tóm tắt Nhật Bản
* Giai đoạn 1945 - 1952:
- Những hậu quả nặng nề mà Nhật Bản phải gánh chịu sau Chiến tranh thế giới thứ hai:
+ Nước Nhật bị kiệt quệ hoàn toàn và tan nát vì chiến tranh.
+ Toàn bộ của cải tích lũy được trong 10 năm ( 1935 - 1945 ) bị tiêu hủy.
+ Tổng số người chết, bị thương và mất tích lến đến 2,53 triệu người.
+ Khoảng 40 % đô thị, 80 % tàu bè, 34 % máy móc công nghiệp bị phá hủy.
+ Tổng số người không có công ăn việc làm lên đến 13,1 triệu người.
+ Thảm họa đói rét đe dọa toàn nước Nhật.
+ Nạn lạm phát nghiêm trọng bùng nổ từ giữa năm 1945 và kéo dài đến năm 1949.
- Những nỗ lực phục hồi nền kinh tế của Nhật Bản thời kì sau chiến tranh:
Trong thời kì bị chiếm đóng ( 1945 - 1952 ), lực lượng Đồng minh ( SCAP ) đã thực hiện ba cuộc cải cách lớn:
+ Dựa vào sự chiếm đóng của quân đội đồng minh, chính phủ Nhật giải thể chế độ kinh tế tập trung, trước hết là giải tán các Daibátxư ( các tập đoàn, công ti độc quyền còn mang nhiều tính chất dòng tộc ) và cổ phần hóa toàn bộ nền kinh tế này.
+ Cải cách ruộng đất được tiến hành với hình thức chuyển giao quyền sở hữu ruộng đất phát canh ( chiếm 46 % diện tích đất đai cả nước ) cho tá điền; quy định địa chủ chỉ được có không quá 3 ha ruộng, số còn lại chính phủ đem bán cho nông dân.
+ Dân chủ hóa lao động: thông qua và thực hiện các đạo luật về lao động như luật Công đoàn ( thông qua năm 1945 ), luật Điều chỉnh quan hệ lao động ( công bố năm 1946 ) đã dân chủ hóa sức lao động ở Nhật Bản. Ngoài ra, chính phủ còn ban hành Luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn sự phục hồi của tài phiệt và khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế tự do cạnh tranh.
- Kết quả:
Dựa vào nỗ lực của bản thân và viện trợ của Mĩ ( từ 1945 đến 1950, Nhật Bản nhận viện trợ của Mĩ và nước ngoài gần 14 tỉ USD ), nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh được phục hồi nhanh chóng. Năm 1951, tổng sản phẩm quốc dân đã trở lại mức trước chiến tranh.
* Giai đoạn 1952 - 1973:
- Sau khi nền kinh tế phục hồi đạt mức trước chiến tranh, từ năm 1952 đến 1960, Nhật có bước phát triển nhanh. Từ năm 1960 đến 1973, kinh tế Nhật bước vào giai đoạn phát triển thần kì:
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Nhật từ 1960 đến 1969 là 10,8 %; từ 1970 đến 1973 tuy có giảm đi nhưng vẫn đạt bình quân 7,8 %, cao hơn các nước phát triển khác.
+ Tổng sản phẩm quốc dân ( GNP ) năm 1950 đạt 20 tỉ USD ( bằng 1/17 của Mĩ ), nhưng đến năm 1968, kinh tế Nhật đã vượt Anh, Pháp, CHLB Đức, vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản ( sau Mĩ ), với GNP là 183 tỉ USD ( bằng 1/5 của Mĩ ). Đến năm 1973, GNP của Nhật đạt 402 tỉ USD.
+ Trong vòng 21 năm ( 1950 - 1971 ), xuất khẩu ở Nhật tăng 30 lần, nhập khẩu tăng 21 lần.
- Từ đầu những năm 70 trở đi, Nhật Bản rất coi trọng phát triển giáo dục và khoa học kĩ thuật. Đặc biệt, Nhật đã tìm cách rút ngắn khoảng cách về sự phát triển khoa học - kĩ thuật bằng cách mua bằng phát minh sáng chế và chuyển giao công nghệ. Tính đến năm 1968, Nhật đã mua bằng phát minh của nước ngoài trị giá 6 tỉ USD.
- Đến giữa thập niên 70, chi phí nghiên cứu phát triển của Nhật trong GDP đứng hàng thứ hai trên thế giới ( sau Mĩ ). Khoa học kĩ thuật và công nghệ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phục vụ nhu cầu dân dụng, đạt được nhiều thành tựu to lớn:
+ Ngoài các sản phẩm dân dụng nổi tiếng thế giới như ti vi, tủ lạnh, ô tô,... thì Nhật Bản có thể đóng được tàu chở dầu có trọng tải trên 1 triệu tấn.
+ Nhật Bản xây dựng các công trình to lớn như đường ngầm dưới biển dài 53,8 km nối hai đảo Hôn-su và Si-cô-cư; cầu đường bộ dài 9,4 km; nhiều thành phố và sân bay trên mặt biển.
Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới ( cùng với Mĩ và Tây Âu ).
2. Tình hình chính trị Nhật Bản từ 1945 đến 1973:
* Giai đoạn 1945 - 1952:
- Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh ( SCAP ) đã thi hành một số biện pháp để loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt và bộ máy chiến tranh của Nhật Bản:
+ Quân đội và toàn bộ nghành công nghiệp quân sự bị Nhật giải thể.
+ Tòa án quân sự Viễn Đông được lập ra để xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản ( kết án 7 tên tử hình, 16 tên tù chung thân ).
+ Các đảng phái quân phiệt bị giải tán, khoảng 290.000 người liên quan đến chế độ quân phiệt trước đây bị loại khỏi bộ máy nhà nước.
- Hiến pháp cũ ( 1889 ) của Nhật bị bãi bỏ, thay vào đó là Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 3 - 5 - 1947:
+ Về thể chế, Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến nhưng thực tế là theo chế độ đại nghị tư sản dựa trên ba nguyên tắc cơ bản là chủ quyền của toàn dân, vai trò tượng trưng của thiên hoàng và hòa bình, tôn trọng những quyền cơ bản của con người.
+ Thiên hoàng vẫn tồn tại nhưng không có quyền lực đối với nhà nước. Nghị viện gồm hai viện ( Thượng viện và Hạ viện ) do nhân dân bầu ra là cơ quan quyền lực tối cao giữ quyền lập pháp; chính phủ do thủ tướng đứng đầu giữ quyền hành pháp. Hiến pháp xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân.
- Nhật Bản cam kết từ bỏ việc tiến hành chiến tranh, không dùng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí trong quan hệ quốc tế, không duy trì quân đội thường trực và không đưa các lực lượng vũ trang ra ngoài nước.
* Giai đoạn 1952 - 1973:
- Từ 1955 trở đi, Đảng Dân chủ Tự do ( LDP ) liên tục cầm quyền ở Nhật Bản ( cho đến năm 1993 ).
- Đáng chú ý là dưới thời Thủ tướng I-kê-đa Ha-ya-tô ( 1960 - 1964 ), Nhật Bản chủ trương xây dựng một Nhà nước phúc lợi chung và đưa ra kế hoạch tăng thu nhập quốc dân lên gấp đôi trong vòng 10 năm ( 1960 - 1970 ). Chính trong thời gian này, kinh tế Nhật Bản đã có sự phát triển thần kì.
3. Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản:
- Người dân Nhật Bản với truyền thống văn hóa, giáo dục, đạo đức lối sống tốt, tiết kiệm, tay nghề cao và có nhiều khả năng sáng tạo là nhân tố hàng đầu của sự phát triển kinh tế. Con người được coi là vốn quý nhất, đồng thời là công nghệ cao nhất.
- Nhà nước Nhật đã quản lí kinh tế một cách hiệu quả, có vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh nền kinh tế ở tầm vĩ mô.
- Các công ti Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức cạnh tranh cao.
- Nhật Bản luôn áp dụng các thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại, không ngừng nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm.
- Chi phí cho quốc phòng của Nhật ít ( Hiến pháp quy định không vượt quá 1 % GDP ), nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế.
- Nhật Bản biết tận dụng các yếu tố bên ngoài như tranh thủ các nguồn viện trợ của Mĩ sau chiến tranh, dựa vào Mĩ về mặt quân sự để giảm chi phí cho quốc phòng, lợi dụng các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên ( 1950 - 1953 ) và Việt Nam ( 1954 - 1975 ) để làm giàu.
4. Những thách thức đối với nền kinh tế Nhật Bản:
- Lãnh thổ Nhật Bản không lớn, dân số đông, tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, thường xảy ra thiên tai ( động đất, núi lửa,... ), nền công nghiệp hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu.
- Cơ cấu vùng kinh tế của Nhật Bản thiếu cân đối, tập trung chủ yếu vào ba trung tâm lớn là Tô-ki-ô, Ô-xa-ca và Na-gôi-a với số dân trên 60 triệu người, trong khi các vùng khác được đầu tư phát triển rất ít, giữa công nghiệp và nông nghiệp có sự mất cân đối.
- Là một trong những trung tâm kinh tế - tài chính thế giới, Nhật Bản luôn gặp sự cạnh tranh quyết liệt của Mĩ, Tây Âu, các nước công nghiệp mới ( NICs ), Trung Quốc,... và tâm lí e ngại ở nước ngoài về một đế quốc kinh tế Nhật Bản.
- Cũng như kinh tế Mĩ, Nhật Bản không thể giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản nằm ngay trong bản thân nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro