Tôi em và những chuyến xe bus... (tiếp)
Tiếp "Tôi em và những chuyến xe bus..)
Chap 8: Trở về.
Mấy hôm thời tiết có dễ chịu đi chút. Cái lạnh buốt ngỡ ngàng lúc đầu mùa rồi cũng qua. Cơn mưa kia cũng chỉ là một ảo vọng, nó là một chấm nhỏ xíu trên bước đi của mùa. Buổi sáng người ta vẫn còn cảm thấy lạnh, nhưng đến trưa, trời nắng vàng như rót mật, cái nắng không quá chói chang để người ta thấy oi nồng. Gió vi vu thổi nhẹ. Cây bàng già rụng lá còn lưa thưa vài cành khẳng khiu. Có gì đó lãng mạn. Ừmh. Cảm giác như đang yêu.
-Anh em chào mừng thi sĩ bất đắc dĩ trở về! - Sơn hét toáng lên khi thấy tôi đang bước lên cầu thang. Sự chào mừng ấn tượng đấy nhỉ, lại thêm cái án là thi sĩ bất đắc dĩ nữa. Được thật đấy.Tốt nhất là không nên động tay chân với bọn này bây giờ, khi mà nguyên khí còn chưa được khôi phục. Đợt ốm lần này đã làm cho nội công bị vơi đi quá nửa, giờ người gần to bằng con cá mắm. Nên nếu mà thực sự phải khiêu chiến với bọn này thì thật là bất nhẫn. Quân tử mười năm báo thù chưa muộn mà.
-Không dám, chào Sơn công tử? Mà mấy hôm nay mày chết ở nhà con nào đấy mà học hành không thèm đi học thế hả? Dạo này trông có vẻ phất gớm mày nhỉ? Sao hôm nay tự dưng mà đi học? Lúc nữa mà bão tao không về nhà được thì mày đi viện thay tao nhé!
- Hehe, thì tao thấy nay mày ra viện nên nay anh đi học mừng chú chiến thắng trở về mà!
Tôi vào lớp. Thằng Đoàn với thằng Hà đang chém gió về một cái vấn đề gì gì đấy, tất nhiên chẳng phải là cô nàng xinh xinh mới đi ngang qua cửa sổ kia là học lớp nào, giờ có cô ca sĩ nào mới nổi. Chúng nó dị ứng với mấy cái đề tài này. Có lẽ gene của chúng nó có đôi chút biến đổi ít nhất là so với những thằng con trai bình thường. Còn mấy đề tài này, có lẽ bọn Quang, Sơn và tôi có thể viết thành tiểu thuyết cũng nên.
-Về rồi hả mày, trông béo tốt ra đấy, biết thế lần sau tao cũng vào viện để tăng cân. Thế nào có quen được em điều dưỡng nào trong đó không? - Hà ngẩng mặt có đôi chút hớn hở.
-Có, nhiều lắm mày coi tao là ai nào? – tôi ngẩng mặt lên cao. Tất nhiên chúng nó khó có thể đo được độ vênh của tôi đến mức nào.
-Thôi đi cụ khốt, đừng có mà nói nhảm nhé. Mày à đứng trước hai đứa con gái trở lên đến n đứa, không biết mày có nhận ra mày là con trai không nữa? - Quang góp một câu, rõ ràng thằng này chẳng có một mililit thiện chí nào cả. Cứ thấy mình là nó xỏ như là nó xỏ giày của nó không bằng.
-À mới về đó hả Phong, -tiếng tổ trưởng, nhỏ người, nặng chừng 40 cân rưỡi, đấy là cân vội cân vàng, chưa trừ bì, cao một mét mốt, à quên một mét năm mươi mốt ( nó mà nghe thấy mình tả nó như thế này chắc chắn nó sẽ trừ hết điểm thi đua của mình chứ chẳng chơi), nhưng giọng nói lại đầy uy quyền. Dân tình biết thế cũng im re, chẳng có đứa nào dám nói chen ngang. – Hôm nọ cả tổ mấy đứa rủ nhau đi thăm cậu nhưng nghe cậu nói cứ như là đuổi không bằng ý, (giọng bắt đầu cay cay rôi đấy, pha thêm tương ớt Chin su có khác) thế là tức, thôi không đi nữa. Đỡ khỏi thâm hụt quỹ tổ, hìhì.
-Đấy, giờ mới lộ ra bản chất thật nhé.
-Ô giờ mới biết hả, muộn rồi.
“Ôi trời người đâu mà vô duyên thế nhỉ. Không biết có phải là con gái không nữa.”
Hình như nó nghe thấy tôi lẩm bẩm gì đó, lừ mắt quay lại. Tôi im re. Để nó trừ hết điểm thi đua thì chết xừ.
Chap 9: Thằng bạn láu cá.
****************************************
-À hôm nay nhiều đứa lớp khác vào học lắm, mày ạ, mà lắm đứa xinh lắm. Nghe đâu có cả hoa khôi khối nữa thì phải mày ạ. – Thằng Quang thủ thỉ như một con mèo ngoan ngoãn, ai dám bảo rằng nó là cái thằng Quang cãi tôi như chém chả, và nó xách mé tôi như băm viên.
-Tao có biết hoa khôi của khối mình là đứa quái nào đâu. Mà mày không nghe cái câu là tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh à?
Tôi vẫn cúi đầu xuống quyển sách, hơi nhăn trán, không ngẩng mặt lên.
.
-Mày lạc hậu bỏ xừ, thời buổi nào rồi mà còn phải tắt đèn, kể cả đêm nhé, nó vẫn để đèn ngủ, nhầm thế quái nào được. Hôm nay thì tha hồ mà đã mắt nhé. Mày nhớ trông cho tao cái chỗ bên cạnh nhé, để tao đang câu xem có con nào vào không? – Nó chỉ sang cái chỗ bên cạnh nó , tức là cũng ngay cạnh tôi. Có một quyển sách đặt trên đó từ lúc nào, lúc đầu tôi cứ tưởng của thằng dở hơi nào, không ngờ lại là của nó. Thằng này cũng cáo già thật. Có đứa nào vào ngồi thì nó phải ngồi giữa, mà ngồi giữa rồi thì chẳng chạy đi đâu được. Xem ra thằng này cũng có chút tình anh em, không quên tôi.
-Cái chỗ này hả? - Tôi đáp hờ hững. Chợt như nhớ ra điều gì tôi khẽ khàng kêu lên.
-Ơ thế cái con bé gì gì học bên lớp G mà mày bảo xinh như mộng đó hôm nay có học cùng với lớp mình không mày?
-Có nó ngồi ở dưới chỗ bàn thứ năm kia kìa, góc ngoài bên phải!
-Ôi trời!
-Mày kêu cái gì. Tao còn có ảnh của nó nữa cơ. Trông xinh cực kì!
-Kết rồi hả? Kết rồi thì tán đi, còn chần chừ gì nữa. Cờ đến tay ai người đó phải phất!
-Phất cái gì. Nó có người yêu rồi. mà công nhận xinh thật đấy, nhìn nó nổi bật nhất trong cái bức ảnh đấy, trông trắng và xinh kinh được.
-Thế hả, hèhè. Lúc nào cho tao mấy cái ảnh của nó nhé!
-Có đâu mà cho.Ở trên mạng ý, tao có mỗi một cái.
Có tiếng cắt ngang câu truyện của chúng tôi:
-Cậu ơi cho tớ hỏi chỗ này có ai ngồi chưa?
Tôi và nó, chẳng ai bảo ai ngẩng mặt lên. Thì ra là thằng Hải còi tổ 12
-Có rồi cậu ạ! - Thằng Quang hờ hững đáp còn kẻ kia thì nhẫn nại đi xuống dưới hỏi tiếp những bàn khác. Thằng này vì sắc mà quên bạn, làm bạn với những thằng như thế này thì rất nguy hiểm, sau này vì gái không chừng nó đá đít mình như đá con ngựa gỗ chứ chẳng chơi….
Cuối cùng nó cũng săn được một em chân tương đối dài, da trắng tất nhiên không đến nỗi như trứng gà bóc, như thế dân tình dễ hiểu nhầm bị bạch tạng, quấn cái khăn ở cổ cách điệu rất có duyên. Em hỏi chỗ Quang đứng dậy nhường ghế như một kẻ quân tử thứ thiệt. Nhưng em này hơi chảnh, cả tiết học như là cái máy thu, chăm chú nghe giảng chép bài đầy đủ (chăm học ghê thế nhỉ). Bài học hôm nay thú vị thế hả? Không phải chứ, cái bài hôm nay học cũng bình thường mà. Nhìn lại ông thầy giáo. Giờ mới nhận ra ông thầy giáo dạy bọn tôi hôm nay cũng rất đẹp trai. Thế thào nào…
-Hôm nay bài thầy giảng hay phết đấy chứ mày nhỉ? Quang nhận xét, xem ra đây là câu tử tế nhất trong những câu tôi nghe thấy nó nói trong buổi sáng hôm nay.
-Ừ, mà chiều thực tập cái bài quái gì nhỉ?
-Tìm trứng giun sán trong phân. Ôi trời lại đi xem phân người ta!
Không biết bài này có kiểm tra không nhỉ?
-Không rõ lắm, thì bọn mình là buổi đầu tiên mà.
Nói rồi thằng Quang bỏ đi vào lớp. Chắc chắn nó lại về chỗ ngồi của mình. Đương nhiên, chỗ đó lực hấp dẫn lớn thế cơ mà. Bỏ ra bao nhiêu công sức mới dụ được một em xinh xinh đến đó không lẽ lại đành xôi hỏng bỏng không như thế.
Như thế thì thật đúng là quá phí phạm.
Chap10: Nỗi nhớ không biết đặt tên…
Tôi ra ngoài chỗ ban công. Khu nhà này có một vì trí khá là đẹp, đó chính là cái chỗ ban công này. Thường sinh viên lên đây ngồi tán gẫu với nhau, bên ngoài gần ngay đấy là mấy ngọn cây bằng lăng và mấy ngọn cây mà chúng tôi thường gọi là dâu da còn bọn trong Nghệ Tĩnh nó gọi là sầu đâu gì đó. Người ta xây cái ban công này hướng ra ngoài một chút, từ trên bờ tường của cái ban công nhảy xuống bên dưới, có thể đưa tay với mấy ngọn bằng lăng khẳng khiu hoặc mấy cây dâu da. Nói chung đây là vị thế tương đối tốt cho những kẻ thích ngồi đây thưởng ngoạn hoặc tự giải quyết việc riêng tư. Tôi thường ra đây ngồi, leo lên bờ tường, thả dép xuống và ngồi bó gối mơ màng, hệt như mấy đứa con gái trong truyện mà tôi thường đọc, có vẻ chuối, những cũng rất có cảm giác. Nhất là hôm nay trời đẹp ánh nắng vàng ươm như ngô, lại thêm ngọn gió lùa hơi se se, hơi lạnh bất giác đến như người quen. Thật là một khung cảnh hết sức tuyệt đẹp. Đây đúng là thiên thời địa lợi nhân kiệt (tất nhiên nhân kiệt là tôi,)…
Tôi đưa tay ra với những ngọn dâu da. Có chút gì đó lạnh lẽo. Thu tay lại, lại đút vào trong túi áo khoác và mơ màng. Lâu lắm rồi không có cái cảm giác thoải mái như thế này. Mấy hôm ốm, như kiểu bị vắt hết đi sức lực, giờ ngồi lại, thấy mình yên bình. Nhìn lên ánh nắng chói chang, thấy loá cả mắt. Và lại nghĩ đến cô gái ấy. Cô gái mà tôi chỉ biết mặt không biết tên, cô gái mà tôi chỉ gặp duy nhất một lần.
Có những truyện mình không thể lí giải nổi và càng lí giải mình càng thấy nó rơi vào bế tắc chẳng tìm thấy lối ra. Tôi không biết những tình cảm vô hình trong tôi có ý nghĩa gì , không biết rằng có gì còn lại trong cô ấy sau cơn mưa, có nhiều hơn những giọt mưa bụi vội vã và cơn gió lạnh đầu mùa. Nhưng tôi tin có gì đó đã đậu nhẹ nhàng trong trái tim, một cách vô thức đủ để tôi cảm nhận rằng cô ấy nhẹ nhàng đi qua tôi như một thiên sứ. Cái mà tôi muốn biết là thiên sứ đó, liệu khi nào tôi sẽ gặp lại, ngoài những giấc mơ chập chờn của tôi.
Tôi hai mươi tuổi, chưa từng yêu một người con gái nào. Chưa từng cảm nhận một cái nắm tay của con gái để biết rằng nó ấm áp đến đâu khi người ta thấy có người kề bên mình. Tôi có từng thích một cô gái học cùng khối, khi tôi học cấp ba. Nhưng chưa một lần nói. Những gì còn đọng lại rõ ràng nhất trong tôi là những buổi tan trường, tôi ra bãi để xe thật sớm, và tìm cô ấy giữa muôn người ra lấy xe, nhìn cô ấy dắt xe đạp ra, và lại tìm cô ấy giữa muôn chiếc xe đang len lỏi thoát ra ngoài cái cổng trường chật chội. Chỉ có thế. Những êm đềm dịu ngọt và những yêu thương đầu đời. Tôi cho là như thế. Có gì hơn… Không một lời nói. Chẳng có một lời nói nào cả. Mà thời gian thì lại cứ vô hình. Ngày ra trường tôi thấy có gì đó như vỡ vụn. Cho riêng tôi….
Còn cô gái này. Có gì đó như là một sự ràng buộc. Một sự ràng buộc dù mảnh mai mơ hồ nhưng tôi tin chắc chắn là có. Mùa đông của tôi,cơn mưa của tôi, và cô gái của tôi. Những hình ảnh mơ hồ hiện ra. Cô gái với nụ cười đẹp như một thiên thần và mái tóc bay lưa thưa trong gió…..
Thế là từ đó tôi có một công việc hết sức ngớ ngẩn. Tôi thường ra ban công ngồi một mình mặc cho lũ bạn tán gẫu ở trong lớp, bó gối mơ màng và miên man nghĩ về một người con gái là tôi đã lâu không gặp. Mà kể cũng lạ, tôi với cô ấy, học không cùng trường, nhưng trên cùng một con đường đi học về, vậy mà từ hôm gặp cô ấy trong đêm mưa ướt át đấy, đã hơn nửa tháng rồi tôi không gặp lại. Có chút gì đó xa xăm và vô định. Đôi khi nghĩ phải chăng mình nghĩ ngợi nhiều quá đâm ra lẩn thẩn, không dưng lại đi vơ một người chẳng biết là đâu với đâu làm nỗi nhớ nhung cho mình. Đôi khi nghĩ có lẽ mọi thứ chỉ là giấc mơ, mà giấc mơ là không thực. Nên quên tất cả đi. Tất cả. Rồi vùi đầu vào học. Những bài học dù chẳng khô khốc nhưng lại dai như miếng thịt bò khô, nhồi nhét mãi mà chẳng vào đầu. Học hành để người ta hiểu biết thêm, nhưng cũng để người ta mụ mị đầu óc thêm. Và để người ta quên.
Mùa đông đến, xua mùa thu đi như người ta thay chiếc áo. Mùa đông bóc dần những chiếc lá trên cây bằng lăng gầy guộc để rồi những cánh tay nó trơ trọi xương xẩu, trời càng rét hơn. Cái rét như muốn bao trùm lên tất cả, luồn ngón tay mình đến mọi ngóc ngách. Thò bàn tay ra đã thấy rét. Nên chỉ muốn đút tay vào túi áo. Và người thì lúc nào cũng muốn rúc mình vào cái chăn bông. Dậy muộn hơn. Lười hơn. Bố gọi dậy, gọi như hò đò vậy mà cứ bảo con ngủ thêm chút nữa thôi mà. Phố phường đông đúc mà sao mình vẫn thấy cô lẻ và lạnh lẽo. Mùa đông qua sao san sẻ cho người ta lắm sự cô độc và rét buốt quá vậy. Nếu người đời học được đức tính như vậy, san sẻ cho tôi thêm ít tiền thì có phải là tốt biết mấy…
Đôi khi một mình đi dưới những cây bằng lăng già trong cái lạnh thấu xương của mùa đông thấy tội tội cho nó ( không biết là ai nên tội tội cho ai nhỉ, nó đứng như thế này còn có cả cụm ông bà con cháu họ hàng hang hốc dây mơ rễ má nhà nó nữa chứ còn mình thì chỉ có một mình. >.<). Đưa bàn tay ra, nhặt chiếc lá vàng hiếm hoi thấy bàn tay mình lành lạnh. Lại vội giụt tay lại thu tay vào áo. Chiếc lá vàng vẫn nằm lặng lẽ ở đó. Nếu có một bàn tay để nắm cho đỡ lạnh thì tốt biết mấy. Ít ra là mình thấy ấm áp dù chỉ là trong tiềm thức. Khẽ giật mình. Mình vẫn nhớ cô ấy. Vẫn chưa quên. Mình nhớ là mình đã xoá hình ảnh cô ấy và những gì lằng nhằng liên quan đến cô ấy trong bộ nhớ chính rồi cơ mà. Không lẽ mình quên, vẫn còn để trong bộ nhớ phụ? Hay cô ấy là virus, nên chẳng thể xoá nổi?
Thỉnh thoảng điểm xuyết giữa những ngày lạnh lẽo nhưng khô ráo hoàn toàn và đôi khi có khuyến mại thêm chút nắng yếu ớt là những ngày mưa ướt át và lạnh lẽo. Tôi vẫn nhớ cái quyết tâm của mình hồi trước bảo hôm nào đi học là hôm đó phải mang theo ô đi, nhưng tôi chẳng hiểu là mang theo ô đi để làm gì nữa. Kể từ hôm gặp cô ấy trong cơn mưa ấy, tôi chưa một lần che ô khi đi mưa. Dù cơn mưa có lạnh. Và dù mấy đứa bạn có la hét đến sát mang tai rằng tôi là một kẻ điên đi nữa, khi nhất quyết chẳng chẳng cho chúng mượn ô cũng chẳng che ô mà cứ cầm như thế. Đúng là điếc không sợ súng thật, tôi đã ốm phải vào viện vì đi mưa một lần. Vậy mà vẫn chẳng chịu chừa. Cũng may, mưa mùa đông, không đến nỗi nào dường như cũng biết điều, chẳng nặng hạt lắm, chỉ lất phất bay nhè nhẹ và như những bông hoa nhỏ li ti. Đủ để ướt tóc đủ để đậu nhè nhẹ lên áo, đủ để người ta thấy lạnh và đủ để tôi nhớ. Đôi lúc đi dưới những cơn mưa thấy người ta hối hả, tự dưng nhìn lên trời. bầu trời một màu xám ngoét. Không tôi chẳng thấy gì cả, tôi chỉ thấy những giọt bụi rơi và một nụ cười trong trẻo đẹp đẽ của thiên thần. Chỉ như vậy thôi. Đôi kẻ đi qua thấy kì kì, chúng nhìn tôi. Mặc. Rồi người ta bước đi, chỉ còn một kẻ hâm, một tay cầm cái ô chẳng chịu mở ra, một tay đưa lên trời hứng lấy những giọt mưa nhỏ nhoi nhưng lạnh lẽo rét buốt, và đôi mắt với sự hỗ trợ vô điều kiện của cái kính 4 đi ốp đang hướng lên bầu trời xám đục mà tìm ở đó không biết là thứ gì??????????????
Có lần tôi đã đứng giữa khu để xe ngoài trời xem mưa bay nhìn cây xà cừ trút lá ( tất nhiên chẳng phải là đếm lá để đánh đề, tôi chẳng bao giờ đánh, càng chẳng bao giờ có được cái thú chơi tao nhã của bậc đại gia như thế). Và ngước nhìn lên bầu trời nhìn giọt bụi nhè nhẹ bay. Cứ như thế suốt hơn một tiếng đồng hồ đến lúc người tôi run lên vì lạnh. Cơn mưa cũng biết ý, cố tình rơi thật nhẹ. Dường như nó cũng có sự đồng cảm sâu sắc và lớn lao với các bệnh viện. Rét buốt lạnh lẽo thế này, bao nhiều người ốm đau, bớt được người nào hay người đấy, thôi cố gắng đừng để thằng hâm kia bị ốm, dù sao nó cũng mới ra viện chưa được một tháng, chưa đủ thời gian để đi tăng hai…..
Tôi cũng chẳng hiểu sao tôi cứ dầm mình trong phong ba bão táp (nghe oai nhỉ) liên miên như thế mà lại không ốm, vậy mà hôm nọ dính chút mưa mà đã nằm vật ra. Đừng bảo là tôi đã dính mưa nên giờ có kháng thể chống mưa, mình đồng da sắt mưa gió chẳng hề hấn gì nhé… Thế là bất công cho bác sĩ…… Mà tôi sau này cũng là bác sĩ…
Bọn bạn tôi mấy thằng, cũng nhận ra đôi chút (không biết có đúng là đôi chút không nhỉ) khá lạ trong tính cách của tôi. Tôi trầm hơn trước hay suy tư hơn trước, ít tham gia vào những cuộc chém gió vô bờ bến và quan trọng hơn nữa là điểm kém hơn trước. Thời gian dằng dặc trôi nhưng rất ít khi người ta biết rằng nó trôi quá nhanh. Vì khi người ta biết rằng nó trôi nhanh là người ta đã đi quá chậm.
-Dạo này mày học hành sao thế, mất mặt anh em tao quá, không cớ gì để điểm chác nó thấp như vậy được, mày chứ có phải là cái thằng nào đâu, xem kìa để bọn thằng Phú béo nó qua mặt rồi kìa. Mày không giữ thể diện cho mày thì mày cũng phải biết giữ thể diện cho anh em chứ. – Quang tuôn một hồi nhìn mặt nó não nề dài thườn thượt chừng đến mấy mét chứ không ít.
Bọn xung quanh mấy thằng càng chém mạnh hơn:
-Đúng thế, không thể để như thế được
Tôi phản kháng:
- Thì tao vẫn học hành như thế mà có sút gì đâu, có là chúng nó học hành tốt hơn đấy chứ. Mà bạn bè với nhau chúng mày so bì mà làm gì nhỉ? Chúng mày cũng học ổn lắm mà, có vấn đề gì đâu. Đừng có mà dồn hết trách nhiệm lên đầu tao. Tao học dốt từ bé đến lớn, đến giờ vẫn thế mà, hìhì…
Tôi cười vô tội . Nhưng để ý thấy xung quanh mình có đôi chút khác lạ. Khi nhìn ra thì đã muộn. Thằng Quang ôm tôi còn thằng Sơn bịt mắt. Tôi bị chúng nó đánh hội đồng không thương tiếc. Đúng là bọn này, bạn bè tốt thế đấy. Khi tôi kịp mở mắt ra thì chúng nó đã ù té chạy, còn lại là cái mình mẩy đau ê ẩm. Chết tiệt bọn này. Để tao mà bắt được thằng nào thì không xong với tao đâu nhé. Còn lại bên tôi là chút nắng vàng thưa thớt như giễu cợt, và một chút gió biết bông đùa. Một bàn tay con gái nhè nhẹ đằng sau lưng…
-Cậu có sao không?
Tôi ngóc đầu dậy, giờ mới nhớ ra là mình vẫn đang ăn vạ bên cạnh cái lan can. Một khuôn mặt không đẹp cho lắm nhưng nói chung là cân đối, hiền hậu. Ngự trị trên gò mũi cao là một đôi kính mà tôi tin rằng nó chẳng thể nào so được với cái chỉ số của cái kính của tôi. Đôi mắt sáng và như biết nhìn thấu vào người khác…
-Ừ cảm ơn tớ không… không… sao. Tôi đáp lại nghĩ đã đến lúc phải đứng dậy, không cần phải ăn vạ nữa. Trông cô gái này có vẻ quen quen. Hình như lúc nãy lúc tôi có bị đánh hội đồng (thì ba bốn thằng đánh tôi thế còn gì ) cô gái này có ở gần đấy. Thì ra cô nàng tưởng tôi bị đánh thực. Nghĩ đến điều này tôi bất giác cười. Nhìn ra bọn thằng Quang vẫn thập thò chỗ cửa lớp. Có thể nhìn rõ chữ tiếc nuối trên mặt bọn nó. Và thậm chí tôi cam đoan tụi thằng Hà có thể nghe thấy thằng Quang nuốt nước bọt ừng ực.(hì hì)…
-Cảm ơn cậu nhé. Tớ không sao. Chào nhé! - Tôi chào một câu rồi bước vào lớp. Còn cô nàng thì hình như khẽ cười. Quái lạ thật, tôi thấy có gì đáng cười đâu nhỉ? Hay là khuôn mặt tôi có nhọ. Nhìn qua tấm cửa kính lằng nhằng những bụi là bụi. Không phải. Tôi bước vào quên mất việc phải xử lí mấy thằng kia mà lại ngớ ngẩn hỏi chúng nó một câu
-Chúng mày, trên mặt tao có nhọ hả?????????
***********
Trên những chuyến xe bus đi về sớm hôm tôi vẫn cố tìm cho mình một hình dáng quen thuộc nhưng chẳng thể gọi ra tên, và vẫn cố gắng đi tìm cho mình cái cảm giác ngày nào, cái cảm giác đi dưới cơn mưa bụi lạnh lẽo. Lên xe bus, giờ tôi có thói quen khó bỏ là đảo mắt nhìn khắp xe một lượt. Hệt như là điểm danh ghế trên xe để tìm chỗ. Nhưng không tìm thấy nơi đâu mà cảm giác cúa mình đã bị đánh gục. Không thấy cô gái hôm đấy. Tự cười gàn mình. Thật là nực cười. Tại sao lại cứ phải đi khai quật những cảm giác mà mình đã cố chôn đi, cố nhồi nhét nó trong góc lẩn quất nhất. Chiếc xe cứ lặng lẽ chạy nhưng có vẻ nó lì lợm, như thấy sức ỳ trên mình. Một thằng con trai đang mang trong mình một nỗi lòng nặng trĩu. Vậy sao nó có thể chạy nhanh được????
Đông càng ngày càng len lỏi sâu vào từng con ngõ nhỏ. Ngọn gió chẳng còn ý tứ giờ nó đã biết bắt đầu gào thét và từng đêm, nghe tiếng rít khắc khoải như đang mải miết đi tìm ai. Có đi tìm cô gái đó cho tôi??? Cây bằng lăng già vẫn ngượng nghịu đứng đó, cánh tay nó như gầy guộc hơn trong cơn gió lạnh, chẳng thể thu tay vào đâu cả đành vươn ra để mặc cho gió luồn lách. Còn tôi vẫn đưa tay vào trong túi áo nhưng vẫn thấy lạnh. Quấn tạm chiếc khăn mà mẹ mua cho từ lâu, chiếc khăn màu tím nhẹ nhàng, chẳng hợp cho con trai. Chiếc khăn to đùng quấn quanh cổ, còn ngóc mỗi cái đầu với mấy chỏm tóc lên. Trông thật là buồn cười. Đến mình còn thấy buồn cười nữa là người khác.
Chap 11: Làm quen…
Tôi đi miết những dấu chân….
Bến xe bus Lò Đúc. Con đường này khá là rộng. Nghe nói hình như là nhà của Đặng Thuỳ Trâm cũng ở con đường này thì phải. Nhưng tôi chẳng biết nó nằm ở chỗ nào. Đối với dân học Y chúng tôi, hình tượng Đặng Thuỳ Trâm là một hình tượng tiêu biểu, mẫu mực để chúng tôi phấn đấu. Chúng tôi nhưng tôi không cam đoan là trong đó có tôi. Tôi vốn là kẻ có ý chí phấn đấu không tốt và càng chẳng có một lí tưởng mẫu mực càng không thể hi sinh tất cả vì một cái mục đích cao cả, nhưng cũng chẳng biết nó cao đến mức nào.
Tầm bốn giờ chiều. Bến xe bus giờ này vẫn đang ế khách chờ. Tôi đi học thực tập chỉ học ca một nên được về sớm.Tôi bắt 44 về đến bến này và dừng tiếp ở chỗ này để đón tiếp con 42. Giờ vẫn chưa muộn lắm. Nên có thể yên tâm là con xe này nó không đi lạc nhầm đường. Có một lần tôi nhất quyết đợi con xe này và tôi tính được rằng tôi đã phải đợi tổng cộng 1 tiếng 29 phút 54s để sung sướng bước lên con xe đông chật như nêm cối. Còn hôm nay yên tâm là truyện đó không xảy ra.
Có hai con bé học cấp ba đi ra từ quán chè bên kia đường. Trông chúng có vẻ thích thú khi vừa dâng cho bà chủ quán mười lăm nghìn gì đó. Trời lành lạnh thế này mà vẫn chịu đựng tốt gớm, ăn mặc có vẻ hở quá mức. Học cấp ba thôi mà đã làm lố quá. Chỉ tổ bổ mắt cho bọn con trai. À mà quên, tôi cũng là con trai đấy chứ nhỉ, nếu không nhìn thì lại phí phạm, mất công hai em đấy đã chịu gió chịu rét như thế….
Con xe 44 đi tới. Ôi trời, tưởng nhầm con 42. Hoá ra mình lại đi bắt con tưởng bở. Dụi dụi mắt. Không phải là già rồi, có tuổi nên mắt mũi có vấn đề đấy chứ...
Tôi đưa cái kính xuống. Nom vẫn mới mà. Chỉ tội hơi bụi chút. Nhưng vẫn ổn, lau qua đi chút là được. Không phải là tại kính. Thế thì chắc tại cái đầu. Có lẽ hôm sau nên nhờ bố mua cho ít thuốc dưỡng não, đầu óc dạo này có vấn đề. Có tí tuổi vào nó vẫn khác chứ nhỉ.
Khi tôi đưa kính lên đeo thì tôi thấy có gì đó quen quen. Người con gái ở trước mặt, ngay trước mặt tôi, ở bên cạnh cái cột đèn. May mà tôi không có tiền sử bệnh tim, không thì có chúa mới biết có điều gì xảy ra.
Khẽ thở nhẹ nhưng hơi thở như dồn dập. có cái gì khẽ động đậy trong lồng ngực. Trái tim bắt đầu đập loạn xạ rơi vào trạng thái mất chu kì. Tôi khẽ mỉm cười. Trong lòng niềm vui sướng hân hoan. (giá mà cứ mãi thế này thì thích nhỉ, mượn Chí Phèo câu này một chút nhé, stop cho truyện bản quyền.).
Cô ấy đứng đó vóc người vẫn nhỏ nhắn, vẫn mái tóc mỏng manh bay nhẹ trong gió đấy. Hôm nay cô ấy mặc bộ quần áo đồng phục thể thao, nhưng vẫn không làm lu mờ đi được vẻ đẹp thiên sứ đấy. Đúng là người đẹp thì mặc gì cũng vẫn đẹp. Hôm nay chẳng lạnh. Nhưng có gì đó se sắt trong trái tim.
Tôi lấy hết dũng cảm trong mình, bước đến bên chỗ cô ấy, dù cô ấy đứng cách tôi có hơn một mét:
-Chào cậu, cậu học Ngân Hàng phải không?
Cô ấy quay ra nhìn tôi. Khuôn mặt đẹp đẽ ấy bối rối trong giây lát rồi mỉm cười:
-Ừ cậu là…..
Lại cái nụ cười khó đỡ. Cơn gió nhẹ thổi qua như trêu đùa trên mái tóc cô ấy. Còn tôi mái tóc tôi cứng như bàn chông, gió chẳng thể động tới, nên tôi lúng túng gãi đầu:
-Không, chỉ là tớ hay đi xe này ,thấy cậu cũng hay đi xe này nên thấy quen thôi. Mà cậu học Ngân Hàng, nhìn trên logo áo thì biết mà.
Tôi lúng túng gãi đầu vừa nói vừa ấp úng. Lại nói phét. Và khi nói dối tôi không có thói quen nói trơn tru được. Tôi chỉ gặp cô ấy có đúng một lần trên con xe 35, vậy mà bảo hay gặp. Tôi biết trước là cô ấy học Ngân Hàng từ bao nhiêu thế kỉ trước, nhưng tôi lại bảo là nhìn lên chiếc logo trên áo là biết. Nói dối là không tốt. Mẹ tôi đã dạy tôi thế. Thầy giáo tôi cũng đã dạy như thế. Nhưng trong truyện này, I’m sorry. Không thể nói thật. Đấy là sự khác biệt giữa kẻ ngu ngốc và người chiến thắng……
-À thế à,- nụ cười lại nở trên môi cô ấy, giá mà có thể đem bỏ vào lồng kính được nhỉ - thế cậu học trường gì vậy?
Đến lượt tôi rồi:
-Ưmh, cậu đoán thử xem. Tớ học trường gần Ngân Hàng!
-Thuỷ lợi?
Tôi lắc đầu một cái.
-Công đoàn?
-Tôi lắc đầu hai cái.
Có thật không vậy? Cô ấy chủ ý tránh nói trường tôi hay sao? Trường tôi cũng gần trường cô ấy mà, chỉ mỗi tội có thể chẳng bề thế hơn, nhưng nếu xét về lịch sử thì có lẽ trường cô ấy phải gọi trường tôi bằng sư tổ. Đấy là còn mới tính sơ sơ. Đấy là bảo trường cô ấy gọi trường tôi là sư tổ chứ không phải là cô ấy gọi tôi là sư tổ nhé. Như thế chết cũng chẳng được nhắm mắt….
Tôi gợi ý:
-Cái trường nằm trên đường Tôn Thất Tùng ý.
Câu này nữa là quá dễ. Nếu cô ấy không trả lời được nữa, thì có lẽ tôi nên ngất xỉu đi là vừa. Mong là chỉ số thông minh của cô ấy không tỉ lệ nghịch với sắc đẹp của cô ấy.
À, hoá ra là cậu học Y hả?
-Ừ đúng rồi, cũng gần trường cậu mà!
-Thế mà tớ cũng quên.- Cô ấy lại cười. sao biết tận dụng lợi thế của mình thế nhỉ, cứ muốn cám dỗ người khác. Không biết cô ấy có biết nụ cười của mình đẹp đẽ đến mức nào không nữa. Còn nụ cười của tôi thì chẳng đẹp. Tôi có đến hai cái răng cửa vàng vàng như người ta đi gắn răng giả để giữ của, hậu quả của việc trước đây bố mẹ tôi cho tôi uống quá nhiều thuốc têta lúc tôi còn bé.
-Cậu tên gì nhỉ, tớ không biết? – Tôi lên tiếng phá vỡ sự tĩnh lặng. Muốn nghe thấy giọng nói trong trẻo và hồn nhiên của cô ấy. Và nhìn vào trong đôi mắt cô ấy. Đôi mắt trong veo không vướng bận. Có gì đó mà hơn cả hồn nhiên mà tôi không thể cắt nghĩa.
-Tớ tên Phương, còn cậu tên gì? Cô ấy luống cuống, quay mặt đi. Rõ ràng cô ấy biết rằng tôi đang nhìn cô ấy, không hề chớp mắt ( đáng nể thật đấy chứ).
-Tớ tên Phong. Cậu đi về xa không?
-Nhà tớ bên kia cầu Đuống, giờ đi 42 tẹo nữa phải về bắt xe về Yên Viên nữa. Cậu ở đâu?
-Ôi trời, cậu đi xa thế, thế thì đi mất nhiều thời gian lắm nhỉ, thế thảo nào mà người lại chẳng béo được, nhìn gầy lắm- quay ra nhìn cô ấy, thấy cô ấy cười – tớ ở gần đây thôi. Tớ sang bên kia cầu Chương Dương là xuống.
Bọn bạn tôi thường than trách tôi rằng sao tôi ở xa trường thế sao không ở gần trường một chút có tốt hơn không. Đôi lúc nghĩ thấy mình mất một tiếng đi học đúng là mất thời gian vô ích nhưng giờ so với khoảng cách mà cô ấy phải đi có lẽ khoảng cách của tôi chỉ là con tép. Hơn thế nữa, cô ấy là con gái mà còn đi được. Còn tôi là con trai.
Thú thực nhiều lúc nghĩ đến cái cảnh đi học mà mất gần một cây mới đi ra đến bến xe bus rồi bắt hai con xe mới đến được cái bến xe bus gần trường, lại từ bến xe bus mất đến mười phút đi bộ vào trường mà tôi thấy cũng nản. Nhiều lúc nghĩ có lẽ sang năm học mới mình nên chuyển vào ở gần trường cho tiện. Bọn bạn tôi cũng rất có nghĩa khí mấy thằng bảo có thể chứa chấp tôi, không sợ tai tiếng ,về ở chỗ chúng nó tốt chán, tội gì cứ phải ở cái nơi xa như thế. Nhưng giờ tôi nghĩ có lẽ tôi không cần nữa. Có cô ấy cùng đi học nữa, thế là đủ. Tôi mơ màng nghĩ đến cảnh tôi và cô ấy ngày ngày đi học cùng trên một chuyến xe bus, đi cùng nhau về cùng nhau, như thế chắc lãng mạn lắm.
Chợt nghe thấy tiếng cô ấy cắt ngang giấc mơ đẹp đẽ của tôi:
-Thôi chào cậu, tớ phải về đây!
Ơ, đùa à, sao có người thích đùa thế nhỉ, không nghe thấy mình nói là mình cũng về bên ấy à.
-Tớ cũng về bên ấy mà!
Tôi lí nhí đáp sau lưng cô ấy rồi theo cô ấy lên xe. Cô ấy hình như có nghe thấy quay đầu lại nhìn, khẽ cười rồi bước lên xe. Tại sao lại cười nhỉ. Chẳng thể hiểu nổi.
Tôi bước đến bên gần chỗ cô ấy đứng. Khá là đông người. Nhưng vẫn tốt chán. Đứng thế này còn thoải mái chán. Hơn nữa ở bên cạnh lại có một người đẹp.
Im lặng. chiếc xe lừ lừ chạy như con xe lu. Hình như tắc đường. Bởi vì tôi nghe có tiếng ông lơ xe chửi đổng trong vô vọng.
-Cậu hay đi xe này lắm à?
Đến lượt Phương hỏi. Tôi trở thành kẻ ở thế bị động. Đôi khi nói chuyện nên biết lúc nào nên phòng thủ, lúc nào nên tấn công. Kẻ thông minh là kẻ biết tiến biết lùi đúng lúc đúng chỗ (nhớ là phải có cả đúng chỗ nữa nhé).
-Ừ. Tôi đáp. Điều này hoàn toàn là thật. Tôi sớm tối trưa chiều đều đi học trên chiếc xe này. Tôi không xe đạp không xe máy, đến ô tô đến máy bay cũng chẳng có nên cuối cùng chọn giải pháp đi xe bus là an toàn. Vì lợi ích cộng đồng và vì môi trường xanh sạch đẹp. Bao nhiêu lời cổ động bao nhiêu áp phích chẳng suốt ngày nói thế…
Chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi lại:
-Sao?
-Không có gì!
Cô ấy quay mặt đi im lặng. Nhìn vào ánh mắt. Có gì đó không tin tưởng. Cũng phải. Ai bảo cô ấy xinh nên phải biết cách phòng thân.
-Cậu học khoa gì?
-Tớ hả? Tớ học kế toán? Còn cậu?
-Tớ học đa khoa!
-Thế thì học mấy năm nhỉ, hình như là sáu năm nhỉ?
-Ừ đúng rồi!
-Thế thì lâu lắm.
Ừ. Lại im lặng. Chỉ có chiếc xe vẫn vô tư chạy. Nhưng chẳng hiểu những con người trên nó nghĩ những gì nữa…
Bến xe bus. Chiếc xe dừng chầm chậm, dòng người phía dưới đang vội vã chen nhau chạy theo chiếc xe. Tôi chào cô ấy và bước xuống. Trước khi xuống, quay lại nhìn cô ấy một lần, khẽ khàng. Cô ấy vẫn thế, xinh đẹp, và đôi mắt nhìn xa xăm.
Trời hơi lạnh. Tối rồi, có lạnh hơn trước chút ít. Cơn gió như cũng vội vã hơn. Mọi người dường như cũng hối hả. Còn mình tôi chẳng vội vã. Tôi đứng nhìn chiếc xe đi khuất. Cơn gió lạnh từng đợt đưa vào mặt, phả lên cái cảm giác lạnh lẽo. Cô ấy ở trên chiếc xe đó. Cô gái của tôi. Tôi vẫn chưa tưởng tượng được tất cả những gì vừa xảy ra. Cô gái mà tôi tìm kiếm đến mòn cả mắt, cô gái thường len nhẹ vào những giấc mơ của tôi, cô gái mà tôi đã tìm kiếm trên bao nhiêu chuyến xe mà tôi đã đi, giờ tôi gặp lại, trong một cái hoàn cảnh mà tôi chắc chẳng bao giờ nghĩ ra, và cũng chẳng bao giờ nghĩ được mình lại làm quen với cô ấy theo cái kiểu như thế. Ông trời nhiều lúc cũng buồn cười. Tôi tự véo má mình một cái. Thấy đau rát. Chỉ cần thử thôi sao phải mạnh tay thế nhỉ. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng, tôi hoàn toàn không bị bệnh phong, và chắc chắn thêm rằng, tôi gặp cô ấy không phải ở trong giấc mơ. Tôi mỉm cười bước về, trong lòng dâng lên một niềm vui mạnh mẽ. Tối nay lại có việc để làm rồi. Bố tôi thấy tôi trông có vẻ vui vể thế, ông cứ liên tục hỏi rằng tôi hôm nay có việc gì mà vui vậy. Tôi chẳng nói. Bố tôi hiểu làm.. làm sao được chứ??????????
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro