Phần Không Tên 43
I . PHẨN ĐỌC HIỂU (3 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4.
"(...) Vậy phải giải thích thế nào về việc hàng nghìn người dân "hôi" sạch xe bia bị đổ trên cầu Bến Thuỷ ngày 26/11/2011, về vụ "hôi" bia tương tự ngày 4/12/2013 ở Biên Hoà? Vì dân nghèo không có tiền mua bia ư? Họ có tiền mua xe máy cơ mà? Khi xem video do camera giao thông ghi lại vụ ở Biên Hoà, tôi lại thấy đa số người đi đường và sống hai bên đường ở Biên Hoà lao vào "hôi" bia, giống y hệt cảnh tôi nhìn thấy ở Hà Nội năm 1986. Trong các vụ cháy nhà, cháy ki-ốt bán hàng, cháy chợ ở các địa phương nước ta, hôi của gần như là phần không thể thiếu. Người dân đã có cuộc sống đầy đủ hơn, hàng hoá không còn khan hiếm, nhưng "tính hôi của" không thay đổi mấy.
Chúng ta ghét cay ghét đắng các quan tham. Nhưng quan từ đâu mà ra? Họ cũng từ dân ra, hết nhiệm kỳ quan lại về làm dân. Họ là con, là chồng hoặc vợ, là bố hoặc mẹ, là ông hoặc bà trong các gia đình dân. Quan có từ trên trời rơi xuống đâu? Nếu quan nào đó tham, phải chăng người đó đã có sẵn máu tham từ trước khi làm quan, từ khi là dân? Khi một người có sẵn máu hôi của, thì khi làm quan, tham nhũng cũng là một kiểu hôi của với mức độ lớn hơn, hình thức tinh vi hơn mà thôi. Tôi không tin rằng khi còn làm dân thì họ chưa có máu tham, đến khi làm quan mới đổ đốn ra. Quan mà giữ được thanh liêm trong một xã hội mà sự tử tế bị "mất giá" trên diện rộng, khi họ nắm nhiều quyền trong tay, mà lương của họ thì thấp hơn lương chuyên viên ở các doanh nghiệp trung bình, kể ra cũng khó. Để quan bớt tham, không có cách nào khác cách "4 Không" mà Singapore và nhiều nước khác làm: sao cho quan không muốn tham, không cần tham, không dám tham, không thể tham những gì không phải của mình.
Nhưng với người dân chúng ta thì sao? Cần làm gì để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham? Không phải chỉ đối với của cải, mà đối với nhiều thứ khác. Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, "cướp" sự an toàn giao thông. Chen hàng, xô đẩy là "cướp" thời gian, "cướp" cơ hội của người khác. Bán thực phẩm, hàng hoá độc hại là "cướp" sức khoẻ của đồng loại. Nhiều hành vi xấu xa xảy ra ở nước ta, tạo thành một xã hội kém văn minh, kém an toàn có chung một nguồn gốc là "lòng tham".
Khi nào nước ta không còn xảy ra những vụ người dân hôi của, nhiều hành vi xấu xa khác sẽ biến mất theo. Khi đó, chắc chắn chính quyền cũng sẽ liêm chính hơn. Cần phải làm bất kỳ điều gì để lấy lại giá trị đã bị mất đi rất nhiều của sự tử tế."
( Lương Hoài Nam- http://vnexpress.net/tin- tuc/gocnhin/long-tham – 3340448.html)
Câu 1(0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn sau:
"Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, "cướp" sự an toàn giao thông. Chen hàng, xô đẩy là "cướp" thời gian, "cướp" cơ hội của người khác. Bán thực phẩm, hàng hoá độc hại là "cướp" sức khoẻ của đồng loại"
Câu 3(0,75 điểm). Tác giả đã tự trả lời cho câu hỏi của mình như thế nào
" Vậy phải giải thích thế nào về việc hàng nghìn người dân "hôi" sạch xe bia bị đổ trên cầu Bến Thuỷ ngày 26/11/2011, về vụ "hôi" bia tương tự ngày 4/12/2013 ở Biên Hoà?"
Câu 4 (0,75 điểm). Theo anh/chị, nguồn gốc của lòng tham là do đâu?
PHẦN LÀM VĂN (7 điểm):
Câu 1 (2 điểm).
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu hỏi sau: " Cần làm gì để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham?"
Câu 2 (5 điểm).
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
( Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm– Theo Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD 2008)
(Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
SỞ GD & ĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT LÊ VĂN THỊNH
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2016-2017
MÔN: NGỮ VĂN 12
(Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề)
HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 12
PHẦN I. ĐỌC HIỂU.
Câu 1 (0,5 điểm). Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: nghị luận.
Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn văn bản: điệp cấu trúc/ điệp từ " cướp"
– Tác dụng: Mạnh mẽ, đanh thép lên án những hành vi diễn ra thường nhật tưởng là đơn giản nhưng trái với pháp luật và đạo đức, dẫn đến những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến toản xã hội
Câu 3(0,75 điểm). Tác giả đã tự trả lời cho câu hỏi của mình là: Nhiều hành vi xấu xa xảy ra ở nước ta, tạo thành một xã hội kém văn minh, kém an toàn có chung một nguồn gốc là "lòng tham"
Câu 4 (0,75 điểm). Nguồn gốc của lòng tham là do sự ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà không có ý thức tôn trọng lợi ích của cộng đồng
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1.
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
A.Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận
– Điểm 0,25: Trình bày đủ 3 phần mở đoạn – thân– kết đoạn. Mở đoạn dẫn dắt hợp lý, nêu được vấn đề; Thân đoạn biết phân tích làm rõ vấn đề đã nêu ở phần mở đoạn; Kết đoạn khái quát được suy nghĩ của cá nhân.
– Điểm 0,0: Trình bày được một hoặc hai đoạn văn bản nhưng dẫn dắt chưa hợp lí, phân tích chưa rõ ràng.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
– Điểm 0, 25: Cần chỉ ra được một vài nét về hiện trạng, hậu quả, nguyên nhân của lòng tham trên cơ sở đó đề ra những biện pháp hữu hiệu để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham.
– Điểm 0: làm lạc đề hoặc không làm bài.
Nội dung (1.5 điểm)
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Câu mở đoạn: Nêu được vấn đề nghị luận.
Thân đoạn:
– Khái quát vài nét về: hiện trạng, hậu quả, nguyên nhân của lòng tham
– Đề xuất một vài giải pháp để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham;
+ Về phía chủ quan: Phải biết chế ngự sự ích kỉ cá nhân, biết cân bằng lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng, xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung
+ Về phía khách quan: Gia đình, nhà trường và xã hội
Câu kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề đã nghị luận( sự cần thiết của việc chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham ở mỗi người)
Câu 2 (5 điểm).
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận( 0,25 điểm)
– Trình bày đủ 3 phần mở- thân- kết bài. MB dẫn dắt hợp lý, nêu được vấn đề; TB biết tổ chức thành nhiều đoạn văn, có liên kết chặt chẽ; Kb khái quát được ấn tượng, cảm xúc của cá nhân.
– Trình bày được đầy đủ 3 phần nhưng chưa thực hiện được các yêu cầu trên, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn.( 0,0).
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0, 25 điểm):phân tích đoạn thơ trong Đất Nước- Nguyên Khoa Điềm- lời nhắn nhủ tâm tình về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi người với đất nước – trách nhiệm của bản thân đối với đất nước trong thời điểm hiện nay.
Nội dung (4,0 điểm)
Chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp, các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó có thao tác phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo hướng sau:
Mở bài:
– Dẫn dắt.
– Trích đoạn thơ.
Thân bài :
– Giới thiệu khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác "Trường ca Mặt đường khát vọng"
– Sau những cảm nhận mới mẻ và sâu sắc của nhà thơ về đất nước qua những phương diện không gian- địa lý,thời gian- lịch sử,phong tục- văn hóa ..., Nguyễn Khoa Điềm đã đi đến khẳng định :
" Trong anh và em hôm nay,
Đều có một phần Đất Nước".
+ Đây là một sự thực mà mỗi người Việt Nam ai cũng đều cảm thấy.Đất nước đã hóa thân vào mỗi con người, bởi chúng ta đều là con Rồng, cháu Tiên, đều sinh ra và lớn lên trên đất nước này.Mỗi người Việt Nam đều đã và đang thừa hưởng những giá trị vật chất, tinh thần của đất nước thành máu thịt, tâm hồn, nếp cảm,nếp nghĩ và cách sống của mình.
– Từ việc khẳng định: đất nước hóa thân và kết tinh trong cuộc sống của mỗi người,nhà thơ tiếp tục nói về mối quan hệ gắn bó sâu sắc của mỗi người với đất nước bằng những dòng thơ giàu chất chính luận :
"Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn".
– Với những cảm nhận tinh tế, mới mẻ về sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu và niềm tin, đồng thời kết hợp sử dụng các tính từ "hài hòa, nồng thắm"; "vẹn tròn, to lớn" đi liền nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ ("Khi /Khi; Đất Nước / Đất Nước),nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng.
– Không chỉ khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Đất nước và nhân dân, giữa tình yêu cá nhân với tình yêu lớn của đất nước; nhà thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước :
"Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng".
àCó thể nói, ba dòng thơ đã mở ra một tầng ý nghĩa mới, đó là niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước.Thế hệ sau "con ta lớn lên sẽ mang Đất Nước đi xa- Đến những tháng ngày mơ mộng".Đất nước sẽ đẹp hơn, những tháng ngày mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực ở ngày mai.
– Khi đã hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của đất nước, nhà thơ muốn nhắn gửi với mọi người :
" Em ơi em Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."
=> Bằng giọng thơ trữ tình kết hợp với chính luận; bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ "phải biết – phải biết" nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh "gắn bó, san sẻ, hóa thân" ...nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng lànhắn nhủ với mọi người ( nhất là thế hệ trẻ) về trách nhiệm thiêng liêng của mình với đất nước. Cái hay là lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình – dặn người của nhà thơ.
– Trách nhiệm của bản thân đối với đất nước trong thời điểm hiện nay : học tập, lao động, rèn luyện, khi cần sẵn sàng cầm vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Kết bài:
– Tóm lại, đây là một trong những đọan thơ hay và sâu sắc trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm .Bởi lẽ, qua đọan thơ, nhà thơ đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự gắn bó giữa mỗi người với đất nước.Từ đó, ý thức hơn về trách nhiệm của mỗi người với đất nước quê hương.
– Đồng thời, đọan thơ cũng giúp ta thấy được vẻ đẹp trong phong cách thơ trữ tình– chính luận của nhà thơ.
Biểu điểm chung
– Điểm 3,5- 4,0: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.
– Điểm 2,75- 3,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn một số đoạn chưa lưu loát.
– Điểm 1,75- 2,5: Trình bày được 1/2 các ý trên, diễn đạt còn lủng củng, diễn đạt còn một số đoạn chưa lưu loát.
– Điểm 0, 25- 1,5 : Chỉ diễn đạt được vài ý, chữ viết cẩu thả, khó đọc.
– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.
d.Sáng tạo (0,25 điểm)
– Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (câu, từ ngữ, hình ảnh, biểu cảm...), văn viết giàu cảm xúc, có liên hệ so sánh, có quan điểm, thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng các thao tác lập luận...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro