1. Ma Mù Chữ
Đây là một câu chuyện hư cấu.
Trăng đêm mười ba sáng trong, trời nay bí bách không gợn gió. Như đêm trước, tiếng đồng hồ điểm mười hai giờ đêm ngân vang khắp gian nhà trước, bóng trắng lại lừng lững xuất hiện. Nó im ỉm không than khóc mà giơ vuốt nhọn cào cấu vào ô cửa sổ phòng cậu út. Lằn xước ngang dọc tì xuống lớp gỗ tróc sơn nghe lạnh gáy buốt lưng. Một thứ âm thanh rợn người. Mặt mày cậu út tái xanh vội chắp tay khấn vái. Sống lưng ướt lạnh mồ hôi. Miệng liên tục niệm chú như những gì người ta bày cho. Trên cổ và tay đeo vòng tỏi trừ tà. Cạnh song cửa sổ đặt một chiếc roi dâu tằm, phương pháp dân gian để xua đuổi những thứ không hay quấy phá con nít mới sanh. Đây là lần thứ năm, con ma mù chữ tới quấy phá kể từ ngày cậu út về nước.
Nửa tiếng sau dưới sức cào cấu không ngừng nghỉ bản lề cửa gãy chốt, rơi ra. Một bàn tay trắng dã vấy đầy máu xông thẳng vào phòng, hậm hực bẻ gãy chiếc roi dâu tằm.
Sau tiếng rơm rớp là một tiếng hét hoảng loạn cất lên, xé toạc bức trời đêm thành mảnh vụn. Người làm trong nhà hớt ha hớt hải chạy lên phòng cậu út. Cậu nằm vật dưới sàn, khuôn mặt máu me bê bết, còn bóng trắng như biến tan vào ánh trăng từ lúc nào, không để lại dấu vết. Một bên cửa bị rớt ra ngoài, những đường kẻ bàng bạc từ bầu trời rọi thẳng vào song cửa để lại những vệt sáng trong.
Trời hừng sáng, thuyền trôi nhè nhẹ qua sông. Hà đều nhịp khua mái chèo, từng đường sóng nước gợn lên mặt nước nhẹ tênh. Một thằng chèo đò từ ngày mười bốn tuổi tới lớn, quá quen mặt với người trong làng. Bến sông có ba bốn người chèo đò dư chứ không lo thiếu, nhưng thằng Hà ngày chèo không ngớt tay. Hết đưa người sang sông lại chèo người bên kia về làng. Mấy chuyện chèo đò lội sông dân quê ai mà không biết, chắc tại nó nghèo đến nỗi không có mảnh vườn cặm lưng nên người ta thương đi mỗi thuyền nó.
Sáng ra, chị Khuyên ngoắc tay gọi nó đi sớm. Gói xôi nếp còn chưa kịp bỏ miệng nằm xó trong túi áo bà ba, Hà lật đật cởi dây rời bến vắng.
- Mới sáng ra, làm gì qua sông sớm vậy chị Khuyên? - Nó vừa chèo vừa hỏi chuyện.
- Qua đón thầy Diệu Minh.
Nó hẫng một nhịp chèo, bảo cái tên mới nghe qua lần đầu. Nhân khẩu trong làng thằng Hà nắm gọn trong lòng bàn tay. Ai chết, con nhà nào mới sanh, chồng ai đi tù hay ai bỏ quê đi biệt xứ nó biết hết. Tuy không biết chữ nhưng việc nhận diện mặt người, tánh nết ai ra sao làng này không ai qua nó.
Chị Khuyên không dám nói lớn, tiếng nước ào ào lướt qua mái chèo át đi giọng chị. Diệu Minh là ông thầy trừ tà có tiếng ở đất Sài Gòn, ông bà chủ Vịnh phải cất công gọi điện thoại xuống đó nhờ người quen mời gấp về nhà. Chị Khuyên qua sông đợi đón ông thầy cúng về.
- Giữa sông có em với chị chớ có ma nào đâu mà chị nói nhỏ, bộ chị sợ cá sấu nghe hay gì?
- Mà, có phải là nhà ông bà Vịnh gặp con ma mù chữ không? Hổm nay em nghe người ta nói dữ lắm.
Mặt chị Khuyên biến sắc. Chị cẩn thận, giữ nón lá lắc đầu nguầy nguậy.
- Không có gì đâu em, nói bậy bạ ông bà chủ Vịnh nghe thấy la chị chết. Thôi em lo chèo đi mắc công rày rê nhiều chuyện rồi trễ giờ đón ông thầy.
Chị Khuyên có ý giấu ai chớ giấu thằng Hà thì không qua lọt. Mới hôm qua đây, chuyện con ma mù chữ râm rang khắp làng. Chèo bảy lần đò qua lại, không ít người bàn tán vụ thằng Quốc Nam bị ma nhát trên đường đi coi hát. Hay thằng Hoàng con bà tư Hiên chủ vựa trái cây lớn nhất làng về quê chưa lâu cũng bị quấy phá chỗ làm ăn, đi xe hơi thì nổ lốp, hư thắng mà đi xe máy thì ngày nào ra đường cũng bị tông xe bầm mình bầm mẩy. Trước đó nhiều thanh niên bị quấy phá tương tự, lớp đó phải bỏ làng đi làm việc ở xa mới yên ổn. Cộng tất cả phải trên dưới năm thanh niên bị nhát, đều là thành phần tri thức hoặc đi du học nước ngoài về.
Người đi Tây học đâu phải ai cũng tiếp thu, học hỏi được cái hay sự tiến bộ để về giúp ích cho đất nước. Có người đi rồi về coi thường quê hương, vừa đặt chân qua bến sông nhăn nhó lầm bầm mắng chửi, đất sình dính lên đôi giày tây bóng loáng, bên nước ngoài đường nhựa trải dài từ thời nào rồi bên đây vẫn đất đen đường sình. Có người hễ mở miệng là bên Tây có điện thoại di động xịn lắm, bên Pháp có cái tháp "Ép Phen" cao ba trăm mét, bên Mỹ có tượng nữ thần tự do trong khi ở vùng nghèo nàn này ngoài đất với sông ra còn có cái gì đẹp và tiến bộ. Ngẫm lại không có lửa làm sao có khói, cái bọn học thức "giả" này bị nhát âu cũng là đáng! Nghe tới ma người ta sợ chết khiếp, nhưng ma này hiền với dân chân chất, dữ với thứ lăm le làm tay sai.
Trời chạng vạng, chân trời hừng màu lửa cháy. Người lớn và mấy đứa con nít bu lại nhà ông Vịnh đông lắm tưởng đi xem hát. Ra khỏi nhà thuốc, thấy mấy đứa con nít rủ nhau chạy đi xem Hà xách một tuần thang thuốc tò mò chạy theo.
Chuyện thằng út nhà ông Vịnh bị ma mù chữ nhát không được để người ngoài biết. Căn dặn kĩ thế nào lại thành cả làng đến xem.
- Đứa nào nói ra bên ngoài?
Ông Vịnh quát lớn, Khuyên đứng gần cúi đầu, chân run cầm cập. Chuyện này không đứa nào nhận thì Khuyên bị đuổi là cái chắc. Ông bà xưa nói "Khi đi gặp rắn thì may, khi về gặp rắn thì hay bị đòn" mà lúc dẫn ông thầy về nhà, Khuyên gặp rắn, biết là có điềm chẳng lành rồi.
Không ai lên tiếng, bà Vịnh chửi vài câu lấy oai. Sai người ra cổng hất nước, rải gạo muối đuổi cái đám nhiều chuyện ấy về. Người dần tản ra về còn lại vài mống, bà Vịnh gọi thằng Hà vào sân dò hỏi coi ai nói ra bên ngoài. Hỏi nó là biết ngay.
Hà kêu là có người nói bữa nay nhà ông bà Vịnh có nghệ sĩ đoàn cải lương về hát, kêu cả làng đến xem chung cho vui. Hai bàn tay chị Khuyên vò đến đỏ vì lo lắng, nghe Hà nói vậy thở nhẹ một hơi.
Mải mê xem chuyện, bầu trời tối om loe hoe vài ánh sao từ lâu Hà vội chạy về nhà lo thuốc than cho em gái. Mâm cơm nguội với cá lóc nướng rơm, rau luộc, nước luộc rau niêm xíu muối, vắt thêm trái chanh làm canh.
Nhìn dĩa cá lóc kế bên chén nước mắm, Hà trỏ mắt hỏi:
- Tưởng út Mai ngủ rồi, mà út kiếm đâu ra con cá lóc bự vậy?
- Chú Thịnh đi ruộng về cho nhà mình. Nay hai làm gì mà về trễ quá vậy làm em đợi cơm nãy giờ.
- À hai qua nhà thầy tư Đức lấy thuốc, gặp chuyện nên đứng lại xem chút ai ngờ trời tối lúc nào không hay. Nói út bao nhiêu lần rồi thấy hai về trễ thì ăn cơm rồi đi ngủ trước đi, bệnh trong người còn chờ cái gì?
- Ăn mình buồn lắm, nay có cá lóc hai thích nên út đợi về ăn chung cho vui. Mà hai nói là gặp chuyện gì?
- Con nít con nôi hỏi chuyện người lớn làm gì, lo ăn cơm đi. - Hà ký đầu Thanh Mai rồi quay đi nhóm lửa nấu thuốc trước mới lại bàn ăn cơm.
Út Mai mười hai tuổi mà trông như đứa trẻ lên tám lên chín, gầy gò vì căn bệnh tim hành hạ. Khuôn mặt tròn, mắt bồ câu hai mí rõ nét đẹp lắm. Người ta khen đôi mắt em đẹp nhưng cũng buồn não lòng. Buồn hơn cả cơn mưa dầm dề tháng mười hay những đêm cận tết trời trở lạnh nhớ hơi ấm một người.
Đợi không còn bóng người lảng vảng quanh ngôi gia, thầy Diệu Minh vòng ra cửa sổ phòng cậu út cẩn thận xem xét dấu vết để lại đêm qua. Một cánh cửa rớt dưới đất, lá bùa dán chéo rách toạc làm hai mảnh gió thổi phất phơ. Vuốt chòm râu bạc dài ngoằng chấm ngực áo, thầy pháp sờ lên mặt vết xước. Năm đường xước song song ấn xuống lớp gỗ rất sâu. Đường rạch thứ hai, tức ngón trỏ sâu hơn còn đọng lại vết máu hôi tanh. Hai mày ông chau lại vẻ nghiêm trọng.
Ông bà Vịnh giật thót tim vội van nài xin ông lập đàn trừ tà. Thằng út vừa về nước được sáu ngày đã hết thảy năm ngày bị con ma kia quấy phá, dân gian truyền gì ông bà cũng làm từ thỉnh vòng ở chùa, dán bùa, rải muối quanh cổng nhà nhưng không trị được.
- Oán khí rất nặng, nữ nhìn xem vết máu ở đây sâu hoáy, có phải con trai nữ đổi phòng nhiều lần nhưng đi đến đâu cũng đều bị nó tới cào cửa?
Bà Vịnh lạnh sống lưng. Đêm đầu và đêm thứ hai nó tìm đến cào cửa, ông bà sắp xếp đổi phòng cho cậu út nhưng đổi đến phòng nào là cửa sổ phòng ấy lại bị cào. Dường như nó ám người chứ không phải ám căn phòng kia.
Thầy Diệu Minh tặc lưỡi, chậm rãi đọc: "Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ."
Cả nhà không hiểu câu ấy có nghĩa gì, nhưng với cách đọc trầm thấp nguy hiểm của ông thầy đều ngầm đoán chắc không phải chuyện lành. Ông thầy vuốt chòm râu, lắc đầu một cách bi quan có ý muốn làm khó gia chủ.
- Đây là nghiệp quả của con trai nữ, kiếp trước hắn hãm hại bạn bè, đốt nhà vu họa cho anh em ruột, trồng cây ắt có quả. E là vật này đã biến thành ác linh không có ai trị được, mà cả có trị được thì tổn thọ ít nhất ba năm, nhiều thì mười năm.
- Thầy ơi xin giúp vợ chồng con, nhà con có thằng út là cháu đích tôn nối dõi mà thôi. Con biết thầy pháp thuật tinh thông xin thầy làm ơn làm phước, cứu khổ cứu nạn giúp cho. Bao nhiêu vợ chồng con cũng chịu miễn là thằng Hoàng Minh được bình an.
Quả nhiên, bà Vịnh sợ tái mét khấn vái thầy lia lịa, mắt đỏ hoe sắp khóc đến nơi. Thầy Diệu Minh tròng mắt đo đỏ giận dữ trách cứ.
- Nữ nói vậy là kêu ta bán tuổi thọ lấy tiền của nữ, như vậy khác nào xúc phạm người tu hành như ta? Ta làm việc này cốt để cứu giúp chúng sinh khỏi kiếp bị ma quỷ quấy, sau là để không phụ lòng trời đất cho ta năng lực nhìn thấy người cõi âm.
- Cái bà này người ta nói, ăn bớt bát, nói bớt lời, mà bà cứ nói lung tung làm phật lòng thầy Diệu Minh. - Trách bà vợ xong, ông Vịnh liền nói đỡ giải vây cho bà vợ đang ú ớ lựa lời. - Xin thầy rộng lượng đừng để bụng, bà nhà tôi không có ý đó đâu. Ý là xin thầy ra tay cứu giúp, chúng tôi sẽ cố gắng đáp tạ ơn thầy.
Ông thầy ngoảnh mặt đi nơi khác, chưa nguôi ngoai cơn tự ái. Ông bà Vịnh ra sức vuốt giận, bọn người làm cũng ỉ ơi năng nỉ thằng Đồng đi theo chạy việc cho thầy nói giúp dùm.
- Thầy ơi, đệ tử nghĩ là gia chủ biết lỡ lời rồi, thầy là người của trời không nên trách kẻ phàm tục. Con trai của gia chủ đây hiện giờ tình trạng không ổn lắm, nằm li bì từ tối qua đến giờ, nếu thầy không giúp thì anh ấy có khi bị cắp mất hồn mất.
Giọng thằng Đồng thanh như tiếng chim hót cứu cánh cả hộ ông Vịnh. Cặp mắt ông thầy nhắm nghiền tỏ vẻ trách cứ dần mở ra dễ chịu.
Xuống bếp chuẩn bị đồ cúng theo như tờ giấy thầy Diệu Minh căn dặn. Con Lý dòm chừng lên nhà trước, thì thầm hỏi Khuyên.
- Chị Khuyên sao chuyện cậu Hoàng Minh bị con ma mù chữ nhát ông bà chủ không cho nói ra ngoài? Cả cái làng này đâu phải chưa có người bị nhát, có gì mất mặt đâu mà phải giấu?
Khuyên lật đật bịt miệng nhỏ Lý. lắc đầu nói, chuyện này đừng nói nữa nhỡ ông bà chủ nghe thì phiền lắm. Lý còn cái tuổi tò mò chuyện đời léo nhéo hỏi hoài bên tai chị nhưng Khuyên nhất quyết không hé răng nửa lời. Lâu lâu chuẩn bị đồ, Khuyên lén nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Chỗ đất trông có vẻ bằng phẳng, bên trên trồng một bụi cây dâu tằm, ngày xưa là một cái giếng rất sâu...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro