Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Lời tựa lần in 2


Lời tựa cho lần in thứ hai

Cuốn Tổ Quốc Ăn Năn xuất bản lần đầu, tháng 2 - 2001 đã bán hết sau vài tháng. Yêu cầu tái bản ngày càng thôi thúc. Mặt khác chính tác giả cũng muốn sửa chữa một số sai sót trong ấn bản đầu, đồng thời bổ túc một số điểm khác.

Tổ Quốc Ăn Năn đã phá một số kỷ lục về số lượng bình luận. Dĩ nhiên có những đồng tình và những phản bác, nhưng nói chung những bình luận thuận lợi đã nhiều hơn và sâu sắc hơn. Ngoài những bình luận đã được đăng trên báo chí tác giả còn nhận được rất nhiều đóng góp khác. Có những đóng góp rất công phu, gần như những khảo luận về tác phẩm và có thể in thành sách. Tác giả xin kính cẩn cảm tạ các vị đã góp ý và xin được lượng thứ vì thời giờ eo hẹp đã không cho phép đáp lễ từng vị một. Lần tái bản này là dịp để tác giả trình bày một số ý kiến sau những phản ứng đã nhận được.

Xin bắt đầu bằng sự tiếp nhận mà độc giả đã dành cho cuốn sách. Điều nổi bật là Tổ Quốc Ăn Năn đã được đón nhận ở trong nước một cách nồng hậu hơn hẳn tại hải ngoại, ngay cả bởi những độc giả đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền mặc dầu nó đưa ra nhiều ý kiến và đề nghị ngược với những gì chính quyền hiện tại đang chủ trương. Dĩ nhiên không thể giải thích rằng người trong nước chống chính quyền hơn người ngoài nước. Lý do có thể chỉ giản dị là vì Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn sách viết cho đất nước hôm nay và ngày mai cho nên nó đã được sự tiếp nhận nồng nhiệt hơn nơi những người mà hiện tại và tương lai gắn bó chặt chẽ với đất nước, nghĩa là những người trong nước, trong khi đối với khá nhiều người tại hải ngoại, đất nước, sau hơn một phần tư thế kỷ xa cách, chủ yếu là một quá khứ. Lý do này có lẽ cũng giải thích vì sao rất nhiều bài bình luận tại hải ngoại đã tập trung vào một vài chi tiết lịch sử thực ra không quan trọng trong khi người trong nước chú ý hơn tới những nhận định và đề nghị cho tương lai được trình bày trong nửa sau của cuốn sách, cũng là phần mà tác giả cho là quan trọng nhất. Có lẽ cũng vì nó hướng về tương lai mà Tổ Quốc Ăn Năn được sự tán thành nồng nhiệt hơn của tuổi trẻ.

Một số bài viết phiền trách Tổ Quốc Ăn Năn đã thiếu phần thư mục giúp độc giả kiểm chứng những dữ kiện được dùng cho lý luận. Sự phiền trách này chính đáng và tác giả xin ghi nhận dù không thể thỏa mãn. Thực ra thì những tài liệu quan trọng nhất đã được liệt kê ngay trong đoạn mà chúng được đề cập tới. Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn sách ý kiến chứ không phải là một cuốn sách biên khảo, và không ít những cuốn sách ý kiến đã được viết một cách tương tự, kể cả một số tác phẩm lớn. Dĩ nhiên nếu liệt kê được đầy đủ tài liệu thì cũng là điều tốt, nhưng công việc này đòi hỏi một thời giờ mà tác giả rất tiếc là không có. Vả lại công việc này cũng sẽ chỉ có một giá trị rất tương đối bởi vì tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo. Tác giả cũng chỉ sử dụng phần lớn những dữ kiện rất căn bản mà hầu hết mọi người quan tâm đến vấn đề đang được thảo luận đều đã biết.

Đàng nào thì vấn đề cũng không cần đặt ra nữa. Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn sách ý kiến và do đó có số phận của một cuốn sách ý kiến. Hoặc nó không gây được sự chú ý thì việc liệt kê tài liệu tham khảo không có ích lợi gì, hoặc nó gây được sự chú ý thì chắc chắn những sai lầm trong dữ kiện, nếu có, sẽ được vạch ra. Thực tế là Tổ Quốc Ăn Năn đã gây được sự chú ý của rất nhiều người mà đại đa số có trình độ cao, nhưng sau hơn ba năm đã không có sự cải chính nào. Vấn đề có thể coi là đã được thời gian giải đáp.

Một vài vị nhận định là văn phong của Tổ Quốc Ăn Năn quá xác quyết, không chừa một chỗ nào cho sự tương đối; có vị đi xa hơn, phê phán rằng như thế là chủ quan, thiếu khoa học và thiếu khiêm tốn. Nhận định này cần một lời khai thông. Có lẽ trước hết chúng ta cần đồng ý trên một số khái niệm nếu không chúng ta sẽ không nói cùng một thứ tiếng. Phương pháp của mọi nhà khoa học, khoa học chính xác cũng như khoa học nhân văn, đều như nhau: quan sát, nhận xét, suy nghĩ, hình thành một giả thuyết, rồi thu thập dữ kiện và phân tích các dữ kiện xem chúng xác nhận hay phủ nhận giả thuyết của mình, để cuối cùng quyết định giữ hay không giữ lý thuyết của mình. Điều cốt lõi trong phương pháp khoa học là phải có lý thuyết -hiểu theo nghĩa một kết luận rút ra từ sự khảo sát các sự kiện. Lý thuyết có thể đúng hay sai nhưng chắc chắn phải có vì đó là mục đích của mọi cố gắng trí tuệ, nếu không thì không có lý do gì để viết ra cả. Và một kết luận phải luôn luôn khẳng định, ngay cả để khẳng định rằng chưa thể kết luận. Đó là phương pháp lý luận và trình bày được chọn để viết Tổ Quốc Ăn Năn. Theo thiển ý của tác giả đó cũng là cách viết lương thiện và khiêm tốn, nói thẳng và nói thực những gì mình biết và nghĩ, với rủi ro hiển nhiên là phơi bày những yếu kém của mình. Một cách viết khác là viết quanh co, rào đón, không xác quyết để không ai có thể bắt lỗi. Cách viết này không tôn trọng độc giả. Thời giờ là cuộc sống, đọc một cuốn sách là bỏ ra một phần của đời mình, vì thế người đọc phải được trả giá một cách xứng đáng, nếu không thì chỉ là mất thì giờ vô ích, và như thế cuốn sách giống như một vụ mưu sát nhỏ.

Về nội dung, niềm vui của tác giả là những ý kiến chính về những lý do đã khiến Việt Nam rơi vào thảm kịch hiện nay, về những trở ngại phải san bằng để thoát ra, về con đường dân chủ hóa và phát triển đất nước, về chiến lược đấu tranh và những hy sinh phải có để có dân chủ đã nhận được một đồng thuận lớn. Tổ Quốc Ăn Năn đã có tác dụng thôi thúc nhiều người nhập cuộc đấu tranh cho dân chủ. Trong lúc tác giả đang viết những dòng này thì một số thanh niên trong nuớc đang mắc nạn chính vì sự dấn thân này.

Dĩ nhiên cũng có những phản bác, nhưng những phản bác này phần lớn đến từ những người không tham gia cuộc đấu tranh cho dân chủ và cũng chỉ nhắm vào một vài chi tiết không quan trọng. Có những chất vấn thực ra đã được trả lời một cách rất minh bạch trong sách, và trong nhiều trường hợp theo đúng ý của người chất vấn; điều này khiến tác giả tự hỏi không biết các vị này đã đọc hết cuốn sách hay không trước khi phê bình. Cũng có những phản bác mà tác giả không thể trả lời được, thí dụ như một vị viết rằng nếu quả thực văn hóa Việt Nam kém cỏi như tác giả đã viết thì làm sao Việt Nam lại có được địa vị vinh quang như hiện nay! Khi nhận định về thực tại quá khác nhau thì không thảo luận được nữa. Nhưng cũng có những điểm có thể thảo luận và đây là những điểm chính.

Một số vị cho rằng mười định luật cho một xã hội phát triển thực ra có thể qui vào một vài định luật căn bản, những định luật khác có thể từ đó mà suy ra. Nhưng đây cũng là trường hợp của tuyệt đại đa số các định luật trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và các định lý trong toán học. Phần lớn chúng được suy ra từ một vài định luật và định lý cơ bản, nhưng chúng được coi là định luật hay định lý bởi vì chúng khá tổng quát và là những chặng đường tiện lợi của lý luận, nghĩa là có thể lấy làm khởi điểm cho những lý luận khác, giúp cho sự tìm kiếm giải đáp được ngắn gọn và sáng sủa.

Nhiều ý kiến, nhất là các ý kiến phản bác, đã tập trung vào phần lịch sử. Tuy nhiên các thảo luận phần lớn đã chỉ xoay quanh một vài nhân vật lịch sử, như Nguyễn Huệ, hoặc quanh mức độ chính xác của một vài dữ kiện lịch sử đàng nào cũng không thể bảo đảm là chính xác trong hoàn cảnh nước ta. Vẫn chưa thấy có thảo luận về một cách nhìn lịch sử, hay, nếu độc giả không phê phán là dùng ngôn ngữ kênh kiệu, một triết lý về lịch sử, trong khi đó là điều mà cuốn sách chuyên chở và cũng đáng được thảo luận. Đây là dịp để tác giả bổ túc thêm quan điểm của mình.

Nhưng thế nào là một triết lý về lịch sử?

Một cách giản dị đó là sự suy nghĩ trong chiều sâu về cách tạo thành của lịch sử và về ý nghĩa và vai trò của nó đối với cộng đồng mà nó diễn tả theo dòng thời gian.

Người Việt Nam chúng ta nói chung không đặt vấn đề triết lý của lịch sử. Chúng ta chưa có một quan điểm đúng đắn về lịch sử. Về điểm này thì chúng ta cũng giống nhiều dân tộc khác, nhưng đáng phàn nàn hơn họ vì chúng ta tự hào là có bốn nghìn năm văn hiến. Chúng ta vẫn chưa quan niệm rằng lịch sử phải là sự ghi nhận những chuyển biến của một xã hội, giúp xã hội đó hiểu căn cước của mình, để rút kinh nghiệm và dự liệu tương lai. Cho tới một ngày rất gần đây sử Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu ghi chép những việc làm, đôi khi không có tầm quan trọng nào đối với xã hội, của các vua chúa. Như thế thì lịch sử không phải là lịch sử của dân tộc mà chỉ lịch sử của một vài gia đình. Sử gia đầu tiên đã đặt một mẫu mực cho cách viết sử tại Trung Quốc và Việt Nam cho hàng nghìn năm sau có lẽ là chính Khổng Tử khi ông viết cuốn Kinh Xuân Thu ghi chép các việc làm của các vua nước Lỗ.

Mặt khác, ngay cả khi đã quan tâm đến xã hội hơn, hình như chúng ta cũng chỉ coi là biến cố lịch sử những cuộc chiến tranh, những tranh giành quyền lực, những thay đổi chính quyền. Như thế thì lịch sử chỉ có một công dụng rất tương đối. Nó thiếu hẳn kích thước xã hội và không giúp ta rút kinh nghiệm nào về sinh hoạt xã hội và tổ chức xã hội; nó bỏ qua những hoạt động kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, nghĩa là những gì cần biết nhất của xã hội. Hơn nữa, ngay cả trong những biến cố được coi là lịch sử cũng chưa bao giờ có cố gắng để giải thích một cách nghiêm túc. Hình như đối với chúng ta lịch sử chỉ là sự nối tiếp nhau một ngẫu nhiên của các biến cố.

Đó là vì chúng ta đã chấp nhận từ hàng ngàn năm trước một triết lý giản đơn phủ nhận lịch sử, triết lý tuần hoàn, còn gọi là Kinh Dịch, theo đó cả vũ trụ lẫn cuộc sống chỉ xê dịch qua lại trong một giới hạn nhỏ hẹp. Thịnh rồi lại suy, hết trị rồi đến loạn, lập rồi lại phế, cũng như cây cỏ ra lá trổ bông mùa xuân, rồi tàn đi với mùa đông, để rồi lại hồi sinh trong mùa xuân tới. Với một triết lý như vậy thì không làm gì có lịch sử đúng nghĩa bởi vì không có thay đổi và chuyển động, mà chỉ có những giao động vụn vặt tuần hoàn, như khu rừng thay cây đổi lá nhưng vẫn chỉ laé khu rừng. Cuối cùng đâu lại về đó, và lịch sử chỉ là địa lý.

Với một cái nhìn xã hội và vũ trụ như vậy thì vấn đề triết lý của lịch sử không đặt ra. Đó chỉ là những biến cố tình cờ trong biên độ giới hạn, có thể rất mãnh liệt lúc xẩy ra đối với người đương thời nhưng không thay đổi gì về lâu về dài. Những nguyên nhân của các biến cố, nếu có, cũng chỉ là những nguyên nhân rất gần. Cho nên, kết quả của một cuộc chiến là do sự tài giỏi của một chủ tướng, khi không phải là mệnh trời, mà mệnh trời thì con người làm sao hiểu được? Triệu Đà đã chiếm được thành Cổ Loa vì Triệu Đà giỏi. Nước ta được tự chủ vì quân Nam Hán bị đại bại trên sông Bạch Đằng do thiên tài quân sự của Ngô Quyền. Nhà Trần đánh bại quân Nguyên là nhờ Trần Hưng Đạo. Nước ta đuổi được quân Minh là nhờ Lê Lợi. Tây Sơn diệt được Trịnh, Nguyễn nhờ Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh mấy lần đại bại suýt mất mạng là vì bản lãnh thua xa Nguyễn Huệ, nhưng vẫn sống sót, và sau này khôi phục được nhà Nguyễn, thống nhất đất nước là vì dầu sao cũng khá hơn anh em và con cháu Nguyễn Huệ, v.v. Và chúng ta nói chung thoải mái với cách giải thích lịch sử giản dị như thế. Chúng ta chưa bao giờ ý thức rằng những biến cố đó thực ra đã diễn ra và kết thúc như thế là do hoàn cảnh xã hội vào lúc đó. Thí dụ như Nguyễn Huệ sở dĩ đã diệt được hai họ Trịnh và Nguyễn là vì cả hai xã hội Đàng Trong và Đàng Ngoài đều đã thay đổi lớn trong chiều sâu sau hơn hai thế kỷ tiếp xúc với ngưới phương Tây. Cả hai họ Trịnh và Nguyễn đều không ý thức được rằng nền tảng quyền lực của họ đã mục nát, họ cố tình duy trì bằng bạo lưc một hệ thống chính quyền không thể duy trì được nữa. Kết quả là xã hội cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài tan rã dần dần và sau cùng sụp đổ, nhường chỗ cho một sự trống rỗng toàn diện. Trong một hoàn cảnh tan nát như thế tất cả đều có thể xảy ra.

Không phải là trong suốt dòng lịch sử chúng ta không có lúc hoài nghi về quan niệm lịch sử giản dị đó. Chúng ta đã có quan niệm về Thời, Vận và Thế. Chúng ta đã nhận xét là có những người rất tài ba mà thất bại vì thất thế trong khi có những kẻ chẳng ra gì mà vẫn thành công vì gặp thời. Thời thế tạo anh hùng. Nhưng chúng ta vẫn chưa ra khỏi Kinh Dịch và vì thế vẫn chưa thể đạt tới một triết lý về lịch sử. Giải thích của chúng ta về các biến cố lịch sử cuối cùng vẫn là vì đã có những cá nhân phi thường góp phần quyết định làm nên lịch sử. Và khi không không thể giải thích bằng những nhân vật lịch sử thì chúng ta giải thích chữ Thời và tiếng thở dài.

Đạt tới một sự hiểu biết sâu xa về lịch sử không phải là dễ. Người phương Tây từ thời cổ Hy Lạp đã có những tư tưởng vượt trội, nhưng sự tìm hiểu nguyên lý của lịch sử đã đến rất chậm.

Có thể nói Hegel là người đầu tiên đưa ra một lý thuyết về lịch sử và giải thích lịch sử bằng biện chứng (dialectic). Sau Hegel là Karl Marx, một đệ tử chối thày của Hegel. Tư tưởng của Marx trong chiều sâu chỉ là tư tưởng của Hegel dù ông cố tình chối cãi điều này. Marx đã chỉ vận dụng một cách tùy tiện hơn triết lý biện chứng của Hegel và làm trầm trọng hơn sự độc hại của nó. Cả hai đã có đóng góp quan trọng là coi lịch sử như là diễn biến của sự tiến hóa của xã hội và cố gắng tìm một giải thích cho sự tạo thành của nó. Nhưng cả hai đều đã chỉ đựa vào một quan sát rất hạn hẹp trong cả thời gian lẫn không gian để rồi vội vã đưa ra một kết luận mà họ cho là một qui luật tổng quát nhưng thực ra chỉ nhắm phục vụ ý đồ cá nhân của họ. Hegel dựa trên tiến trình thống nhất nước Đức, coi lịch sử là tiến diễn của sự xung đột bắt buộc giữa các quốc gia với kết quả tất yếu là qui về một mối theo một sắp đặt đã định trước nhưng chỉ được tiết lộ dần dần của một Tuyệt Đối không khác bao nhiêu một Thượng Đế. Quan điểm này có mục đích phục vụ cho chủ trương nước lớn của Frederic Wilhem III mà Hegel là cố vấn, nhưng để cho lập luận của mình có tính thuyết phục Hegel đã xây dựng ra cả một triết lý, triết lý biện chứng, đã một thời làm mờ mắt cả châu Âu và thế giới. Cũng dựa trên triết lý này, nhưng quan sát diễn biến của cuộc cách mạng kỹ nghệ tại châu Âu thay vì sự thống nhất của nước Đức và lấy sự xung đột giữa các giai cấp thay vì xung đột giữa các quốc gia làm động cơ cho lịch sử, Karl Marx khẳng định sự sắp tới tất yếu của xã hội cộng sản. Khẳng định này phục vụ phong trào cộng sản trong đó Marx được coi là tiên tri. Cả hai sử quan này sau cùng đã bị chính lịch sử bác bỏ.

Lịch sử không phải là sự an bài tuần tự có qui luật biện chứng nhưng không thể dự báo trước được của một Tuyệt Đối như Hegel đề xướng. Triết lý của Hegel đã thuộc vào dĩ vãng sau khi đã sản sinh ra những quái thai phát xít, nazi và cộng sản. Lịch sử càng không phải là diễn tiến của một cuộc đấu tranh giai cấp không ngừng và tất yếu dẫn đến xã hội cộng sản như Marx rêu rao. Triết lý của Marx, nếu ta muốn dùng cách nói của chính ông, đã bị ném vào xọt rác tư tưởng, sau khi đã là thảm kịch cho nhiều dân tộc. Sự phá sản của hai sử quan này, mà điểm chung là cho rằng lịch sử vận hành theo một lý do duy nhất với một kết thúc đã được qui định trước, không phải chỉ bác bỏ quan điểm tất yếu về lịch sử mà còn đặt lại chính nội dung của triết lý lịch sử. Có nên cố tìm một qui luật vận hành của lịch sử hay không? Quan điểm của hầu hết các nhà tư tưởng hiện nay là không. Hay chỉ nên tìm xem động cơ nào thúc đẩy lịch sử tiến tới và tác động lên động cơ đó để lịch sử diễn tiến theo chiều hướng mong muốn, nghĩa là đem lại phẩm giá và hạnh phúc ngày càng lớn hơn cho thật nhiều người và nhiều dân tộc? Quan điểm của hầu hết các nhà tư tưởng hiện nay là đúng như vậy.

Vậy lịch sử là gì và có vai trò nào?

Lịch sử chắc chắn là do con người tạo ra trong khi ứng xử trước các vấn đề đặt ra cho mình. Trong một bối cảnh địa lý nhất định, lịch sử, nghĩa là sự tiếp nối của các thực tại liên tục của một dân tộc phần lớn là sản phẩm của dân tộc đó. Phần lớn dù không phải là tất cả, bởi vì cũng có những đột biến của thiên nhiên và những yếu tố ngoại lai, thí dụ như những trận động đất và những cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Nhưng ngay cả trong những trường hợp ấy, nếu dân tộc phản ứng một cách khác thì hậu quả cũng sẽ khác và lịch sử cũng sẽ khác. Các nước châu Á đã ứng xử khác nhau khi tiếp xúc với phương Tây và các lịch sử cận đại của họ đã khác nhau. Một dân tộc càng văn minh và đông đảo thì phần chủ động trên lịch sử lại càng lớn.

Lịch sử có phải là một chuỗi biến cố tình cờ hay không?

Câu hỏi có vẻ ngây ngô nếu ta đã nhìn nhận con người có khả năng thay đổi lịch sử, nhưng cho tới một ngày rất gần đây quan niệm của chúng ta là như thế. Chúng ta không hề đặt câu hỏi tại sao lịch sử lại diễn ra như nó đã diễn ra. Hay dù có đặt câu hỏi chúng ta cũng hài lòng với những giải đáp hời hợt. Thí dụ sở dĩ nước ta đã bỏ lỡ cơ hội canh tân và bị ngoại thuộc là vì các vua Minh Mạng và Tự Đức quá tăm tối, hay chủ nghĩa cộng sản đã được thiết lập tại Việt Nam là vì có ông Hồ Chí Minh. Như vậy thì cũng chỉ là những tình cờ mà thôi. Tình cờ mà chúng ta đã có những ông vua nhà Nguyễn mù quáng và cũng tình cờ mà Việt Nam đã có ông Hồ Chí Minh.

Nhưng tại sao dưới thời nhà Nguyễn chúng ta cũng đã có những người nhìn thấy nhu cầu canh tân mà họ không làm gì được? Tại sao đã có và có nhiều người nhìn thấy sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản, và nhiều người đã hy sinh tính mạng để chống lại nó, nhưng chế độ cộng sản vẫn được thiết lập? Và câu hỏi nhức nhối hiện nay là tại sao đa số đảng viên của chính đảng cộng sản đã thấy là phải dân chủ hóa mà đảng cộng sản vẫn ngoan cố trong độc tài toàn trị? Như vậy chắc chắn phải có một cái gì đó mạnh hơn quyết định các biến cố.

Nhưng "cái gì đó" là cái gì?

Trước một thử thách và một thực tại xã hội, mỗi cá nhân cũng như mỗi dân tộc đều có thể có những cách ứng xử khác nhau: phấn khởi tham gia, chấp nhận, chịu đựng, đào thoát, phản kháng v.v. Cách ứng xử đó quyết định những gì sẽ xảy tới, nghĩa là một thực tại mới. Nhưng tại sao các dân tộc lại ứng xử cách này thay vì cách khác? Đó là do một cấu trúc tâm lý khiến ta thấy nên và phải làm như thế. Mỗi cá nhân quyết định cho mình, nhưng một cộng đồng luôn luôn có một mẫu số văn hóa chung nào đó nếu không thì không phải là một cộng đồng. Do đó các quyết định cá nhân (chấp nhận một cách ứng xử bắt buộc cũng là một quyết định) trong một dân tộc cuối cùng cũng vẫn có những điểm giống nhau tạo ra một cách ứng xử áp đảo của đa số và quyết định những gì sẽ xảy tới. Cấu trúc tâm lý của một dân tộc là kết quả của một văn hóa chung. Văn hóa chung này, trong phạm vi xã hội, là toàn bộ những giá được đại bộ phận dân chúng chia sẻ và, do đó, quyết định cách suy nghĩ, chọn lựa và hành động của xã hội. Các giá trị này có thể hình thành với thời gian do điều kiện sinh sống, cũng có thể do bị một thế lực thống trị lâu đời áp đặt và cũng có thể do những cố gắng suy tư của chính dân tộc đó.

Văn hóa quyết định cách ứng xử, cách ứng xử tạo ra một thực tại, thực tại này đặt ra những thử thách mới và chờ đợi những phản ứng mới. Lịch sử tiến hành như thế, thực tại của giai đoạn trước là lịch sử của giai đoạn sau. Nói một cách khác, động cơ chính, dù không phải duy nhất, của lịch sử là văn hóa. Thực tại, trong chiều ngược lại, cũng có thể tác động lên văn hóa và làm thay đổi văn hóa; nhưng sự khác biệt là ở chỗ tác động của thực tại lên văn hóa đến rất sau và rất chậm vì những lý do sẽ được trình bày trong những dòng sau. Cuối cùng thì chính văn hóa là yếu tố chính quyết định thực tại xã hội, trong đó hai yếu tố chính là chế độ chính trị và tổ chức xã hội. Lịch sử như vậy là thể hiện của văn hóa. Lịch sử vừa giải thích số phận vừa phơi bày chân dung văn hóa của các dân tộc.

Cần lưu ý là nhận thức về lịch sử, chủ yếu là cách đánh giá tầm quan trọng của các biến cố và cách đánh giá các nhân vật lịch sử, cũng là một phần khắng khít của lịch sử bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp lên sự chọn lọc và trình bày các biến cố mà các thế hệ sau gọi là lịch sử. Như vậy văn hóa không những chỉ là động cơ chính của lịch sử mà còn là tay cầm bút viết ra lịch sử bởi vì nhận thức về lịch sử cũng phần lớn là sản phẩm của văn hóa.

Con người có thể tác động lên lịch sử và thay đổi dòng lịch sử được không?

Có, nếu tác động được lên văn hóa. Nhưng ai có thể tác động được lên văn hóa? Đó là các triết gia và các nhà tư tưởng. Dụng cụ làm việc của họ có thể đa dạng. Một nhà tư tưởng có thể viết sách hoặc viết báo như đa số các nhà tư tưởng thường làm, cũng có thể chỉ diễn thuyết như Socrates; nhưng họ cũng có thể làm nhạc, làm thơ hoặc vẽ tranh, nếu tác phẩm của họ chuyên chở tư tưởng thì họ vẫn là những nhà tư tưởng.

Như thế, một dân tộc chỉ có thể chủ động được lịch sử của mình nếu có những triết gia và những nhà tư tưởng. Nếu không dân tộc đó sẽ chỉ chịu đựng chứ không làm chủ được lịch sử, nghĩa là không làm chủ được số phận của mình.

Nhưng tác động lên văn hóa rất khó. Văn hóa là kết tinh của cuộc sống tinh thần và vật chất trong suốt quá trình tồn tại kéo dài nhiều ngàn năm. Nó được bảo vệ bởi cả một thành trì kiên cố của tập quán, thành kiến, tín ngưỡng, quyền lợi, quyền lực, và cả đam mê. Muốn thay đổi nó phải có những con người thật xuất chúng và dũng cảm, những con người mà một mình thực tại không tạo ra được. Cái giá phải trả cho một khai thông tư tưởng thường rất cao. Trong đại bộ phận nó là những cuộc sống hẩm hiu, âm thầm cống hiến cho những cố gắng mà người đương thời không quan tâm, thâm chí chối bỏ. Nó cũng có thể là những tai họa. Socrates và Jesus Christ đã phải đem tính mạng để trả giá cho tư tưởng của mình. Nhưng các nhà tư tưởng vẫn là những người thực sự lãnh đạo xã hội ngay cả khi họ phải bỏ mình nơi pháp trường giữa tiếng hò hét thù ghét của đám đông. Các chính quyền và những người cầm quyền chỉ là sản phẩm và công cụ của lịch sử do văn hóa quyết định, những con người do thời thế tạo ra và đàng nào cũng có trong mỗi giai đoạn.

Chúng ta là một dân tộc không có triết gia và tư tưởng gia vì thế chúng ta không chủ động được lịch sử và số phận của chúng ta. Văn hóa của chúng ta chỉ là kết hợp của nếp sống phù sa - lúa nước và văn hóa Khổng Giáo mà kẻ thống trị phương Bắc áp đặt trong hàng ngàn năm. Chúng ta đã không xây dựng ra nền văn hóa đó bằng cố gắng tư tưởng của chính mình và cũng không thay đổi nó. Văn hóa của ta không thay đổi cho nên ta không có lịch sử đúng nghĩa. Cái mà ta gọi là lịch sử chỉ là những xung đột không tránh khỏi của một khối người ngày càng đông mà không có ý thức xây dựng một tương lai chung. Văn hóa không thay đổi thì xã hội cũng không thay đổi. Những biến cố lịch sử của chúng ta hoặc chỉ là những xáo động trong một khuôn khổ có sẵn và xảy đến một cách tình cờ, hoặc chỉ do sự áp đặt của những biến cố ngoại lai mà chúng ta không hiểu và đón nhận một cách bối rối. Chúng ta giải thích những lúc thịnh - suy, chiến tranh - hòa bình, những thay ngôi đổi vị bằng hành động của những con người, chúng ta tôn vinh hay kết án những nhân vật lịch sử như là tác giả những phúc họa trong khi thực ra chính họ không đem lại thay đổi thực sự nào. Họ chỉ là những con người hợp lý nhất trong một thực tại xã hội nào đó.

Vấn đề hiện nay của chúng ta là phải rũ bỏ chế độ độc tài này để có dân chủ mà vươn lên. Nhưng chế độ cộng sản có phải ngẫu nhiên mà có không? Đảng cộng sản đã trải qua nửa thế kỷ phấn đấu cam go mới giành được chính quyền (họ dùng chữ "cướp chính quyền", một từ nói lên nhiều về bản chất của họ). Trong suốt quá trình phấn đấu đó họ luôn luôn ít phương tiện hơn đối phương, phương tiện vật chất cũng như phương tiện trí tuệ. Nhưng sau cùng họ vẫn vượt qua được trở ngại và toàn thắng bởi vì đã có rất nhiều người ủng hộ họ và hy sinh cho họ trong khi những người chống lại họ đã thiếu sức thuyết phục. Vậy thì chế độ cộng sản mà họ thiết lập có thể tồi dở nhưng không nghịch lý. Nó thể hiện một tổng hợp của văn hóa Khổng Giáo mà chúng ta trân trọng từ hàng ngàn năm và văn hóa phương Tây mà chúng ta bắt đầu tiếp nhận từ thế kỷ 16, nhất là từ hơn một thế kỷ nay, nhưng chưa tâm đắc.

Văn hóa nào chế độ đó. Chống lại chế độ cộng sản mà lại khăng khăng bảo vệ văn hóa truyền thống là một thái độ rất sai, sai một cách bi đát, bởi vì chế độ này không gì khác hơn là một sản phẩm của chính văn hóa truyền thống của chúng ta trong khi va chạm với phương Tây. Nó được chính văn hóa truyền thống của chúng ta đẻ ra và nuôi dưỡng. Như thế, người ta vẫn có thể vô tình tiếp tay củng cố nó trong khi tưởng rằng mình đang chống lại nó. Muốn thay đổi chế độ này thì phải thay đổi văn hóa. Sẽ không thể có giải đáp trong đường xưa lối cũ. Những ý kiến mới có thể là sai, nhưng cách suy nghĩ và hành động cũ chắc chắn là không giúp ta tìm ra lối thoát. Một cách có vẻ nghịch lý chỉ những ý kiến khi mới phát biểu đã gặp chống đối gay gắt mới có thể là giải đáp cho tình thế.

Chúng ta đã nói thay đổi văn hóa rất khó và rất lâu. Nhưng trong thời đại này tư tưởng có thể truyền bá rất nhanh chóng. Vả lại tâm lý và văn hóa Việt Nam cũng đã thay đổi. Cách đón nhận cuốn Tổ Quốc Ăn Năn là một bằng chứng.

Bản in lần thứ hai này để tặng năm người. Bốn người còn sống, một người đã chết.

Phạm Quế Dương là đại tá về hưu của quân đội cộng sản, đồng thời cũng là một sử gia và một nhà báo. Tôi chưa được gặp mặt ông lần nào. Chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại, nhưng không hiểu tại sao chúng tôi lại có thể thân nhau đến thế. Phạm Quế Dương gọi tôi là "chú" và coi tôi như một người em và tôi cũng gọi ông bằng "anh" theo nghĩa gia đình. Tuy chỉ mang quân hàm đại tá - những người thẳng thắn thường khó được thăng thưởng- nhưng Phạm Quế Dương đã giữ nhiều chức vụ quan trọng chỉ dành cho cấp tướng và có uy tín hơn phần đông tướng lĩnh tại Việt Nam. Ông xứng đáng với uy tín này vì ông vừa dũng cảm vừa cao thượng lại nhiều kiến thức và đầy quyết tâm. Ông đã là linh hồn cuả phong trào dân chủ trong nước từ năm 2000, đã là sáng lập viên và phát ngôn viên của tổ chức dân chủ công khai đầu tiên tại Việt Nam sau 1975. Phạm Quế Dương đã muốn viết tựa cho ấn bản này, nhưng ông đã bị bắt giam từ ngày 28 - 12 - 2002, trước khi viết xong.

Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình là những trí thức trẻ ở lứa tuổi 30 khi Tổ Quốc Ăn Năn xuất bản lần đầu. Họ là những thanh niên sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, và may mắn hơn đa số trong thế hệ của họ, đã khá thành công. Lê Chí Quang đã đi du học Tiệp về kỹ thuật và tốt nghiệp luật tại Việt Nam, Phạm Hồng Sơn là bác sĩ y khoa, thạc sĩ quản trị và giám đốc công ty, Nguyễn Vũ Bình tốt nghiệp kinh tế và làm việc cho Tạp Chí Cộng Sản. Cả ba đều là những thanh niên ưu tú với một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng họ nặng lòng với đất nước và đã ở tù vì lý do đó. Tổ Quốc Ăn Năn đã có ít nhiều tác dụng trên cách suy nghĩ và hành động của họ. Họ đang trả giá đắt cho đất nước và cho sự thụ động của một thế hệ mà họ muốn thức tỉnh và động viên.

Đặng Phúc Lai (1934-2003) học sắp xong cử nhân toán tại Hà Nội khi hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954. Ông chọn ở lại miền Bắc vì cảm tình với Đảng Cộng Sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng đã nhanh chóng nhận ra là trong chế độ cộng sản không có chỗ đứng cho những trí thức có suy tư độc lập như ông. Đáng tiếc là lúc đó chuyến tầu cuối cùng chở người di cư vào Nam đã rời cảng Hải Phòng, và ông kẹt lại. Người ta cáo buộc ông là không tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, người ta hạch sách ông tại sao không lấy vợ, vì bất mãn với chế độ hay vì đang âm mưu gì? Lý do nào cũng tốt để một chế độ bạo ngược triệt hạ một trí thức và ông bị đưa đi cải tạo, thực tế là đi tù, 13 năm. Trong gần một nửa thế kỷ Đặng Phúc Lai chỉ còn một thú vui là nghiên cứu về toán và triết trong cô đơn và ông đã dành toàn thời giờ cho hai môn này. Đầu năm 2001 ông đọc Tổ Quốc Ăn Năn và đã bỏ ra sáu tháng để viết một đóng góp dài bằng một cuốn sách. Ông cũng đã tích cực giới thiệu và phổ biến Tổ Quốc Ăn Năn trong giới trí thức Hà Nội. Đặng Phúc Lai được phép xuất ngoại sang Pháp trị bệnh ung thư tháng 7 -2002, nhưng đã quá trễ và ông từ trần tại Paris đầu năm 2003. Trong sáu tháng cuối đời ông là bạn tâm giao của tôi. Ngày mùng 2 Tết Quí Mùi tôi bùi ngùi nhìn ông lần cuối trước khi khâm liệm, trên nét mặt an nhiên của ông không hề có vẻ giận hờn nào của nguời tài hoa bạc mệnh. Đặng Phúc Lai là một nhà bác học chân chính và một đối tượng ngưỡng mộ cho số ít người may mắn quen biết ông. Ông là một trong những con người lỗi lạc đã không may sinh ra làm người Việt Nam. Có lẽ vì thế mà ông rất thích cái tên Tổ Quốc Ăn Năn của cuốn sách này.

Lần tái bản này vẫn do Nguyễn Văn Huy thực hiện, Nghiêm Văn Thạch đã đọc lại, sửa chữa và góp ý. Tác giả xin thành thực cảm tạ.

Paris, tháng 6-2004.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #history