Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đoạn 1 Tây Tiến

1, Phân tích đoạn 1
Bài làm

Quang Dũng được biết đến là một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn xuôi nhưng được biết đến trước hết ở tư cách một nhà thơ. Ông là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng vừa hồn nhiên vừa tinh tế, mang vẻ đẹp phóng khoáng, hào hoa và đậm chất lãng mạn. Ông được ví như con chim sơn tiêu trên nền trời thơ hiện đại Việt Nam. Chiếc lông đỏ rực mà nó đánh rơi ấy phải chăng là bài thơ "Tây Tiến". Có thể nói, tinh hoa của bài thơ được hội tụ lại trong khổ thơ đầu tiên. Khổ thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của núi rừng miền Tây, nơi nhà thơ cũng đoàn quân Tây Tiến đã từng hoạt động, chiến đấu.
Bài thơ có tên là "Tây Tiến" - tên của một quân đội có nhiệm vụ đánh và tiêu hao lực lượng địch, tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới. Địa bàn hoạt động đơn vị là nơi núi rừng hiểm trở, điều kiện sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn. Quang Dũng từng là một thành viên của binh đoàn Tây Tiến. Ông là một đại đội trưởng nhưng đã chia tay đơn vị trước khi quân đội giải thể. Ông viết bài thơ này khi đã rời xa binh đoàn. "Tây Tiến" không chỉ là tên của một đơn vị quân đội mà còn là hướng hành quân của đơn vị, nó còn đồng thời là tiếng gọi tha thiết từ nỗi nhớ của nhà thơ.
Hai câu thơ đầu đã diễn tả nỗi nhớ - cảm xúc chủ đạo xuyên suốt của bài thơ:
" Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Vào một buổi chiều ở Phù Lưu Chanh, nỗi nhớ ấy dâng trào thành tiếng gọi tha thiết "Tây Tiến ơi!". Điệp từ "nhớ" nhấn mạnh nỗi nhớ thương mà tác giả dành cho đơn vị cũ của mình. Nỗi nhớ ấy được hình tượng hoá thành hai chữ "chơi vơi". Từ láy "chơi vơi"  diễn tả được trạng thái cảm xúc bay bổng, mông lung lại vừa đặc biệt thích hợp với không gian núi rừng. Viết về nỗi nhớ thì thơ ca từ xưa đến nay có rất nhiều. Có thể kể đến nỗi nhớ trong ca dao:
"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than"

Nỗi nhớ đơn vị mà Quang Dũng thể hiện ở trong "Tây Tiến" tuy không quá mãnh liệt, cồn cào nhưng thường trực và không kém phần da diết. Điệp âm "ơi" khiến cho những câu thơ trở nên giàu tính nhạc, đồng thời gợi liên tưởng về tiếng vọng của rừng.
Trong suốt đoạn thơ thứ nhất, ta thấy có sự xuất hiện của rất nhiều địa danh: sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Lai Châu. Những tên đất tên làng rải đều khắp đoạn thơ giống như dấu chân của những người lính Tây Tiến đã in trên khắp mọi nẻo đường miền Tây. Trong những tên đất, tên làng ấy, có những địa danh thật lạ lẫm: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch gợi lên ấn tượng về sự hoang vu, heo hút trong địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến:

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm khơi"
Hai câu thơ mang đậm chất lãng mạn, tái hiện hình ảnh của một đoàn quân đi trong sương, về trong hoa. Đoàn quân ấy đi trong không gian mờ ảo hơi sương và về trong không gian bóng dáng tươi tắn, rực rỡ của những bông hoa. Hai câu thơ này có một chữ rất hiện thực: "mỏi". Từ "mỏi" trong câu thơ thứ ba giống như một sợi dây neo cánh diều thơ Quang Dũng với mặt đất. Chất hiện thực của câu thơ gắn với chữ "mỏi" này là trong lúc say sưa nói về lãng mạn, thơ mộng của những cuộc hành quân đã không quên sự mỏi mệt mà ông và những người đồng đội đã phải trải qua. Bốn câu thơ tiếp theo được đánh giá là tuyệt bút của Quang Dũng:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"
Quả thực với những dòng thơ này, tác giả Tây Tiến đã dùng ngôn từ mà vẽ tranh, mà soạn nhạc. Chẳng thế mà Xuân Diệu từng nhận xét: "Đọc "Tây Tiến" như thể ngậm âm nhạc trong miệng". Từ láy xuất hiện với mật độ dày "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút" với đặc điểm cấu tạo là những âm khó rất hiệu quả trong việc gợi ra ấn tượng về sự hùng vĩ, dữ dội, hoang vu, heo hút của vùng núi miền Tây. Tác giả đã đảo từ "heo hút" lên đầu câu để nhấn mạnh sự hoang vắng của chốn rừng thiêng nước độc. Câu thơ sử dụng hai từ "dốc" liên tiếp gợi ra cái địa thế hùng vĩ, trùng điệp của núi rừng: dốc tiếp dốc nối liền nhau. "Súng ngửi trời" là một hình ảnh thơ đặc sắc. Trước hết, đó là kết quả của một quan sát thực: những người lính Tây Tiến khi hành quân vác súng trên vai, họ đi qua những đỉnh núi cao ngất trời và từ một góc quan sát nào đó nhà thơ có cảm giác mũi súng chạm đến đỉnh trời. Tại sao Quang Dũng không viết "súng chạm trời"? "Ngửi trời" là lời nói nhân hoá sinh động, khiến cho cây súng kia không còn vô tri vô giác nữa mà trở nên rất có hồn. Lối nói ấy cũng làm toát lên nét hồn nhiên, tình nghịch, dí dỏm, trẻ trung, đầy chất lính gợi ta liên tưởng đến bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật:
"Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha"

Nhà thơ phát huy thế mạnh của số từ chỉ lượng lớn: "ngàn thước". Cụm từ này được lặp lại đồng thời được đặt ở hai vế câu trong một cái thế tương phản và gợi ra hình ảnh về ngọn núi vách lên dựng đứng, vách xuống thăm thẳm. Dấu phẩy được đặt ở giữa khiến cho câu thơ như bị bẻ gãy gập lại làm đôi. Câu chữ ở đây cũng rất giàu chất tạo hình. Câu thơ thứ tư được cấu tạo hoàn toàn bởi những thanh bằng gợi cảm giác nhẹ nhàng, du dương, êm ái. Nếu ở những câu thơ trên Quang Dũng sử dụng những thanh trắc khiến cho câu thơ như chứa đựng hơi thở nặng nhọc của những người leo núi cao, thì câu thơ này lại diễn tả cảm giác nhẹ nhõm, thư thái của phút nghỉ chân. Những người lính Tây Tiến dọc đường hành quân có lúc dừng chân ở lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng. Khung cảnh hiện ra trước mắt họ đẹp như một bức tranh: nhà sàn của đồng bào các dân tộc thấp thoáng ẩn hiện sau cái mịt mùng của mưa rừng, sương núi.
Hai câu thơ miêu tả trực tiếp hình ảnh những người lính trên đường hành quân:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

Từ láy dãi dầu một mặt nói về những vất vả gian truân mà đoàn binh Tây Tiến đã trải qua. Mặt khác gợi lên nét phong trần ở những chàng trai Tây Tiến. "Không bước nữa" có thể hiểu là tạm dừng bước để nghỉ chân trước khi tiếp tục hành trình. Mặt khác có thể là sự phản ánh một sự thật chiến tranh dữ dội: sự dừng bước vĩnh viễn vì kiệt sức của người lính. Điều đáng nói là dù mang ý nghĩa nào thì những câu thơ Quang Dũng vẫn toát lên vẻ bi tráng người lính ấy gục xuống trong tư thế chiến đấu rất vẻ vang hào hùng: " gục lên súng mũ". "Bỏ quên đời" là cách nói thật ngang tàn thể hiện thái độ coi thường hiểm nguy, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng của chàng trai Tây Tiến. Sống, chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, những người lính Tây Tiến không chỉ gặp rất nhiều khó khăn, họ còn phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Chúng rình rập ở khắp mọi nơi: trong rừng ngoài thác, hiện diện mọi lúc "chiều chiều, đêm đêm". Những từ ngữ mang ý nghĩa chỉ tần suất đã diễn tả hiệu quả điều này. Cách nói nhân hoá "thác gầm thét" diễn tả sự dữ dội của thiên nhiên và sức mạnh đầy đe dọa đối với con người
"Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

Sự nguy hiểm không chỉ đến từ cái dữ dội của thiên nhiên mà còn nằm ở sức mạnh của những loài thú dữ. Một cách ngẫu nhiên, câu thơ có sự hiện diện của hai thanh nặng gợi liên tưởng đến bước chân đầy sức mạnh và hết sức đáng sợ của chúa sơn lâm. Hai câu kết khép lại hồi ức của Quang Dũng về chặng đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến là hai câu thơ ngọt ngào, ấm áp tình quân dân:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

Khung cảnh gợi ra là những bữa cơm ấm áp tình quân dân cả nước. Cái tên Mai Châu được đặt thật đúng châu - nghe dịu dàng dễ thương như tên của một thiếu nữ vùng cao. Hai chữ "mùa em" nghe mới thật tình tứ làm sao, không phải mùa xuân, mùa đông cũng không phải mùa thu hay mùa hạ mà là mùa em - mùa của nếp xôi thơm lừng, ngọt ngào, ấm áp. Mùa em ở đây có thể nói là mùa tình và hương thơm của nếp xôi cũng là hương của tình người nồng nàn, ấm áp.

14 dòng thơ đầu xoay xung quanh nỗi nhớ khôn nguôi về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, về vẻ đẹp vượt lên trên khó khăn gian khổ của người lính, sự hy sinh cao cả, nét lãng mạn trong tâm hồn người lính trẻ giữa những gian khổ chất chồng. Bằng ngòi bút hào hoa và lãng mạn Quang Dũng đã diễn tả một cách chân thực nhất những nỗi nhớ khắc khoải trong tâm hồn của người lính chiến về một thời kháng chiến đã đi qua với giọng điệu phóng khoáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi, nhịp thơ biến đổi, tất cả đã tạo nên một âm hưởng riêng, một phong cách riêng của người lính Tây Tiến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: