Review Trường Ca Achilles
“…Người ta chẳng bao giờ để cho cậu nổi tiếng và hạnh phúc cả”. Cậu nhướn một bên mày. “Mình sẽ kể cho cậu nghe một bí mật.”
“Kể đi.”
“Mình sẽ là người đầu tiên được như vậy.” Cậu cầm bàn tay tôi và úp lên bàn tay cậu. “Thề đi.”
“Sao lại là mình.”
“Bởi vì cậu là lí do mình sẽ như vậy. Thề đi.”
_Trích “Trường ca Achilles”_
Đây là câu chuyện được tác giả Madeline Miller xây dựng và khắc họa lại về cuộc tình của hai chàng trai Achilles và Patroclus trong sử thi Illiad. Mình đã đọc thần thoại Hy Lạp từ khi còn bé và rất ấn tượng với cuộc chiến thành Troy- cuộc chiến của quân Hy Lạp và quân thành Troy để dành lại nàng Helen. Chính bởi vì như vậy nên mình đã rất ấn tượng khi nhìn thấy cuốn sách “Trường ca Achilles” này. Với bìa sách là hình của chiến mũ bảo hộ của chiến binh được thiết kế rất đơn giản, cuốn sách đã dễ dàng chinh phục sự tò mò của mình. Khi mình chính thức cầm cuốn sách trên tay và đọc nó, mình lại một lần nữa bị cuốn vào thế giới của những người anh hùng, những vị thần thời Hy Lạp cổ xưa hệt như khi con bé. Cuốn sách cho mình thấy một góc nhìn hoàn toàn khác về thế giới, về con người, về tư duy, về lối sống và cả về tình yêu của hai chàng trai trẻ Achilles và Patroclus. Sự vừa tương đồng lại vừa khác biệt so với sử thi Illiad này chính là điều đặc biệt tạo nên sức hút của cuốn sách này.
Cuốn sách viết theo góc nhìn của nhân vật Patroclus- một hoàng tử bị coi thường, ruồng bỏ tại chính đất nước của mình. Theo chân Patroclus, ta được nhìn thấy chàng khi ở tại quê nhà, rồi thấy chàng trưởng thành, tham gia góp mặt trong lễ chọn chồng của nàng Helen và sau đó là bị đuổi đi khỏi chính quê hương của mình, để rồi tại Phthia chàng đã gặp được Achilles, người mà sau này chàng yêu bằng cả trái tim, bằng cả tính mạng. Câu chuyện tiếp nối bằng chuyến hành trình của cả hai đến Troy, chiến đấu, kề vai sát cánh bên nhau và vĩnh viễn nằm lại với nhau trên mảnh đất xứ Troy xa xôi.
Mỗi nhân vật trong cuốn sách này mang trong mình những vẻ đẹp kỳ diệu của Hy Lạp xa xưa: lâu đời, quyền uy, mạnh mẽ; nhưng cũng không kém phần bạo lực, chết chóc.
1. Achilles: Aristos Achaion- Người vĩ đại nhất Hy Lạp.
Achilles là con trai của nữ thần biển Thetis và đức vua Peleus xứ Phthia. Chàng là một Á thần, có mẹ là một nữ thần biển nên có thể nói: thân phận của chàng vô cùng tôn quý. Achilles từ nhỏ đã được rèn luyện, hướng dẫn trong môi trường nghiêm khắc, chính do vậy nên từ nhỏ, chàng đã được định sẵn sẽ trở thành một chiến binh mạnh mẽ. Cha chàng- đức vua Peleus là một vị vua hiền từ, ngoan đạo và cũng hết lòng yêu thương chàng. Mẹ chàng, nữ thần biển Thetis thì rất kỳ vọng vào chàng. Có thể nói, Achilles không thiếu thốn thứ gì cả.
Chàng gặp Phatroclus khi Patroclus bị trục xuất và phải tới xứ Phthia. Hai chàng trẻ đã có những phút giây nói chuyện và rồi, tâm hồn của họ trở nên đồng điệu hơn qua thời gian. Từ là những ngưởi bạn, tình cảm của cả hai dần phát triển để trở thành tình yêu, thành tri kỷ, thành định mệnh của nhau.
Achilles sở hữu tính cách nghiêm túc, lạnh lùng và nhiều lúc bạo lực. Thời Hy Lạp cổ đại, người ta phân tranh khả năng bằng kiếm và khiên, bằng máu và nước mắt. Chính vì vậy nên Achilles đã ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm đó. Chàng thờ ơ, lạnh lùng với những việc không liên quan đến mình. Chàng bạo lực, chém giết để đem lại vinh quang cho bản thân. Nhưng rồi cũng suýt chút nữa, chàng mất đi sơ tâm của bản thân vì sự bạo lực, nhẫn tâm đó. Cuối cùng, dù đã biết trước số mệnh của bản thân nhưng Achilles vẫn quyết định đón nhận nó, không chút trốn tránh. Chàng mạnh mẽ, kiêu ngạo như một chiến binh. Nhưng khi ở bên Patroclus, chàng dịu dàng, hiền hòa, ngây ngô như một đứa trẻ. Achilles yêu Patroclus hơn tất thảy mọi thứ, Patroclus như ánh sáng của Achilles, mất đi thứ ánh sáng đó, tất cả chỉ còn là bóng đêm.
Tuy hung hãn và bạo lực, song Achilles vẫn giữ lại trong mình một tình yêu cuồn nhiệt cháy bỏng với Patroclus. Tình yêu đó đã khiến anh khác với những tướng lĩnh khác, khiến chàng trở nên người hơn, trở nên thật hơn, chứ không còn là một Aristos Achaion cao xa vời vợi nữa.
2. Patroclus: Phitatos- Người thương yêu nhất của Achilles.
Patroclus là được sinh ra tại Opus, chàng là hoàng tử của đất nước, cha chàng là Menoitius, mẹ chàng là một phụ nữ ngốc nghếch, không được lòng đứa vua. Khác với Achilles, Patroclus không phải là một chiến binh thành thạo mà là một chàng trai e dè và nhút nhát. Ngay từ nhỏ, Patroclus đã không nhận được sự yêu thương đầy đủ từ cả cha lẫn mẹ, không được mọi người xung quanh yêu thương quan tâm. Ai cũng khinh thường và cho rằng chàng là một kẻ hèn nhát, vô dụng. Vì lỗi lầm của mình, chàng đã bị đuổi khỏi đất nước, quê hương của mình để rồi, chàng đến vùng đất Phthia. Tại đây, chàng được tiếp xúc gần hơn với Achilles, được đồng hành và trở thành bạn của Achilles. Cả hai người đã gắn bó với nhau từ khi còn là những cậu nhóc đến tận khi khôn lớn thành những chàng trai trẻ.
Với Patroclus, Achilles thật tuyệt vời. Vẻ đẹp như thần thánh, tài năng vô song, kỹ thuật đánh đàn Lia làm lay động lòng người…So với Achilles, Patroclus kém sắc hơn, không tài giỏi bằng và mềm lòng hơn rất nhiều. Nhưng chính cái sự mềm lòng đó là sợi dây lý trí, cứu rỗi cho Achilles rất nhiều. Patroclus có thể không mạnh mẽ bằng Achilles, nhưng điều đó không ngăn cản chàng trở thành một người hùng, một chiến binh. Patroclus không có kỹ năng chiến đấu cao siêu, chàng thiên về y thuật và chữa bệnh nhiều hơn. Nhưng khi quân Hy Lạp gặp nguy cấp, chàng đã mang theo áo giáp, vũ khí của Achilles để chiến đấu và anh dũng hy sinh. Một sự hy sinh thật tuyệt vời biết bao. Nhưng nó đã trở thành nỗi đau thấu tim cho Achilles khi mất đi người thương của mình.
Chàng là sơ tâm của Achilles, là sợi dây níu kéo nhân tính của Achilles. Chàng không chỉ là tình yêu của Achilles, chàng còn là cả thế giới của Achilles.
3. Thetis: Nữ thần biển cả, con gái của thần biển già Nereus
Thetis là con gái của Thần Biển Già Nereus, là một trong 50 nàng tiên biển. Nàng sở hữu nét đẹp của một vị thần biển, nàng đẹp đến mức thần Zeus lẫn các nam thần khác đều muốn có được nàng. Nhưng rồi, nàng lại bị ép gả cho đức vua Peleus của xứ Phthia. Với Thetis, đó là sự sỉ nhục, sự bất công, sự độc ác của những vị thần trên đỉnh Olimpus. Nàng bị ép buộc phải ở lại với Peleus một thời gian và sau đó mang thai Achilles. Sau đó, nàng để lại Achilles cho Peleus và lao về biển cả.
Thetis là một vị thần, nên tính cách của nàng kiêu ngạo, lạnh lùng, độc ác và nhẫn tâm. Thetis của Miller được xây dựng khác hoàn toàn với Thetis mình từng hình dung khi đọc Thần Thoại Hy Lạp. Thetis của “Trường ca Achilles” khiến mình căm ghét, bực tức nhiều hơn là Thetis của Thần thoại.
Nàng căm ghét loài người, căm ghét Peleus vì đã xâm phạm nàng, căm ghét con người vì dòng máu dơ bẩn. Điều duy nhất khiến nàng muốn đặt chân lên mặt đất chính là Achilles. Achilles được sinh ra từ bụng nàng, mang một nửa dòng máu của nàng nên Thetis đặt rất nhiều hy vọng vào con trai. Nàng đã được báo rằng: con trai nàng sẽ là người vĩ đại nhất Hy Lạp. Chính do vậy nên Thetis mong con mình hóa thành Thần, đủ sức mạnh, đủ khả năng để thoát khỏi cái lốt người phàm.
Nàng ngăn cấm mối quan hệ của Achilles với Patroclus vì với nàng, Patroclus không xứng với Achilles. Chỉ là một tên loài người hèn kém, xấu xí, hoàn toàn không phù hợp với Achilles. Do vậy nên nàng đã luôn liên tục cảnh báo Patroclus tránh xa Achilles, thậm chí cũng từng muốn Patroclus chết đi. Nàng đã đưa con mình đi xa, vừa là để tránh né cuộc chiến thành Troy, vừa là để ép Achilles rời xa Patroclus. Thetis đã ép Achilles phải kết hôn với công chúa Deidameia xứ Scyros để sinh ra đứa con của chàng, cũng là để Achilles không còn hy vọng gì với Patroclus nữa. Nhưng dù là vậy, tình yêu của hai chàng trai vẫn không thể bị dập tắt. Đó là điều mà Thetis dù có làm thế nào, nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể thay đổi được.
Nàng hy vọng nhiều rồi thất vọng nhiều. Achilles không phải đứa con nàng kỳ vọng chàng sẽ trở thành. Nên nàng đã đặt kỳ vọng vào Neoptolemus- đứa con trai duy nhất của Achilles. Nhưng thực tế đã chứng minh, Neoptolemus hoàn toàn chả thể sánh được như Achilles. Nó là một thằng nhóc hỗn xược, ngạo mạn quá mức, không coi ai ra gì và để rồi chết đi khi còn rất trẻ. Cuối cùng, Thetis cũng nhận ra rằng: hóa ra đứa con mà nàng mong muốn, đứa con mà nàng hy vọng cuối cùng cũng không thể tránh khỏi số phận nghiệt ngã, nàng đã mất đi đứa con duy nhất của mình rồi.
Thetis là một nhân vật đáng thương và cũng đáng trách. Nàng đã đặt cái mong muốn của bản thân, cái tôi của bản thân lên cao hơn con trai mình, nàng đã nói những lời lạnh lùng với con trai mình để rồi mất đi cả con trai, cả cháu trai. Sự lạnh lùng trong nàng khiến nàng khó có thể cảm nhận được tình yêu, điều đó cũng là bởi nàng đã bị cưỡng ép bởi một người phàm, bởi một người nàng không yêu. Làm sao có thể hiểu được tình yêu khi nàng chưa từng mở lòng mình để cảm nhận yêu thương chứ. Nhưng may mắn thay, đến cuối cùng, Thetis đã mở lòng mình, đã lắng nghe những lời Patroclus nói, đã làm việc người mẹ nên làm: tôn trọng tình yêu thương của con.
4. Deidameia xứ Scyros: người vợ duy nhất của Achilles, nàng công chúa bất hạnh của xứ Scyros.
Đây cũng là nhân vật đem lại cho mình nhiều suy tư và cảm nhận. Một nàng công chúa xinh đẹp, quyến rũ, tài giỏi nhưng số phận cũng thật trêu ngươi nàng. Nàng được Thetis làm lễ ban hôn với Achilles, nhưng nàng chưa từng cảm nhận được tình yêu của chồng mình, chưa từng được tận hưởng cảm giác dịu dàng của tình yêu. Khi nàng mang thai Neoptolemus, nàng bị ép phải rời xa vùng Scyros vì nàng không thể nói cho ai biết mình bị Achilles ruồng bỏ, bị đe dọa, bị bỏ rơi, cô đơn một mình sinh con, rồi sinh con xong lại phải giao con mình cho Thetis nuôi nấng. Đến cuối cùng, nàng mất cả chồng lẫn con, mất cả danh tiết và tất cả mọi thứ. Đến chính Patroclus cũng còn rất thương cảm cho số phận của nàng. Chàng còn từng cầu xin Achilles hãy đối xử với nàng nhẹ nhàng hơn, vì suy cho cùng nàng cũng là vợ Achilles. Nhưng Achilles hoàn toàn không để Deidameia vào mắt. Còn điều gì kinh khủng hơn một người phụ nữ như Deidameia chứ. Mình cảm thương cho nàng, vì nàng không đáng phải chịu sự đau khổ như vậy. Cuộc gặp gỡ với Achilles ngay từ đầu đã là sai rồi. Sự bất hạnh bao trùm lên cả cuộc đời của Deidameia và rất nhiều nàng công chúa khác thời cổ đại.
5. Neoptolemus: Pyrrhus- Đỏ Rực, người con trai duy nhất của Achilles.
Neoptolemus là người con trai duy nhất của Achilles, mẹ nó chính là công chúa Deidameia. Ngay từ khi còn nhỏ, nó đã được nuôi dưỡng bởi Thetis, được đưa xuống biển sâu, được ăn uống thần tửu. Vậy nên ngay từ khi còn nhỏ, nó đã có sức mạnh vô song. Dù mới 12 tuổi nhưng nó đã có thể thay mặt cha mình tham gia tiếp cuộc chiến thành troy, trở thành Aristos Achaion tiếp theo. Chính do vậy nên có thể nói, tính cao ngạo và độc ác của nó là lên tới cực điểm. Với mình, mình ghét Neoptolemus hơn bất cứ nhân vật nào từng xuất hiện trong “Trường ca”, hơn cả Agamemnon, hơn cả Hector…Nó là sự tổ hợp của những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với Achilles khi không có Patroclus kề bên. Neoptolemus ra tay giết hại con của Hector tàn ác, giết hại Briseis vì không nghe lệnh mình, không cho phép Patroclus được khắc tên trên bia mộ…Những việc Neoptolemus làm chắc chắn là hành vi độc ác khi tự cho mình cái quyền coi thường sinh mệnh người khác. Và rồi khi Neoptolemus đã phải trả giá cho hành vi của mình bằng cái chết, thì âu cũng là một niềm an ủi đáng lớn cho mình và các độc giả khác.
Có thể nói, đây là năm nhân vật để lại cho mình nhiều ấn tượng sâu sắc. Cùng với rất nhiều các nhân vật khác, “Trường ca Achilles” đã được xây dựng thật chân thật đẹp đẽ làm sao. Nó không còn là một cuốn sách chỉ đơn thuần kể về cuộc chiến thành Troy, về những màn đấu đá bạo lực nữa, nó là câu chuyện về tình yêu thương, về sự trân trọng và bảo vệ lẫn nhau. Nó là tình yêu đẹp đẽ của Achilles và Patroclus. Nó là một khúc ca bi kịch về mối tình lưu danh sử sách.
Nếu có thời gian, các bạn hãy tìm đọc “Trường ca Achilles” nhé! Yêu các bạn rất nhiều!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro