Đề 11
Đề số 11
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Ngày 13.12.2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường.
Trong cơn mưa lũ lên nhanh và nguy hiểm, các cô giáo phải kê bàn, ghế lên cao rồi cho các em ngồi trên. Các cô ngâm mình dưới nước để giữ bàn ghế. Sau đó, vì nước đã ngập quá đầu nên mọi người đứng lên bàn ghế kê sẵn. Mỗi cô có 4 cháu ôm vào cổ. Các cô giữ tay thật chắc để không em nào buông tay. Trong lúc nguy khốn, các cô cho các cháu học sinh còn mắc kẹt đu lên ba bệ cửa sổ của phòng học và ngồi lên đầu tủ đựng hồ sơ của trường cao gần 2m. Mỗi cô "phụ trách" một cửa sổ và trông coi chiếc tủ. Do đu bám trên cửa sổ quá lâu lại thêm sợ hãi, ít nhất bốn học sinh đã rơi xuống nước lũ. Trong đó, cháu Đỗ Khánh Thương (5 tuổi) rơi chìm dưới nước may mắn được cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng phát hiện, lặn ngụp cứu sống. Các cô đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu với suy nghĩ "thà cô chết chứ không để trò chết".
Hành động của các cô đã được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt như một lời cảm ơn. Ngày 15.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi hành động dũng cảm của các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) .
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc các cô dầm mình dưới nước lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho các cháu là hành động thật phi thường mà chỉ có tấm lòng người mẹ mới có thể làm như thế. Các cô đã tạo nên một hình ảnh rất đẹp của người giáo viên nhân dân.
( Theo Vương Trần, Baomoi.com.vn, 15/12/2016)
a, Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?(0,5 điểm)
b, Phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn trên?(0,5 điểm)
c, Theo anh/chị nguyên nhân nào dẫn đến hành động dũng cảm của các cô giáo? Từ đó anh chị rút ra được bài học gì cho bản thân.(1 điểm)
d, Anh/chị suy nghĩ gì về câu nói " thà cô chết chứ không để trò chết" của các cô giáo. Trình bày bằng đoạn văn ngắn(5-7 dòng).(1 điểm)
CÂU NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ
Từ hành động của các cô giáo Trường Mầm Non xã An Hiệp trong văn bản đọc hiểu. Anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của lòng dũng cảm.
ĐÁP ÁN :
CÂU ĐỌC HIỂU
a, Phong cách ngôn ngữ: báo chí
b. Phương thức biểu đạt chủ yếu: Tự sự
c. Nguyên nhân dẫn đến hành động:
Có nhiều nguyên nhân, HS có thể tham khảo các gợi ý sau:
– Xuất phát từ tình thầy trò thiêng liêng cao cả
– Xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc
– Xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, yêu thương, coi trẻ như con
– Xuất phát từ lòng dũng cảm không màng đến cái chét của bản thân để cứu trẻ.
– ...
Bài học cho bản thân:
Hs trình bày theo suy nghĩ của bản thân, có thể tham khảo các gợi ý sau:
– Sống phải biết dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn và thử thách
– Sống phải có tình yêu thương, trách nhiệm với đồng loại
– Lan tỏa những việc làm tốt đẹp tới bản thân và cộng đồng...
d. Hs tự trình bày cảm nhận của mình, câu trả lời cần chặt chẽ, hợp lí, có sức thuyết phục.
Có thể tham khảo các gợi ý:
-Về hành động: Việc làm của các cô giáo thể hiện sự yêu thương học sinh, tấm lòng nhân hậu, lòng quả cảm...
– Về thái độ bản thân:
+ Biết tôn vinh, biểu dương những hành động nhân văn
+ Biết khâm phục, kính trọng...
CÂU NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để viết đoạn văn. Bài viết phải đảm bảo hình thức của một đoạn văn; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu hình thức: đảm bảo về số chữ, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy.
– Đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn,không đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức.
Đoạn văn phải chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.
+ Giải thích được : Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa
+ Khẳng định và chứng minh: Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại(dẫn chứng thực tế từ câu chuyện trên và mở rộng dẫn chứng)
– Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ( h/s lấy dẫn chứng)
– Ngày nay: trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm ( h/s nêu một vài tấm gương tiêu biểu của chiến sĩ cảnh sát, bộ đội...)
– Trong cuộc sống hàng ngày: cứu người bị hại, gặp nạn( các cô giáo Trường Mầm Non An Hiệp cứu trẻ mùa lũ..)
+ Mở rộng, liên hệ thực tế: Liên hệ tình hình biển Đông hiện nay, lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển. đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
+ Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng ảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
+ Bài học nhận thức và hành động của bản thân:
Liên hệ bản thân đã dung cảm trong những việc gì...
Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ khuyết điểm của bạn
Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc
+ Đánh giá chung: Lòng dũng cảm có một sức mạnh cực kì lớn. Nó là động lực thúc đẩy sự phát triển của con người. Nó là gốc rễ của những bứt phá, là cơ sở để vượt lên chính bản thân mình. Hãy rèn luyện để có được lòng dũng cảm ấy ngay từ hôm nay. Đừng chần chừ vì cộc đời là ngắn ngủi. Hãy sống hết mình để có một tương lai tươi sáng hơn...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro