Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tôi Lập Trình Tương Lai

Kết hợp học ngoại ngữ và kế toán để thành nhà kinh doanh

Tôi tự thấy rằng học ngoại ngữ cũng cần học thêm một ngành khác về kinh tế thì vẫn hơn. Trước kia tôi chưa bao giờ, thậm chí không bao giờ nghĩ mình có duyên với những con số và sổ sách hay những công việc tỉ mỉ. Nhưng giờ đây tình yêu với những con số trong tôi đang đâm chồi nảy lộc.

Tôi tự hào vì mình là người con của quê hương Kinh Bắc, còn tự hào hơn khi mình sinh ra ở một vùng quê được coi là “đất học”– Mão Điền (Thuận Thành, Hà Bắc). Khi tôi bắt đầu lên cấp ba, tôi đã ý thức được bản sắc của quê hương, tôi luôn trân trọng và mong mỏi được cống hiến phần nào cho quê hương, chí ít cũng không làm mất đi tiếng thơm của quê hương Mão Điền.

Nhắc đến Mão Điền, chắc hẳn bạn nào ở Bắc Ninh cũng đều hình dung ra quang cảnh quê hương tôi ra sao. Tôi cũng không còn lạ lẫm với câu “vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi”, câu nói đó để ám chỉ những vùng đất nghèo, xơ xác, đìu hiu, kinh tế kém phát triển. Tôi không phủ nhận điều đó khi nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Làng tôi không giống như những làng xã khác, người làng tôi ngoài trồng lúa ra, mấy tháng đầu năm, trai tráng khỏe mạnh thì vào miền Nam, miền Trung để bán cá con. Vì thế những ngày bình thường trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, phụ nữ thì đi bán, thu mua đồng nát. Thật xót xa thay, khi học cùng các bạn khác xã, Mão Điền chúng tôi luôn bị chê cười vì nghề bán đồng nát này.

Con người quê tôi có bản chất chất phác, tháo vát, tiết kiệm, chăm chỉ. Những bậc cha mẹ kiếm tiền chỉ dồn tiền vào cho con cái ăn học và mong cho những đứa con của mình sớm thoát nghèo, bước chân ra khỏi lũy tre làng, không còn khổ như bố mẹ chúng. Có những gia đình phải bán cả mảnh đất tổ tiên để lấy tiền cho con ăn học.

 Tôi sinh ra trong gia đình mang những nét tiêu biểu của mảnh đất quê hương thân yêu, hơn thế lại là con cháu của dòng họ có truyền thống hiếu học. Các bậc ông bà, cha chú luôn nhắc nhở con cháu và có những hình thức khuyến học để thúc đẩy sự nghiệp học hành của thế hệ mai sau như chúng tôi. Đó cũng chính là chất xúc tác khiến tôi theo đuổi ước mơ làm giàu bằng con đường tri thức.

Ngay từ những ngày đầu bước chân vào trường cấp ba tôi đã xác định cho mình khối thi và ngành học trong tương lai. Nói ra thì ngày đó tôi thật quá trẻ con, tôi thích ngoại ngữ nhất là tiếng Trung. Tôi cũng không thể nhớ nổi là tự bao giờ văn hóa, ngôn ngữ, con người Trung Quốc lại có tác động sâu sắc với tôi như vậy. Tôi đã quyết định theo khối D gồm toán, văn, anh, khối này chỉ được coi là khối dự phòng của các anh chị khóa trên.

Tôi có chia sẻ thì đều nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều, anh chị đều khuyên: “Mình ở nông thôn sao bằng các bạn thành phố hả em, các bạn ấy có điều kiện từ bé rồi, em không thi nổi đâu. Mà có vào được thì cũng chả đuổi kịp được trình độ, họ được đi học thêm nữa mà”.

Trong đầu con bé non nớt như tôi ngày ấy đâu có nghĩ sâu xa như vậy, chỉ nghĩ rằng mình mà đỗ, được học tiếng, mình sẽ có cơ hội được sang Trung Quốc, được giao lưu, được tiếp xúc với nền văn hóa được cho là lâu đời có ảnh hưởng tới thế giới. Rồi con người, thần tượng trong tôi, anh Thích Tiểu Long, một thần đồng Trung Quốc.

 Thế là tôi bắt đầu tìm kiếm những lớp học thêm để ôn thi cho khối thi mà mình đã chọn. Nhưng được một thời gian học thêm, tôi thấy tiền học đắt quá, nhà tôi cũng không giàu có gì, mỗi lần xin tiền mẹ đi học mẹ lại gặng hỏi sao xin nhiều thế. Tôi quyết định nghỉ ở nhà tự ôn hai môn văn và toán, chỉ đi học tiếng Anh.

Những thí sinh trong trường theo khối chính là khối D rất ít, đếm trên đầu ngón tay, vì thế mà dân trong khối đều biết mặt nhau, chúng tôi rủ nhau đi học thêm tiếng Anh ở tận Phú Thị, ngoại thành Hà Nội. Những ngày ở lại học thêm tiếng Anh buổi chiều, sáng tôi dậy phụ giúp mẹ nấu cơm rồi tự chuẩn bị cho mình gói cơm nắm muối vừng.

 Một ngày như vậy tôi phải đạp xe 40 km cả đi và về. Đối với một con bé thấp bé nhẹ cân như tôi thì đó là cả một sự nỗ lực. Tôi không dám chắc mình sẽ trụ nổi bao lâu, mà tiền học thêm tiếng Anh cũng rất đắt. Nhà tôi được cái trồng nhiều rau và một số cây ăn quả như chuối, bưởi, roi, ổi, tôi thường xin đi bán rau quả giúp mẹ để mẹ đi bán đồng nát kiếm thêm tiền rau dưa.

 Nhà chỉ có hai chị em nên chúng tôi tự biết nhường nhịn nhau phân công lao động, những kỳ nghỉ hè dài tôi tạm gác những buổi đi chơi vi vu cùng bạn, ở nhà làm hàng mã kiếm thêm. Tôi tự thấy lực học mình cũng có hạn, dù lý trí mách bảo phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải thức khuya để học bài nhưng những ngày đi học tiếng Anh như vậy đã cướp đi sinh lực của một con bé mi nhon như tôi.

 Tôi đã bỏ lỡ một thời gian dài vì luôn đi ngủ sớm, và luôn thất bại khi không thể dựng mình dậy trong những ngày đông giá rét. Thời gian cứ trôi đi mãi có chờ đợi ai, những tưởng quyết tâm, vạch ra lựa chọn tương lai kỹ càng như vậy nhưng một điều không thể phủ nhận là một con bé mơ mộng như tôi đang quá xa vời thực tế.

 Tôi phải tự kéo mình ra khỏi những suy nghĩ viển vông, mộng mơ của tuổi áo trắng hồn nhiên với những suy nghĩ trẻ con theo kiểu: trắng ngây thơ, hồng mộng mơ, xanh hy vọng. Rõ ràng là tôi đã bị bỏ xa kiến thức so với các bạn, nhưng những ngày phải đăng ký trường thi cũng tới.

Tôi không mất quá nhiều thời gian để tra cứu các trường như các bạn vì tôi đã nhắm cho mình ngôi trường trong mơ từ rất lâu. Nó quá cao so với lực học của tôi, nhưng với tham vọng bản thân và quan điểm: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Tôi đã nhắm mắt đưa tay ghi liều. Quả thật, tôi trượt.

Nhưng với suy nghĩ tuổi trẻ chả bao giờ thắm lại nên tôi quyết định không ôn lại mà chọn nguyện vọng 2 vào một trường đạo học bình thường khác rồi tìm hướng đi mới. Những ngày đầu bước chân lên giảng đường của một ngôi trường không phải trong mơ, tôi không khỏi luyến tiếc, và một chút gì đó xót xa.

Nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” đành vậy chấp nhận sự thật, hãy quên than vãn: “Thay vì than vãn về bụi hồng có gai. Hãy mỉm cười vì bụi gai có hoa hồng”. Tôi đã cố gắng học hỏi trau dồi kiến thức ngoại ngữ một của mình là tiếng Trung và cũng không quên ngoại ngữ hai là tiếng Anh.

Tôi tự thấy rằng học ngoại ngữ cũng cần học thêm một ngành khác về kinh tế thì vẫn hơn. Vì dù sao ngoại ngữ cũng chỉ là một công cụ giao tiếp không phải nghề. Tôi đã lựa chọn học song bằng kế toán. Thực ra khi con người ta lớn lên thì suy nghĩ cũng thay đổi dần theo năm tháng.

Trước kia tôi chưa bao giờ, thậm chí không bao giờ nghĩ mình có duyên với những con số và sổ sách hay những công việc tỉ mỉ. Nhưng giờ đây tình yêu với những con số trong tôi đang đâm chồi nảy lộc và tôi tin nó sẽ đơm hoa kết trái. Tôi mong muốn được gia nhập, là thành viên của các công ty nước ngoài, tuy rủi ro cao nhưng tôi vẫn thích được trả lương tính bằng USD.

Được biết những công ty như vậy luôn chú trọng sinh viên có kinh nghiệm làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội, chính vì thế mà tôi đã tham gia làm tình nguyện viên hiến máu tình nguyện với mong muốn giúp đỡ mọi người, và tích lũy, trau dồi phẩm chất thương người như thể thương thân, một truyền thống từ ngàn đời xưa để lại.

Song song với việc làm tình nguyện tôi vẫn chú ý tập trung vào chuyên ngành. Trong thời gian tôi tham gia tình nguyện tôi cũng gặp những người bạn Trung Quốc hay Anh, đó là lúc tôi cố gắng vận dụng vốn kiến thức ngoại ngữ ít ỏi của mình. Cùng một lúc làm nhiều việc như vậy tôi không thể đi làm thêm để phụ bố mẹ nhưng tôi vẫn thi thoảng lên chợ Đồng Xuân mua một số mặt hàng mỹ phẩm, đồ mà chị em phụ nữ thích để bán cho các bạn cùng lớp, trong xóm trọ.

 Mặc dù chẳng kiếm được là bao song tôi vẫn không nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc, tôi từng nuôi ý chí sẽ đi bán trà đá trong những ngày hè nóng nực, bán loại thức uống này một vốn bốn lời. Nhưng tôi suy nghĩ vẫn thấy hạn chế quá nhiều đối với một đứa con gái như tôi khi mà xã hội còn nhiều cạm bẫy và nguy hiểm luôn rình rập phía trước, tôi quyết không để mình sa ngã.

 Tôi vẫn nhen nhóm một ngọn lửa hy vọng về tương lai phía trước. Không biết được con đường phía trước mình phải đi sẽ trải bao nhiêu chông gai và thử thách, tôi luôn lạc quan tin rằng tương lai luôn luôn và sẽ mãi do chính ta quyết định. Tôi đã cố gắng học hỏi thay đổi bản thân, từ bỏ sự nhút nhát hướng tới hòan thiện bản thân.

Và đến tận bây giờ khi tôi đã thấm nhuần lý tưởng “Phi thương bất phú”, tôi luôn kiên định lựa chọn con đường kinh doanh là con thuyền ước mơ của bản thân. Mặc dù tôi vẫn chưa ra trường, vẫn chưa biết tương lai thế nào nhưng tôi định hướng sẽ quay trở lại Bắc Ninh tạo dựng sự nghiệp. Thương trường khốc liệt dù sao cũng nên chăng “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

 Em trai tôi cũng đã lên đại học và cả hai chị em đều chọn cho mình con đường kinh doanh, nó cũng lập kế hoạch cho tương lai từ rất sớm. Tôi hy vọng mơ ước của hai chị em tôi sẽ thành sự thực với sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Đó là niềm mong mỏi lớn lao của đấng sinh thành, và niềm tự hào của cả dòng họ, là hy vọng mang tên quê hương. Chúng tôi, những người con uống dòng nước mát của Mão Điền sẽ luôn sống và học tập không chỉ vì mình mà còn để rạng danh quê hương.

Nguyễn Thị Ngọc

Học tốt khối C để trở thành nhà báo

Tất cả buổi tối trong tuần, sau khi đã chuẩn bị sách vở cho ngày mai tôi đều dành thời gian ôn tập hai môn đó là lịch sử và địa lý. Môn văn học được tôi ưu tiên hơn nên dành thời gian học từ 11h đêm đến 1-2h sáng, và cũng hầu như chẳng bao giờ tôi đi ngủ trước 2h.

Chẳng biết tự bao giờ, khi nghe hai tiếng nhà văn, nhà thơ, nhà báo, lòng tôi lại thấy lâng lâng khó tả, nghe như một cái gì đó trân trọng đến thiêng liêng. Từ thủa nhỏ, khi đọc dòng thơ, trang sách tôi rất ngưỡng mộ tác giả đã viết lên những trang sách ấy. Nhất là sau cuối mỗi bài viết bao giờ cũng dành nguyên một góc ngay ngắn để ghi tên tác giả.

Tôi vẫn ước ao giá như một ngày nào đó tên mình cũng được trân trọng in trên mặt báo bằng những dòng chữ nghiêng nghiêng như thế. Và cũng từ những suy nghĩ mơ hồ, ngắn ngủi không vào đâu của thời trẻ con ấy tôi đã thích đọc văn, đọc thơ từ lúc nào không biết nữa.

Những trang văn, trang thơ cũng ít nhiều được đọng lại trong trí nhớ, tâm hồn non nớt trẻ thơ của tôi, làm tôi thêm yêu cuộc sống, yêu con người và cũng thêm yêu đất nước. Tôi yêu những câu hát ầu ơ của mẹ, yêu lũy tre làng và cả những ánh trăng khuya.

Tình yêu ấy dần lớn cùng tôi theo năm tháng, tuổi thơ tôi cũng qua đi mang theo cả ước muốn mơ hồ, nông nổi là được ghi tên mình vào những trang sách. Tôi bước vào học cấp 3 đầy lạ lẫm, trở thành một tràng trai đa tình và mơ mộng, luôn mang bên mình một vài tập sách văn, thơ bỏ túi nho nhỏ của nhiều tác giả khác nhau như: Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử đến Ngô Tất Tố, Nam Cao… đặc biệt là những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim”.

Nó như một chùm sáng lóe lên trong đầu tôi, thôi thúc tôi phải hành động. Cũng từ đây tôi ý thức được việc học và thi luôn gắn liền với nhau không thể tách rời, và để bước chân được vào giảng đường đại học thì không có con đường nào khác ngoài việc chăm chỉ học tập, tu dưỡng bản thân. Tôi đã cố gắng học tập, miệt mài nâng cao, trau dồi kiến thức, xây dựng một kế hoạch cho tương lai, nhằm thực hiện mơ ước.

Bắt đầu là việc lựa chọn cho mình một khối thi, điều này thì tôi đã sáng suốt lựa chọn cho mình một cách nhanh chóng, vì yêu môn văn, lại sẵn có đôi chút tâm hồn mơ mộng, bay bổng nên khối C đã được tôi lựa chọn và chấm lên hàng đầu. Tôi tự lập cho mình một thời khóa biểu riêng cho việc ôn tập, rèn luyện tất cả môn trong khối mà với tôi được coi là khoa học, hợp lý nhất.

Tất cả buổi sáng tôi vẫn phải đến trường để học các môn văn hóa theo chương trình giáo dục, còn vào các buổi chiều rảnh rỗi tôi tranh thủ mang sách ra đọc lại những bài trên lớp đã học, vừa để đảm bảo bài vở, kiến thức đã học. Nhưng cũng để dành thêm thời gian cho buổi tối tập trung vào ôn tập cho khối thi đại học của mình.

Ba môn thi ấy tôi cũng sắp xếp thời khóa biểu riêng để tiện cho việc ôn tập và nắm bắt tốt kiến thức. Tất cả buổi tối trong tuần, sau khi đã chuẩn bị xong sách vở cho ngày mai tôi đều dành thời gian ôn tập hai môn học đó là lịch sử và địa lý. Môn văn học được tôi ưu tiên hơn nên tôi đã dành thời gian học từ 11h đêm đến 1-2h sáng, và cũng hầu như chẳng bao giờ tôi đi ngủ trước 2h.

Thời gian cứ như vậy kéo dài suốt 3 năm học phổ thông của tôi, và cả những ngày hè tôi vẫn miệt mài học tập, ôn luyện chứ không nghỉ ngơi xả hơi, du lịch picnic như bao bạn bè cùng lớp. Trong suốt 3 năm ấy không một cuốn sách đề thi tuyển sinh đại học khối C nào là tôi không sờ đến. Và cuốn nào cũng vậy tôi đều thuộc làu làu cả.

 Tôi có thể nhớ tất cả số trang, số dòng của một câu nào đó trong cuốn sách. Thấy vẫn còn chưa đủ tôi còn tìm hiểu thêm sách, báo và những tài liệu có liên quan đến chương trình học tập của mình để tham khảo. Vậy nên năm nào tôi cũng được vinh dự nằm trong tốp những học sinh giỏi của trường, đại diện đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và thành phố. Và cũng đã mang được vinh dự về cho bản thân, gia đình và ngôi trường nơi tôi học tập.

Đối với môn lịch sử tôi có thể nhớ như in tất cả mốc thời gian, các trận đánh, các cuộc khởi nghĩa từ Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền… và cả người cầm quân, lãnh đạo như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ… Các phương pháp, chiến thuật và cả sự tiêu hao lực lượng, vũ khí, khí tài của cả quân ta và quân địch trong các chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 với thực dân Pháp, hay chiến dịch Mậu Thân 1968 với Mỹ, cả những ngày, giờ giây phút nhân dân ta huy hoàng chuyển mình trong lịch sử, thắng lợi đàm phán trong hiệp định Giơnevơ, ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng…

 Riêng môn địa lý tôi có thể vẽ bất cứ bản đồ nào kể cả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, không những vậy tôi còn có thể hiểu và phân tích được cấu tạo của từng khu vực đất đai, hay tài nguyên thiên nhiên còn ẩn mình trong lòng đất. Nhất là khu vực châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long, hệ thống sông Thái Bình và cả những vùng cao nguyên, đồi núi. Có thể nói thời gian ấy tôi như một nhà địa chất thực thụ chứ không phải một thí sinh sắp sửa tham dự kỳ thi đại học.

Phần còn lại là môn văn học vốn tôi đã có sẵn đam mê từ nhỏ nên việc học của tôi cũng không mấy khó khăn cho lắm. Tôi đọc hết cả các thời kỳ văn học từ cổ điển, trung đại cho đến đương đại trong văn học thế giới. Các giai đoạn trong văn học Việt Nam trước 1930; 1930-1945 hay 1945-1975 và cả những bài văn, áng thơ sau những năm 1975 khi đất nước đang trên con đường xây dựng kinh tế, văn hóa.

Tất cả truyện ngắn, bài thơ của các thời kỳ phát triển văn học Việt Nam được tôi lựa chọn, tổng hợp khoa học thành từng phần, từng mảng theo cách của riêng mình làm sao cho thật dễ hiểu, dễ đọc. Và với phương pháp học cuốn chiếu tôi đã nắm rất chắc kiến thức của cả 3 môn học ấy, sẵn sàng cho một kỳ thi đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời mình.

Mùa thi năm ấy, năm 2004 tôi sung sướng khi biết mình đã đậu vào Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm khá cao. Bắt đầu từ đây tôi lại có thêm một hành trình chinh phục mới, chinh phục những kiến thức nghề nghiệp để sau khi ra trường có thể áp dụng vào công việc thực tiễn sau này.

Và giờ đây sau bao năm theo học đại học tôi cũng đã tốt nghiệp, ra trường và đang làm việc cho một tờ báo. Công việc phóng viên thật vất vả nhưng cũng đầy thú vị vì tôi có thể đem hiểu biết của mình truyền tải thêm thông tin đến hàng triệu con người trên mọi miền của tổ quốc.

 Hơn lúc nào hết tôi luôn ý thức được điều đó, và luôn tự hào về bản thân mình, về sự cố gắng không ngừng của mình. Cho dù cuộc sống vẫn còn nhiều gian nan, vất vả ở phía trước nhưng ít nhiều tôi cũng đã thực hiện được ước mơ nhỏ nhoi, bé bỏng của mình.

Nguyễn Văn Khánh

Rèn luyện tốt để trở thành chiến sĩ công an

Đầu tiên tôi phải từ bỏ việc ngủ nướng, lười nhác vận động, tôi lên lịch tập luyện thể dục thể thao, rèn cho cơ thể cường tráng, khỏe mạnh. Chưa một lần tôi tự buông thả mình, bởi chỉ cần cho phép mình lười nhác một lần, nó sẽ trở thành thói quen, và ăn mòn cái quyết tâm tôi đã cố công tạo dựng.

 Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó, chịu đầy thương tích của chiến tranh bom đạn, thấm thía cái nỗi đau của những người mẹ mất con, của mảnh đất đầy chất độc còn reo rắc bi thương cho bao gia đình. Tôi căm ghét chiến tranh, và từ trong sâu thẳm của đứa bé vừa kịp nhận thức đã bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ trở thành một chiến sĩ.

Tự hào được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ đời ông nội, ông ngoại tôi đều là cán bộ lão thành, rồi tới bố tôi cũng tham gia vào kháng chiến, khi hòa bình cũng hết lòng phục vụ đất nước với tinh thần của một cán bộ công an. Bố gặp gỡ mẹ từ trong kháng chiến, khi mẹ là một y tá chuyển đến công tác tại sư đoàn của bố. Mối tình đẹp của bố mẹ đơm hoa kết trái thành một đứa bé, là tôi.

Tốt nghiệp cấp II, như chúng bạn khác, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về tương lai của mình. Từ bé đến lớn tôi chỉ sống trong màu xanh áo lính, chơi với chiếc mũ kepi gắn quân hiệu có ngôi sao vàng rực rỡ, tôi mơ một ngày nào đó cũng sẽ khoác lên mình bộ quân phục, cầm súng bảo vệ đất trời tổ quốc. Tôi sẽ học khối C, học văn sử địa để có thể thi đỗ vào trường công an như tôi hằng mơ ước.

Văn đối với tôi không khó, với thành tích 4 năm liền trong đội tuyển văn cùng với một tâm hồn không quá đỗi khô khan, tôi sẽ còn tiếp tục rèn giũa. Nhưng Sử và Địa thì quả thật là một thách thức, tôi sẽ phải nỗ lực hết sức, chọn cho mình một trường cấp 3. Tôi bắt đầu lập kế hoạch cho ước mơ ấy.

Đầu tiên tôi phải từ bỏ việc ngủ nướng, lười nhác vận động, tôi lên lịch tập luyện thể dục thể thao, rèn cho cơ thể cường tráng, khỏe mạnh. Mẹ tôi bảo: “Cứ ốm yếu như mày thì ai người ta tuyển, không có sức khỏe còn không bảo vệ được mình, nữa là bảo vệ ai”.

Những ngày đầu thực sự khó khăn, việc từ bỏ một thói quen quả không dễ dàng; nhất là những ngày đông rét mướt, chỉ muốn vùi đầu vào chăn ngủ nướng thêm chút nữa. Nhưng chưa một lần tôi tự buông thả mình, bởi chỉ cần cho phép mình lười nhác một lần, nó sẽ trở thành thói quen, và ăn mòn cái quyết tâm tôi đã cố công tạo dựng.

Tôi chú trọng vào học các môn xã hội hơn, biết mình yếu nên càng phải cố gắng. Tôi vốn sợ môn Lịch sử, tôi cố gắng nghe giảng, cố gắng nhớ được những sự kiện chính, cố gắng ngồi đọc thuộc lòng, những mốc sự kiện cứ nhảy loi choi trong đầu, như một ma trận, không tài nào nhớ được.

 Khủng hoảng, như thế này làm sao có thể thi vào trường tôi mơ ước. Mẹ lại vỗ vai tôi “con cứ bình tĩnh, nó cũng như môn Văn hay bất kỳ môn xã hội nào khác, không phải cứ học như một con vẹt, cần phải có phương pháp”. Tôi bắt đầu để ý đến phần nội dung nhiều hơn, ngày tháng rắc rối đã tạo cảm giác khó khăn đáng sợ cho tôi trước kia.

 Cứ cố công học thuộc những con số, những dữ kiện, ngày tháng mà tôi không thấy những trận chiến oanh liệt, những chiến thắng hào hùng ở sau kia. Những trận chiến hào hùng mà ông hay kể khi gặp lại đồng đội cũ. Hóa ra môn Sử không hề xa lạ, nó là thực tế của mấy mươi năm trước đây thôi.

 Tôi tìm được sự thích thú trong môn học tưởng chừng như khô khan với toàn dữ kiện, tôi đọc nhiều hơn, thấu hiểu được tư tưởng, chuỗi ngày tháng đi kèm cũng tự khắc liên kết lại với nhau. Quên là điều kiện cần của nhớ, học Sử phải quên đi cái bề ngoài dễ gây sự hoang mang.

 Tiếp đó là phải tập viết, sau nhiều bài kiểm tra chỉ được điểm trung bình, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức, tôi đã rút ra kinh nghiệm xương máu rằng không phải ngay khi cầm đề lên là cắm đầu cắm cổ viết, mà phải có một dàn ý rõ ràng, nghĩa là khi đó mới nắm được vấn đề một cách sâu sắc. Viết nhiều, tôi cảm thấy môn Sử đã nằm trong tay.

 Tôi kiên trì với kế hoạch của mình, vừa học tốt các môn văn hóa, đặc biệt là 3 môn khối, vừa tiếp tục rèn luyện bản thân. Việc tôi sẽ trở thành một sĩ quan quân đội là một lẽ đương nhiên với cả gia đình, và cũng là hình ảnh mà tôi đã mơ từ khi biết cầm mũ kepi của bố chơi. Gần ngày thi, bác hàng xóm còn bảo: “Mày thi nghề đó làm gì, khắc nghiệt lắm biết không”. Hơi xíu buồn và lo lắng, nhưng tôi đã chuẩn bị tâm lý, ước mơ của tôi sao dễ lung lay thế được.

 Tôi mỉm cười, mình đã trên con đường biến ước mơ thành sự thật. Nhưng trớ trêu thay, tôi lại không vượt qua được “vòng thi” chữ C lộn ngược, tôi không thấy rõ trên, dưới, phải hay trái. Cô y tá phán “cận thị”. Trường mà tôi ứng tuyển không chấp nhận trường hợp bị cận thị, bầu trời như tối sầm lại trước mắt.

Với quan hệ của ông và bố, tôi có thể được “chạy” để bỏ qua phần này, nhưng với tinh thần người lính, họ nhất quyết không. 12 năm trời, tôi chỉ học để làm một sĩ quan quân đội. 12 năm trời tôi nỗ lực chỉ để được khoác lên mình bộ áo lính, được oai hùng như ông, như bố mẹ. Niềm tin trong tôi sụp đổ, vỡ tan tành, tôi giận bố mẹ không giúp tôi thực hiện được mơ ước.

Chán nản, tôi nhờ cô giáo dạy văn đăng ký bừa cho tôi một khoa nào đó của một trường nào đó phù hợp với tôi. Sau một hồi suy xét, cô đăng ký cho tôi khoa Đông Phương học của trường Xã hội nhân văn. Cô bảo khoa này mới, sau ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Đối với tôi, học ngành gì không còn nghĩa lý gì nữa.

Tôi học Đông phương, cũng học tốt tất cả các môn, cũng giành được học bổng và vẫn không nguôi ước mơ khoác trên mình bộ áo lính. Hy vọng lại bừng cháy trong tôi khi một lần, vô tình đọc được thông tin trường Học viện Kỹ thuật quân sự vẫn tuyển học viên cận thị dưới 3 độ. Tôi bắt đầu lập lại kế hoạch cho tương lai của mình, lại một thử thách mới khi 3 năm học cấp 3 tôi chỉ tập trung ôn khối C, thất bại từ lần trước đã khiến tôi chây lười.

Đã có nền tảng Toán trong tay, tôi phải tiếp tục cố gắng, làm mới lại bản thân, tôi không cho phép mình bỏ qua cơ hội một lần nữa. Trau dồi kiến thức, sinh hoạt đúng chế độ để không tăng độ mắt. Không bao giờ là muộn cả, quan trọng là có ước mơ và bắt tay vào thực hiện ước mơ đó.

 Giờ đây, tôi đang đứng dưới quân kỳ, tôi bước đi trong đội hình người chiến sĩ, khoác lên mình bộ quân phục, với tinh thần quân nhân, tôi đã hiểu vì sao bố mẹ lại không làm gì để cứu tôi cả. Chỉ có bước lên bằng chính đôi chân mình, tôi mới cảm nhận được trọn vẹn hạnh phúc này. Tôi thầm cảm ơn bố mẹ, cảm ơn truyền thống gia đình đã ươm mầm trong tôi ước mơ đẹp ấy, để hôm nay tôi đứng đây, sống và làm việc cho đất trời tổ quốc.

Tôi kể lại cho các bạn câu chuyện về ước mơ của tôi, đã có những lúc nó gần như bị giết chết vì tôi nản lòng học, hay lúc nó vuột mất khi tôi không đủ điều kiện sức khỏe. Nhưng giờ đây, bạn thấy đấy, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, bởi cơ hội luôn đến với tôi, với bạn. Và sẽ không ai có thể giúp bạn cả, bạn sẽ phải cố gắng với 100% bản thân bạn, và chịu trách nhiệm hoàn toàn với nó; chỉ cần bạn không ngừng ước mơ.

 Khắc Đạt

Rèn luyện tiếng Anh để trở thành phiên dịch giỏi

Tôi cải thiện môn nói bằng cách học phát âm theo đĩa, giá mà tôi có máy vi tính lúc đó thì việc học sẽ dễ dàng hơn nhiều. Rồi cứ như thường lệ, lúc nào rảnh là tôi đọc báo tiếng Anh rồi dùng điện thoại ghi âm giọng nói của mình.

Trong cuộc đời mỗi người ai chẳng có ước mơ, ai chẳng một lần ấp ủ sau này sẽ thế nọ thế kia, nhưng con đường để chạm tay đến ước mơ thì quả là gian nan, đầy thử thách và con đường ấy đã đánh gục bao trái tim và tinh thần.

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã mơ ước sẽ trở thành một người phiên dịch tiếng Anh giỏi cho chủ tịch nước, các nguyên thủ quốc gia trong tương lai. Đối với tâm hồn non nớt của một cô bé như tôi lúc đó thì phiên dịch là một nghề thú vị.

Tôi tin rằng người phiên dịch giống như một “cây cầu ngôn ngữ” có sức mạnh thần kỳ đến nỗi họ có thể kết nối con người với con người, giúp cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Tôi tin rằng người phiên dịch nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng cho sự sống còn của một đất nước.

 Tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ của một cô bé vẫn chưa qua tuổi 18 và mọi thứ đối với tôi thật là đơn giản. Ngày ấy tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình thi đỗ đại học, vào trường ngoại ngữ thì chắc chắn sau này ước mơ ấy sẽ trở thành sự thật. Tôi bắt đầu lao vào học tiếng Anh như một con thiêu thân. Những ngày tháng chật vật ngập đầu trong bài vở cũng không uổng phí chút nào bởi tôi đã được đền đáp bằng tờ giấy báo nhập học. Thế là tôi đã đi được một nửa chặng đường khá gian nan, nhưng hóa ra chặng đường thứ hai còn dài hơn và vất vả hơn tôi tưởng rất nhiều.

 Tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, sự ồn ào nhộn nhịp của đất Hà thành, một môi trường học tập quá xa lạ, quá hiện đại đối với một con bé tỉnh lẻ như tôi. Tôi chưa một lần rời vòng tay cha mẹ để sống cuộc sống tự lập, sống giữa chốn thành thị đông đúc, giữa những con người cứ nhìn mình như một sinh vật lạ vậy.

 Tôi không hề yếu đuối mà thậm chí còn rất mạnh mẽ, vậy mà tôi đã bật khóc ngon lành khi cảm nhận được sự trơ trọi của mình giữa dòng đời xô bồ hối hả. Nhưng đó chưa phải là tất cả bởi nỗi sợ hãi còn kinh khủng hơn khi ngày đầu tiên tôi bước vào lớp và được các bạn chào đón bằng những câu tiếng Anh kỳ lạ mà tôi chưa từng nghe nói bao giờ.

Khi còn học cấp III, tôi chỉ được học ngữ pháp chứ có biết gì là listening hay speaking đâu, thế mà lên đại học tôi suốt ngày bị tra tấn, ám ảnh bởi những tiếng nói, những âm thanh kỳ lạ đó. Mọi suy nghĩ như sụp đổ, tôi không hiểu cô giáo cũng như các bạn đang nói gì, tôi tưởng mình lạc vào một đất nước mà không có người nào cùng dân tộc với mình.

Các bạn nói tiếng Anh trôi trảy và tự nhiên quá. Tôi ngồi cứng họng suốt cả giờ học để chờ cho những giây phút nặng nề ấy trôi qua. Nỗi cô đơn cùng nỗi lo bài vở khiến tôi ngày càng chán nản và có những suy nghĩ tiêu cực. Tôi nhớ cái nhà tắm nơi phòng trọ, nơi tôi có thể ngồi khóc cả giờ mỗi lần đi học về và cái ý nghĩ gọi điện về nhà xin bố mẹ cho tôi bỏ cuộc, cho tôi về nhà cứ đeo bám tôi dai dẳng.

Thế nhưng ý chí một đứa con gái ngang bướng và mạnh mẽ không cho phép tôi làm thế. Tôi ý thức rõ rằng mình lên Hà Nội là để học, để chắp cánh cho ước mơ bay cao bay xa, bởi chỉ có học thì mới có thể làm phiên dịch cho chủ tịch nước và chu du khắp thế giới, chỉ có học mới đền đáp công ơn bố mẹ mà thôi. Tôi đã thức trắng đêm ấy để suy nghĩ về những ngày đầu tiên ngồi trên giảng đường đại học và cười cho sự hèn nhát, ngu xuẩn của mình.

“Tại sao mình lại lãng phí thời gian để ngồi khóc lóc, than vãn làm gì, có khóc thì cũng chẳng có ông Trời hiện ra mà giúp đỡ đâu, chẳng ai cứu nổi ta ngoài chính bản thân ta. Vậy tại sao ta không tìm cách thoát khỏi tình trạng ấy?”. Tôi như người vừa tỉnh dậy sau một cơn mê dài đằng đẵng, tôi tự nhủ rằng đó sẽ là những giọt nước mắt cuối cùng cho những điều ngốc nghếch chỉ có ở một đứa trẻ yếu đuối. Tôi bắt đầu lập kế hoạch lâu dài cho việc học tiếng Anh.

Để trở thành một người phiên dịch giỏi thì nhất thiết phải nghe để hiểu được người ta nói gì, rồi kỹ năng nói tiếng Anh phải “như gió” và phát âm phải thật chuẩn. Muốn nghe nói tốt thì nhất thiết phải luyện tập nhiều bởi “practice makes perfect”. Nhưng tôi chẳng có thiết bị nào để nghe cả, tôi thuyết phục bố mẹ mua cho một cái đầu đĩa nhỏ để có thể mang theo bên mình, có thể mở đĩa nghe bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Tôi nghe nhiều đến nỗi đau nhức tai tưởng chừng sắp thủng màng nhĩ đến nơi, rồi cả khi đi ngủ những âm thanh ấy vẫn còn văng vẳng đâu đây. Với môn nói thì tôi không thấy khó khăn lắm bởi cô giáo tôi bảo rằng kỹ năng nói rất đơn giản, chỉ cần mình “cắt đứt dây thần kinh xấu hổ” là có thể tự tin nói chuyện. Tôi hơi tự phụ khi cho rằng thiếu gì chứ tự tin thì tôi có thừa.

Tôi cải thiện môn nói bằng cách học phát âm theo đĩa, giá mà tôi có máy vi tính lúc đó thì việc học sẽ dễ dàng hơn nhiều. Rồi cứ như thường lệ, lúc nào rảnh là tôi đọc báo tiếng Anh rồi dùng điện thoại ghi âm giọng nói của mình. Khả năng nghe và nói của tôi được cải thiện đáng kể để có thể nghe những bài giảng của thầy cô và nói chuyện với các bạn trong lớp, nhưng tôi chưa dám nói chuyện với người nước ngoài.

Tôi biết học tiếng Anh là để làm việc với người nước ngoài, hơn nữa nghề phiên dịch là phải gặp gỡ những người nước ngoài thường xuyên, vì thế nếu chỉ tự học và chỉ giao tiếp ở phạm vi trong trường học thì chưa thể trang bị cho mình đầy đủ các kỹ năng cần thiết. Hơn nữa nếu mình có kiến thức chuyên môn nhưng lại thiếu đi những kỹ năng mềm khác thì mai sau ra trường sẽ khó mà đứng vững.

Thế là tôi quyết định lên thư viện, vào mạng để tìm các thông tin về các câu lạc bộ tiếng Anh trên địa bàn Hà Nội. Tôi đã tìm thấy một câu lạc bộ tiếng Anh như tôi mong muốn, nơi mà tôi có thể nói chuyện thoải mái với sinh viên của các trường cũng như với người Mỹ. Tôi thấy trình độ tiếng Anh của mình nâng cao rất nhanh, tôi bỗng trở thành người nói nhiều trong các cuộc gặp gỡ và có thêm nhiều bạn mới.

 Mục tiêu ngắn hạn của tôi là có thể nghe và giao tiếp với người nước ngoài nhưng như thế thôi chưa đủ, bởi sau này ra trường các nhà tuyển dụng bao giờ cũng đòi hỏi kinh nghiệm và nếu mình có nhiều thành tích để chứng tỏ khả năng của mình thì đó là một lợi thế lớn. Tôi thì chưa có gì cả, vẫn chỉ hai bàn tay trắng, ngay cả lúc này khi tôi đã là cô sinh viên năm thứ ba.

Tôi quyết tâm sẽ tham gia các cuộc thi tiếng Anh trên mạng, các trò chơi trên truyền hình để mình trở nên tự tin hơn nữa. Tôi dự định tham gia một khóa học tiếng Anh giao tiếp để có cơ hội học tập và làm việc với người nước ngoài và thế là tôi tự tìm cơ hội cho mình. Tôi viết một câu chuyện về cô giáo mình nhân ngày 20/11.Và thật bất ngờ tôi đạt giải nhất và giải thưởng là một khóa học giao tiếp quốc tế.

 Tôi nghĩ rằng đó chỉ là may mắn và may mắn thì ít khi đến lần thứ hai nếu người ta không tiếp tục phấn đấu, tiếp tục nỗ lực. Tôi vẫn đang cố gắng và sẽ cố gắng đến khi nào mình không thể cố thêm nữa. Tôi luôn suy nghĩ rằng học càng nhiều càng tốt, học không bao giờ là phí cả, những kiến thức ta không dùng bây giờ thì rất có thể sau này sẽ giúp ích cho mình.

Tôi luôn hỏi những người có kinh nghiệm xem hướng mình định đi thế này có đúng không và khi nào mình nên dừng lại. Sau những cuộc tư vấn ấy tôi luôn nhận được những lời khuyên bổ ích. Tôi muốn học thêm tin học vì mọi người thường bảo nếu có bằng tiếng Anh và chứng chỉ tin học thì sau này xin việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nhưng tôi muốn tìm kiếm cơ hội học tập bằng chính khả năng và công sức của mình chứ không phải bằng những giọt mồ hôi rơi xuống những ruộng lúa, những hạt thóc kia. Tôi biết điều đó là rất khó khăn nhưng chỉ cần niềm tin không bao giờ vụt tắt trong trái tim và khối óc thì con đường đi đến thành công dù dài nhưng không phải không thể chạm tay đến.

Tương lai là một ẩn số mà loài người đang cố công tìm kiếm rồi dự đoán nhưng còn quá nhiều điều bất ngờ mà ngay cả các nhà khoa học khó có thể lật mở hết các ẩn số ấy. Chỉ còn hơn một năm nữa là tôi sẽ ra trường, vậy mà tôi chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật hay phiên dịch. Tôi đang cố gắng tìm kiếm các cơ hội việc làm nhưng quả thật rất khó nếu chỉ dựa vào bản thân mình.

Tôi đã thử rất nhiều, thất bại rất nhiều nhưng tôi như hiểu ra rằng muốn đứng vững trên đường đời đầy bon chen thì cần phải tạo mối quan hệ tốt với tất cả mọi người. Tôi không biết mình có làm được không bởi tôi vốn quen tự lực cánh sinh, không quen nhờ vả người khác nhưng có lẽ mọi người nói đúng, bởi ta không thể tồn tại mà không có tập thể, nhưng cũng đừng ngồi chờ người ta mang cơ hội đến mà hãy tự tạo cơ hội cho mình thì cánh cửa đến với thành công sẽ mở rộng.

 Dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn tin con đường mình đi là đúng đắn và sẽ không bao giờ hối hận về quyết định của mình. Nếu bạn đang có ước mơ thì hãy lắng nghe và suy ngẫm những chia sẻ của tôi, đó là những điều hết sức chân thật mà tôi đã, đang trải qua. Ta không thể thay đổi số phận nhưng ta có thể cải thiện và biến nó thành những điều tuyệt vời nhất mà ta không thể ngờ tới.

 Đặng Thị Uyên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: