Tôi là Zlatan (kỳ 31-40)
Kỳ 31: Quyết chiến với Inter
Cứ bước vào trận là Mihajlovic làm đủ mọi trò để khiêu khích. Có lần Mihajlovic gọi Patrick Vieira là "nero de merda" và bị cảnh sát điều tra vì phân biệt chủng tộc. Một lần khác anh ta đá và phun nước bọt vào người Adrian Mutu rồi lĩnh án treo giò 8 trận.
Nhưng tôi không có vấn đề gì với Mihajlovic. Với tôi những gì xảy ra ở sân cỏ sẽ nằm lại ở sân cỏ. Đấy là phương châm sống của tôi.
Với cầu thủ, việc bị chơi xấu, sỉ nhục, va chạm xảy ra hàng ngày trên sân cỏ. Bạn đâu thể để những việc ấy ảnh hưởng tới mình làm gì. Hậu vệ họ cũng làm việc của họ thôi mà và họ làm việc ấy theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất.
Tôi vẫn hay bị lôi gia đình và danh dự ra sỉ nhục. Nhưng tôi không húc đầu, tôi không đánh nhau trên sân cỏ. Tôi chỉ lấy những lời miệt thị ấy làm động lực để chơi bóng tốt hơn.
Tôi luôn có những pha xử lý đầy sức mạnh, khiến cho các hậu vệ gặp nhiều vất vả. Lúc này tôi đã không còn là gã tiền đạo gầy gò thích lừa bóng như hồi còn ở Ajax. Tôi mạnh hơn, nhanh hơn, nhưng không bao giờ tôi chơi xấu.
Sau đó Roberto Mancini, HLV của Inter và từng là một trong những tiền đạo hay nhất Serie A, đã nói: "Ibrahimovic là một hiện tượng. Khi chơi với phong độ tốt, việc kèm anh ta là bất khả thi".
Hậu vệ cố chơi xấu, tôi lại càng tỏ ra rắn rỏi. Tôi không sợ sệt, là một "Il gladiatore" như báo chí gọi.
Trận gặp Inter, tôi và Cordoba đã chạm đầu nhau những 4 lần. Đến lần thứ 4 thì cả 2 cùng gục xuống. Tôi thấy hoa mắt khi đứng dậy, còn Cordoba thì đang chảy máu. Bác sĩ phải khâu lại và che vết thương với một miếng Band-Aid. Nhưng sau đó mọi thứ cũng không hề nhẹ nhàng hơn. Ngược lại là khác. Chúng tôi nhìn nhau với ánh mắt dành cho kẻ thù trong chiến tranh.
Đến phút thứ 30, đến lượt Mihajlovic và tôi chạm nhau tóe lửa. Lúc mở mắt ra thì tôi thấy "kẻ thù" đang nằm kế bên mình. Lúc ấy tôi thật sự mất bình tĩnh.
Mihajlovic vừa nhổm người định phang nhau thì tôi đã phản ứng bằng cách đưa ra một cú húc đầu. Tôi chỉ dọa thôi, một sự cảnh cáo không hơn không kém, chứ không hề có định húc thật. Bạn phải tin tôi, tôi mà húc thật là đố Mihajlovic có thể đứng dậy nổi.
Nhưng Mihajlovic đã ngã xuống như một gốc gây vừa bị cưa đổ. Anh ta ôm mặt và lăn lộn hệt như một diễn viên để tác động trọng tài đuổi tôi ra. Nhưng hành động ấy không có hiệu quả bởi tôi không bị phạt, dù chỉ một thẻ vàng.
Thẻ vàng chỉ đến 1 phút sau đó, sau một pha va chạm khác, lần này là với Favalli. Trận đấu ấy bị gãy nát bởi hàng loạt những pha va chạm như vậy, nhưng tôi đã chơi tốt và có mặt trong hầu hết tất cả các cơ hội nguy hiểm nhất của Juve. Tuy nhiên thủ môn Francesco Toldo đã có một trận tuyệt vời, cứu thua hết pha này đến pha kia. Rồi ở phần sân bên kia Julio Cruz đánh đầu mở tỷ số, chúng tôi làm mọi cách có thể để kéo trận đấu lại.
Cordoba muốn trả đũa, gã tông tôi một đạp vào hông và nhận thẻ vàng. Mihajlovic và Materazzi vừa chơi xấu vừa chửi luôn mồm. Tôi cố bỏ qua tất cả những chuyện ấy. Tôi có một cú sút xa đưa bóng bật vào cột dọc và một quả sút phạt buộc Toldo phải bay người hết cỡ. Nhưng vẫn không thấy bàn thắng đâu.
Thời gian dần trôi đến những phút cuối cùng và tôi một lần nữa va chạm với Cordoba. Lần này tôi tặng cho gã một cú đấm vào cằm và cổ. Trọng tài không thấy, chả sao cả. Nhưng Juve đã thua trận đấu quan trọng nhất rồi, thất bại ấy có thể khiến chúng tôi đánh mất Scudetto.
Rồi tiểu ban kỷ luật của Serie A coi lại băng ghi hình, thấy tôi nện Cordoba và treo giò tôi 3 trận. Đấy thật sự là một thảm họa. Tôi sẽ lỡ những trận đấu khép lại mùa bóng, có cả trận gặp Milan vào ngày 8/5 nữa. Như vậy là bất công. Tôi nói với các phóng viên như thế.
Sau tất cả những gì mà tôi phải đón nhận trong trận đấu ấy, tôi lại còn phải nhận thêm một cái án treo giò 3 trận trong khi những tay hậu vệ đồ tể kia thì không bị gì.
Án treo giò ấy cũng là một mất mát rất lớn cho Juve. CLB đành phải gọi đến viên luật sư ngôi sao Luigi Chiappero. Chính Chiappero đã cãi thắng cho Juve nhiều vụ trong quá khứ, trong đó có cả scandal doping. Dân làm luật có khác, ông ta đưa ra những lý lẽ hết sức thuyết phục, thậm chí còn thuê cả chuyên gia đọc khẩu hình để cho tiểu ban kỷ luật thấy Mihajlovic đã phun ra những từ ngữ khủng khiếp nào dành cho tôi.
Rồi Luciano Moggi, người không sợ trời không sợ đất, cũng vào cuộc. Ông ta nói đoạn băng mà tiểu ban kỷ luật dùng là của Mediaset, mà Mediaset là của nhà Berlusconi, mà Berlusconi thì sở hữu Milan.
Tất nhiên là Mediaset phải đưa ra chứng cứ có lợi cho Milan rồi. Nếu không thì tại sao họ sốt sắng đến vậy trong vụ này. Nhưng hỡi ôi, bao nhiêu nỗ lực tuyệt vời ấy đều là công cốc. Án treo giò phải được thực thi, và tôi phải làm khán giả trong chặng cuối của mùa bóng, một mùa bóng mà tôi đã chơi rất tuyệt vời.
Kỳ 32: Khán giả trận derby
Khi ấy chúng tôi lẫn Milan đều có 76 điểm. Căng thẳng vô cùng. Trận đấu là chủ đề lớn tại Italia suốt nhiều tuần lễ liền và tuyệt đại đa số, kể cả các nhà cái, đều tin Milan là đội "chiếu trên". Đã có 80.000 vé được bán ra.
Milan đá trên sân nhà trong khi Ibra - cầu thủ quan trọng nhất của Juve - không thể có mặt. Adrian Mutu thì bị treo giò trong khi Zebina và Tacchinardi bị chấn thương. Rõ ràng Juve không có lực lượng tốt nhất cho trận đấu. Phía Milan thì vô cùng hùng hậu. Họ có Cafu, Nesta, Stam, Maldini ở hàng thủ, Kaka ở giữa sân và bộ đôi tiền đạo Filippo Inzaghi - Shevchenko trên tuyến đầu.
Tôi cảm thấy mình như bị cột tay cột chân lại vậy. Việc phải đọc những gì báo chí viết về mình trong thời gian ấy là một sự tra tấn. Họ bảo chính cơn điên của tôi đang làm hỏng mùa bóng của Juve.
"Anh ta cần phải cư xử tốt hơn, cần phải bình tĩnh và trưởng thành hơn", toàn những thứ như thế trên báo. Kể cả Capello cũng có ý trách cứ tôi. Họ làm như tôi không khó chịu khi phải lỡ trận đấu này vậy. Nếu có ai khó chịu nhất về việc tôi phải ngồi ngoài thì đấy là chính tôi.
Nhưng ngoài việc lực lượng ra, Juve lại có được sự chuẩn bị tốt cho trận đấu, nhất là về mặt tinh thần. Bao nhiêu tinh hoa của Capello đều được phát tiết vào lúc này.
Mọi người cảm thấy mình tràn trề năng lượng. Sau 27 phút của trận đấu, Del Piero dốc bóng ở cánh trái và bị Gattuso ngăn chặn. Gattuso, gã tiền vệ có mặt ở mọi nơi có bóng ấy đã chặn quả bóng và khiến nó bay lên cao hơn. Del Piero tiến lên và tung một cú móc bóng, bóng bay vào trong vòng cấm và David Trezeguet đã đánh đầu tung lưới Milan. Nhưng trận đấu còn rất nhiều thời gian.
Milan bắt đầu trút áp lực lên khung thành chúng tôi. 11 phút sau giờ nghỉ, Inzaghi có bóng trống trải. Anh ta sút nhưng Buffon đã cản phá thành công, bóng lại rơi đến tận chân của Inzaghi, lần này Zambrotta đã phá bóng ngay trên vạch vôi.
Cơ hội nối tiếp cơ hội. Del Piero sút bật xà ngang và Cafu đòi một quả phạt đền. Một trận đấu hay với nhiều biến cố. Nhưng tỷ số 1-0 đã được giữ đến hết giờ. Chúng tôi đã trút bỏ một tấn áp lực trên vai, cán cân Scudetto thay đổi.
Ngày 15/5, tôi sẽ trở lại trong trận gặp Parma tại Delle Alpi. Áp lực lên tôi là rất lớn. Đấy là nơi tôi tái xuất sau án treo giò 3 trận. 10 tờ báo hàng đầu châu Âu đã bầu chọn tôi vào vị trí thứ 3 trong số những ngôi sao tấn công hay nhất châu Âu, chỉ sau Shevchenko và Ronaldo. Thậm chí người ta còn bàn tán về khả năng tôi tranh Quả bóng vàng.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn về tôi, đặc biệt là khi Capello hy sinh người hùng Trezeguet để có chỗ cho tôi. Tôi buộc phải chơi thật hay. Không có đánh nhau hay treo giò nữa. Mọi camera đều đổ dồn về phía tôi. Các khán đài hò reo vang dậy.
"Ibrahimovic, Ibrahimovic, Ibrahimovic."
Trái tim tôi đập liên hồi. Chúng tôi dẫn 1-0 từ sớm và sau đó, phút thứ 23, sau cú đá phạt của Camoranesi, bóng bay đến vị trí của tôi. Trước đó tôi bị chỉ trích nhiều là chơi đầu không giỏi, dù rất cao to. Nhưng lần này tôi đã đánh đầu một quả hết xảy: rất mạnh và chính xác. Trong trận đấu cùng giờ, Lecce đã gỡ hòa 2-2 với Milan. Scudetto đã ở gần chúng tôi hơn bao giờ hết.
Chỉ cần đánh bại Livorno ở vòng đấu tiếp theo là Juve sẽ vô địch. Nhưng chúng tôi thậm chí không cần phải đá. Ngày 20/5, Milan bất ngờ để thua Parma 1-3 và Juve chính thức là nhà vô địch.
Mọi người khóc trên đường phố Turin, chúng tôi leo lên một chiếc xe bus mui trần và dạo quanh thành phố. Mọi người tràn ra đường, lèn kín những con phố. Ai cũng ca hát, hò hét. Tôi cảm thấy mình vui như một đứa trẻ. Tôi không thích uống rượu, nhưng đêm ấy tôi đã nốc như một gã điên.
Chúng tôi đã vô địch. Không một cầu thủ Thụy Điển nào giành Scudetto kể từ sau Kurre Hamrin với Milan hồi 1968. Nhưng tầm quan trọng của tôi với chức vô địch của Juve năm ấy tất nhiên phải cao hơn nhiều. Tôi được bầu là cầu thủ nước ngoài hay nhất Serie A và là cầu thủ Juve hay nhất mùa. Scudetto đã là của tôi, tôi nốc và nốc rượu liên hồi. David Trezeguet đã thách thức tôi uống: "Mày ghi bàn chất đấy, nhưng uống cũng thường thôi. Không thì chứng tỏ tao sai đi".
Vodka tràn ngập căn phòng, hết lượt này đến lượt kia. Tôi cứ uống như thế cho đến khi còn còn đếm được nữa. Khi thấy đầu óc quay mòng mòng, tôi dự định đi tắm, có thể nó giúp cho mình tỉnh táo hơn một chút, rồi ra...uống tiếp.
Nhưng sau đó đầu tôi nặng như đeo chì và tôi không biết gì nữa. Tôi ngủ luôn trong bồn tắm. Helena đánh thức tôi dậy và cười rất to. Và tôi đã nói với nàng: "Anh cấm em nói chuyện này với ai đấy nhé".Kỳ 33: Choảng nhau với Vieira
Tôi chuẩn bị gặp Moggi để nói chuyện gia hạn hợp đồng lần đầu tiên. Rõ ràng là tôi muốn một hợp đồng tốt hơn, nhưng tôi không hề có ý khiêu khích hay mặc cả với nhân vật này.
Nhưng Mino thì khác. Lão mập này như thường lệ vẫn chả sợ trời sợ đất gì cả. Chúng tôi bước vào phòng làm việc của Moggi khi ông ấy chưa đến. Và thế là Mino leo tót lên ghế của Moggi mà ngồi, chân vắt vẻo lên bàn theo cái cách phè phỡn hết sức.
"Thôi đi bố," tôi nói. "Moggi tới bây giờ đó. Đừng làm hỏng bản hợp đồng của tôi mà. Đến đây mà ngồi nè".
"Ngậm cái mồm mày lại và im lặng dùm," Mino đáp lại.
Tôi còn biết làm gì khác ngoài việc... im mồm đây. Mino là vậy đó, nhưng tôi biết lão mập là một thiên tài trong lĩnh vực thương thảo. Tuy nhiên, sự hồi hộp vẫn tăng dần và tôi có cảm giác không tốt chút nào khi Moggi bước vào phòng với điều xì gà to kệch trên môi.
"Cái gì thế? Dám ngồi lên ghế của ta à?"
"Thôi ngồi xuống và nói chuyện đi nào," Mino phớt lờ sự tức giận của Moggi và vào việc.
Giữa 2 nhân vật này là một lô những câu nói vượt ra ngoài những khuôn phép xã giao như thế. Và cuối cùng tôi cũng nhận được lời hứa về một bản hợp đồng mới tốt hơn rất nhiều. Nếu tôi tiếp tục chơi tốt và giữ được vai trò quan trọng như mùa bóng đã qua, tôi sẽ là người được hưởng lương cao nhất đội. Moggi đã hứa và tôi không thể hài lòng hơn được nữa. Nhưng rắc rối bắt đầu xảy ra.
Năm thứ 2 tại Juventus tôi thường ở cùng phòng với Adrian Mutu khi đá sân khách. Mutu là người Rumani, nhưng anh ta đã đến Italia và chơi cho Inter từ năm 2000 nên rất sành tiếng Italia, điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều.
Nhưng Mutu cũng là một nhân vật thích tiệc tùng, chơi bời. Khi chuyển nhượng sang Chelsea, anh ấy nhậu nhẹt suốt. Điều ấy tất nhiên không tốt với mọi cầu thủ. Anh ấy bị phát hiện dương tính với cocaine và bị Chelsea cắt hợp đồng. Nhưng trong thời gian chúng tôi ở cùng nhau, Mutu đã cai nghiện và sạch sẽ hoàn toàn. Tôi không có vấn đề gì với những chất gây nghiện, một lần ngủ trong bồn tắm là tôi cạch đến già.
Rồi Patrick Vieira cũng đến đội. Đấy là một tiền vệ cực kỳ rắn rỏi, đâu phải tình cờ mà chúng tôi đánh nhau trên sân tập. Tôi không phải là dạng người thỏa hiệp. Ai chơi rắn thì tôi chơi rắn lại.
Tôi biết rõ Vieira là ai và đã có những thành tựu gì trước khi sang đây. Anh ta đã giành 3 chức vô địch Premier League cùng với Arsenal, từng cùng Pháp vô địch châu Âu và World Cup. "Thứ dữ của thứ dữ", nhưng mặc kệ chứ. Tôi vẫn hét lên trên sân tập: "Chuyền quả bóng chết tiệt ấy cho tôi nào".
Vieira nhìn qua và nói: "Ngậm miệng lại mà chạy đi".
"Chuyền cho tôi là tôi ngậm liền," tôi đáp. Rồi chúng tôi xông vào nhau, buộc đồng đội phải nhảy vào can ngăn. Nhưng đấy thật sự không phải là vấn đề và Vieira cũng hiểu điều đó. Chúng tôi luôn muốn cống hiến hết mình bất kể trên sân tập, hay trong trận đấu.
Vieira còn là mẫu cầu thủ có thể giúp cho các đồng đội quanh mình chơi tốt hơn. Đấy là phẩm chất không phải ai cũng có. Thật tuyệt vời khi có Vieira và Nedved ngay sau lưng mình. Không lạ khi tôi khởi đầu mùa bóng thứ 2 của mình rất tốt.
Trước AS Roma, tôi nhận đường chuyền của Emerson ở vòng tròn trung tâm. Không khống chế, tôi dùng gót loại Samuel Kuffour rồi lao về phía khung thành như một mũi tên. Kuffour đã cố chạy theo và kéo áo tôi lại, nhưng anh ta mất đà rồi ngã xuống. Tôi dấn thêm vài nhịp rồi sút bóng vào góc hạ thủ thành Doni. Một bàn tuyệt đỉnh. Khởi đầu mùa bóng vậy là quá ngon lành.
Rồi tôi giành Quả bóng vàng ở Thụy Điển, danh hiệu dành cho cầu thủ giỏi nhất trong năm. Được vinh danh thì vui, nhưng đứng ra tổ chức buổi vinh danh ấy lại là tờ Aftonbladet. Thế là tôi ở nhà luôn, không thèm đến nhận.
Một năm sau Turin đã tổ chức Olympic mùa đông. Mọi người đã đổ về đây rất đông, những bữa tiệc và những buổi hòa nhạc diễn ra thường xuyên tại Piazza Castello vào ban đêm. Tôi và Helena cứ đứng trên ban công mà quan sát. Cũng trong thời gian ấy, tôi và nàng quyết định sẽ có con. Một sự việc quan trọng như thế cần được tham khảo và lên kế hoạch một cách rõ ràng.
Một lần kia tôi và nàng về lại Thụy Điển thăm mẹ, sẵn tiện để Helena bán luôn cái nông trại của mình vì không còn thời gian chăm sóc. Tôi đá bóng ngoài vườn và đá hỏng cái hàng rào của mẹ. Thế là chính tôi phải đi mua đồ về sửa hàng rào, nhưng không cách nào sửa nổi ngoài việc mua luôn cái rào mới. Nó quá cồng kềnh, không thể nhét vào xe hơi được. Thế là tôi vác lên vai và đi bộ 2 cây số về nhà, lòng thầm nhớ lại ký ức bố tôi đã bê cả cái giường về nhà.
Kỳ 34: Đấu trí với Moggi
Tôi buộc phải ở lại lâu hơn trong phòng thể lực và cố thay đổi thực đơn ăn uống. Ngoài ra còn có vấn đề liên quan đến hợp đồng mới nữa. Moggi đã hứa, nhưng chưa thấy ông ấy làm gì cả.
Moggi tìm đủ mọi cách để khoái thác. Ông ấy lúc nào cũng chơi chiêu mà, nhưng lần này là lý do gì đây, tôi không tài nào đoán ra. Tuần tới rồi tháng tới, cứ thế thời gian trôi đi và Moggi luôn tìm ra một cách gì đó để lẩn tránh. Quá sức chịu đựng, tôi đến nói với Mino:
"Chết tiệt. Ông làm sao cho tôi ký ngay được không? Tôi hết hứng tranh cãi và chờ đợi rồi"
Nhưng Mino có giục cũng không ăn thua. Tôi vẫn phải vừa tập luyện, vừa thi đấu trong tâm trạng bất an. Đấy là một trận Champions League, chúng tôi tiếp Bayern trên sân nhà, nơi tôi gặp một trung vệ tên Valerien Ismael. Tay này cứ kè kè theo tôi suốt cả trận, tâm trạng không tốt nên tôi cho gã một đạp và nhận thẻ vàng. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Phút thứ 90 tôi ngã trong vòng cấm địa. Khi ấy đã gần hết giờ và tôi cần phải bĩnh tĩnh hơn, đội nhà đang dẫn 2-1 và trận đấu sẽ sớm kết thúc thôi. Nhưng tôi điên Ismael quá mức nên tôi vật gã xuống sân và ăn thêm một thẻ vàng.
Thẻ đỏ, Capello tất nhiên là không vui chút nào. Ông ta gào lên. Không sao, tôi quả đã phạm một sai lầm hết sức ngốc nghếch.
Vấn đề không phải là Capello mà là Moggi. Ông ta bảo bản hợp đồng mới của tôi không còn trên bàn giấy nữa, Juve quyết định sẽ hủy thương lượng. Tôi thật sự đã rất điên. Chả lẽ một bản hợp đồng tốn biết bao thời gian thương thảo, phần thưởng cho cả một năm phấn đấu của tôi lại trở thành tờ giấy lộn chỉ sau một sai lầm hay sao?
"Nói với Moggi là tôi sẽ không bao giờ gia hạn, dù cho lão có mang đến một hợp đồng khác tốt hơn," tôi nói với Mino. "Tôi muốn được chuyển nhượng".
"Uốn lưỡi 7 lần rồi hãy nói nhé, thằng khùng", Mino nói.
Tôi quyết định sẽ có chiến tranh với Moggi. Mino đến và nói với ông ấy: "Hãy coi chừng Zlatan. Nó điên vô cùng, ông có khả năng mất nó cho xem".
Moggi xin lỗi và hứa sẽ ký ngay vì Juve không thể để mất một cầu thủ như tôi. Nhưng hứa thật nhiều, thất hứa rồi cũng thật nhiều. Lại thêm 2 tuần trôi qua. Moggi lại kiếm chuyện đi công tác, hay đại loại thế để tiếp tục trì hoãn. Thế là Mino gọi cho tôi.
"Tao nghe có mùi không êm nha mày"
"Ý ông là sao?"
"Tao chưa rõ, nhưng Moggi cư xử lạ lắm".
Không chỉ Mino "ngửi" thấy mùi lạ, mọi người bắt đầu lờ mờ là sẽ có một biến cố gì đó đang chuẩn bị xảy ra. Có chuyện xảy ra với cả Lapo Elkann, cháu của Gianni Agnelli. Đấy là một tay chơi, một biểu tượng thời trang đúng nghĩa, nhưng rất ít khi dính vào công việc điều hành Juventus.
Moggi và Giraudo làm hết tất cả, những người chủ không phải động tay vào. Nhưng Lapo Elkann vẫn là biểu tượng của CLB và hãng FIAT. Có lúc anh ta được bầu là người ăn mặc đẹp nhất Italia nữa.
Lapo Elkann chơi cocaine quá liều và dính vào scandal chơi gái chuyển giới. Khi cấp cứu mang Lapo vào bệnh viện, anh ta chả còn biết trời đất gì nữa. Tin ấy lập tức leo lên trang nhất của tất cả các báo. Sau này tôi mới biết đấy thật ra chỉ là viên gạch đầu tiên rớt ra trong một bức tường đang chuẩn bị đổ sụp.
Moggi dính líu đến cảnh sát. Một khi cảnh sát đã lên tiếng thì điều đó nghĩa là họ đã theo dõi hành tung của ông ấy từ rất, rất lâu rồi. Scandal doping ngày trước bị thổi bùng lại, cộng thêm việc Moggi đã thu xếp để chọn trọng tài cho các trận đấu của Juve.
Những đoạn băng ghi âm, những cuộc điện thoại bị phanh phui. Tôi thật sự chả quan tâm mấy đến những chứng cớ này bởi vì Juve không cần chúng để trở thành số 1. Tôi nói thật, chứ không phải kiểu xã giao "ăn cây nào rào cây nấy" đâu.
Khi có một đội nào đó thống trị, luôn có những thế lực khác muốn kéo đội đó xuống bùn. Truyền thông biến chuyện này thành một cuộc chiến tranh đúng nghĩa. Nhưng rác rưởi, rác rưởi hết. Chúng tôi đã chiến đấu đến mức đổ máu gãy xương ở ngoài kia.
Trọng tài nào giúp chúng tôi giành Scudetto. Tôi mà va chạm hay đạp ai đó, gã đó phải bay xa 4 thước là ít, trọng tài nào mà cứu tôi được khi hình ảnh ấy được truyền đi toàn thế giới. Tôi chả bao giờ là bạn bè với cánh trọng tài, các đồng đội tôi cũng thế. Juve trở thành số 1 vì chúng tôi là những người giỏi nhất.
Người đứng sau tất cả những chuyện kiện tụng điều tra này là Guido Rossi, một người có dính líu mật thiết đến Inter. Mà Inter lại là CLB duy nhất không dính vào scandal lần này. Lạ lùng không? Hay là không có gì lạ lùng cả?
Kỳ 35: Trong tâm bão Calciopoli
Người ta nói Moggi đứng sau mọi quyết định phân công của Hội đồng trọng tài. Khi chúng tôi thua Reggina vào tháng 11-2004, Moggi đã chửi vị trọng tài như tát nước.
Khi Đức Giáo hoàng qua đời, cả đất nước buồn bã thì chính Moggi đã yêu cầu các trận đấu tại Serie A vẫn phải tiếp tục. Báo chí bảo vì đối thủ của chúng tôi ngày ấy có 2 cầu thủ chấn thương và 2 cầu thủ bị treo giò. Bao nhiêu sự thật trong tất cả những chuyện ấy? Tôi chả biết. Vụ trọng tài thoạt nghe thấy rất có lý, nhưng nghĩ kỹ lại thì chả có chút ý nghĩa nào cả. Đã bao nhiêu lần bạn phun sa sả vào mặt trọng tài khi đội nhà thua. Vậy là... dàn xếp sao?
Trước khi bị gọi là Calciopoli, vụ án ấy mang tên là Moggiopoli và Moggigate. Báo chí còn bảo chính Moggi là người vạch ra kịch bản tôi va chạm với Van der Vaart để kiếm đường sang Juve. Tào lao hết sức. Nếu tôi không phải là người trong cuộc, dám tôi cũng tin vào câu chuyện của báo chí lắm. Tôi mâu thuẫn với Van der Vaart là chuyện độc lập. Không có Juve thì tôi cũng muốn bẻ giò gã thủ quân cà chớn ấy.
Nhưng ngày ấy, bạn sẽ đọc được đủ mọi câu chuyện bịa đặt như thế trên báo. Một ngày nọ, khi tôi và Helena đang ở Monte Carlo, cảnh sát thậm chí còn mò đến tận nơi và chìa ra lệnh xét nhà. Khi tôi lái xe về lại Turin thì đã thấy một toán cảnh sát khác đứng chờ ở ngoài. Họ muốn xét nốt căn hộ ấy. Tôi chìa ra hết tất cả những giấy tờ và chứng từ mình có. Họ cám ơn sự hợp tác của tôi rồi ra về.
Hôm sau tôi nhận tin sét đánh. Nguyên bộ sậu Juve - Giraudo, Bettega và Moggi - từ chức. Trên báo, Moggi đã nói: "Tôi nhớ linh hồn mình, nó đã bị người khác giết mất rồi".
Chứng khoán Juve rớt thảm hại trên sàn. Cuộc khủng hoảng ập đến theo cái cách tôi không thể nào quên được. Moggi vào phòng thay quần áo chào mọi người. Vẫn bảnh như thường lệ, áo quần đẹp đẽ và ủi rất kỹ. Nhưng đấy không còn là Moggi mà tôi vẫn biết nữa.
Ông ấy nói được vài câu thì òa khóc. Tôi nghe bụng mình như quặn lại. Tôi chưa từng thấy Moggi yếu đuối đến như vậy. Đấy là một người đàn ông luôn làm chủ tình hình và đầy quyền lực. Suốt một thời gian dài ông ấy cứ như đùa giỡn với bản hợp đồng của tôi, đáng lẽ tôi phải thấy hả dạ khi nhìn Moggi như vậy. Nhưng một nỗi buồn đã xâm chiếm cơ thể tôi. Đúng là đời chả biết trước chuyện gì. Hôm nay "lên voi", ngày mai đã "xuống chó" mất rồi.
Rồi tôi suy nghĩ, xâu chuỗi tất cả các sự việc lại. Tại sao Moggi lại câu giờ trong việc ký hợp đồng? Vì sao Moggi bịa ra đủ thứ mọi chuyện? Phải chăng là ông ấy muốn bảo vệ tôi.
Trời ơi, thôi đúng rồi. Vậy mà bấy lâu nay tôi chả biết gì cả. Moggi biết có mùi bất ổn, ông ấy biết scandal này rồi sẽ ập đến và Juve sẽ không còn là đội bóng thống trị Italia nữa. Ký tiếp cho tôi là buộc chặt tôi vào sàn của một chiếc thuyền đang đắm.
Moggi không phải là một ông bụt, nhưng ông ta luôn chăm lo cho những cầu thủ của mình. Khi ấy sự nghiệp của tôi đang lên trông thấy, nếu bị buộc với Juve thì sẽ lỡ làng mọi nẻo. Lúc này, khi cả thế giới đều lên án Moggi thì tôi lại bảo vệ ông ấy. Moggi thật sự đã là một ân nhân của tôi.
Juve chìm dần, người ta nói sẽ giáng CLB xuống Serie B, hoặc thậm chí là Serie C. Đang lâng lâng với 2 Scudetto thì lại bị cáo buộc là dùng thế lực để "mua" Scudetto ấy. Thật điên rồ. Tôi nhớ một cuộc gọi từ Alessio Secco, khi ấy vừa được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Ông ấy nói:
"Nếu có đề nghị tốt, Zlatan, phắn ngay nhé. Đấy là lời khuyên duy nhất tôi có thể dành cho cậu lúc này".
Từng người một nhảy khỏi Juve. Thuram và Zambrotta sang Barcelona, Cannavaro và Emerson sang Real Madrid, Patrick Vieira sang Inter Milan. Tất cả đều nhốn nháo gọi cho người đại diện của mình: "Hãy bán tôi, hãy bán tôi nhanh lên nào". CLB chìm vào một cơn ác mộng thật sự.
Tôi thì vẫn bị kẹt lại. Ban lãnh đạo mới đã làm tất cả những gì có thể để giữ các cầu thủ còn lại. Sự nghiệp của tôi đang lên, ở lại Juve dù chỉ 1 năm thôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tôi buộc phải nhảy, tôi không thể chơi ở Serie B một mùa, thậm chí có thể còn lâu hơn. Tôi cứ giục gã mập liên tục:
"Làm bất cứ thứ gì ông có thể đi. Kéo tôi ra khỏi chỗ này".
"Tao đang nè".
"Cố hơn nữa đi".
Đấy là tháng 6/2006. Helena đang mang thai đứa con đầu lòng và tôi rất hạnh phúc. Nó dự kiến sẽ chào đời vào tháng 9, còn bố nó thì đang kẹt ở vùng đất không người. Chuyện gì sẽ xảy ra đây, World Cup đang đến và chấn thương háng vẫn đang âm ỉ đau. Người ta tước mất 2 Scudetto của Juve và đội bóng thậm chí còn bị tước quyền dự Champions League. Chúng tôi bị giáng xuống Serie B và khởi đầu với số điểm âm. Còn tôi vẫn đang nhìn con thuyền chìm dần từ trên boong tàu.
Kỳ 36: "Ông bố" của gia đình
Áp lực lên đội bóng tất nhiên là kinh khủng và nó tăng dần theo từng ngày. Điều ấy khiến cho đôi chân của nhiều cầu thủ trong đội nặng như đeo chì. Chính bản thân tôi cũng không cách nào hòa nhập được vào trận đấu. Tôi mệt mỏi và rớt phong độ. Trận đấu cứ thế mà 0-0 cho đến tận những phút cuối cùng. Mọi người đều mong chờ hiệu còi mãn cuộc.
Tôi biết khi ấy một vài tờ báo đã sẵn sàng cho tôi điểm 1. Trận ấy tôi quả là một sự thất vọng. Nhiều tay nhà báo có lẽ đã chờ cái ngày này từ lâu để tương lên trên báo những lời đã từ lâu ấp ủ: Zlatan chỉ là một diva được bơm vá quá mức.
Rồi tôi nhận một đường chuyền trong vòng cấm, có lẽ là từ Mattias Jonson. Một hậu vệ theo kèm rất sát và có vẻ như tôi chỉ còn duy nhất lựa chọn là chuyền bóng đi mà thôi. Nhưng không, tôi quay lại và mở tốc độ, BAM.
Bạn hãy nhớ điều này: nếu trong trận đấu mà bạn thấy tôi ít chạy thì đừng dựa vào đó mà chê tôi lười biếng. Thật ra tôi để dành năng lượng cho những pha bóng như đang nói, những pha bóng mà tôi biết những pha dốc sức của mình có thể mang lại kết quả tốt.
Tôi vượt qua người hậu vệ ấy và ở vào một tư thế tốt, nhưng góc sút hãy còn rất hẹp, thủ môn cũng đã đứng ở vị trí khép góc. Tất cả chờ đợi một một pha chuyền ngược trở ra của tôi.
Nhưng không, tôi sút. Với góc sút ấy, có lẽ chạm vào lưới bên hông đã là may. Thủ môn của Hungary thậm chí còn không phản ứng gì. Trong một giây tôi ngỡ mình đã sút trượt.
Và tôi không phải là người duy nhất nghĩ vậy. Các CĐV cũng không phản ứng gì. Olof Mellberg thì ôm đầu theo cái kiểu: "Mẹ kiếp, hết giờ mất rồi", thậm chí còn không quay người đi về phía phần sân nhà. Anh ấy chờ thủ môn đối phương thực hiện pha phát bóng lên.
Trong khung thành của chúng tôi, Andreas Isaksson không thể thấy chuyện gì đang xảy ra. Anh ấy chỉ thấy tôi không ăn mừng, còn Mellberg thì ôm đầu. Cơ hội dự World Cup của Thụy Điển có lẽ đã tan tành mây khói rồi.
Nhưng rồi tôi giơ tay lên và chạy ăn mừng. Cả sân vận động như bừng tỉnh. À, quả bóng kia rồi. Nó không chạm vào bên hông lưới, nó bay thẳng vào bên trong từ một góc không thể tin nổi, khiến thủ môn đối phương không kịp đưa ra một phản ứng nào. Chỉ rất nhanh sau đó, trọng tài thổi còi dứt trận. Không một ai còn cho tôi điểm một nữa.
Pha ghi bàn ấy mau chóng trở thành kinh điển, còn chúng tôi thì lấy vé đến Đức, một mùa World Cup mà tôi hy vọng sẽ thành công. Tôi rất cần giải đấu ấy. Không khí tại khu tập trung đội tuyển cũng rất tốt, tôi cảm thấy phấn chấn lên đôi chút, bất chấp những chuyện kinh khủng đang diễn ra tại Juventus.
Sau khi Tommy Söderberg rời khỏi ghế HLV phó, tôi đã chào đón người thay thế với sự phấn khích tuyệt vời. Nhân vật ấy chính là Roland Andersson. Bạn nhớ vị này chứ? Đấy chính là vị HLV đã mang tôi lên đội một của Malmo sau khi nói: "Đã đến lúc ngưng chơi bóng với bọn nhóc con rồi, Zlatan". Tôi thật sự rất cảm động trước quyết định của Roland.
Từ sau khi rời Malmo, tôi cũng không còn gặp lại vị ân nhân này nữa. Thật tuyệt khi cả 2 được hội ngộ tại đây. Tôi sẽ cho ông ấy thấy: "Ông đúng rồi đấy Roland, đặt cược vào tôi là chính xác 100% rồi". Ngày ấy Roland đã bị chỉ trích nhiều với quyết định đôn tôi lên đội một.
Nhiều CĐV Thụy Điển đã theo chân đội nhà đến Đức. Họ vỗ tay mỗi khi nhìn thấy đội bóng và thậm chí còn sáng tác bài hát dành riêng cho tôi, với những lời như: "Không ai có thể đá quả bóng như anh ấy, Zlatan. Zlatan, tôi yêu anh, Zlatan Ibrahimovic".
Đấy là một điều thật dễ thương, nhưng vòm háng của tôi vẫn còn nhức nhối, và gia đình tôi thì xảy ra chuyện. Mặc dù tôi là người nhỏ trong nhà - chỉ lớn hơn mỗi Keki mà thôi - nhưng tôi cứ như là ông bố trong gia đình vậy.
Khi mang mọi người cùng sang Đức, tôi đâu thể tưởng tượng là mọi chuyện rối tung rối mù như vậy. Đầu tiên là việc bố không muốn đến, sau đó là khách sạn quá xa, ông anh Sapko thì cần tiền nhưng khi có tiền thì chả biết quy đổi ở đâu.
Lúc ấy Helena cũng đã mang thai được 7 tháng. Cô ấy tự lo cho mình được, nhưng những chuyện lùm xùm xung quanh tất nhiên chả tốt cho tinh thần của nàng chút nào. Khi nàng rời khỏi xe bus để bước vào sân theo dõi trận Thụy Điển gặp Paraguay, các CĐV đã bao vây lấy nàng và tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn. Helena bắt đầu cảm thấy không an toàn và nàng đã bắt chuyến bay về lại nhà ngay ngày hôm sau.
Lúc nào cũng có chuyện này hay chuyện kia. Lúc nào cũng là "Zlatan, mày giúp bố (mẹ, anh, chị) việc này được không?". Tôi trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ của cả nhà và không thể dành sự tập trung tốt nhất cho việc tập luyện và thi đấu. Điện thoại reng liên tục, tôi thì như muốn nổi điên lên. Họ không chịu hiểu là tôi đang dự giải đấu quan trọng nhất thế giới hay sao chứ?
Kỳ 37: Cú tự tử của Pessotto
Tất nhiên chúng tôi buộc phải thắng trận ấy, không những 1 bàn mà phải 3, 4, 5 bàn để có lợi về hiệu số, phòng khi phải so kè với các đối thủ về sau. Nhưng mọi thứ diễn ra trật lất hết cả. Thủ môn của họ đã chơi trận đấu để đời và cản phá tất cả những pha dứt điểm về khung thành của anh ta. Chúng tôi bất lực hoàn toàn trong việc khi bàn, kể cả khi đối thủ chỉ còn 10 người. Điều tích cực duy nhất diễn ra sau trận đấu là tôi đến gặp HLV của Trinidad & Tobago.
Người HLV ấy chính là Leo Beenhakker. Thật tuyệt vời được gặp lại ông ấy. Cho đến thời điểm đó, đã có rất nhiều người nhận là họ đã từng dìu dắt hay đào tạo tôi.
Họ bịa ra đủ thứ câu chuyện để ăn theo và được lợi từ tên tuổi của tôi. Nhưng số người thật sự có ơn với tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Roland Andersson và Leo Beenhakker chính là 2 người hiếm hoi như thế. Họ tin tưởng tôi ngay khi tất cả mọi người đều chỉ dành cho tôi sự hoài nghi. Tôi mong sau này mình cũng sẽ làm được như vậy: nhìn mọi người với ánh mắt bao dung, cảm thông chứ không kỳ thị chỉ vì họ khác biệt.
Tôi vẫn còn giữ tấm hình mà mình chụp hôm ấy với Beenhakker. Khi ấy tôi đã cởi áo đấu ra và gương mặt thì sáng bừng vì vui mừng, bất chấp nỗi thất vọng từ trận đấu vừa kết thúc. Cả giải đấu ấy tôi cũng chưa bao giờ là chính mình.
Chúng tôi hòa với đội tuyển Anh nhưng bị Đức đánh bại hoàn toàn ở vòng 16 đội, trong một trận mà tôi chơi tệ vô cùng. Tất nhiên là tôi nhận lỗi về mình. Gia đình là gia đình, lẽ ra tôi không nên trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho cả nhà để rồi chính việc ấy ảnh hưởng đến cả một kỳ World Cup. Cũng sau dịp đó, tôi cũng nói với họ trong buổi gặp gỡ gia đình:
"Con chào đón tất cả mọi người cùng đi với con. Con sẽ cố thu xếp mọi việc thật chu toàn, nhưng một khi mọi người đã đến nơi thì làm ơn tự lo cho mình, đừng gọi con quá nhiều nữa".
Rồi tôi trở về Turin, nơi không còn là ngôi nhà của mình nữa. Ngày đến đây tôi hào hứng bao nhiêu thì bây giờ, tôi lại càng nóng lòng được rời khỏi đấy bấy nhiều. Trong cơn giông bão ấy, chúng tôi còn đón thêm một tin chấn động khác mang tên Gianluca Pessotto.
Pessotto là hậu vệ của Juve suốt từ năm 1995 và chỉ vừa tuyên bố giải nghệ. Tôi thậm chí còn có 2 năm thi đấu cùng anh ấy. Khác với những cầu thủ rắn rỏi trong đội, Pessotto là một người hơi nhạy cảm và thậm chí còn ủy mị nữa. Ngay sau khi treo giày, Pessotto đã lên làm người quản lý các vấn đề của đội một sau khi Alessio Secco, tiền nhiệm của Pessotto, được bổ nhiệm lên làm giám đốc điều hành.
Từ một cầu thủ chuyển sang làm quan chức, tất nhiên là đòi hỏi cả một sự điều chỉnh lớn. Rồi scandal Calciopoli nổ ra và thêm những vấn đề khác trong nội bộ gia đình. Pessotto chịu không nổi nhiều cú sốc đến cùng lúc.
Một ngày nọ Pessotto đến phòng làm việc của mình ở tầng 4, như những ngày bình thường khác. Chỉ có điều khác là lần này anh ấy trèo ra cửa sổ và gieo mình xuống. Anh ấy rơi vào khoảng xi măng giữa 2 chiếc xe hơi, từ độ cao những 15 mét. Vậy là thật kỳ lạ là anh ấy vẫn sống. Pessotto bị chấn thương rất nặng, gãy nhiều xương và xuất huyết nội, nhưng anh ấy vẫn vượt qua và mọi người rất mừng cho anh ấy.
Cú tự sát của Pessotto đặt ra một câu hỏi đầy ám ảnh: tiếp theo sẽ là ai vì chịu không nổi thực tế khắc nghiệt này mà kết thúc đời mình?
Mọi thứ đã tiến đến rất gần với sự tuyệt vọng. Chủ tịch mới của CLB, Giovanni Cobolli Gigli, tổ chức cuộc họp và giải thích: "Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai ra đi nữa. Ban lãnh đạo sẽ cố giữ từng người".
Tất nhiên là tôi mang điều này nói lại với Mino. Chúng tôi thảo luận liên tục và cùng đi đến kết luận: phải quậy. Juve đã chơi rắn với mình thì mình phải chơi lại. Vì thế Mino nói với báo chí rằng:
"Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả những thủ tục pháp lý cần thiết để có thể rời khỏi CLB. Tất nhiên là Zlatan chỉ mong được ra đi theo cách bình thường nhất".
Tất nhiên đấy không phải là một cuộc chiến đơn giản. Tôi lại nói chuyện với Alessio Secco lần nữa. Lúc này Secco đang cố hết sức để tạo dựng uy tín và những mối quan hệ để có thể trở thành một Moggi mới.
Ngày xưa chính gã kêu tôi hãy tìm đường chuồn khỏi Juve càng nhanh càng tốt. Bây giờ gã lại nói với cái giọng ngược lại: "Cậu phải ở lại. Bọn tôi cần điều đó. Cậu phải chứng tỏ lòng trung thành với đội bóng"
"Trước kỳ nghỉ ông nói hoàn toàn khác nhé. Ông bảo tôi hãy nghiên cứu mọi lời đề nghị".
"Tình hình giờ khác rồi. Đội bóng khủng quảng ghê quá. Bọn tôi sẽ đề nghị cậu ký hợp đồng mới"
"Ký cục cái khỉ gió gì. Không bao giờ có chuyện tôi ở lại đâu".
Kỳ 38: Thà chết không ở lại Juve
Tôi cố làm tất cả những gì mình có thể làm được. Mino cũng vận dụng tất cả những hiểu biết về luật pháp để trợ giúp. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra bất lợi cho tôi. Tôi còn một năm hợp đồng và Juve vẫn đang trả lương đầy đủ. Chúng tôi không có cơ sở pháp lý nào thật sự có sức nặng để "đình công" cả.
Chúng tôi quyết định là tôi sẽ vẫn tập luyện cùng đội bóng, nhưng thi đấu thì miễn. Theo Mino thì vẫn có một điều khoản trong hợp đồng cho phép tôi làm vậy. Đấy là lý do tôi vẫn cùng Juve dự chuyến tập huấn, lần này là ở một vùng miền núi. Các cầu thủ của đội tuyển Italia - những người đã vô địch World Cup năm ấy - vẫn chưa trở lại.
HLV của đội bóng sau khi Capello ra đi là Didier Deschamps. Ông ấy từng là một cầu thủ lẫy lừng của đội tuyển Pháp. Ông ấy cùng đội nhà vô địch World Cup năm 1998 và bây giờ nhiệm vụ là mang Juve trở lại Serie A ngay lập tức. Áp lực dành cho Deschamps là rất lớn. Và việc đầu tiên ông ấy phải làm là thuyết phục tôi ở lại."Ibra," Deschamps gọi.
"Vâng?"
"Tôi muốn xây dựng đội bóng xung quanh cậu. Cậu sẽ là cầu thủ quan trọng nhất của tôi. Cậu là tương lai của đội bóng. Cậu sẽ giúp Juve trở lại..."
"Cám ơn nhé, nhưng..."
"Không nhưng nhị gì cả. Cậu nhất định phải ở lại. Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào khác"
"Không, không và không. Tôi sẽ rời khỏi Juve. Chấm hết"
Tôi ở cùng phòng với Nedved ở khu tập huấn. Chúng tôi là bạn bè vì có cùng Mino làm người đại diện. Nhưng chúng tôi đang rơi vào 2 tình cảnh khác nhau.
Nedved, cũng như Del Piero, Buffon và Trezeguet đã quyết định sẽ cùng Juve xuống Serie B. Deschamps thậm chí đã nói chuyện với Nedved với hy vọng anh ấy sẽ góp tiếng để thuyết phục tôi ở lại. Ông ấy không bao giờ từ bỏ hy vọng.
"Nghe này," Deschamps lại nói. "Tôi đặt rất, rất nhiều kỳ vọng ở cậu, Ibra. Chính vì cậu mà tôi mới nhận công việc này. Họ đảm bảo với tôi là cậu sẽ ở lại".
"Thôi dẹp đi," tôi nói. "Ông nhân việc này là vì Juve, vì tôi cái gì".
"Tôi hứa đấy. Cậu mà đi là tôi đi luôn", ông ấy nói như đinh đóng cột.
"Vậy hả? Vậy thì dọn đồ đi. Cần tôi kêu taxi cho không," tôi đáp lại. Deschamps cười cứ như là tôi đang đùa.
Tất nhiên là tôi không đùa. Nếu Juve đang chiến đấu cho quyền lợi của CLB thì tôi cũng chiến đấu cho quyền lợi của mình. Một năm ở Serie B sẽ khiến cho mọi thứ dừng lại, sự nghiệp của tôi rồi sẽ về đâu cơ chứ.
Một ngày kia Alessio Secco và Jean-Claude Blanc cùng đến gặp tôi một lúc. Jean-Claude là dân Harvard hẳn hoi, đầy học thức, một người được gia đình Agnelli chọn để đưa Juve ra khỏi cơn giông bão này. Ông ấy chính xác trong từng chi tiết. Lần gặp gỡ này, Jean-Claude mang theo một bản hợp đồng mới.
Tôi tự nói với mình: "Đừng đọc, mặc kệ họ viết gì trong đó. Làm cho họ thấy chán ghét mình thì mình sẽ được bán đi nhanh hơn". Tôi làm lơ và nói với họ:
"Tôi không muốn nhìn, cũng không muốn ký".
"Cứ nhìn qua xem CLB muốn dành những gì cho cậu. Chúng tôi rất chân thành đấy!"
"Nhưng để làm gì chứ? Chuyện này sẽ chẳng đi đến đâu"
"Làm sao biết được khi cậu không nhìn qua nó lấy một cái"
"Tôi biết chứ. Ngay cả khi các người đề nghị 20 triệu euro, tôi cũng không mảy may ấn tượng đâu"
"Cậu cư xử thế là hơi thiếu tôn trọng rồi đấy"
"Ừ, ông muốn nhìn tôi sao cũng được". Nói xong tôi đứng dậy, rời đi và biết là mình đã vừa làm cho ông ấy bị tổn thương.
Tôi biết mình vừa mạo hiểm, nhưng tôi buộc phải làm vậy. Lúc này, vị trí của tôi trong thương lượng không được tốt. CLB đang tìm mọi cách để giữ tôi lại.
Tôi vừa trải qua một kỳ World Cup không thành công. Cả mùa bóng trước đó của tôi cũng không tốt. Tôi nặng nề, bị chấn thương hành hạ và ghi ít bàn. Nhưng tôi vẫn mong có vài CLB nhận ra giá trị của tôi. Mới một năm trước tôi còn được bầu là cầu thủ nước ngoài hay nhất Italia cơ mà.
Inter Milan có có vài lần ngỏ lời. Nhưng Juve ghét nhất trên đời là Inter, huống chi cú Calciopoli này hết 99% là do chính họ đứng ở phía sau.
Lúc này các CĐV đã nghe được phong thanh tin này. Họ tập trung ở chỗ tập huấn của tôi và gọi tôi là một tên phản bội, một con lợn. Nghe những lời ấy từ chính những CĐV đã từng yêu thương mình tất nhiên không dễ chịu chút nào. Nhưng bóng đá là tàn nhẫn như vậy đấy.
Chúng tôi chuẩn bị có trận đấu giao hữu với Spezia. Nhưng tôi từng nói là chỉ tập chứ không đá đấm gì, nên tôi ngồi lỳ trong phòng và chơi PlayStation, mặc kệ chiếc xe bus chở đợi đã nổ máy và đang chờ bên ngoài. Deschamps bước vào phòng, tức giận thấy rõ.
"Sao cậu còn ngồi ở đây hả? Đi ra ngay".
Tôi thậm chí còn không thèm quay lại, cứ tiếp tục chơi.
"Cậu nghe tôi không?"
"Vậy ông có nghe tôi không hả?" tôi đáp. "Tôi sẽ tập, nhưng không thi đấu dù chỉ một trận giao hữu. Thiết nghĩ tôi nói việc ấy chục lần rồi".
"Mặc xác cậu đang nghĩ gì. Nhưng cậu là một phần của đội bóng. Cậu phải bước ra, NGAY. Đứng dậy!"
Tôi im lặng, tiếp tục chơi.
"Cậu xấc láo vừa thôi chứ. Cứ ngồi chơi vậy sao?" Deschamps gầm lên. "Cậu sẽ bị phạt. Nghe không"
"OK"
"OK cái gì?"
"Là phạt đi, tôi chơi tiếp"
Kỳ 39: Thịnh tình của Moratti
Sự căng thẳng chính thức bùng nổ từ dạo ấy. Tôi bị phạt 30.000 euro. Cũng như mọi cuộc chiến khác, chiến thuật có ý nghĩa quyết định. Tôi sẽ phản công thế nào? Bước tiếp theo là gì? Tôi suy nghĩ và suy nghĩ.
Tôi có một vài vị khách bí mật. Ariel Braida, một nhân vật từ Milan, đến gặp tôi ngay tại khu tập trung. Tôi lẻn ra và gặp ông ấy ở một khách sạn gần đấy.
Chúng tôi nói chuyện về Milan, tất nhiên. Thú thật là tôi không thích người này mấy. Bởi vì ông ta nói: "Kaka là một ngôi sao, anh thì không. Nhưng Milan có thể biến anh thành một ngôi sao".
Họ nói cứ như là tôi cần Milan hơn là Milan cần tôi vậy. Mà tôi thì không thích những nơi không cần mình. Nhưng bây giờ thì việc rời khỏi vũng bùn Juve được ưu tiên hơn cả, nếu không có bàn tay đẹp chìa ra thì có bàn tay vẫn còn hơn không.
Mùa hè Italia thật nóng. Khi ấy đã là tháng 8 và bà bầu Helena của tôi thì nặng nề hơn bao giờ hết. Paparazzi ở mọi nơi và tôi thì cố ủng hộ nàng hết mức có thể dù chính tôi cũng đang hoang mang như ở vùng đất không người.
Tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Nhưng dần dần thì Juve cũng giãn tôi ra. Họ không còn coi tôi là thành viên trong đội nữa. Ai mà cần một gã bỏ lại đồng đội của mình mà ngồi chơi PlayStation cơ chứ.
Câu hỏi lúc này là Inter, hay Milan. Đấy phải là một sự lựa chọn dễ dàng nghiêng về Milan. Thời điểm ấy Inter chưa từng vô địch Serie A lần nào suốt 17 năm, họ thậm chí còn không được xem là một CLB hàng đầu nữa. Trong khi đó Milan lại đang là một trong những CLB thành công nhất châu Âu.
Mino cũng khuyên tôi chọn Milan. Nhưng tôi thì lưỡng lự. Inter là đội bóng cũ của Ronaldo (thần tượng của Ibra - ND). Họ cũng cho thấy quyết tâm muốn có tôi, khác hẳn cái thái độ: "Anh chưa phải là ngôi sao" của Braida. Vì thế tôi ngả về Inter.
"OK", Mino nói. "Inter thì Inter. Nhưng tao nhắc cho nhớ là thử thách ghê lắm nhe. Ở đó mày không có Scudetto miễn phí đâu".
Đời tôi chả muốn thứ gì miễn phí cả. Tôi thích thử thách và trách nhiệm. Tôi tin là Inter sẽ chấm dứt cơn khát danh hiệu với mình. Đấy sẽ là thử thách mà tôi tự đặt ra. Nhưng vào thời điểm ấy, những đề nghị vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Vì hệ lụy của Calciopoli, Milan buộc phải dự vòng loại Champions League thay vì vào thẳng vòng bảng. Họ buộc phải đấu với Red Star Belgrade, một trận đấu quan trọng với Milan lẫn bản thân tôi. Vì nếu Milan dự Champions League, họ mới có tiền để chiêu mộ cầu thủ. Adriano Galliani, Phó Chủ tịch Milan, nói với tôi: "Chúng tôi sẽ chờ kết quả trận này rồi trở lại bàn đàm phán với CLB của cậu".
Lúc ấy, Inter cũng theo dõi sát sao mọi chuyển động tại Juve và Milan. Họ cũng muốn có tôi, nhưng Chủ tịch Massimo Moratti đã giảm giá những 4 lần. Đây là thời điểm tuyệt vời để ép giá, chả ai ngốc bằng trả món tiền cao cho cầu thủ của CLB trong cơn bão Calciopoli cả.
Ngày 8/8/2006, tôi đang ngồi trong căn hộ Piazza Castello ở Turin. Milan đang thi đấu nhưng tôi không quan tâm. Điện thoại reo liên tục, chủ yếu là Mino gọi để thông báo tình hình. Một cuộc gọi như thế, lão mập thông báo Milan dẫn 1-0 rồi và Silvio Berlusconi muốn gặp tôi. Tôi chợt nghĩ ra một ý: "Sao không dùng Milan để dụ Inter phải đẩy nhanh tiến trình thương thảo nhỉ". Trên đời này Moratti máu nhất là phải hơn được Milan mà.
Mino khen ngợi ý tưởng ấy và bốc máy gọi cho Moratti:
"À. Tôi gọi để thông báo là là Ibra chuẩn bị ăn tối với Berlusconi ở Milan nhé".
"Cái gì?"
"Thật mà. Họ đặt bàn ở nhà hàng Giannino rồi".
"Thật khốn nạn. Ở yên đấy, tôi sẽ cử người tới ngay".
Người được cử đến là Marco Branca, Giám đốc thể thao Inter. Gầy gò và hút thuốc như một cái ống khói. Khi Branca vào thì ông ấy có vẻ căng thẳng bởi Moratti đã giao nhiệm vụ phải gút lại vụ này cho thật nhanh, trước khi tôi kịp lên đường đến nhà hàng Giannino cho bữa ăn tối tưởng tượng mà Mino nghĩ ra. Branca lật bài ngửa ra, tôi sẽ ký hợp đồng bao nhiêu, lương tăng so với Juve thế nào, được thì gút luôn để ông còn về.
"Anh thấy thế nào?", Branca hỏi.
Tôi nhìn Mino. Mino đáp: "Ngon đấy, chơi đi!".
"OK, tôi đồng ý".
Branca hút còn tợn hơn nữa. Rồi ông ấy bốc máy, giọng hồ hởi lẫn nhẹ nhõm thấy rõ:
"Zlatan gật đầu rồi nhen sếp".
Phần còn lại là chuyện của Juve và Inter. Rõ ràng là Juve muốn thu về một số tiền lớn cho cầu thủ quan trọng nhất của họ. Trước khi mọi chuyện được gút lại, Moratti đã gọi.
"Chào cậu. Vui chứ?"
"Vâng, rất vui".
"Vậy tốt. Chào mừng đến Inter".
Con số cuối cùng là 27 triệu euro, cú chuyển nhượng lớn nhất mùa hè năm ấy. Số tiền phạt do chơi PlayStation tôi cũng không phải trả. Mino phù phép cho nó biến mất. Khi tôi đến Inter, Moratti đã nói bản hợp đồng với tôi cũng quan trọng không kém gì khi Inter mua Ronaldo.
Với tôi, sau tất cả những khổ sở căng thẳng suốt cả mùa hè, lời nói ấy chính là thiên đường!
Kỳ 40: Cú sốc ở đội tuyển
Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày 3/9, sinh nhật lần thứ 29 của Olof Mellberg. Anh ấy là thủ quân của Aston Villa. Lúc đầu gặp nhau trên tuyển Mellberg gần như chả nói gì với tôi cả. Nhưng khi anh ấy bắt đầu mở lời, chúng tôi lập tức trở thành bạn thân của nhau. Bây giờ anh ấy mời tôi ra ngoài ăn mừng sinh nhật. Tại sao phải từ chối cơ chứ?
Chúng tôi đến một nơi ở Avenyn (một con đường chính ở Gothenburg) để uống một chút. Thông thường những quán bar mà có sự hiện diện của tôi thì bao giờ cũng rậm đám, nhưng lần này thì khác. Chỗ Mellberg mang chúng tôi đến cực kỳ yên tĩnh và gần như không có khách.
Chúng tôi ngồi đó và uống rất vui vẻ, ngỡ như không thể nào vui hơn được nữa. Trò chuyện rôm rả một chốc thì đã đến 11 giờ.
Theo quy định đội tuyển thì giờ này cả bọn phải "lên chuồng". Nhưng thôi nào, có việc gì "phải xoắn" đâu chứ. Sinh nhật Olof cơ mà, cả đám đều đàng hoàng, nghiêm túc chứ có phải dân nhậu bét nhè không biết gì đâu. Nghĩ thế, cả đám uống tiếp đến 12 giờ kém 15 mới về khách sạn.
Chuyện chỉ có vậy thôi, bình thường "như cân đường hộp sữa". Tôi mà kể chuyện này cho đám bạn ở Rosengard dám họ còn chẳng thèm nghe. Chỉ có một vấn đề nhỏ: bọn gián điệp.
Từ khi nổi tiếng và trở thành niềm hy vọng số 1 của đội tuyển, tôi không thể sinh hoạt như bình thường được. Tôi không thể ra ngoài mua sữa mà tránh khỏi tai mắt của báo giới. Họ cài gián điệp ở mọi nơi mà tôi xuất hiện. Rồi những gián điệp này cứ chụp hình, hoặc gửi SMS như trong phim: Tôi thấy Ibra đang ở đây, ở kia, đang làm việc này việc nọ, bla bla bla.
Lần này, các gián điệp sử dụng chiêu mới. Họ gọi thẳng cho Ban huấn luyện và hỏi về giờ giới nghiêm. Người quản lý đội nói: "Giờ này tất cả mọi cầu thủ đều phải ở trên giường ngủ rồi". Tay nhà báo chỉ chờ có thế: "Nhưng Zlatan, Chippen và Mellberg thì không à nhà. Chúng tôi thấy họ vẫn còn ngoài đường".
Nếu như người quản lý ấy khôn khéo, mọi chuyện đã kết thúc êm đẹp hơn. Chỉ cần hẹn với tay nhà báo ấy là sẽ gọi lại sau, cốt để có thời gian suy nghĩ. Rồi sau đó chỉ việc gọi lại và bịa ra một câu chuyện nào đó: nhóm cầu thủ ấy thật ra đã được đặc cách, họ đều có lý do riêng để ra ngoài vào lúc ấy và không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra cả. Chúng tôi là một đội cơ mà, mọi người từ trên xuống dưới đều phải có trách nhiệm giữ cho cái đội ấy yên bình nhất có thể.
Nhưng người quản lý của chúng tôi lại không được nhanh nhạy như thế. Ông ấy bảo làm gì có chuyện ở ngoài đường sau 11 giờ, chắc là cả bọn đã phá luật rồi, kiểu gì cũng phải phạt nặng.
Sau cuộc điện thoại ấy, mọi thứ trở nên tồi tệ. Sáng hôm ấy tôi bị triệu tập đến một cuộc họp với HLV trưởng Lars Lagerback. Ừ, họp thì họp, có gì đâu chứ. Hồi còn bé tôi cũng bị Ban giám hiệu kêu lên "uống trà" hoài mà. Tôi hỏi một nhân viên phụ trách an ninh:
- Anh có nghe được phong thanh gì không?
- Coi bộ nặng nhẹ, hình như anh bị trục xuất khỏi đội.
Cái quái gì vậy? Về trễ một chút mà bị đuổi hả? Phi lý quá. Nhưng tôi là người chấp nhận luật chơi. Khi bạn phạm lỗi, bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần đón nhận sự trừng phạt.
Tôi dọn hết đồ vào va ly rồi đi đến cuộc họp, không hề trách cứ người anh em Olof của mình. Sướng chung mà, có phải một mình anh ấy vui đâu.
Trong phòng họp đã có mặt đủ cả. Ai cũng âu lo, căng thẳng. Lagerback nói:
- Chúng tôi đã quyết định mời các cậu ra khỏi đợt triệu tập này. Mọi người có gì nói không?
"Tôi xin lỗi", Chippen nói. "Bọn tôi đã là một chuyện rồ dại".
"Tôi cũng xin lỗi," Mellberg nói. "Nhưng... ông sẽ nói chuyện này thế nào với truyền thông đây?". Mellberg vẫn giữ tác phong như một thủ quân và lo cho đội bóng. Cả cuộc thảo luận tôi ngồi im như phỗng. Lagerback dần chú ý và hỏi:
- Còn cậu thì sao hả, Zlatan? Có gì muốn nói không?
- Không, tôi miễn ý kiến.
- Ý cậu là sao?
- Dạ ý tôi là vậy đó: không ý kiến!
Tôi chú ý và thấy họ hồi hộp. Nhưng tôi là vậy, càng xử lý ngạo mạn, cứng rắn tôi lại càng thấy thoải mái. Đấy là phong cách của tôi từ những ngày đầu ở Ajax cho đến khi đã sang Juve.
Nhưng ở đội tuyển thì đây là lần đầu họ thấy tôi như vậy. Có thể họ đang nghĩ: "Zlatan đang tính gì trong đầu ấy nhỉ?", trong khi kỳ thực tôi chả nghĩ gì cả. Họ càng căng thẳng thì tôi lại càng bình tĩnh. Nhưng có một điều khiến tôi phật ý, đấy là khi Lagerback nói:
- Chúng tôi đã biết định là cậu sẽ không đá trận gặp Liechtenstein.
Chả lẽ tôi lại quan tâm đến trận đấy khỉ gió ấy chắc. Vả lại Lagerback là HLV trưởng, người có quyền hành cao nhất, việc gì phải dùng từ "chúng tôi" mà không phải là tôi. Ông ấy nên nói là: "Chính tôi loại cậu đấy", khí khái nam nhi biết bao nhiêu.
Tôi từ biệt rồi đi về. Trước khi rời khách sạn tôi đến gặp người quản lý đội. Ông ấy và tôi vẫn có quan hệ tốt đẹp với nhau. Trên tuyển thì ông ấy biết tôi rõ nhất, từ xuất thân cho đến tính cách. Và ông ấy cũng biết không tôi dễ dàng quên điều gì.
"Zlatan này," ông ấy nói. "Tôi không lo cho Chippen và Mellberg. Họ chỉ là những người Thụy Điển bình thường, chấp nhận hình phạt rồi quay trở lại. Với cậu thì khác Zlatan, tôi sợ là Lagerback vừa đào mộ chôn mình".
"Để rồi xem", tôi mỉm cười và chào từ biệt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro