Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tình xưa: Khúc Si (1)

"Sao người ta cứ cố chấp với một mối tình bất thành văn để rồi cả một đời đau đớn ca mãi khúc si buồn?"

Nhà tôi vốn có truyền thống theo nghệ thuật Cải Lương từ bao đời nhưng đến đời ba tôi thì truyền thống này không còn nữa. Ông bỏ nghề đi về xứ Huế để lập nghiệp rồi gặp mẹ ở đó. Họ quen nhau nhanh rồi cũng vội vàng cưới, bởi mẹ tôi cũng đã qua tuổi xuân thời còn ba tôi thì ông bà giục cưới. Không có thời gian dài tìm hiểu nhau nên ba mẹ sau này khi về chung một mái nhà cứ cãi nhau mãi, thật ra cũng không phải cãi nhau vì chỉ có một mình mẹ tôi thì chửi còn ba tôi thì im lặng, vờ như tai đã điếc.

Dù ông không theo nghề Cải Lương nhưng giọng ca của ông vô cùng hay, ông bỏ nghề tổ nhưng nghề tổ đâu muốn bỏ ông. Từ khi lọt lòng, tôi đã được nghe ba ca rất nhiều câu vọng cổ hay đôi lúc là những bản Cải Lương Hồ Quảng, nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là vô cùng ai oán và bi thương như tiếng khóc nức nở của đôi tình nhân trong một cuộc biệt ly, từng lời từng chữ đều rất đau lòng, tôi thường nghe ông hay ca đi ca lại khúc biệt ly đẫm nước mắt trong vở “Lan và Điệp”, đây cũng là lý do mẹ tôi hay kiếm chuyện chửi ông.

“Phát khiếp, Lan Lan Điệp Điệp mãi. Ông tính trù tôi chết à? Lúc nào cũng tru rú mấy bài ai oán, nhức hết cả đầu, còn thương người cũ quá thì đi kiếm nó đấy, đừng có ở đây mà tru réo nữa.”

Mỗi lần cứ thấy ba tôi kéo đàn cò, ngồi ca, mẹ tôi sẽ liền hét lên như thế. Tôi hồi bé chẳng hiểu gì, cứ nghĩ rằng chắc mẹ ghét Cải Lương nên hay gây chuyện vậy thôi. Nhưng sau này lớn rồi, tôi mới biết, mẹ mê cải lương lắm, mê lắm mới đòi cưới ba cho bằng được, để được nghe ba ca mỗi ngày, chỉ cưới rồi mới nhận ra những lời ấy của ba đều không dành cho mẹ mà là một nàng thiếu nữ khác, nên mẹ giận, mẹ hận, mẹ chửi thế thôi.

Ngày ba mất, mẹ đau lòng nhưng chẳng khóc, chỉ ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế bành trướng của mình, đôi mắt xa xăm nhìn lên bàn thờ của ba, miệng cứ lẩm bẩm một lời oán trách:

“ Ha, nực cười, chết rồi mà vẫn muốn ôm cây đàn chôn cùng, chết rồi mà vẫn còn thương người ta. Ông chết rồi nhưng nhất định không mang tôi theo mà lại là hình ảnh của cô ta. Ông chết rồi... vẫn muốn hát cho cô ta nghe à!”

Phải, giống như lời mẹ tôi nói. Trước khi ba mất, ông cứ ôm khư khư bên mình cây đàn cò, miệng cứ thều thào một khúc “Lan và Điệp”. Tôi nghe cũng cảm thấy bực nhọc trong lòng, mẹ tôi ngồi bên chăm sóc chẳng nói lời nào, bà không còn mắng chửi nữa, chỉ lắng nghe lời ba hát. Lần đầu tiên, tôi thấy mẹ ngân nga theo khúc nhạc ấy nhưng chẳng có vẻ gì là vui vẻ, hai hàng nước mắt cứ chảy ra không kiểm soát. Tôi trông thấy mẹ như thế cũng cảm thấy bối rối vô cùng. Rồi ngày ông mất, ông chẳng để dành sức để trăn trối điều gì, ông chỉ gọi mãi tên một người phụ nữ, đương nhiên là không phải mẹ. Dù rất khó nghe nhưng tôi vẫn hiểu được, người phụ nữ đó tên là Lệ Thanh.

Những ngày sau đó, tôi có tò mò nhưng không dám hỏi mẹ vì sợ bà buồn. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua một cách nặng nề và chán nản, tôi không biết làm gì để tâm trạng của bà khá lên nên chỉ đơn giản là ngồi bên cạnh bà vào mỗi tối, kể những câu truyện trên trời, dưới đất, về một ngày làm việc của tôi, về những điều tôi quan sát được từ cuộc sống này, nhưng mẹ vẫn cứ im lặng. Thật, lòng tôi rầu rĩ biết mấy.

“Minh này! Mau lại đây!”

Tối nay tôi cũng ngồi bên cạnh mẹ, bình thường bà chẳng buồn nói điều gì nhưng hôm nay bà lại gọi tên tôi. Bàn tay gầy guộc nhẹ đưa lên, vỗ vỗ vào đùi. Tôi bồi hồi và rạo rực, như một đứa trẻ, tôi nhanh chóng sà vào lòng mẹ, đầu tựa lên đùi mẹ.

“ Ba con... không thương mẹ và mãi sẽ là như vậy!”

Lời mẹ nói thật nhẹ nhàng và thanh thản nhưng tôi biết bà đã dành hết cả đời người mới nhận ra được điều này, mới buông bỏ được thứ tình cảm cố chấp kia.

“ Điều này...con biết!”

“ Ba con thương một cô đào hát tên là Lệ Thanh...”

“... Điều này, con cũng biết!”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro