chương 2
Thanh Pháp vừa dọn dẹp xong sạp cá, cúi người chào mọi người trong chợ chuẩn bị ra về thì chị Nhi - bà bán rau ngay sạp bên cạnh - chạy vội tới, dúi vào tay cậu một bó rau xanh mướt. Chị cười xởi lởi, giọng thân mật:
“Cầm lấy, Pháp! Rau này sáng nay chị mới hái, về nấu ăn đi. Suốt ngày đứng chửi lộn với bà Sáu mà không bồi bổ, mai mốt yếu xìu là không cãi lại đâu đấy!”
Thanh Pháp ngẩn người, nhìn bó rau tươi còn đọng hơi sương rồi ngước lên, cười tươi:
“Trời ơi, chị Nhi cho con thiệt hả? Rau này ngon quá trời luôn, con còn chưa kịp mua gì hết!”
Chị Nhi cười, khẽ vỗ vai cậu:
“Thương thì cho. Coi bộ hôm nay cậu bán đắt quá ha, còn mỗi đống cá bống cũng bay sạch. Mai mốt có đồ gì ngon thì để phần cho chị ít nha!”
Pháp gật đầu, nắm chắc bó rau trong tay, trong lòng thấy ấm áp lạ thường. Cậu chào chị Nhi và mấy người xung quanh rồi hối hả ra về, lòng thầm nghĩ: “Mai chắc phải mang mấy con cá ngon nhất qua trả lễ cho chị.” Khu chợ dần khuất sau lưng, nhưng tiếng cười nói, tình cảm mộc mạc của mọi người vẫn vương vấn trong tâm trí cậu, khiến bước chân Pháp càng thêm rộn ràng.
Ở chợ, không ai là không biết đến "mỏ hỗn" Thanh Pháp. Dù nổi tiếng với những trận chửi "mượt mà" mà ai nghe cũng phải lắc đầu le lưỡi, cậu lại được bà con thương mến hết mực. Có những khách bướng bỉnh, trả giá kì kèo, nhưng một khi gặp Pháp, họ đều phải chịu thua. Cậu không bao giờ ngại cãi lại, nhất là với mấy khách "gắt" như bà Sáu. Cứ nghe tiếng cậu mắng là cả chợ lại náo nhiệt, và ai cũng phải bật cười vì cái duyên lạ lùng của cậu.
Nhưng điều khiến người ta nhớ mãi về Thanh Pháp, ngoài cái mỏ hỗn đã thành “thương hiệu,” chính là vẻ ngoài nổi bật giữa chợ quê. Dáng người cao ráo, làn da ngăm khoẻ khoắn, mái tóc bồng bềnh mỗi khi gió sớm thổi qua, và nhất là nụ cười rạng rỡ của cậu – nụ cười ấy vừa trong sáng lại vừa rực rỡ, như ánh nắng chiếu vào buổi sớm, khiến ai cũng muốn ngắm lâu hơn một chút. Nhiều cô bán hàng còn đùa rằng Pháp là "mỹ nam" của chợ, vừa đẹp trai lại vừa có "mỏ hỗn" không ai địch nổi.
Thế là, dù có chửi cỡ nào, ai nấy vẫn thích ghé sạp cá của Pháp. Người ta nói đùa với nhau rằng, đến sạp cá của cậu là vừa được mua cá tươi, vừa được "xem phim" với những màn đấu khẩu không hồi kết. Cũng lạ, trong cái vẻ hỗn hào ấy, lại có một nét gì đó khiến người ta thấy cậu duyên dáng đến lạ, chẳng ai nỡ giận cậu lâu.
Khi chiếc ô tô sang trọng đỗ trước cổng, bà Hương chạy ra tận nơi, mắt sáng rỡ, nụ cười tràn đầy niềm vui và tự hào. Từ trong xe, Đăng Dương bước xuống – con trai cưng của bà, người mà bà luôn nhắc đến với cả xóm suốt bao năm. Vừa nhìn thấy Dương, bà đã ôm chầm lấy, giọng đầy trìu mến:
“Dương ơi, cuối cùng cũng về rồi! Mẹ nhớ con quá!”
Đăng Dương mỉm cười, cúi người ôm lấy mẹ. Chưa gì, sự xuất hiện của cậu đã thu hút không ít ánh nhìn. Đôi mắt sắc sảo, khuôn mặt điển trai và phong thái thanh lịch của cậu nổi bật giữa khung cảnh bình dị của làng quê, đến nỗi mấy bà, mấy cô hàng xóm cũng phải rì rầm, nhón chân đứng từ xa để ngắm nhìn. Cả xóm chẳng ai muốn bỏ qua khoảnh khắc này – con trai của bà Hương, từ thành phố trở về với vẻ đẹp ngời ngời như minh tinh trong phim.
Mấy đứa trẻ con trong xóm vừa thấy Dương đã xúm lại, háo hức thì thầm với nhau. Còn mấy cô hàng xóm, người bán rau, người bán hoa quả, cũng không nén được sự tò mò, vừa nhìn vừa khen thầm với nhau:
“Trời ơi, bà Hương có phước thiệt! Con trai bà đẹp trai quá trời quá đất!”
Có người còn dí dỏm thêm: “Mỹ nam của chợ mình chuẩn bị có đối thủ rồi kìa!”
Bà Hương nghe xong chỉ cười, hãnh diện nhìn con trai rồi dắt tay cậu vào nhà. Trong lòng bà biết, chuyến về quê lần này không chỉ là niềm vui của riêng mình bà, mà cả xóm nhỏ cũng sẽ thêm phần náo nhiệt bởi sự có mặt của Đăng Dương.
Vừa đặt chân vào nhà, Đăng Dương đã nằm dài ra sofa phòng khách, tay vớ lấy điện thoại mà lướt, dáng vẻ thảnh thơi như ở nhà riêng. Chiếc vali lớn để lăn lóc ngay cửa ra vào, chưa kịp mang lên phòng. Đang mải mê lướt tin tức, cậu chợt nghe giọng ông Đức, cha mình, từ trong nhà đi ra:
"Trời đất, con coi bộ lớn rồi mà chẳng khác gì hồi nhỏ! Mới về nhà mà đã bày bừa hết cả. Cái vali sao không tự giác mang lên phòng, còn nằm ra đây lướt điện thoại là sao?"
Đăng Dương ngước lên nhìn ông, cười trừ, giọng có phần nhõng nhẽo:
"Trời, ba ơi, con mới về mà! Nghỉ một chút không được hả ba? Con mệt muốn chết đây nè."
Ông Đức lắc đầu, nhưng nét mặt vẫn ánh lên vẻ yêu thương. Ông nhíu mày, giọng nghiêm khắc nhưng không giấu nổi sự trìu mến:
"Mệt thì cũng phải dọn dẹp gọn gàng chứ! Đừng có cái kiểu về đây là thành ông chủ vậy. Ba nói lần này là con về hẳn luôn đó nha, không có lười được đâu!"
Dương nén một tiếng thở dài, ngồi dậy, biết không thể làm biếng trước mặt ông. Cậu đứng lên, kéo vali về phía cầu thang, miệng lẩm bẩm:
"Được rồi, được rồi, con mang lên ngay… Ba mà cứ nghiêm khắc hoài vậy chắc con khóc mất."
Ông Đức phì cười trước lời càu nhàu của con trai. Nhìn bóng dáng Dương kéo vali lên tầng, ông lắc đầu, cảm thấy lòng vui lạ. Dù gì đi nữa, ông vẫn thấy tự hào khi con trai mình quyết định về quê sống sau những năm tháng ở thành phố.
Trong bếp, bà Hương đang bận rộn chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón chào cậu con trai quý tử vừa từ thành phố trở về. Khắp căn bếp tỏa ra mùi thơm của sườn kho mềm mại, được nêm nếm kỹ lưỡng, đậm đà đến từng thớ thịt. Bên cạnh, đĩa tép mỡ xào chua ngọt bắt mắt với màu sắc vàng ươm của tép, điểm chút đỏ cam từ ớt và dấm, trông chỉ nhìn đã muốn nếm thử ngay.
Bà Hương thoáng mỉm cười khi nghĩ đến Đăng Dương – thằng con trai cưng của mình. Nào là sườn, là tép, đều là những món Dương thích từ nhỏ. Riêng món cá bống kho tiêu, bà chuẩn bị một cách đặc biệt nhất. Bà vừa kho cá vừa nhớ lại, cười thầm vì không biết con trai có còn thích món cá kho dân dã này không, bởi lâu nay ở thành phố, anh đã quen với đủ món ăn cầu kỳ. Nhưng với bà, cá bống kho tiêu vẫn là món ăn gợi nhớ về những ngày xưa Dương còn nhỏ, hay ăn đẫm nước cá đến đĩa cơm cuối cùng.
"Không biết cậu con trai cưng có nhớ hương vị này nữa không," bà tự nhủ, chắt thêm nước màu cho nồi cá thơm phức, rồi nếm thử một chút, cảm thấy hài lòng.
Khi đã dọn xong bàn ăn, bà Hương ngắm nghía một lượt, lòng thoáng vui khi thấy mọi thứ trông thật tươm tất. Trên bàn bày đủ món Đăng Dương thích, nào là sườn kho, tép mỡ xào chua ngọt, đặc biệt là nồi cá bống kho tiêu còn nóng hổi.
Bà Hương cất giọng gọi lớn:
“Dương ơi, xuống ăn cơm con! Mẹ nấu toàn món con thích nè!”
Ở trên phòng khách, Đăng Dương nghe tiếng mẹ, gác điện thoại sang một bên và uể oải ngồi dậy. Dù chưa muốn rời khỏi cái sofa êm ái, nhưng nghĩ đến những món mẹ nấu, bụng cậu bất giác reo lên. Cậu lười biếng đi xuống, trong lòng hơi bất ngờ vì mẹ chuẩn bị chu đáo thế này. Cả một mâm cơm đầy ắp như vậy, cậu cảm thấy lòng có chút ấm áp.
Thấy con trai bước vào bàn ăn, bà Hương mỉm cười âu yếm:
“Con trai của mẹ đói chưa? Ngồi xuống ăn đi, mẹ nấu toàn món mà con thích thôi.”
Dương nhìn mâm cơm, thoáng cười:
“Dạ, lâu rồi mới được ăn mấy món mẹ nấu.”
Hai mẹ con cùng ngồi xuống, chuẩn bị thưởng thức bữa ăn đậm đà hương vị quê hương.
Đăng Dương ngồi xuống bàn ăn, nhìn quanh thấy thiếu một người, bèn nhớ đến ông Đức. Cậu biết ba mình có thói quen mỗi sáng và chiều đều ra góc vườn chăm sóc những chậu lan yêu quý.
Đứng dậy, Dương bước ra sân và thấy ông Đức đang cẩn thận tỉa từng chiếc lá, nhổ bớt mấy cọng cỏ con mọc chen trong chậu.
"Ba ơi, vào ăn cơm đi, mẹ dọn ra hết rồi!" – Dương gọi lớn.
Ông Đức ngẩng lên, ánh mắt dịu dàng khi thấy cậu con trai. Ông gật đầu rồi nhẹ nhàng đặt kéo xuống, vuốt lại mấy cành lan cho ngay ngắn.
"Rồi, ba vào liền," ông nói, đoạn cười khẽ. "Lâu lâu về mà còn biết nhắc ba vào ăn cơm, ngoan hơn trước rồi đó!"
Dương cười đáp lại, hai cha con cùng đi vào nhà, sẵn sàng cho một bữa cơm gia đình ấm cúng sau bao ngày xa cách.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro