Mãi là chàng Út
Oa... Bị thích viết kiểu cha con như này nè
Đức Phúc bị ông Đức Nghĩa kéo đến bên giường. Từ trong ánh mắt của ba, anh hiểu mình cần làm gì. Anh chầm chậm nằm xuống trong tư thế úp người. Trong vô thức, như một thói quen, tay anh chạm đến thắt lưng. Nhưng anh bỗng giật mình rụt tay lại, lẩm bẩm: "Mình đã ngấp nghé ba mươi, cũng đã có con rồi mà...". Tay anh buông thõng. Ông Đức Nghĩa đang lục tìm gì đó. Đức Phúc cảm thấy bồn chồn. Cảm giác đợi chờ này rất quen. Bao nhiêu năm rồi vẫn còn rõ ràng như vậy.
Ông Đức Nghĩa rút từ kệ sách của Đức Phúc ra một cây thước gỗ. Cây thước dài chừng năm mươi cm, dày khoảng nửa lóng tay. Đó là cây thước cùng loại với cây "Đồ Long Đao" trứ danh của thầy Phúc trong trường học. Trong tủ cá nhân ở trường, Đức Phúc có vài cây như vậy. Ở nhà, Đức Phúc cũng để một cây để khi cần dùng. Và Đức Phúc không bao giờ nghĩ có ngày nó lại được dùng trong hoàn cảnh này.
Ông Nghĩa nhịp cây thước vào lòng bàn tay. Âm thanh chan chát giòn tan. Giọng người ba thật nguy hiểm:
- Con có cơ hội để suy nghĩ lại đó "Út Cưng".
Đức Phúc nghe tiếng "Út Cưng" mà nhột tận xương. Anh ngước nhìn ba, ánh mắt như trẻ thơ:
- Ba tha thứ cho con rồi sao?
- Tất nhiên là chưa! - Giọng ông Nghĩa rất tuyệt tình.
Vẻ thất vọng hiện trên gương mặt Đức Phúc. Anh không có cơ hội lựa chọn. Ba nói cho anh suy nghĩ lại thực chất là chỉ có hai con đường: một là Út Cưng bị đánh một trận, một là ông Đức Nghĩa xem như không có đứa con nào tên Đức Phúc cả. Anh không muốn như vậy. Vả lại, nghĩ đến đứa con thơ, anh càng không thể tha thứ cho mình. Nếu hôm nay không chịu một chút trừng phạt thì có lẽ anh không thể nào thanh thản được.
Đức Phúc lên tiếng bằng chất giọng ỉu xìu:
- Con đã suy nghĩ rồi. Cho tới khi ba tha thứ cho con, con sẽ không đi khỏi đây.
- Không hối hận?
- Đánh chết cũng không hối hận.
Cuộc đối thoại chỉ ngắn gọn như vậy. Đức Phúc cụp mắt nhìn xuống sàn nhà. Ngón tay anh nghịch ngợm chọc mặt gạch lạnh. Ông Đức Nghĩa nhìn chăm chú đứa con đó.
Út Cưng của ông lớn thật rồi. Thời gian trôi qua nhanh thật. Ông vẫn nhớ rất rõ khi Đức Phúc chào đời ông vui mừng như thế nào. Đứa con này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Và từ nhỏ cũng đã rất đặc biệt.
Đứa con này từ nhỏ rất thông minh.
Đứa con này từ nhỏ rất hiếu động.
Đứa con này từ nhỏ rất đẹp trai.
Đứa con này từ nhỏ đã là một điều khiến ông nở mày nở mặt. Nhiều người nói với ông họ ước có một đứa con như vậy. Đức Phúc là bao kỳ vọng, bao tin tưởng mà ông Đức Nghĩa gửi gắm. Và thật ra thì hai mươi tám năm qua Đức Phúc cũng chưa từng phụ lòng tin của ông.
Đức Phúc trưởng thành, trở thành một thầy giáo tài năng, có danh có giá, cưới một cô vợ xinh đẹp còn sinh cho dòng họ Nguyễn Đức một đứa cháu trai. Với một đứa con thì cha mẹ không mong gì hơn nữa.
Tuy rằng Đức Phúc tính tình vẫn có chút trẻ con, vẫn còn ham chơi nhưng ông Đức Nghĩa vẫn khá yên tâm về anh.
Nhưng ông thật sự sốc vào cái ngày anh bồng con về nhà, báo tin mình đã ly hôn. Chuyện ly hôn anh nói ra nhẹ nhàng như thể trò đùa.
Ông cũng từng lo lắng khi anh kết hôn sớm. Nhưng ông vẫn tin đứa con của mình đủ bản lĩnh làm trụ cột gia đình. Đứa cháu Đức Quân - cu Bo ra đời, ông tưởng chừng đã cất đi gánh nặng. Không ngờ, vào thời điểm ông không thể lường nhất, Út Cưng của ông hôn nhân gãy đổ.
Ông đã rất giận dữ. Ông giận vì ông quá thương. Đứa con trai Út ông yêu quý từ nhỏ chưa từng chịu qua sóng gió lại gặp một biến cố lớn như vậy. Đứa cháu còn chưa cai sữa đã sớm mất mát tình thân. Chỉ nghĩ thôi mà ông đã đau nát lòng. Ông không thể không giận.
Nhưng càng giận lại càng thương hơn. Thôi thì đời con đã lỡ, ông sẽ dùng tình thương của mình bảo bọc đứa cháu nhỏ. Đứa cháu tội nghiệp của ông. Ông cũng thầm mong đứa con trai đáng thương của mình sẽ có hạnh phúc mới trọn vẹn hơn. Dù chưa từng nói ra nhưng từ khi Đức Phúc về sống chung, ông luôn âm thầm quan sát mọi biểu hiện của anh. Những lúc u sầu bất thường. Những nụ cười vu vơ. Những cuộc điện thoại giấu giếm. Ông đoán là Út Cưng của ông đang có một mối quan hệ mới.
Nhưng anh không thú nhận. Ông cũng không hỏi đến. Bà Bé Năm và Hoàng Anh nhiệt tình trong việc tìm vợ mới cho Đức Phúc, ông cũng để mặc họ muốn làm gì thì làm. Bề ngoài có vẻ ông không quan tâm nhưng trong lòng ông quan tâm hơn ai hết.
Ông sợ bi kịch sẽ lặp lại, cũng sợ Út Cưng buồn nên ông chưa từng nhắc tới chuyện tình cảm với con. Đức Phúc vẫn là đứa con trai Út cần vòng tay bảo bọc của người ba này. Ông vẫn coi anh là đứa con trai nhỏ ngày nào.
Ông Đức Nghĩa nén tiếng thở dài. Đứa con này đã sắp đi qua một phần ba đời người mà vẫn khiến ông đau lòng đến vậy. Phải rồi. Con cái dù có bạc mái đầu thì vẫn là trẻ con của cha mẹ. Đức Phúc cúi mặt xuống, mi mắt buông rũ, tóc mái lòa xòa, dáng vẻ man mác buồn này càng làm cái nét đẹp trai kia thêm mấy phần nao lòng.
"Bốp!", cây thước bất thình lình đánh xuống. Đức Phúc không kịp chuẩn bị, giật mình "a" lên một tiếng. Anh xoa chỗ bị đánh, giọng như dỗi hờn:
- Ba có cần phải thẳng tay vậy không?
- Con nghĩ là cần không? - Ông Nghĩa nói như đánh đố Út Cưng.
Đức Phúc phồng má, lắc lắc đầu. Nhìn anh lúc này đáng yêu không thể tả.
"Bốp!", một thước đau điếng đánh xuống, ông Nghĩa nhắc nhở:
- Nghiêm túc đi!
Đức Phúc xụ mặt đầy vẻ không cam tâm. Ông Đức Nghĩa nhịp thước, bắt đầu hạch tội:
- Phúc, con cũng không còn là con nít, con muốn đi đâu, làm gì là tự do của con, ba cũng không cấm cản. Nhưng con đã làm cha thì phải có trách nhiệm với con mình. Nếu hôm qua cu Bo có chuyện gì thì con sẽ hối hận không kịp.
- Ba dạy rất đúng. Con biết là con sai rồi.
Đức Phúc cứ thấy bồn chồn khó chịu. Cảm giác không biết khi nào sẽ bị đánh nó khiến thần kinh căng thẳng tột độ. Nhưng không để anh phải căng thẳng lâu, một loạt âm thanh bôm bốp giòn giã vang lên. Cơn đau xâm lấn bất chợt.
Đức Phúc bóp chặt tay. Anh cảm nhận được sự giận dữ của ba trong từng thước đánh xuống. "Bốp bốp bốp", ông Nghĩa chỉ ra tay mà không nói một lời nào cả. Cảm giác đau đớn càng lúc càng tàn khốc. Đức Phúc lẩm bẩm: "Lâu như vậy rồi mà "nội công" của ba còn thâm hậu quá.".
Ký ức ùa về. Đức Phúc nhớ là cũng đã lâu rồi mình không phải nằm sấp chịu đòn thế này. Lần cuối cùng anh bị ba cho ăn đòn là năm anh hai mươi hai tuổi, sắp tốt nghiệp đại học. Năm hai mươi hai tuổi, con người ta phải đối diện với rất nhiều áp lực. Năm đó, trước ngày đi thi anh lại đi chơi khuya, còn uống khá nhiều, sáng hôm sau trễ giờ suýt chút nữa là bị cấm thi. Ông Đức Nghĩa rất giận, khi anh đi thi về lập tức bị đánh một trận.
Năm đó anh tốt nghiệp đại học với một thành tích đáng ngưỡng mộ. Và không lâu sau đó có ngay một chỗ làm tốt. Trong quá trình công tác, Đức Phúc lại nhanh chóng thăng tiến, còn được cử đi nước ngoài tu nghiệp một thời gian. Khác với Đức Hạnh sự nghiệp lận đận, thậm chí còn rơi vào cảnh thất nghiệp, con đường công danh của Đức Phúc vô cùng hanh thông. Ông Đức Nghĩa luôn động viên con trai phải không ngừng cố gắng. Đức Phúc kết hôn với Kim Chi - người con gái anh yêu từ thời đại học. Kim Chi rất xinh đẹp, cả họ ai cũng khen. Họ sinh con trai đầu lòng, hạnh phúc càng thêm đậm đà. Có thể nói, trước khi xảy ra biến cố, cuộc sống của Đức Phúc thật sự khiến người ta phải ao ước - một cuộc sống mỹ mãn về mọi mặt.
Âm thanh càng vang hơn. Tiếng bôm bốp của cây thước gỗ xen lẫn tiếng trách mắng của ông Đức Nghĩa. Cơn đau càng lúc càng thấm thía. Đức Phúc cắn chặt môi, cơ thể cố gồng lên để chống đỡ cảm giác không hề dễ chịu này.
Bất ngờ, Đức Phúc cảm giác được là ba đang chạm vào thắt lưng. Anh giật mình, vội đưa tay cản lại. Đôi mắt anh phủ một tầng lóng lánh:
- Ba! Con không còn nhỏ nữa! Con đã là thầy người ta, còn là cha người ta nữa!
Nhưng đáp lại là một cái cốc đầu và thái độ phũ phàng:
- Còn không biết nhục sao mà nói? Có nên thân hay chưa?
Đức Phúc hụt hẫng. Không thể nào tránh khỏi tình cảnh xấu hổ này sao? Nhưng anh ngay lập tức nghĩ ra cách. Mà cũng không phải là nghĩ, đúng hơn là cái phản xạ của Út Cưng mỗi lần gặp chuyện với ba. Anh gọi lớn:
- Mẹ ơi! Mẹ! Cứu con!
Ông Đức Nghĩa chợt cười, rất bình thản khiêu khích:
- La bự lên đi Út Cưng! Mấy đứa nhỏ ở dưới nhà đầy đủ lắm, con la bự bự lên để tụi nó lên đây coi thầy của tụi nó!
Đức Phúc ngay lập tức ngậm miệng. Mặt nóng ran lên. Anh ấm ức:
- Ba chơi kỳ quá!
- Vậy mới trị được bây!
Ông Nghĩa vừa nói dứt lời thì Đức Phúc cảm nhận được một sự trống trải. Anh lập tức xấu hổ, mặt đỏ hết cả lên. Anh cố gắng đàm phán:
- Ba, ba chừa sĩ diện cho con với!
"Bốp!", cây thước tiếp xúc trực diện với vùng da thịt đã đỏ gắt, còn hơi sưng tấy làm Đức Phúc đau thấy mấy ông trời. Ông Nghĩa nạt:
- Đã phạm lỗi thì không có tư cách đòi sĩ diện!
Đức Phúc rơi vào tuyệt vọng. Bất lực buông thõng cả người. Ba quyết tâm quá! Phen này anh thê thảm rồi.
"Bốp bốp bốp bốp bốp", chuỗi âm thanh đáng sợ lại phát ra. Cơn đau càng tăng thêm gấp bội khi cái mông không còn sự che chắn nào. Đức Phúc bóp chặt tay, cắn chặt răng để nuốt ngược tiếng la hét vào trong. Dưới nhà đang có rất nhiều học trò của anh! Nhất là hai đứa thường xuyên bị anh phạt là Yumi và Phan Hoàng Anh, tuyệt đối không được để chuyện này lộ ra.
Cơn đau ngấm vào xương. "Bốp bốp bốp bốp bốp", cơ thể vô thức run rẩy. Giọng ông Nghĩa gay gắt:
- Con nhìn coi bây giờ con thân tàn ma dại như thế nào? Chừng nào mới nên người hả?
Những cảm giác phức tạp xâm lấn tâm trí Đức Phúc. Trong cơn đau hỗn loạn, nghe lời trách cứ của ba, anh nghĩ về con trai mình, anh nghĩ về người "vợ cũ".
Nguyễn Đức Phúc từng là một chàng trai rất tự tin, luôn tràn trề năng lượng sống. Anh yêu gia đình của mình lắm, niềm hạnh phúc mỗi ngày là đi làm về có vợ ra mở cửa, cất cặp cho anh và anh đến nựng nịu đứa con yêu của mình. Thế nhưng, chỉ trong một ngày, tất cả đều sụp đổ. Từ ngày ly hôn, Đức Phúc mất hết tự tin. Chàng trai vui vẻ, năng nổ ngày trước thu mình lại, trở thành một kẻ chỉ thích sự yên tĩnh đến cô độc. Những nỗi buồn day dẳng bám lấy tâm hồn anh. Ngoài đứa con ra, anh không biết ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình đang sống là gì nữa. Đức Phúc thay đổi nhanh đến mức bản thân anh cũng không thể ngờ.
Càng nghĩ càng đau lòng. Cơn đau da thịt cộng với nỗi đau tinh thần nặn ra hai dòng nước mắt. Nước mắt của một người đàn ông trưởng thành. Đức Phúc thật sự đã khóc! Anh khóc ngon lành, khóc không giấu diếm. Mỗi một tiếng "bốp" của cây thước đánh xuống là nước mặt lại nhỏ giọt. Anh khóc ra hết bao nhiêu đau đớn mà mình đã ôm trong lòng bấy lâu.
Đức Phúc muốn trở lại thời trẻ dại, vùi vào lòng ba mẹ mà thủ thỉ bao điều. Mãi mãi, anh vẫn là chàng Út sinh ra để yêu thương.
Bên ngoài cái ô vuông nhỏ cũng là lối đi vào phòng, Đức Minh và Đức Mẫn vừa rình mò vừa bặm môi nhịn cười. Hai anh em đang chứng kiến cảnh chú mình ăn đòn. Và có vẻ rất... khoái chí!
Đức Mẫn lẩm bẩm:
- Chú Phúc tiêu rồi! Gần ba chục tuổi mà còn như vậy! Nhưng mà đáng ghê!
Đức Minh ra vẻ triết lý:
- Ông bà ta có câu "gậy ông đập lưng ông" nhưng với trường hợp này là "thước thầy đánh mông thầy".
Đức Mẫn chặc lưỡi:
- Em hả lòng hả dạ ghê! Hay là kêu tụi nó lên chứng kiến ta?
Đức Minh cản:
- Đừng! Dù sao chú cũng chú mà. Người nhà đừng hãm hại nhau như vậy.
Đức Mẫn gật gù:
- Mà có cần kêu bà nội cứu chú không?
Đức Minh nhìn em trai:
- Em nghĩ là cần không?
Đức Mẫn rất tỉnh:
- Thôi khỏi đi! Chú lớn rồi, chú phải tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình.
Đức Minh đẩy gọng kính, trong mắt lộ ra tia xảo quyệt, cậu hỏi:
- Có đem điện thoại không Mẫn?
Đức Mẫn gật đầu. Đức Minh móc điện thoại ra nói:
- Vậy anh quay phim, em chụp hình. Xong anh gửi clip cho em, em gửi hình cho anh.
- Để làm gì vậy? - Đức Mẫn thắc mắc.
Đức Minh cười đầy nguy hiểm:
- Để làm "bùa hộ mạng" cho tụi mình chống lại sự áp bức của chú Út kiêm thầy Phúc!
Đức Mẫn hiểu ra, trầm trồ:
- Anh hai đúng là thông minh thiệt!
Vậy là hai anh em hí hửng hành động. Đoạn phim sống động và những tấm ảnh rõ nét ghi lại cảnh tượng "huy hoàng" đó nằm gọn trong hai cái điện thoại. Hai đứa cháu sau khi hoàn thành phi vụ liền êm ái rút đi.
Mấy thước đánh liên tục thật nhanh và mạnh. Đức Phúc không nhịn được, bật ra tiếng rên trong cổ họng. Trận đòn cuối cùng cũng đã kết thúc. Nhưng Đức Phúc không tính nổi là mình bị đánh bao nhiêu. Cơ thể anh hoàn toàn bất lực, mềm nhũn. Mãi một lúc anh mới thì thầm:
- Ba, làm sao ba biết trong phòng con có cây thước?
Ông Đức Nghĩa bật cười:
- Ba đẻ ra con được thì còn không hiểu tính con sao? - Trêu chọc đứa con - Ông thầy giáo cảm thấy giữa được đánh và bị đánh cái nào vui hơn?
- Không cái nào vui hết! - Đức Phúc dỗi - Con đau lắm đó ba biết không?
Ông Nghĩa không nói gì nữa. Biết ba định rời đi, Đức Phúc bèn nói;
- Ba, ba có thể nói mẹ ẵm cu Bo lên cho con được không? Ba đánh con ba rồi thì phải cho con gặp con của con.
Ông Nghĩa gật đầu. Ông đi xuống phòng. Bà Bé Năm lo lắng hỏi xem ông đã làm gì con trai cưng của bà. Nhưng ông không nói. Ông lấy một hộp thuốc và ẵm bé Bo đi. Bà Bé Năm không cần suy luận cũng đã hiểu. Mỗi lần thấy ông cầm cái hộp thuốc đó là bà đủ hiểu. Bà chỉ biết lắc đầu.
Thuốc bôi mát lạnh mơn man trên da thịt nhưng cơn đau cứ buốt lên từng hồi. Đức Phúc xuýt xoa liên tục. Anh nhìn đứa con nhỏ bên cạnh, lòng thấy hạnh phúc lạ kỳ. Đức Phúc cảm nhận rất rõ ràng hơi ấm của tình phụ tử. Ba đánh anh nhừ tử nhưng rồi lại ân cần chăm sóc cho anh, đứa con thơ vừa mút tay vừa nhìn anh cười toe. Anh yêu con của mình nên anh biết rằng người cha nghiêm khắc vừa khó tính lại khó chiều của mình thật ra cũng rất yêu con của ông ấy.
Dù xã hội có thay đổi như thế nào thì đạo nghĩa gia đình vẫn là bất biến.
Sáng hôm nay các học sinh thấy thầy Phúc có vẻ không được tươi tỉnh cho lắm. Cử chỉ của thầy có chút gì đó kỳ lạ. Nhưng tuyệt đối không ai dám tò mò tọc mạch. Những giờ dạy trôi qua một cách thật khó nhọc với Đức Phúc. Nếu như anh dạy môn khác, có thể đứng một chỗ trên bục giảng thì cũng đỡ khổ, còn đằng này anh dạy thể dục. Cay thế đấy! Dạy thể dục phải chạy nhảy, di chuyển, thị phạm động tác suốt và "vết thương tế nhị" cứ bị đau liên tục. Chưa bao giờ đứng lớp lại trở thành cực hình với thầy Đức Phúc như vậy. Tuy nhiên, dù có đau chết đi nữa thì anh cũng không thể biểu lộ ra.
Giờ ra chơi, cơ hội nghỉ ngơi cũng đã tới. Đức Phúc vào phòng giáo viên uống một ly nước lạnh. Diệu Hiền bất chợt đến bên cạnh, nói nói cười cười. Đức Phúc cố gắng nén nỗi đau, tỏ ra bình thường nhất có thể trước mặt cô giáo. Lại thêm thầy hiệu phó đến tìm, thầy Phúc lại phải cố gượng. Khổ trăm đường!
Dưới gốc cây trong sân trường, Yumi than thở với Đức Minh:
- Mình biết phải làm sao đây? Kỳ này thầy Phúc chắc chắn sẽ không tha cho mình! Trời ơi! Tại sao mình lại gặp phải thầy khó tính nhất trường làm chủ nhiệm chứ?
Nếu là mọi lần, Đức Minh chỉ có thể an ủi bạn gái. Nhưng lần này, Đức Minh lại mạnh miệng nói:
- Yumi đừng lo! Mình có cách giúp bạn!
Yumi ngạc nhiên lắm. Nhưng Đức Minh có vẻ rất tự tin nên cô nàng cũng hi vọng.
"Chú!", Đức Phúc đang cầm cây "Đồ Long Đao" và cuốn sổ chủ nhiệm đi dọc hành lang thì gặp Đức Minh. Anh dừng lại. Cậu hỏi ngay:
- Tiết này chú sinh hoạt chủ nhiệm phải không?
Đức Phúc gật đầu:
- Ừ! Mà sao con còn đứng đây? Lớp trưởng phải phụ cô tiết này chứ!
- Con đi lấy sổ cho cô Hiền! - Đức Minh lại hỏi - Chú định làm gì Yumi đúng không?
- Cái thằng này... - Đức Phúc phớt lờ - Đó không phải là chuyện của con. Lo đi lấy sổ cho cô đi.
Đức Minh cười nham hiểm:
- Chú, chú đừng có làm gì Yumi của con. Nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đó.
- Cái thằng này bữa nay dám đe dọa chú hả? - Đức Phúc làm mặt nghiêm - Đây là trường học! Có tin chú hạ hạnh kiểm con không?
Đức Minh tỉnh bơ:
- Chú hạ hạnh kiểm con hậu quả sẽ càng lớn hơn!
- Con làm sao vậy Minh? Ăn nói kỳ vậy?
Đức Minh lấy điện thoại ra xoay xoay, đầy nguy hiểm:
- Chú, hôm qua chú với ông nội đặc sắc lắm đó. Cây thước của chú nó phản chủ rồi. Ta nói video full HD sắc nét vô cùng. - Vờ suy tư - Cái này nếu để cho lớp của Yumi coi thì chắc là vui lắm.
Đức Phúc biến sắc mặt:
- Con biết rồi sao?
Đức Minh gật đầu rất tỉnh, nói rất thật:
- Người nhà mà chú! Ba của chú là ông nội của con! Con biết tính ông nội mà! Chú giấu được ai chứ sao giấu được người nhà.
Đức Phúc đe dọa:
- Chú cấm! Con không được lộ ra chuyện này. Không là chết với chú.
- Chú yên tâm đi. - Đức Minh rất tỉnh - Chú cháu mà, con đâu thể làm chú mất mặt. Nhưng mà... - Cười gian xảo - Yumi là bạn gái con, chú cũng nể mặt con chút đi.
Đức Phúc bực bội
- Con đang uy hiếp chú đó hả?
- Đâu có. - Đức Minh vẫn rất tỉnh - Đang trao đổi thôi chú.
- Con... - Đức Phúc tức nghẹn lời.
Nhưng không còn cách nào khác, anh đành phải chấp nhận "trao đổi" với đứa cháu.
Lớp 12A3 đang ồn ào như cái chợ thì bất chợt im phăng phắc. Thầy chủ nhiệm vừa bước vào vừa nhịp nhịp cây thước vào cuốn sổ, mặt rất căng. Cả lớp muốn nín thở. Sau khi ổn định lớp, thầy Phúc bắt đầu sinh hoạt chủ nhiệm.
Sau phần nhận xét tình hình chung, thầy bắt đầu điểm qua những "gương mặt ưu tú". Yumi cứ hồi hộp không yên và cô đứng tim khi cái tên "Nguyễn Thị Nụ" (1) được xướng lên. Yumi đứng dậy mà trong lòng lo âu vô cùng. Nhưng thật bất ngờ...
"Em Nụ tuần qua bị nhiều giáo viên phản ánh, thầy rất không hài lòng. Nhưng thầy cho em một cơ hội sửa chữa. Nếu còn tái phạm sẽ phạt nặng. Ngồi xuống đi!"
Mấy lời thầy chủ nhiệm vừa nói khiến cả lớp trợn mắt, há mồm. Thầy Đức Phúc đây sao? Hôm nay mặt trời mọc đằng tây à? Hay là thần thánh tiên phật nào độ thầy? Sao thầy lại dễ tính bất ngờ vậy? Yumi giật thót cả mình, thầm khen: "Đức Minh làm cách nào hay quá vậy?".
Không chỉ tha bổng cho Yumi, thầy còn tha luôn mọi "tội lỗi" của lớp, chỉ nhắc nhở phải khắc phục. Cả lớp 12A3 như có cơn địa chấn. Thầy chủ nhiệm thay đổi rồi!
Giờ ra về, Yumi hỏi Đức Minh:
- Bạn làm cách nào mà thầy bỏ qua cho mình hay vậy? Không chỉ vậy còn bỏ qua cho lớp hết luôn.
Đức Minh cười cười:
- Chuyện riêng giữa hai chú cháu thôi.
Yumi không hỏi thêm nữa. Đức Minh đắc ý vô cùng.
Giờ học chiều. Đức Mẫn leo rào cúp học. Bảo vệ bắt được gọi cho thầy Phúc xuống xử lý.
Đức Phúc chán nản nhìn đứa cháu:
- Lại là em nữa hả Mẫn? Em liên tục gây chuyện. Hay là muốn ra hội đồng kỷ luật?
Khác với thường ngày, hôm nay Đức Mẫn tủm tỉm cười, nói tỉnh bơ:
- Chú, chỗ chú cháu, chú bỏ qua lần này đi.
- Đây là trường học! - Đức Phúc tỏ ra nghiêm túc - Không có chú cháu tình riêng ở đây.
Đức Mẫn mỉm cười lấy điện thoại ra, nói tiếp:
- Chú khỏe không? Ghế ở phòng giáo viên có êm ái không chú? - Chặc lưỡi - Mà chú khóc cũng đẹp trai lắm đó.
Đức Phúc nhíu mày:
- Con nói cái gì vậy?
Đức Mẫn rất tỉnh:
- Hình nét vô cùng, thấy rõ từng vết bầm luôn. - Chu môi - Mấy tấm hình này mà in ra rải quanh trường chắc vui lắm.
Đức Phúc biến sắc mặt:
- Chú cấm! Con mà dám thì đừng trách chú.
Đức Mẫn vỗ vỗ cái điện thoại vào cổ, hất mặt:
- Tất cả tùy thuộc vào chú!
Đức Phúc tức một bụng:
- Anh em bây dám lợi dụng uy hiếp chú!
Đức Mẫn nhún vai. Đức Phúc đành xuống nước:
- Thôi được. Về lớp học đi.
Đức Mẫn cười tươi:
- Cám ơn thầy!
Và rồi cậu chàng hiên ngang bước đi, còn quay lại nhá cái điện thoại chọc chú. Đức Phúc đá vào gốc cây, nói như gào: "Trời ơi tức quá! Hai cái thằng này!".
Cơn đau kéo tới. Đức Phúc phải nhăn mặt nhăn mày. Thật là tức thay cho chú mà!
Vậy là một cuộc chiến ngầm diễn ra. Đức Phúc nghĩ cách thủ tiêu "điểm yếu"mà hai đứa cháu đang nắm giữ.
Buổi tối bình thường ở nhà. Đức Phúc ăn mặc bảnh bao đi ra ngoài. Ngang qua phòng khách, chú Út thấy ba đứa cháu đang chơi ở sofa. Đức Minh đang cho bé Bo chơi đồ chơi. Chú bèn bước qua chỗ con mình, nói yêu:
- Con trai, ba về mua sữa cho con nha.
Cu Bo cười toe toét. Đức Minh hỏi:
- Chú đi chơi hả chú?
- Ừ.
Mẫn nói:
- Chú mua đồ về cho tụi con ăn với.
Đức Phúc làm mặt cà khịa:
- Con nói xem tại sao chú phải mua cho tụi con.
Đức Mẫn hất tóc, rất ngầu:
- Vậy hả chú?
Và rồi cậu hát:
- Trường tôi có một thầy kia, quen được gọi là "thầy nghiêm khắc"... (2)
Đức Minh diễn sâu:
- Ôi hoàng tử, xin hãy tha thứ cho cây thước bị dính lời nguyền...
Đức Phúc bịt miệng hai đứa cháu lại, nói nhanh:
- Ăn gì chú mua!
Hai anh em nhìn nhau đắc ý. Hoàng Yến thì không hiểu gì cả. Chờ chú đi rồi cô bé mới hỏi anh trai:
- Hai anh và chú có chuyện gì vậy?
Anh em Minh - Mẫn chỉ tủm tỉm cười mà không nói.
Đức Phúc thật sự rất bực mình. Bây giờ chuyện bị hai đứa cháu uy hiếp làm anh còn khó chịu hơn cái mông bị đánh còn đang sưng bầm. Anh tự nhủ với lòng phải tìm mọi cách "giải tỏa uy hiếp".
Trời độ thầy Phúc. Một ngày giữa tuần. Chuông reo hết tiết ba, một cô giáo cầm hai cái điện thoại vào phòng giáo viên đưa cho thầy Phúc. Cô giáo nói:
- Hai em Đức Minh, Đức Mẫn lớp 12A4 sử dụng điện thoại. Thầy giữ đến hết giờ học cho hai em nhận lại.
Đức Phúc vui như mở hội. Cơ hội đến rồi!
Tan học. Hai anh em xuống phòng giáo viên nhận lại điện thoại. Người chú kiêm thầy nhìn anh em họ, cười tủm tỉm. Cả hai thấy lạ. Đức Phúc yêu cầu:
- Hai đứa viết kiểm điểm rồi mới được lấy điện thoại.
Đức Minh đẩy gọng kính:
- Chú kêu tụi con viết kiểm điểm thật hở?
- Đây là phòng giáo viên! - Đức Phúc nhắc nhở.
Đức Minh bèn sửa lại:
- Thầy kêu tụi em viết kiểm điểm hở?
- Đúng vậy! - Thầy rất quyền lực - Viết ngay cho tôi.
Đức Mẫn chặc lưỡi, hát:
- Trường tôi có một thầy kia, quen được gọi là "thầy nghiêm khắc"...
Đức Phúc chợt cười đầy âm mưu:
- Từ nay em đừng hòng hát bài đó nữa!
Các thầy cô đã ra về, phòng giáo viên chỉ có ba thầy trò. Đức Minh - Đức Mẫn ngạc nhiên nhìn nhau. Nhưng Đức Minh liền hiểu ra, cậu hỏi:
- Thầy xóa hết hình với clip trong điện thoại rồi hả?
Đức Phúc ra vẻ nguy hiểm:
- Đoán xem!
Đức Minh làm mặt nghiêm trọng:
- Chết! Sao chú xóa rồi? Trời ơi. - Tỉnh queo - Con lỡ chép ra mấy chục cái USB giấu khắp nhà rồi. Lỡ tụi thằng Long qua chơi lấy coi thì con không biết đâu nha. Con lưu trên đám mây luôn rồi. Làm sao giờ ta?
Đức Phúc tiu nghỉu. Nhưng anh vẫn cứng miệng:
- Đừng có xạo! Hai đứa mau viết kiểm điểm đi còn về.
Đức Mẫn vỗ vai anh trai:
- Chú không tin vậy thôi chừng nào Yumi qua anh hai mở cho Yumi coi đi.
- Anh cũng tính vậy. - Đức Minh phụ họa theo cậu em.
- Tụi bây... - Đức Phúc tức anh ách.
Hai đứa cháu kiêm học trò vẫn làm ra vẻ khiêu khích. Đức Phúc thở hắt ra, giọng thật nhẹ:
- Thôi lấy điện thoại về đi để ở nhà chờ cơm.
- Cám ơn thầy! - Hai anh em đồng thanh.
Hai cậu ấm vui vẻ khoác tay nhau ra về bỏ lại một cục tức to bự cho người chú kiêm thầy số nhọ. Đức Minh còn lẩm bẩm câu: "Ôi hoàng tử, xin hãy tha thứ cho cây thước bị dính lời nguyền..."
Đời vốn là những khúc quanh không ai có thể lường được. Hôm nay "Bộ Tộc Ăn Chực" lại kéo đến nhà Minh - Mẫn chơi.
Ông Đức Nghĩa được người ta tặng một bộ ấm chén trà cổ rất đẹp. Bộ ấm chén được giao đến. Đức Hạnh nhận hàng, mở ra xem rồi để ở phòng khách vì bận đi đem tài liệu cho Hoàng Anh.
Các nam thanh nữ tú bị thu hút bởi bộ ấm chén đó.
- Nhìn nó đẹp thật mọi người nhỉ? - Kim Long trầm trồ.
Phú Quý xuýt xoa:
- Xịn xò ghê.
Phan Hoàng Anh gật gù:
- Nhìn nó thật quý tộc.
- Xứng với mỹ nhân như mình. - Yumi vuốt tóc nói.
Hoàng Yến chợt cầm cái bình và một cái chén lên, bước ra giữa phòng khách. Cô bé tinh nghịch xoay vòng, ca hồ quảng:
- Hai tay nâng chén rượu đào kính dâng anh hào...
Cô bé làm động tác rót rượu rồi cầm ly đến vờ dâng cho Đức Mẫn. Đức Mẫn diễn sâu, đón lấy cái chén, đưa lên miệng giả bộ uống, gật gù:
- Rượu ngon, rượu ngon.
Bất ngờ...
"Xoảng!", Đức Mẫn tuột tay, cái chén rơi xuống sàn. Vỡ!
Các cô cậu tái mặt. Đức Mẫn hoang mang:
- Chết rồi... Làm sao giờ?
Kim Long lo sợ:
- Ông giết tụi mình mất.
Đức Minh trấn an:
- Đừng quá lo. Bộ này nhiều ly như vậy, bể một cái ông nội chắc không để ý đâu. Mình sắp lại đi.
Nói rồi cậu đưa tay lấy cái bình trên tay Hoàng Yến. Nhưng một tiếng "xoảng" lớn hơn. Cái bình rơi xuống đất vì Hoàng Yến buông tay khi Đức Minh chưa kịp cầm.
Các cô cậu mặt càng tái hơn nữa. Đức Minh nuốt nước bọt:
- Lớn chuyện rồi.
Phú Quý hoảng sợ:
- Thôi tui về. Tui không biết gì hết nha.
"Bụp! Xoảng xoảng!". Phú Quý vừa toan bước đi thì vấp phải chân bàn và hậu quả là toàn bộ những cái chén trên bàn rơi xuống đất. Vỡ nát.
Các cô cậu mặt cắt không còn một giọt máu. Lần này họ khó yên thân.
Bất ngờ, một giọng cười thật khoái trá vang lên. Tất cả quay nhìn. Đức Phúc vừa phẩy cây quạt giấy vừa ngửa mặt cười. Thấy các cô cậu nhìn mình, anh nheo mắt nói với hai đứa cháu trai:
- Nghiệp quật là có thiệt!
Các cô cậu không hiểu gì, trừ "người trong cuộc". Hoàng Yến chạy đến níu tay chú, nài nỉ:
- Chú, chú giúp tụi con đi chú. Ông nội sẽ đánh chết tụi con đó.
Đức Phúc vỗ má cô bé, giọng an ủi mà pha trêu chọc:
- Yến rất ngoan. Chú đương nhiên muốn giúp Yến. Nhưng mà có một số người sống lỗi với chú nên... - Xếp quạt chắp tay sau lưng - mấy đứa tự lo đi.
Nói rồi, người chú ấy bình thản bước qua đống đổ nát, còn đọc một cách hả hê:
"Đời xưa quả báo thì lâu
Đời nay quả báo là câu nhãn tiền!"
Rồi vu vơ hát: "Nhà tôi có bộ ấm chén..."
Đức Mẫn nhìn Đức Minh. Đức Minh lập tức lên tiếng:
- Chú! Chúng ta đàm phán đi.
Đức Phúc quay lại nhìn cháu trai.
Và sau tất cả...
"Ôi... Bộ đồ cổ yêu quý...", ông Đức Nghĩa vừa về nhà đã vô cùng hân hoan.
Cái hộp sang trọng để ở phòng khách. Ông ngay lập tức mở ra. Bộ ấm chén sứ cổ đập vào mắt. Ông Nghĩa sướng rơn. Ông cầm một cái chén lên ngắm nghía.
Nhưng...
"Hả! Đồ giả! Sao lại là đồ giả?", ông nội vừa bàng hoàng lẫn thất vọng.
Người dọn rác hôm nay dọn được một cái túi nilon chứa những mảnh sứ kêu rổn rảng.
----
Chú thích
(1) Yumi là tên biệt danh còn tên trên giấy tờ của ẻm là Nguyễn Thị Nụ.
(2) Chế bài Bống Bống Bang Bang. Nguyên tác: "Nhà kia có hai chị em, tên được cha đặt là Tấm Cám"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro