14. cận kỳ.
Bên ngoài ô cửa sổ to tướng của phòng em là khuôn viên lát toàn đá sỏi, ở giữa các nhà có thềm lót gỗ bắc ngang sang một tiểu viện khác khá to, trong sân vung một gốc bàng lớn, trông đẹp đẽ lại cổ kính.
Ở trong dàn kiến trúc kiểu nhà giàu lâu đời này, em vốn tưởng sẽ lạnh gáy lắm, bởi lúc nào chúng cũng cho cảm giác, nếu quay đầu sẽ thấy hồn vong nán lại sau những cánh cửa cũ kỹ, ngoảnh mặt liền nghe được một câu chuyện đời thê lương.
Ấy vậy mà sống đến quen rồi, em tự thấy cái gan của mình cũng lớn dần lên. Đến độ, đêm đêm tỉnh giấc đi trút nỗi buồn, trái tim bồi hồi sau những tiếng ken két mở cửa của em dần tìm thấy được chút nôn nao dị hợm, vì thấy thú vị, vì thấy mong đợi, tựa những giấc chiêm bao như thước phim cuối ngày.
Không khéo cứ bằng cách này, nếu không đỗ thi Đình, hàng tam khôi hoặc tiến sĩ cập đệ gì đó, em còn có thể kiếm tiền bằng cách viết truyện ma, nếu nổi danh biết đâu sử xanh còn nể tài ghi một dòng: Đệ nhất thoại phẩm gia, người nhà họ Lê, danh tự Thuyên Thanh.
Nghĩ đến đây mà nén không nổi một tiếng cười khinh khích.
Đình thí cận cập lúc em còn chưa mấy sẵn sàng, vậy nhưng mà cũng háo hức đến nỗi thấy lâng lâng, nhắm mắt lại thì đã lan ra râm ran cả người.
Em dằn lòng, đọc thật kĩ quy chế trường thi tới lui mấy bận, đương nhiên để không phải tay cắp nách mang, cỡ mà như cái thời em còn phải thi tốt nghiệp trung học, sáng mở mắt ra đã xúi quẩy. Cánh cửa phòng ngủ già cỗi bị kẹt bàn lề nặng đến độ phải phá ra từ bên ngoài, tí nữa thì lỡ làng.
Lúc ấy, thậm chí nếu có bụt hiện ra hô cho em một cái kiệu vàng từ cốt cá bống, chắc là cũng vô phương.
Trong nhà em thì đang có hai sĩ tử, một là em, người còn lại đương nhiên là Lê Vĩnh Hiên.
Cậu ta lớn hơn cố chủ hai tuổi, đang độ mười tám, mười chín, cũng còn trẻ lắm, vậy nhưng cái kiểu chín chắn của Lê Vĩnh Hiên lại làm em được một tràng mở mang. Có lẽ xuất thân dòng thứ nên từ nhỏ đã rất tự lực, tuy vậy cũng vì hai chữ thứ xuất này mà cùng ở viện Thái học, Thuyên Thanh lại là đứa nhỏ họ Lê được nhiều ưu ái hơn.
Hai anh em nhà này nói là bất hòa thì cũng không phải, ngược lại thuở ấu niên rất thân thiết là đằng khác, có lẽ lớn lên nghe người lớn xung quanh học về dòng dõi và thân phận, chúng lại dần ý thức được nên tự nhiên trở thành xa cách, âu cũng là lẽ thường xảy ra ở đời.
Em không trách hai đứa trẻ bị thời đại áp đặt và đơm điều, cùng một họ Lê nhưng người đích, kẻ phó, trong nhà cũng dần quen với cách gọi Thuyên Thanh là cậu Lê cả, vốn chỉ là một lời nói dối cho nhau nghe, nhưng lặp đi lặp lại đến là quá nhiều lần, họ chắc cũng quên đi sự thật rằng Vĩnh Hiên mới đích thực là trưởng tử trong nhà.
Con cái lớn lên còn phải cảm thấy xa cách cha mẹ, nói chi là hai thân phận có quan hệ một nửa dòng máu, sống theo đạo hạnh Nho gia.
Đang độ lập thu nên thời tiết mát mẻ sảng khoái. Sớm nào em cũng dậy lúc gà còn chưa gáy để ra thăm hồ sen ở ngoại thành, cách Lê phủ cũng không xa lắm.
Hạ tuần qua cũng đã lâu, hoa nở không được mấy đóa, chỉ còn đài sen chín khô nằm ngoắt ngoéo trong gió, em cứ tưởng cứ để đó sẽ có thôn dân ngắt đem về, nấu canh làm mứt gì đó, vậy mà sáng nay vừa ra đã thấy Vĩnh Hiên đứng giữa đầm thăm thú, hỏi mới biết đay là đầm sen trên đất của nhà họ Lê, dân trong vùng đương nhiên không đụng tới đồ tư hữu này.
"Ra tìm gì sớm hôm vậy Hiên?"_em lên tiếng hỏi.
Cậu ta cặm cụi bên ngọn đèn dầu đến lấm lem, trên bờ còn thấy đôi guốc mộc bị bỏ lại.
"Em ra thăm sen, coi chín độ thu hoạch chưa để dệt lụa chưa."
Nhà họ Lê vậy mà còn sản xuất cả lụa sen. Thức vải này đắt đỏ lại hiếm thấy, không có sử liệu nào ở thời hiện đại kể rằng nước Việt có món lụa sen vào thế kỉ mười chín, hoặc có lẽ đã từng có, nhưng do chiến tranh mà đã bị tiêu hủy hoặc thất truyền.
"Nhà mình có nghề lụa sen từ bao giờ vậy?" Em làm bộ hỏi dò.
Vĩnh Hiên đang bì bõm ở mép hồ, ống quần sắn đến đầu gối, nghe em hỏi thì càũng ngoi dậy đáp: "Từ đời ông gò, nhưng nhà mình chỉ lo việc bán ra và nuôi sen thôi, việc sản xuất thì để cậu ba."
"Có làng nghề ở gần đây à?"
"Không, ở tận Trực Định cơ, em hay ra ngoài thăm việc với chú ba lắm."_cậu ta cuối đầu mò thêm mấy vót sen mập mạp, xong lại có vẻ như nói chưa xong nên ngoi lên lần nữa, tìm về hướng em đứng rồi mới mở miệng nói tiếp. "Anh lại tò mò việc làm ăn của nhà mình à?"
Thú thật, nỗi tò mò về lụa sen so với cơ đồ của cái nhà giàu đến lúa đầy kho, vàng đầy hủ này so ra, thì đúng là một trời một vực.
Em vốn sợ mình sống trên sự bòn rút và bóc lột nên đêm đêm thường không yên giấc, hóa ra là họ giàu tự lực từ đời ông cố.
Nếu chỉ bán lụa sen cho lũ quý tộc, lại còn nuôi cả một làng nghề dệt, em ngấm ngầm từ này mình có thể yên tâm tiêu tiền của ông già, đích thực trở thành một phá gia chi tử thứ thiệt.
"Không, anh không tranh công của cậu đâu." Mãi nghĩ vẫn vơ, tí thì quên đáp.
Thân phận của em là đích tử, những chuyện này nếu muốn tranh thì Vĩnh Hiên quả thực không có cách, chẳng trách cậu ta lại hỏi như vậy, chỉ có điều không nghe ra được một tí mảy may bất an nào.
"Việc làm ăn này có thì tốt, nhưng em lại thích đi quan lộ hơn."
Em đứng tần ngần trên bờ nhìn cậu ta cặm cụi, làm gì cũng chuyên chú hết mình, lại còn chịu khó.
"Vĩnh Hiên, em có hận anh không?"
Chưa nghĩ cặn kẽ, chữ đã vụt ra khỏi mồm. Câu này nói chưa xong em đã thấy hối hận.
Cậu ta không ngước lên, động tác chững lại, chầm chậm trả lời. "Chuyện gì cơ?"
Nhìn đến cảnh này em lại tự muốn gõ vào đầu mình, vô ý hết sức mới hỏi được dạng câu hỏi như "có hận, có ghét, có oán" không.
Nếu đã nghi hoặc có hay không, thì mười mươi là có.
Em lúng túng không biết nên tiếp chuyện như thế nào, Vĩnh Hiên đã mở lời, như thực biết rõ em vốn muốn hỏi đến việc gì:
"Sao em phải oán hả Thanh. Đích hay thứ cũng chỉ là một danh phận thôi. Huống chi mẹ con em không thiếu cái ăn, cái mặc, còn được giao công chuyện trong nhà." Cậu ta mò mẫm mấy vót sen, nghe được tiếng nước róc rách. "Đúng là nhìn lên thì không bằng ai, nhưng ngó xuống cũng ít ai bằng mình."
Nghe những lời này em có chút chạnh lòng. Vĩnh Hiên quá hiểu chuyện, mà người hiểu chuyện bao giờ cũng thiệt thòi.
Cậu ta chững một chốc như nghĩ ngợi rồi mới nói tiếp: "Vả lại, thầy cũng không cấm cản em làm điều mình thích. Đình thí này nhất định không thua anh đâu."
Bụng em còn đang mắc chột dạ để tìm cái cớ ngụy biện cho mình, Vĩnh Hiên vậy mà đã nghĩ thông suốt cuộc đời của cậu ta rồi.
Rốt cuộc vẫn là do bản thân xấu tính, lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử.
Em đứng như trời trồng, chết lặng vì vốn sống trong thế giới quan tự mình cho là lỗi lạc, không rặng ra thêm được tiếng nào nữa dù chỉ là nửa lời.
Đánh một tiếng thở dài, em bước lại gần chìa tay ra, muốn kéo cậu ta lên, đằng chân trời cũng đã ửng chút nắng, thấy có vẻ nên về thôi.
Tiếng nước bì bõm, Vĩnh Hiên không mang guốc vào mà đi chân đất, bảo là sợ trượt, được nửa đường lại nghe tiếng xe ngựa lộc cộc chạy qua, trùng hợp quá, là cái gã thầy thuốc đáng ghét bặt vô âm tín tận hai tháng.
Em tự hỏi Phiên Thụy Dương có công việc gì ở ngoài thành đang buổi sớm hôm.
Vĩnh Hiên ngước lên phía người đang cầm cương ngựa, nói: "Sen chín vụ rồi, anh cần phần nào thì cứ thu đi, giá cả vẫn tính theo mọi lần."
Em vỗ trán, lẽ ra nên biết Phiên Thụy Dương dùng sen làm thuốc, lại càng nên biết hắn lấy mối ở đâu. Đúng là bỏ lỡ hết bao nhiêu chuyện nên biết chỉ vì rú mặt trong phòng, việc này hẳn cố chủ cũng đã biết, mà còn nên biết rất rõ.
"Hai anh em cậu làm gì ra ruộng sớm vậy."
Em trả lời: "Hóng mát."
Phiên Thụy Dương như rất có nhã hứng, hỏi: "Đi thu hoạch sen với tôi không?"
Đi không nhỉ. Mà đi hay không cũng không liên quan gì.
Thật ra em đã lẫy cái tên chết tiệt này từ lâu rồi, gặp thì dính như sam, không gặp thì phắt hai tháng cũng không thấy đánh tiếng, dù em với hắn cũng chưa đến mức là thân thiết mặn nồng, chẳng hiểu sao lại dấy lên cái kiểu cảm xúc ấu trĩ này.
Chả lẽ hôm nọ hắn hớ mồm chuyện đèn huỳnh quang, còn sợ em không biết hắn từ thời khác cũng xuyên linh đến đây sao.
Vậy chỉ có thể trách Phiên Thụy Dương là tên nhát gan không dám nhìn thẳng.
Ấy thế là em lại sinh thêm một định kiến cho con người mới gặp được ngót hai lần này.
Bản thân em cũng đã có thể coi như là một tiền lệ, đồng sự xảy ra với kẻ khác, âu cũng không phải chuyện không thể.
Chỉ là dưới chân kinh thành một nước, vậy mà có đến hai kẻ ngoại lai, nếu bây giờ xuất hiện thêm người thứ ba, em còn chẳng thèm bất ngờ cho bỏ công.
Không biết Phiên Thụy Dương đến từ thời nào, em đã tự hỏi mình hai tháng nay cùng đoán mò, nhưng con người này vẫn là ranh ma bí ẩn, chẳng thà để bụng dạ suy nghĩ chuyện khác còn hơn.
Thấy em không đáp, hắn mở miệng thuyết phục: "Hai tháng không gặp, cậu lại hoàn về cái tính cau có rồi đó à?"
Em đứng sóng vai Vĩnh Hiên, nhìn không rõ lắm, nhưng cũng thấy được thần tình cậu ta như âm thầm đánh giá.
Vốn cậu Lê cả và Phiên Thụy Dương chẳng ưa thích gì nhau, ít gặp, lại càng ít nói, không trách được Vĩnh Hiên sinh lòng tò mò.
"Anh gặp riêng với Dịch Thư khi nào, mà...trông hai người thân thiết vậy?"
Trông thân thiết? Chỗ nào vậy trời.
Em xua tay đáp thí: "Mấy hôm trước có đi chợ sách với cậu ta."
Nghe được cậu Lê thứ ồ một tiếng nhỏ, khẽ trầm trồ.
Không biết trong đầu cậu ta vòng vo thành cái dạng gì rồi.
"Nghe bảo hai tháng này cậu lại xuống phía Nam à, có gì thú vị không?"
Nếu nói thân thiết hay không, thì Vĩnh Hiên với cái tên thầy thuốc này có vẻ khắng khít hơn đó? Rõ ràng còn hay chuyện Phiên Thụy Dương rời thành, em ngược lại không biết gì cả.
"Cũng như bình thường thôi, giữa đường còn gặp cướp nữa." Hắn vừa nói vừa cười, làm bộ như thú vị lắm.
Vĩnh Hiên trông không có vẻ gì ngạc nhiên, chắc không phải lần đầu nghe kể chuyện đi buôn gặp cướp, lại thấy người còn ở đây lành lặn nên cũng chẳng thèm hỏi nhiều, chỉ nhắn nhủ bảo trọng rồi bỏ về trước, nói là sớm ra phải trông tiệm vải, tiện thể đi thuê nhân công để thu hoạch cuống sen đặng còn chuyển về làng nghề ở Trực Định, không trễ nải được nên đã tót đi trước, bỏ lại em một thân một mình với cái người cưỡi xe chở hàng mà làm ra vẻ dũng mãnh kia, trông buồn cười hết sức.
Hắn khì cười nhìn xuống từ phía trên, đưa tay ra như hỏi lại lần nữa có muốn đi hay không.
Em ngậm ngùi bước lên, không thèm nhìn đến cánh tay đưa ra đó, vào phía trong ngồi thì thấy có đứa nhỏ, hình như là tiểu đồng tên Xuân Hòa ở phường thuốc.
"Con chào cậu."
Nó khoanh tay, trông còn như tính đứng dậy biểu lễ, em bảo không cần phải câu nệ.
"Xuân Hòa, ra đây với cậu." Phiên Thụy Dương ở phía trước nói vọng vào.
Em có chút bực mình: "Bộ anh sợ tôi ăn thịt nó à?"
Hắn vẫn nhìn thẳng phía trước, giọng nói như đang cười: "Tôi chỉ là nghĩ cậu thích ở một mình thôi. Xuân Hòa nhỏ tuổi không hiểu chuyện, sợ cậu thấy phiền."
Em đáp: "Không phiền."
Phiên Thụy Dương: "Vậy nhóc cứ ngồi với cậu Lê đi."
Nó nhỏ giọng đáp: "Dạ."
Vừa nãy đi được mấy bước đã chạm mặt xe ngựa của hắn ta, bây giờ cách hồ sen cũng không xa lắm, chốc đã đến nơi.
Em từ ý định đi về nhà ăn sáng uống trà đọc sách ở cái đình ngói đỏ trong vườn, bây giờ lại thành ra vòng ngược về chỗ cũ, nhìn họ một chủ một tớ cặm cụi đào rễ sen, há chỉ khác là, lần này họ không cần ngọn đèn dầu rọi lấy chút tờ mờ như hồi sớm hôm giống Vĩnh Hiên nữa.
Em ngồi trong chòi nhỏ trên thuyền, chèo ra đến chỗ nước lưng đùi, họ đào được bao nhiêu đều chất hết lên đầu bên kia.
"Anh nghe chuyện ông Đại học sĩ sát thê, bị cách chức chưa?"_em gợi chuyện.
Phiên Thụy Dương ngoi mặt lên đáp: "Tôi tưởng cậu biết từ trước rồi chứ."
"Nói vậy anh cũng biết hả?" Em đánh mái chèo, đưa thuyền lại gần chỗ Phiên Thụy Dương còn đang lọ mọ.
"Ừ, biết. Nhưng mà sao tôi dám hạch tội quan trên chứ."
"Tôi với anh đều không nói, vậy khác nào đồng phạm đâu."
"Tôi không nói, nhưng đã khai hết trong án cáo rồi."
Còn chút lương tâm đó.
Em chồm lên gần bụi sen hắn đang đứng, tuy cách nhau cũng không quá gần.
"Vậy còn chuyện thị nôn ra giòi? Đừng dối tôi là họ chuốc độc, lại còn sét đánh giữa trời quang. Dù anh có phụ họa cho họ, tôi cũng không tin đâu."
Tay hắn vẫn không ngơi việc: "Cậu nghĩ liệu có tồn tại thần phả, yêu ma không?"
Ồ, hắn với em vậy mà lại cùng đi lối suy nghĩ này
Em làm bộ không hiểu mô tê gì: "Hử?"
"Cậu sợ ma không?"
Hắn có vẻ bó tay, trông như tính hỏi gì đó rạch ròi lắm, rốt cuộc nuốt lại, thành ra phun một câu hỏi nhảm.
Đương nhiên rồi, đừng hòng moi được từ em nửa lời thừa nhận
Em cảm khái: "Anh nghĩ chu toàn rồi nhỉ."
Hắn nhún vai: "Không bằng cậu."
Em vốn còn tưởng phải kẻ tung người hứng, mò qua đoán lại. Không nghĩ chuyện thú nhận này nhạt nhẽo đến vậy.
"Không bằng anh nói cho tôi làm sao anh biết họ đồng mưu, hại bà cố phu nhân đi."
Em hái một tán lá sen che nắng, bình thản nhìn qua.
Phiên Thụy Dương đáp: "Không nói được."
Biết rõ còn cố giấu, em mắng thầm.
Em nhoẻn miệng: "Vậy tôi cũng không nói được."
Không nói được việc em có sợ ma hay không.
Có bệnh khùng mới nghiêm túc trả lời dạng câu hỏi này.
Cả hai đều khì cười, để cho nhóc Xuân Hòa vẫn ngơ ngác mò rễ sen không biết gì, nó ngước lên thấy cảnh tượng này có thể đã nghĩ ngợi, chỉ là nhóc ta còn nhỏ chưa hiểu chuyện.
Chợt em cảm thấy tiểu Vân và Xuân Hòa có chút tương đồng, chúng cũng trạc tuổi nhau, nếu nên duyên có thể thành bạn bè cũng tốt.
Chợt nhớ tới sắp đến kỳ thi, em lại hỏi: "Hai tháng này anh bận như vậy, liệu có chuyên tâm thi Đình được không?"
"Cậu thấy tôi là người sẽ làm việc này bỏ bê việc nọ à."
"Ai mà biết được, nhưng anh bỏ phường thuốc chỉ để đi uống trà với tôi đấy thây." Em hắng giọng. "Cũng là cái tiền lệ."
Anh ta cười như không thèm chấp nhắt cái lí lẽ ấu trĩ của em.
"Được cậu Lê cả lo lắng cho, tôi quý hóa quá."
"Ai lo cho anh. Tôi đây còn mong anh đi buôn thuốc gặp cướp bán sang Xiêm làm nô lệ, bỏ thay tôi một đối thủ."
Em bóc đài sen chín nẫu, tách lấy hạt nhưng không ăn. Đối mặt nói chuyện với hắn thẳng thắng như vậy, nếu tay chân không làm gì, tự nhiên lại thấy có chút vụn về...
"Hoàng gia bên họ giàu lắm, biết đâu công chúa Xiêm La nhìn trúng anh, không cần thi Đình nữa, một phát thăng thành phò mã."
Phiên Thụy Dương cười thành tiếng.
"Trí tưởng tượng của cậu cũng bay lắm đó." Hắn hì hục một tẹo, đoạn lại bổ sung: "Cậu nhìn trúng tôi điểm nào, lại phong cho tôi thành phò mã xứ Xiêm vậy."
"Ai nhìn trúng anh chứ." Em ngoảnh mặt đi, giả bộ nhìn ra hướng phía xa của hồ, chỉ là mấy rặng sen mọc quá dày, xoay mũi đã chạm trúng một ùm lá cây, trông chẳng khác nào úp mặt vào tường.
"Tôi cứ cảm giác đã gặp cậu ở đâu đó rồi."
Em còn định tìm cớ chữa ngượng, chưa kịp mở miệng đã bất chợt nghe được lời này.
Trùng hợp quá.
"Tôi cũng vậy."
Người thiếu niên đang lấm bùn đó lộ vẻ ngạc nhiên, thoáng chút lúng túng vụn về hiếm thấy.
Anh ta ngước lên nhìn em, như chợt nhớ ra một kí ức xưa cũ không tiện nhắc lại.
Trong đầu em đoán già đoán non, câu chuyện kiểu như là ái nhân, tri kỉ của hắn bị hại chết oan, không yên lòng siêu thoát nên độ tính thành lệ quỷ, vất vưởng hết kiếp này đến kiếp khác để truy tình hoặc báo thù gì đó.
Cũng dám lắm chứ, Phiên Thụy Dương này nếu chỉ nhìn mặt mà bắt hình dong, đoán chắc cũng là một kẻ si tình.
Nghĩ lại thì, dù em có mơ bao nhiêu, dù là mộng đẹp hay cố sự tréo ngoe, thì trong những báo mộng đó, em chưa bao giờ được thấy Phiên Thụy Dương.
Dường như hắn không hề tồn tại trong kí ức của Lê Thuyên Thanh.
Ấy vậy mà chỉ nhìn hắn thôi, cảm giác như em đã lỡ làng gã thầy thuốc này cả đời.
Em suy nghĩ say sưa, nắn cằm đảo mắt, lại để lọt hết vào tầm nhìn của Phiên Thụy Dương.
Hắn ta như bần thần, không nói gì nữa, chuyên tâm đào cho xong số lượng rồi nhảy lên thuyền, chèo tạt vào bờ. Em tiện thể cũng giúp hai người họ chất đống rễ sen lên thùng xe rồi quá giang về Lê phủ.
Rặt cả đường không nói thêm một lời nào.
_____
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro