9. hẹn hò.
Em gặp mộng thời vãng niên ngày càng nhiều, lại càng chân thiết hơn hồ sen nhập nhòe buổi trưa hôm. Chỉ một giấc tối này đã thấy được vụn vặt vô số chuyện, cứ như là điềm dự, là điều em phải biết, để hiểu được khởi thủy của cớ sự là một ngày tình cờ nọ mở mắt ra, em phải sống cuộc đời của đứa trẻ ngỗ nghịch này.
Em theo thói quen đưa ngón tay vòng lên phía trên gọng kính để gãi bầu mắt ngứa râm ran, quên rằng mình đã chẳng còn tật về mắt, cũng chẳng phải đeo cái kính dày cộm tám độ cận ở thời hòa bình, dù trong buồng ngủ của Lê Thuyên Thanh cũng tràng tá những vật dụng nó đem về từ quốc ngoại, trong đó có một đôi kính để làm quà cho Phiên Ngọc An bị cất trong kệ khảm ngọc lạnh tanh, âu có lẽ vì cũng lâu rồi không còn ánh mắt nào nhìn tới nữa.
"Cậu chủ ơi, đi thôi."
Tiếng của Vân gọi làm em chợt tỉnh khỏi đăm chiêu ban ngày, em bỏ chén trà đang cầm còn lưng lửng xuống, chép miệng vì không thấy ngon lành gì, song vẫn cố nhấp môi cho đỡ nhạt miệng vì suy nghĩ quá nhiều.
Em lên xe ngựa ngồi chờ Phiên Thụy Dương sửa soạn rồi mới ra xe, coi bộ cũng không lâu lắm, mới đó đã cảm giác được có hơi người đến gần.
Hắn vén mành bước vào, chưa ló mặt đã nghe thấy giọng.
"Đợi lâu không?"
Em đáp, tất nhiên là bằng cái kiểu cách cạnh khóe: ''Nếu không phải tại nước trà dở tệ thì cũng không cảm thấy lâu như vậy.''
Phiên Thụy Dương như biết trước em không thích ấm trà hắn pha, không vội giải thích mà từ từ ngồi xuống ổn định rồi gõ lên thùng xe hiệu cho Vân xuất phát.
"Nhà tôi là hàng thuốc, đương nhiên không uống trà cây cỏ bình thường, chỉ là không nghĩ khẩu vị cậu khó chiều đến vậy, bình trà thủy dưỡng đó được coi là dễ uống nhất rồi."
Em trân trân nhìn hắn như có vẻ không chấp nhận lời giải thích.
"Đắng lắm hả?"_hắn sốt ruột hỏi thêm.
Cũng không hẳn.
"Đắng như ngậm bồ hòn."
''Tôi thấy cậu có vẻ không uống cử thuốc tối hôm qua rồi, bình trà đó là cho vết thương của cậu đó, tôi lấy bớt ra mấy vị thuốc, chỉ còn vài loài hoa có ít mùi thơm. Cũng phiên phiến nấu thành nước trà được."
Em hỏi: "Sao anh biết tôi bỏ uống thuốc?"
"Hôm qua xảy ra chuyện như vậy, ai còn nhớ mà sắc thuốc cho cậu. Vả lại cái sẹo nhỏ đó sưng lên hơn hôm qua, tôi không muốn biết âu cũng khó."
Phiên Thụy Dương nói đúng, hôm qua em không uống thuốc, tối lại ăn bữa khuya có mắm nêm, bên môi còn hơi rát, sờ lên thấy giữa môi có cộm lên một đoạn sẹo thẳng dựng nhỏ bằng hạt gạo, vốn ân ẩn khó thấy, bây giờ nếu chỉ đảo mắt qua nhìn bộ dáng Lê Thuyên Thanh, e là ai cũng sẽ nhìn dấu sẹo hi hữu này đầu tiên.
Cái tính tỉ mỉ này của Phiên Thụy Dương là trời sinh à, vừa phiền phức lại vừa nhiễu sự, em thầm nghĩ. Song lòng em lại vẫn sinh ra chút rung cảm nôn nao kì lạ đó, em ghét hắn tinh tế, lại thấy khó chịu vì cái kẻ hữu ý như vậy luôn bày ra bộ dáng đáng ghét. Ông bà nói không sai, đúng là trâu cột ghét trâu ăn.
Em không trả lời hắn nữa, ngồi vén mành nghe tiếng gió phần phật, vó ngựa êm tai có vẻ phân tâm hơn nhiều so với việc phải dồn cảm xúc lên cái gã thầy thuốc nọ.
Về đến nhà em kêu Vân đi châm trước bình trà đợi ông sứ quan. Vì cái sự hằn học của mình, mà em sĩ diện không hỏi được giải bày của Phiên Thụy Dương về sự việc hôm qua, đành phải đợi sấng thính hai người họ.
Đầu giờ Tị quả nhiên có người đến, em ra đón ông ta rồi dẫn sang biệt viện, trình bày sơ bộ sự việc trước mặt mấy cái phạn gỗ lạnh lẽo. Gian nhà này lúc vắng người âm u dị thường, dù trên bàn thiên bên ngoài và cả gian thờ bên trong đã nhang khói đầy đủ, song khói nhang cứ lượn lờ thâm thấp ở trung không, cột sóng em đánh một luồng điện ớn lạnh chạy dài đến não, cả người lại dợn lên.
Má nó chứ, cái cảnh này đúng là khởi thủy của phim ma hiện đại rồi.
Xem xét xong em mời ông ta ra gian chính để uống trà, Phiên Thụy Dương ban nãy đi theo nhưng đến trước viện đã quay đầu lại về tiền thính ngồi, em không hiểu hắn dở chứng gì, chỉ để tâm làm cho xong việc của mình. Bây giờ quay lại thì thấy trán hắn rịn một lớp mồ hôi mỏng, ngồi uống trà cũng mất sức vậy sao? Em tự hỏi.
"Cậu Phiên, nghe bảo cậu là người đầu tiên chạm vào bà phu nhân sau khi có biểu hiện trúng độc?"_ông sứ quan hỏi.
Hắn đáp: "Bẩm quan, đúng vậy."
"Có thấy gì khác thường không?"
"Những việc hôm qua con đã học hết cho ngài Ngự sử, thiết nghĩ trong án cáo cũng trình bày tương tự."
Quan ông trầm ngâm, có vẻ như khó tin nên hỏi tiếp:
"Vậy theo cậu nguyên cớ gì bà ấy lại nôn ra thứ đó."
"Thưa, việc này nhìn dưới góc độ y học có hơi khó nói."
Sắc mặt ông quan khó coi vô cùng, trông như không có kiên nhẫn để chơi trò trinh thám với hai đứa con trẻ, song ông cũng biết đây là Lê phủ, người vừa vạch trọng án được tấn chức kia là cha của em, vừa hay lại có mối quan hệ tốt với Ngự y họ Phiên bên này.
Ông ta đành dằn lòng hỏi tiếp:
"Ý cậu là bà cố phu nhân trúng tà ?"
Em không ngờ, Phiên Thụy Dương trông có vẻ thực tế vậy mà lại nói ra những lời đồng bóng này, nhưng bỗng nhớ đến việc mình đầu thai chuyển kiếp, đường đường chính chính chiếm xác người khác, mấy chuyện thần bí bỗng dưng em lại cảm thấy có sức thuyết phục vô cùng, huống chi đối với người xưa này, mê tín chẳng phải người có người không, hẳn là trong lòng họ đều ước sẵn một chút sợ thần sợ quỷ.
Nhưng em tin những chuyện bí dị còn có cớ để vịn vào, Phiên Thụy Dương thì sao, hắn không thể cứ vậy mở miệng tố cáo chuyện này do yêu ma quỷ quái được.
"Thưa ông, không phải ạ. Con cho là nguyên nhân thật sự nằm ở biệt phủ của ngài Đại học sĩ."_Phiên Thụy Dương dõng dạc đáp.
Em nói đỡ cho hắn: "Ông sứ quan, chuyện này gúc mắt rất nhiều, vô luận lời của Dịch Thư, ngài tương yếu cũng điều tra lây sang Phan phủ, bằng không con thay mặt cha đánh xe sang nhà họ, phụ tá ông điều tra."
Một phần là vì em muốn nghe thêm mấy chuyện thần bí này.
Quan đáp: "Cậu Lê hữu lễ rồi, vậy ta xin phiền cậu. Cậu Phiên cùng theo ta làm đối thực."
Em đan tay biểu thị đồng ý rồi kêu thằng Vân đánh xe ra, nó coi bộ sáng chưa ăn, cận trưa cũng chưa ăn nên cơ hồ uể oải.
Em ghé tai nó nói nhỏ, kêu xuống bếp lấy mấy cái bánh ngọt từ buổi nhẹ mà Thiểm phải làm hằng ngày đem theo ăn lót dạ, dẫu sao hôm nay tất bật tới lui em cũng không có thời gian ngồi lại, mà chắc em cũng sẽ lệnh cho thôi cử trà bánh này, ngày nào cũng sữa trứng bột đường, Lê gia không phải không chi nổi, chỉ có điều thấy con người thời này cơ cực, em lại không đành lòng lãng phí.
Phủ nhà họ Phan ở phía bên kia ngoại thành, dù cả Lê phủ lẫn Phan phủ đều nằm ngoài kinh thành vì đã là dòng họ làm quan lâu đời, gốc gác cơ nghiệp tổ tiên để lại đều ở ngoại thành nhưng cũng không cách nội thành quá xa, vẫn còn nằm trong thổ đới kinh thành, tuy nhiên vì là đầu ngược, đầu xuôi nên phải đi ngang qua mấy ruộng ngô lớn mới tới được.
Nhà Đại học sĩ là tri thức lâu đời, không kiêm cả thương nhân như Lê gia nên trông chỉ giống biệt phủ nhà quan bình thường, nhưng mà cũng sung túc lắm, trong nhà có một viện xây theo kiến trúc đấu củng, vốn kiểu cách này không được chuộng ở thời Nguyễn nên trông có chút bắt mắt, làm tổng thể cả tư gia có phong thái hoàng thất dù thực tế họ cũng chỉ là quý tộc chuyên quyền.
Ông Đại học sĩ đích thân ra nghênh đón sứ quan và hai đứa trẻ bọn em, biết rõ ở đây ông là người lớn nhất nên em và cả họ không thể không câu nệ lễ tiết.
Sứ quan thay mặt biểu lễ: "Tham kiến ngài đại học sĩ."
"Án sát sứ tới rồi à, sao lại dẫn theo hai đứa nhỏ vậy."_ông ra vẻ hỏi han.
"Bẩm ngài, tôi bắt đầu điều tra từ nhà ông Ngự sử, được cho hay cậu Phiên là người trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân nên cho đi theo để hỗ trợ điều tra."
Ngài ta tư thế một tay để sau lưng, một tay để kiên định trước bụng, trông có vẻ thất thần nên một lát sau mới đáp:
"Mời vào."
Lát sau ông Đại học sĩ cho gọi con hầu của bà cố phu nhân ra để hỏi chuyện. Tuy hôm qua, Phiên Thụy Dương đã hỏi đại khái một ít việc nhưng chung quy cũng do tình hình cấp bách, không ai đủ thần trí mà lưu tâm.
Tì nữ này tên Diệp, là một phần trong của hồi môn được gả theo bà cố phu nhân khi được xuất giá về nhà chồng, không còn ai thân cận với bà đích thê của ông Đại học sĩ hơn cô ta nữa.
Bà cố phu nhân là người nhà họ Đặng, trưởng nữ của ông Phủ thừa, lúc trước làm đến chức Tham chính nhưng tuổi đã cao, Đức Thượng đặc cách ban cho quan vị nhàn hạ hơn vì lão không chịu cáo lão về hưu. Nghe bề ngoài thì có vẻ là người tham công tiếc việc, nhưng nhìn vào gia phả Đặng gia lại thấy không có con trai thừa tự, nếu lão thực sự lui về yên phận, các con gái lão, đứa nhỏ nhất chỉ mới mười hai tuổi, sợ sau này không thể có được mối hôn sự tốt, ai lại muốn bắt quàng làm họ với cái nhà không có nổi một đứa con trai nối nghiệp, sợ là Đặng gia tuyệt hậu, nữ quyến trong tộc cũng mang tiếng không biết đẻ con trai, chẳng biết phải nương nhờ vào ai.
Quả thật bà không đẻ được con trai, ông Đại học sĩ vậy mà chỉ có nam nhi dòng thứ do vợ lẻ sinh thành.
Tuy ngày xưa quan trọng đích thứ, nhưng tới thời của người họ Nguyễn, cái sự coi trọng này lại không diễn ra đến nỗi khẩn trương. Hoàng gia chưa phát sinh ý dòng đích là tuyệt đối bởi hiếm khi lập hoàng hậu, tuy nhiên quan niệm này từ lâu đã ăn sâu vào dân gian.
Phép vua thua lệ làng.
Người nhà họ Đặng vẫn bị đơm đặt đủ điều, quở ông Phủ thừa vô phúc mới cưới phải dòng nữ nhân không biết đẻ.
Bây giờ người đi trà nguội, có nói thêm bao nhiêu cũng vậy, là cái giếng lửng không thể đổ đầy được nữa rồi.
Cô Diệp hôm qua ấp úng lắm, mà hôm nay trông có vẻ bình tâm, hỏi gì thưa đó, lời nào lời nấy đều nói chắc mẩm rõ ràng.
Vài hôm trước khi sang ăn cỗ mừng nhà họ Lê, bà nhất phẩm Phu nhân có nhập cung để vấn an vị Thái hậu đang mang long thai tháng cuối, cùng các mệnh phụ khác và chư vị phi tần tới quốc miếu cầu an cho ngài được sinh nở thuận lợi.
Buổi lễ diễn ra êm đẹp, nghe bảo là long trọng lắm.
Quốc miếu này rất lớn, nằm bên ngoài Đại Nội nên con đường này lúc về lại khác lúc đi, từ lúc yết cung tới lúc cập miếu đều có đoàn tùy tùng đi theo bồi phụng rất hậu, nhất là đoàn của lệnh bà Trinh phi, hàng nhất giai, người đứng đầu hậu cung của đương kim hoàng thượng.
Lễ để kính miếu đem theo chất thành một xe ngựa lớn, ai cũng cho rằng cô ta ra sức lấy lòng Thái hậu lắm, cúc cung đến là tận tụy. Các bà mệnh phụ dù có tươm tất đến mấy, đứng trước Trinh phi cũng thành việc bạch mang nhất trường.
Thái hậu sắp đến ngày lâm bồn nên có vẻ không để tâm lắm đến những việc hình thức này, lễ tuy bày trận hoành tráng nhưng cũng tổ chức phiên phiến cho xong, đến lúc về vậy mà cũng đã quá Ngọ.
Trên cỗ xe ngựa họ ngồi nắng đến mức bên trong gần như có cảm giác cháy da cháy thịt vì mặt trời, vậy mà khi đi ngang qua ruộng mía nọ, vốn khác với con đường lúc đi nên cảnh vật cũng thay đổi, họ tấp vào cây đa lớn để nghỉ mát, dưới gốc đa là vô số chân miếu nhỏ bỏ hoang, nát đến độ ngói xây miếu cũng đã bị lật, đồ vật thờ cúng vất vưởng trông đìu hiu, nhìn chẳng thể nào dự cảm được chuyện an lành.
Bà cố phu nhân đã quyết định rời đi ngay khi chứng kiến những cơ sự này, song tiết trời đang nắng muốn nổ đầu thì xuất hiện dị tượng, mây đen đổ bốn phương, gió thốc mạnh đến mức dọa ngựa hoảng sợ, xém tí thì sổng. Việc quỷ dị như vậy không ai dám lớn gan lưu lại dù chỉ một khắc, vậy mà trước khi kịp rời đi, trên trời đánh xuống gốc đa to dị thường này một đợt lôi chấn, vang đến độ sợ là các thành trấn kế bên cũng nghe thấy được.
Tuy nhiên khi họ hồi phủ, thị lại không dám thưa việc bị sét đánh, bởi khi vừa rời khỏi chốn quỷ dị đó, mây đen đã tản ra như không còn.
Trên đường hồi môn, gã kiệu phụ của thị theo lộ trình, tạt qua kinh thành để lấy một thang thuốc bổ cho bà.
Nói châm chước là thuốc bổ, thật ra là thuốc hoài thai.
Dù sao nhà ông Đại học sĩ có lòng cầu con trai đến muốn chết đi sống lại rồi. Cô Diệp nhân cơ hội lẳng lặng đi hỏi han xung quanh, lại nghe được việc chẳng ai biết gì, còn cho rằng cô bị nắng táp đến sảng thần rồi.
Ông Đại học sĩ nghe vừa dứt thì bàng hoàng lên tiếng, chất giọng có chút run rẩy: "Vậy nên ta mới không hay gì về việc này sao? Vợ ta cũng thật quá hồ đồ rồi."
Án Sát sứ là người chỉ nói lý lẽ nên có vẻ chưa tin lắm, ông cho gọi xe phu hôm nọ lên, quỳ bên cạnh Diệp để đối chứng lại, cùng rằng ra những lời khai cáo tương tự, mọi người đều có vẻ phải ngậm ngùi tin vào những chuyện thần xuất quỷ mật này, còn chẳng phải là đi đêm đã gặp ma tìm đến tận mắt.
Phiên Thụy Dương lên tiếng: "Bẩm các quan, có lẽ việc bà bị sét đánh trúng cùng có thể liên hệ với ấu trùng giòi trong bụng. Con cho rằng thân thể bà đã có khả năng hư hại do lôi giáng, nội tạng xảy ra quá trình đào thải, trùng hợp thay đến bữa cỗ ăn phải thứ tương khắc với liều thuốc bổ nọ, cùng một lúc hai chuyện được đưa ra ánh sáng nên mới có cớ sự như vậy."
Đại học sĩ có vẻ không phục: "Nếu cùng đứng dưới gốc đa, cớ sao con Diệp và thằng Hải không hề hấn chi?"
Diệp lại lên tiếng trên đôi gối còn quỳ rập: "Bẩm ông, sét đánh tới lúc con và Hải vừa về theo lệnh bà tìm nơi trú mưa, bà vốn không muốn đứng dưới mưa song cũng không muốn để Hải bất chất đội mưa đánh xe về. Chúng con không tìm thấy túp lều nào xung quanh nên đã về hồi lại cho bà, lúc đến nơi thì chứng kiến sét vừa hay đang giáng xuống nơi bà đứng."
"?"_em khẽ đánh nhẹ một chút thắc mắc, có vẻ như không ai để ý ngoài Phiên Thụy Dương, hắn len lén nhìn xuống.
Ngài Đại học sĩ bàng hoàng lẩm bẩm: "Ra là vậy...ra là vậy."
Chuyện đến mức như vậy, chỉ có thể nói bà đã tận số, không biết trách tội lên ai.
Em nhìn sang Phiên Thụy Dương, thấy hắn như bắt được đầu mối gì đó, lòng tò mò em khơi lên nhưng đồng thời cũng dám biết thêm nữa.
Tâm tình của cái gã mà em cho rằng luôn biết được tiên cơ, trực giác mách em nho nhỏ, đừng nên tiến xa hơn chỉ vì không nén nổi ngạo mạn của mình.
Vụ án bữa cỗ mừng nhà ông Ngự sử có người chết, bây giờ lại thành việc chỉ có thể gỡ bỏ gúc mắc nhờ vịn vào việc bán tâm linh để giải thích, đúng là chuyện cười cho thiên hạ.
Phủ Đại học sĩ cho người đánh xe đưa ông sứ quan về Án Sát ty, con ngựa của ngài vẫn lưu lại ở nhà em, có lẽ nên báo cho lão Lê đặng còn gửi về đúng chủ.
Quả là thất vọng tràn trề, vốn chẳng có hung thủ, nếu có thì nên kết tội thiên mệnh, gông cổ bỏ tù, bởi nó là án tử của tất cả nhân loại, không riêng gì vị cố phu nhân của một ngôn quan loài người.
"Cậu về luôn à?"_Phiên Thụy Dương đánh tiếng hỏi.
Em đáp: "Không thì còn muốn đi đâu nữa?"
"Đi chợ sách đi."_hắn ngắt giọng đợi em trả lời, thấy có vẻ không đủ thuyết phục nên hắng giọng nói tiếp: "Hôm nay ở trên huyện Hương Trà có chợ sách lớn lắm đó, cách Phủ Thừa Thiên không xa đâu."
Đối mặt với những lời này em không biết nên bày ra vẻ mặt như thế nào, nên nói là em đã đánh rơi lúng túng, khuôn miệng cũng mím vào gượng gạo, đôi mắt cố sức chớp vào nhau hòng nghĩ ra một lý do để trình bày, nhưng quả thực là không có.
"Không đi."
Em thả một lời rồi quay lưng lại, không nhìn thẳng vào hắn được nữa.
Phiên Thụy Dương ở phía sau đi lại gần, khoảng cách chắc cũng cỡ sáu gót chân nhưng do ngược nắng nên bóng hắn phủ trọn bóng của em, mở miệng rủ rê lần thứ hai, nghe không thấy cái điệu châm chọc như mọi lần:
"Đi đi, nghe bảo có mô bản Tứ Khố Toàn Thư, thương gia mua được từ ngoại thương Thanh triều đó."
Hắn nhìn sắc mặt em, thấy có vẻ gần như sắp bị thuyết phục rồi nên ra đòn cuối cùng:
"Đi đi, đọc chút phỏng chế phẩm này tuy là coi như tiêu khiển, biết đâu chó ngáp phải ruồi, có ích cho Đình thí sau này, hửm?"
"Tôi không phải chó." Em bất lực đáp lại, ra vẻ tâm phục nhưng bất khẩu phục.
"Vậy thì tôi là chó, con ruồi này cậu không muốn ngáp phải nhưng tôi thì sẵn lòng lắm."
Em không thèm đáp lời hắn nữa, lẳng lặng đi ra xe ngựa, tuy không biểu thị đồng ý nhưng hắn cũng nhanh nhảu nhảy lên xe, mở miệng nhờ thằng nhóc Vân đang ngồi ăn bánh ngọt của nó:
"Đánh xe chở cậu chủ qua huyện Hương Trà đi Vân."
Nhóc con dừng nhai, quay vào trong tìm ánh mắt của em để hỏi ý.
"Theo lời cậu Phiên."
"Dạ."
Nó gói bánh vào rồi tay cầm roi quất nhẹ vào mông con ngựa đang thong dong gặm bụi cỏ voi mọc um tùm bên đường, trời đánh một lúc vào bữa ăn của hai kẻ, một người một ngựa.
Em thầm nghĩ công việc làm gia chủ đúng là, chậc chậc, sung sướng không ai bằng.
______
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro