7. Ba Lần Nhát Ma
Âm thanh rỉ rã trên trần nhà, Hoài Văn tựa lưng vào thành ghế, bỏ chiếc mắt kính dằn xuống quyển sổ tay đang viết dở dang. Cậu đưa tay xoa đôi mắt mỏi nhừ. Ngồi suốt cả một buổi tối, tấm lưng, bờ vai như hóa thành đá, thành sắt cứng đơ. Không rõ cậu viết gì nhưng mười mấy trang giấy được lắp đầy bằng những nét mực dù viết vội nhưng ngay hàng thẳng lối, thật đẹp.
Ngoài trời lất phất mưa đêm. Tiếng làn nước sau nhà ào ào chảy qua máng xối. Ông chủ đi thành phố họp mấy ngày mới về còn cậu cả thì đi trực. Đêm nay chỉ có mình cậu ba trong ngôi gia lạnh lẽo tình người này.
Những khi miệt mài trên bàn làm việc, Hoài Văn đều kín kẽ cho người làm đi nghỉ sớm. Sáng nay nghe thằng An kể lại tối qua nó gặp ma trong phòng cậu ba. Hoài Văn cười, không tin, cậu ở phòng này cả năm nay chưa từng thấy điều gì bất thường. Mà nếu thật sự có ma quỷ thì người bị nhát lẽ ra phải là cậu cả Hoài Duy mới đúng. Gã ta sống ác như vậy oan hồn theo đòi mạng nhiều vô số kể, còn cậu có càng quấy điều chi mà phải sợ ma cỏ. An kéo ống tay áo lên cao cho Hoài Văn nhìn, năm dấu tay dính máu vào in trên tay nó đây này. Lúc ấy cậu ba vẫn bán tín bán nghi trong lòng. Liệu có phải là con "ma mù chữ" không?
Đồng hồ đeo tay chỉ mười hai giờ kém năm. Sắp đến rồi! Ánh mắt Hoài Văn tập trung nhìn ra cửa sổ. Cậu muốn xem thử con ma ấy hình tướng ra sao. Có đáng sợ như lời thằng An tả, cái gì mà hai con mắt lồi ra, có ba ngón, tóc dài chạm đất?
Giông gió quật ngã nghiêng hàng cau kiểng bên hông nhà. Chẳng mấy chốc ngoài trời đục ngầu, tầm tã. Mưa mạnh bạo nhảy vào trong phòng cậu, li ti như sương rồi động thành một vũng nước nhỏ. Mười hai giờ hai phút trôi qua ô cửa sổ vẫn trầm mình với làn nước lạnh, chưa có động tĩnh gì. Cậu ba Văn lại nhìn đồng hồ đeo tay, thở than:
- Trễ hai phút rồi. Ma gì mà không có uy tính vậy?
Vừa dứt câu một bóng người lướt thật nhanh qua cửa sổ làm cậu ba Văn chưa kịp nhìn rõ hình dạng. Cậu tò mò bước tới gần, con ma bất ngờ kề sát mặt vào khung cửa sổ không ngừng đòi mạng. Âm giọng của nó âm tỳ địa ngục nghe rợn tóc gáy. Đôi mày Hoài Văn nhíu chặt, cậu khoanh tay bước tới gần nhìn cho kỹ con ma.
"Mày là quỷ hay sao mà không sợ ma?" Hà chửi thầm trong bụng, giả bộ quờ quạng lên cánh cửa gỗ bắt chước hành động cào cửa của ma mù chữ ở nhà ông bà Vịnh. Tiếng móng vuốt tái chế bằng lon sữa bò nghe cũng rợn gai ốc không thua bộ móng sắt mà cậu ba cho người rèn riêng.
Mặt cậu ba Văn nghiêm túc đến độ Hà cảm giác như mình bị ánh mắt kia đâm thủng tim gan phèo phổi. Một ánh mắt sâu hun hút như ánh trăng dội xuống giếng sâu.
- Nếu ngươi dám phá miếu thờ bà sẽ gặp vận xui, chết không có đất chôn thân.
- Vậy sao? - Hoài Văn gật đầu ra vẻ đã hiểu. Cậu thản nhiên đưa tay ra ngoài cửa sổ, nắm lấy cánh cửa kéo lại.
Cánh cửa đóng lại quá nhanh đến mức đầu óc Hà trống rỗng. Muốn ngăn cánh cửa đóng sầm lại cũng không kịp. Chẳng lẽ cứ như thế này mà đi về sao. Hà cắn răng dầm mưa cào thêm mấy phát lên cánh cửa gỗ. Tất cả chỉ là vô ích. Cánh cửa đóng kín bưng, an tĩnh chắn gió mưa.
"Hôm nay không được thì hôm sau."
Cậu ba xuống nhà rót nước uống, gặp thằng An rọ rạy ngồi dậy trùm áo mưa chuẩn bị ra ngoài.
- An, trời mưa mà tính đi đâu?
An dụi mắt chỉ tay ra ngoài chuồng dê tuốt tì tì sau hè. Đáp: Con ra thăm mấy con dê con, trời mưa vầy chắc lạnh lắm.
Hồi trước cấp dưới của ông chủ từ thành phố xuống mang tặng một cặp dê núi. Ông Phạm Hoài không thích thịt dê nên cho người đem ra sau hè nhốt, bảo thằng ba thích ăn thịt dê để đó khi nào cậu ba Văn về thì làm bàn tiệc đãi cậu. Trước lúc lên mâm thì thằng An là người cắt cỏ cho uống nước. An nuôi hai con dê kĩ đến độ mới có tháng mấy mà con nào con nấy lông mượt, bóng bẩy và còn lên ký nữa. Hoài Văn thấy tội nên giao cặp dê cho thằng An nuôi sau hè. Cậu cho nó làm của riêng, từ đó thằng An mới đóng chuồng nuôi dê.
Sấm sét rẽ nhánh trên bầu trời, những tia chớp đùng đùng đánh xuống như trút giận. Hai con chó canh cổng sợ trời sét loay hoay bên chân thằng An. Nó đi một bước, chó rụt rè theo một bước không rời. Hoài Văn ái ngại nhìn ra ngoài trời, nghĩ bụng con ma kia gặp xui rồi.
- An! Cậu muốn uống trà, mày pha cho cậu ấm trà nóng đi rồi ra thăm dê con.
- Giờ này uống trà sao ngủ được cậu ba, hay để con pha trà hoa cúc cho cậu uống cho dễ ngủ?
- Ừ, cái nào cũng được.
Thời gian pha một ấm trà chắc đủ thời gian để con ma mù chữ ấy rời khỏi ngôi nhà một cách an toàn. Hoài Văn nghỉ bụng đi lên lầu đợi An mang trà lên.
Ngày lễ Phật đản, chợ tấp nập người ghé vào mua hoa, đồ cúng. Đây cũng là ngày làm cuối cùng của thằng Nhàn ở vựa trái cây bà tư Hiên. Mặt nó mới sáng đã chầm dầm, mấy chị đi ngang ghẹo mấy câu nó cũng không thiết tha trả lời.
Cô tư Trà mặc áo lam, vạt áo có thêu một búp sen nhỏ. Tay xách theo bó hoa cúc vàng nhạt đượm mùi sương sớm. Cô bước vào sạp mua trái cây đến cúng.
Gặp Nhàn, Vân Trà khẽ cười.
- Hôm nay trái cây về nhiều hen, Nhàn lấy cho Trà mấy kí lê với quýt để Trà đi cúng.
Nhàn giũ cái bọc ni lông bỏ trái cây vào ỉu xìu, lựa trái cây cũng không như những ngày rằm trước tỉ mĩ chọn quả ngon, đẹp cho Vân Trà dâng Phật. Thấy lạ, Vân Trà hỏi:
- Dạo này Nhàn có gặp Hà không? Sáng nay Trà đi ngang qua bến sông không thấy Hà.
- Tôi cũng không biết nữa. Chắc là nó ra bến trễ hơn mọi ngày thôi.
Giọng Nhàn ậm ừ nói cho có, biết hai người có khúc mắc với nhau. Vân Trà cũng không hỏi gì thêm. Vào Chùa thắp hương vô tình gặp cậu ba Văn tay giơ cao cầm bó nhang tỏa khói để tránh đầu nhang đụng phải Phật tử khác. Chùa đông nghịt Phật tử không biết vì một cơ duyên nào mà hai người đụng mặt nhau. Một người như Hoài Văn đi chùa đã là một chuyện lạ. Vân Trà ngơ ngác nhìn cậu giữa biển người, tà áo dài ngũ thân tay chẽn màu xanh sẫm làm cậu trở nên nhã nhặn khác với ngày thường quần âu, sơ mi lịch lãm. Ánh mắt cậu hình như cũng hiền hòa hơn thì phải.
- Trùng hợp thật, em không nghĩ sẽ gặp anh ba ở đây.
- Cô Trà vào trong thắp nhang đi, tôi phải qua bên kia thắp nhang.
Chỉ còn nửa năm nữa là hai người thành vợ chồng của nhau thế mà Hoài Văn vẫn gọi cô xưng tôi xa cách. Chưa khi nào thấy cậu đứng gần Vân Trà, kể cả trong ngày hai bên gia đình dạm hỏi, khoảng cách giữa cậu và cô trư Trà ba bốn người đứng vào vẫn còn dư chỗ. Trong lòng không chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt của người lớn hai nhà nhưng kì lạ thay ngoài mặt lại không phản đối. Hoài Văn cứ thế lách người lướt qua vợ sắp cưới. Một ánh nhìn, một nụ cười cũng chưa khi nào sẵn lòng dành cho người con gái đẹp ấy.
- Anh Văn! - Tư Trà vội lách qua dòng người đổ xô đến các điểm thờ cúng thắp hương đến trước mặt người cô thương.
Hoài Văn nhìn không chớp mắt túi đỏ trên tay Vân Trà. Cậu chỉ tay hỏi: Cô đưa cho tôi cái này là có ý gì đây?
- Là hạt đậu xanh. - Vân Trà bẽn lẽn, lựa lời nói. - Nghe nói gần tới ngày thi công xưởng rồi. Em biết chuyện ma quỷ mê tín không nên tin nhưng mà có những chuyện có thờ có kiêng mới lành. Cho nên em thỉnh cái túi đỏ cho anh ba mang theo bên người, phòng những thứ không hay.
- Cảm ơn lòng tốt của cô Trà. Nhưng tôi không cần những thứ này đâu, tâm tôi sao tự tôi biết, chỉ cần mình không làm việc xấu thì sẽ không sợ những thứ không hay quấy phá.
Lời từ chối có phần thẳng thừ của Hoài Văn tựa nước trà nguội lạnh để qua đêm, đắng chát không còn vị ngọt hậu nữa không như những ngày cậu đứng trên bụi giảng nở nụ cười dịu dàng nắng xuân. Ôm bó hoa cúc thẫn thờ quay lưng đi vào chánh điện, mỗi bước của Vân Trà đi là bao nỗi hụt hẫng, tủi lòng siết chặt. Cô để ý cậu ba từ lúc chạm ngõ mười lăm trăng tròn, từ những lần cậu ba dạy thay cho một người bạn cùng khóa. Để lòng thôi nghĩ ngợi, Vân Trà nhớ về đôi tay trắng dã vì bụi phấn khi ấy một tình yêu đầu đời đã chớm hé nở.
Một người ngoại quốc đứng đợi Vân Trà. Gã lịch thiệp cởi chiếc nón phớt màu nâu sậm cúi đầu chào chào Vân Trà khi thấy cô bước ra khỏi cổng chùa.
- Tôi có thể đưa Vân Trà về không? - Phát âm của gã lơ lớ, nhưng tên cô tư gã tập nói rất chuẩn âm tiếng Việt.
Đáp lại sự lịch thiệp và chân thành của gã là một cái gật đầu hờ hững của Vân Trà.
- Cảm ơn nhã ý của ngài Dion đây, tôi có tài xế đang đợi ở kia rồi.
Dõi mắt theo Vân Trà lên xe cho đến khi khuất khỏi con đường làng, gã Dion đanh mặt, buông một tiếng chửi thề trong miệng. Còn gì bất lực bằng việc để mắt đến vị hôn thê của một người khác.
Nhất quá tam nhì ba bận, lần thứ ba Hà đổi chiến thuật thay vì cào cửa nhát ma thì nó động não tìm cách khác. Hà lân la tìm anh Phong nói chuyện, khéo léo hỏi cặn kẽ lịch trình công việc của cậu ba Văn. Đêm nay Hoài Văn bàn chuyện xây xưởng với bên thầu xây dựng, phải mười một giờ đêm mới về. Mà từ nhà hàng Đông Phương về nhà nhất định phải đi qua con đường đầy sỏi, sau sáu giờ tối thường không có ai đi qua lại ở đoạn ấy nữa. Một nơi quá thích hợp cho nhiệm vụ lần này. Nó cẩn thận tính toán cả rồi, lần này bằng mọi giá phải dọa cho cậu ba Văn chạy trối chết Hà mới vừa lòng hả dạ.
Xe ô tô chầm chậm chạy trên đường, đang đoạn đường bằng phẳng bỗng nghe tiếng sỏi đá rào rạo khi bánh xe lăn qua. Đó là dấu hiệu áng chừng xe đã đi một nửa đường về nhà rồi. Lúc này Hoài Văn hạ kính xe xuống. Đêm nay cậu không say, ngược lại lòng chất đầy những suy tư. Không thể nói, cũng không thể giải bày, cậu chừng như một bóng ma cô đơn thèm khát được kể những câu chuyện của riêng mình. Chôn vùi niềm vui nỗi buồn quá lâu, cậu gần như đã chết đi một nửa con người mình, để lại trên cuộc đời này một thằng Hoài Văn lạnh nhạt, thờ ơ với nỗi đau.
- Phong! Cậu trai làng kia ổn hơn chưa?
- Cậu ba hỏi thằng Hà hả? Hôm qua tôi mới về nhà gặp nó, nó cũng khỏe mà mặt đỏ gay chắc là dầm mưa bị bệnh rồi.
Hoài Văn buộc miệng nói nhỏ: "Mưa đêm qua lớn quá mà, không bệnh mới lạ."
Nghe loáng thoáng chữ có chữ không, lại liếc nhìn lên gương chiếu hậu trong xe. Hình như Phong nhìn nhầm thì phải, đôi mắt với con ngươi nhàn nhạt ánh lên vẻ lắng lo.
- Dạ, cậu ba nói gì ạ?
- Không có gì! - Hoài Văn lắc đầu, đưa mắt nhìn ra bóng đêm. Một bên là rừng cây um tùm, một bên là đồng không mông quạnh. Buồn hiu...
- Dân nghèo tụi tui có mất cái tay khuyết cái chân cũng không sao, thời này có cái ăn là được rồi, sống chết tùy số.
Đèn xe từ xa rọi đến, Hà chỉnh trang lại đầu tóc và tấm áo trắng từ từ bước ra giữa đường. Phong và cậu ba Văn mải mê nói về chuyện sống chết có số rồi luật nhân quả có thật không. Nhìn thấy bóng trắng đứng giữa đường, hai tay đang giơ về phía xe như đang ngoắc xe, Phong hoảng hồn đạp nhầm chân ga thành chân thắng. Xe cứ thế đâm vào cái bóng trắng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro