#6.
Tôi vào siêu thị, anh ta cũng vào siêu thị. Tôi quay lại hỏi:
- "Anh theo tôi làm gì?"
- "Tôi đã nói là về cùng cô giáo rồi mà."
- "Anh có thể về trước rồi đó!"
- "Cô giáo nhìn xem, mọi người đang trầm trồ về phía chúng ta. Cô giáo không sợ mất mặt sao? Tôi là quân nhân, bỏ cô giáo ở đây một mình, thực sự không tốt."
Không cần phải nghe tiếp. Tôi đùng đùng bỏ vào trong. Đứng trước quầy rau, anh ta hỏi tôi:
- "Cô giáo muốn ăn gì, tôi có thể lấy cho cô."
- "Thiên lý rất tốt, cải cũng có lợi cho sức khỏe. Tôi nghĩ cô giáo nên ăn nhiều cà chua một chút, đẹp da, cung cấp vitamin cho cơ thể."
Rốt cuộc là tôi mua hay anh ta mua?
Anh ta nói một câu, tôi trả lời "Được" một câu, đến khi thực phẩm đủ cho tôi ăn một tháng anh ta mới chịu dừng lại. Thực sự giống như người chồng từ đảo về đưa vợ đi chợ vậy. Nếu thật là vậy, tôi không oán than gì, nhưng có thể đừng phải là người này được không?
Thực phẩm mua về, tôi để anh ta xách hết. Nếu đã muốn làm "đàn ông", tôi cũng không tranh làm "phụ nữ đảm đang" làm gì. Đứng trước cổng nhà tôi, anh ta quyết nhiệt tình thêm một bước:
- "Tôi mang vào nhà cho cô giáo."
- "Được rồi, cảm ơn anh. Tôi có thể mang vào được."
Anh ta giao những túi đồ cho tôi, tôi cầm lấy mở cổng vào nhà. Đứng đối diện nhau qua khung cửa, bóng dáng anh ta lờ mờ trong hoàng hôn nhưng vẫn toát lên khí chất quân nhân. "Chú của Quỳnh" đột nhiên lên tiếng:
- "Tôi là Võ Trường Sa."
Tôi nhắm mắt, khẽ thở dài:
- "Lê Thị Ngọc Ngà."
Khi nói chuyện với quân nhân cấp cao, tự dưng sẽ có cảm giác như bị cưỡng chế. Nhưng, nói chuyện với quân nhân cấp cao sẽ giúp kích thích tư duy rất tốt, không cần dài dòng cũng hiểu mục đích người ta muốn là gì.
Quân nhân rất thích chắc chắn, đương nhiên phải chắc chắn và bắt buộc phải chắc chắn. Tôi không tin "ông chú" này không biết tôi là giáo viên dạy Văn, họ tên đầy đủ là Lê Thị Ngọc Ngà, hơn nữa anh ta còn biết rất rõ tôi bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu, gia cảnh thế nào ngay từ cái hôm ở bãi biển cứu Tùng kìa. Tôi thực chất đã là con cá nằm trên thớt, chẳng qua là người ta muốn chính miệng tôi nói ra mà thôi.
Con cá nằm trên thớt rồi cũng sẽ có lúc, hoặc là trở về biển cả, nếu không thì là nằm trong nồi mà thôi. Tôi từ lúc đó về sau đã dần thay đổi, không cần biết là nằm ở đâu, quay trở về biển cả được thì tốt, nằm trong nồi cũng không sao, miễn không phải là nằm trên thớt, sống không ra sống, chết không ra chết.
Lại nói số điện thoại, tôi hoàn toàn không phổ biến cho học sinh lớp tôi. Không phải là quên, là tôi cố ý. Tôi không biết có phải là vì chuyện đó không mà hôm sau cái Quỳnh nghỉ học. Hỏi đứa nào cũng không biết lớp trưởng Quỳnh bị làm sao mà nghỉ, tôi không có cách về nhà để hỏi, cũng không cần phải tốn công như thế, có người đến lớp thông báo với tôi:
- "Cô Ngà, có phụ huynh cần gặp cô."
Tiết học chính ngay lập tức biến thành giờ tự học. Tôi đến phòng gặp phụ huynh học sinh, người đang ngồi nghiêm trang trước mặt tôi, mắt nhìn thẳng, hai tay khoanh gọn trên bàn, quần tây, sơ mi trắng đóng bộ, nhìn thấy tôi liền gật đầu chào.
- "Tôi đến xin phép cô giáo cho Quỳnh nghỉ học một hôm."
Với tư cách là "chú của Quỳnh", anh ta đẩy tờ giấy phép lên trước mặt tôi. Tôi cầm lên đọc qua một lượt, không kìm được mà hỏi:
- "Bà nội bị ốm, phải ở nhà chăm sóc sao?"
- "Phải, mấy hôm nay bà liên tục nói bị đau đầu, hôm qua còn sốt cao, đau họng, đi lại không thuận tiện cho lắm..."
- "Tôi không hỏi chuyện này, tôi muốn hỏi chuyện tại sao lại là Quỳnh?"
"Ông chú" không chút lúng túng, mắt nhìn thẳng phía trước, giọng rạch ròi trả lời:
- "Ba mẹ con bé đều đi công tác cả, tôi thì còn vướng chuyện quân sự nên Quỳnh phải vất vả vài hôm..."
Anh ta là quân nhân, lại không biết việc học có vai trò thế nào hay sao? Còn là năm cuối cấp... Có phụ huynh nào lại suy nghĩ như thế này? Tôi đứng phắt dậy cầm lấy tờ đơn rồi cố bình tĩnh nói với anh ta:
- "Nếu có lần sau, chỉ cần ký vào giấy phép rồi gửi một học sinh nào đó mang đến cho tôi là được. Không cần phụ huynh phải vất vả thế này, chỉ là, đừng nên nghỉ học quá nhiều."
- "Hay thế này, cô giáo cho tôi số điện thoại của cô giáo, có chuyện gì cũng tiện thông báo hơn."
Tôi nghiến răng, cảm thấy máu nóng xông lên não:
- "Vậy được, nếu có lần sau anh cứ đến phòng này, tôi sẽ xuống gặp. Tôi còn phải lên lớp, chào anh."
Tôi nói như thế chẳng qua là tôi không ưa "ông chú" này thôi, tôi vẫn cứ lo sốt vó lên ấy. Hôm nay tôi không có tiết buổi chiều, dạy xong năm tiết buổi sáng thì về. Tắm rửa, thay đồ xong xuôi tôi lật đật chạy qua nhà Quỳnh. Bỏ qua chuyện của "ông chú", tôi đương nhiên là lo cho bà nội Quỳnh hơn. Bà đã bảy mươi rồi nhưng mấy năm nay vẫn còn rất khỏe, tự dưng nói bệnh là bệnh, tôi cảm thấy không khỏi lo lắng. Tôi nhấn chuông, Quỳnh ra mở cửa sau đó.
- "Cô qua thăm bà."
Tôi vào nhà, thấy bà đang nằm ngủ trên giường, chăn đắp ngang ngực. Tôi lấy tay sờ trán bà thì thấy vẫn còn hâm hấp nóng nên hỏi Quỳnh:
- "Bà ăn uống gì chưa, em? Chú em đâu rồi?"
- "Sáng giờ chỉ mới ăn có tí cháo thôi. Chú em lên tỉnh ủy đến chiều mới về..."
Nó chẳng dám cười, cúi đầu lí nhí trả lời tôi. Tôi thở dài, nói với Quỳnh:
- "Buổi chiều có tiết, em đi học đi, mất bài thì không ổn. Cô ở đây chăm bà cho, ngày mai cũng vậy."
Quỳnh hoảng:
- "Cô ơi, rứa sao mà được ạ? Cô cho em nghỉ chăm bà vài hôm rồi em đi học lại ạ..."
Tôi gắt:
- "Cô chỉ có thể giúp em môn Văn, những môn khác nghỉ học rồi thì lấy ở đâu mà bù. Bệnh của bà xem một, hai ngày thì không khỏi hẳn đâu. Những ngày này bài vở gấp rút, cô có thể tranh thủ giúp em chăm bà, em cứ yên tâm mà đi học."
- "Nhưng mà, cô ơi..."
- "Nhà của cô ngay bên, cô cũng chỉ sống một mình, giúp được gì cô sẽ giúp. Mai này cô chuyển công tác, em có muốn cũng không được. Chuẩn bị đi học đi."
Tôi chẳng biết tại sao lại nói ra được mấy lời này, chắc là do bà nội Quỳnh lâu nay vẫn luôn tốt với tôi, xem tôi như con cháu trong nhà, thế thôi. Chuyện chuyển công tác, thật ra tôi đã nghĩ tới lâu rồi, làm ở tỉnh ngoài một thời gian để lấy kinh nghiệm, sau đó thì làm đơn xin chuyển về Khánh Hòa. Gần gia đình lại có thể an phận, ba mẹ tôi cũng không cần lo lắng nhiều. Tôi phát hiện nét mặt của Quỳnh không vui, nó cảm ơn tôi bằng giọng buồn buồn. Cũng dễ hiểu thôi, nó thật sự thích tôi, tôi đi đương nhiên con bé sẽ không vui rồi.
Tôi chạy về nhà lấy một số rau củ mà hôm qua Trung tá Sa đã mua mang qua làm cơm cho bà nội Quỳnh. Giúp bà ăn uống, nghỉ ngơi xong tôi lại về nhà lấy bài kiểm tra sang chấm. Nhà của Quỳnh là nhà xây, lại rộng, cũng coi như là một gia đình bề thế, tôi ngồi ở đâu cũng giống như bị lọt thỏm giữa vũ trụ vậy.
Tôi kê ghế ngồi cạnh giường bà, vừa trông bà, vừa chăm chú chấm bài. Bài kiểm tra bốn lớp dồn lại, tôi chấm được một nửa thì bà tỉnh, sắc mặt hồng hào hẳn ra.
- "Cô giáo răng lại ngồi ở đây, cái Quỳnh mô?"
- "Con kêu Quỳnh đi học rồi, chiều ni con rảnh, sang chơi với bà."
Bà lắc đầu, mỉm cười hiền hậu:
- "Cực cô giáo quá, mấy hôm ni trời trở gió, tôi già rồi nên bị nhiễm lạnh."
- "Không sao, bà đã hết sốt rồi, sắc mặt cũng tốt hơn. Uống thuốc, nghỉ ngơi vài ngày sẽ khỏi."
Tôi đỡ bà ngồi dựa vào thành giường, đột nhiên có tiếng gõ cửa hai cái:
- "Mẹ, ăn chút cháo rồi uống thuốc nào."
Tôi khẽ giật mình, tim đập loạn mất hai nhịp. Anh ta về lúc nào sao tôi lại không hay biết thế này? Mà, đến nói chuyện với mẹ ruột cũng phải ra oai thị uy như thế sao? Tôi nhìn xem đồng hồ, đã bốn giờ chiều rồi. Tôi lại quên béng mất việc phải cho bà uống thuốc. Bà cười:
- "Thật ngại quá, đã làm phiền cô giáo. Cảm ơn cô giáo!"
Tôi cười trừ, biết mình làm không tốt nên cũng chẳng nói lại gì. Anh Sa ngồi bón cháo cho mẹ nhưng giống như là bón cho chính mình ấy. Khói cháo bay nghi ngút mà anh ta cứ bón lấy bón để làm bà bị giật mình mấy phen, nước mắt cũng trào cả ra ngoài vì nóng. Mấy lần sau anh nhận ra, thổi cháo lâu hơn một chút, nhưng rồi lại quên ngay sau đó. Tôi nhịn không được, vội giành lấy bát cháo từ tay anh:
- "Trời đất ơi, còn nóng như thế này... Anh chậm một chút."
Thế là nhiệm vụ đó từ lúc nào lại trở thành việc của tôi. Bà ăn xong, tôi kêu anh Sa cho bà uống thuốc, còn mình thì xuống sau bếp rửa bát, nấu cơm chiều. Giờ này ba mẹ Quỳnh còn chưa về, bà nội thì ốm, tôi cũng không nghĩ vị Trung tá kia có thể nấu được bữa cơm hoàn chỉnh. Nào ngờ vừa xuống đến nơi tôi đã thấy trên bếp, một nồi nước dùng đang sôi, một nồi cháo còn nóng, lòng tôi không khỏi kinh ngạc. Rau củ tôi mang qua hồi trưa đều được sử dụng hết, thậm chí là sử dụng triệt để luôn. Rốt cuộc lúc đó tôi đang làm gì mà không hề hay biết chuyện xảy ra dưới bếp? Hay do căn nhà quá rộng, tiếng động nào cũng nghĩ là âm thanh tự nhiên đây?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro