Chương 17: Ối, có người, đừng đập!
Ở làng Lỵ cứ 5 năm có hội to một lần. Năm Tình 16 cũng là năm làng Lỵ mở hội to.
Các già làng kể lại, ngày xưa hai bên bờ sông Dạ chưa có đê ngăn lũ. Một năm vào giữa tháng 8, mưa lũ tràn về, nước sông dâng cao ngập cả cánh đồng, dân trong làng phải dắt nhau lên đồi tránh lũ. Nhà cửa tan hoang, ruộng vườn tan hoang. Nhưng kì lạ thay, không một ai bị dòng lũ siết cuốn trôi.
Sau mươi ngày lũ dâng, nương theo dòng chảy, có một người ở vùng khác chèo thuyền đến miếu, xin thưa với các bô lão trong làng cho làm lễ xin lại đầu hạc đem về. Bấy giờ, các cụ bô lão mới biết có chiếc đầu hạc khắc gỗ bị mắc bên miếu làng Lỵ.
Người chèo thuyền thưa rằng con hạc đó từ đền Bạch Hạc trôi về.
Một cụ đứng ra hỏi:
"Đền Bạch Hạc thờ ai?"
Người nọ đáp rằng:
"Đền Bạch Hạc thờ Thổ lệnh Thống Quốc Đại Vương, đức Tam Giang Đại Vương Đào Trường, để tưởng nhớ công ơn Ngài đánh giặc ngoại xâm."
Các cụ trong làng nhìn nhau. Sau này nước lũ rút, người kia cũng làm lễ mang đầu hạc về, đầu hạc nguyên lai là đầu mũi thuyền bơi của đền Bạch Hạc, dân làng cử người lên Đền hỏi thể thức bơi, lấy mẫu thuyền về đóng. Hội Làng Lỵ bắt đầu từ đấy.
Lạ thay, ngôi miếu xưa nơi đầu hạc mắc lại, sau này cực kì linh thiêng, mỗi lần hội to, tổ chức đua thuyền, hai đội đua thắng lúc rước kiệu Thánh về bằng đường thuỷ, thuyền qua miếu, đầu thuyền luôn tự xuôi dòng dạt sang, phải một lúc nửa nén nhang mới trôi đi tiếp.
Những điều này Tình được bà kể cho, bà kể không đầy đủ, nhưng bên miếu và cả đình làng thờ Thánh đều có khắc lại.
5 năm trước làng mở hội lớn, Tình và bà không có tiền, bà muốn đưa Tình đi xem hội nhưng Tình không đi, ở lì trong nhà. Năm nay hội, Tình mười sáu, bà Vạn không còn nữa. Ông Cả bảo Tình đi chơi hội đi, Tình chỉ lắc đầu, dở tay đan nốt cái rổ, ông Cả cũng không biết thuyết phục nó như thế nào.
Trước ngày vào hội, dân làng chuẩn bị từ sớm, cổng làng đều dựng câu đối đỏ, giăng đèn treo hoa, nhất là nhà ông Điền, ngày thường đã rực rỡ, vào hội còn tấp nập hơn.
Lồng đèn được dân làng chia nhau treo rải hai bên bờ sông Dạ, bắt đầu từ nhà thuỷ tạ tới ngang qua miếu. Đêm, đèn lung linh hắt xuống mặt sông, trẻ con chơi đùa đông, người người háo hức.
Hội tổ chức ba ngày, ông Điền cho người làm thuê nghỉ hết, không ai phải đi chăn trâu, ra đồng, đến cả người ở trong nhà cũng được luân phiên ra ngoài chơi hội, tuỳ theo phân công.
Sáng ngày hội đầu tiên, Nụ cùng anh Lý sang chòi trâu rủ Tình đi.
"Chị Nụ?" Tình ngước đầu nhìn lên, Nụ chắn tay không cho nó đan tiếp.
Nụ bật cười:
"Ừ."
Tình bỏ chiếc rổ xuống.
"Chị sang lúc nào thế?"
Nụ giơ tay chỉ ra cửa, anh Lý cũng đang ngồi đó. Mọi người đến thì Tình đang ngồi quay lưng với cửa nên không biết. Nụ định ban đầu hù nó, nhưng nghĩ lại cái tính lì của Tình thì chẳng ma nào doạ được mới từ bỏ ý định.
"Mới sang thôi."
Nụ nhìn quanh tìm giường cái Tình, giường bé kia chắc của nó rồi, Nụ ngồi lên trên, chống tay ở thành giường.
"Hội bắt đầu rồi, nay đi chơi chứ?" Anh Lý cất lời, hỏi thay câu Nụ định hỏi.
Tình lắc đầu nhìn anh chị.
"Em không định đi. Anh chị đi đi ạ."
"Dở à? Sang tận đây rồi còn bảo người ta về."
"Đi chơi nhanh, mấy mươi năm được hội, ở nhà làm gì? Lần trước tao còn chưa được đi xem đâu."
Tình nhìn Nụ, Lý như biết nó đang nghĩ gì, giải thích:
"Nụ mới đến làng mình được hơn 4 năm thôi, chưa được xem hội."
Tình thoáng khó xử.
"Nhưng, em..."
Nụ khoác tay Tình, kéo dậy, hớn hở:
"Nhưng nhị cái gì, đi là đi."
Ông Cả bật cười, cất cái rổ của Tình lên kệ, nhìn theo dáng cái Tình đang bị Nụ dắt đi. Ông nghĩ thầm. "May quá."
May mà có hai đứa nó, sau cơn mưa, trời thật sự sáng.
Bà Vạn có sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cho đứa cháu bé bỏng của bà, được bình an, khoẻ mạnh.
***
Tình và mọi người vào đến làng thì cũng bỏ lỡ màn tế lễ và cáo yết ở miếu, may kịp xem lễ rước Thánh. Đoàn kiệu rước Thánh sẽ đi một vòng quanh làng, từ miếu xuống đình. Nụ trầm trồ phấn khích từ lúc thấy đội múa rồng đằng xa.
"Ui anh Lý ơi, Tình ơi, nhìn kìa!"
Tình bị vỗ, nhìn theo hướng Nụ chỉ. Lý bật cười với nó, chỉ sang đội đánh trống, đánh chiêng phía sau. Anh nói cho hai đứa nghe:
"Chưa hết đâu."
Dân làng hai bên ùa đứng xem, chen lấn xô đẩy, ồn ào, Nụ nghe không rõ, phải hét lên:
"Sao ạ?"
Lý sợ hai đứa bị lạc, kéo cả hai lui về sau, giải thích:
"Đứng đây nhìn này."
"Kia, đội cầm vũ khí, có gươm hầu, bát bửu, chấp kích."
Tình cũng nhìn theo.
"Đội nhạc lễ, bát âm, đồng văn."
Cứ mỗi khi đoàn nào qua, anh đều giới thiệu cho cả hai. Nụ cứ luôn mồm khen không ngớt, ở làng Nụ không có hội nào to như này.
"Này, đây là đội cấm vệ quân hầu Thánh, theo sau là đội rước kiệu, đội lễ vật, đội tế nam, đội tế nữ."
"Đội tế nam tế nữ là chọn ra từ làng, nam là những người chưa thành gia lập thất, nữ thì lấy người con gái còn trinh trắng."
"Sao lại vậy ạ?"
Anh Lý cũng lắc đầu trước thắc mắc của Nụ.
"Anh không rõ, nhưng theo quy định là thế."
Đoàn người theo sau đội rước còn có cả dân làng, người đi theo đông, kéo dài nhìn mãi chưa thấy người đi cuối. Đoàn rước đi hết một vòng quanh làng rồi mới rước Ngai về đình.
Tại đình làng, đội tế nam cử hành lễ tế yên vị. Buổi chiều, đội tế nữ thực hiện màn dâng hương lễ Thánh.
Tình không chịu được ồn ào, nó cứ muốn bỏ về giữa chừng nhưng bị chị Nụ giữ lại bằng ánh mắt năn nỉ. Anh Lý không đành lòng nhìn hai đứa nhễ nhại mồ hôi.
"Để anh đi mua nước."
Ngày này ở sân bên bờ sông dọn ra một mảnh đất trống lớn, nhiều mối buôn nhỏ kéo đến làm ăn. Không chỉ dân làng Lỵ chơi hội, làng Đông làng Vạc cũng nhiều người sang, là cơ hội tốt để kiếm tiền.
Nụ không định đợi anh Lý, một lúc chưa thấy anh về, Nụ kéo Tình theo đám đông đi len lên đằng trước, chiều nay ở sân đình chơi cờ người, đấu vật, nhưng Nụ xem không hiểu.
"Bên này, bên này."
Tình bị kéo đến chóng mặt, chỉ nhìn được bàn tay Nụ nắm lấy mình, nhưng đám đông xô đẩy nhau, Tình bị ép buông tay Nụ, lúc Tình kiễng chân lên tìm, Nụ đã bị xô ra tít đằng nửa sân bên kia.
Sân này đang chơi đập niêu, người bị bịt mắt phải đập trúng niêu treo trên cao.
Tình ngẩn ra, đứng ngay gần chỗ người ta đang cầm gậy. Người đập niêu đập hụt, lao hướng về Tình.
Tình nghe tiếng Nụ gào lên nhưng giọng chìm trong biển người:
"Tình ơi, tránh ra."
Mọi người xung quanh Tình đã tản ra kịp, nhưng Tình thì chưa biết chuyện gì.
"Ối, có người, đừng đập!"
"Ê."
"Kìa, có người!"
Người bị bịt mắt không biết xung quanh đang nói mình hay nói người đập khác, nhưng có nói cũng không kịp, anh ta vừa bị vấp, đang theo đà, không dừng được. Chợt, cổ tay Tình có người giật lại, Tình ngã dúi dụi vào lồng ngực rắn chắc của người phía sau, nhờ vậy mới không bị đập trúng. Một mùi hương thơm nhẹ vây lấy Tình.
"Cẩn thận." Giọng nói của người kia chỉ vừa đủ Tình nghe được.
Mọi người xung quanh ồ lên, Tình đứng được vững mới quay đầu ngẩng nhìn. Gương mặt kia cúi xuống gần kề, một người vẻ ngoài rất đẹp, đôi mắt sắc đang híp lại, lông mày hơi nhíu. Tình nhỏ giọng:
"Em cảm ơn."
"Tình ơi?" Nghe giọng chị Nụ gần hơn, Tình ngó nghiêng. Nụ qua một lúc đã chui được đến chỗ Tình đứng, Nụ thở phào một hơi.
"Sao rồi, có sao không? Bị đập trúng không?"
Nãy Nụ thấy người kia lao về cái Tình, Nụ sợ chết khiếp. Tình lắc đầu, định chỉ cho Nụ xem người đỡ mình, nhưng quay lại đã không thấy ai.
"Nhìn cái gì đấy?"
"Nãy có người." Tình định giải thích, mà lại thôi.
"Ai cơ?" Nụ nhón chân nhìn ra sau, "Ơ ai quen nhỉ?" mắt Nụ nhìn theo người mặc chiếc áo dài xanh cao cao đang khuất dần lẫn vào dòng người.
Xảy ra chuyện vừa nãy nên hai chị em cũng không ở lại nữa, quay về tìm anh Lý. Anh Lý cầm hai cốc nước đứng đợi sốt ruột, thấy bóng dáng liền mắng cho cả hai một trận.
"Sao đi đâu không bảo anh?"
Nụ nhăn mặt, nãy đã dặn Tình rồi nên giờ chỉ cần Nụ nói thôi.
"Em đau bụng."
Không, Nụ không đời nào dám nói là kéo Tình đi chơi rồi suýt thì làm con Tình bị người ta đập vỡ đầu đâu. Nói vậy anh cho cả hai đứa về khỏi hội hè gì nữa thì toi. Tối nay còn có lễ thả hoa đăng, Nụ muốn chơi tiếp. Nụ cũng muốn thả hoa đăng. Nụ chưa bao giờ thả hoa đăng.
***
Tối, mấy anh em mua đồ ăn rồi ăn luôn bên ven sông Dạ, không định về. Tình đã mệt lử, ai kéo đi đâu thì đi theo đấy, Nụ biết mọi người chiều ý mình, nên cứ chốc chốc lại quay sang hỏi Tình mua gì không, Tình trả lời không hay có thì cuối cùng cũng ôm cả đống đồ Nụ mua cho, nào vòng, nào kẹp tóc, Nụ nhét cho đầy cả hai túi.
Tất nhiên có anh Lý thì không đến lượt Nụ trả tiền, Nụ trả còn bị anh mắng thêm.
"Nốt thôi, thả đèn xong thì mình về."
Tình không ý kiến, xem như đồng ý.
Tới giờ Tuất, hai bờ sông Dạ người đứng đầy, đã lác đác bắt đầu thả đèn hoa. Nụ hào hứng lắm. Nhưng đến lúc cầm trong tay ba chiếc đèn, chia cho anh Lý với Tình xong, Nụ lại ngẩn người. Nụ chưa biết ước gì.
Tình là người thả đèn đầu tiên, đáy mắt nó thu vào hết hình ảnh mặt sông Dạ, đèn hoa trôi dập dềnh, ánh sáng toả nhẹ lung linh, lung linh...
Tình không ước, nó chỉ thả thế thôi.
Anh Lý cũng thả kế tiếp Tình, không biết anh ước gì, nét mặt đậm ý cười, lúc dịch mắt sang, anh đứng gần Tình nhất, anh Lý nhìn được rõ gương mặt nó dưới ánh đèn lồng treo hai bên bờ, nhìn thấy cả vườn hoa đăng trong đôi mắt của nó. Lý thoáng ngẩn người.
Năm nay Tình 16. Đã một năm không đi chăn trâu, không đi làm đồng, chỉ ở nhà đan rổ bán lên Huyện, Tình không còn là cô bé đen nhẻm ngày anh gặp lần đầu tiên, nước da nó trắng lên trông thấy. Đôi mắt đẹp, trong và sâu, hàng mi dày đậm cong cong. Môi nó đỏ thắm như người nhai trầu. Mái tóc ngắn buồn cười ngày nào giờ đã là suối tóc đen nhánh dịu dàng. Cả gương mặt thanh thoát, các đường nét tinh tế, đẹp như vẽ.
Tình đã thành thiếu nữ. Làng Lỵ không tìm được người đẹp hơn nó. Kể cả Lý đã từng lên Huyện với ông Điền nhiều lần, cũng chưa thấy ai bằng Tình.
Càng ngắm lâu, càng ngấm, càng say.
Lý dời ánh mắt, nhìn sông Dạ.
"Chị Nụ."
Tình gọi, Nụ giật mình thoát ra khỏi những suy nghĩ choáng ngợp trong đầu, Nụ cười gượng gạo, thả đèn xuống sông.
Nước xô đèn hoa trôi đi xa, hoà vào những chiếc đèn khác, theo dòng chảy lững lờ.
"Đẹp quá!" Nụ nhỏ giọng thốt lên. Tình nắm lấy tay Nụ. Hai chị em nhìn nhau.
"Về thôi." Đến khi không còn phân biệt được đèn ai trôi với đèn ai, Nụ kéo tay thấp giọng nói với Tình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro