Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Toàn cầu hoá tác động đến văn hoá và tiếp xúc văn hoá như thế nào

1. Toàn cầu hoá tác động đến văn hoá và tiếp xúc văn hoá như thế nào?

Toàn cầu hoá là tổng thể các quá trình mà ta có thể diễn đạt bằng ba vòng tròn đồng tâm theo qui mô từ nhỏ đến lớn. Đó là toàn cầu hoá (Globalization), Khu vực hoá (Regionalization), và bản địa hoá (Localization) nằm trong thế xung đột lẫn nhau.

Sơ đồ tương quan giữa toàn cầu hoá, khu vực hoá và bản địa hoá

Trong sơ đồ đó, ba mũi tên biểu thị ba quá trình khác nhau: Mũi tên ly tâm (chiều nằm ngang) biểu thị xu hướng và quá trình mở rộng; mũi tên hướng tâm (chiều thẳng đứng) biểu thị xu hướng và quá trình đồng hoá hay bản địa hoá từ các hiện tượng toàn cầu; mũi tên vừa hướng tâm vừa ly tâm biể thị tính hai mặt đặc biệt của khu vực hoá.

Bản địa hoá là khái niệm ra đời trước hai khái niệm "thời thượng" kia. Đó là một quá trình trên cơ sở truyền thống văn minh và chế độ chính trị xã hội của dân tộc và quốc gia mà hấp thu và biến hoá các yếu tố văn minh hiện đại của thế giới, tái tạo nền văn minh của bản thân phục vụ cho ổn định và phát triển của đất nước. Trên sơ đồ ta thấy nó là một xu hướng hướng tâm, từ bên ngoài đi sâu vào bên trong. Đây là một hiện tượng và trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển ở Đông Á kể từ sau Chiến tranh thế giới II. Nhưng trước đó trong nhiều thế kỷ, Phương Tây cũng đã từng tiến hành bản địa hoá các thành tựu văn minh đến từ Phương Đông (lục địa Á-Âu), biến các thành tựu đó thành sản phẩm công nghệ và thương mại, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản.

Bản địa hoá đòi hỏi một ý thức tự chủ, một sự định vị địa văn hoá (Cultural Geography) và xác định đúng đắn trình độ kinh tế của quốc gia, các nhiệm vụ và bước đi cụ thể cho chiến lược phát triển quốc gia ngang tầm thời đại và dần nhập vào nhóm các quốc gia tiên tiến. Đối với một quốc gia mà kinh tế chậm phát triển, thì vấn đề không phải là tập trung vào văn hoá, mà là phải ưu tiên toàn diện cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nếu làm ngược lại, thì sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và do đó nền văn hoá dù đặc sắc đến mấy cũng không thể toả sáng được.

Khu vực hoá và toàn cầu hoá là hai khái niệm khác nhau, nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Sự nhất trí của hai khuynh hướng này là ở chỗ, các quốc gia cũng như các cơ quan (doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhà nước v.v...) không chỉ hoạt động trong khuôn khổ quốc gia hay trao đổi quốc tế thông thường, mà là trải mình ra và gắn bó mình với các cơ quan, tổ chức ở các khu vực khác trên thế giới ngoài biên giới quốc gia, nhằm đem lại một sự nhất thể hoá đa quốc gia hay xuyên qúôc gia, tăng tốc qui mô và hiệu quả công tác cho mình và cho khu vực quốc tế. Nhưng giữa toàn cầu hoá và khu vực hoá vẫn có những khác biệt căn bản.

Khu vực hoá được xem như một sự liên kết giữa các quốc gia hay các tổ chức bên trong của các nước cùng khu vực địa lý nhằm giải quyết các vấn đề nội bộ khu vực cũng như tăng sức cạnh tranh quốc tế của cả khu vực (ví dụ liên hiệp than và thép của châu Âu những năm 50 thế kỷ 20). Vậy khu vực hoá là một quá trình trung gian hai mặt, hay diễn ra theo hai hướng tương phản nhau: hướng ngoại (toàn cầu hoá) khi nhìn nhận từ các quốc gia và hướng nội (bản địa hoá) khi xét từ góc độ cạnh tranh toàn cầu. Khuynh hướng khu vực hoá từ những thập niên gần đây càng được gia tăng trên khắp các châu lục và liên châu lục. Từ đó hình thành khái niệm chủ nghĩa khu vực (Regionalism) và trở thành một đối trọng của toàn cầu hoá.

Các cách nhìn toàn cầu hoá kinh tế có thể phân thành hai loại quan điểm là các nhìn vi mô và cách nhìn vĩ mô. Phần lớn các nhà kinh tế xem toàn cầu hoá là quá trình kinh tế vi mô. Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện quan điểm cho rằng toàn cầu hoá có 3 giai đoạn tương ứng với 3 cấp: Vĩ mô, trung mô và vi mô. Ta có thể hình dung như sau:

Các giai đoạn và cấp độ toàn cầu hoá

(Friedman, 2006)

Cấp độ toàn cầu hoá

Toàn cầu hoá vĩ mô

(Thế kỷ 15-18) Toàn cầu hoá trung mô

(Thế kỷ 19-20) Toàn cầu hoá vi mô

(Thế kỷ 21)

Đặc trưng cơ bản của toàn cầu hoá Chủ thể: quốc gia

Đặc trưng: Hàng hải, đầu máy hơi nước Chủ thể: Doanh nghiệp

Đặc trưng: Đường sắt, hàng không, viễn thông Chủ thể: Cá nhân

Đặc trưng: Mạng toàn cầu, thế giới phẳng (10 nhân tố làm phẳng thế giới)

Từ những cách hiểu đa dạng về toàn cầu hoá, chúng ta có thể tạm định nghĩa: Toàn cầu hoá ngày nay là một qúa trình gia tăng đến phạm vi toàn cầu các quá trình sản xuất và lưu thông mà chủ thể là các doanh nghiệp và cá nhân, dựa trên các thành tựu của công nghệ viễn thông và mạng toàn cầu, chất lượng mới của nguồn nhân lực.

Trong định nghĩa về toàn cầu hoá, vai trò của nhân tố văn hoá thể hiện trên ba phương diện: Công nghệ thông tin, chất lượng nhân lực (bao gồm truyền thống văn hoá, chất lượng đào tạo) và giao lưu văn hoá. Chúng vừa là cơ sở vừa là kết quả của toàn cầu hoá.

Giao lưu liên văn hóa và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới

________________________________________

Ngày nay, thế giới đang bộc lộ khuynh hướng đa dạng hoá các nền văn hoá và phát triển được xem như là sự gia tăng trong giao lưu toàn cầu một cách chặt chẽ. Những nghiên cứu liên văn hoá cũng như nghiên cứu về các nền văn minh thế giới đã trở thành một ngành nghiên cứu ngày càng phát triển với tính cách một khoa học liên ngành được giới học thuật quốc tế rất quan tâm. Bài viết này chỉ xem xét một cách vắn tắt mối quan hệ giữa sự giao lưu liên văn hoá và quá trình của các nền văn minh thế giới, bao gồm các truyền thống triết học, với ba quan điểm sau đây:

1. Giao lưu trên văn hoá là sự thúc đẩy có tính cốt tử đối với nền văn minh thế giới, bao hàm cả các truyền thống triết học

Về bản chất, lịch sử là lịch sử văn minh của nhân loại. Thực chất của văn minh là ở chỗ, con người hiện thực hoá năng lực bản chất của họ trong thực tiễn và hình dung bản thân mình như một sự hợp nhất hữu cơ được hình thành trong lịch sử nhờ cơ cấu kinh tế - chính trị và những đặc tính văn hoá cơ bản trong sự thấu hiểu và tác động lẫn nhau. Văn hoá theo nghĩa rộng (bao gồm văn hoá tinh thần, văn hoá hệ thống, văn hoá vật chất) là ý nghĩa cụ thể của văn minh; còn văn hoá theo nghĩa hẹp là triết học với tính cách hạt nhân lý luận và hình thái tinh thần của văn minh chính là hiện thân của hệ tư tưởng thời đại (tinh thần thời đại).

Trong quá trình lịch sử lâu dài, các dân tộc trên thế giới đã sáng tạo nên những nền văn hoá, những truyền thống, những mềm tin, những giá trị riêng biệt của họ; đã sinh thành những nền văn minh lâu đời và đa sắc. Tính đa dạng là đặc trưng bản chất của các nền văn minh thế giới. Đa dạng có nghĩa là khác biệt, khác biệt đòi hỏi phải có giao lưu và giao lưu làm cho phát triển dễ dàng, do đó làm cho thế giới của chúng ta đa sắc hơn. Theo quan điểm toàn diện về lịch sử, một hình thức văn minh không thể khởi phát và tiến bộ trong sự tự khép kín và tách biệt. Xu thế chủ đạo trong tiến trình vận động của nền văn minh thế giới là các nền văn minh khác nhau luôn được làm phong phú và phát triển trong sự giao lưu hài hoà và học tập lẫn nhau. Giao lưu liên văn hoá đã trở thành một động lực thúc đẩy sự tiến triển của các nền văn minh thế giới qua mọi thời đại.

Xem xét lịch sử phương Tây, chúng ta thấy rằng, nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại tiếp diễn hơn một ngàn năm chính là nguồn gốc của văn minh Tây Âu, thậm chí là của toàn bộ nền văn minh phương Tây. Nó đã xác lập cơ sở vững chắc cho truyền thống lý tính khoa học và đặc trưng nhân văn trong nền văn minh phương Tây. Tuy nhiên, sự tiến hoá của nó không được hiểu là sự tự khép kín và tự cô lập. Cho dù có những khác biệt rõ ràng giữa nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại với các nền văn minh phương Đông (Cận Đông và Bắc Phi), song, chính nền văn minh Hy Lạp - La Mã đã tiếp thu những thành quả tốt đẹp của các nền văn minh phương Đông, sớm đạt được những kết quả văn hoá đa sắc thông qua giao lưu liên văn hoá với các nền văn minh phương Đông và nhờ đó, cảm hứng của các dân tộc Hy Lạp - La Mã đã được thổi bùng lên. Minh triết đa quốc tịch của cả các vùng phương Tây lẫn các vùng phương Đông đã hội tụ lại với nhau và tạo thành nền văn hoá Hy Lạp - La Mã rực rỡ. Tư tưởng khoa học và tôn giáo của Tây Á và Ai Cập còn góp phần đáng kể vào sự hình thành và phát triển của triết học Hy Lạp cổ điển. Điều đặc biệt là, những thành tựu nổi bật về thiên văn học, toán học, thần thoại ở Ai Cập và Babilon đã thực hiện chức năng động cơ cho sự nảy sinh của triết học Hy Lạp và tôn giáo có liên quan. Sự giao lưu toàn thế giới giữa văn hóa phương Đông và văn hoá phương Tây chính là đặc điểm chủ yếu của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã. Triết học Hy Lạp - La Mã hậu kỳ còn tiếp nhận một cách trực tiếp hơn những ảnh hưởng từ tri thức khoa học, từ các tôn giáo khác nhau và từ triết học tôn giáo của thế giới phương Đông. Hầu như tất cả những học thuyết của các trường phái triết học chủ yếu đều mang đặc điểm của các nền văn hoá hội tụ phương Đông và phương Tây. Cụ thể là, đạo Do Thái và Cơ Đốc giáo sơ kỳ trong nền văn hoá Hêbrơ, hình mẫu đặc biệt của nhất thần luận, đã đồng quy [converge] một cách dần dần với triết học Hy Lạp và La Mã, đưa triết học Hy Lạp - La Mã hậu kỳ đến một kết cục hợp nhất với tôn giáo. Nhờ có sự đồng quy như vậy mà thần học và triết học Cơ Đốc giáo mới gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với văn minh phương Tây.

Trong những giai đoạn khác nhau của nó, cũng nhờ vào sự giao lưu liên văn hoá dưới nhiều hình thức, nền văn minh rực rỡ và trải nhiều thế kỷ của Trung Hoa, với khả năng thâu tóm một cách khái quát những cái xa lạ và hướng đến hài hoà, đã liên tục hấp thu những thành quả tốt đẹp trên nhiều mặt của văn minh bên ngoài để tự làm giàu và phát triển chính mình. Ngay từ thế kỷ đầu tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu đã khai phá và mở rộng "con đường tơ lụa trên đất liền và "con đường tơ lụa trên biển". Sự giao lưu liên văn hoá đa dạng thường xuyên của họ, trong đó có giao lưu về kinh tế và tinh thần, đã thúc đẩy một cách có hiệu quả tiến bộ chung của nền văn minh Trung Hoa cũng như một số nền văn minh khác ở châu Á và châu Âu. Trong sự giao lưu liên văn hoá giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ triều Hán và triều Đường, Phật giáo và triết học Phật giáo đã được truyền bá trong tầng lớp dân thường cũng như giới tri thức. Sự giao lưu đó đã làm nảy sinh một số trường phái Phật giáo và triết học Phật giáo mang đặc trưng Trung Hoa (chẳng hạn như trường phái Thiên Thai tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Thiền tông v.v. ), những cái đã trở thành bộ phận của truyền thống văn hoá Trung Quốc. Sự thẩm thấu lẫn nhau của chúng và sự hấp thu Khổng giáo cũng như Đạo giáo nguyên nghĩa đã ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến hoá của triết học và truyền thống văn hoá Trung Hoa. Đây là một thí dụ về giao lưu liên văn hoá thành công. Kể từ đời Đường ở thế kỷ thứ VII đã xuất hiện giao lưu liên văn hoá thành công, hài hoà giữa văn minh Trung Hoa và văn minh Hồi giáo. Cho đến nay, một nhà thờ Hồi giáo mang phong cách Trung Hoa vẫn tồn tại ở Tây An - một thủ đô cổ xưa của Trung Quốc; nó vẫn giữ được bút tích của hoàng đế nhà Đường. Trong nhà thờ này, chúng ta có thể tìm thấy sự giao lưu và sự hoà hợp giữa văn hoá truyền thống Trung Hoa với văn hoá tôn giáo của đạo Hồi. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nhờ có giao lưu liên văn hoá giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây được thực hiện bởi các nhà truyền giáo tới Trung Quốc, giới trí thức Trung Quốc bắt đầu tiếp xúc và hiểu được tư tưởng triết học cũng như tư tưởng khoa học của Hy Lạp; và, cùng với Matteo Ricci, một nhà truyền giáo người ý có tên Trung Quốc là Lý Mã Đậu, họ đã nghiên cứu so sánh giữa Khổng học với học thuật phương Tây. Mặt khác, một số nhà truyền giáo đã xuất khẩu rất nhiều kinh điển Trung Hoa ngược trở lại châu Âu. Văn minh Trung Hoa đã đóng vai trò tích cực trong thời Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và được các nhà trọng nông đặc biệt ca ngợi. Lý tính khoa học và tinh thần nhân văn của triết học và văn hoá phương Tây, đặc biệt là những tư tưởng về khoa học và dân chủ, được Nghiêm Phục và các triết gia Trung Quốc khác truyền bá vào đất nước này từ cuối thế kỷ XIX, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai sáng cho Trung Quốc hiện đại.

Từ tấm gương lịch sử trên đây, chúng ta có thể rút ra kết luận: sự xung đột giữa các nền văn minh trên thế giới chỉ là nhất thời, luôn có tính huỷ hoại, nó không phải là động lực cho sự phát triển văn hoá; chỉ có sự giao lưu hoà bình và đồng quy hài hoà giữa các nền văn minh khác nhau mới là xu thế chủ đạo của tiến bộ nhân loại và là một động lực quan trọng cho phát triển văn hoá. Sự phát triển về mặt lịch sử của nhân loại là quá trình thường xuyên trao đổi, đồng quy và cách tân giữa các nền văn minh khác nhau. Tất cả những nền văn minh khác nhau trong lịch sử nhân loại đều đã và đang góp phần vào tiến bộ nhân loại tuỳ theo phong cách riêng của mình. Thế giới ngày nay nên tránh và loại trừ nguy cơ xung đột văn minh. Sự khác biệt về hệ tư tưởng, về hệ thống xã hội và mô hình phát triển không được trở thành rào cản đối với sự giao lưu văn minh thế giới, thậm chí không được trở thành nguyên nhân của sự đối lập. Hoà bình và phát triển lợi ích chung là xu hướng có tính bản chất và là giá trị của toàn nhân loại trên hoàn cầu này. Nói cụ thể hơn, điều quan trọng là cần ủng hộ sự giao lưu liên văn hóa hợp lý và thực hiện sự thống nhất hài hoà dựa trên sự đa dạng về văn minh và văn hoá vì tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: