Hình tượng người lái đò
Nguyễn Tuân là một nhà văn tài ba và uyên bác. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm vẻ đẹp của một thời vang bóng". Sau Cách mạng tháng Tám, ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hòa nhập với đất nước và cuộc đời. Ông tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thỏa niềm khát khao "xê dịch" mà chủ yếu để tìm chất vàng của thiên nhiên và tâm hồn của người lao động, chiến đấu trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó. "Người lái đò sông Đà" là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng người lái đò ở nơi đây.
"Người lái đò sông Đà" là một trong những áng văn chính luận đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được rút ra từ tập tuỳ bút "Sông Đà" của Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1960. Tập tuỳ bút có 15 bài tuỳ bút cùng một bài thơ dưới dạng phác thảo. "Sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Những năm 1958 - 1960, Đảng và Nhà nước có một cuộc vận động lớn nhân dân đi xây dựng quê hương mới trên Tây Bắc. Hưởng ứng cuộc vận động này đã có rất nhiều nhà thơ nhà văn lên đường. "Sông Đà" chính là một nhánh của dòng chảy văn học đổ về Tây Bắc trong giai đoạn này. Tuỳ bút "Sông Đà" được Nguyễn Tuân viết với cảm hứng chính là ngợi ca vẻ đẹp của Tây Bắc - một vùng đất vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Vẻ đẹp của những con người lao động nơi đây, cái mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc, thứ vàng mười đã qua thử lửa.
Ngay khi miêu tả dòng sông Đà hung bạo khúc thượng nguồn, Nguyễn Tuân đã có ý thức tạo dựng một nền thiên nhiên dữ dội, kì vĩ, một không gian hào tráng, lớn lao xứng đáng với sự xuất hiện của người anh hùng sông nước. Đó là một không gian của thác ghềnh hiểm trở, của sóng gió cuồn cuộn thét gào với "hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió..., một không gian của những hút nước ghê rợn, những thác đá dữ dằn, hiểm ác, của đá dựng vách thành bí ẩn thâm nghiêm.
Và để khắc họa vẻ đẹp trí dũng tài hoa của ông đò, Nguyễn Tuân đã miêu tả một cuộc vượt thác nguy hiểm và ngoạn mục trong đó nổi bật sự tương phản giữa một thiên nhiên ác hiểm, hung bạo với con người trí dũng ngoan cường, đó cũng là "trận thủy chiến dữ dội giữa một bên là trùng vi thạch trận của đá thác, nước thác với sóng gió với một bên là chiếc thuyền then đuôi én mong manh và những người lái đò nhỏ bé, đơn độc. Đối thủ ghê gớm của ông đò trong cuộc vượt thác là cả một đoàn quân đá hung bạo, dữ dằn. Những thuật ngữ của quân sự, võ thuật, thể thao như "dàn sẵn trận địa", "dụ thuyền đối phương", "đánh khuýp quật vu hồi" đã nhân cách hóa dòng sông khiến cho thiên nhiên sông Đà với sóng dữ, thác dữ, đã dữ trở nên hung hãn, hiểm ác như "một thứ kẻ thù số một của con người". Tác giả còn sử dụng một loạt các từ láy miêu tả diện mạo gớm ghiếc của đám đá sông Đà khi thì "ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó", xấc xược thách thức, khi "tiu nghỉu cái mặt xanh Lỡ". Một loạt những động từ đặt trong các nhịp câu ngắt ngắn, nhanh dồn dập: "nước thác reo hò... hò la... ùa vào... bẻ gãy... đá trái... thúc gối... đội thuyền, bám lấy thuyền" rồi sử dụng cấu trúc điệp để tả "nước xô đá, đá xô sóng" hay "sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm" - tất cả đã là hiện lên sư hung bạo vô cùng của sông Đà khi cùng một lúc các sức mạnh thiên nhiên kết hợp với nhau tấn công những con thuyền đơn độc và con người nhỏ bé. Thiên nhiên sông Đà còn vô cùng xảo quyệt trong việc dàn trận tấn công con người. Để đưa con thuyền vượt thác sông Đà khúc thượng nguồn, những người lái đò phải đối đầu với cả trung vi thạch trận trên dòng sông. Sự dữ dằn, hiểm ác và hung bạo của thiên nhiên sông Đà chính là những tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ vẻ trí dũng tài hoa của mình khi người lái đò phải luôn tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo, càng phải ngoan cường, dũng cảm mới có thể đưa con thuyền an toàn vượt qua những trung vi thạch trận trên dòng sông.
Vẻ đẹp trí dũng tài hoa của ông đò còn được bộc lộ trong trận thủy chiến với sóng thác sông Đà. Ở vòng vây thứ nhất của thạch trận, khi sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm nhất, ông đò mặt "méo bệch" đi. Cách sử dụng từ độc đáo đã giúp nhà văn làm hiện ra không chỉ là gương mặt biến dạng, trắng bệch vì đau đớn mà còn nhợt nhạt vì phải dầm lâu trong nước lạnh. Sự đau đớn của ông đò còn được gián tiếp miêu tả trong cảm nhận của thị giác và xúc giác: "mặt sông trong tích tắc lòa sáng như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng". Đây vẫn là cách miêu tả thông qua cảm giác rất quen thuộc của Nguyễn Tuân. Vết thương đau đớn của ông đò đã được thể hiện bởi cảm giác tóe đom đóm và rát bỏng như lửa cháy. Trong trận hỗn chiến gian lao khi tương quan lực lượng quá chênh lệch với sóng thác sông Đà. Qua cách miêu tả tiếng hô chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái, Nguyễn Tuân đã không giấu được lòng ngưỡng mộ và cảm phục trước bản lĩnh kiên cường, sự dũng mãnh, bình thản của người lái đò.
Tới vòng vây thứ hai của thạch trận, ông đò không chỉ dũng mãnh, kiên cường mà còn thể hiện sự thông minh của một người lái đò dày dặn kinh nghiệm - người "nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá", người đã "thuộc quy luật" của dòng sông thác đá. Ông được miêu tả như một dũng tướng tài ba đang điều khiển, thuần phục con người bất kham của sóng thác sông Đà khi "nắm chắc bờ sóng... ghì cương... phóng nhanh vào cửa sinh". kinh nghiệm dày dặn và trí nhớ siêu phàm của ông đò được thể hiện trong chi tiết"ông nhớ mặt từng đứa trong bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước" để có cách ứng phó phù hợp. Những động tác linh hoạt, uyển chuyển, điêu luyện của ông đò khi "lái miết một đường chéo", khi "tránh mà rảo bơi chèo", khi "đè sân lên mà chặt đôi" cho thấy những biện pháp kì diệu của một tay lái ra hoa. Trí tuệ và tài hoa con người thậm chí đã chiến thắng cả "thần sông thần đá".
Ở vòng vây cuối, sự hiểm ác của thác đá đã được nhà văn miêu tả trong hình ảnh ẩn dụ tài hoa về "cổng đá cánh mở cánh khép" - đó là cả một mặt trận đá trùng điệp trong đó bức tường phòng ngự vững chắc của "lũ đá hậu vệ" kết hợp với những mũi tấn công ào ạt, tới tấp không ngưng nghỉ của sóng dữ. Nhiệm vụ của ông đò là phải phóng thẳng thuyền, chọc thủng một luồng sinh duy nhất ở ngay giữa bọn đá hậu vệ trấn giữ, trong khoảnh khắc cánh cổng đá mở giữa những đợt sóng thác dữ dội. Hình ảnh con thuyền lao vút qua khe hẹp được miêu tả trong những câu văn ngắn mà bản thân cách ngắt câu, sự kết hợp những động từ và danh từ nối tiếp: "vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng,..." đã thể hiện sự điêu luyện khéo léo và sự mạnh của ông đò. Tốc độ phi thường của con thuyền dưới bàn tay vừa lái, vừa xuyên, vừa lượn của ông đò không chỉ thể hiện qua những động từ giàu sắc thái gợi hình và biểu cảm "vút... vút...", qua hình ảnh so sánh về một mũi tên tre mà còn được gợi tả tinh tế qua làn hơi nước mà con người xuyên qua - bởi với cách so sánh về "một mũi tên tre xuyên qua hơi nước", con thuyền không còn lướt trên mặt nước mà đã thực sự bay trong làn hơi nước trên mặt sóng. Tài năng của ông đò khi ấy đã bao hàm cả trí tuệ, sự trải nghiệm, sức mạnh thể lực, trình độ điêu luyện và bản lĩnh kiên cường - tất cả đều đạt tới mức phi phàm, vi diệu.
Có thể nói rằng những người lái đò là những anh hùng trong cuộc sống đời thường bình dị. Giỏi giang, khéo léo, dũng cảm và mạnh mẽ, ông đò đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ và trí dũng phi thường khi cùng thuyền vượt qua ghềnh thác, khi bao giờ cũng giữ thế chủ động để tìm cho mình một cửa sinh duy nhất giữa bát ngát trận đồ của những trùng vi thạch trận hiểm ác, dữ dằn; khi không bao giờ cho phép mình chùn bước, sợ hãi hay sai lầm dẫu chỉ trong khoảnh khắc; khi luôn có thể trình diễn nghệ thuật lái đò điêu luyện của một "tay lái ra hoa". Sau khi chiến thắng thiên nhiên hung bạo, những người lái đò lại "đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh. Chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng quân dữ tợn". Thái độ bình thản ấy càng làm đậm thêm tầm vóc lớn lao của những người anh hùng trong cuộc sống đời thường bình dị khi họ coi việc chiến đấu đời thường bình dị khi họ coi việc chiến đấu và chiến thắng sông Đà dữ dội, hiểm ác, việc dành sự sống từ những cửa tử ghềnh thác sông Đà chỉ là chuyện thường ngày.
Hình tượng ông lái đò in đậm dấu ấn phong cách Nguyễn Tuân. Bởi ông chính là kiểu người tài hoa, nghệ sĩ, biết nâng nghề nghiệp của mình lên mức nghệ thuật. Song ở hình tượng ông lão thể hiện rất rõ sự chuyển biến trong tư tưởng Nguyễn Tuân khi những con người tài hoa, nghệ sĩ được miêu tả không phải là những con người phi thường mà là những con người bình dị, thậm chí vô danh. Đây chính là cách Nguyễn Tuân ngợi ca, tôn vinh những người lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro