Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

We've been there ten thousand years (Bright Shinning as the Sun) - Rewrite

Mình để video là bài hát Love will come to you của Poets of fall. Không liên quan nhưng mình thấy nó hay và cũng hợp không khí :> 

Truyện này đã được review nhưng mình thấy bài review đó chưa đủ hay nên mình sẽ viết lại một bài review khác chi tiết hơn. Khuyến khích mọi người đọc truyện trước rồi đọc review để hiểu thêm vì bài review có spoil.

Review cho We've been there ten thousand years (Bright Shinning as the Sun)

[Người mở nắp quan tài và đưa tôi lên. Tôi đã tỉnh lại từ rất lâu rồi, bất lực và sợ hãi. Bình minh hé rạng đằng sau người giống như vầng hào quang, và cuối cùng tôi cũng thở được. Một bông hoa luôn vươn mình về phía mặt trời, hay một nguồn sáng bất kì, tôi chưa từng nghĩ rằng tôi sẽ nhìn thấy người rực sáng. Người vẫn luôn là một tạo vật của bóng đêm.]

Ngay từ những dòng đầu tiên ấy, trái tim mình đã rung lên vì những thứ cảm xúc dịu dàng rất đỗi. Không, từ ngữ chẳng có gì quá đặc biệt. Cảm xúc không tới bằng những lời văn hoa mĩ, bằng những động từ mạnh mẽ như đánh vào tâm trí và trái tim của người đọc mà là bằng những câu văn súc tích, bình dị.

Mặc dù vì là văn dịch nên không có được cái trôi chảy của văn viết, câu "Một bông hoa luôn vươn mình [...] một nguồn sáng bất kì" khá là tối nghĩa. Bản thân mình nghĩ có lẽ nó hơi ẩn dụ, ý nói Clark là một bông hoa và bông hoa thì luôn hướng về phía ánh sáng, còn Bruce thì lại là tạo vật của bóng đêm. Kể cả như vậy, đoạn văn ấy vẫn khiến mình muốn điên lên được, giọng Clark thật thong thả, trong một nhịp điệu từ tốn kì lạ nhưng lại ướt át cảm xúc.

""Khi chúng ta chiến đấu chống lại người Hy Lạp trong trận chiến thành Troy, thủ lĩnh của chúng ta đã một mình đương đầu với Achilles. Penthesilea hi sinh dưới mũi kiếm của chàng, nhưng một điều kì lạ đã diễn ra. Achilles đã nhìn thấu sắc đẹp và phải lòng nàng ngay tức khắc. Chàng đau buồn vì sự mất mát, dù cho Penthesilea chưa từng thuộc về chàng. Điều chàng tiếc thương chính là lý tưởng của nàng ấy, một phụ nữ, một chiến binh, mạnh mẽ và sẵn sàng hi sinh mạng sống vì lý tưởng của bản thân."

Ban đầu, mình không hiểu ý của những lời này vì đọc khá nhanh và cũng không xem phim. Nhưng đại ý theo chút vốn liếng của mình về hai người thì có lẽ trong lời Diana, Bruce chính là Achilles và Clark chính là Penthesilea. Bruce nói truyền thuyết về thành Troy không có thật và chị đã trả lời rằng "Bốn năm trước, một người đàn ông biết bay chỉ là điều hư cấu. Một tuần trước, một người phụ nữ nghìn năm tuổi chỉ là điều viển vông. Nhiều người cho rằng Batman cũng chỉ là truyền thuyết. Chúng ta lựa chọn điều chúng ta tin tưởng, Bruce ạ. Và đôi khi chúng ta chọn khi đã quá muộn."

Mình rất thích đoạn này. Tác giả viết rất khéo, biết cách chọn tình tiết và xoay xở mọi việc rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Có một sự thật là rất nhiều người viết đã cố tạo một điểm nhấn bằng cách đặt một câu "triết lý" hoặc cảm động trong truyện của mình. Như ở trong đây chính là câu "Chúng ta lựa chọn [...] đã quá muộn." Nhưng nó không dễ dàng để khiến cho độc giả yêu thích câu triết lý ấy bởi thứ nhất, nó phải chân thực, dễ hiểu mà không nhàm chán. Thứ hai, phải gài ghép thật khéo, nếu không sẽ bị lộ ra là tác giả cố ý.

Diana, mình không biết chị ấy là người như thế nào nhưng đây là một nhân vật có vai trò "gỡ rối" cho nhân vật chính. Không xa lạ.

Ban đầu, Diana nói về Achilles và Penthesilea, ý muốn để Bruce nhận ra tình cảm thật của bản thân. Nhưng với cá tính của gã, gã sẽ chẳng chịu chấp nhận bằng cách im lặng đâu, và vì thế gã đã phủ định ngay bằng cách nói rằng truyền thuyết không có thật. Rồi chị ấy đáp lại, lời lẽ thật thuyết phục và đơn giản: những gì người ta không nhìn thấy chưa chắc đã không tồn tại. Cuối cùng dẫn đến việc con người lựa chọn đức tin của mình. Chẳng chút gượng ép, triết lý cứ đơn giản như vậy mà thấm vào tâm trí người đọc.

Còn vì sao mình thích nó thì nó không nhàm chán như vô vàn những triết lý tình yêu khác nhan nhản trong các truyện tình cảm. Nào thì khuyên chúng ta nên là chính bản thân mình vì rằng sẽ có ai đó yêu bản thân chúng ta, nào thì chúng ta chẳng việc gì phải đau khổ khi chia tay với ai đó vì sẽ có người khác hợp với chúng ta hơn, v...v... Thế nhưng đây lại là một triết lý về đức tin, thật chí lí mà cũng thật dung dị. Nó mang rất nhiều ý nghĩa, mình đọc xong và ngộ ra rằng chúng ta đôi khi nên lựa chọn điều chúng ta tin và tin tưởng vào nó kể cả khi nó nghe thật phi lý. Như bản thân mình, rất nhiều lần để vượt qua một hoàn cảnh khó khăn nào đó, mình đã phải thật sự tin tưởng vào chính bản thân mình, tin tưởng để có thể vượt qua, tin tưởng trước khi sự đã rồi và nhận ra mình có thể hoàn thành nó nếu mình có đức tin ấy ngay từ đầu.

Để kết thúc phân cảnh ấy, tác giả đã để Diana khuyên nhủ:

"Diana dừng chiếc xích đu.

"Đừng đợi đến khi quá muộn." "

Triết lý đã xuất hiện, người đọc cần một khoảng thời gian để thấm. Và phân cảnh dừng lại, bằng một hành động thật nhẹ nhàng và một lời khuyên ngắn ngủi nhưng đủ sức thúc đẩy suy nghĩ của người đọc. Chị nhấn mạnh lại về thời gian của lòng tin, hãy tin đi khi mọi việc còn có thể.

[Người nâng tôi lên từ cỗ áo quan, nhẹ như lông hồng, người đưa tôi đi khỏi bóng đêm và tiến về nơi ánh sáng. Người nói với tôi, hoặc là người đang tự nói với bản thân. Những từ ngữ thật êm dịu, dù tôi chẳng hiếu được đến một từ. Chúng bình yên đến kì lạ, thế giới thường khi ồn ã hơn nhiều.]

Mình cũng có cảm giác đoạn này người dịch chưa thật sự thể hiện được sự mượt mà của văn viết. Thế nhưng bản dịch thì rất khó để hoàn hảo nên đây có thể coi là mức độ tốt. (Hơn nữa mình rất cảm phục các dịch giả nên mình thấy họ dịch được là quá tuyệt rồi ấy, kêu ca làm sao được chứ). Câu "Người nói với tôi [...] ồn ã hơn nhiều" Mình nghĩ hai câu đầu nên gộp vào và câu cuối nên để là "thế giới bình thường ồn ã hơn nhiều."

Không biết vì sao mình rất thích câu "Người nâng tôi lên từ cỗ áo quan, nhẹ như lông hồng, người đưa tôi đi khỏi bóng đêm và tiến về nơi ánh sáng." Bạn Akai chọn từ dịch rất hay, là "nâng lên" chứ không phải "nhấc lên" hay "bế lên", nó thể hiện sự trân trọng, yêu thương và bao bọc đầy dịu dàng trong từ "nâng" ấy. Người ta vẫn thường nói "nâng như nâng trứng" mà. Và sự so sánh "nhẹ như lông hồng", nghe nó thật gần gũi bởi đó là câu cửa miệng nhưng không hề mất đi tính gợi cảm. Bên cạnh đó, mình cũng rất thích cách biểu đạt "đưa tôi đi khỏi bóng đêm", giống như Bruce đang nắm tay và dẫn Clark ra khỏi nơi tối tăm mịt mù, vai sánh vai bước về phía mặt trời. Gã nâng cậu lên từ mộ huyệt, việc ấy được miêu tả thật đẹp, giống như sự chuyển tiếp nhịp nhàng giữa hai vùng tối – sáng vậy. Thậm chí nó chân thực và đẹp đẽ đến nỗi mình có thể nghe thấy hơi thở yếu ớt của cậu, cảm nhận vòng tay vững chãi của gã và cả luồng sáng xộc vào tầm nhìn khi thân thể cậu được gã nâng lên.

"Gương mặt đầu tiên Clark nhìn thấy không nên là một cái mặt nạ."

Trong lúc gã gấp gáp muốn nhìn thấy Clark lần nữa, một ý nghĩ đã sượt qua tâm trí và khiến gã ném cái mặt nạ đi. Gã muốn cậu nhìn thấy gương mặt của con người, gương mặt thật đằng sau tấm mặt nạ của gã.

"Việc lật nắp quan tài lên đã rút cạn nguồn sinh lực cuối cùng của gã. Khi gã nhìn thấy Clark, khuôn ngực cậu nâng lên hạ xuống ổn định, cậu chìm trong gỗ và đất bẩn. Gã để bản thân thở cùng với Clark.

Bàn tay gã run lên khi gã chạm vào Clark, đỡ lấy cần cổ phía sau của cậu. [...]Gã ôm lấy cậu thật chặt và nâng cậu lên từ nấm mồ, đưa cậu lên mặt đất phía trên."

Bruce đã để mình hòa chung nhịp thở với cậu. Đó là một hành động nhỏ nhặt nhưng vô cùng gần gũi. Gã gần như mất kiểm soát khi chạm vào cậu, điều đó thể hiện qua sự run rẩy nơi bàn tay gã. Cơ thể gã đang mệt lử, thế nhưng tâm trí gã lại đang rực lên vì nhận thức được sự sống của người nằm trong huyệt mộ kia. Bruce ôm lấy Clark, thật chặt, nửa giống như vui mừng quá đỗi, nửa giống như đang giữ chặt lấy sinh mệnh mong manh mà gã mới có lại được. Không có một chút cảm xúc nào của Bruce được trực tiếp viết ra, thế nhưng qua lời kể thong thả ấy, qua những hành động nhỏ nhặt ấy, chúng ta đều cảm nhận và hiểu được những suy nghĩ của nhân vật. Thật là kì diệu.

"Giây phút trôi qua và gã bước ra khỏi cửa, cho phép bản thân quay lại nhìn Clark lần cuối. Đôi mắt cậu hé mở cùng với mặt trời. Chúng thật xanh trong ánh nắng ngày. Clark không nhìn thấy gã, cậu quá bận bịu với việc chìm trong những cái ôm và thoải mái trong vòng tay người mẹ."

(Đã bỏ dấu phẩy trước từ "và" ở câu đầu.)

Một giây phút khiến trái tim mình lạc nhịp. Bruce không đòi hỏi gì ở Clark, không cần một cái ôm, không cần cả một lời cảm ơn; gã rời đi từ rất sớm, ngay khi ánh bình minh bắt đầu xuất hiện nơi cửa nhà. Các bạn đều nhìn thấy câu đó đúng không, chính là câu mình đã để in đậm ấy, hãy để mình viết lại lần nữa nhé "Đôi mắt cậu hé mở cùng với mặt trời. Chúng thật xanh trong ánh nắng ngày." Một lần nữa, mình phải thán phục bạn Akai vì cách chọn từ. Victor Hugo từng nói "Trong tác phẩm, không có từ nào hay, từ nào dở. Từ nào đặt đúng chỗ là từ đó hay." Từ "hé mở" với một cánh cửa có khiến bạn rung động không? Ồ, sao lại rung động được cơ chứ? Thế nhưng nó không dành để miêu tả sự chuyển động của một cánh cửa bình thường mà nó lại được dùng để miêu tả sự chuyển động của cánh cửa tâm hồn, là đôi mắt. Mà đôi mắt ấy đang hé mở cùng với mặt trời, và đọc tới đây, chúng ta đều cùng nhìn thấy ánh sáng nơi đôi mắt kia, nó cũng tỏa sáng tựa như mặt trời vậy. Thật đẹp.

Mình rất thích ánh nắng, đó là lý do vì sao đa phần khung cảnh trong truyện của mình, thứ đầu tiên được miêu tả là ánh nắng. Chỉ cần một tia sáng rọi vào bức tranh thôi, mọi thứ đều tươi sáng và thật trong trẻo, thể như bước vào cổ tích vậy. Còn mắt xanh, ôi, mình yêu mắt màu xanh lắm. Mỗi lần nhìn vào một đôi mắt xanh, mình tưởng như đã chìm vào giữa khung trời của một ngày lặng gió, ít mây hay ở giữa vòng tay của đại dương. Nó khiến mình say mê, đến nỗi mình phát cuồng vì những người mắt xanh luôn ấy.

Chỉ cần tưởng tượng một đôi mắt xanh biếc ánh lên những tia sáng trong trẻo, dịu dàng của một ngày mới hé mở thôi, trái tim mình cũng đủ tan hết thành nước rồi.

"Gã đã có thể chiến với cả nghìn người trong tối đó, trừng phạt từng tên tội phạm tại Gotham, nhưng không điều gì có thể khiến gã cảm thấy như thế này. Cứu lấy Clark khi gã tưởng rằng mọi hi vọng đều đã mất, giống như cứu lấy chút nhân tính cuối cùng vậy."

Bản thân mình không thấy đoạn này thật sự cần thiết và hay với tác phẩm bởi tác giả đang để Bruce tự thể hiện lòng mình trực tiếp với người đọc. Thế nhưng kể cả không có lời bộc bạch ấy, những hành động phía trên của gã cũng đã đủ khiến cho người đọc hiểu được rồi. Khi những cảm xúc và suy nghĩ nhân vật còn được khéo léo giấu sau hàng chữ thì câu truyện vẫn còn tinh tế. Tuy nhiên mình vẫn thấy khá thích với sự so sánh của gã. Cứu Clark giống như cứu lấy nhân tính của bản thân. Nghe qua thì có vẻ nó hơi bị kì lạ. Ừ thì sao lại không so sánh một cách "lãng mạn" hơn, thí dụ như "Cứu lấy Clark khi gã tưởng rằng mọi hi vọng đều đã mất, giống như vừa có lại được một mảnh trái tim."?

Nói thế này hơi "đao to búa lớn"một chút nhưng dễ hiểu, các bạn đều đọc "Chí Phèo" của Nam Cao rồi mà. Thế nên ai cũng biết, khi mà người ta để mất phần nhân tính của mình, khi mà Chí Phèo hóa thành con quỷ làng Vũ Đại ấy. Hắn say khướt trong những giấc mộng quay cuồng của một con quái vật. Nhưng khi hắn gặp Thị Nở, hắn đã tìm thấy được chút nhân tính còn sót lại nơi đáy tim của mình. Hắn uống bát cháo hành, tỉnh dậy và cuộc sống thường nhật trước mắt hắn đẹp như một giấc mộng bình dị. Cảm giác ấy, thật vi diệu, thật tuyệt vời.

Đó, cảm giác của Bruce lúc cứu lấy Clark đẹp đẽ như vậy.

[Tôi mở mắt, ánh mặt trời gần như khiến tôi mù lòa, nhưng tôi từ chối nhắm mắt lại. Tôi không nghĩ rằng mình lại có thể nhìn thấy ánh sáng một lần nữa; hay ôm Lois và mẹ trong vòng tay tôi. Tôi đã không nghĩ rằng mình sẽ thấy an toàn một lần nữa. Nhưng có một điều gì đó không đúng, tôi có thể cảm nhận được mà. Người không ở đó. Người đưa tôi lên từ cõi chết và tôi đã hồi sinh trong vòng tay người. Người rời đi, tôi nghe thấy tiếng động cơ xe, êm dịu hơn nhiều so với chiếc xe tải mà cha từng lái. Tôi muốn người ở đây biết chừng nào, để nhìn thấy người trong ánh sáng.]

Đoạn này mình cũng có cảm giác bạn Akai dịch chưa được mượt mà lắm (Nhưng tại vì trình độ dịch của mình thua trình độ viết lách lẫn beta cả dặm nên ... ) Mình nghĩ câu "Tôi đã không nghĩ rằng mình sẽ thấy an toàn một lần nữa" nên để là "Tôi đã không nghĩ rằng mình còn có thể thấy an toàn.". Và câu "Tôi mở mắt [...] từ chối nhắm mắt lại." thì có lẽ để thành "Tôi mở mắt, ánh mặt trời gần như khiến tôi mù lòa nhưng tôi không nhắm mắt lại."

Dù vậy, đây vẫn là đoạn mình thích nhất trong truyện.

Thật ra tất cả những đoạn cảm nghĩ của Clark mình đều thích, có một cảm giác bình yên và dễ chịu kì lạ trong những lời ấy. Việc Bruce đào mộ và nâng cậu lên, một lần nữa lại hiện ra vô cùng đẹp đẽ. "[...] tôi đã hồi sinh trong vòng tay người." Lúc này đây, người đọc phải tự hỏi, có lẽ nào trái tim của Clark đã đập lại vì Bruce? Kể từ khi được gã ôm lấy, cậu mới thật sự sống, thật sự hồi sinh. Gã mới là người đã truyền sức sống vào trái tim ngưng đập từ lâu ấy chứ không phải bất cứ một ai khác.

Mình thích từ "êm dịu" mà Akai dùng cho tiếng động cơ xe. Nó không chỉ nói lên cái xe của Bruce tốt như thế nào (*cười*), mà còn nói đến sự rời đi trong im lặng của gã. "Êm dịu" cũng còn để miêu tả tính cách của người, dường như với cậu, không phải chỉ là sự rời đi của một ai đó mà còn là sự rời đi của một vòng tay, một hơi ấm, một sự bao bọc đầy dịu dàng. Đó là sự mất mát không hề nhỏ đối với cậu.

Tất cả những luồng cảm xúc ấy của cậu, cuối cùng đều hóa thành một ước muốn thật đơn giản "Tôi muốn người ở đây biết chừng nào, để nhìn thấy người trong ánh sáng.". Chẳng cần đến những lời bộc lộ đầy cảm xúc như "Trời ơi, người là ánh sáng lòng tôi, là trái tim của tôi, tôi muốn người ở lại đến phát điên!". Nó chỉ đơn giản là "muốn biết chừng nào", nghe mơ hồ như vậy đấy nhưng lại tha thiết làm sao. Tới đây, chúng ta mới thấy toàn bộ suy nghĩ ở phần đầu của cậu về bông hoa, về ánh sáng và gã – tạo vật của bóng đêm đều liên quan mật thiết với nhau. Không những thế, đến tận những từ cuối cùng ấy, mình mới vỡ lẽ vì sao tác giả để tên là "We've been there ten thousand years (Bright Shinning as the Sun)". Cậu muốn nhìn thấy gã trong ánh sáng, muốn có thể ngắm nhìn thật kĩ gương mặt ấy, người đã truyền sinh mệnh cho mình. Nỗi nuối tiếc như lan dần trong lòng người đọc, thấm vào trái tim và khiến chúng ta run rẩy.

Một câu truyện với hai nghìn từ có lẻ ẩn chứa vô cùng nhiều ý nghĩa đẹp đẽ và tinh tế. Mình rất cảm phục tác giả và bạn dịch, hai người đã đem tới người đọc một tác phẩm tuyệt vời. Phải đọc cả bản gốc mới thấy được sự tài hoa của bạn dịch, Akai dịch hay lắm các bạn ạ :>

Rất mong sẽ có nhiều bạn đọc và chia sẻ ý kiến với mình. Ngày lành.

- Cà Rốt - 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #review