Chương 12: Mẫn Nhi- Bồng bột không thể giấu
Tôi chậm rãi bước xuống lầu dưới, một mặt lười nhác, một mặt không muốn đối diện với dì Ngọc ngay lúc này.
Mỗi lần dì bất chợt gọi tôi xuống lầu lúc không phải giờ cơm, chắc chắn điều dì muốn nói với tôi thường không tốt đẹp lắm.
Và tôi đoán không sai.
Dì Ngọc ngồi điềm nhiên trên ghế sopha của phòng khách.
Vẻ yên tĩnh vốn có của ngôi nhà làm tôi thấy không khí giữa tôi và dì ấy ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Tôi chưa kịp mở miệng nói câu "có chuyện gì thế ạ?" Thì dì ấy đã vẫy tay ra hiệu cho tôi tới gần.
Bỗng dì nắm lấy tay tôi, đưa ra trước mặt tôi một tờ giấy.
Tôi tròn mắt nhìn tờ giấy mà dì ấy đưa, đọc từng chữ từng chữ quảng cáo mà không khỏi tức giận.
Dì ấy đưa cho tôi địa chỉ của một trung tâm khám sức khoẻ thần kinh, trong đó có khoá trị liệu tâm lí.
Ngay tại giây phút ấy tôi thấy lòng tự trọng của tôi bị tổn thương đến mức không nói lên lời.
Chưa kịp phản ứng gì thì dì ấy đã nói:
"Mẫn Nhi à, mẹ nghĩ con nên... đến đó thử một lần, vì dù sao con cũng sẽ không tham gia một mình, mẹ có nghe ngóng rồi, mấy người ở đó thuộc cộng đồng bị bệnh tâm lí xã hội như con vậy. Có lẽ họ giúp được con..."
Tôi không muốn nghe thêm nữa.
Tại sao tôi phải vào trung tâm trị liệu tâm lý khi nguyên nhân chính khiến cho tôi trở nên như thế này là chính là dì.
Nhìn thấy tôi nắm chặt tờ giấy, mặt vẫn cúi gằm xuống, dì Ngọc bỗng siết chặt tay tôi hơn một chút.
Giọng dì hơi run rẩy nhưng tông giọng vẫn cay nghiệt như vậy:
"Con... không thể giúp mẹ..."
Tôi bật khóc ngay lúc đó, hất mạnh tay dì ấy ra, thế này là quá đủ.
Tôi lấy hết sức mình để bật ra tiếng nói mà tôi chưa bao giờ cất lên trước dì ấy.
"Đừng!... Đừng bao giờ nói dì là mẹ tôi!"
Rồi tôi bỏ chạy lên phòng mình.
Giọng gì ấy vẫn đuổi theo tôi:
"Mẫn Nhi! Con định cứ sống như thế mãi sao? Làm ơn! Mẹ xin con!"
Tôi không thể nào lắng nghe được một cái gì từ dì ấy nữa.
Dì ấy chung quy lại cũng là vì những lời đàm tiếu về tôi, dì ấy cũng sợ những lời đàm tiếu về dì ấy, bởi vì dì ấy không phải mẹ ruột tôi.
Đó là áp lực của dì ấy và dì ấy đặt nó lên tôi.
Tôi ngồi sụp xuống sau cánh cửa phòng, cố gắng lấy lại hơi thở của mình.
Thật vô dụng...
Tôi thật vô dụng...
...
Tôi đến trường với mộ tâm trạng chẳng mấy nhẹ nhàng.
Tôi lại ghét phải chen vào lớp học đông người, đầy những âm thanh hỗn tạp đó.
Tôi ghét phải vào ngồi học để bị gọi lên lớp đọc bài.
Mọi nỗ lực muốn thay đổi của tôi dường như bị đạp đổ trong giây lát bởi sự đả kích từ dì ấy.
Tôi thực sự chỉ muốn chạy trốn, khỏi sự bất lực và mặc cảm này.
Và đến lúc nhận ra, tôi đã đứng ở trước cửa ra vào của phòng giáo vụ cũ mất rồi.
Tôi đứng nhìn chăm chăm vô định vào vị trí quen thuộc mà thầy Lâm thường hay ngồi.
Trong suy nghĩ vu cơ của tôi lúc đó...
Rốt cuộc đúng là tôi chẳng có cái gì cả.
Tôi không có tài năng hay sự nỗ lực như Diệp.
Lòng hào sảng như Việt Anh chắc cũng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong con người của tôi.
Thứ mà tôi có thể bám víu vào, có lẽ chỉ là căn phòng này, sự im lặng dễ chịu mà tôi khó khăn lắm mới có được trong những lần gặp thầy Lâm.
Nhưng bây giờ thầy không có ở đây.
"Thầy ơi... em phải làm sao đây?"
Suy nghĩ ấy vừa dứt thì bỗng giọng nói trầm ấm ấy cất lên, kéo tôi về hiện thực.
"Mẫn Nhi? Em ở đây à?"
Thầy tiến lại gần tôi.
Hình ảnh ấy sao thật đẹp đẽ, giống như đang toả sáng trước mắt tôi vậy.
Và ngay chính khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được trên má tôi có cái nóng hổi của những giọt nước mắt.
Tôi giật mình quay mặt đi, vội lấy tay lau đôi mắt đang ướt của mình.
Nghĩ lại lúc này tôi thật ngốc, thật xấu hổ.
Sao có thể tủi thân đến mức khóc trước mặt thầy ấy một cách bất ngờ như thế chứ.
Tôi... bộ dạng này thật thảm thương làm sao.
Nhưng thầy chẳng nói gì cả, chỉ chầm chậm đi đến bên cạnh tôi, tra chìa khoá vào ổ khoá phòng.
Thầy khẽ nói, nhẹ nhàng và ôn nhu, như trấn an tôi:
"Em có thể vào đây ngồi, tiết sau rồi vào lớp cũng được, dù sao hai tiết đầu của lớp em hôm nay cũng là tiết văn của tôi."
Thầy không hỏi nguyên nhân, thầy cũng chẳng tỏ ra hoảng hốt lo lắng.
Thầy chỉ luôn như vậy.
Điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ôn tồn...
Thần trí của tôi... ngay giây đó... ngay giây phút thầy mở cửa phòng giáo vụ cũ đó, tôi đã giữ thầy lại.
Tôi thật sự đã kéo thầy lại, đầu tôi bất lực dựa vào tấm lưng thẳng tắp, rộng lớn của thầy.
Một khoảng lặng thật lâu chìm vào đó.
Nước mắt tôi đã ngừng rơi từ lúc nào tôi cũng không biết.
Thầy quay lưng lại, đối diện với tôi, rồi thầy nắm lấy khuỷu tay tôi, kéo nhẹ tôi vào trong.
Lúc thầy buông tay ra, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm còn vương trên đó.
Tôi vẫn cúi gằm gương mặt đã đỏ gay lên của mình.
Thầy vẫn im lặng một lúc nữa.
Rồi thầy cất giọng lên:
"Em bình tĩnh lại chưa? Không sao rồi chứ?"
Tôi suýt nữa bật khóc một lần nữa. Tôi đã làm ra cái chuyện tày trời thiếu suy nghĩ như thế nào chứ, chuyện này đáng xấu hổ đến thế nào chứ, sao tôi có thể hành động một cách bản năng như vậy.
Rốt cuộc lúc đó tôi cũng không thể trả lời được câu hỏi của thầy.
Thầy thấy tôi vẫn cứ im lặng như vậy... tôi sợ rằng, sợ rằng phải nói ra sự thật, tôi không muốn phải xấu hổ hơn nữa.
Nhưng thầy Lâm chẳng nói gì nữa, chỉ đặt tay lên vai tôi, vỗ nhẹ hai cái rồi nhẹ nói:
"Được rồi, khi bình tĩnh lại rồi hãy chia sẻ nhé. Dù tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nhưng chắc em đã phải vất vả lắm."
Thầy quay lưng lại và bước đi, rời khỏi văn phòng cũ kĩ này.
Bình thường tôi là người rời đi trước thầy, lần này, tôi lại được thấy bóng lưng ấy của thầy.
Giá như thầy khô khan một chút, giá như thầy đểu giả một chút, giá như thầy cộc cằn một chút,... giá như... giá như thầy đừng tâm lý một cách ôn nhu như vậy, giá như thầy cứ như những người như mẹ kế của tôi, bắt buộc tôi trở nên thế này thế nọ, thì tôi đã không phải ngày càng xao xuyến đến mức đau đớn trong cuộc tình đơn phương tôi tự huyễn hoặc ra thế này.
...
Hôm nay tôi sang nhà bà ngoại tôi để dự đám giỗ của mẹ.
Bà tôi luôn luôn canh cánh trong lòng về cái chết của mẹ tôi, bà luôn tự dằn vặt có phải mình đang bị trừng phạt khi con gái mình làm chuyện có lỗi với người ta không.
May mắn là bà còn có cậu Hà, cậu là em trai của mẹ nhưng lại cách xa tuổi mẹ nhiều lắm, mà mẹ lại sinh tôi sớm nên nhiều khi tôi và cậu Hà nhìn như hai anh em vậy, mặc dù cậu và tôi cách nhau đến mười hai tuổi.
Đi xuống hai căn nhà từ nhà của ngoại sẽ là quán cà phê của cậu.
Tôi lững thững xuống phụ cậu đóng quán sớm để về lo giỗ nữa. Và lúc mới bước vào quán, tôi đã thấy bóng lưng quen thuộc mà tôi mới bồng bột dựa đầu vào hai ngày trước.
Lúc người đó quay đầu lại, tôi càng sửng sốt hơn nữa.
Là thầy Lâm, với bộ trang phục là quần jean xanh hải quân cùng với áo thun trắng, khoác ngoài blazer màu đen và chiếc kính chưa bao giờ thấy thầy đeo lên. Một thường phục thật khác biệt, cùng thần thái cũng thật khác biệt đang hiện ra trước mắt tôi.
Và có lẽ thầy cũng bất ngờ như tôi.
Tôi chưa kịp nói gì thì cậu tôi đã đứng ở quầy bar của quán và nói.
"Cháu qua đây làm gì thế?"
"Cháu?" Thầy khẽ hỏi cậu tôi.
Cậu tôi thản nhiên trả lời:
"Ừ, con bé là cháu tôi. Cậu quen à?"
Thầy nhìn vào tôi trả lời:
"Em ấy... là học sinh của em."
Mặt cậu tôi đơ ra một lúc rồi cười lớn:
"Đúng rồi nhỉ, cậu dạy ở trường con bé học. Trùng hợp thật đấy!"
Rồi cậu nhìn qua tôi và nói như giới thiệu:
"Thầy của cháu là đàn em của cậu hồi học đại học đó."
Tôi bối rối gật đầu, cậu Hà nói tiếp:
"Đợi một chút, cậu lên nhà ngay đây, cháu ngồi đó đợi đi."
Cậu tôi trở vào bên trong quán để làm cái gì đó, tôi ngoan ngoãn lại quầy bar ngồi, cách thầy Lâm một ghế.
Thầy bỗng bắt chuyện với tôi:
"Hôm nay anh ấy nói là đám giỗ của chị gái... vậy đó là..."
"Là mẹ em ạ."
"Vậy bố em tới đây luôn chứ?"
"Bố em tái hôn rồi ạ, giờ... em đang ở cùng bố và người khác."
Thày khẽ cau mày rồi nói:
"Tôi rất tiếc."
"Không sao ạ, em... cũng đã dần quen với cuộc sống này rồi..."
Rồi không hiểu sao tôi lại nói:
"Nhờ thầy đấy ạ."
Biểu cảm của thầy có đôi chút ngạc nhiên khi nghe câu nói đó của tôi, nhưng thầy không nói gì nữa.
Rồi thầy đứng lên, cười nhẹ với tôi và nói:
"Có lẽ tôi nên về thôi, không làm phiền cậu cháu em nữa."
Và trước khi đi, bỗng nhiên thầy vươn tay tới, vuốt nhẹ tóc tôi, tháo xuống mảnh tro hương dính trên tóc tôi.
Thầy cười nhẹ, quay lưng đẩy cửa rời đi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro