tây tiến
ĐỀ BÀI:
Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng qua hai câu thơ:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Và đoạn thơ:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Từ đó liên hệ ngắn gọn với hình tượng nhân vật Tnú qua đoạn văn miêu tả cảnh Tnú bị bọn giặc tra tấn, đốt đôi bàn tay bằng giẻ tẩm nhựa cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Theo anh (chị), tinh thần bi tráng và đặc trưng của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng được thể hiện như thế nào qua “Tây Tiến” và “Rừng xà nu”?
Bài viết:
“Cuộc tái sinh màu nhiệm” mang hơi thở của thời đại được các văn nghệ sĩ nhắc đến bằng niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong những sáng tác giai đoạn 1945 – 1975. Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp là biểu tượng cho sức mạnh, vẻ đẹp kiên trung, hào sảng, những người quả cảm đang dấn thân vào “cuộc tái sinh” đầy máu lửa. Thơ ca thời kháng Pháp tập trung xây dựng hình tượng người lính Cách mạng với những phẩm chất đẹp đẽ, đại diện cho lí tưởng, cho tinh hóa khí phách của dân tộc Việt Nam trong những ngày sục sôi đánh giặc. Họ là ai? Đó là “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” trong thơ Chính Hữu; là “Anh Vệ quốc quân ơi – Sao mà yêu anh thế?” trong thơ Tố Hữu, là “So anh máu nhuộm chiến trường thắm chi?” trong thơ Hoàng Trung Thông… và đâu đó vẫn còn sừng sững bức tượng đài người lính Tây Tiến trong bài thơ cùng tên (sáng tác năm 1948) của Quang Dũng cũng gây xúc động, nao lòng:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
[…]
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…
Quang Dũng – một thanh niên trí thức hào hoa, lãng mạn, một người hòa nhập rất nhanh, rất mãnh liệt vào đời sống Cách mạng và Kháng chiến, tình nguyện dấn thân vào Trung đoàn 52 – Tây Tiến, sống và chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ, khắc nghiệt. “Tây Tiến” trước hết mang cảm xúc của “cái tôi” cá nhân. Nhưng cá nhân ấy lại hòa nhập vào dòng người trên những nẻo đường ra trận. Bài thơ mang đậm hào khí của cả một lớp người thời đại, mang tính độc đáo của một tâm trạng riêng, vừa mang cảm xúc chung của những con người trong hoàn cảnh mới. Tất cả đã tạo nên một “Tây Tiến” riêng biệt, không thể lặp lại hay thay thế trong nền thơ kháng chiến.
Hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” gắn chặt với một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: cuộc hành binh Tây Tiến. Không gian nghệ thuật là núi rừng miền Tây Bắc Bộ, với những địa danh xác thực như: Mường Lát, Sài Khao, Mai Châu, Pha Luông, Châu Mộc – một cảnh trí đậm sắc thái thiên nhiên nơi lam sơn chướng khí nghìn trùng. Trên cái nền cảnh ấy, hình tượng người lính xuất hiện thật ấn tượng:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Với hai dòng thơ, Quang Dũng đã khắc họa dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, đầy hào khí. Tinh thần chinh chiến kiên dũng, dám xả thân, thái độ ngang tàng ngạo nghễ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng cũng được nhà thơ ghi lại bằng ngôn ngữ gợi hình ảnh, giàu cảm xúc, giọng điệu chùng xuống và man mác buồn. Trên cung đường chiến đấu quanh co, khúc khủy: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, đã bao lần người lính Tây Tiến dốc cạn sức bình sinh, mệt mỏi quá đành thiếp đi trên lộ trình Tây Bắc. Hai tiếng: “dãi dầu” gợi lại sự cực nhọc, vất vả của người lính. Đường Tây Tiến cheo leo, tiết trời khắc nghiệt, súng đạn gần kề, người lính phải trải qua trăm ngàn gian khó. Sự mệt nhọc, kiệt sức là lẽ đương nhiên!
Tuy nhiên, giá trị của hai câu thơ trên sẽ giảm đi phần nào nếu ta chỉ dừng lại ở lớp nghĩa đó. Với biện pháp nói giảm: “bỏ quên đời”, giọng thơ xót xa, cay đắng, Quang Dũng đã hé lộ cho ta khoảnh khắc thiêng liêng khi người lính Tây Tiến vĩnh biệt cuộc đời, bỏ lại phía trước hành trình Tây Tiến nhọc nhằn còn đang xôn xao chờ đợi. Nhà thơ không né tránh hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà nhìn rất thẳng, trực diện, đây là nét mới của thơ ca Việt Nam thời kì kháng Pháp. Nghĩ về sự hi sinh, Quang Dũng không nhấn mạnh sự đau đớn, uất ức của cái chết đến rụng rã tâm hồn mà xoa dịu cảm giác đau thương bi lụy, làm tăng tính chất thanh thản của cuộc hi sinh vì nước, vì lí tưởng cao đẹp của một thời đại bất khuất hào hùng.
Thật khéo léo khi Quang Dũng đã đặt hình tượng người lính Tây Tiến vào trong miền không gian đầy không khí bi hùng xưa cổ, với chiến trường là miền viễn xứ âm u lạnh lẽo. Ở đoạn thơ tiếp theo, bằng tất cả tấm lòng của người từng chung sức chung lòng với đồng đội trong cuộc trường chinh gian khổ, Quang Dũng đã tưởng nhớ về sự hi sinh của đồng đội bằng những câu thơ đậm chất bi tráng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…
Ở dòng thơ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, với những từ Hán Việt gợi không gian cổ kính: “biên cương”, “viễn xứ”, nhà thơ đã nhấn mạnh sự lạnh lẽo, đơn độc của những nấm mồ vô danh, không chút khói hương. Đến đây ta thấy rằng, cái chết dẫu là sự hi sinh vì Tổ quốc cũng không thể không gợi lên cảm xúc bi thương, đau đớn, day dứt lòng người. Hai câu thơ gọi nhớ đến những dòng vĩ thanh nghẹn ngào
trong bài “Núi đôi” của Vũ Cao:
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: em đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Một bên là “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, một bên là “những hàng bia trắng giữa đồng”, hiện thực đau xót được hai thi sĩ nhắc đến bằng những hình ảnh đọc thoáng qua thôi nhưng cảm giác quặn lòng. Là “bi” nhưng không “lụy”, “bi” mà vẫn rắn rỏi, gân guốc, vẫn giữ vững sức mạnh anh hùng Cách mạng Việt Nam bởi nhà thơ đã nâng đỡ mọi thứ bằng đôi cánh lãng mạn, hướng về tương lai tương sáng. Cái bi mờ hẳn bởi lí tưởng quên mình vì Tổ quốc Việt Nam, người lính hiến trọn tuổi thanh xuân của mình bởi trong anh có bầu máu nóng đầy nhiệt huyết. Đó là lí tưởng cao cả của một thời đại “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà trên những ngả đường ra trận thời ấy vẫn vang vang bài ca nồng nhiệt, say mê: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có mong chi đâu ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết không lùi”. Quang Dũng viết:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Giảm đi từ Hán Việt, đây là giọng điệu của tuổi trẻ thời chống Pháp lên đường đuổi giặc, khí phách của thời đại, thanh niên Việt Nam không chỉ tự nguyện dấn thân mà còn dám vượt lên cái chết. Họ sẵn sàng dâng hiến cả sự sống, cả tính mạng của mình vì lí tưởng cứu nước. Dòng thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” là minh chứng cho quan niệm: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến” (Nguyễn Đình Thi), văn nghệ góp tiếng nói cổ vũ, động viên người trẻ Việt Nam ra đi chiến đấu vì lí tưởng của tuổi trẻ. Chính vì vậy mà người nghệ sĩ cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng thời bấy giờ.
Cuối cùng, Quang Dũng tưởng nhớ về giây phút vĩnh biệt đồng đội bằng hai câu thơ mang dáng dấp cổ điển:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Hình ảnh “Áo bào thay chiếu” là hình ảnh tả thực. Sự thật người lính ngã xuống, không manh chiếu quấn thân, phải “về đất” với tấm áo lính đơn sơ, qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng lại trở thành “áo bào” trang trọng. Vì thế, cái chết giữa núi rừng mịt mù san giả trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Quang Dũng viết: “anh về đất” - một cách nói giảm tránh nhằm làm vơi nỗi đau về sự hi sinh, tăng tính chất thanh thản, hào hùng cho người lính. Nhà thơ thật khéo léo khi trước đó ông đã viết “bỏ quên đời”, và đến phút giây này lại là “anh về đất” nhằm linh thiêng hóa và bình thản hóa cuộc ra đi vì chính nghĩa của anh bộ đội cụ Hồ. Đã dấn thân ra đi thì chết đối với họ chẳng là gì cả. Chết chẳng qua chỉ là vùi thây vào lòng cát bụi, trở về với đất mẹ bao dung, có đất mẹ âu yếm, vỗ về.
Tiếng thét gào của dòng sông Mã ở câu thơ cuối như khúc tráng ca tiễn người lính trở về với đất. Sự mất mát lớn lao được thiên nhiên ngưỡng vọng, tiễn biệt. Chỉ với tiếng “gầm”, Quang Dũng đã thật sự “lên gân” nhằm dìu hồn người đọc bay bổng trong cảm hứng lãng mạn, vượt lên đau đớn, xót xa. Từ những hình ảnh này, hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp cổ điển, dáng dấp của các chiến sĩ thuở xưa ra đi vì nghĩa lớn với tinh thần “nhất khứ bất phục hoàn”, vừa mang hào khí thời đại kháng Pháp. Lịch sử đã đắp bồi cho các anh tình yêu nước, ý thức trách nhiệm với non sông. Nhà thơ Anh Ngọc đã từng nhận xét về bài thơ Tây Tiến chỉ với hai khái niệm: “Kinh điển đến thế, hiện đại đến thế”. Rõ ràng, sự cổ điển và không khí hiện đại của cuộc hành binh máu lửa luôn sôi trào trong những vần thơ sóng đôi với cuộc đời người lính.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, dân tộc Việt Nam đã làm tròn bổn phận của mình, chiến đấu vì lí tưởng hòa bình và tương lai tươi sáng. Mười bảy năm sau đó, truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành ra đời. Trong bối cảnh Mĩ ào ạt đổ quân xuống chiến trường miền Nam, ném bom khủng bố ác liệt, “Rừng xà nu” đã vẽ ra con đường chúng ta phải đi, nêu rõ chân lí của thời đại đánh Mỹ. Một lần nữa dân tộc ta, đất nước ta chìm trong khói lửa điêu linh. “Rừng xà nu” viết về những con người trong một bản làng xa xôi, heo hút – làng Xô Man. Bằng tình yêu nước thiết tha, mãnh liệt, họ đã chiến đấu bảo vệ bản làng, quê hương, bảo vệ màu xanh của những cánh rừng xà nu bất tận. Trong truyện nổi lên hình tượng Tnú. Đây là một nhân vật anh hùng nối tiếp những phẩm chất tốt đẹp thời kháng Pháp của người lính Tây Tiến, của Núp (trong “Đất nước đứng lên” – Nguyên Ngọc). Tnú đã góp một nét mới cùng với tập thể anh hùng trong văn học thời chống Mỹ như: Chị Sứ trong “Hòn Đất” (Anh Đức), Việt trong “Những đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi), anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong “Sống như Anh” (Trần Đình Vân)…
Đoạn miêu tả cảnh Tnú bị tra tấn có lẽ là đoạn văn vừa đớn đau, vừa hào hùng nhất – cao trào của tác phẩm mà Nguyễn Trung Thành đã dụng công xây dựng. Để làng Xô Man từ bỏ giấc mộng cầm giáo mác, bọn thằng Dục đã dùng giẻ tẩm nhựa cây xà nu đốt mười ngón tay Tnú. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón[…] Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”, một “con cọp núi rừng” giờ đây bị hành hạ dữ dội, nỗi đau ấy có lẽ không gì xoa dịu được, nó tạo nên niềm căm phẫn như sóng ồ ạt khiến Tnú cắn chặt răng chịu đau, “không thèm kêu van”, không khuất phục trước quân thù. Đó cũng một ngọn lửa đốt cháy lòng hận thù của người làng Xô Man. Tiếng thét của Tnú: “Giết”, tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết”, một cuộc “đồng khởi” đã nổi dậy. Âm thanh hùng tráng của cuộc chiến đấu và vẻ đẹp của người anh hùng làng Xô Man đẹp và kì vĩ biết bao. Bị đốt mười đầu ngón tay là bi kịch đớn đau của cuộc đời Tnú. Nhưng nó cũng là “bản lề” để mở ra một cuộc đồng khởi oai hùng, dũng cảm, người làng Xô Man đã chính thức dùng bạo lực Cách mạng chống lại bạo lực phản Cách mạng, đi đến thắng lợi.
Người lính Tây Tiến và người anh hùng Tnú đã “Lấy nỗi đau vô hình làm sức mạnh vô biên”, vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy, đứng lên chiến đấu và chiến thắng, thể hiện sức mạnh thời đại của cộng đồng, dân tộc. Họ thật sự là những tấm gương anh hùng trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Tinh thần bi tráng và vẻ đẹp của chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng được thể hiện cụ thể qua đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng và đoạn Tnú bị tra tấn và cuộc đồng khởi trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Người lính Tây Tiến trải qua những gian lao tột cùng: căn bệnh sốt rét, địa hình núi đồi hiểm trở, sự hi sinh nghẹn lòng, song họ vẫn mạnh mẽ can trường, vượt lên gian khổ bằng sự kiêu hùng, lẫm liệt. Tnú chịu đựng nỗi đau tận cùng: đôi bàn tay Tnú là hiện thân của nỗi đau xác thân, cái chết của vợ con là nỗi đau của gia đình, sự hi sinh của anh Quyết, bà Nhan, anh Xút và những con người khác ở làng Xô Man dưới tay thằng Mỹ là nỗi đau của buôn làng. Ba mối thù hợp thành nguồn sức mạnh khiến Tnú đứng dậy chiến đấu, trả thù, bảo vệ buôn làng, giữ mãi màu xanh của những cánh rừng xà nu tít tắp. Chủ nghĩa anh hùng Ccách mạng Việt Nam được thể hiện rõ nét qua “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Hình tượng Tổ quốc từ trong máu lửa, trở mình “đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi), hình ảnh người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang cầm súng, đánh giặc được ngợi ca bằng giọng thơ hào sảng, giọng văn hùng hồn. Hai tác giả đã thổi vào trong tác phẩm không khí thời đại làm bừng lên sức sống, làm sáng ngời phẩm chất đẹp đẽ của người lính vệ quốc.
“Sắt lửa mặt trận đang hun đúc nên nền văn nghệ của chúng ta” (Nguyễn Đình Thi), quả thế! Trải qua hơn nửa thế kỉ, đến nay bài thơ “Tây Tiến” vẫn còn đủ sức ngân vang trong tâm hồn người đọc. Hình tượng người lính thời kì kháng chiến chống Pháp bất tử cùng thời gian, lời thơ vẫn đủ sức trĩu nặng lòng người. Từ đó khơi dậy ý thức tuổi trẻ Việt Nam thời đại mới cần nhận thức được bổn phận của mình, dám đương đầu với thử thách, bản lĩnh, gan dạ, xông pha khi Tổ quốc cần.
Tây Tiến biên cương mờ khói lủa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông
(Giang Nam)
HOÀNG KHÁNH DUY viết
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro