[MHĐT] Em muốn một tách trà hoa chăng?
1,
Thật ra, cái tên nguyên thuỷ nhất của truyện là "Tình đầu", xuất phát từ một tập tạp văn nho nhỏ của Dạ gọi là "Đôi dòng vụn vội", được đặt nền đâu đó tháng 9 năm 2019. Sau một thời gian, Dạ tìm về plot này và quyết định muốn phát triển nó thành một truyện độc lập. Cái tựa thứ hai được sửa thành "Em muốn một tách trà hoa chăng". Cho đến khi viết đến kết cục, Dạ lại lần nữa thay đổi thành "Mùa hoa đầu tiên" và pub lên wattpad.
Dạ rất thích cái tựa thứ hai, nhưng ngẫm thấy không phù hợp bằng "Mùa hoa đầu tiên" nên không thể không thay. Song, vẫn cứ tiếc nuối cái cảm giác mà "Em muốn một tách trà hoa chăng" mang lại, vậy là để thành tựa của bài viết này.
2,
Để tóm lược nội dung Mùa hoa đầu tiên, Dạ sẽ dùng bốn tiếng "tình đầu vĩnh hằng".
Trong truyện, Dạ đã dùng một phép so sánh mà bản thân rất yêu thích: nếu tình yêu là những mùa hoa, thì tình đầu chính là mùa hoa đầu tiên. Dạ không rõ đã có ai sử dụng phép so sánh này chưa, nhưng Dạ nghĩ ra nó vào một lúc Dạ mơ màng về khái niệm "tình yêu".
Dạ luôn cảm thấy có một điều gì đó rất buồn ở loài hoa. Chúng khác với cây. Chúng đẹp hơn, cũng có vòng đời ngắn ngủi hơn rất nhiều. Như người ta vẫn thường nói "hồng nhan bạc phận", hay cái gì càng đẹp thì lại càng chóng tàn phai, hoa cũng vậy. Chúng sinh ra kiêu hãnh và rực rỡ, nhưng lại chết đi trong héo mòn và tàn lụi, để lại hình ảnh cuối cùng là một kết cục hoặc xấu xí, hoặc sầu não.
Tình yêu cũng vậy.
Dạ nghĩ tình yêu là một khái niệm thật đẹp. Và vì đẹp, nó chẳng thể tránh khỏi vòng luẩn quẩn của thế gian, chẳng thể tránh được kết cục chết đi hệt như những đoá hoa. Dạ đã viết thế này: "Tình yêu giống như mùa hoa. Đâm chồi, lên nụ, nụ ra hoa, hoa cũng sẽ có kì đẹp nhất. Thế rồi cuối cùng, hoa tàn, để lại không gì ngoài dấu tích hoặc xấu xí hoặc sầu não của kết cục." Hai câu này khiến Dạ thấy buồn lắm. Chúng nhận định rằng kết cục của tình yêu xét về bản chất chỉ là những dấu tích hoặc xấu xí, hoặc sầu não. Vì con người rồi sẽ chết đi. Nếu ngay cả trái tim - thứ ta dùng để yêu - cũng hoá thành cát bụi và trôi về lãng quên, làm sao người ta có thể có một kết cục đẹp đẽ?
Nhất là tình đầu, một khái niệm vốn mơ hồ và kém bền lâu đến đau lòng. Trên đời này có bao nhiêu tình đầu nở rộ cho đến tận khi con người ta chết đi?
Nhưng Park Jimin đã chứng minh rằng có thể. Anh có thể tạo ra một kết cục đẹp đẽ cho chính mình - đó là khiến tình đầu của anh trở thành một vẻ đẹp vĩnh hằng - điều mà ngay cả tạo hoá cũng không thể làm được.
Bức tranh của Jimin nói lên rằng, bằng tình yêu, bằng tâm hồn, bằng tài hoa, bằng ước nguyện từ sâu thẳm trái tim mình, con người có thể khiến một khoảnh khắc hoá vĩnh hằng.
3,
Nếu cậu có theo dõi phần giải thích các truyện trước của Dạ, có lẽ cậu đã nhận ra Dạ có sở thích viết và nhấn vào một chi tiết nhỏ mà Dạ tâm đắc nhất truyện (đặc biệt là truyện buồn). Như Daegu và Người là vết sẹo trên bắp chân Taehyung, Ngày mai, anh sẽ không thương em nữa là tiếng "thương" của Hoseok, hay Tuyết đầu mùa là khái niệm "bất khả hối, bất khả hồi" và chính hình ảnh tuyết đầu mùa.
Qua Mùa hoa đầu tiên cũng vậy, Dạ tìm cho truyện một chi tiết để nhấn vào. Tuy nhiên Dạ có hơi tham lam đối với truyện này khi chọn nhiều hơn mức cần thiết. Vốn Dạ nghĩ sẽ nhắm vào cúc hoạ mi, sau đó Dạ lại đổi thành tách trà hoa và lời mời uống trà của Jimin. Sau khi viết đến kết cục và đổi tựa thì trọng tâm đã thay bằng hình ảnh mùa hoa đầu tiên. Tiếp đó nữa là khoảng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ. Đến lúc viết 80% hoàn thiện rồi thì lại bổ sung thêm chương 5 và vậy là lại xuất hiện một chi tiết khác là "thiên trường địa cửu".
Dạ sẽ nói lần lượt từng chi tiết nhé.
Thứ nhất, cúc hoạ mi, Dạ nghe nói loài hoa này tượng trưng cho sự ngây thơ và tình yêu thầm lặng. Dạ nghĩ nó phù hợp với cả hai nhân vật chính, Park Chaeyoung ngây ngô và Park Jimin lặng lẽ. Hình ảnh này sâu sắc hơn dưới góc nhìn của Jimin, mọi người có lẽ cũng nhìn thấy điều đó qua phần cuối cùng (tức "hoa tàn") và qua cách ví von mùa hoa đầu tiên là mùa cúc hoạ mi của anh. Còn một việc nữa là trước khi biết ý nghĩa của nó, Dạ cứ thích cái tên cúc hoạ mi thế nào ấy. Có lẽ là vì ba tiếng "cúc hoạ mi" có sự lên xuống của thanh trắc cao - thanh trắc thấp - thanh bằng (hay thanh ngang); và vần "i" cuối cùng gợi lên một điều gì rất trong và rất nhã.
Thứ hai, em muốn một tách trà hoa chăng. Không hiểu vì sao Dạ rất thích câu hỏi này. Một câu hỏi nhẹ tênh khiến Dạ thấy chơi vơi. Có lẽ là do ba tiếng cuối "trà hoa chăng" gợi nên cảm giác vừa như bay lên vừa như rơi xuống, cũng có thể vì cách Jimin hỏi - một chút bâng quơ, một chút xa cách, và sự dịu dàng rất-rất-rất lặng lẽ. (Xét về thanh điệu, ba tiếng cuối ấy khiến Dạ rung động vì thanh bằng - hay cụ thể hơn là thanh ngang ở hai tiếng "hoa", "chăng" - tạo cho Dạ cảm giác rằng người nói ra lời này rất dịu dàng, như thể anh đã dùng hết thảy mềm mại của mình để nói.)
Thứ ba, mùa hoa đầu tiên, Dạ nghĩ cái này quá rõ ràng trong truyện rồi. Với cả hai nhân vật, tình cảm họ dành cho người kia đều là tình đầu. Và do đó, mùa hoa đầu tiên của họ là vì người kia mà nở. Dạ cũng có đề cập đến nó trong mục số 2.
Thứ tư, khoảng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ. Đây là khoảng cách chàng hoạ sĩ dùng để hoạ lại nàng thơ của mình. Nó cũng là khoảng cách giữa cả hai, thuỷ chung từ buổi đầu tiên cho đến kết cục. Là khoảng cách mà nếu cùng vươn tay ra vẫn không thể chạm đến nhau. Và dẫu rằng nàng đã cố rướn tới, chàng lại chọn rụt về. Cả hai đều ý thức được nó. Ngay cả khi chia tay trên bến cảng, Chaeyoung cũng lùi lại đúng khoảng cách ấy để ngắm Jimin. Là vì nàng yêu anh từ khoảng cách ấy trong những buổi hoạ. Là vì một Park Jimin đứng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ là hình ảnh đẹp nhất về anh đọng lại trong tim nàng. Còn Jimin, đó là khoảng cách để lại tiếc nuối cho anh, bởi anh nhận ra ngay cả khi nàng chỉ là một bức hoạ, anh cũng không có cách nào rút ngắn được khoảng trống giữa cả hai.
Cuối cùng, thiên trường địa cửu. Đúng ra phải là "Thiên trường địa cửu. Vĩnh kiếp, vĩnh kiếp." - trích lại từ đoạn bút kí của nhân vật người cha. Thật ra "thiên trường địa cửu" này là hệ quả có từ Tuyết đầu mùa. Ở TĐM Dạ chỉ đề cập qua, nhưng ở Mùa hoa đầu tiên thì nó được chú trọng. Nó có tồn tại không? Nếu có, nó tồn tại ở đâu? Nếu không, con người hà cớ gì còn tin vào nó?
Khái niệm này bắt đầu từ cha của Chaeyoung - ông muốn tin vào thiên trường địa cửu, nhưng cũng nhận thức được điều ấy không tồn tại. Ta có thể thấy niềm tin của ông dần trở nên vô vọng qua quyển bút kí cuối cùng và dòng "Đấy có phải điều đáng giễu cợt nhất không?". Điều ông thấy đáng giễu cợt là chính mình, vì đã tới thời điểm thế này rồi mà vẫn vô vọng tin tưởng vào một thứ không thật.
Đó là thiên trường địa cửu của cha Chaeyoung.
Chaeyoung thừa hưởng niềm tin từ cha mình. Nàng tin, hay đúng hơn là muốn tin, vào thiên trường địa cửu. Nàng muốn tin rằng nàng đã tìm thấy điều ấy từ Park Jimin. Đáng tiếc, tình họ lại kết thúc trong những tiếng thương câm. Chaeyoung bắt đầu mất niềm tin, nhưng như Dạ đã viết trước đó, niềm tin vô vọng vào thiên trường địa cửu thừa hưởng từ cha đã giữ lại trong nàng một chút gì đó, giữ lại một đoá cuối cùng của mùa hoa đầu tiên mà Park Jimin gieo trong nàng. Theo năm tháng và các mối quan hệ, đoá hoa ấy vẫn còn mãi, khiến cho mùa hoa đầu tiên của nàng vô thức duy trì. Đến khi nàng nhìn thấy lại bức tranh, hiểu ra tâm tình của người kia, những chiếc nụ vốn bị buộc chặt bỗng phá tan ràng buộc và bừng nở, để mùa hoa đầu tiên một lần nữa rực rỡ trở lại. Người ấy, và mọi thứ thuộc về người ấy, sẽ vĩnh viễn nằm lại trong tâm thức nàng, trở thành một sự tồn tại đi cùng nàng qua hết tháng năm.
Đó là thiên trường địa cửu của Chaeyoung.
Jimin cũng là một người suy tư về khái niệm thiên trường địa cửu, nhưng ở một cách diễn đạt khác. "Có cách gì để một thứ vẻ đẹp tồn tại vĩnh hằng?". Nhưng khác với Chaeyoung và bố nàng, Jimin tự tìm cho mình câu trả lời và đã thành công. Như Dạ viết trước đó, "bằng tình yêu, bằng tâm hồn, bằng tài hoa, bằng ước nguyện từ sâu thẳm trái tim mình", anh đã khiến tình đầu của anh hoá vĩnh hằng. Mối tình đầu ấy - lấy trung tâm là một người con gái đẹp đến xuyến xao - có dịu dàng trong nét cọ, có tỉ mỉ trong tiểu tiết, có sợ hãi trong khoảng cách, có cả khát khao trong ánh mắt nhìn ngắm người.
Đó là thiên trường địa cửu của Jimin.
Hỏi Dạ thiên trường địa cửu có tồn tại không, Dạ thực lòng không biết. Nhưng Dạ cho rằng thiên trường địa cửu tồn tại hay không là tuỳ vào ý niệm và khát vọng trong lòng mỗi người. Nếu như cậu rất muốn - muốn bằng cả trái tim - biến một thứ trở thành vĩnh hằng, cậu sẽ tìm ra cách thức thôi.
4,
"Bao nhiêu tách trà mới rút ngắn được hai mét rưỡi và một giá vẽ?
Bao nhiêu khoảng cách để đến được thiên trường địa cửu?
Bao nhiêu thiên trường địa cửu, đổi lấy vĩnh hằng của mùa hoa đầu tiên?"
Đó là những câu hỏi cuối cùng của Chaeyoung khi Dạ khép lại góc nhìn của nàng. Chúng có câu trả lời không? Dạ nghĩ nhiều về nó, nhận ra là không. Không có.
Căn nguyên của tất cả bi kịch đến từ đâu? Có lẽ, chỉ là mệnh kiếp nghiệt ngã.
Giá như Jimin không phải một người bệnh tật, có lẽ anh đã rút ngắn khoảng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ. Nhưng nếu anh rút ngắn được, liệu có tồn tại thiên trường địa cửu? Hay chăng mùa hoa đầu tiên của cả hai cũng sẽ lụi tàn như bao mùa hoa đầu tiên khác? Và rằng sẽ chẳng có vĩnh hằng nào cho mùa hoa đầu tiên?
Hoặc giả như Jimin không bệnh tật, liệu anh có bén duyên với hội hoạ? Có tìm được cách thức khiến vẻ đẹp trong một thời khắc hoá vĩnh hằng? Liệu anh có đến nơi thị trấn nhỏ an tĩnh ấy, đợi được đến ngày bắt gặp một cô gái nhỏ tuổi bước lên bến cảng trong buổi sương mai?
Mệnh kiếp.
Mệnh kiếp đưa họ đến với nhau, nhưng chính con người làm nên quyết định. Và Jimin quyết định bảo toàn khoảng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ, biến tình đầu của anh thành vĩnh hằng.
Bởi vì bao nhiêu tách trà hoa cũng không rút ngắn được hai mét rưỡi và một giá vẽ;
Vì gần đến bao nhiêu cũng không thể đến được thiên trường địa cửu;
Thế nên, người dùng hết thảy của chính mình, tạo ra vĩnh hằng cho mùa hoa đầu tiên.
5,
Về kết cục, nếu chỉ dừng lại ở phần 12, Dạ nghĩ đây sẽ là một kết thúc buồn.
Nhưng truyện dừng ở góc nhìn của Jimin. Dạ cho rằng, khi này, Mùa hoa đầu tiên có một kết thúc đẹp.
Tuy hai nhân vật chính không thể đến với nhau và thậm chí một người còn vĩnh viễn rời xa nhân thế, mối tình của họ đã hoá vĩnh hằng ngay tại thời khắc đẹp đẽ nhất. Đó là khoảnh khắc mà trong mắt chàng hoạ sĩ chỉ có nàng thơ, và trong mắt nàng thơ chỉ có người con trai đang hoạ nàng. Khoảng cách hai mét rưỡi và một giá vẽ cũng trở thành vĩnh hằng giữa họ, là khoảnh khắc mà dẫu không thể chạm đến nhau, hai con người ấy vẫn có thể yêu nhau sâu đậm.
Và Chaeyoung, và Jimin, đều đã tìm thấy thiên trường địa cửu của nhau.
6,
Dạ nghĩ là rất nhiều quan điểm đã được Dạ gửi gắm vào Mùa hoa đầu tiên. Dễ thấy nhất chính là "tình yêu giống như những mùa hoa", kế tới là "thiên trường địa cửu", và cuối cùng là "tĩnh và động."
Nếu bảo Dạ chọn phân đoạn khiến Dạ tâm đắc, chắc là Dạ sẽ chọn cuộc hội thoại giữa Jimin và em trai anh. Dạ đã áp vào đó một quan điểm mà Dạ rất thích: "Trên đời này, chỉ có cái tĩnh mới lưu giữ được cái động."
Và ngay cả kí ức của chúng ta cũng là một cái động.
Dạ nghĩ, thiên chức của hoạ sĩ và nhiếp ảnh gia, hay bất cứ nhà nghệ thuật nào làm công việc tương tự, là lưu giữ lại cho thế nhân những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cuộc đời. Khi nói "khoảnh khắc đẹp đẽ", đó có thể là niềm vui, sầu muộn, hay thậm chí bi kịch đến tận cùng.
Cái tĩnh của họ, là dùng thân thể, dùng tài hoa, dùng tâm hồn, lưu lại những cái động của thế gian.
7,
"Dẫu biết sẽ hoá khói sương, anh vẫn muốn biến một thứ trở thành vĩnh hằng. Mùa hoa trong kì đẹp nhất. Mùa hoa đầu tiên của anh."
(Ôi bài này hình như Dạ viết rắc rối lằng nhằng quá TvT Mọi người thông cảm nha...)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro