Chương 168
Tuyên Thái hậu vuốt tóc Việt Hoàng hậu, dịu dàng nói: "Ta cũng định mời muội, nhưng muội tự tới, đỡ Thiếu Thương phải đi chuyến nữa... Bệ hạ, để ta được nói chuyện với Việt muội muội đi."
Hoàng đế gật đầu, bước chân chập chững đi ra ngoài.
Việt Hoàng hậu giàn giụa nước mắt ngẩng mặt lên: "A tỷ yên tâm, chỉ cần ngày nào còn có ta, Tuyên thị tất vẫn yên ổn."
"Ai cần dựa vào muội." Tuyên Thái hậu thở gấp cười, "Có Tử Đoan rồi, nó vừa thận trọng lại tài năng, ta rất yên tâm. Giờ ta muốn nói chuyện khác." Bà hít sâu một hơi, nói từng chữ một: "A Hằng, lần Đông Hải vương bị ám sát năm mười chín tuổi, ta chưa bao giờ nghi ngờ muội."
Việt Hoàng hậu nhìn bà: "Ta biết. Năm ấy Tây Ninh Điếu vương chết yểu, ta cũng chưa từng hoài nghi tỷ."
Hai người nhìn nhau một hồi lâu, rồi đồng thời mỉm cười.
Việt Hoàng hậu gạt lệ cười nói: "Ta hiểu nhân phẩm của tỷ, vì thế chưa bao giờ nghe người ta xúi giục, cũng giao các con cho tỷ chăm sóc."
Tuyên Thái hậu nói: "Ta cũng biết muội muội chưa từng hiểu lầm ta, nên không sợ bên ngoài đồn thổi, mạnh tay điều tra cung đình, tìm ra những kẻ gian từ tiền triều đang ẩn nấp."
"Thần Am a tỷ..." Việt Hoàng hậu dán mặt vào bàn tay gầy guộc của Tuyên Thái hậu.
Tuyên Thái hậu dùng tay kia vỗ nhẹ bà: "Ta biết, ta biết. Nếu muội không phải muội, ta không phải ta, nếu hai ta chỉ là tiểu tỷ muội quen biết bình thường, thì hay biết bao..."
Cả hai họ có tính cách khác nhau, lập trường ngược nhau, nhưng vẫn luôn tán thưởng đối phương, mấy chục năm qua chưa bao giờ ngờ vực.
Nói nhiều như thế khiến Tuyên Thái hậu rất mệt, bà nghiêng người tựa vào túi dựa, khó nhọc nói: "Thiếu Thương, con ở đâu, mau lại đây!"
Việt Hoàng hậu thấy ánh mắt bà ngày càng mất tiêu cự như không nhìn thấy gì, trong lòng đau đớn không thôi.
Thiếu Thương vội bước ra từ sau bức bình phong, quỳ xuống trước giường: "Nương nương, thiếp ở đây, nương nương có gì sai bảo."
"Thiếu Thương, thổi một khúc đi, ta muốn nghe con thổi sáo. Để Việt nương nương cũng nghe, à phải, gọi bệ hạ và các con vào đi..." Tuyên Thái hậu không thở nổi.
Việt Hoàng hậu sốt ruột, không đợi Thiếu Thương lui ra truyền báo, bà đã lập tức chạy ra kéo Hoàng đế vào, các hoàng tử công chúa im lặng theo sau, Hoắc Bất Nghi cũng ở trong số đó
Thiếu Thương thử sáo mấy lần, cuối cùng chậm rãi thổi một khúc – chính là khúc Trúc Chi Điệu mà Tang phu nhân đã dạy nàng năm ấy, nhưng nửa sau đã được Thiếu Thương biên soạn lại, kế đoạn trước nhẹ nhàng vui tươi là vẻ buồn bã của bể dâu, người nghe không khỏi cảm khái muôn vàn.
Tuyên Thái hậu nhìn hư không, yếu ớt thều thào: "... Thực ra phụ thân cũng thích thổi sáo, nhưng thối không hay. Bệ hạ, cơ thể ta sẽ được an táng ở hoàng lăng, liệu có thể cho phép ta cắt một nắm tóc, để Thiếu Thương đốt thành tro, đem về ngọn đồi phụ thân đã ẩn cư ngày trước, rải tro theo gió? Từ nhỏ ta đã ngưỡng mộ cuộc sống tự do tự tại của phụ thân, nhưng đời này ta lại không thể tự do, chuyện gì cũng phải nương nhờ người khác."
"Chỉ mong kiếp sau gặp được thái bình thịnh thế, để ta không còn phải đau khổ, mong kiếp sau cha mẹ an khang sống thọ, để ta không cần gian nan vất vả, mong kiếp sau có thể làm phú ngày xuân, ngâm ca rừng núi... Việt muội muội, có phải nguyện vọng của ta tham lam quá không."
"Tử Côn, con đừng đề phòng rụt rè nữa, vinh hay nhục đã sao, phải rộng lượng mới có thể sống lâu dài. Địch ảo sẽ được Hoài An vương phụng lão, giờ nó trưởng thành rồi, ta cũng rất vui... Tử Thịnh, ta không trách con, con là đứa trẻ tốt, con cũng đã rất khổ, nhưng con luôn hiếu thảo với ta, cũng rất tốt với Đông Hải vương..."
"Thiếu Thương, con bị ta liên lụy mấy năm, nay làm phiền con một lần cuối cùng..."
Người phụ nữ trên giường đã chấm dứt sinh mệnh trong tiếng sáo dập dìu lưu luyến, thái y thu lại phiến lông thăm dò ở mũi Tuyên Thái hậu, quỳ xuống trước mặt Hoàng đế bẩm báo. Hoàng đế bỗng ngã phịch xuống, nước mắt tuôn rơi, Việt Hoàng hậu đứng bên cũng lặng lẽ nhỏ lệ.
Các hoàng tử công chúa, kể cả cung nữ hoạn quan xung quanh òa khóc nức nở, âm thanh vang vọng một vùng.
Thiếu Thương loạng choạng bước ra khỏi tẩm điện, như đứa trẻ đi lạc thả bước lung tung.
Trong mắt nhiều người, Tuyên Thái hậu không phải là trưởng bối tốt, bà day dứt cả đời, trầm mê chuyện cũ mà sơ suất dạy dỗ con gái, nhưng với Thiếu Thương, bà là người bao che không cần biết lý do, cũng tin tưởng không cần biết nguyên nhân.
Là sự nuông chiều nàng mong ngóng cả đời mà chẳng thể có.
Từ nay trở đi, không còn âm thanh dịu dàng bù đắp cho tuổi thơ trống vắng của nàng nữa, không còn ai rộng lượng bao che cho những thiếu sót khiếm khuyết của nàng, cũng sẽ không còn ai chắn gió che mưa cho nàng vô điều kiện như vậy nữa rồi.
Kể từ bây giờ, nàng phải tự mình đương đầu.
Cuối cùng, Hoắc Bất Nghi tìm thấy cô gái ngồi xổm trong góc tường, rấm rứt trong im lặng. Con tim chàng quặn đau – nàng không thích khóc trước mặt mọi người, thói quen này đến nay vẫn không thay đổi.
A Trữ đi theo giật mình, vội nói: "Nữ công tử chớ nghĩ nhiều nữa, Tuyên nương nương đã về với cõi tiên, nếu nữ công tử vẫn buồn phiền vì nương nương, nương nương ở dưới suối vàng sẽ không yên tâm đâu."
Thiếu Thương cười: "Phó mẫu nghĩ đi đâu thế, ta chỉ buột miệng nhắc vậy thôi. Sống với nhau nhiều năm, cơ thể nương nương thế nào ta còn không biết ư, bệnh cũ quá nặng, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày này. Cũng may nương nương ra đi trong yên bình, ta cũng bớt khó chịu."
Vì mùa hè rất khó bảo quản di hài, nên đồ vật lễ nghi quy chế cần thiết đều đã được chuẩn bị xong từ lâu, Tuyên Thái hậu mới qua đời chưa tới một tháng đã hoàn thành chương trình tang lễ, hợp táng lăng Mang Nguyên Bắc đã được xây dựng từ trước, theo các tướng sĩ nói, đó là nơi thổ nhưỡng rất phong thủy.
Thiếu Thương đờ đẫn hoàn thành toàn bộ quá trình, sau đó ban thưởng phân phát cung nữ và hoạn quan, khóa cửa Vĩnh An cung, trả lại tiết phù và lệnh bài của cung lệnh cho Việt Hoàng hậu, cuối cùng mệt mỏi về nhà.
Chỉ mới nằm xuống mà cuộc sống được "chăm nuôi" đã trôi qua một tháng.
Nàng biết trong thời gian này Hoắc Bất Nghi đã đến tìm mình nhiều lần, nhưng lần nào cũng bị Tiêu phu nhân từ chối, nói muốn để con gái nghỉ ngơi dưỡng sức. Mà Hoắc Bất Nghi cũng không có nhiều thời gian quấn lấy nàng, không lâu sau khi Tuyên Thái hậu qua đời, những đại tộc binh trưởng phản đối lệnh độ điền ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng gây nên nổi loạn vũ trang, vì thế quân đội vừa gác binh đao năm ngoái lại lần nữa tụ tập xuất chinh.
Thái tử tức đến méo miệng, dạo gần đây biểu cảm của hắn chỉ thay đổi giữa hai dạng cảm xúc: nghiêm túc và nghiêm túc hơn; cũng chỉ có Hoàng lão bá đã trải đời mới giữ được bình tĩnh.
"Cắt đứt tài lộ của người ta cũng như giết cha mẹ người ta vậy. Người ta đang yên ổn làm chúa địa phương, ruộng đất càng khoắng càng rộng, gia nô ngày một nhiều, tới huyện lệnh thái thú cũng phải nhìn mặt bọn họ. Nếu bây giờ quan phủ cứ cương quyết nhúng tay, ắt bọn họ sẽ không chịu bỏ qua." Hoàng đế trấn tĩnh, "Không sao, đánh một trận là xong."
Trong lúc Thiếu Thương cù rù ủ rũ, Hoàng đế đã đưa binh trấn áp vài cuộc nổi loạn, nhưng chuyện không mấy thuận lợi, dưới cơn nóng giận, Hoàng đế cho triệu Ngô đại tướng quân đang đóng cửa tự ngẫm hồi kinh. Triều đình lại một phen bày tỏ Ngô đại tướng quân đồ thành sát hàng, hung danh vang xa, nếu để ông ta dẹp loạn e rằng sẽ làm liên lụy bách tính vô tội!
Hoàng đế nói: "Vậy các khanh cho rằng phải làm thế nào."
"... Đám phản tặc này, khi tù tập thì đòi giết quan địa phương, lúc tản ra lại lẩn vào núi rừng um tùm, quân lính đến bao vây thì bọn chúng trốn, quan phủ thu binh thì chúng lại nhảy ra phản kháng làm loạn. Bệ hạ, nay thiên hạ đã chiến tranh nơi nơi, dân chúng rất lầm than! Thần khẩn cầu bệ hạ thu hồi mệnh lệnh đã ban, chuyện độ điền cũng hẵng từ từ!" Quan viên phản đối độ điền khóc chảy nước mắt nước mũi ngay trên triều.
Thôi Hầu bĩu môi: "Có phải chiến tranh nơi nơi đâu, chỉ có bốn châu Thanh Từ U Ký mới rầm rộ nhất, các châu quận khác đều được quan phủ đàn áp, đã buông vũ khí đầu hàng."
Tứ hoàng tử không hiểu: "Vì sao bốn châu này là rầm rộ nhất?"
Ngu Hầu cười nói: "Vì bốn châu này có núi có biển, có lợi buôn bán cá muối hàng hải, hào tộc địa phương rất giàu có, thế lực lớn mạnh. Hơn nữa, bọn họ cũng ở cách xa triều đình. Không như Dương Châu, dù có núi sông rộng rãi nhưng cỏ trạch thưa thớt, hào tộc danh vọng không được mấy nhà."
Tứ hoàng tử đã hiểu.
Một quan viên khác lại nói, "Bốn châu Thanh TỪ U Ký diện tích bát ngát, dân số đông đúc, lại còn là trọng trấn thu thuế, nay loạn xảy ra, thiên hạ chấn động, xin bệ hạ nghĩ lại!"
Kỷ Tuân lạnh lùng nói: "Lẽ nào ông cho rằng bệ hạ ném chuột sợ vỡ bình, chỉ vì sợ thế lực hào tộc ở bốn châu này mà phải hủy bỏ chính lệnh của triều đình?!"
Quan viên kia cười lạnh: "Đừng có nói đường hoàng như vậy! Quận Cảnh Thăng chiến công trải rộng nhưng bây giờ ra sao, quan viên lừa đảo, dần dà không thấy điền thổ dân số, bao che chư vị công thần, nhưng lại hà khắc với các châu các quận khác, thử hỏi người trong thiên hạ tin phục thế nào!"
Lời vừa thốt ra, quá nửa trọng thần trên triều trợn mắt với ông ta, xét về phương diện nào đó thì quan viên này nói không sai.
Thái tử tái mặt, lạnh lùng nói: "Ngay hôm qua, ta đã bẩm báo với phụ hoàng chuyện quận Cảnh Thăng có tình trạng lừa đảo, quan viên không độ điền thành thật. Phụ hoàng đã phái người kiểm tra, hôm sau sẽ xách thủ cấp của những mệnh quan không thành thật đó về cho các hạ nhìn, ắt hẳn 'người trong thiên hạ' sẽ phục!"
Các quan viên phản đối chuyện độ điền hậm hực ngồi xuống; một người trong đấy vẫn còn bất bình, lớn tiếng hỏi: "Đại phò mã thấy thế nào? Nhà của phò mã cũng là thế tộc Thanh Châu còn gì!"
Đại phò mã lúng túng, nhìn trái nhìn phải rồi nói: "Tử Thạnh, cậu vừa uyên bác lại có mưu lược, cậu có ý kiến gì không?"
Hoắc Bất Nghi nhìn quan viên nọ, lạnh lùng nói: "Bệ hạ, chư vị đại nhân, theo thần thấy, với thiển ý của thần, cuộc nổi loạn lần này chia làm hai kiểu. Kiểu thứ nhất, dân chúng vô tội bị quan phủ bóc lột, cho rằng triều đình lấy cỏ khô nhà bọn họ điền vào ruộng nương để dễ thu thuế của bọn họ, điều đó đã kích động dân chúng nổi dậy. Những người này, vỗ về bình định là chính, tiêu diệt là phụ, nói rõ mọi chuyện sẽ tự động phân tán, nếu không chịu đầu hàng thì giết sau vẫn chưa muộn."
Hoàng đế gật đầu.
"Kiểu thứ hai, chính là hào tộc địa phương lôi kéo bách tính ngu muội, chống lại lệnh của triều đình. Đối với những người này thì cần phải dạy dỗ thật kỹ, rằng trên đời này rốt cuộc ai mới là người quyết định. Ừm, con đường này có thể phải làm phiền Ngô đại tướng quân rồi." Hoắc Bất Nghi nói.
Ngu Hầu phát hiện khóe môi Hoàng đế nhếch lên, sắc mặt Thái tử cũng dịu đi.
Ngô đại tướng quân chau mày: "Ta nhận khúc xương cứng, còn cậu thì sao hả Tử Thạnh?"
Ngu Hầu cúi đầu cười, nghĩ bụng Hoàng đế sao có thể để con nuôi làm chuyện đắc tội với người ta được.
Hoắc Bất Nghi thong dong trả lời: "Thuở nhỏ thần là người ôn tồn lễ độ, tâm địa yếu mềm, sẽ dùng lời dạy bảo của thánh nhân để khai sáng cho những bách tính mê muội kia."
Tứ hoàng tử lùi một bước, sờ mặt mình, nói với vẻ quái gở: "Ngươi ôn tồn lễ độ?" Có năm hắn lắm mồm, chỉ mới nghị luận vài câu chuyện cũ hai nhà Hoắc Lăng mà đã bị người đó làm sái cả quai hàm.
Nhị hoàng tử sờ vết sẹo sau gáy, lẩm bẩm: "Ừ, ngươi tâm địa yếu mềm."
Hoắc Bất Nghi ngoảnh mặt đi, phớt lờ tất cả.
Cuối cùng Hoàng đế đưa ra kết luận: "Tóm lại vừa vỗ về vừa trấn áp. Nếu người nổi loạn tự động đầu hàng thì trẫm sẽ không so đo, nhưng nếu tiếp tục hồ đồ ngu xuẩn, một khi tra ra đầu não của loạn quân, toàn tộc sẽ bị đày đến Bắc bộ Tịnh Châu và Nam bộ Dương Châu. Thứ nhất hai châu này đất rộng người thưa, bọn họ có thể sinh sống, thứ hai có thể ngăn cản liên lạc với quê nhà, nổi loạn sẽ tự chấm dứt."
Người trong nghề ra tay, biết ngay có hay không. Hoàng đế nói nghe dễ chứ thực ra kế này rất thâm sâu.
Xét cho cùng, cuộc nổi loạn lần này không phải là vinh nhục cá nhân mà là lợi ích của gia tộc, tra rõ nhà nào ủng hộ nổi loạn thì nhổ gốc rễ của gia tộc ấy chuyển đi nơi khác, đó gọi là giải quyết tận gốc.
Hoàng đế vừa dứt lời, các quan viên vừa rồi còn cứng cổ lập tức quỳ sụp xuống năn nỉ: "Bệ hạ, trăm triệu lần không thể! Từ cổ chí kim, kẻ sĩ khó rời quê cha đất tổ. Cùng lắm xử tử vài người trong nhà, nếu chiếm đất dời đi, vừa mất tiền vừa không quen phong tục đất đai, khác gì hủy gia diệt môn!"
Hoàng đế hòa ái nói: "Ái khanh nói quá rồi, sau khi di chuyển quan phủ cũng sẽ cho bọn họ đất đai, sao có thể nói là diệt môn. Kể từ hôm nay, nếu có người thật lòng hối cải thì không cần di chuyển toàn tộc, còn nếu vẫn kiên quyết không sửa đổi, chi bằng đổi nơi khác suy ngẫm thật kỹ. Ý trẫm đã quyết, các khanh không cần nói nhiều!"
***
Bên ngoài mưa sầu gió tủi, như mọi khi Trình Thiếu Cung kể chuyện này cho bào muội giải trí, Thiếu Thương cảm khái: "May mắn nhà ta giàu muộn, ruộng đất nhân số không nhiều, không sợ bị kiểm tra."
Băng qua sân vườn, Thiếu Thương men theo lùm cây xanh biếc đến gần thủy tạ, thấy tỳ nữ tất bật chuyển những món đồ như hộp cơm sơn mài tám cạnh hay bình rượu trái cây vào, bèn cười hỏi: "Có phải tổ mẫu đã khỏe rồi không, hôm nay còn ra sân hóng gió cơ à."
A Trữ cười thưa: "Lão phu nhân ở trong phòng bí bách quá, mấy ngày rồi cứ đòi ngoài hóng mát, vừa khéo hôm nay Vạn lão phu nhân cũng đến, nữ quân bèn mở tiệc ở thủy tạ. Nếu nữ công tử đến chung vui, chắc hẳn đại nhân và nữ quân vui lắm."
Thiếu Thương cười không đáp, mon men đi đến sau thủy tạ, đồng thời ra hiệu không để tỳ nữ bẩm báo. Nàng nấp sau cột trụ, cũng để nhóm A Trữ trốn đi, lắng nghe tiếng cười nói trong thủy tạ.
"... Mẫu thân thật là, nếu mẫu thân đã khỏe thì con trai lên đường đây!" Trình Chỉ sốt ruột, "Giờ khắp nơi đang nổi loạn, con trai là Huyện lệnh, phải tận trung với cương vị!"
Trình Thủy cảm khái: "Hầy, Tam đệ quả là may mắn. Có tai họa nào là đệ ấy cũng có thể tránh được... Này này, mọi người đã nghe chuyện của Huyện lệnh huyện Li chưa?"
Vạn lão phu nhân mở con mắt duy nhất: "Là Huyện lệnh đầu hàng loạn quân đúng không? Chẳng phải đã uống thuốc độc tự vẫn rồi à."
"Đúng thế! Hầy, kể ra Huyện lệnh ấy cũng thật đáng thương, trong tay chỉ có chút ít người, mà loạn quân bao vây ngoài thành lại như thủy triều, y khổ sở cầm cự mấy chục ngày mới đầu hàng. Kết quả hai ngày sau đại quân triều đình đã đến, y lập tức bị tống vào ngục luận tội."
Trình Thủy thở dài: "Không ít quan lại địa phương đều gặp chuyện này, đại quân triều đình rút lui, loạn quân lại nổi dậy, bọn họ không chống đỡ được, không chết thì đầu hàng, nào có con đường thứ ba. Bây giờ chỗ của A Chỉ được hai Huyện thừa cai quản, dù không cầm cự nổi thì triều đình cũng sẽ không so đo với hai tiểu lại bé nhỏ, A Chỉ đúng quá đỏ!"
Trình mẫu vỗ tay vui mừng: "Thần linh tứ phương phù hộ, A Chỉ phúc lớn mạng lớn, gặp nạn cũng hóa cát lành... Phủi phui, không được gặp nạn... Ta muốn nói là, năm đó ta sinh A Chỉ vào giờ lành, mây tía rợp trời, lúc như hình rồng, lúc như hình hổ..."
"Tổ mẫu, không được nói lung tung như vậy đâu, xưa nay chỉ có đế vương giáng thế mới có điềm báo trên trời..." Trình Vịnh cau mày.
Trình Thiếu Cung lẩm bẩm: "Cũng có thấy đâu."
Trình mẫu không vui: "Nói ở trong nhà chút thì sao hả!"
"Đúng thế đúng thế, không chừng Tam thúc cũng có thể làm tướng văn tướng võ..." Vạn Tụng như sợ thiên hạ chưa đủ loạn.
Thê Thê hồ nghi: "Tam thúc cũng có thể lãnh binh đánh giặc à? Sao ta không nghe nói... Oái oái..."
Doãn Hủ Nga cười rất tươi, nhéo nàng ngay dưới bàn.
"Thê Thê nói không sai." Tang phu nhân mỉm cười, "Tam thúc mấy đứa chớ nói là dẫn binh đánh giặc, mới cưỡi ngựa lâu một tí đã đau hông đau chân. Lần này ông ấy xin Thái thú cho nghỉ về nhà, ông ấy vừa đi là nổi loạn vùng lên, cũng may vị Thái thú hiểu chuyện binh, lỡ có chuyện bất trắc thì đây là vị cấp trên thứ ba hy sinh tại nơi Tam thúc mấy đứa bổ nhiệm."
"Người thứ ba?!" Vạn Tụng và Thê Thê khó tin.
Trình Thiếu Cung bắt đầu sờ tiền bói trong tay áo, muốn bói một quẻ cho thúc phụ nhà mình.
"Ừ, bao giờ cũng là cấp trên hy sinh oanh liệt, còn thúc phụ mấy đứa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Ta cũng không thoát, lúc thì bị cảm lạnh, khi lại bị gãy chân, còn thúc phụ mấy đứa chẳng mất cọng tóc nào." Tang phu nhân chế giễu, "Lần này chúng ta lại tìm được lý do rồi đấy."
Mọi người trong thủy tạ cười to, liên tục chúc Trình Chỉ may mắn cả đời. Trình Ương đã mang thai, cùng Ban Gia xấu hổ nhìn nhau cười, lòng hằng mong mai này con cái cũng có được may mắn như vậy.
Chỉ có Trình mẫu rất bất mãn, chất vấn Tang phu nhân: "Cô có ý gì hả, chồng cô không chết cô thấy khó chịu đúng không, có phải chờ tái giá không? A Chỉ may mắn là nhờ ta sinh giờ..."
"Giờ nào! Tiệc nhà đang yên vui, bà đừng nói chuyện mất hứng nữa." Thấy Trình mẫu sắp ra oai, Vạn lão phu nhân trầm giọng nói, "Ta thấy Thuấn Hoa nói không sai, tuy chúng ta không thẹn với lương tâm, nhưng không tránh được có kẻ nói bóng nói gió, nói A Chỉ tham sống sợ chết. Trình Hiệu úy, Nguyên Y, đợi Tử Cố và Thuấn Hoa quay về thì nhớ san nhiều bộ khúc năng chinh thiện chiến đi cùng, cũng hỗ trợ dẹp loạn trên đường đi, mai sau giải thích cũng tròn."
Trình Thủy cười đáp: "Bá mẫu chu đáo quá, vãn bối tự thấy không bằng."
"Về? Ngoài kia đang chiến loạn còn về cái gì! A Chỉ đừng đi nữa, mai mốt làm quan cũng được, giờ không làm nữa! Có huynh trưởng con rồi, sau này tìm nơi khác tốt hơn làm Huyện lệnh, bây giờ cứ ở nhà đi!" Trình mẫu hốt hoảng.
Trình Thừa nhỏ nhẹ lên tiếng: "Mẫu thân vẫn còn lo..."
"Lo cái gì, anh thì biết gì hả, anh im miệng cho ta..." Trình mẫu lớn tiếng trách con thứ.
Trình Thừa im lặng, Thanh Thung phu nhân siết tay ông ở dưới bàn, ông cảm kích mỉm cười.
Trình Chỉ la hét: "Thứ huynh nói đúng lắm, mẫu thân đừng phá đám nữa. Con là mệnh quan triều đình, sao có thể bo bo giữ mình, vả lại mẫu thân tưởng triều đình là quán rượu huynh trưởng mở à, muốn làm quan là làm được chắc!"
"Tại sao lại không! Cho dù huynh trưởng con không tiện, không phải còn Hoắc Hầu quyền thế gì đó à, lần sau người ta đến cứ để cậu ta vào..."
Bà chưa nói xong câu thì vợ chồng Trình Tiêu đã sầm mặt.
"Trước kia ta còn thấy lạ, tại sao nhiều năm như thế mà Thiếu Thương không đoái hoài tới bà, thật quá nhẫn tâm." Vạn lão phu nhân lắc đầu, "Nhưng nay xem ra, hai nhà gộp lại chỉ có một mình nó biết nhìn người. Tới tận bây giờ mà bà vẫn cố chấp không thay đổi!"
Trình mẫu có vẻ khá sợ Vạn lão phu nhân, chần chừ nói: "Ta hối hận rồi, ngày trước ta bị ma xui quỷ khiến, nghe lời con tiện nhân Cát thị xúi giục nên suốt ngày gây sự với con trai và vợ nó, làm hại Niệu Niệu..." Nhưng bà lại không phục, "Mà không phải sau đó nó vẫn sống tốt à, nhi lang tuấn tú đến cầu hôn không ngớt, chúng ta cũng tổ chức tiệc đính hôn ba lần còn gì!"
"Mẫu thân!" Trình Thủy quát, "Mẫu thân đừng nói lung tung nữa!"
"Được được được!" Trình mẫu ù tai, xuống nước, "Ta biết sai rồi, ta biết sai rồi! Ông trời trên cao, nếu có thể làm lại từ đầu, ta chắc chắn sẽ tốt với Niệu Niệu, để nó được đoàn viên với các con! Lời này rất thật lòng, nếu có nửa lời nói dối, sau khi chết ta sẽ bị rút lưỡi đày xuống địa ngục!"
Với bà lão này thì lời thề ấy vô cùng chân thành.
Thiếu Thương đứng sau cột mỉm cười.
"Tổ mẫu đã khỏe, đừng nhắc tới chết chóc nữa được không." Trình Vịnh kiên nhẫn nói, "Trả may mắn trời cao, Tuyên Thái hậu đã từ trần, tổ mẫu lại khỏe lên. Sau này, tổ mẫu cứ nghỉ ngơi điều dưỡng cho tốt là con cháu mừng rồi."
"Trưởng tôn nhà ta thật khéo ăn nói." Trình mẫu hớn hở.
Vạn lão phu nhân hừ lạnh: "Nếu bà chưa chết thì ta đem quan tài gỗ lim nạm vàng về. Còn tưởng bà sẽ dùng trước, quả nhiên gieo họa dài ngàn năm."
"Đúng vậy đúng vậy..." Trình Chỉ thuận miệng đáp.
Trình mẫu nổi đóa: "Cái thằng này, anh dám nói ta gieo họa?!"
"Không không, con trai nói mẫu thân có thể sống tới ngàn năm!" Trình Chỉ vội nói.
Trong thủy tạ lại cười ầm.
"Được rồi được rồi, mọi người đừng trách ta nữa, ta thực sự biết sai rồi. Sau này Niệu Niệu muốn lấy ai cũng được, có chồng hay không không thành vấn đề, dù gì trong nhà cũng nuôi nổi nó. Nay ta nói trước, mai sau ta qua đời, vàng bạc lụa là ta tích cóp mấy chục năm qua đều cho Niệu Niệu cả, dù con bé không lấy chồng cũng có thể sống sung sướng suốt đời. Không tin cứ hỏi bà Hồ đi! Ta biết lỗi như vậy còn chưa đủ thành ý hả!" Trình mẫu rầu rĩ.
Trình mẫu yêu tiền như mạng, nhưng không biết chuyện Tuyên Thái hậu đã ban thưởng cho Thiếu Thương trang viên nô bộc, bảo đảm đời này không cần lo lắng, mọi người thấy bà đau lòng xót xa thì vô cùng vui mừng.
Thiếu Thương lắc đầu, chậm rãi xoay bước rời đi, bỗng cảm thấy lòng mình thoải mái lạ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro