Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Câu chuyện thứ mười sáu


(Câu chuyện được mô phỏng từ sự kiện có thật).
—-
Thầy Vũ là thầy dạy Lý kiêm chủ nhiệm của 12A02, lớp chuyên Lý, cũng là lớp của Bảo. Thầy nổi tiếng trong trường bởi những bài giảng hay, thú vị nhưng tính tình thì lại nghiêm khắc kinh khủng. Mà thằng Bảo lại còn là "học trò cưng" của thầy.

Bảo học tầm trung, không phải quá giỏi nhưng cũng chẳng phải tệ, nó luôn đạt điểm đủ để được học sinh giỏi trong mỗi bài kiểm tra khó nhằn của thầy. Nhưng mà chả hiểu sao thầy lại để ý đến nó nhiều lắm, có khi còn nhiều hơn cả thằng Tú nhất khối nữa. Có lẽ vì thế mà cảm nhận của Bảo đối với thầy không được tốt đẹp lắm.

"Cho bài gì mà khó vãi thế cái lão này...", Tân ngồi cạnh Bảo than ngắn thở dài về bài luyện tập thầy Vũ cho trước kỳ thi cuối kì một. Nó nằm dài ra bàn đợi thằng Bảo giải xong thì đưa nó chép, lúc nào cũng vậy.
"Ờ, tí nữa là tao ra rồi...", Bảo không thèm dời mắt sang nhìn Tân, khẽ đáp, ý kêu Tân đợi nó chút nữa.
"Lê Trần Quang Bảo, không nói chuyện trong lớp. Năm phút nữa anh lên bảng sửa bài."
Bàn tay đang hí hoáy viết lời giải của nó khựng lại, thằng Tân bên cạnh cũng giật thót, lập tức ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh giả vờ như đang suy nghĩ cách giải.

Đúng năm phút sau, Bảo lên sửa bài khó đó. Thầy Vũ xem bài nó rất kĩ, dù lớp 12 thi trắc nghiệm nhưng với những bài để lấy 9, 10 thầy vẫn dặn lớp trình bày rõ ràng các bước để xem chúng nó hiểu bài thế nào. Cả lớp nín thở, im thin thít nhìn xem bài thằng Bảo sẽ bị gạch thê thảm đến mức nào. Ba mươi giây tĩnh lặng trôi qua, thầy Vũ bước về phía bàn giáo viên, lấy sổ và cho Bảo một cái điểm cộng vào cột miệng, "Bảo về chỗ đi, lần sau không nói chuyện trong giờ nữa, mấy bạn phía dưới sửa bài vào.". Thầy vừa dứt lời thì tiếng chuông ra chơi vang lên, đứa nào cũng thở phì ra một hơi thật dài, tưởng như vừa mới được thoát khỏi cửa tử.

"Pha hồi nãy đỉnh dữ mạy! Ngầu như trái bầu luôn đó Bảo!", Tân cảm thán, "cơ mà lão đúng là để ý mày thật, lần nào nhúc nhích tí cũng bị nhắc, bộ mày làm gì ổng à?"
Vài đứa ngồi gần đó cũng đánh mắt sang Bảo, bọn nó cũng thắc mắc như Tân cả học kỳ này rồi mà chẳng đứa nào dám hỏi.
Thằng Bảo thở ra một hơi, ra vẻ bất lực đáp: "ai biết? Chắc tại lão ngứa mắt tao học ngu quá đó." rồi đứng phắc dậy, cặp cổ Tân lôi đi căn-tin ăn sáng. Mà mấy đứa cùng lớp chả có đứa nào vừa ý với câu trả lời ban nãy của nó cả. Học ngu gì mà lần nào lên bảng cũng làm đúng hết, rõ điêu...

Chính Bảo cũng không thể nào hiểu nổi, sao thầy Vũ lại khó khăn với nó quá nhỉ? Ngay cả thằng Đức hạng 45/45 cũng chưa thảm bằng nó. Hay là... do nó nghèo quá, không học thêm nên mới bị thầy đì...? Bảo chợt nghĩ, rồi lại nhếch mép, thầy giáo được người người yêu quý vì dạy hay mà cũng phân biệt đối xử giàu nghèo cơ đấy. Lòng nó dâng lên một cỗi cay đắng khó tả, nhưng rồi cũng nhanh chóng gạt qua để chuẩn bị cho tiết học kế tiếp.

Học kì một kết thúc khá ổn áp với Bảo, nó vẫn giữ được phong độ trong top 10 của khối, thế mà qua kì hai nó vẫn bị thầy để mắt đến, thậm chí tần suất còn nhiều hơn trước. Nó chán ghét việc bị khinh thường như thế, nó chán ghét cái gia cảnh nghèo khó của nó, rồi nó cũng chán luôn những tiết học của thầy, chán cái môn mà nó từng cố gắng rất nhiều để vào được lớp chuyên. Nhưng cũng chính cái nghèo không cho phép nó từ bỏ, thầy càng ghét bỏ nó, nó lại càng cố học để chứng minh cho thầy thấy rằng dù nó không có tiền học thêm thì nó vẫn hơn nhưng đứa học thêm thầy.

Khoảng thời gian chạy nước rút cũng đến, các bài kiểm tra của thầy Vũ cũng ngày càng dày đặc hơn, lớp nó cũng bị thầy giữ lại ngoài giờ để sửa bài nhiều hơn. Bảo cũng ý thức được mình phải thể hiện thật tốt trong kỳ thi tốt nghiệp, nó gác lại mọi thành kiến, tâm sự của nó về thầy để tập trung ôn thi.

Và rồi kết quả không phụ sự cố gắng của nó, nó đậu Sư phạm Lý với số điểm thủ khoa khối A1 thành phố, hơn thằng Tú tận 0,25 điểm. Bảo vui mừng quá đỗi, nó không ngờ một thằng nhóc nghèo rớt mùng tơi như nó mà cũng có thể cố gắng đến mức này, lòng nó nhộn nhạo, trái tim nó như muốn bay khỏi lồng ngực lúc nó mở lên xem điểm. Nó nóng lòng muốn tìm thầy Vũ, sau đó hét lên với lão rằng "Em có thể nghèo, nhưng em cũng có thể giỏi hơn bất kì đứa nào học thêm thầy nhé!". Giờ thầy có muốn khinh em cũng không được nữa đâu!

Nhưng rồi chính những suy nghĩ đó cũng đã làm nó day dứt mãi đến tận lúc trưởng thành, nó lại tự hỏi tại sao khi đó mình lại trẻ trâu đến như vậy.

Vào buổi chụp hình kỷ yếu sau khi thi xong, thầy Vũ có yêu cầu muốn gặp riêng nó một lúc. Lúc đó nó vẫn nghĩ có lẽ thầy sẽ xin lỗi vì thời gian qua đã xem thường nó chăng, hoặc có lẽ thầy sẽ thấy tiếc vì không đối xử với nó tốt hơn, có thể nó sẽ có cơ hội nói hết những suy nghĩ của nó bấy lâu nay cho thầy nghe... Nhưng những hành động sau đó của thầy đã nằm hoàn toàn ngoài dự liệu của nó. Thầy cầm tay nó lên, dúi cho nó một cái phong bì hơi cũ, vỗ vào vai nó rồi nói, "thầy chúc mừng em, đây là chút tâm sự và tấm lòng của thầy, phải cố gắng thật nhiều trong sự nghiệp trồng người, Bảo nhé!". Thầy nhìn thẳng vào mắt nó, ánh mắt thầy sáng rực đầy tự hào, rồi thầy quay người đi, để lại nó đứng đó như trời trồng, suy nghĩ trong lòng chất ngổn ngang như núi. Nó mở phong bì, trong đó nó thấy năm triệu toàn tiền lẻ cùng với một bức thư viết bằng nét chữ mà nó không thể quen thuộc hơn:

"Bảo ơi, chắc hẳn thời gian vừa qua khó khăn cho em lắm! Thầy đã đọc sơ yếu lý lịch đầu năm của em, cũng đã hỏi thăm về em từ các thầy cô của mấy năm trước. Biết được em khó khăn, thầy đã xin trường hỗ trợ học phí năm qua cho em, 10 tháng vừa rồi tháng nào thầy cũng góp một chút định tặng em làm quà tốt nghiệp. Tuy không nhiều nhưng là tấm lòng của thầy cho một học trò hiếu học như em. Phía trước sẽ còn nhiều trở ngại hơn nữa, nhưng thầy tin em sẽ vượt qua thôi. Em vẫn sẽ luôn là niềm tự hào của thầy, hãy tiếp tục cố gắng nữa em nhé. Thầy chúc em trở thành một giáo viên giỏi!
Thầy Vũ thương học trò Quang Bảo,
Ký tên,
Thầy Vũ."

Bảo cay cay sống mũi, bức thư trước mắt cũng dần trở nên mờ căm. Nó đứng đơ ra đó tận mười mấy phút, hai tay nắm chặt lá thư run run, mặt cúi gằm, đôi môi cắn chặt đến đỏ tía, nước mắt không kiềm được rơi lã chã. Nó suy nghĩ về những gì thầy đã làm cho nó trong thầm lặng, cũng suy nghĩ về những lần nó nghĩ xấu về thầy. Bảo cảm thấy xấu hổ về sự ấu trĩ bồng bột của nó, trong lúc thầy cố gắng làm nhiều điều cho nó như thế mà nó lại ghét thầy, muốn trả đũa thầy... Chưa bao giờ nó thấy bản thân nó thất bại trong suốt mười hai năm đèn sách: thất bại trong việc làm tròn đạo lý tôn sư trọng đạo với thầy.

Phải mất một lúc Bảo mới bình tĩnh lại, nó chạy đi tìm thầy Vũ khắp trường nhưng không thấy, hỏi mấy thầy cô khác thì họ nói thầy đã về nhà từ nãy rồi. Nó về nhà với một bụng đầy suy nghĩ, nghĩ đến mức suýt thì đâm đầu vào cột điện trước ngõ. Nó cũng viết một lá thư đáp lại thầy, nó cảm ơn, rồi xin lỗi thầy vì đã suy nghĩ nông cạn.

Cứ mỗi năm nó lại viết một lá thư gửi thầy, nhưng là gửi qua người khác, mãi đến khi sắp tốt nghiệp đại học nó vẫn chưa có đủ can đảm để nói lời cảm ơn trực tiếp trước mặt thầy. Căn bản vì nó sợ, sợ rằng khi gặp thầy nó sẽ khóc sướt mướt như con nít mất. Nhưng mà đúng như vậy thật, năm thứ ba nó đi dạy chính thức, tức bảy năm trôi qua, nó đã quay về gặp thầy. Thầy Vũ đã có tuổi hơn, tóc bạc trên đầu cũng nhiều hơn, nhưng cái phong cách dạy học trò đó thì vẫn không thay đổi. Bảo rưng rưng khi thấy bóng dáng quen thuộc đó của thầy, thầy cũng không kiềm được nước mắt khi gặp lại học trò cũ giờ đã thành công là nó. Thầy và trò nói chuyện cùng nhau thật nhiều, cho đến khi trời đã sập tối cả hai mới tạm biệt nhau. Khi nó đã đi được một quãng rồi thì chợt nghe giọng thầy phía sau: "đến bây giờ thầy vẫn rất tự hào về em!".

Thầy Vũ không phải là người thắp lên ngọn lửa ham học trong Bảo, nhưng thầy đã dạy cho nó cách để trưởng thành, cách từ một thằng nhóc nông nổi trở nên một người thầy mà bao đứa trẻ khác phải kính trọng. Nó đã lấy hình ảnh của thầy làm tấm gương để cố gắng, nó cũng muốn mình sẽ được trở nên giống thầy: một người lái đò cống hiến hết mình cho sự nghiệp và luôn quan tâm học sinh bằng cách rất riêng.

Thầy Vũ chính là nguồn động lực, là người truyền lại nhiệt huyết để Bảo cố gắng từng ngày. Và có lẽ, dù có là hai mươi, hay ba mươi năm sau đó nữa, nó cũng sẽ mãi nhớ về thầy, nhớ về bức thư làm thay đổi cuộc đời nó, và nhớ về câu nói quen thuộc:
"Đến bây giờ thầy vẫn rất tự hào về em!".

Gửi các bạn còn đi học, hãy trân trọng từng khoảnh khắc còn ngồi trên ghế nhà trường nhé. Chúc các bạn học tốt!
Sài Gòn, 05/09/2022.
@Claudius.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro