Chương 1: Hồi tưởng
Người ta thường nói : khi đi được 2/3 quãng đường thì họ sẽ dành phần còn lại chỉ để hưởng thụ và nhớ về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Tôi vẫn không thể tin vào mắt mình là đất nước năm 2020 tôi đang sống đây lại thay đổi nhiều đến thế và cũng chẳng thể ngờ rằng mình đã 60 tuổi. Mọi chuyện diễn ra như một giấc mơ vậy, sau khi tỉnh dậy vạn vật và con người không còn như xưa nữa. Tôi vẫn mơ hồ không sao sắp xếp được những gì mà mình trải qua khi trưởng thành nhưng cái kí ức thời niên thiếu thì vẫn hệt như vậy, không hề bị mờ nhạt trong mọi trường hợp. Phải chăng lúc đó đói khổ quá? Hay do tôi vẫn không muốn quên đi hình ảnh của một ai đó?
47 năm trước....
Vào tháng 2/1973 nước ta vẫn đang cố gắng để thoát khỏi đế quốc Mỹ, cả nước bị chia làm 2 miền Nam- Bắc. Tôi là người miền Bắc, có cuộc sống khá ổn. Nó không quá sung túc nhưng cũng không phải lo nghĩ nhiều. Mọi người cùng tuổi ai cũng ghen tị về cuộc sống của tôi, họ cũng ngưỡng mộ tôi nữa, họ nói tôi không thua kém gì những cô gái thủ đô. Thế nhưng mọi chuyện đã kết thúc khi gia đình tôi quyết định chuyển vào Nam để tiện cho công việc của bố mẹ. Bố tôi là một người lính trưởng, ông rất rộng lượng và quan tâm tôi nhưng đôi khi nghiêm túc đến phát sợ. Còn mẹ tôi là một y tá giỏi ,bà rất thông minh và hà khắc. Tôi luôn tự hào về họ vì họ đều là những người quan trọng cùng góp sức bảo vệ tổ quốc. Nhưng cũng vì vậy mà tôi không thể gặp họ thường xuyên được, lo rằng tôi sẽ không có ai chăm sóc nên họ đưa tôi vào Nam sống cùng bà ngoại. Tôi chuyển đến đó vào tháng 3 là mùa khô, se lạnh. Mọi thứ đến với tôi quá nhanh, quá đường đột buộc tôi phải chấp nhận chúng. Không ngờ rằng chỉ vừa tháng trước tôi vẫn còn vui đùa với các bạn ở trường, ăn những món ngon, mặc những bộ quần áo đẹp mà bây giờ tôi lại chẳng còn được đi học. Tôi mới chỉ 13 tuổi thôi mà, việc bỏ học vượt qua sức tưởng tượng của tôi.
Mới mùa hè năm trước nhà bà tôi còn khá mới nhưng giờ mục nát hết rồi, có vài chỗ mái bị thủng do bom đạn gây ra. Lần đầu tiên tôi ngồi trước mâm cơm chẳng có gì để gắp. Thật tệ! Nhưng tôi thấy thương bà hơn. Không biết bà đã sống vậy từ bao giờ. Giá như tôi có thể đến sớm hơn để nhận ra rằng người già ở một mình là cực khổ nhất. Nhưng hơn cả cực khổ đó là sự cô độc. Nhà bà tôi nằm dưới 1 con dốc cao, tôi cá đó là một con đê rộng lớn. Nơi đây đặc biệt quá. Dưới con đường mòn rất nhiều nhà cửa là 1 cái bậc thang hơn 1m ở đó toàn là cây cối, một màu xanh tươi mát và có một con kênh nhỏ trong như suối.
Mọi ngày trôi qua đều ổn cho tới khi có một người tìm đến gặp tôi và bà, họ nhìn tôi với cặp mắt thương hại và nói rằng bố mẹ tôi đã mất trong một cuộc nổ bom. Thật nực cười kể từ giờ phút này tôi là một đứa mồ côi, điều đó đáng sợ và làm khó tôi quá. Họ thậm chí còn không tìm thấy gì còn xót lại của hai người điều đó đồng nghĩa với việc tôi không có nơi nào để đến trong những ngày giỗ sau đó của họ. Nhưng tôi vẫn luôn tò mò rằng trước khi đi họ có hối hận không? Hay tự hào vì chí ít cũng là hy sinh vì đất nước?
Những tháng ngày sau đó của tôi trở nên vô cùng cô độc và khó khăn. Hình tượng của mình trước lúc vào Nam như thế nào tôi không thể nhớ nổi, hay không dám nhớ? Vì khi nhớ lại tôi sẽ căm hận cuộc sống hiện tại biết bao nhiêu. Tôi trở thành con người cọc cằn và ít nói. Thật buồn khi tôi đang là con người mà chính bản thân lúc trước đã ghét và hứa dù có chuyện gì cũng không trở nên như vậy.
" Giúp bà xách nước nhé".
Bà tôi từ bên ngoài nói vọng vào.
"Vâng"
Tôi đứng dậy, cầm 2 cái xô và đòn gánh xuống dưới xách nước và tiện thể đào khoai, sắn đem ra chợ bán.
Hằng ngày công việc của tôi chỉ có vậy: quét dọn, xách nước, đào khoai ,sắn, hái hoa quả giúp bà ra chợ bán, có những lúc tôi đi bán thay bà. Mảnh vườn là nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi trong thời điểm hiện tại. Trên đường đến chợ cứ hễ có người già tụ tập bàn tán là chỗ đó có tôi. Họ luôn nghe ngóng thông tin và truyền đạt lại cho nhau.
"Hôm nay bộ đội ta phá tan 2 máy bay của địch".
Một bác tóc đã bạc kể lại cho mọi người xung quanh. Họ rạng rỡ như thể đó là 1 chiến lợi phẩm của riêng mình, tôi cũng vậy, mỗi khi nghe những tin đó lòng tôi lại dịu đi đôi chút.
Chợ làng không quá lớn, nó có đủ mọi tiếng của những người bán rong và có cả những tên lính Mỹ nữa, tôi vô cùng căm ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa của chúng. Tôi về nhà khi trời đã nhập nhặng tối, từ xa đã thấy bà đứng trước cửa chờ cơm tôi.
Mặc dù đã về đây sống được mấy tháng nhưng tôi chẳng thể làm thân với lũ trẻ cùng tuổi trong xóm, mỗi khi chúng thả diều thì tôi xách nước, mỗi khi chúng chơi đồ hàng thì tôi lại ra chợ cùng bà. Tôi cũng không muốn làm thân vì cuộc sống quá phức tạp, nó làm cho tôi cảnh giác và đề phòng với tất cả mọi người.
"Ê tụi mày con nhỏ mồ côi về rồi kìa".
Tôi quay phắt người lại khi nghe chúng nói.
"Nó là ma đấy đừng đến gần, cứ đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, sợ thật".
" Nhìn bọc tiền nó cầm kìa chắc là lại lấy cắp ở đâu rồi trẻ con làm gì có nhiều tiền như thế. Đúng là đồ không có bố mẹ, đừng chơi với nó".
Nói rồi,chúng kéo tay nhau đi. Tôi biết rằng do chúng không hiểu chuyện nên mới cư xử như vậy, nhưng cảm xúc của tôi cứ ùa đến như lũ. Tôi chạy lại, đánh cho mỗi đứa vài cái, ánh mắt tôi đầy sự phẫn nộ còn mắt chúng lại đầy những giọt lệ vô nghĩa.
" Chúng mày mà nói thế lần nữa là tao bẻ răng từng đứa, rõ chưa?"
Tôi quát to rồi bỏ về mặc chúng gào thét ở đó, chúng đáng bị như vậy, những đứa trẻ xấu xa. Bà vẫn đứng đó nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, không ngăn cản cũng chẳng hưởng ứng, bà chỉ vuốt mái tóc dài rũ rượi của tôi và rơm rớm nước mắt.
"Cháu không thèm để ý đâu, bà đừng lo".
Thật ra tôi chỉ nói vậy thôi chứ làm sao không suy nghĩ cho được. Chúng còn nhỏ mà độc mồm độc miệng đến phát sợ. Những lời nói ấy chỉ là vô tình phát ra nhưng nó lại gây ra một vết thương vô cùng lớn, giá mà ngoài da thịt thì tôi sẽ mặc cho thời gian tự chữa lành nhưng nó lại sâu tận tâm can làm tôi không ngừng đau đớn và suy nghĩ về chúng.
Đây là lần đầu mình viết truyện. Nếu có gì sai sót mong mọi người hãy góp ý để mình khắc phục. Cảm ơn đã ghé đọc ^_^
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro