Đoạn 3 Tây Tiến
Quang Dũng được biết đến là một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn xuôi nhưng được biết đến trước hết ở tư cách một nhà thơ. Ông là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng vừa hồn nhiên vừa tinh tế, mang vẻ đẹp phóng khoáng, hào hoa và đậm chất lãng mạn. Ông được ví như con chim sơn tiêu trên nền trời thơ hiện đại Việt Nam. Chiếc lông đỏ rực mà nó đánh rơi ấy phải chăng là bài thơ "Tây Tiến". Nếu như ở hai đoạn đầu của bài thơ, người đọc được tiếp cận với hình ảnh người lính một cách gián tiếp thì đoạn thơ thứ ba trực tiếp khắc họa chân dung người lính Tây Tiến.
Bài thơ có tên là "Tây Tiến" - tên của một quân đội có nhiệm vụ đánh và tiêu hao lực lượng địch, tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới. Địa bàn hoạt động đơn vị là nơi núi rừng hiểm trở, điều kiện sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn. Quang Dũng từng là một thành viên của binh đoàn Tây Tiến. Ông là một đại đội trưởng nhưng đã chia tay đơn vị trước khi quân đội giải thể. Ông viết bài thơ này khi đã rời xa binh đoàn. "Tây Tiến" không chỉ là tên của một đơn vị quân đội mà còn là hướng hành quân của đơn vị, nó còn đồng thời là tiếng gọi tha thiết từ nỗi nhớ của nhà thơ.
Đoạn thơ này của Quang Dũng là minh chứng cho quan niệm về thơ của Sóng Hồng: "Thơ là nhạc, là hoa, chạm khắc theo một cách riêng". Quả thực với tám câu thơ này, tác giả Tây Tiến đã chạm khắc lên một dòng chảy bất tử của thời gian - bức tượng đài sừng sững về đoàn binh Tây Tiến. Trước hết ở bốn câu thơ đầu:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Bức chân dung về các chàng trai Tây Tiến được khắc họa khá ấn tượng với các chi tiết: đầu trọc, nước da xanh tái, mặt gầy gò, hốc hác, nhìn vào chỉ thấy mắt là mắt. Chất liệu để Quang Dũng tạo nên bức tượng đài này chính là hiện thực khốc liệt của đời sống chiến tranh. Thời kháng chiến chống Pháp, các anh vệ quốc quân còn được gọi bằng cái tên khác là vệ trọc - tuyệt đại đa số họ đều không có tóc trên đầu. Vì nhiều lí do khách quan đến cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu mà bộ đội ta thời chống Pháp thường có những cái đầu trọc. Nguyên nhân chính yếu liên quan đến sốt rét rừng. Những trận sốt khủng khiếp được Chính Hữu nói đến trong bài thơ "Đồng chí":
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi"
Những trận sốt rét đã tàn phá sức khỏe của người lính một cách ghê gớm: làm họ bị rụng hết tóc, da xanh như tàu lá, người ngợm, mặt mũi trở nên hốc hác, gầy gò. Điều đáng nói là Quang Dũng đã tìm được một cách nói riêng. Sự thật là các chàng trai Tây Tiến bị rụng tóc nhưng qua cách nói của Quang Dũng trong câu thơ, thế bị động đã đổi thành chủ động từ chỗ là nạn nhân thì các chàng trai Tây Tiến lại trở thành chủ nhân của hoàn cảnh. Đọc câu thơ lên ta còn cảm nhận được cái ngang tàn và bất cần của những chàng trai trẻ coi thường mọi hiểm nguy, gian khó. Cứ như thể lính Tây Tiến ngang tàn mà không thèm mọc tóc vậy. Làm da xanh tái như tàu lá của những người lính qua miêu tả của ngòi bút Quang Dũng cũng toát lên vẻ dữ dằn đầy sức mạnh. Hình ảnh ẩn dụ "dữ oai hùm" gợi liên tưởng những đoàn binh Tây Tiến giống như những mãnh hổ ở chốn rừng thiêng. Chỉ nghe thấy tên họ, kẻ thù đã thấy khiếp đảm. Những đôi mắt trụi sâu thêm khuôn mặt hốc hác, gầy gò được tác giả miêu tả là đang trừng trừng như đang thiêu đốt kẻ thù. Ta thấy được đoạn thơ toát lên vẻ đẹp thơ Quang Dũng đó là sự bi tráng - bi nhưng không lụy mà tráng lệ, hào hùng. Quang Dũng nổi tiếng là một hồn thơ lãng mạn. Chất lãng mạn ấy thể hiện ở ánh mắt mơ mộng và những giấc mơ chiến sĩ. Ở đây, một lần nữa ông lại nói về giấc mộng vượt qua biên giới của những người lính trẻ, cùng với đó là giấc mơ hướng về một Hà Nội phồn hoa. "Dáng kiều thơm" là cách nói đậm chất lãng mạn và đầy dấu ấn sách vở nói về những người con gái đẹp. Câu thơ này từng là tâm điểm của sự phê phán. Người ta nói Quang Dũng tiểu tư sản "buồn rớt mộng rớt". Bình tĩnh và khách quan nhìn nhận lại, chúng ta sẽ thấy thực ra Quang Dũng chỉ nói lên sự thật - sự thật tâm hồn của một đoàn binh có thành phần đặc biệt. Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội., trong đó có không ít học sinh, sinh viên. Từ ghế nhà trường tiến vào chiến trường ở tuổi mười tám đôi mươi, hành trang tinh thần của họ là trường xưa phố cũ của mái tóc thề là ánh mắt hiền của một cô bạn cùng lớp.
Viết về chiến tranh, Quang Dũng đã không né tránh sự thật khốc liệt nhất: cái chết. Nó được nói đến gián tiếp qua những hình ảnh của những nấm mồ:
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ"
Từ láy "rải rác" nằm ở vị trí đầu câu gợi hình ảnh những nấm mồ nằm dọc đường hành quân của binh đoàn. Chẳng bao lâu sau, chúng biến thành mồ hoang vô chủ nằm lạnh lẽo nơi biên cương xa xôi. Không để người đọc bị nhấn chìm trong nỗi bi thương, Quang Dũng luôn tìm được cách tạo nên sự tráng lệ trong những câu thơ của mình. Ông nói về ý nghĩa cao đẹp của những cái chết đó:
"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
Họ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, cả đời mình cho Tổ Quốc. Cái chết của họ vì thế có một ý nghĩa thật cao đẹp. Ở bốn câu thơ này, từ Hán Việt xuất hiện nhiều với một mật độ dày: biên cương, viễn xứ, chiến trường, động hành. Chúng tạo cho đoạn thơ màu sắc trang trọng, cổ kính, thích hợp để nói về sự hi sinh cao cả. Bằng cách đó, tác giả đã biến những mồ hoang vô chủ trở thành mộ chi tôn nghiêm vĩnh hằng. "Anh về đất" là cách nói giảm nói tránh nhằm mất đi cảm giác mất mát, đau thương. Mặt khác đó cũng là cách rất hiệu quả để nhà thơ bất tử hóa người đồng đội của mình. Người đời thường gọi cái chết là sự ra đi, Quang Dũng lại xem đó là cuộc trở về - trở về trong lòng đất mẹ đẻ vĩnh hằng, bất tử của non sông:
"Áo bào thay chiếu anh về đất"
"Áo bào thay chiếu" có thể hiểu là áo bào thay bằng chiếu. Trong một bài nói chuyện văn xuôi, Quang Dũng đã từng cung cấp một chi tiết liên quan đến câu thơ này: binh đoàn Tây Tiến được người dân tặng chiếu. Họ dùng để đắp lúc còn sống và bọc thây lúc qua đời. Hiểu theo cách này thì áo bào và chiếu là hai hình ảnh đối lập tương phản với nhau. Ngoài ra có thể hiểu theo cách khác là không có nổi cả manh chiếu để bọc thây, lính Tây Tiến về với đất trong chính tấm áo chiến sĩ sờn rách mà họ vẫn mặc thường ngày. Quang Dũng đã mĩ lệ hóa mà gọi nó là áo bào. Bằng cách đó, nhà thơ đã bao bọc thi thể đồng đội trong ánh hào quang của sự lãng mạn. Ông đã biến cái chết trong thiếu thốn thành một sự ra đi trang trọng.
"Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Câu thơ cuối mới hào hùng tráng lệ làm sao. Cả núi rừng miền Tây nghiêng mình kính cẩn tiễn đưa người lính lên cõi vĩnh hằng. Tiếng gầm con sông Mã là khúc chiêu hồi tử sĩ của thiên nhiên. Đó là sự tiễn đưa vĩ đại với sự ra đi vĩ đại của những người lính. Có người đã liên tưởng tiếng gầm của con sông Mã tựa như tiếng hí của con chiến mã trung thành trước sự ngã xuống của người kị binh.
Tây Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kỳ lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro