viii, home
Tôi phát hiện ra con bé bị giam lỏng là vào ngày thứ hai con bé không gọi điện cho tôi.
Lúc tôi đến nhà nó, bố mẹ nó quả nhiên không có nhà, tôi bấm chuông, chỉ thấy người ở ra mở cửa cho tôi, bình thường vẫn là thế, chỉ là tôi cảm thấy có gì đó không đúng.
Vừa vào phòng con bé, tôi lập tức nhận ra không đúng ở đâu.
Phòng con bé vẫn gọn gàng như bình thường, chỉ trừ việc không có giấy rác trên sàn ra, thì một ly của những bức ảnh treo trên tường cũng không lệch, ngăn nắp và sạch sẽ. Nhưng không hiểu sao, tôi lại cảm thấy tan hoang khó tả.
Con bé nằm sấp trên giường, chống má xem tivi, tôi bước vào, con bé hơi ghé mắt, rồi lại tiếp tục xem.
Ồ, Hinh của tôi, Hinh tiếc thời gian như vàng của tôi, lại đang chơi cái trò giết thời gian ngớ ngẩn này.
Tôi nhìn quanh, hỏi con bé:
"Sách của em đâu?"
"Thu rồi."
"Giấy vẽ?"
"Thu."
"Sổ?"
"Giấu rồi." Đoạn, con bé liếc về cái camera, tôi lập tức hiểu.
"...Cả mấy bản kế hoạch sao?"
Con bé gật đầu.
Rồi nó cười yếu ớt, tôi có một chút ngạc nhiên, hiếm khi nào con bé cười thiếu sức sống thế này, dù là không diễn đi chăng nữa. Nó rầu rĩ:
"Cái điện thoại anh đưa em cũng bị thu rồi. Anh nên nói là em lén lấy trộm của anh, thế thì tốt hơn, anh vẫn sẽ được tin tưởng."
Tôi hỏi khẽ con bé, để tránh việc camera ghi lại cả âm thanh:
"Ai mách em? Em dùng điện thoại cẩn thận lắm cơ mà?"
"Còn ai vào đây ngoài em gái thân yêu của em?" Nó không nhìn tôi.
Con bé rất hay dùng xưng hô để châm chọc người khác, nhưng lại không khiến người ta phát hiện ra. Nói dễ hiểu, dù con bé có trắng trợn gọi người khác là "Chó ngoan này" thì cũng chỉ khiến người ta thấy hài hước và cưng nựng, chẳng hề phản cảm. Nói chuyện với con bé không nên để ý đến ngữ điệu và vẻ mặt nó, mà hãy để ý đến nội dung mà nó nói, như vậy sẽ dễ nhìn ra cái đường vòng vo của nó hơn nhiều. Ấy cũng là vì sao mà con bé nói không thích nhắn tin, vì nhắn tin, nội dung được chú ý chứ không phải biểu cảm hay ngữ âm.
Em gái của con bé, chẳng biết có phải trời sinh hay do được cưng chiều quá mức trong một cái gia đình như thế này không, nhưng quả thật là ngây thơ độc ác.
Hai đứa em, nhưng so với chị gái của bọn nó là Hinh, thì khác biệt rất nhiều. Hinh độc ác và nó biết là nó ác, không đổ lỗi cho thế giới xung quanh, nhưng em gái con bé là độc ác mà tự cho mình là đúng, cả thế giới sai một mình bọn nó đúng. Tôi không ưa hai đứa nó.
Tôi ngồi vào bàn, nhìn thấy trong cái hộp quà đựng rác của con bé mấy mẩu giấy có cánh hoa chì. Trông rất quen, rồi tôi nhớ ra đó là bức vẽ con bé rất thích, cũng rất đẹp. Một bức vẽ hoa hồng vàng, tô chì, kiêu hãnh và tĩnh mịch.
"Em thấy nó giống như một đôi mắt từ rất lâu về trước, xuyên qua thời gian, nhìn đến em." Khi vẽ xong, đặt bút chì xuống, con bé đã nói vậy.
Và giờ bức tranh đó nằm trong thùng rác.
Con bé không nhìn tôi, nhưng dường như đoán được tôi đang nhìn cái gì, không nhanh không chậm nói:
"Là em tự tay xé."
"Vì sao?"
"Không vì sao cả."
Đến lúc này, tôi lờ mờ đoán ra được sự việc rồi, hẳn là - đoán thôi nhé - em gái con bé giao nộp cái điện thoại kèm mật khẩu của cái điện thoại luôn, rồi bố mẹ nó tìm thấy gì đó trong cái điện thoại đó, hùng hổ lắp camera vào phòng con bé, và tiện thể cách ly con bé với mọi loại việc nó vẫn làm bằng cách thu tất cả.
Tôi ngẩng đầu lên, gian sách tiếng Trung của con bé, cũng không còn quyển nào.
Tôi bỗng thấy quen thuộc, lúc trước, tầm tôi cũng lớp bảy, năm ấy tôi bị bố mẹ phát hiện đang yêu đương với một nàng trong Đoàn của Trường, cũng cách ly tôi thế này, tôi nhớ đợt đó kéo dài phết đấy. Tôi thật sự là sống dở chết dở.
Và tôi đoán không lầm thì, con bé cũng đang bị cách ly với cả thế giới nữa.
Đấy là tại sao nó không mở tiệc nữa, không chơi rút gỗ, không mời Trà sang chơi Ma sói, không đi Nhã Nam với Yến, hay, cạch mặt Lê.
Tất cả những hành động bất thường gần đây của con bé bỗng chốc trở nên dễ hiểu.
Tôi nghe con bé nói:
"Nhắn tin với chị ấy hộ em được không? Hôm trước vừa đọc xong thư tình của chị ấy, em chưa trả lời đã bị thu điện thoại rồi. Giờ em còn chẳng ra ngoài nổi hứa chi là ra net."
Ờ, tôi cũng đọc cái bài đấy rồi, tôi đếch thấy nó giống thư tình cái gì cả. Tóm tắt lại bằng một câu thì sẽ là thế này: "Ụ ôi tao đéo yêu mày đâu, tao ghét mày, tao yêu tao cơ, á hự hự nhưng mà tao nghĩ thế thôi chứ tao cũng yêu mày nhiều lắm. Nói chung là tao hận mày tao yêu mày mày hãy yêu tao điiiii."
Nhưng trông tình hình này, có vẻ là con bé rất cảm động với bức thư tình nửa mùa này, mà, thực ra chỉ cần người kia viết về nó thôi là nó đã vui phát rồ lên rồi hứa chi là viết thư tình, thế là tôi bảo:
"Mày có thể dùng điện thoại của anh, nhưng đừng bảo anh nhắn cho bà chị kia. Mày chẳng nói là mày không muốn lừa bả còn gì?"
Con bé rầu rĩ, lại bắt đầu chơi cái trò làm nũng rồi đấy.
"Anh hai ~ anh tốt nhất! Nào, ngồi đây ngồi đây, chắn camera cho em, em nhắn với chị ấy một lát. Nhớ chị ấy chết mất."
Tôi không rên một tiếng, ngồi ra trước camera, để con bé hớn hở nhắn tin.
"Anh thấy bà chị kia viết "hận em đến chết" gì đó, có phải vì em lại chơi mấy trò dẻo mồm không?"
"Em đoán thế. Tuy không dừng được nhưng em sẽ hạn chế, dù sao sắp nghỉ hè rồi cũng chẳng cần phải ngày nào cũng làm bạn Hinh tốt đẹp nữa."
"Em thật là ba phải, Hinh ạ. Bao giờ cái trò này kết thúc?"
Ý tôi hỏi, trò này - có nghĩa là việc bị giam lỏng.
Dù con bé không coi đây là nhà, mà chỉ là một nơi ở, nhưng trên danh nghĩa, đây vẫn là nhà của con bé, không ai nên bị giam trong chính ngôi nhà của mình.
"Thứ hai tuần sau, hoặc là ngay Chủ nhật tuần này, hai người kia sẽ đi nhanh thôi. Và lúc đó em freedom ~"
Rồi con bé lại nói: "Đây không phải là ba phải, em có chính kiến rõ ràng ấy chứ. Em chỉ biết là em không thể sống thiếu xã hội, nhưng cũng biết là em sẽ chết nếu không còn chị ấy. Vì vậy nếu không cần thiết, em sẽ giữ cả hai, tệ nhất thì bỏ cả xã hội giữ chị ấy."
À a a, chẳng phải đã nói rồi sao, một con người không nên sở hữu thứ tình yêu của một ngàn người gộp lại, không ai nên được yêu nhiều đến như thế.
Và so ra, tôi nghĩ hẳn việc duy nhất con bé không thể có chính kiến ấy là tình yêu cho cha mẹ nó, bởi vì nói yêu, thì không đúng, nó hận hai người đó thế nào, từng ấy năm nó nhẫn nhịn, tôi chả lẽ không biết? Nói hận, thì vẫn sai, vì vốn dĩ từ khi sinh ra nó đã yêu hai người đó rồi, khi viết thư chúc mừng sinh nhật bố nó, tôi thậm trí thấy vành mắt nó hoen đỏ.
Con bé không nỡ. Nó yêu hai người này tha thiết. Và đồng thời, có một bản kế hoạch mã hóa trong tủ viết về những lợi ích nếu hai người đó không còn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro