanh nghiệp nên được phổ cập rộng rãi.

Chuyện con hươu, con nai

1. Xưa có câu ca dao ca ngợi những người giàu có trong làng hay tạo công ăn việc làm cho những người tá điền như sau.

"chúa trai là chúa hay lo
đêm nằm cắt việc ra cho mà làm"

Người có đầu óc là người luôn nghĩ ra việc để làm. Ai nghĩ ra càng nhiều việc thì càng tài năng. Muốn giàu có như họ thì nghĩ việc ra mà làm đi. Xã hội công bằng vô cùng. Ai giỏi thì được hưởng. Giỏi là "làm được", không phải "nói hay". Nói hay, bằng cấp tốt, hiểu biết nhiều KHÔNG liên quan gì đến năng lực làm việc.

2. Quản lý nhà hàng, cửa hàng ở Singapore, Quảng Châu, Hồng Công...không bao giờ cho người bán hàng ngồi. Luôn luôn đứng, đi lại, lau chùi kính, bàn ghế, váng nhện, phải sạch bóng và khô ráo mọi nơi như toilet, sàn, gầm bàn, gầm ghế, kệ,..

Ở công ty, các team leader luôn nghĩ việc để đảm bảo ko có người nào trong team được ngồi không, có thời gian chết, hay xao nhãng. Giao kèm với thời hạn hoàn thành. Việc giao nhiều, dồn dập....buộc họ phải làm hết cái này đến cái khác, vừa đi vừa chạy. Ở đâu có nhân viên la cà trên mạng, ngủ gục, hoặc quẹt ĐT miết là ở đó có những quản lý kém cỏi.

3. Còn các bạn đang là nhân viên, thấy quản lý team mình không giao việc, quản lý mình mà ngồi không, coi internet nhảm nhí, chat chit, facebook cá nhân, đọc tin tức tào lao, ngáp lên ngáp xuống...,thì biết rồi đó. Kết quả kinh doanh sẽ rất tệ, buôn bán chậm, thua lỗ, mình không có thu nhập tốt. Tất cả là do quản lý kém tài. Mình là nhân viên, đầu óc chỉ có vậy nên phải phụ thuộc họ. Mình mạnh dạn tới gặp, yêu cầu họ giao việc cho mình làm. Họ không thể nghĩ ra nhiều việc để giao cho mình làm thì nói "Ăn cơm chúa, múa tối ngày", em sẽ "múa tối ngày", nhưng anh/chị phải đảm bảo cơm cho tụi em. Anh chị cần chứng tỏ năng lực cho tụi cấp dưới em nể phục coi. Con hươu con nai đầu đàn phải có nhiệm vụ tìm bãi cỏ non cho cả đàn no bụng. Sao anh chị làm quản lý mà để tụi em đói?

4. Thể hiện đầu tiên của 1 người năng lực là "nghĩ ra danh mục các việc mình làm và người khác làm, trong ngày, trong tuần, trong tháng". Phải có óc quan sát, kỹ năng giao việc, giám sát.

Năng lực, năng lực!!!! Do you have năng lực?

P/S1: Ai nghĩ ra càng nhiều việc thì càng giỏi, càng giàu có một cách xứng đáng. Muốn giàu có như họ thì nghĩ ra việc mà làm đi. Xã hội xưa nay đã công bằng như thế. Và sẽ mãi mãi công bằng như thế.

Công thức làm muối ớt rau răm theo kiểu Tony

Cái này do Tony tự mày mò làm thử và thấy ngon. Hướng dẫn 1 chị giúp việc ngày xưa, giờ chị về quê mở cơ sở sản xuất muối, làm ăn cũng khá, mua được xe hơi để đi lại. Bạn nào mần thử, nếu ngon thì đóng chai bán. Có biết ơn tui thì gửi xuống Cần Thơ 1 hũ nhé.

Nguyên liệu

-Rau răm, 1 bó lớn khoảng 100 cây.
-Lá giang hoặc lá cóc hoặc lá gì có vị chua.
-Ớt tươi, lựa loại màu đỏ cho đẹp, 5 quả
-Muối ăn, khoảng 100 gram
-Bột nêm, hoặc mì chính, 1/2 muỗng cà phê
-Tiêu, cũng 1/2 muỗng cà phê
-CỐI ĐÁ, hoặc cối Inox, cối kim loại, không dùng cối gỗ nhé.

Cách làm: Bỏ tất cả nguyên liệu trên vào cái cối đá, giã cho nát tan cõi lòng. Vừa giã vừa nghĩ đến ai đó mình ghét nhất, lực giã sẽ mạnh hơn mà không thấy mệt.

Giã khoảng 10 phút cho các nguyên liệu trộn lẫn vào nhau, nhớ là nát hết nhé, nhặt xơ ra nếu có. Hỗn hợp sau khi giã sẽ có dạng sền sệt. Nếu không có lá giang thì mình dùng rau răm không thôi cũng được, cũng rất ngon. Sau đó mình tới công đoạn nướng.

Nếu nhà mình có lò nướng, mình bỏ vô giấy bạc, chỉnh nhiệt độ thấp và nướng trong 7 phút 50 giây.

Nếu nhà dùng than củi thì thổi than thật nóng, gắp than bỏ trên cối muối rau răm vừa giã, khoảng 15 phút thì hất bỏ phần than và tro phía trên.

Nếu nhà chỉ có bếp ga bếp điện, thì mình nướng cả cái cối đá hay cối inox ấy trên lửa, đúng 5 phút 15 giây thì tắt bếp.

Lúc này, hỗn hợp muối trên sẽ cháy vàng, bốc mùi thơm ngào ngạt. Mình để cối nguội, rồi lấy chày giã lại. Hỗn hợp trên nó sẽ cứng ngắt thành một khối nên mình cứ giã, nó sẽ vụn ra. Rồi dùng lực nghiền, lấy chày xoay xung quanh cối đúng 20 vòng là hỗn hợp muối trên thành dạng bột. Tức nướng sao khô hoàn toàn, hem còn hơi nước mới nghiền được.

Lấy tay quẹt thử đưa lên miệng liếm. Chu cha, vừa thơm vừa mặn mặn, lại hậu chua chua. Dùng để ăn cơm nóng khi trời mưa thì thôi quất tới. Không thì bữa nào ăn thịt gà hay cá gì đó lấy ra chấm. Đảm bảo chưa chấm nước bọt đã chảy xuống cổ.

Bạn nào ăn chay cũng làm để dành. Bạn nào đi du hạc cũng nên làm vài hũ mang sang nước ngoài. Rau răm khi nướng lên sẽ có mùi thơm rất lạ, tuyệt diệu, ngon nhất trong các loại muối. Muối này bảo quản được lâu, cả năm không hỏng.

Nấu canh chua, nêm cái này cũng được. Viết đến đây thì Iphone 6 của Tony đã bị nhoè nước...

Chuyện mổ lưng bên Mỹ

Tony bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Lên mạng đọc cả trăm tài liệu Tây Tàu, mới biết đây là 1 trong 5 bệnh phổ biến nhất, nhiều người bị nhẹ mà không biết. Người chạy xe máy nhiều sẽ rất dễ bị đau cột sống. Nên các bạn coi mà lo đi xe buýt, mua xe hơi...chỉ đi xe máy khi không có giải pháp nào khác.

Hồi nhận thức còn xuề xòa, Tony ngày nào cũng chạy xe máy cả trăm cây, đổ xăng đầy bình, lái liên tục 4-5h. Đường sá ổ gà ổ voi nhiều, ngồi chỉ 1 động tác khom lưng 2 tay giơ lên trước, nên cột sống bị rung lắc theo chu kỳ "hút nén nổ xả" của động cơ. Cùng các tác nhân hóa chất khác như ăn uống, rượu bia, khói xăng..., cái màng bao quanh đĩa đệm mỏng dần đi. Đến tuổi trung niên, bệnh phát ra, đau dữ dội, đi chụp MRI thì nó lòi ra 8mm ("nó" ở đây là đĩa đệm, hem phải cái kia. Cái kia mà dài có 8mm chắc chết). Tài liệu nói đĩa bị lòi trên 5mm thì khó phục hồi từ tập vật lý trị liệu hay trị đông y, yoga. Bèn thay đồ đi Mỹ khám.

Tony sai gia nhân lên mạng tìm bệnh viện, ban đầu tìm ở New York, rồi Los Angeles, rồi Chicago...vì quen kiểu phải ở thành phố lớn mới có bệnh viện tuyến đầu. Ai dè hệ thống y tế của Mỹ rất khác. Ở các nước, người ta quan niệm nếu bệnh viện tốt nhất, trường học tốt nhất được đặt ở thành phố lớn, thì mãi mãi không giải quyết được bài toán kẹt xe, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội. Xã hội phải PHÂN BỐ NGUỒN LỰC (resource allocation) trong ngành y tế và giáo dục. Ví dụ khu vực Thái Nguyên sẽ có bệnh viện lớn nhất chuyên về não, do ĐH Y Thái Nguyên làm nòng cốt. Máy móc hiện đại nhất, bác sĩ giỏi nhất lĩnh vực này tập trung về đó. Ai muốn mổ chuyên sâu thì mời lên. Tp Thái Bình sẽ có bệnh viện chuyên khoa ung bướu do ĐH Y Thái Bình chủ trì. TP Vinh là cột sống, Tp Huế là tim mạch, Tp Buôn Mê Thuột là dạ dày tiêu hóa, Tp Cần Thơ là da liễu, xương khớp...Lương bác sĩ ở các bệnh viện này phải cao gấp chục lần nếu làm ở Sài Gòn, Hà Nội. Phải có cơ chế trả xứng đáng thì người ta mới về đó làm.

Việc đầu tư bệnh viện chuyên sâu ở trung tâm thành phố lớn là không phù hợp ở quy mô đô thị hiện nay. Đi trị bệnh thì cần gì nằm ở trung tâm quận 1, quận 5, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...Mổ xong cần nằm tịnh dưỡng thì xe cộ ồn ào, chi phí sinh hoạt lại vô cùng đắt đỏ. Tiếng xe cứu thương vang lên giữa các tòa nhà văn phòng hiện đại sang trọng, trung tâm nghe rất ghê. Trung tâm thành phố là để làm ăn, buôn bán, du lịch, đầu tư, dịch vụ, văn hóa...Ở các nước, downtown (khu trung tâm) hầu như không có dân sinh sống, sáng sáng hệ thống giao thông công cộng đưa dân cư ở ngoại vi vô trung tâm làm việc, chiều đưa về. Có bệnh vái tứ phương, thầy thuốc hay trên đỉnh núi Mù Căng Chải thì có bệnh, người ta cũng mò tới. Nhiều bạn bè của Tony bị bệnh ở miền Tây không mổ được, phải chở lên Chợ Rẫy, xe cứu thương chạy 5-6 giờ lên cái kẹt xe ngay cầu Bình Điền, chết ngắc thôi quay về luôn. Ai ung thư ở miền Nam đều phải đến điều trị ở bệnh viện ung bướu Nơ Trang Long, dẫn đến quá tải, 2-3 người nằm 1 giường và nằm ra cả hành lang. Trong khi đó, bệnh viện các tỉnh thì không có trang thiết bị, không có bác sĩ giỏi...nên trống huơ trống hoắc. Thành phố lớn sẽ là nơi đặt các bệnh viện tư nhân, do các tập đoàn đầu tư. Ai có tiền nhiều thì vô. Ít tiền thì phải đi xa trị bệnh, sao người ở tỉnh lên Sài Gòn Hà Nội được mà người Sài Gòn Hà Nội không thể đi tỉnh trị bệnh? Nếu Chợ Rẫy Bạch Mai là bệnh viện hiện đại nhất cho mổ xẻ mọi chuyên ngành chuyên sâu, thì bác sĩ giỏi và người dân sẽ tập trung về Sài Gòn Hà Nội mà sống, dẫn đến quá tải thành phố. Cái này ai học môn "resource allocation" sẽ hiểu, còn không nghe cãi liền.

Thôi kể chuyện mổ cột sống đi Tony, lan man quá hà. Sau khi cân nhắc, Tony chọn mổ ở thành phố Baltimore (bang Maryland). Bệnh viện rất rộng, khuôn viên tươi mát, gần sân bay, đường cao tốc. Tony mang theo 2 đứa đệ tử, 1 XX (học điều dưỡng) để nấu cơm, 1 XY (học y đa khoa) lái xe đưa đón, Tony thuê cái căn hộ gần đó để ở. Trước khi mổ, chu cha nó bắt họp cả chục lần (nó đây là cái bệnh viện Mỹ). Bữa lấy máu, bữa chụp X quang, MRI...rồi ê-kip mổ tiến hành mổ mô phỏng dạng 3D trên máy tính, xong cái kêu mình qua coi, nói vài bữa mổ thật sẽ y chang vầy nè. Nó nói mày chọn đi nhé, một là tiêm thuốc mê, hai là chụp khí vô mặt (nó lấy khí gây mê trộn với ô xy cho mình thở trong suốt lúc mổ). Gây mê tiêm thuốc thì sẽ giảm tuổi thọ, còn gây mê chụp khí thì sẽ giảm trí nhớ. Tony chọn ngay phương pháp chụp khí, vì trí nhớ tốt quá, hem muốn nhớ nhiều nữa. Mà lại muốn sống thọ, ham sống lắm. Tụi nó cười ha hả, nói đau lưng mà dễ thương vầy, hem đau lưng chắc ai cũng yêu hết á. Mình gật đầu cười xác nhận. Dễ thương là bản chất của Tony, không có gì có thể lay chuyển được.

Xong cái cũng tới bữa mổ. Hồi hộp ghê vì lần đầu tiên mà. Nó bắt tắm rửa sạch sẽ xong, vô phòng hybrid vô trùng. Nó bắt bận cái áo màu xanh dài tới chân, che phần trước, hở lưng phía sau, như yếm đào thiếu nữ. Một tay nó truyền dịch, đi tiểu cũng có y tá đi theo (lúc Tony tiểu thì y tá Mỹ quay lưng lại vì ngượng). Sau đó vô phòng mổ, Tony nhìn ngó lung tung quan sát. Cái phòng mổ dài cả mấy chục mét, máy móc chằng chịt trên đầu, lạnh kinh khủng. Tony xin cái mền (chăn) điện đắp lên lưng rùi nằm xuống. Xong cái nó chụp thuốc mê, cái hết biết gì....

Khi tỉnh lại, thì ca mổ đã diễn ra 3h trước đó. Trước mặt mình là 3 cô y tá, thấy Tony mở mắt thì vỗ tay hoan hô, nói "welcome to the earth" (chào mừng đã quay lại trái đất). Một cô bưng cái khay tới cho mình lựa chọn nước uống, nước cam, cà phê. Cổ hỏi giờ mày muốn làm gì, Tony nói tao muốn gặp 2 đệ tử. Cái nó phone liền. Hai đệ tử đang ở siêu thị mua tôm hùm Canada để chút nấu cháo cho Tony ăn, thì nghe thế, sợ hãi quăng tôm hùm chạy vô bệnh viện ngay. Nó báo kết quả tốt đẹp, ở bệnh viện này, tỷ lệ mổ thành công là 97%, 3% là phải mổ lại. Sau đó Tony được cô y tá đưa vô phòng phục hồi nhân phẩm.

Nhân phẩm chỉ qua 1 đêm thì đã phục hồi, hôm sau nó kiểm tra nói OK rồi, đi về đi, ở đây sinh đẻ gì cũng chỉ ở lại 1-2 đêm thôi. Tony hỏi có uống kháng sinh gì không, nó nói "đâu phải thời chiến tranh mà uống kháng sinh". Nó chỉ cho 1 cái toa thuốc, trong đó chỉ có 1 lọ thuốc giảm đau, ghi rõ là "non-refillable" tức hết rồi là không được mua nữa. Đứa đệ tử ra quầy thuốc mua, nhà thuốc tịch thu lại cái toa. Ở đây, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau có tiền chất ma túy nên họ chỉ bán theo toa, có chữ ký của bác sĩ chịu trách nhiệm. Cuối tháng, nhà thuốc sẽ phải báo cáo cho cơ quan quản lý là bán bao nhiêu lọ kháng sinh, bán cho ai, ai kê đơn, còn lại bao nhiêu. Có như vậy mới không có hiện tượng kháng thuốc, sau này các kháng sinh không trị được nữa, một hiện tượng vô cùng nguy hiểm nếu ai muốn uống thuốc gì thì ra nhà thuốc mua uống.

Cái Tony về nhà nằm, 3 ngày ăn tôm hùm Canada muốn lòi họng. Tôm bên đó rẻ òm, có mười mấy đồng 1 pound. Ăn 3 ngày rồi cái tự nhiên nhớ hồi nhỏ ở Việt Nam, ai đó nói ăn tôm cua sẽ bị lồi thịt. Mà mình hay đi bơi, mặc quần bơi tam giác dạ quang, nếu sẹo lồi trên lưng chắc chết. Kêu đệ tử mở vết mổ ra coi, thấy nó bấm bằng kim như bấm giấy, hem phải khâu, tay của Tây nó vụng về. Bên ngoài là cái cái băng to, không thấm nước, tắm thoải mái, hem sợ nước vô. Thằng đệ tử phải phone qua bệnh viện hỏi vụ thịt lồi, nó nói chưa có tiền lệ, trong y văn xưa nay chưa có ghi. Tới ngày thứ 4, Tony vẫn không nhấc chân lên được. Cái hoảng sợ, hẻm lẽ mình tàn tật ở lứa tuổi 50? Ôi còn đâu thời tung hoành ngang dọc, càng nghĩ Tony càng khóc to. Đang khóc thì bệnh viện gọi điện chăm sóc (ngày nào cũng gọi 1 cuộc), Tony bèn kể sự tình trong nước mắt, I am so scared, I am in a bad mood này nọ... Nó cười ha hả, bảo là ngày thứ 5 mày mới nhấc chân lên được, ngày thứ 7 thì mày có thể đi uống cà phê, hôm trước lúc trình bày kết quả mổ trên máy tính 3D, mày không nghe à. Tony nói xin lỗi, chắc lúc đó tao mới qua nên bị jetlag (lệch múi giờ), ngáp đúng lúc mày nói câu đó. Mà cũng có thể tao bị mất trí nhớ do mày chụp thuốc mê. Cái nó cười ha hả, nói lại dễ thương nữa. Dễ thương miết vại mậy.

Cái ngày hôm sau, nhấc chân lên được, chống gậy đi vòng quanh nhà. Ngày thứ 7 thì chống gậy đi vòng quanh khu căn hộ, nhác thấy quán Starbucks, bèn vô làm ly "coffee of the day", Tony nghiện món đó. Vừa bước vô quán, hàng dài đang xếp bỗng dưng lùi lại, nhường Tony. Họ nói, ở đây phải ưu tiên người tàn tật. Tony kêu ly cà phê xong mới nhớ là hẻm có mang tiền theo. Bỗng dưng phía sau, 1 bạn trẻ dáng dỏng cao, gương mặt thông minh bước tới, đưa Tony mấy đồng. Nó nói chú nói tiếng Anh con biết ngay là người Việt Nam. Cái mình tới bàn ngồi, nói đợi chút chú nhắn tin cho người nhà mang xuống đưa tiền lại con. Nó ngồi mở sách ra học bài, nói con là sinh viên du học. Trong cặp nó lấp ló một thứ khiến Tony hết hồn, tay chân lắp bắp

School bus, mô hình giao thông hiện đại

1. Ngoại trừ Việt Nam, chưa thấy có nước nào có phụ huynh đứng trước cổng trường đón con đông nghìn nghịt, thậm chí trường cấp 2, cấp 3 vẫn có hiện tượng này. Ở các nước, việc cha mẹ đưa đón chỉ diễn ra ở lớp mầm non, mẫu giáo, năm đầu tiểu học.

Ở Việt Nam, trường học quy mô 1000 học sinh, thì sáng có 1000 chiếc xe máy đến, chiều có 1000 chiếc xe máy đậu chờ trước cổng lúc tan trường. Tiếng còi của bảo vệ, tiếng la hét "chị xê ra, anh không được đậu chỗ đó". Phụ huynh tranh nhau với mấy chị bán bánh mì, nước mía, xe ôm chỗ đậu xe. Lề đường không đủ thì buộc phải đậu dưới lòng đường. Các xe khác đang lưu thông thấy bị chiếm dụng thì bóp còi inh ỏi, các phụ huynh thấy thế thì trườn xe tới, lui xe sau để nhường đường. Học sinh tình nguyện lớp lớn ra đứng giữa đường, cầm cái dây căng để các bạn lớp nhỏ đi ra. Ai nấy đều mệt mỏi.

Rồi đây tỷ lệ xe máy sẽ giảm dần, tỷ lệ xe hơi tăng lên, nếu việc đón con vẫn như cũ, không biết giao thông sẽ ra sao với 1000 chiếc xe hơi xếp trước cổng trường trong 20 năm tới?

Phụ huynh thì căng thẳng, từ 3-4h chiều đã phải xin phép cơ quan đi đón con vì sợ tắc đường, công việc và tâm lý sẽ bị ảnh hưởng.

2. Thế giới họ giải quyết chuyện này ra sao?

Từ tiểu học trở đi, học sinh sẽ phải theo xe buýt của trường gọi là school bus. Xe buýt đưa đón được xem là cơ sở vật chất bắt buộc của một trường học. Có thể đón/đưa tận nhà mỗi bạn, hoặc gom lại 1 điểm nào đó. Ở Indonesia, người dân đi xe máy cũng nhiều nên phụ huynh họp lại, thường chọn uỷ ban nhân dân phường, xã hoặc sân thể thao công cộng làm nơi tập kết, sáng cha mẹ dắt con đến đó, giao bảo vệ rùi đi làm, đi về. Bảo vệ và tài xế ký bàn giao số lượng học sinh cho đúng. Chiều về cũng vậy. Có cổng gác, chỉ đúng cha mẹ mới được ký sổ nhận con về. An ninh hoàn toàn yên tâm vì xe chạy từ bên trong sân điểm đón, vô sân trường mới thả xuống, và đón trong sân trường, thả xuống ở trong khuôn viên điểm trả. Đón trễ thì gửi thêm tiền cho bảo vệ theo quy định sẵn. Hoặc nhà bạn nào đó rộng, có chỗ đậu xe sẽ trở thành nơi đưa đón cho 1 nhóm, cử người đón nhận. Cái này phụ huynh học sinh các trường quốc tế hay tư thục ở VN đều biết, thường họ phải đóng thêm 1 năm ít tiền để sử dụng school bus. Các bạn cấp 1, cấp 2, trên xe luôn có thêm 1 quản lý, bảo mẫu để quản lý.

Các trường cấp 3, ĐH, nếu không có bãi đậu xe lớn thì phải đầu tư school bus. Hoặc bãi đậu xe rất xa, đậu xong phải đi bộ vô trường cả km. Trong sân trường chỉ có vài chỗ đậu xe của giáo viên bị tàn tật, hoặc giáo sư già. Không thấy ĐH nào mà sân trường nghìn nghịt xe máy, sinh viên đi len lỏi giữa các đầu xe. Sân trường là nơi các bạn ngồi chơi, nằm trên bãi cỏ chụp hình này nọ chớ...School yard (sân trường), đâu phải parking lot (bãi đậu xe).

Ngành giáo dục phải tập cho công dân có thói quen đi phương tiện công cộng từ lúc bé, để hình thành trật tự trong giao thông. Cuộc sống văn minh hay không, hạnh phúc hay không, hiệu quả kinh tế hay không là do chúng ta tổ chức và sắp xếp lại.

3. Câu hỏi sẽ đặt ra là: nghe hay nhưng tiền đâu. Thường các ngân hàng sẽ tham gia vô, tiếp thị gói mua xe buýt cho các trường, ví dụ ngân hàng A kết hợp công ty cơ khí ô tô Samco chẳng hạn, chào xe buýt giá 300 triệu cho trường nào đó. Trường sẽ trả góp hàng tháng vài triệu cho đến khi trả hết, thì chủ quyền xe sẽ thuộc về trường. Phụ huynh sẽ phản đối lúc đầu, nhưng kêu họ tính lại, tiền xăng xe đưa đón hàng ngày, quy ra và nộp cho trường. Chưa kể cơ hội việc làm của họ tốt hơn khi thuê người đưa đón. Và sự an toàn cho con trẻ, họ phải bỏ tiền ra 1 phần ra hỗ trợ trường. Cái này phụ huynh phải họp lại và ra phương án. Chỉ cần 1 tài xế và 1 vài bảo vệ, công việc của bao nhiêu người được hanh thông. Việc lái xe của tài xế thì tốt hơn nhiều so với mình chở con bằng xe máy vun vút trên đường rất rất nhiều.

4. Các trường học ở Nhật, xe buýt cho trẻ em thường được thiết kế vui mắt, theo hình các đồ chơi như trong hình. Nước nghèo như Ấn Độ, châu Phi...đều có mô hình xe school bus bắt buộc, các bạn có thể lên google search lấy.

Trên xe đến trường, các bạn học sinh sẽ sinh hoạt tập thể, hát múa, ôn bài. Vừa an toàn vừa văn minh, tập thói quen không say xe cho thế hệ trẻ, sau này chúng nó biển rộng vẫy vùng. Chúng nó là thế hệ ô tô chứ không phải thế hệ xe máy, không ai ở Mỹ ở châu Âu ở Hàn Quốc vừa lái xe vừa ói. Say xe là do từ nhỏ không đi ô tô, xe buýt, bậc cha mẹ nên dẹp bỏ tư duy xe máy với bọn trẻ. Các bạn trẻ cũng tập đi phương tiện công cộng nhiều để hệ thần kinh (tiền đình) nó quen, ổn định, không bao giờ rối loạn hay say xe say sóng về sau.

Ọt ga nít cô cô nớt

Các bạn đang sống trong thời kỳ dân số vàng - thời kỳ đặc biệt nhất của mỗi dân tộc, khi lứa tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất trong tháp dân số. Tuy nhiên, do lực lượng doanh chủ (chủ doanh nghiệp) còn quá mỏng, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cao. Giải pháp các nước thời điểm dân số vàng là khuyến khích "tinh hoa" làm chủ. Thường "tinh hoa" chiếm 5%, lớp 100 bạn thì sẽ có khoảng 5 bạn làm được cơ đồ. Bạn trẻ có tố chất 5% này, phải được truyền cảm hứng, nghĩ lớn, kinh nghiệm để khởi nghiệp. Tinh hoa muốn có thành tựu, thì phải lao ra đường làm chân tay để va chạm, có street smart, chơi với đủ hạng người. Sau này dưới trướng mình là tài xế, lao công, công nhân, kế toán gì mình đều hiểu sâu tâm lý của họ... Không ai bước ra làm chủ được chỉ từ sách vở, bàn phím, con chuột, máy lạnh và những tiếng thở dài.

1. Khởi nghiệp về sản xuất. Bạn trẻ nên làm việc cho nhà máy nước ngoài đặt tại VN, hoặc xách giỏ đi thực tập sinh, xuất khẩu lao động ở nước ngoài, quan sát học tập. Người ta kinh tế thị trường mấy trăm năm, mình nên để ý, chọn 1 nghề, 1 ngành, 1 lĩnh vực để nghiên cứu sâu. Làm để học nghề, không phải vì lương. 3-5 năm sau, quay về nước khởi nghiệp. Nếu chạy theo tiền bạc của người làm công ở nước ngoài, thì vẫn chỉ là nước xuất khẩu lao động đơn thuần như Philippines. Tiền vài ba chục tỷ đô la gửi về đó không bền vững. Thập niên 60-70, mấy nước châu Á đều xuất khẩu lao động cả, đặc biệt là sang các nước giàu dầu mỏ. Khi họ lộn xộn chiến tranh, hàng loạt lao động Philippines về nước và nộp hồ sơ đi nước khác làm tiếp, trong khi lực lượng lao động người Hàn, người Đài, Malay, Thái..trở về và xây dựng những nhà máy, công xưởng. (Gõ google chấm com từ khoá "thực tập hưởng lương, tu nghiệp sinh, xuất khẩu lao động, co-operative education, paid internship, học nghề hưởng lương ở nước ngoài, đào tạo nghề vừa học vừa làm ở nước X, Y nào đó mình muốn đi, muốn bắt chước họ..").

2. Khởi nghiệp về nông nghiệp. Giới trẻ nông thôn đang đổ xô về thành thị để bung lụa thời tuổi trẻ, nước nào cũng thế. Tuy nhiên, xác định rõ mình có phù hợp để thành công ở thành phố không. Cách đây 20 năm, Tony vừa ra trường chỉ với bằng B Anh Văn, lương đã 300 đô la thử việc, bây giờ rất khác. Dân du học về nhiều, các ngóc ngách ngành kinh tế đã được phủ kín dần, mình chen chân vô càng khó nếu vẫn làm y chang người ta. Mở quán cà phê pha phin, tuyển nhân viên mặc áo 2 dây ra vô cười nói thì sao cạnh tranh lại chuỗi Starbucks, the Coffee bean...Thành phố chỉ là thiên đường dành cho người cực giỏi, cá tính. New York, phố Wall không dành cho người tài năng tầm tầm. Thì thôi, mình đi Iowa, Wisconsin bẻ bắp hái ngô, ở đó còn cơ hội.

Đất đai ở nông thôn sẽ bỏ trống dần do di dân lên phố. Các bạn trẻ nên tập hợp lại, dồn điền tích thổ. Lập dự án dựa trên lợi thế của địa phương mình. Ví dụ vùng đất này trồng được chuối, lập dự án, mời gọi đầu tư, xách giỏ đi tiếp thị với người nhập bên Nhật, bên Hàn, bên Nga...những nước xứ lạnh trồng không được. Mình tiếp thị, ký kết hợp đồng, có đầu ra ngon lành. Có bạn ở Thốt Nốt đã làm được mô hình này, trồng tới 180,000 gốc chuối/ trang trại và tháng nào cũng cả chục công ten nơ xuất đi. Dứa (thơm) chỉ có khoảng 20 nước trồng được, vì cần khí hậu nóng ẩm, trong khi 200 nước tiêu dùng. Tony khuyến nông là khuyến như vậy, không phải về có mấy mét vuông đất trong nhà rồi trồng 10 cây chuối, nuôi 7 con gà, sáng cho gà ăn, ngồi buồn nặn mụn miết. Rùi 3 tháng thì ớn óc, cuồng chân cuồng cẳng, lại ra quốc lộ bắt xe vọt lên thành phố rũ rượi xin việc. Cũng đừng khởi nghiệp với vài mét vuông đất trồng rau sạch, 99% bạn khởi nghiệp với "rau sạch" đều tèo, vì xã hội VN bây giờ mặc dù quan tâm nông sản sạch bẩn, nhưng phần lớn chỉ mua cái gì giá rẻ. Việc khởi nghiệp rau sạch chỉ là cơ hội để mình trải nghiệm thất bại, sau đó làm cái khác thành công.

3. Khởi nghiệp về công nghệ: nghĩ ra cái gì đó ứng dụng kiếm được khối tiền như Uber, grabcar, airbnb... Hoặc làm cái game cho mọi người download xuống chơi, ngày nào cũng kiếm vài chục ngàn đô như bạn gì ở Hà Nội. Đó là xu thế mới dành cho các bạn trẻ giỏi công nghệ. Tuy nhiên cái này hơi khó do đặc tính Á Đông thụ động vở sạch chữ đẹp con ngoan trò giỏi....khiến người bắt chước thì nhiều chứ người nghĩ ra cái mới, người sáng tạo cá tính rất hiếm. Có thì các bạn đó cũng đã âm thầm làm giàu và nghỉ hưu đâu đó trên thế giới ở tuổi 30 rồi.

4. Khởi nghiệp về xuất khẩu: Coi các doanh nghiệp đang bán hàng trong nước mạnh mà chưa bán ra nước ngoài được, nói "chuỵ để em, em học kinh tế, em học ngoại thương, em học ngoại ngữ chứ không phải người thường, em sẽ mang hàng chị ra quốc tế". Gánh rau ầm ầm ra chợ Tây. Để dành thị trường thương mại trong nước cho chị Ba chị Bảy đi, họ không có biết tiếng Anh. Mình cử nhân thạc sĩ, không giành việc với họ.

5. Khởi nghiệp về du lịch: Tổ chức các tour lạ lùng, thú vị...để dụ Tây sang. Nhà mình ở quê làm thành "biệt phủ nghỉ dưỡng". Mình bắt nó (khách du lịch) ngồi trong resort hotel homestay của mình giữa cánh đồng, đấm bóp mát xa cắt móng chân tỉ tê cho nó, miễn phí hết, cho nó khát nước cháy cổ họng chơi. Mình mua cái tủ lạnh, quả dừa dân quê đang bán có 5000 đồng, để cả chục buồng ướp lạnh, treo bảng "ọt ga nít cô cô nớt" (organic coconut), giá 5 đô/quả. Nó khát quá uống 10 quả liền. Mình tươi cười "chặt nghệ thuật" mà nó vui lòng. Mấy nước khác làm du lịch đều thế cả. Tour Thái Lan có 3-4 trăm đô cho mấy ngày trọn gói, ở hotel 4 sao, chứ hiếm ai đi về mà hẻm xài cả ngàn đô la cả. Tiêu hết tiền mà về hài lòng vui vẻ mới chết.

6. Những khởi nghiệp khác: tự mình nghĩ ra chứ Tony hết biết rồi. Nếu mình là "tinh hoa", nên đọc lại bài này 1 lần nữa để thấy bài này cũng dễ thương. Hẻm phải "mèo khen mèo dài đuôi" đâu, nhưng tại đuôi nó dài quá, giấu hẻm được.

Những người già ở Singapore

Rất nhiều người già ở Singapore chọn giải pháp đi làm thêm sau khi nghỉ hưu, chủ yếu là ra đường dọn dẹp để thành phố sạch sẽ hơn. Hoặc đi phục vụ nhà hàng, làm thêm việc gì nhẹ nhàng phù hợp sức khoẻ. Dù phúc lợi xã hội cao ngất, nhưng họ chọn cách đi làm để vận động chân tay. Làm đến khi không đi nổi nữa thì mới vô "nursing home" ở, để được chăm sóc y tế cho tốt hơn là ở nhà với con cháu. Cuối tuần con cháu đón về chơi, thứ 2 quay lại "nursing home" (viện dưỡng lão cao cấp, có bác sĩ y tá chăm sóc).

Khi con cái thấy cha mẹ mình nhặt rác trên phố, hay phục vụ trong nhà hàng, họ vô cùng tự hào. Học sinh đi với các bạn ngang qua chỗ ông bà đang dọn rác, cắt cỏ...chúng chỉ trỏ và khoe ngay với bạn bè. Nói ông nội tao kìa, bà ngoại tao kia. Nói ổng bả về hưu rồi, xưa giáo sư dạy đại học NUS đó, có nhiều công trình khoa học công bố quốc tế lắm.

Ông bà cha mẹ cũng hem có sĩ diện chi, khi con cái đi ngang qua chỗ họ nhặt rác, họ sẽ vẫy tay chào. Hoặc con cháu dắt bạn bè tới nhà hàng mình đang làm, họ chạy ra "Hi my son, hi my nephew, hello every one, hum nay tụi mày ăn gì, uống gì, hum nay nhà hàng tao có...miệng tươi cười như hoa (dù móm khi răng rụng). Bữa nay có khuyến mãi cái này cái kia. Hoặc nói đùa nếu tao phục vụ tốt, chút tụi mày nhớ boa nha".

Vẫn là chuyện ở Singapore.

Chuyện hay, nên đọc.

Khi nói về 1 cá nhân, không nên quan tâm đời tư, mặt mũi, lý lịch...của họ. Vì như vậy là tò mò. Biết các thông tin đó không có ích gì, chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của đầu óc người tầm thường mà thôi.

Đại nhân chỉ nên "tìm hiểu", hem nên "tò mò".

Tìm hiểu tư tưởng của cá nhân đó. Xem làm thế nào mà họ trở nên vĩ đại.

Liên hệ bản thân, mình sẽ đúc kết gì từ đó. Mình sẽ ứng dụng tư tưởng ấy ra sao

Chơi với người giàu, đọc sách của người giàu viết...thì tư duy mình sẽ khá lên, vì tư duy của nhà giàu rất khác đám đông. Chơi với người văn minh, đọc sách người văn minh viết...thì sẽ văn minh theo. Chơi và đọc sách của người phóng khoáng, mình cũng sẽ lây nhiễm sự hào sảng, khoáng đạt của họ...Mình sẽ học được "triết lý, sách lược, chiến lược, tinh thần, tư tưởng"...

Và ngược lại. Chơi với người bé nhỏ thì họ sẽ chỉ mình "mẹo", "chiêu", tiểu tiết", "tiểu xảo", "trò", "thủ thuật",...và mình cũng sẽ bị cuốn theo các lặt vặt đó. Nên biết, nhưng để tránh, để phòng thủ, hem phải để áp dụng.

Mình phải đặc biệt và xuất chúng, vì mình duy nhất trong vũ trụ.

Lời thầy cũ

Sáng nay, Tony đi gặp lại thầy cũ. Hàn huyên tâm sự chuyện đời, rồi ra về, thầy tặng cho câu này.

Ngồi trên xe mở ra đọc, thấy thấm thía quá. Bèn lật đật nhắn tin cám ơn thầy.

Khi tóc bạc nhiều hơn tóc đen, Tony mới được bài học này. Xưa nay cứ nghĩ mình cố gắng sửa chữa, chỉ ra sai cho người khác, cho mấy đứa nhỏ trong Clb, "correct" các bạn là bạn có thể tốt lên. Nhưng thực tế không phải, một số bạn không sửa được mà còn căm ghét (hate). Vì tự ái, cái tôi lớn hơn lý trí phân biệt đúng sai. Các bạn sẽ cho là "dạy đời, dạy khôn", "con không cần ai dạy dỗ", "tôi như vậy, thích thì chơi không thì thôi"...

Cũng giống như trên mạng, một số người đọc được những gì Tony mô tả trong các câu chuyện. Một số người thấy nhột, thấy khó chịu, lập tức căm ghét. Một số giật mình, lập tức thay đổi và biết ơn (appreciate).

Người khi được ai đó cảnh cáo, phê bình, chỉ ra cái sai...mà vui vẻ tiếp thu và cám ơn, thì đích thị là người cầu thị. Người cầu thị sẽ có khả năng làm việc tốt, sẽ phát triển rực rỡ và có cuộc đời hạnh phúc.

Đời là chuỗi những sai lầm. Với người có óc già dặn, họ liên tục sửa chữa và rút ra bài học, và cứ thể mà trưởng thành lên.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: