14. Con Chữ
Leo lên xuồng, dường như sau bao do dự. Hà quay lại, gọi với theo cậu ba.
- Cậu ba! Cậu ba!
- Chuyện gì? - Cậu chép miệng. - Mày có chuyện gì muốn nói với cậu phải không? Nãy giờ cứ ậm ừ mãi, có gì thì nói đi. Cậu giúp được sẽ giúp.
Chuyện là...
- Cậu dạy chữ cho con với. Con chỉ cần biết đọc, biết viết là được.
Nghe Hà muốn học chữ Hoài Văn không khỏi mừng vui trong lòng. Đôi bàn tay chai sạm, đốt chai cứng như đá vì bụi nắng, mưa chiều mài giũa. Liệu hai bàn tay ấy có còn đủ mềm mại để cầm cây viết, khắc vài dòng lên tờ giấy hay không? Tiếng gọi của Hà làm cậu chợt tỉnh. Cậu không còn là người thầy đáng kính của đám nhỏ, quá muộn để cầm tay ai đó thầy và trò kiên trì nắn nót từng nét chữ.
- Hồi đó, con có hơi ghét cậu ba thật, nhưng mà sau nhiều lần cậu đưa tay giúp đỡ, con biết cái bụng cậu tốt.
- Sao mày biết cái bụng cậu tốt. Nếu không phải đào hoa, thì phá gia chi tử hay kinh khủng hơn là con của bọn phản quốc. Người ta nói về cậu như thế, mày nói cậu tốt thì ngược đời quá!
- Cậu hỏi mày, tại sao mày lại muốn học chữ?
Câu hỏi đơn giản ấy, Hà phải suy nghĩ rất lâu để trả lời. Nó mong muốn biết mặt con chữ để giúp sức hèn mọn của mình đánh đuổi bọn cướp nước với cái mác "bảo hộ". Nhiều đêm trước Hà nhìn thấy một người anh trong làng quay về. Ai cũng tưởng anh bị bắn chết vì theo tổ chức chống phá chính quốc như lời bọn Tây rêu rao. Anh về với cơ thể khuyết thiếu một cánh tay, với vết đồi mồi rám nắng chi chít trên khuôn mặt nhưng lý tưởng vẫn rực đỏ - nơi trái tim đang đập, chưa khi nào thôi ngơi nghỉ. Anh chỉ kịp nói vài lời với Hà trước khi đi.
"Không phải cứ cầm súng mới là yêu nước. Mày ráng học chữ, có trí thức rồi mới cứu được quê hương, những người mà mày yêu thương."
Hà mím môi, quyết định trả lời:
- Con muốn...
- Cậu ba, ở công xưởng có chuyện rồi, cậu mang tới coi đi.
...
Bản nhạc êm tai chào đón ngày mới. Người ta lót dạ bằng bánh, bằng trà, cà phê ngọt đắng còn Diệu Mơ tráng dạ dày với ít men rượu. Sáng nào cũng vậy, cầm nửa ly rượu trên tay từ ban công lầu hai nhìn xuống sân nhà đến khi nắng chạy vào dành chỗ ban công ả mới đến tiệm trang sức trông coi nhân viên buôn bán.
Dũng và Dung ở nhà ả đến nay cũng một tuần. Ban đầu Mơ còn sợ nhỏ Dung hiền quá, còn thằng Dũng thì lành quá không được việc gì. Ai ngờ con nhỏ em làm được hết. Tất cả bằng sức trẻ mười sáu nhanh nhẹn. Mơ chịu Dung không chỉ làm việc giỏi mà ở bản tánh hiểu chuyện, không xu nịnh. Thằng Dũng tay chân lẹ làng, cặp mắt nó như diều hâu sắc lẹm quan sát không thua gì người của đặc cảnh. Nhờ có Dũng đỡ cho mấy bận mà ả Diệu Mơ thoát chết.
Nhỏ Dung phơi đồ dưới sân. Nắng sớm mơn man trên mái tóc càng làm người nó phát sáng, cái vẻ đen đúa chỉ là chút mật ngọt cho rắn rỏi thân thể. Thấy Diệu Mơ bước xuống theo sau là Dũng, Dung vội chạy đi mở cổng đợi xe ra nó nhét vào tay bà chủ túi bánh ngọt.
- Rượu đắng lắm, cô chủ ăn cái này sẽ đỡ hơn.
- Sao mày biết, cô thích ăn cái này?
Nhỏ Dung ngại, cười e thẹn bảo, cậu ba Văn nói.
- Chiều nay cô không về bây khỏi nấu cơm.
- Vậy ông chủ có về không ạ?
- Không, nghe đâu chiều nay ông họp rồi. Mày với dì bảy ăn cái gì cứ nấu đủ ăn, không cần đợi.
Nhà bếp vọng lên phòng khách tiếng lẻng kẻng. Dì bảy đem mấy bộ chén dĩa sứ kiểu Tây Âu bày ra, chuẩn bị lau chùi cho sạch sẽ. Đều là đồ đắt tiền. Một cái chén nước chấm nói hơi quá thì ngang ngửa tháng lương ở đợ. Ở cái tuổi lục tuần, tay chân dì Bảy không còn linh hoạt được như tụi trẻ nên dì cẩn thận hết mức. Từ từ lau từng cái dĩa, cái chén. Dung đem cất thau giặt đồ hồ hởi chạy lại, vẫn như mọi lần nó xắn tay áo lên cao bắt tay vào phụ việc nhưng dì Bảy cản.
- Thôi bây đi làm cái khác đi để dì làm được rồi. Không cẩn thận làm bể là đền chết.
Hôm nay không có ai ở nhà không phải nấu cơm. Dọn dẹp nhà cửa cũng xong từ sớm cả rồi. Dung không biết làm gì. Rảnh tay rảnh chân lại không quen. Nhỏ mon men kéo ghế ngồi đối diện dì Bảy.
- Mấy cái chén này đẹp ghê á. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ con mới thấy.
Dì cười. Con nhỏ nói chuyện thiệt tình làm dì nhớ cái hồi mười chín đôi mươi mình cũng mang dáng vẻ ngô nghê ấy đi ở đợ, gặp gì cũng thấy kỳ lạ.
- Bộ này thôi cũng bằng mấy năm lương của dì cháu mình cộng lại cũng không chừng.
- Trời đất, mắc dữ vậy. Có cho tiền con cũng hổng dám đụng dô. - Nhỏ Dung trầm trồ.
- Thứ bảy này nhà có tiệc. Ông chủ dặn trước, chắc là khách quý. Có thể là mấy ông lớn ghé thăm nhà.
"Mấy ông lớn"? Đang giai đoạn căng thẳng. Đoàn biểu tình trăm người mất tích như hơi nước, không biết bằng cách nào mà truyền đơn vẫn rong ruổi khắp nơi. Từ chợ cho đến các trường học, từ phố về đến quê. Bọn lính dẹp được đầu này lại dấy lên ở đầu khác khiến cấp trên đau đầu một phen. Rồi còn nhân vật cấp cao mà mật thám báo về cũng chưa truy ra được, nói gì đến phá kế hoạch của chúng. Tại sao lúc rối như mớ tơ vò mà cố vấn cấp cao lại cùng "mấy ông lớn" bày tiệc?
Dung dò hỏi:
- Dì có biết ông chủ tổ chức tiệc gì không?
- Hình như là đón tiếp thư ký gì đó ở bên Tây cử qua.
...
Về đến nhà Hoài Văn liền đóng kín cửa phòng, nhanh tay kéo rèm cửa. Cậu dập tắt điếu thuốc lá, xé bao giấy quấn thuốc, mảnh giấy nhỏ nằm lẫn trong thuốc. Trên cả hai mặt giấy trống huơ trống hoác khi soi dưới ánh lửa từng chữ cái một từ từ hiện lên, ghép lại thành nội dung thư hoàn chỉnh.
Nội dung thư vỏn vẹn: "Thứ bảy, tại dinh thự riêng, Hồ Tiến Tùng và thư ký Jame họp bàn kế hoạch ME."
Chỉ còn ba ngày nữa sẽ diễn ra cuộc gặp mặt. Trước đó ban chỉ huy cũng đã dự đoán phía Tây sẽ cử người đến triển khai kế hoạch. Nhưng cụ thể thời gian và kế hoạch tạm thời cần thêm thời gian để điều tra. Ngay tối hôm đó, Hoài Văn đến tiệm thuốc lá ngầm truyền tin.
Khuya lắc khuya lơ, mặt trời tròn vành vạch in những đường kẻ rực sáng nhuộm vàng mặt sông. Gió từng đợt thổi tới, lùa qua tóc mái rồi lại như chơi ú tim mà thổi vào gáy. Hà lụi cụi chèo xuồng băng qua đám bông súng, hái thêm cho đầy xuồng. Thêm được một tí, ngày mai đổi thêm được ít trái hay hay thứ gì bổ dưỡng đem cho út Mai trong bệnh viện. Chắc là con bé trông anh nó lắm. Cuối tuần nào cũng vậy, Phong sẽ chở Hà lên bệnh viện thăm em gái. Anh làm quần quật cả tuần chỉ trông cho chủ nhật gặp em gái, trông thấy em da dẻ hồng lên từng ngày và nụ cười cũng không còn quá khắc khổ như khi trước.
Tiếng lựu đạn nổ oành oành làm Hà giật mình. Nó dáo dác nhìn. Theo sau là tiếng súng nổ liên thanh vang vọng ở đâu đó mà Hà vẫn chưa định thần được là ở hướng nào.
- Lại nữa hả trời. - Hà rùng mình. - Không được, phải về thôi.
Nhưng mà... đám bông súng cao nghều nghệu nhô lên khỏi mặt nước quá mướt mát, bán có giá hơn là bông súng èo uột ở ao nhỏ. Hà tiếc, không nỡ đi. Nó liều mình nán lại, dẫu sao mưa bom, mưa đạn tuần nào chả nghe hai ba lần, quen rồi sợ gì nữa. Nếu đã sợ, nó đã không hành nghề chèo đò. Cứ trơ trơ trôi qua mặt sông từ ngày này qua tháng nọ.
Bứt thêm được một mớ Hà nhảy lên xuồng toang chèo đi bỗng một cái tay nhô ra khỏi mặt nước bám vào mạn xuồng. Bàn tay run rẩy tím tái. Hà cứng họng không nói nên lời. Gần như là chết lặng, người ta nói không sai "đi đêm có ngày gặp ma", ma day mà nắm chân thì chỉ có chết. Mặt nó cắt không còn giọt máu, tay cố nắm chặt mái chèo khua nước.
- Cứu! Cứu với! Làm ơn!
Cổ họng run run, Hà cầu xin ngược lại:
- Tôi là người lương thiện, đừng có kéo dò tôi, làm ơn kéo mấy thằng phản quốc đi.
- Tôi bị thương rồi, làm ơn cứu....
Từ xa có mấy luồng đèn pin rọi tới, ánh sáng trắng quét ngang qua mắt chói lòa như thể sấm sét đánh xuống có thể làm xây xẩm người ta. Nhờ ánh đèn mà Hà sựt tỉnh để nhận ra kẻ đang nắm mạn xuồng kia không phải ma day mà là người.
Không chần chờ gì, trước khi bọn lính cầm súng đuổi tới. Hà kéo người đó lên, dùng bông súng phủ ngập lên người ngụy trang che đi rồi chèo xuồng rời đi. Bọn lính đuổi tới đứng trên bờ chĩa súng vào đầu Hà.
- Có chuyện gì sao mà các sếp bắt tôi?
- Có thấy thằng nào của đội bà ba chạy qua đây không?
Tất nhiên là không thấy. Hà dõng dạc nói:
- Làm gì có ai, tôi ở đây hái bông súng từ chạng vạng đến giờ có thấy bóng ai đâu. Các sếp có nhìn lộn không?
- Có thật sự là không thấy ai không? Nếu mày dám che dấu chỉ có đường chết.
- Không có thật mà. Ngay cả đám người đó ra làm sao tôi còn không biết nói gì đến bao che cho ai.
Bọn nó có vẻ không tin, mắt nghi ngại nhìn vào xuồng của Hà. Bọn nó kêu Hà cặp xuồng vào sát bờ để kiểm tra nếu không sẽ nổ súng. Hà nuốt nước bọt, chuẩn bị sẵn tinh thần, tay cầm mái chèo khua nước thật chậm. Tuy nhìn có vẻ Hà đang tấp vào bờ nhưng thật ra là đang xoay thuyền kéo dài thời gian. Đầu nó trống rỗng, bất quá thì cố hết sức chèo đi. Ra được sông cái bọn lính có giỏi thì lặn xuống mà tìm. Hậu quả xấu nhất là trúng đạn thì chết. Vậy thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro