Sông Đà hùng vĩ dữ dội
Nguyễn Tuân là một nhà văn tài ba và uyên bác. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm vẻ đẹp của một thời vang bóng". Sau Cách mạng tháng Tám, ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hòa nhập với đất nước và cuộc đời. Ông tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thỏa niềm khát khao "xê dịch" mà chủ yếu để tìm chất vàng của thiên nhiên và tâm hồn của người lao động, chiến đấu trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó. "Người lái đò sông Đà" là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng hùng vĩ, hung bạo, dữ dội.
"Người lái đò sông Đà" là một trong những áng văn chính luận đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được rút ra từ tập tuỳ bút "Sông Đà" của Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1960. Tập tuỳ bút có 15 bài tuỳ bút cùng một bài thơ dưới dạng phác thảo. "Sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Những năm 1958 - 1960, Đảng và Nhà nước có một cuộc vận động lớn nhân dân đi xây dựng quê hương mới trên Tây Bắc. Hưởng ứng cuộc vận động này đã có rất nhiều nhà thơ nhà văn lên đường. "Sông Đà" chính là một nhánh của dòng chảy văn học đổ về Tây Bắc trong giai đoạn này. Tuỳ bút "Sông Đà" được Nguyễn Tuân viết với cảm hứng chính là ngợi ca vẻ đẹp của Tây Bắc - một vùng đất vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Vẻ đẹp của những con người lao động nơi đây, cái mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc, thứ vàng mười đã qua thử lửa.
Nguyễn Tuân miêu tả ngay khúc thượng nguồn với cảnh đá bờ sông hùng vĩ, làm nổi bật nét tính cách hung bạo ở sông Đà. Nhà văn nhấn mạnh dòng sông hùng vĩ không phải chỉ ở thác đá. Để chứng minh điều đó, ông đã kỳ công miêu tả một cảnh tượng chưa bao giờ thấy: bờ sông "dựng vách thành". Động từ "dựng" gợi cảm giác vững chắc, kiên cố, kết hợp nghệ thuật ẩn dụ "vách thành" giúp người đọc hình dung khung cảnh lúc bấy giờ: con sông như một bờ hoang thời tiền sử với "thành cao, hố sâu" uy nghi, thâm nghiêm. Từ góc độ quan sát của Nguyễn Tuân, chỉ thấy những vách đá cao sừng sững khiến con người choáng ngợp. Những thành trì của đá ấy thậm chí che khuất cả ánh nắng. Điều ấy lí giải tại sao nhà văn khẳng định: "mặt sông chỉ lúc đứng ngọ mới có mặt trời". Sự hiểm trở của cảnh đá bờ sông còn được miêu tả qua độ hẹp của lòng sông. Những vách đá không chỉ dựng đứng mà còn khép chặt "chẹt sông Đà như một cái yết hầu". Nghệ thuật so sánh nhà văn sử dụng đem lại một cảm giác nghẹt thở khi đi qua quãng sông này. Độ cao kết hợp độ hẹp như tạo ra áp lực vô hình nhưng lại kích thích con người mau khám phá sự bí ẩn, độc đáo của sông Đà. Có lẽ cảm thấy một hình ảnh vẫn chưa đủ để diễn tả hết cái hẹp ở đây, Nguyễn Tuân tiếp tục đưa vào tác phẩm của mình minh chứng cụ thể: "có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia" hay nhẹ tay cũng "ném hòn đá qua bên kia vách". Cảm nhận này xuất phát hoàn toàn từ chính trải nghiệm của nhà văn. Có thể tưởng tượng, càng lên cao vách đá càng khép chặt, nên tác giả miêu tả độ hẹp lòng sông kỳ thực là tôn thêm độ sừng sững, cheo leo của thành đá. Trong suốt cuộc hành trình khám phá sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tài năng quan sát tỉ mỉ của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, ông huy động tối đa các giác quan của người đọc với những cảm giác khi ngồi trong khoang đò qua quãng sông ấy bằng sự liên tưởng, so sánh rất thú vị: "đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Nhà văn lấy hè phố tả lòng sông, nhà văn miêu tả vách đá và hiện tượng tắt phụt đèn điện để gợi ra cái tối, lạnh. Bức tranh khung cảnh hùng vĩ nơi Tây Bắc xa xôi bỗng trở nên gần gũi. Người đọc có thể cảm nhận hoàn toàn hình dung của tác giả: vách đá cao sừng sững đã che lấp ánh mặt trời, ngăn cản không khí của mùa hè. Phía dưới vách chỉ còn lại cái tối tăm, lạnh lẽo, mang đậm hơi thở vùng rừng núi. Từ ngữ "nào", "thứ mấy nào" góp phần tô đậm nét hiểm trở, kì vĩ, gợi sự chơi vơi về thị giác với độ cao khôn cùng của cảnh đá bờ sông. Nếu không đến với sông Đà, có lẽ Nguyễn Tuân sẽ không bao giờ được chứng kiến một khung cảnh như vậy. Với trí tưởng tượng và kho ngôn từ phong phú, nhà văn đã đem đến bức tranh sông Đà ở thượng nguồn đầy bí hiểm và kỳ vĩ. Dòng sông chảy trên những trang viết của Nguyễn Tuân không bất động mà sống động, không vô tri vô giác mà mang nét tính cách hung bạo như một sinh thể đặc biệt. Tại quãng mặt ghềnh Hát Loóng, đó là quãng mặt ghềnh dài tới hàng cây số nhưng không chút bình yên, quanh năm đều thấy "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè". Câu văn ngắn, ngắt nhịp nhanh, tạo nên một cấu trúc trùng điệp với hình ảnh của những con sóng hồi hoàn, gối thúc lên nhau, chúng vút lên cao theo chiều dọc, chồm lên nhau theo chiều ngang, rồi tất cả đổ ập xuống thành từng lớp cuồn cuộn trào dâng. Trong cấu trúc câu ấy, chưa kể đến những chỗ nhấn nhá về nhịp điệu cũng đã thấy rõ đây là cách tổ chức câu chữ của một cây bút lão với mong muốn truyền tải sự dữ dội khủng khiếp của thiên nhiên và chính góc hình đó luôn là mối nguy hiểm, là mối đe doạ của sông Đà, kẻ thù số một của con người Tây Bắc: "lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào nào qua đấy". Những âm thanh "gùn ghè" đầy giận dữ, đe doạ để đòi nợ một cách vô lý".
Và đây nữa, quãng Tà Mường dưới Sơn La, cũng là một trong những yếu tố cấu thành nên sự dữ dội, khủng khiếp nhưng lại là dữ dội, khủng khiếp bên trong nét đẹp hùng vĩ. Một sự so sánh độc đáo được sử dụng khi ông ví cái hút nước trên sông giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Từ những quan sát tỉ mỉ nhà văn đã nhận ra: "trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạt đàn". Nhiều bè gỗ rừng nghênh ngang vô là những cái giếng ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược nó vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Dùng thủ pháp văn học như thế ông vẫn chưa cho là đủ, Nguyễn Tuân còn chuyển sang sử dụng kĩ thuật đặc tả của điện ảnh. Ông tưởng tượng ra một anh quay phim điên rồ nào đấy, ngồi vào một cái thuyền thúng cho nó hút xuống đáy cái hút nước khủng khiếp kia cả người lẫn máy thu hình: "cái thuyền xoay tít, những thước phim màu quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp cả vào máy vào người quay phim cả người đang xem". Thử sức với điện ảnh, trong vai một người anh bạn quay phim "táo tợn" muốn truyền cảm giác lạ cho người, thuyền, máy xuống đáy hút kết quả thu được giếng nước sâu đến vài sải, thành giếng làm bằng nước song xanh ve "khối đúc giày" đáng nói là cảm giác ghê sợ, hồi hộp, căng thẳng "ghì lấy mép ghế". Sức tưởng tượng của Nguyễn Tuân đến thế đã được đẩy lên đến mức kỳ thú, kì quái do cái động lực bướng bỉnh không chịu lùi bước trước tạo hóa.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân con sông Đà thực là một loài thủy quái. Tiếng sông thở và kêu như "cửa cái cống bị sặc", rồi ở cái giếng sâu nước "ặc ặc như vừa rót dầu sôi". Cho đến tiếng gầm gào của nó qua những con thác dữ, từ xa nghe đã dễ sợ: "tiếng nước réo gầm mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Khi đến gần nó bỗng "rống lên như một tiếng đàn ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa những rừng vầu, rừng tre nứa đổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Chính nó chứ không ai khác là kẻ thù số một của thiên nhiên Tây Bắc mà con người nơi đây hàng ngày phải đối mặt, đặt tác phẩm trong thời điểm lịch sử của đất nước khi con người đang chinh phục thiên nhiên trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ở miền Bắc mới thấy được giá trị của thành phần đã vượt qua cả những giới hạn của ngôn từ. Miêu tả khúc tráng ca tráng ca mãnh liệt dường như nhà văn đã thấu hiểu phần tâm hồn sâu thẳm của nó. Tới cái thác nước rồi, loài thủy quái không chỉ hung hãn mà nó còn hết sức xảo quyệt. Trong cuộc vật lộn với người lái đò, nó đã lộ ra nhiều hình dạng: nhăn nhúm, méo mó, ngỗ ngược tưởng chừng như nằm ngồi tùy thích, vô tri vô giác nhưng thực ra chính là chứng cứ không phải ai khác lại đang bày thạch trận để mai phục con người. Thủ pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng triệt để, với sự miêu tả tưởng chừng phóng túng nhưng lại dựa trên những quan sát tỉ mỉ của niềm đam mê, yêu thích khám phá đã làm nổi bật nét ấn tượng trong ngòi bút của Nguyễn Tuân. Dường như đá cũng đã có nhiệm vụ sẵn được giao từ dòng sông Đà: "Từ ngàn năm nay vẫn mai phục hết lòng sông, mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược". Chúng đã bày thạch trận mai phục sẵn sàng, đòi ăn chết cái thuyền với ba trùng vi. Mở màn hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ thuyền đối phương đi vào sâu nữa. Vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu con thuyền nào đi qua được hàng tiền vệ cản bước tiến thì sẽ gặp ngay sự hiện diện của những boongke chìm và pháo đài đá nổi. Với nhiệm vụ đánh tan cái thuyền, phối hợp với nó còn có cả nước thác reo hò làm thanh viên, những hòn đá nom bệ vệ, oai phong, lẫm liệt kia đang oằn mình lên ngỗ ngược thách thức ông đò qua được "trận địa" của chúng. Qua cách Nguyễn Tuân miêu tả, qua những gì mà Nguyễn Tuân đã tưởng tượng ra về diện mạo của những con sông Đà, ta còn nhận thấy rằng cái tài ở Nguyễn Tuân không chỉ nằm trong sự đam mê, yêu thích để kích ứng các giác quan mà nó còn nằm ở sự am hiểu sâu rộng, vốn kiến thức bao trùm ở cả những ngành khoa học như ngành võ thuật, lối dàn binh bố trận hay lối đánh mà ta chỉ có thể bắt gặp trong tài liệu chiến tranh cổ. Trong cảm nhận của nhà văn tài hoa sông Đà giống như một thước phim quay cận cảnh, đạt tới độ chín của một nhà nghệ thuật bậc thầy.
Không như những dòng sông trong văn chương cổ dữ dội trong thế tình, trên bề nổi hung tàn mà con sông trong văn Nguyễn Tuân phập phồng hơi thở của một sức sống mãnh liệt, nơi bề chìm tâm địa không rõ tường. Chính lối văn ưa độc đáo đã truyền cho dòng sông hơi thở ấy. Một dòng sông với nước, đá, sóng và gió cứ đua nhau như thế "gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ suýt bất cứ người lái đò nào đò nào qua đây. Sông Đà được nói tới như "bản hùng ca của núi rừng Tây Bắc" nhưng không phải tất cả giai điệu của bản "hùng ca" ấy đều là những giai điệu của vẻ hùng vĩ, đôi khi những dấu lặng của nét trữ tình trở thành giai điệu đẹp của bản hùng ca.
Với "Người lái đò sông Đà" này, Nguyễn Tuân đã ghi dấu ấn không trộn lẫn của mình ở thể loại tùy bút, bám sát hiện thực, say mê khám phá những nét ấn tượng, những vẻ đẹp tiềm ẩn của hiện thực. Hơn thế nữa, tác phẩm còn đánh dấu sự vững vàng trong tư tưởng tình cảm của nhà văn, sự nhạy cảm tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ yêu đất nước, yêu con người lao động, yêu và tin vào Cách Mạng, và con đường dân tộc đang hướng tới. Tấm lòng ấy, tài năng ấy của Nguyễn Tuân thật đáng trân trọng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro