Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

4. Băng Đạn Biến Mất

Rời nhà hàng Đông Phương Hoài Văn loạng choạng bước ra với hai cô gái nồng nặc mùi nước hoa. Tài xế dìu cậu ba Văn lên xe. Men say ngấm vào người, cổ họng khô khốc như muốn bốc cháy đến nơi. Hoài Văn nhăn nhó, mắt nhắm nghiền mò mẫm tháo cúc áo, phanh đôi ngực rắn chắc. Da dẻ hiện lên những nốt ửng hồng vì dị ứng với cồn.

Cậu ba Văn chép chép khóe môi đắng ngắt, gắt gỏng hỏi tài xế Phong:

- Tới chưa, sao mà lâu vậy, liệu hồn với tao đấy!

- Tới đầu ngõ rồi cậu ba ơi.

Đèn pha vào khúc cua, đột nhiên một chiếc xe đạp tông ra. Tài xế thắng gấp, đánh lái lủi vào bụi cây. Xe đạp của Hà không có thắng trượt dài từ khúc cua qua tới bên mép lề bên kia. Phong lật đật đẩy cửa chạy ra ngoài đỡ người bị xe tông đứng dậy. Hà nằm dài trên mặt đường sỏi đá, cánh tay nhúc nhích cố gượng ngồi dậy.

- Nè! Chú em có sao không? - Phong bước tới cần, mặt tối sầm la lên. - Trời ơi, thằng Hà! Mày có sao không? Nằm yên đó đi để anh đỡ mày!

Nhận ra người quen, là anh Tư - em út của chú Thịnh gần nhà. Mặt Hà tái mét, đưa cặp mắt còn hơi hoảng loạn nhìn vào biển số xe. Tuy không biết chữ nhưng hồi trước thằng Nhàn có dạy Hà bảng số để biết tính toán tiền. Dãy số kia nó nhớ như in làm sao mà quên được. Thằng Hà đưa tay ra hiệu: không cần.

Cậu ba Văn hạ cửa kính xe ô tô xuống, cố nhướng một bên mắt nhìn ra ngoài. Cậu lèm bèm, chỉ trỏ Phong:

- Phong! Chú còn đứng đờ ra đó làm gì, đỡ người ta dậy coi sao?

Trăng tròn sáng trưng, Hà cúi gầm mặt vì sợ cậu ba Văn biết mặt mình. Phong khó xử, gót giò nâng lên rồi hạ xuống mấy lần. Mỗi khi bước tới, thằng Hà sợ hãi la lên để tự nó làm. Cù chỏ của Hà rách vải, tứa máu ghê lắm làm Phong sốt ruột. Lúc này Hà còn hơi sức đâu mà nghĩ đến cơn đau, hai tay thoăn thoắt vội gom đạo cụ nhét đại nhét đùa vào giỏ. Chết thật! Đụng ai lại đụng ngay xe cậu ba Văn, không khéo lộ hết đồ nghề.

Thái độ vội vội vàng vàng gom đồ của Hà có vẻ đang che giấu gì đó lọt vào mắt Hoài Văn. Phong chủ động lượm phụ. Bên dưới chân Phong là một quả cầu nhỏ. Anh nhặt lên phủi phủi bụi, chợt giật mình hét toáng lên. Biết anh Tư cầm phải con mắt đạo cụ, Hà tập tễnh bước tới ngay, nhanh tay chộp lấy bỏ vào túi áo.

Hà cười, lấp lửng giải thích:

- À, cái này là đồ chơi người ta nhờ em lấy dùm ấy mà. Được đồng nào hay đồng ấy, anh Tư biết mà!

- Anh thấy vết thương mày nặng lắm, hay mày lên xe anh đưa đi trạm xá băng bó. - Phong hoảng hồn, tặc lưỡi nhìn bàn tay đầy máu của Hà mà xót xa.

- Em có sao đâu, khỏe ra. Thôi em tranh thủ đi giao cho người ta.

Chiếc xe đạp lộc lộc chạy đi dưới cái chau mày của người ở lại.

Từ ngoài cổng giọng cậu ba Văn vang tận vào hiên nhà phá hỏng trận nghiên cứu bàn cờ của cậu cả - Hoài Duy. Cậu cả nhếch mép, gọi thằng An:

- An, mày ra ngoài cổng coi chó nhà ai sủa lớn thế?

- Con có nghe chó sủa đâu cậu hai, hình như là... (cậu ba về)

Hoài Văn xiểng niểng bước lên bậc thềm, nhướng cặp mắt đỏ au trả lời:

- Chào anh hai!

- Hóa ra là chú ba đấy hả? Về trễ vậy, chắc là... - Hắn ngừng tiếng, ánh mắt liếc xéo như thể đâm xuyên qua gáy thằng em trai.

Hoài Duy cười cợt, lên tiếng mỉa mai:

- Ghé qua động điếm vui chơi rồi. May mà cậu tự động nghỉ dạy ở trường, chứ cái loại thầy giáo ăn chơi trác táng như cậu mà đi dạy con người ta chắc tôi với ba không biết giấu mặt vào đâu.

Từ nhỏ, mối quan hệ giữa hai anh em nhà họ Phạm đã chẳng thuận hòa. Ở chung nhà nhưng không ai nhìn mặt ai. Cậu ba Văn cười sằng sặc, tay quơ loạng choạng trong không khí. Lời cay đắng nghe hoài cũng thành quen. Không biết từ bao giờ cái kiểu cách xấc xược của ông anh hơn cậu năm tuổi nghe thoáng qua không khác lời đứa con nít ranh bập bẹ chửi người là bao.

- Anh nói không sai, tôi thì có tư cách gì để dạy ai. Nhưng ít ra thằng Văn này hai tay sạch sẽ không dính máu như anh.

- Mày nói cái gì? - Cậu Duy sừng sỏ đập bàn toang đứng dậy

- Tôi nói không phải hay sao?

Tình hình căng thẳng quá! Phong dìu cậu ba Văn đi nhanh vào phòng tránh để hai người gây gổ lớn tiếng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông chủ.

Khi cửa phòng đóng lại, trong phòng chỉ còn lại một mình cũng là lúc thế giới của Hoài Văn mở ra. Mi mắt cậu nâng lên một cách tỉnh táo, không giống người đang bị cơn say dẫn dắt. Đêm buông xuống, cái chết của Thành Hiếu như cơn ác mộng bám dính lấy cậu không buông.

Hoài Văn ngồi vào bàn làm việc, giở quyển sổ tay cất kỹ trên kệ sách rồi viết vẽ gì đó một cách rất chăm chú.

Lúc nghe tin, một nghi vấn to tướng hình thành trong đầu cậu ba Văn. Làm sao băng đạn có thể biến mất không dấu vết như vậy, trước đó cậu đã khéo dặn đi dặn lại Nhật Huy bằng mọi giá phải lấy cho bằng được túi đạn từ chỗ của Phạm Trí về cho cậu đối chiếu. Có người đi coi đồng ngang qua, phi vụ thất bại bằng một câu chống chế, nghĩ thật lạ làm sao.

Cũng may nhờ thằng An kể câu chuyện về con ma mù chữ mà dấu chấm hỏi kia vô tình được lý giải. Thông tin mà Nhật Huy báo cáo và lời kể của thằng An có một điểm khác nhau. Phạm Trí bị thương ở mắt cá chân, không phải ở đầu gối như lời Nhật Huy nói. Có nghĩa, thông tin mà thằng An nghe bị sai lệch do truyền miệng từ người này sang người kia. Hoặc, khả năng cao là Nhật Huy nói dối, sự thật nó không hề ra tay với thằng Phạm Trí mà là kẻ khác.

Ở nhà hàng, lúc ra về Hoài Văn nhìn thấy Phạm Trí đi cùng một người đàn bà đẹp. Cậu vờ va phải để dò xét hắn có mang theo băng đạn hay không. Có một băng đạn đeo bên hông đai thắt lưng nhưng là băng đạn rỗng.

Từ chuyện con ma mù chữ nhát ông thầy cúng nhà ông bà Vịnh cho đến chuyện thằng Phạm Trí bị xô xuống mương. Không phải do người của Hoài Văn làm, chẳng lẽ ngôi làng bên sông, có người đang mạo danh con ma mù chữ? Nhưng mục đích của người đó là gì? Cậu ba vô thức cắn môi khoanh tròn mục đỏ vào trang sổ.

Thông thường cậu ba Văn sẽ không ra khỏi nhà vào thứ hai đầu tuần. Phong đinh ninh thói quen của cậu ba là thế nên xe còn để trong nhà xe chưa chuẩn bị gì cả. Thế mà mới sáng ra Hoài Văn đã lên áo quần sơ vin chỉnh tề gọi đi sớm. Phong ngồi bên bàn đá, chăm chú cắt tỉa cây bonsai nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Bị cậu ba Văn hối đi, Phong ba chân bốn cẳng vội chạy đi lấy xe chở cậu đi nhưng cậu không nói đi đâu. Xe chạy bon bon trên đường cái sắp tới ngã ba, Phong nhìn lên kính chiếu hậu giữa xe hỏi:

- Mình đi đâu hả cậu, sắp tới ngã ba rồi?

- Tôi muốn hóng mát, chú cứ chạy đi, khi nào hết đường thì tính.

Theo lời cậu ba Văn, Phong cứ tiện đường mà chạy, thuận đâu thì rẽ, không cần tính toán đích đến. Mắt Hoài Văn thoáng nhìn ra ngoài cửa xe, cất tiếng hỏi:

- Phong, chú biết người hôm qua mình tông phải ở đâu không?

- Dạ biết.

Vừa dứt câu, đột nhiên Phong đánh lái quẹo vào một con đường nhỏ. Đi sâu vào là gặp bến sông. Cậu ba nheo mắt không hiểu sao xe dừng lại.

- Cậu ba chi bằng mình ở đây chờ thằng Hà tới rồi đưa nó đi trạm xá nghe cậu.

Hoài Văn trầm ngâm suy nghĩ, khẽ nghiêng đầu nhìn vào kính chiếu hậu. Chiếc xe theo dõi cậu từ lúc ra khỏi cổng nhà vẫn còn thấp thoáng phía sau. Bây giờ mà đến tiệm may Ngọc Thanh khác nào chỉ điểm cho bọn chúng. Cậu ba Văn gật đầu đi qua sông với Phong ngầm đánh lạc hướng.

Hỏi người quanh bến bên đây mới biết hôm nay Hà không ra bến. Phong lo lắng giục cậu ba Văn qua bến sông với hắn coi tình hình thằng Hà nặng nhẹ ra sao. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, thằng Hà chỉ nghỉ đúng một ngày là ngày giỗ của mẹ nó. Ba mùng Tết nó cũng chèo thuyền băng sông đưa người đi thăm họ hàng, hôm nay nó nghỉ chắc chắn là có chuyện gì bất khả kháng rồi.

- Được rồi, chú mở miệng nói một tiếng nữa là tháng này tôi trừ lương chú đấy! Đàn ông đàn ang gì đâu mà càm ràm như bà Vú vậy. - Thuyền trôi nhè nhẹ qua sông giữa cái nắng đang dần đậm màu. Cậu ba kê tay bịt một bên tai, mong cho Phong té lọt sông đi. Cái miệng Phong y hệt cái loa phát thanh, lải nhải mãi loạng cả đầu.

Đò cập bến, cậu ba Văn vội móc ví đưa tiền cho Phong đến thăm Hà, còn mình đuổi theo Nhật Huy. Huy phát giác được có người đang đuổi theo cho nên đi rất nhanh rồi chuyển sang chạy. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, phía đối diện thằng Nhàn mặt giận đỏ phừng phừng cầm vỏ sầu riêng đuổi tới.

Bên nào cũng chết! Nhật Huy toang nhảy xuống sông bơi đi nhưng bị thằng Nhàn chọi vỏ sầu riêng trúng vào đầu.

- Bữa nay mày tới số với tao. - Nhàn lao tới nắm lấy tóc Nhật Huy kéo mạnh làm nó đau la oai oái. Giờ này mới thấy thằng Công Ba Chữ hụt hơi đuổi tới.

- Khốn nạn, thằng... thằng, thằng, thằng...

Thằng Nhàn nghiến răng nhắc chữ:

- Chó!

- Vì mày mà út Mai xém chết. Bữa nay tao không đánh chết mẹ mày thì tao không phải là thằng Nhàn Chín Ngón!

Cậu ba Văn không hiểu trời trăng gì sất. Chuyện quan trọng bây giờ là cậu cần nói chuyện với Nhật Huy.

- Có thể cho tôi nói chuyện với Nhật Huy được không, tôi có chuyện cần phải hỏi nó gấp.

Nhàn không cho, tay càng nắm chặt tóc Huy hơn nữa.

- Chuyện này tôi không thể để từ từ được, cái thằng khốn nạn này hôm nay tôi phải quánh nó một trận nhừ tử cho nó chừa cái thói đốt nhà người ta. - Không cần cậu ba Văn lên tiếng hỏi, Nhàn tự kể. - Cậu không biết thằng chó này đêm qua nó làm gì đâu. Không lấy được của nó táng tận lương tâm đến nước đốt nhà muốn thiêu sống một đứa nhỏ.

- Cậu ba Văn cứu tôi, xin cậu cứu tôi với, chuyện này đúng là tôi làm nhưng mà tôi chỉ muốn dọa thằng Hà thôi chứ không có ý định đốt nhà nó thật, không biết ai tưới xăng nữa.

- Không phải mày thì là ai? - Nhàn gân cổ, nghiến răng trèo trẹo. - Ngoài mày ra thì mấy can xăng đó ai đem tới? Ai tưới xăng đốt nhà?

Út Mai nằm bên nhà thầy Tư Đức, cổ tay trái rộp da, đỏ chét. Hà về kịp lúc lửa vừa phựt lên, nếu chậm chừng hai ba phút thôi có lẽ Thanh Mai đã đoàn tụ với mẹ rồi. Hồi tưởng lại những chuyện xảy ra đêm qua, mắt Hà chỉ toàn là lửa, mùi tóc cháy khét lẹt vẫn còn nguyên hương trong trí nhớ.

- Hai ơi, mình chết rồi hả hai?

- Đâu có, vẫn còn sống nhăn răng đây mà, chết đâu mà chết. - Hà nheo mắt cười tươi.

Hình như với Hà ngày mai mặt trời vẫn mọc, nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai đi chút phần...

Một bên vầng trán của Nhật Huy tím bầm, những nốt đỏ li ti máu đã khô đi từ lúc nào. Cậu ba Văn ngồi uy nghiêm trên chiếc gỗ chạm trỗ rồng phượng, cậu khoanh tay cất tiếng:

- Nói đi, nói cho ra đầu đuôi câu chuyện.

Cậu ba Văn càng từ tốn, Nhật Huy càng sợ. Nếu không nhờ cậu ba cứu khỏi tay thằng Nhàn, thì không riêng gì trán bị vỏ sầu riêng đâm thủng mà cái mạng không biết còn giữ không.

- Cậu ba, thật ra đêm hôm đó tôi có nhát thằng Phạm Trí, trong lúc tìm băng đạn thì bị thằng Hà phát hiện. Nó dùng ná bắn nên tôi buộc phải chạy đi chưa kịp lấy băng đạn.

Sắc mặt Hoài Văn không thay đổi, cậu ừ lưng lửng một tiếng đợi Nhật Huy nói tiếp. Mọi thứ đều đang đúng mạch suy luận trước đó. Đoán không lầm thì câu tiếp theo tên gian manh này sẽ bịa ra một tình tiết hòng lấy lòng thương cảm. Từng là thầy giáo, dạy qua nhiều lớp học sinh nên Hoài Văn luôn nhạy bén trong việc nhìn sắc mặt đoán nội tâm.

- Tụi nó lấy được túi đạn đó đem bán cho một tiệm đồng, lấy tiền tiêu xài. Sở dĩ tôi đốt nhà nó là vì muốn dọa nó thôi, ai có ngờ có người rưới xăng quanh nhà nó trước rồi.

- Là mày muốn uy hiếp nó lấy lại băng đạn hay là tham lam túi tiền bán đồng của bọn nó? - Hoài Văn lắc đầu đứng dậy. Cậu thừa sức hiểu được cái đầu của bọn lưu manh. - Tao cho mày hạn ba ngày, đến lúc đó bằng mọi giá mày phải mang được túi đạn về cho tao. Mày biết tao là ai phải không, tao thừa sức tống mày vào tù vì tội phóng hỏa.

---

Cảm ơn mọi người đã đọc truyện. Nếu thấy hay hoặc có góp ý xin hãy để lại bình luận. Mỗi một lượt vote và comment của bạn sẽ là nguồn năng lượng giúp mình vượt qua cơn lười để nhanh chóng ra chương tiếp theo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro