Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

6. ra mắt.


"Suy nghĩ gì đến xuất thần rồi." Giọng Phiên Thụy Dương kéo em về trong những thức suy nghĩ xa xăm, em lại không thấy khó chịu vì bỗng nhiên bị mất tập trung, ngược lại còn thấy giọng người này có chút dễ nghe mà sớm đến giờ hằn không để ý.

Em dời khuôn mặt đang cắm sâu trong lòng bàn tay quay sang hắn, lại có chút chơi vơi vì mùi cơ thể quanh quẩn cánh mũi chốc chốc đã không còn.

"Đang là tháng bảy, trời nóng thịnh lại mặc vải lụa, bộ áo tấc này đẹp thì có đẹp nhưng khó tránh kín hơi, lại nóng, cậu thích tự làm khó mình à?"

Em đáp thí một câu: "Ban sáng đi vội, không lưu ý."

Năm ngoái Lê Thuyên Thanh hồi hương độ lập thu, hẳn cũng chưa may trang phục hè mới, đồ cũ so với vóc người nở nang của thiếu niên này có lẽ cũng nên chật rồi, em lại chêm thêm một lời:

"Vả lại tôi hay bị cảm mạo, mặc đồ vải sa sợ phải trúng gió, khó mà khỏe hẳn được."

Đây là lời nói thật, thân thể kiếp trước của em luôn phải chịu lạnh dù có là chín Ngọ giữa hè, vốn mặc đồ lụa này không thấy nóng, có lẽ thể chất Lê Thuyên Thanh bì với em cũng không khác là bao.

"Thân thể cậu vốn luôn suy nhược vậy à?"

"Chỉ là thể hàn lương dễ hứng lạnh, còn lại âu cũng sinh hoạt bình thường."

"Chẳng trách cậu gầy như vậy, nhưng cũng nên kiêng dôi đồ ngọt."

Hình như có chút bao đồng.

"Tôi tự có chừng mực, anh cũng đâu phải chủ mẫu nhà tôi?" Em nói ra lời này hoàn toàn không có thái độ hằn học, hắn lại có vẻ hiểu điều nhưng vẫn chen thêm một lời để trêu ghẹo.

"Phải là thân mẫu thì mới được lo cho cậu à? Tôi đây công minh bảo ban với tư cách là thầy thuốc."

Phiên Thụy Dương chưa dứt câu em đã xoay sang hướng cửa sổ, ra vẻ bướng đến cùng, hoặc chí ít là nghe không lọt tai.

"Anh sang ăn cỗ mừng cũng không thấy quà biếu lễ đâu." Em thở ra một câu, chủ yếu chỉ vì tò mò.

"Quà mừng ông nhà tôi đã gửi từ hôm có chiếu thăng chức rồi, cậu là đích tử, thân ở trong phủ không quản việc nhận lễ chẳng trách không biết."

"Anh còn nói thêm một câu, từ trong miệng anh chắc sẽ phát ra chuyện tôi là đệ nhất phá gia chi tử trong kinh thành mất." Em lại quay sang nhìn hắn."Tôi chỉ là không thích quản việc của thầy tôi."

"Chứ cậu quản việc gì?"

Em nói bằng giọng mỉa mai hết sức có thể:" "Ăn bánh, uống trà, hưởng phúc?"

Hắn phì cười lộ ra chút đường nét của hàm răng trắng, trên gò má trái nhiều thêm một lúm đồng tiền, quả thực em không biết nên cảm thán dáng vẻ này như thế nào.

Trong lúc em còn đang thẩn thơ suy nghĩ thì hắn lần nữa đề cập chuyện khoa cử: "Cậu không ghi danh thi Đình, tôi đây lại bớt được một đối thủ."

"Sớm biết anh đặt tâm ở quan trường nhiều như vậy, tôi cũng thí một lần."

"Cậu nỡ làm tiểu nhân ghi danh chỉ để đặt thêm một bậc thang trước chân tôi à."

"Tôi vốn nhỏ mọn như vậy mà. Vả lại, cái tước Trợ quốc khanh chỉ là hư phong, tôi làm gì có thực quyền."

Tay hắn chưa hề ngừng quạt sang, giọng điệu lại tỏ ra thêm phần hứng thú:

"Trợ quốc khanh?"

"Tước ban kèm nhằm đệ tôi khăn gói sang nước ngoài sớm. Chuyện ba năm trước anh thật sự không biết chút gì?" Em vứt cho hắn cái nhíu mày, ra vẻ như mình thật sự biết điều gì đó. "Cứ như mới ngụ tại kinh thành không lâu vậy."

Những lời này là em hồn nhiên nói chơi, không nghĩ Phiên Thụy Dương vậy mà trông có chút chột dạ?

"Trưởng tử của *Quận công được phong tước riêng? Đây không phải nhắc khéo cậu tự mở đường cho riêng mình chứ đừng nên trông cậy vào *tập ấm sao?

(1): Tước được phong riêng cho cha của Lê Thuyên Thanh, không trùng lặp với chức quan

(2): Con thừa tước của cha nhưng giáng phong một bậc

Em ra vẻ hiển nhiên: "Chính là ý này."

Phiên Thụy Dương: "Vậy là cậu vốn định sẽ dự thi Đình rồi?"

"Ừ. Anh đỗ cử nhân trúng cách không phải đã nên được đệ làm quan rồi sao? Sao vẫn còn chôn chân ở phường thuốc vậy."

"Đây là khoa đầu của tân triều, đặc biệt tổ chức long trọng, chiếu xuống thư sinh của khoa này phải trãi qua hết ba kì thi mới được xét quan chức."

Lê Thuyên Thanh vốn là học sinh của viện Thái học, không nằm trong biên chế khoa cử, tốt nghiệp trường lớp là có thể được xét quan chức dựa trên công trạng, thành tích, tuy nhiên để được xếp hạng tiến sĩ hoặc thăng quan, đa số thư sinh con nhà quan của Thái học viện sau khi tốt nghiệp đều sẽ trau dồi thêm để thi Đình, cầu chút cơ duyên.

Em lại hỏi thêm: "Anh xuất thân từ phủ ngự y Ngũ phẩm, sao không học ở viện Thái học, hà tất leo lên từ Hương thi cho khổ cực?"

Hắn chớp mắt hai cái, vẻ mặt như suy tư.

"Tôi theo thầy học nghề từ nhỏ, trong đầu chỉ toàn thuốc Nam thuốc Bắc, vốn đã không hợp quy chế thi cử."

Cũng có lý.

"Trường thi năm nay ngót sáu mươi người từ Hội cống, không biết lại phải cạnh tranh thêm với bao nhiêu cậu ấm viện Thái học."

Học viện này mười lăm tuổi sẽ được xét thi tốt nghiệp, riêng Lê Thuyên Thanh mười bốn đã làm lễ cập đệ, cho xuất quan đi du học, đúng là làm kẻ tiểu nhân ghen ghét vì không giấu khôn mà trổ tài.

Phiên Thụy Dương tiếp lời: "Thiết nghĩ cũng phải hơn trăm người nếu tính cả Cử nhân trúng cách. Đợt tốt nghiệp vừa qua tuy không có mấy ai, nhưng từ lúc tân triều khai quốc, sĩ tử chín tài đợi khoa thi chắc phải nẫu cả ruột rồi."

"Anh lo đến vậy à?"

Điều tra cả số lượng thư sinh tốt nghiệp Thái học viện kia mà.

"Tôi chỉ là phải dằn bụng một chút tin tức, đề còn dự tính phạm trù đề thi."

Em mở mắt nhìn Phiên Thụy Dương hẳn hoi: "Việc này khả thi à?"

"Đương nhiên không khả thi. Chỉ là tự cổ chí kim, Điện thí chưa bao giờ vượt quá trăm người dù Hương kì có đến một vạn, cậu không nghĩ để phân biệt những kẻ sĩ tầm thường và người có tài chân chính, triều đình sẽ chỉ ra một vòng đề nghị luận quốc sự chứ?"

Có lý.

"Anh có cao kiến gì?"

"Cao kiến thì không có, chỉ là có vài ý tưởng."

"?" Em im lặng để hắn nói tiếp.

"Có thể sẽ ra thêm một đề thi phụ, toán học hoặc thiết kế chính sách mới gì đó."

"Anh nghĩ cũng chu đáo quá."

"Bệnh nghề nghiệp thôi, tôi là thầy thuốc mà."

Em không đáp, lại giữ nguyên góc mặt liếc lên, bên ngoài vó ngựa thả chậm bước, hẳn là đã gần tới phủ Lê gia, nghe được tiếng của Lê Vĩnh Hiên không quay mặt lại hướng xe ngựa mà nói vọng ra xa.

"Anh, xuống ở ngõ sau đi, giờ này chắc bắt đầu đón khách rồi."

Thì ra là đi đường vòng, khó trách lại có vẻ lâu hơn lúc xuất phủ vào thành.

Phiên Thụy Dương không đợi xe dừng hẳn đã cầm chiếc nón ba tầm toan nhảy xuống, chẳng biết vội cái gì.

Em thì đương nhiên là thong thả đợi xe dừng hẳn.

"Anh là khách mà, không phải nên đi cửa chính sao?"

Phiên Thụy Dương đáp: "Tôi không câu nệ."

Từ ngõ sau đi về nhà cách một quãng không lớn. Lê Vĩnh Hiên đã giục xe ngựa vào trang trại, chỉ còn em với hắn tản bộ dưới cái nắng gần chín Ngọ, đường cái bị nắng hong khô, bốc lên hơi cực kì nóng, đôi guốc mộc này có vẻ chỉ dễ chịu để đi vào sáng sớm.

Hắn không nói không rằng lại chụp nón lên đầu em, nắm cổ tay giục đi nhanh.

Bàn tay hắn nắm lấy em qua lớp vải lụa sẫm màu đã hứng nắng, có chút cảm xúc nóng ruột nhưng cả hai đều làm thinh, chân trái tiếp chân phải, bước đi trên đường cát khô nóng.

Xào xạc xào xạc.

Em và hắn vào từ hướng cửa sau phủ nên chạm mặt đám người hầu đang tất bật nấu cỗ, mùi dầu mỡ và khói củi ngột ngạt, lại thoang thoảng nghe được mùi thức ăn từ đủ thứ cỗ vật đang chế biến, cảm giác như đêm ba mươi Tết ở thời hiện đại, em thức canh nồi bánh chưng cạnh bếp lò, trong lòng nôn nao một dự cảm kì lạ mà chỉ có đêm ba mươi hằng năm mới thấy được.

Những gia nô nhìn em đi cùng người lạ cũng không ai dám hỏi, chỉ có ông Tiến quản gia cun cút theo đuôi.

"Cậu chủ, ông dặn dò khi nào cậu về thì nhắn cậu lên gặp ông."

Em chớp mắt gật nhẹ đầu.

"Anh lên nhà trước đi."

"Tôi cũng đi chào hỏi lão Lê."

Cũng được, dù sao cũng là cổ mừng của ông.

Em ra vẻ hiểu ý không nói nhiều nữa, cởi nón đưa cho ông Tiến, dặn chút việc nhỏ.

"Để vào phòng cho cậu."

"Dạ, dạ."

Lão lom dom cầm nón rồi hướng phòng em chạy đi, có vẻ việc trong nhà không ít.

Giờ này hẳn lão Lê nên ở gian trước đón khách, nghĩ vậy em liền dời bước đi thật nhanh, lại thành ra dáng vẻ có chút tất bật.

Lão Lê đúng là đang ngồi ở gian trước cùng bà hai và bà ba, họ đều mặc áo ngũ thân tay chẽn cùng quần chít ba vô cùng tươm tất, cổ đeo kiềng vàng phối cùng chuỗi ngọc, khuyên tai cũng là châu hạt bóng lưỡng tròn mẫm, cổ tay liểng xiểng tiếng vòng vàng nặng trình trịch, riêng bà hai lại đeo phỉ thúy xanh lục, thứ này hẳn là quý giá hơn vàng ròng cùng nói lên được phận vị của bà lớn hơn bà ba.

Trang sức có hơi rườm rà nhưng không rối mắt, màu sắc của quần áo cũng nhã nhặn rất có phong thái nhà giàu lâu đời, hẳn tốn của lão Lê không ít tiền của.

Em đứng đệ phía sau lưng ông, hai tay đan lại khom người mà thưa. Phiên Thụy Dương coi bộ cũng học theo cái điệu chào này của em.

"Thưa thầy, thưa các dì."

Dù có sắm vai ác bá chuyên đánh đập người hầu, Lê Thuyên Thanh trước mặt người cha này được cưng chiều đến vậy, hẳn cũng không thất thố đến mức giở cái tính đại tiểu thư của nó ra để phô trương đâu nhỉ? Em tự hỏi.

Giọng lão Lê rà rà cất lên, ôn tồn nhưng lại có độ vang, cảm tưởng như đang ngồi hàng ghế đầu ở sân khấu kịch trên thị xã em được xem lúc nhỏ.

"Quý tử của ta về rồi đó à. Đây không phải là Dịch Thư sao? Cháu trai, lão Phiên không đến à?"

Ông chủ nhà họ Lê có vẻ hoạt ngôn, vốn nghĩ lão sẽ cục cằn khó gần và bợm rượu, song tất cả cũng chỉ là ngộ nhận sơ khai của em.

Nhưng nghĩ mà xem, đánh bạc uống rượu đến nôn khan, trời chập tối vẫn chưa hồi môn, có là ai thì cũng vô phương tránh khỏi trắc tâm với những ấn tượng khó coi như vậy.

"Thưa bác, thưa dì, thưa mợ, thầy của cháu tiến cung từ tối hôm trước chưa về, thiết nghĩ còn chưa xong việc nên cháu đến thay mặt ạ."

"Can chi đâu, có mặt góp vui tất quý" *Bà ba cất tiếng đặc phương ngữ Huế, chất giọng này như rót mật vào tai, em tuy không hiểu lắm nhưng cũng rất nhiệt tình lắng nghe lúc bà cất lời.

*Truyện xây dựng trên bối cảnh cố đô Huế, đa số nhân vật sẽ nói phương ngữ, số ít sẽ nói giọng Bắc hoặc Nam nhưng đều sẽ được viết bằng tiếng Việt phổ thông và tô điểm từ địa phương để dễ tiếp cận.

Phiên Thụy Dương mới nãy còn lấp ló phía sau em như thiếu nữ e thẹn, bây giờ lại nhích lên một bước đứng sóng vai:

"Thưa mợ, bệnh ứ huyết của mợ đã đỡ chưa ạ?"

"Nhờ ơn thang thuốc của cậu mà tôi khỏi hẳn rồi." Bà ba hồi lại rồi xoay đầu sang hỏi em thêm một câu. "Vĩnh Hiên đâu con, ta tưởng nó đánh xe đưa con về."

Bà vừa dứt câu Lê Vĩnh Hiên đã lọ mọ từ nhà sau lên, coi bộ đã thay quần áo, trông chỉnh tề hơn ban sáng lên kinh thành nhiều.

"Thưa thầy, thưa dì, thưa mệ."

Lê Vĩnh Hiên cũng đan tay khom người giống em, có vẻ lễ chào này xem được trên phim ảnh cũng không khác biệt thực tế là bao.

"Về đủ rồi thì cùng ta ra ngoài đón khách, không thể để người khác có cớ nói vừa thăng quan đã há miệng mắc quai." Ông nhìn về phía em. "Thanh đưa Dịch Thư lên mâm trường kỷ thay ta."

Dứt lời ông cùng các bà đều đi hướng sang gian nhà bên cạnh, ai cũng mang hài bằng vải, chỉ mỗi mình em còn xỏ guốc mộc lê trên đất kêu lộc cộc, trời sắp đứng ngọ lại không có gió, không khí giữa sáu người thành ra hơi ngột ngạt.

Nơi này có một viện cây cọ lá dẹt, cùng một thân bàng già phủ cả nửa ngói và ao cá trường phương khá to ở phía trước, ở mép trái có cầu gỗ mộc phẳng rộng tầm bốn gót bắc ngang trông vô cùng sáng sủa, hẳn là chuyên dùng để tiếp khách, đãi tiệc. Trong nhà có hai bàn trường kỷ bên hướng phải và bốn tấm phạn gỗ me xếp song song bên trái, không gian nặng chất liệu gỗ đem lại cảm giác trang trọng nhưng không phô trương, em vốn tưởng ông sẽ là một người ruột để ngoài da, ăn xổi ở thì, bày tiệc lại chỉ trãi chiếu ba mâm trên và hai bàn trà, còn dôi ra một cái phạn trống, cũng không tính là ra vẻ.

Nói là chiêu tiệc mừng, còn không bằng nói là làm bữa rượu thịt nhỏ để chiêu cáo công trạng với những mối xã giao trên quan trường của lão Lê.

Khách khứa nhìn lướt qua một lượt cũng còn lưa thưa, chỗ có chỗ không, mấy ông lớn thì không ai tới sớm nên bàn trường kỷ sắp kín ghế, trên phạn lại chẳng có mấy ai.

Ông Lê cùng các bà đi một lượt để tiếp trà và chào hỏi, đương nhiên là từ cao đến thấp, riêng phu nhân của các quan lớn khác thì được xếp riêng một mâm chiếu trên, quan phẩm dưới thì ngồi trường kỷ. Phiên Thụy Dương thay mặt cha, hẳn cũng theo phép này mà đãi.

Hắn vừa vào trong viện thì xin phép ra bàn ngồi, có vẻ danh tiếng không tệ, các quan ngồi trong bàn không ai là không biết hắn, tiếng chào hỏi giòn giã không ngớt.

Thong dong mấy cũng tới giờ chiêu tiệc, các bà và Lê Vĩnh Hiên ở bên trong đãi khách còn ông và em vẫn đứng ở nha môn để đón lễ và chào hỏi, ngót thấy có vẻ đã đủ người, ông đang đứng sau bục cửa kêu em quay vào ngồi lên phạn trên cùng các quan lớn khác để cầu thân.

Thấy ông chiều chuộng đứa quý tử này có hơi hậu nên thiếu suy xét, mâm trên ngồi cùng ông hẳn cũng là hàng nhị, tam phẩm đổ lên, bối phận của Lê Thuyên Thanh dù có được cưng chiều cỡ nào vẫn không hợp ngồi ở đây. Em cũng thức thời mà xin ra mâm bên bàn trà, ông Lê hiểu ý nên không cưỡng cầu, may mà việc này không tới tai các quan.

Bàn trà bên này chỗ trống cũng không còn nhiều, mà cũng hay thay, Phiên Thụy Dương lại giữ một chỗ ở kế bên hắn, em đương nhiên ngồi vào. Cái gã này ấy à, không hỏi cũng biết ý đồ gì, em cũng chẳng thà không hỏi.

Thức ăn bày lên không mấy khác biệt, một đĩa thịt gà xông khói, vài món nộm, còn có xôi vò gấc và chả quế ăn kèm cùng bát yến sào sợi nhuyễn tráng miệng để giữa bàn, ngó qua cỗ bên mâm trên thì có thêm một đĩa cá chẽm nướng khá to, tuy có sự phân biệt nhưng không quá huyên diễu.

"Sao vậy, không ngồi mâm trên à?"

Tiếng nói cười rôm rả, đũa chén lách cách quanh quẩn, em không khỏi có chút hoài niệm. Khung cảnh này trông như một thước phim cổ tích trên truyền hình ngày em còn ấu niên, hình tượng của những bữa cơm đạm, tiếng trò chuyện như kịch hát chốc lại lùa vào tâm trí, thức ăn trong miệng có chút mặn mà hơn.

"Tôi bướng bỉnh chứ không phải không hiểu phép tắc." Em nhai hết mới đáp lại hắn.

Trong chén sứ của Phiên Thụy Dương chẳng có dính lấy một vệt ố từ thức ăn, chỉ chăm uống chén rượu cúc nhạt trên tay, em nhìn dáng vẻ hắn ngâm ngâm vị rượu cũng không còn thèm ăn nữa.

"Anh chê thức ăn đạm bạc à?"

"Nào có. Ngược lại tôi còn phải bất ngờ, cậu ăn cả một bàn bánh trái lại còn bụng dạ ăn cơm đấy."

Em biết hắn trêu chọc nên lại tiếp tục đũa chén lanh canh, nhai từng miếng từng miếng.

"Bụng tôi ấy à, đồ ngọt để ngăn riêng."

Mọi người xung quanh nghe lời này của em đều cười khúc khích, có vẻ sở thích ăn đồ ngọt của đích tử nhà lão Lê không phải chuyện rồng rắn lên mây gì.

"Khẩu vị cậu lớn như vậy mà trông người thì gầy đét, đúng là có phúc mà."

Có người tò mò hỏi lại hắn: "Xưa giờ tôi chỉ nghe gầy thì bị quở, nào có ai gầy mà lại là phúc?"

"Ông Phủ doãn nói vậy là sai rồi, Miên Chi có khẩu vị nhưng ăn uống không phát tướng, cơ địa này với thầy thuốc chúng cháu vô cùng hiếm gặp, có thể nói là hiềm phúc, thật sự không ngoa."

Hắn cũng còn biết trước mặt người khác mà gọi em bằng biểu tự.

Xung quanh lại được một phen ố á, có vẻ như mở mang lắm, em chỉ thấy cái dáng vẻ a dua lấy lòng của những người này vô vị nên lại cắm mặt xuống ăn không để ý đến hắn nữa.

"Ngon đến vậy à?" Phiên Thụy Dương hỏi.

Em dừng đũa hạ giọng nói: "Tôi chỉ ước mình ăn đến điếc được thì càng tốt, đỡ phải nghe anh lải nhải."

Hắn lại lắc đầu ngâm ngâm cười tủm tỉm, một chữ cũng không đáp lời. Vậy mà im thật, em đương nhiên hài lòng ăn tiếp bữa cơm của mình.

Ở mâm trên phạn của các bà là rôm rả nhất, tuy không hồ hởi bắt chuyện nhưng câu nào nói bằng phương ngữ nghe cũng rất êm tài, lại đằm thắm, em ước gì mình không phải ngồi ở đây để nghe đám đàn ông tục tĩu này khoác lác nịnh bợ, nuốt ngược một tiếng thở dài.

Giữa những tiếng ơi ả như mật kia bỗng phát ra một âm thanh nghẹn khí, nghe chừng như đau đớn lắm. Bà phu nhân của quan lớn nào đó tự nắm cổ mình, trông cực kì dằn vặt. Được một hồi thì ngã đập trán vào mâm cổ đã bị đạp loạn, trong tay của mọi người đã không còn cầm vững bát cơm nữa rồi.

Người ta bảo họa vô đơn chí, việc chết trên mâm cơm thế này phần lớn do bị đầu độc, khó có thể chỉ chết một người, nhưng qua một hồi không ai còn động tĩnh gì, trong ánh mắt mọi người mới thả được một nét căng thẳng, song cũng không ai dám hết cảnh giác.

Chuyện bữa cỗ mừng nhà ông Ngự sử có người chết trên mâm, còn lâu mới không thành chuyện cho người dân trong kinh thành được dịp xơi năm bới bảy.

________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro