9. Phi Vụ Ám Sát
Sương trắng vờn trên mặt sông tạo thành thung lũng chứa mây rộng lớn. Lòng sông khoác lên mình tấm áo huyền bí như cô gái mới lớn chẳng ai biết sau nụ cười e ắp đang ẩn chứa điều gì. Những ánh nắng đầu tiên xuyên qua tấm màn đục mỏng manh kia để đánh thức mặt nước đang say giấc. Người đưa đò dậy sớm ra bến sông coi sóc con đò mấy hôm trước bị sứt thanh gỗ ngang định bụng cố đóng lại cho sớm kịp đón khách sang sông. Gió lạnh lùa vào tấm áo bà ba đen khiến người đưa đò rùng mình bất giác chép môi nhẩm tháng đếm ngày. Mới quay mắt ăn tết đoan ngọ chưa lâu đã sắp bước qua ngõ mùa đông. Nhanh như bàng thay lá, trời đất đã giao mùa từ đời nào rồi mà lão không để tâm nhận ra.
Lúi cúi kéo chiếc thuyền lên bờ cho dễ đường sửa chữa. Một cái xác nổi lềnh bềnh ở dưới đuôi đò, trong sắc trời còn chưa rạng lão chửi mấy con mẹ ở chợ cứ hay dục rác ra bờ sông. Lần nào cũng gặp nhưng không khi nào bắt tận tay day tận mặt để chửi. Nếu bình thường lão sẽ mặc xác mấy bao rác nổi trôi trên mặt sông, lần này không biết ai xui khiến mà lão dùng cây vớt lên bờ. Cây sào bằng tre móc trúng cái áo, cái quần kéo lê vào trong bờ. Nhìn rõ hình rõ dạng lão đưa đò sợ chết khiếp lật đật chạy ra ngoài chợ đông người hô hoán.
Vì lo bận lo giấc cơm sáng cho út Mai Hà ra bến sông trễ hơn thường ngày. Cách mấy trăm mét đã thấy một toán bốn năm thằng lính của chính quyền ngoại quốc, bao vây là vòng người bu đen bu đỏ ngóng cổ nghe chuyện. Hà cũng lẻn vào trong đám đông, soi chuyện:
- Có chuyện gì mà tây nó xuống lập hiện trường vậy chú Hai. - Hà bắt lấy vai ông Nghĩa, tò mò hỏi.
Ông hai Nghĩa nhướng cặp chân mày tỏ vẻ vừa khinh lại vừa tội nghiệp.
- Thằng Huy nó chết rồi. Tụi lính tây xuống kéo xác lên mổ tử thi. Mới hôm kia còn thấy mà nay đã đi rồi. Dân sông nước bơi thi với cá không biết làm sao mà tới nông nổi này. Hồi nó sống cũng hay lừa thầy dối bạn nhưng mà... cũng tội.
Chuyện sống chết giữa thời ly loạn mấy ai thương ai xót. Ông hai Nghĩa thở dài buông lời giác ngộ:
- Sống chết có số, trời kêu ai nấy dạ mà. Bây cũng vậy, làm nghề trên sông nước thì cũng nên coi chừng, ma dai nó lôi giò là tiêu.
- Trời, tự dưng chú hù con chi vậy.
Thấp thoáng trong đám đông, Hà thấy thằng Nhàn đứng lẫn trong ấy. Ánh mắt như có điều suy tư. Giữa hai thằng từ dạo không cùng chung chí hướng nữa thì rả gánh không ngó tới nhau. Lỡ mà va chạm ánh mắt cũng coi như người dưng. Ngoài mặt lạnh tanh mà bụng dạ thì phản chủ muốn cất tiếng gọi tên nhưng vì cái sĩ diện giữa những thằng con trai mới lớn đành ngó lơ lẫn nhau.
Cái chết của thằng Nhật Huy làm Hà đâm lo. Liệu có phải liên quan đến việc đêm đó không. Nồi cơm xém lửa bốc mùi khét lẹt tận trong buồng ngủ của út Mai. Vậy mà Hà canh lửa chẳng hay đến khi út Mai xuống bếp la lên thì thằng anh hai mới hoàn hồn lật đật nhắc nồi cơm xuống.
- Trời ơi hai ơi, út kêu để út canh lửa nấu cơm cho mà hai dành làm. Coi nè giờ khét nửa nồi rồi, phí quá trời. - Út Mai tuông một tràng rầy la anh Hà.
Từ lúc lên năm Thanh Mai đã biết thổi lửa nấu cơm, rồi khi lên tám bắt đầu luộc rau, tập tành nấu bữa cơm đạm bạc với rau luộc cà dầm tương. Bình thường đều là Thanh Mai nấu cơm, bữa nay lồng ngực em đau quá, đau như bị xé toạc ra làm hai làm ba. Hà dành nấu cơm cho bằng được, đầu óc để trên mặt sông nên chẳng mấy để tâm.
Quả tim lại quặn thắt, Thanh Mai cố cắn răng nén cơn đau đặt nồi cơm đã xới phần cơm trắng ra dĩa. Trước mắt em trời đất tối sầm. Em gục xuống dưới cái nhìn hoảng hốt của anh Hà.
- Út Mai, nghe anh nói không? Út Mai!
Hà bồng em vào giường nghĩ. Ba chân bốn cẳng chạy thụt mạng sang nhà hàng xóm nhờ thằng cu Đen mời thầy tư Đức đến coi bệnh cho Thanh Mai. May mà đi nửa đường gặp thầy tư vừa đi đám giỗ nhà ai đó về liền sang bắt mạch ngay. Mặt thầy căng thẳng. Những vết nhăn trên trán chùng xuống xô đẩy nhau lộ rõ vệt âu lo rất khó diễn tả thành lời. Thuốc than thầy có thể kê nhưng cầm cự cùng lắm là hai tuần, bệnh này phải dùng thuốc tây trị theo phác đồ của bác sĩ may ra còn có cơ hội. Nhưng Hà có bán cả mảnh vườn này cũng không đủ lo một chân viện phí nói chi là thuốc than theo toa.
Hà buồn rầu đến cả hơi thở cũng nặng nề theo. Chịu không nổi thứ nghẹn ngang cổ họng Hà hứng một gáo nước đầy xói lên mặt. Một cái chưa đủ tỉnh, thêm gáo nữa thấy hơi đỡ đến gáo thứ ba thì gặp cậu ba Văn. Người nó lại nặng thêm vì cuộc gặp mặt đã sớm biết trước.
- Mời cậu ba lên đò.
- Ừm. - Cậu từ tốn bước lên ngồi ở giữa mạn thuyền. Mắt cậu ba hơi nheo vì trời quá nắng.
Phải chăng vì trời hôm nay nắng quá gắt làm Hà say nắng, tay nó cầm mái chèo cứ run lẫy bẫy như kẻ nghiện rượu thiếu hơi men.
Bình Thường cặp mắt của Hà sẽ luôn nhảy múa với nắng, với mưa, với hơi nước bốc lên mặt sông ấy vậy mà bữa nay u uất và chóng vánh làm sao. Cậu với nó không quá thân thiết để hỏi thăm chuyện riêng. Không hỏi thì cậu cũng bứt rứt, nếu mình giúp được thì cũng coi như có phần thiện.
Hoài Văn phóng tầm mắt nhìn khơi khơi ra ngoài xa vu vơ hỏi:
- Mấy bữa trước qua sông không thấy mày, chắc là bệnh mới hết?
- Chuyện nhà tui cậu ba hỏi chi? - Hà ngoảnh mặt đi nơi khác.
Không phải nó bệnh, mà cũng gần như là bệnh. Một thứ đau nhói ở ngực khi nhìn thấy út Mai nằm trên giường với bờ môi bợt bạc, nứt nẻ. Có đôi lúc Hà ước mình có thể chịu thay những cơn đau khốn cùng ấy cho bé út.
Chạy vạy từ đầu trên xóm dưới, nhà nào cho vay rẻ mắc Hà đều dập đầu quỳ gối xin mượn. Khổ cái nó chẳng có gì thế chấp. Căn nhà đang ở chỉ là mảnh đất bé như cái lỗ mũi còn thua cái chuồng gà, chuồng bò nhà họ thì ai mà thèm nghía mắt đến. Không cha không mẹ, không thân không thích lấy đâu ra người ký giấy gánh nợ nếu nó không trả được. Bất quá người ta nghe Hà nài nỉ rũ lòng thương hại mà quăng cho nó vài đồng bạc đuổi khéo nó về cho yên nhà yên cửa đỡ phải bị dân đen rủa, nhà giàu mà keo kiệt.
Hà quỳ gối suốt ba tiếng đồng hồ trước nhà ông bà chủ Vịnh. Nhà ông bà là nhà cuối cùng nó có thể hy vọng. Dù sao hai ông bà này cũng thuộc dạng hiền nhất trong số những người máu lạnh cho vay nặng lãi. Ngặt cái ông bà chủ kiên quyết không cho. Hà cắn răng quỳ trước cổng nhà ông bà Vịnh, chừng nào họ thấy chướng tai gai mắt cho mượn mới thôi. Vài lần chị Khuyên thấy xót bèn giả bộ cầm chổi ra quét sân len lén đưa cho nó ly nước hay vài cái quạt cho vơi đi cái nóng hầm hập tạt thẳng vào mặt Hà.
Quỳ đến lúc hai đầu gối không còn cảm giác, mặt mày tối sầm không nhìn rõ đâu là mặt đất đâu là bầu trời. Lúc ấy, một tà niệm trong Hà đã sinh ra. Người mình đạp lên mình vậy chỉ còn một cách duy nhất. Bán mạng cho tây! Bán cái linh hồn chẳng còn chỗ vá nào đi để đổi lấy thuốc than cho Mai.
Gã Dion thấy Hà tìm đến khoái trá lên mặt. Trong câu nói bập bẹ tiếng Việt lâu lâu vẫn chiêm thêm vài chữ mẹ đẻ của mình vào. Nó biết Hà ít học, chữ mình một chữ bẻ đôi còn không biết thì nói gì đến tiếng tây mà hiểu.
Ngày hôm nay, ngay tại con sông này, Hà đặt sinh mạng mình cho canh bạc sinh tử. Cậu chết thì nó sống. Cậu không chết, nó cũng không yên.
Đò yên tĩnh trôi giữa dòng, một cái lỗ thủng trên đầu thuyền chỗ Hà đang đứng bắt đầu tràn nước vào trong. Nước càng ngày càng nhiều, ướt đế giày tây của cậu ba Văn.
- Thuyền bị lủng lỗ rồi, cậu đứng dậy đi qua phía đầu thuyền bên kia cho cân bằng, nhanh lên nước mà tràn hết vào là chìm đó.
Nghe thằng Hà dọa thuyền chìm giữa sông Hoài Văn cũng hơi hoảng. Cậu nghe theo vội đứng dậy di chuyển về đầu thuyền bên kia. Con thuyền lắc lư cảm giác như nó thật sự sẽ chìm, chân cậu có chút không dạng lắm. Bước mà cứ sợ, cứ lo.
Gần chạm đến đầu thuyền, chân cậu dẫm phải đoạn gỗ mục. Một tiếng rắc vang lên, chân cậu xuyên qua đế thuyền còn chưa kịp phản ứng thì thuyền lật. Hà nhảy ra ngụp lặn bơi vào bờ. Bơi đi một mạch không dám ngoáy đầu tìm kiếm cậu ba Văn chỉ nghe sau lưng tiếng đập nước chói tai. Nó sợ biết đâu khi thấy dòng nước đang dần nuốt chửng cậu, khi ma dai cố lôi kéo cậu chìm xuống đáy bùn nó cầm lòng không đặng sẽ quay lại cứu cậu. Vậy thì coi như kế hoạch phá sản. Không thể được.
Cậu thoát nạn, nó không yên thân. Hà lẩm bẩm trong đầu như một liều thuốc trấn định những chuyện mình làm là có lý do.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro