TIN Ở NGÀY MAI _ UNG THƯ MÁU
sau tập NGUYÊN ƠI ( LÊ HẢI TRIỀU) ... xúc động , nước mắt dàn rụa . khụa khụa .
mình tìm và pốt thêm vài tập chiện đau buồn _ khát vọng sống ,lấy nước mắt người đọc...!
Vẫn tin ở ngày mai
Xin giới thiệu tới bạn đọc những trang viết đầy cảm xúc của Lê Minh Nguyệt (SN 1984) - một sinh viên giỏi của Khoa Toán trường ĐH Sư phạm đã phải vật lộn với căn bệnh ung thư máu, chắt chiu từng ngày sống ngắn ngủi của mình để học tập, để cống hiến cho xã hội...
Mùa thi năm thứ tư và bước ngoặt cuộc đời
Ba năm sinh viên - là ba năm có biết bao kỷ niệm. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được trải qua những khoảng thời gian ấy. Những tưởng rằng mọi chuyện cứ thế diễn ra tốt đẹp. Nhưng không, đến năm thứ tư những chuyện xấu cứ liên tiếp xảy đến với tôi và bước ngoặt của cuộc đời tôi bắt đầu từ đó.
Không hiểu sao mùa thi này tôi có cảm giác khác hẳn với các mùa thi trước. Tôi hay mất ngủ, học hành lan man, không tập trung tư tưởng. Lúc đó tôi chỉ có suy nghĩ: chắc tại kỳ này nhiều môn khó, lại do mình học hành vất vả cũng ba năm rồi.
Mặc dù vậy, tôi không hề nản chí, ngược lại tôi còn cố gắng quyết tâm hơn vì tôi đã học xong được ba năm rồi, không lẽ còn một năm cuối tôi không cố gắng được nốt? Vẫn bình thường như mọi khi, sáng dậy sớm ăn sáng xong đến giảng đường học, trưa về muộn tranh thủ ăn và nghỉ trưa sau đó chiều lại đi học.
Thi xong hai môn Pascal và Đại sơ cấp suôn sẻ. Đến môn thứ ba tôi không còn tập trung được cao độ nữa. Tôi cảm thấy hay mệt mỏi, mất ngủ và bắt đầu thấy sưng ở mắt trái. Tôi tưởng rằng mình chỉ bị mọc lẹo ở mắt. Tôi tự nhủ: sẽ mau khỏi thôi, không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, mọi người cũng thường bị như vậy mà.
Những môn sau tôi thi tiếp với sự quyết tâm cao độ của bản thân. Mắt tôi thì ngày một sưng to, tôi cũng có đi khám và mua thuốc ở hiệu thuốc gần trường nhưng uống mãi mà không khỏi. Nói chung tôi vẫn còn cố gắng được nên tôi vẫn quyết tâm học để thi học phần và dịch tài liệu viết khóa luận.
Đôi lúc tôi thấy hơi lo lắng và có ý nghĩ sẽ xuống Viện Mắt Trung ương tại Hà Nội để khám cho yên tâm. Nhưng quả thực, tôi không còn thời gian nữa. Thi liên tiếp hết môn nọ đến môn kia, bài vở cứ chồng chất chờ tôi giải quyết. Vì vậy tôi lại phải hoãn chờ thi xong sẽ tính sau.
Cuộc sống cứ diễn ra bình thường trong sự cố gắng và lòng quyết tâm của tôi. Tôi đã đọc rất nhiều sách báo, thơ ca, trong đó có hai bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi rất yêu thích. Những bài thơ ấy dường như đã thấm nhuần vào tư tưởng của tôi, mỗi lần tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa thì lời lẽ từng câu thơ lại hiện lên trong trí óc tôi.
Hôm nay là ngày tôi đi thi lại môn Lý luận. Trong cuộc đời sinh viên, đây là lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng tôi có mặt trong kỳ thi lại. Kỳ này là kỳ học cuối của chúng tôi, kỳ sau chúng tôi sẽ đến trường phổ thông để thực tập.
Cũng khá đông đấy chứ! Sao nhiều sinh viên thi hỏng môn này vậy nhỉ? Ở những môn khác, thi lại chỉ thấy lác đác vài người. Tuy còn sơ sài và chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót nhưng tôi cũng hoàn thành bốn câu khi vừa hết giờ làm bài.
Thật may, trong quá trình làm bài mắt trái của tôi cũng không bị chảy nước mắt hay đau nhức gì cả. Cho đến khi ra khỏi phòng thi nói chuyện với mọi người, nhìn thấy mắt tôi sưng, mọi người mới hỏi, tôi mới nhận ra điều đó.
Thi xong môn này tôi cảm thấy rất thoải mái. Cuối cùng thì một kỳ học căng thẳng cũng kết thúc. Nhưng trong tôi vẫn còn đọng lại một điều gì đó luyến tiếc. Có lẽ bởi đây là kỳ học cuối cùng của thời sinh viên.
Chúng tôi sẽ không còn được cắp sách tới giảng đường để nghe những lời dặn dò quý báu của thầy cô nữa. Chúng tôi cũng sẽ không còn nhiều cơ hội để họp mặt đủ các thành viên của lớp Toán K29C trong những phòng học quen thuộc ở giảng đường nhà A - giảng đường của Khoa Toán.
Tôi là một trong những người có thành tích học tập tốt ở lớp. Nhưng so với các bạn cùng làm khóa luận thì tôi học đuối sức hơn, vì vậy tôi lại càng phải cố gắng nhiều. Để phục vụ cho việc viết đề tài: "Mặt n chiều, Tích phân mặt và Tích phân từng phần", tôi và Hương (người viết chung đề tài) thường lên thư viện tìm tài liệu. Đây là đề tài của một môn học mới "Phương trình đạo hàm riêng", nên rất ít tài liệu và rất khó hiểu.
Tôi đã cố gắng, cố gắng rất nhiều vì tôi muốn hoàn thành khóa luận càng sớm càng tốt. Hôm nay là ngày lớp chúng tôi đi thực tập. Cuối buổi, nhóm khóa luận của tôi bao gồm tám người đến chào thầy hướng dẫn để chuẩn bị về nghỉ Tết. Sau đó chúng tôi sẽ ở lại thêm một hay hai tuần nữa tùy mỗi người để viết khóa luận.
Nhưng tôi không có được hạnh phúc ấy. Tôi quyết định xin phép thầy hướng dẫn cho về trước để đi khám mắt.
Hôm đó là một ngày đẹp trời. Tôi và anh tôi mua bản đồ Hà Nội và tìm đến Viện Mắt. Sau khi mua sổ khám, đứng xếp hàng mãi mới đến lượt tôi vào khám. Lúc khám tôi rất hồi hộp lo lắng, không biết kết quả sẽ ra sao đây? Tôi lo lắng không chỉ cho bệnh của tôi mà còn vì ra Tết tôi sẽ phải đi thực tập và hoàn chỉnh khóa luận.
Nếu có chuyện gì thì làm sao mà tôi tốt nghiệp được. Nếu bị trễ một năm thì mọi kế hoạch của tôi sẽ chẳng thể thực hiện được. Tôi không cho phép mình nghĩ lung tung nữa. Chắc là không sao đâu - tôi tự động viên mình-khám xong mua thuốc về uống là khỏi mà.
Có lẽ bác sĩ đã khám xong rồi, tôi nhìn bác sĩ với ánh mắt đầy hy vọng. Nhưng dựa vào kết quả khám thực tế thì bác sĩ lại không thể đem lại hy vọng cho tôi được. Bác sĩ nói:
- Cháu bị u ở hốc mắt.
Tôi bị choáng một lúc, từ trước tới giờ tôi nghe nói cứ ai bị u là rất nguy hiểm. Bác sĩ nói tiếp:
- Chắc là phải mổ.
Tôi không còn nói được gì nữa. Vì không nghĩ mọi chuyện lại tồi tệ đến thế. Cố trấn tĩnh lại, tôi hỏi tiếp:
- Cháu phải mổ thật à? Liệu có thể uống thuốc để nó tiêu đi không ạ?
- Không cháu ạ - Bác sĩ trả lời.
Thấy vẻ mặt của tôi khá thất vọng, bác khám lại cho tôi, nhưng hình như kết quả không thay đổi. Và để chẩn đoán chính xác về cái u trong hốc mắt của tôi. Tôi cần phải chụp city, nhưng nhà tôi thì chẳng có tiền.
Ra đến cổng, tôi đếm lại số tiền mình có trong túi gộp với số tiền mà anh tôi mang đi nhưng cũng không đủ để quay lại chụp city. Tôi và anh quyết định về nhà. Thật may mắn, về nhà bố mẹ tôi bảo có bảo hiểm. Hôm sau anh tôi lại nghỉ làm để lai tôi ra Viện Mắt. Quả đúng như lời bác sĩ chẩn đoán, kết quả chụp city tôi bị u ở hốc mắt. Và tôi sẽ phải mổ.
Nước mắt tôi bắt đầu chảy ra, mặc dù tôi không muốn. Tôi khóc, khóc mà không thể kìm lại được. Nếu là u ác thì sao đây? Trong đầu tôi nảy ra rất nhiều suy nghĩ. Lúc đó tôi còn chưa biết trong y học thì u ác là đồng nghĩa với ung thư. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu là u ác, chắc chắn tôi sẽ bị hỏng mắt.
Còn một mắt thì tôi sẽ tiếp tục công việc học tập và sau này là dạy học như thế nào đây? Bình tĩnh lại, tôi suy nghĩ đến việc mổ mắt. Tôi nên mổ vào thời gian nào đây? Bây giờ liệu tôi còn đủ can đảm để học xong, tốt nghiệp ra trường rồi mới mổ không? Chắc chắn là không rồi, bởi vì nếu cứ để mắt như vậy thì tôi cũng không thể chịu được nữa.
Cuối cùng thì tôi đã mổ mắt xong. Tôi ra viện mà tâm trạng không vui vẻ gì. Vì tôi vẫn chưa hoàn toàn khỏi bệnh mà còn không biết phương pháp điều trị tiếp theo là gì. Về nhà nghỉ ba tuần để đợi lấy kết quả phần u đã lấy ra ở mắt tôi. Thời gian đó phần u còn lại ở mắt tôi lại tiếp tục phát triển, nên càng ngày mắt tôi lại càng sưng thêm. Chờ đợi ba tuần để cuối cùng tôi nhận được một kết quả rất tồi tệ.
Đó là một cái u ác, có tên là Lympho. Cầm tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm tiêu bản từ Bệnh viện K, tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Rồi sau đó, tôi lại được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để điều trị và truyền hóa chất. Truyền xong bảy ngày hóa chất, tôi được nghỉ ngơi vài ngày, chỉ phải truyền thuốc bổ gan.
Buổi chiều, tôi truyền thêm một bịch tiểu cầu hay hồng cầu. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: Chắc mấy ngày mình không ăn được gì nên cơ thể không thể sản sinh ra được máu, do đó mới thiếu máu.
Mãi cho đến một hôm, tôi mới nhận ra sự thật... Tôi bị ung thư máu...
Kỳ 2: Khi những người bệnh ở Khoa C8 lần lượt ra đi...
- Đợt bốn, tôi cũng truyền hóa chất trắng 500 giống như đợt ba, nhưng thời gian rút xuống một ngày. Đợt này tôi thấy nhiều bệnh nhân Khoa C8 bị ảnh hưởng phổi quá. Tuy máu nằm trong dòng chảy của hệ tuần hoàn, nhưng khi điều trị bệnh về máu lại gây ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể. Hôm trước đã có vài bệnh nhân bị trả về, vì truyền hóa chất vào bị phá phổi quá nặng, không thể cứu chữa được nữa.
Nằm cùng giường với tôi còn có bác Dung - một bệnh nhân đã bị tái phát và đang điều trị hóa chất xanh. Có lẽ, theo phác đồ điều trị của các bác sĩ ở Khoa C8 thì hóa chất xanh là đòn giáng mạnh nhất cho những tế bào ung thư. Đó là phương án cuối cùng cho những bệnh nhân tái phát hoặc những bệnh nhân truyền các hóa chất khác mà tế bào ác không lui.
Bác Dung làm công tác quản lý sinh viên ở một trường đại học dân lập. Do thuộc tính của công việc bác đã gắn bó nhiều năm nên bác rất hiểu tâm tư của tôi - một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Có nhiều điều cả về tính cách lẫn nghị lực làm tôi khâm phục bác Dung. Lúc nào tôi cũng thấy bác Dung dịu dàng, tình cảm với mọi người.
Thế nhưng những chuyện chẳng lành cứ liên tục xảy đến với bác: Hôm đó, mẹ bác Dung vốn định sang Bạch Mai khám bệnh nên tiện thể vào thăm bác luôn. Lúc vào phòng, chúng tôi vẫn còn thấy bà khỏe mạnh, ngồi nói chuyện với bác Dung. Không ngờ sau khoảng ba mươi phút, bà thấy mệt mỏi, chân tay tê cứng và rất khó thở. Ngay lập tức mọi người đỡ bà lên giường bệnh và gọi bác sĩ đến.
Tuy bà cụ mẹ của bác Dung không phải là bệnh nhân của Khoa C8, nhưng mọi người đều hết sức bất ngờ bởi sự nhiệt tình của các bác sĩ. Hầu hết các bác sĩ, y tá có mặt tại phòng hành chính lúc đó đều xuống phòng tôi để kịp cấp cứu cho bà cụ.
Nhưng do tuổi cao, sức yếu, lại có tiền sử về bệnh huyết áp cao đã từng hai lần tai biến mạch máu não, nên bà mẹ của bác Dung chỉ tạm thời qua cơn nguy hiểm. Các anh chị y tá của bệnh viện đưa bà sang đúng khoa điều trị của Bệnh viện Bạch Mai. Hai ngày sau, bác Dung nhận được tin bà đã ra đi mãi mãi.
Sự đau buồn, thương xót phủ kín căn phòng tôi những ngày sau đó. Các bạn bè và cả những người ở Khoa C8 liên tục đến động viên, an ủi bác. Tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc khuyên bác nên giảm bớt đau buồn để còn lấy sức tiếp tục điều trị bệnh.
Không chỉ dừng lại ở đó. Một tuần sau bác còn nhận được kết quả xét nghiệm thật tồi tệ: Tuy đã truyền đến hóa chất xanh, nhưng tế bào ác vẫn không lui. Bác tạm thời ra viện mười ngày để lấy lại tinh thần. Về sau, tôi không gặp bác Dung lên điều trị tiếp nữa. Có lẽ hiện giờ bác đã ở một nơi xa, rất xa mà trước sau gì những bệnh nhân Khoa C8 cũng lần lượt đến nơi đó, nếu y học không kịp phát triển.
Thảo - em nằm cùng phòng với tôi cũng đã lên điều trị tiếp. Em còn yếu hơn lúc ra viện. Mẹ em dìu em đi lại có vẻ rất khó khăn, chân tay em cứ run lập cập. Nghe nói theo phác đồ, Thảo phải truyền hóa chất bảy đợt, nhưng sau khi truyền hóa chất sáu đợt, tế bào ác đã lui hết, nên đợt này em không cần phải truyền hóa chất nữa mà chỉ điều trị men gan cao.
Sức khỏe hiện tại của Thảo rất yếu, không biết em có chịu được thuốc nữa không? Vài ngày sau, Thảo rơi vào tình trạng hôn mê, em không còn ý thức được những gì mình làm nữa. Tối hôm đó, Thảo được đưa vào phòng cấp cứu vì đã bị ảnh hưởng sang phổi. Nhưng đã quá muộn rồi, em không còn đủ sức để chống lại bệnh tật.
Tôi đã yếu, em Tứ còn yếu hơn tôi. Các bác sĩ ra vào liên tục ở phòng em. Bố em cũng vậy, cầm chiếc điện thoại chạy đi chạy lại với vẻ tất bật như đang báo tin cho ai đó. Em Tứ như muốn nói điều gì nhưng không thể nói được, em chỉ hổn hển được vài từ:
- Bố ơi... Bác sĩ ơi!...
Cả buổi tối hôm đó, tôi đã không ngủ để cầu nguyện cho em. Cầu mong em sẽ vượt qua cơn nguy kịch này. Nhưng điều không ai mong muốn đã xảy ra: Tứ được đưa về vào sáng hôm sau...
Lại thêm một người bạn của tôi ở Khoa C8 ra đi. Từ ngày vào Khoa C8, mỗi một đợt là một lần có thêm nhiều bạn mới nhưng đó cũng đồng thời là sự chia tay với người bạn cũ. Họ lần lượt ra đi, bỏ lại sự tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người.
Những ngày truyền hóa chất của tôi trôi đi nhanh chóng. Vẫn là loại hóa chất trắng 500 nhưng đợt này tôi thấy đỡ hẳn đau đầu và đau mắt. Tôi bắt đầu được truyền tiểu cầu nhưng bịch tiểu cầu rất khác so với các lần trước.
Mỗi bệnh nhân được truyền bốn bịch gắn chặt vào nhau, mỗi bịch gắn một cái nhãn mác ghi đơn vị. Có lẽ bốn bịch này tương đương với một bịch 150ml mà chúng tôi thường được truyền.
Nằm truyền thuốc tôi nghĩ đến rất nhiều người. Tôi nghĩ đến những người thân, đến bạn bè và đến cả những người xấu số như tôi. Bệnh nhân chúng tôi thường nói đùa với nhau:
- Có khi bị đi tù còn sướng hơn là bị bệnh này.
Mọi người đồng tình tán thành:
- Đúng, bị đi tù còn có cơ hội làm lại từ đầu. Còn chúng ta có thể ra đi vĩnh viễn bất kỳ lúc nào.
* *
*
Trong một năm thì tháng mười một là tháng đẹp nhất đối với tôi. Vì nó có hai ngày mà tôi thấy thật ý nghĩa: Ngày sinh nhật và ngày Nhà giáo Việt Nam. Năm nay tôi lại được đón chào hai ngày đó trong Khoa C8 của Bệnh viện Bạch Mai.
Khi còn là sinh viên, cứ đến ngày sinh nhật là phòng tôi lại nhộn nhịp bởi tiếng cười đùa, hát hò của các bạn tôi. Lớp tôi có phong trào tổ chức sinh nhật rất vui. Cứ đến sinh nhật là cả lớp lại có mặt đầy đủ và hát vang bài "Happy birthday" trong một không khí thật ấm cúng.
Sinh nhật trong bệnh viện cũng vui chẳng kém, thậm chí còn có đông người dự hơn mọi năm, là các bạn tôi, các bệnh nhân, người nhà và cả những người đến thăm nữa. Chưa bao giờ tôi có một sinh nhật đông người như vậy. Tôi thổi nến trong không khí náo nhiệt.
Các bạn có biết tôi đã ước điều gì không? Đúng như người ta nói: "Khi có sức khỏe bạn ước nhiều điều, còn khi không có sức khỏe bạn chỉ ước một điều". Tôi đang là bệnh nhân ung thư đương nhiên là tôi mong muốn sẽ sớm có thuốc chữa khỏi căn bệnh này.
Những đợt trước, sau khi truyền hóa chất, tôi chỉ bị sốt nhẹ vài ngày. Nhưng đợt này không hiểu sao tôi lại bị sốt triền miên, không cắt được, càng sốt cao thì bạch cầu và tiểu cầu càng giảm. Đã thế lại cộng thêm men gan cao nữa khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không ăn uống được gì, suốt ngày tôi chỉ nằm nhưng tôi vẫn nghe ca nhạc, vẫn nghe thấy những tiếng lách tách từ bên ngoài đưa vào phòng tôi qua cửa sổ. Tôi vẫn tự động viên mình cố gắng điều trị, sắp đến ngày tôi được khám định kỳ.
Có người lại nêu ý kiến:
- Thà bị AIDS còn hơn là bị bệnh này. Bây giờ người nhiễm HIV chỉ cần tiêm một mũi là có thể sống thêm mấy năm. Còn chúng ta thì....
Ai nghe thấy chúng tôi bàn tán chắc sẽ tưởng chúng tôi sợ chết. Nhưng không phải như vậy, bệnh tình của chúng tôi rất tốn kém về kinh tế, hơn nữa bị bệnh là kéo theo sự chăm sóc vất vả, mệt nhọc của người đi chăm cộng với sự lo lắng của biết bao người thân, bạn bè. Một tâm niệm chung của tất cả những người bị bệnh nặng như tôi là được ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng, không để lại một hậu quả lớn lao nào cho người thân. Tất nhiên, nghĩ đến cái chết cô đơn, lạnh lẽo ai mà chả sợ.
Là con người, ai cũng mong muốn được sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, nhưng mỗi người có một số phận, ông Trời cho chúng ta số phận thế nào ta phải chấp nhận thế đó. Chúng ta hãy cứ vui vẻ mà sống, sống hết mình từng giây, từng phút để nếu có chuyện gì không may xảy ra, ta không phải hối hận rằng mình đã sống không cố gắng. Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều đến cái chết. Mỗi khi có một bệnh nhân được trả về tôi lại nghĩ đến mình. Hay mỗi khi có một cái đám ma tôi lại nghĩ: "Không biết sau này đám ma của mình có đông không?".
* *
*
Tuy không phải dễ dàng nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng khá suôn sẻ đối với tôi. Cắt sốt, công thức máu ổn định, men gan trở lại bình thường. Tôi được ra viện sau sáu tuần nằm viện. Có thể nói đây là đợt điều trị dài ngày nhất của tôi. Trong đợt này tôi cũng được chứng kiến nhiều cảnh thương tâm nhất.
Vậy là cuối cùng mong muốn được đi khám định kỳ của tôi cũng đạt được. Tôi đã điều trị xong bốn đợt hóa chất và đang trong thời gian khám định kỳ. Về nhà, nhưng mọi người trong Khoa C8 vẫn luôn trong tâm trí tôi. Mọi người làm việc ở Khoa C8 thật vất vả nhưng lại không một lời cáu gắt, to tiếng với bệnh nhân.
Hoàn thiện bốn đợt hóa chất không có nghĩa là tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Tôi có thể bị tái phát bất cứ lúc nào nhưng tôi cũng không sợ điều đó nữa. Trong cái giá lạnh của mùa đông tôi nhận ra rằng trong tôi có một mùa hè ấm áp và tôi đã được sưởi ấm bằng những tia nắng từ đây.
Tôi về nhà trong một tâm trạng thật thoải mái, vui vẻ vì tôi tin tưởng rằng ít nhất là trong vòng mấy tháng kế tiếp tôi sẽ không phải nằm viện nữa. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ được làm những việc mà tôi thích, đặc biệt là việc thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình.
Kỳ 3: Được làm cô giáo thật sự
- Tôi đã nhiều lần đứng trên bục giảng, nhiều lần giảng bài trước học sinh lớp tôi thực tập cũng như trước lớp K29C Toán của tôi. Thế nhưng với vai trò là một giáo viên thực sự thì đây là một ngày đầu tiên. Còn trước đó tôi chỉ là một sinh viên học việc.
Ngôi trường mà tôi đến dạy mang tên trường Phổ thông Trung học Minh Khai nằm trong địa bàn của huyện tôi. Cách nhà tôi chừng ba kilômét, ngôi trường rộng lớn đặt ngay cạnh mặt đường nên thuận tiện cho việc đi lại của giáo viên, học sinh.
Được về dạy tại trường là điều tôi hằng mơ ước vì đối với điều kiện sức khỏe hiện tại của tôi thì việc đi lại cũng không phải dễ dàng, mà đây là lại ngôi trường gần nhà tôi nhất.
Buổi đầu tiên tôi đến trường là buổi đầu tiên tôi mang hồ sơ đến nộp cho thầy hiệu trưởng. Thầy cầm bộ hồ sơ của tôi, mở ra xem kỹ từng trang một. Sự nhiệt tình, vui vẻ của thầy đã làm tôi ngạc nhiên. Thầy còn kể lại cho chúng tôi những kỷ niệm thời sinh viên những khóa đầu tiên của trường đại học.
Trở lại công việc chính, tôi rất vui khi được thầy nhận vào làm giáo viên của trường, hơn nữa thầy lại rất thông cảm cho hoàn cảnh ốm đau của tôi. Thầy hẹn tôi một tuần sau đến nhận công tác và bắt đầu dạy. Tôi trở về trong niềm hân hoan vui sướng vì công việc sắp tới của mình. Tôi chuẩn bị mọi thứ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáo viên.
Bất chợt, hai ngày sau tôi lại bị sốt và phải nhập viện. Cứ chiều đến nhiệt độ cơ thể tôi lại tăng vụt, sự mệt mỏi bao trùm khiến tôi không thể vực được dậy. Tôi dùng đủ mọi cách: chườm, uống thuốc hạ sốt và cả đánh gió nữa, nhưng đó chỉ là cách giải quyết tạm thời. Ngày hôm sau tôi lại sốt cao hơn...
* *
*
Ba giờ chiều hôm đó, tôi có mặt tại Khoa C8 - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Thời gian này Khoa C8 chật cứng bệnh nhân mới. Sau khi được bác sĩ thăm hỏi, tôi được các chị y tá lấy máu và truyền hai chai dịch: một chai kháng sinh hạ sốt, một chai bổ gan.
Quả thật, chưa có lần nào như lần này, tôi vừa nhập viện đã mong được ra viện vì tinh thần của tôi lúc nào cũng hướng về công việc dạy học đang đợi chờ tôi ở nhà.
Tối hôm đó, tôi đã đợi rất lâu để có thể xem được kết quả xét nghiệm máu của mình. Đã 9 giờ, rồi 10 giờ mà vẫn chưa có. Tôi lại càng mong mỏi hơn vì nếu tôi muốn được ra viện thì điều kiện trước tiên là kết quả xét nghiệm công thức máu của tôi phải tốt.
Hơn nữa nếu xét nghiệm công thức máu của tôi mà tốt thì có khả năng tôi bị sốt do tái phát bệnh là rất ít. Có như vậy thì tôi mới có điều kiện để thực hiện mơ ước của mình: ước mơ làm cô giáo.
Cuối cùng thì sự chờ đợi của tôi cũng được đền đáp. Tôi được ra viện trước khi đi làm buổi đầu tiên sau khi nằm viện chưa đầy 4 ngày.
Trong những ngày ngắn ngủi đó, tôi có được một sự may mắn bất ngờ đó là cuộc gặp gỡ, nói chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng, biên tập của Nhà Xuất bản Công an nhân dân.
Tôi đã được nghe mọi người nói đến anh với sự kiện "Mãi mãi tuổi hai mươi" năm 2005; với hai cuốn nhật ký nổi tiếng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Anh hùng liệt sỹ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm; và với phong trào "Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi hai mươi" của thế hệ trẻ cả nước.
Gặp được nhà thơ Đặng Vương Hưng rồi, tôi vẫn tưởng mình đang mơ. Anh đã động viên tôi rất nhiều, và nói sẽ giúp tôi xuất bản cuốn sách.
Tuy nhiên, tôi phải sửa chữa, viết thêm nhiều đoạn và nội dung trong bản thảo theo hướng dẫn của anh. Tôi cũng nhờ anh phân đoạn bản thảo và đặt hộ tên gọi cho từng phần, bởi công việc này tôi chưa hề có kinh nghiệm.
* *
*
Từ bệnh viện trở về tôi nghỉ ngơi hai ngày: thứ bảy và chủ nhật. Thứ hai tôi bắt đầu đi dạy. Với vai trò là một giáo viên thực sự, mọi thứ đều mới mẻ đối với tôi.
Tiết dạy đầu tiên tôi giảng tại lớp 10A13. Bước vào lớp học, học sinh đứng lên chào tôi. Bảng đã được lau sạch sẽ, bàn ghế cũng được kê ngay ngắn, đặc biệt là bàn giáo viên có trải một tấm khăn trải bàn, bên trên là một lọ hoa rất đẹp.
Học sinh ăn mặc đồng phục nghiêm túc, chỉnh tề. Những thứ đó đã tạo cho tôi ấn tượng ban đầu thật là ấm áp về lớp, về trường mà tôi đang công tác. Bất chợt, thầy Phó hiệu trưởng bước vào lớp học giới thiệu tôi với học sinh.
- Giới thiệu với các em, đây là cô giáo Nguyệt. Cô sẽ giảng dạy lớp ta từ giờ đến cuối năm. Hy vọng rằng dưới sự dẫn dắt của cô, lớp ta sẽ học tốt môn Toán.
Cả lớp vỗ tay nồng nhiệt chào đón tôi. Thầy chào tôi và học sinh, sau đó thầy trở lại Phòng Giám hiệu. Trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ: "Mong rằng điều kiện sức khỏe của tôi sẽ cho phép để tôi có thể tham gia dạy học trước mắt là từ giờ đến cuối năm".
Buổi dạy đầu tiên trôi qua nhanh chóng với ba tiết dạy tại hai lớp. Qua buổi đầu tiên tôi đã phần nào nắm được ý thức học tập môn Toán của các học sinh. Hầu hết các học sinh đều ngoan và có ý thức học.
Tuy nhiên sự cuốn hút của môn Toán đối với các em là chưa cao. Nhưng nếu muốn nâng cao hơn nữa sự cuốn hút học Toán của học sinh thì lại là một điều rất khó. Nhất định tôi sẽ luôn cố gắng hết mình.
Sau buổi đầu tiên đến trường, sức khỏe của tôi vẫn tốt. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của tôi vẫn diễn ra bình thường như bao người khác. Mong rằng sức khỏe sẽ ủng hộ cho việc thực hiện mơ ước của tôi - một mơ ước thật giản dị.
Hôm nay, tôi dạy tới tiết 4 mà theo đúng chương trình phân phối chương trình Toán lớp 10 lại đều là 4 tiết lý thuyết: hai tiết hình học, hai tiết đại số chia đều ở hai lớp. Vừa dạy về đến nhà, tôi dựng xe rồi nằm ngay lên giường.
Đầu tôi ê ẩm, toàn thân tôi mệt mỏi, chân tay tê cứng. Càng ngày sự mệt mỏi lại càng đè nặng lên cơ thể tôi. Cứ đứng dậy đi lại tôi lại bị hoa mắt, chóng mặt, người tôi như muốn lả đi, bắt buộc tôi phải nằm im một chỗ.
Bụng tôi cũng thấy đau, sự đau đớn lan tỏa khắp nơi khiến tôi không thể xác định là mình bị đau ở bộ phận nào trong cơ thể nữa. Đau bụng trên, đau bụng dưới, bên phải tôi cũng thấy đau, cả bên trái cũng vậy.
Tôi cảm thấy được nhiệt độ cơ thể mình đang tăng lên. Và trong suy nghĩ, tôi lại hướng tới Khoa C8, có lẽ ngày mai tôi sẽ phải lên nhập viện. Nhưng tôi mới chỉ đi dạy được vài buổi thôi mà. Lẽ nào sức khỏe của tôi lại kém như vậy ư?
Tôi cũng không biết một bệnh nhân ung thư được coi là người mất sức lao động bao nhiêu phần trăm? Nhưng với cái khí thế sục sôi của tuổi trẻ, tôi tin tưởng rằng mình có thể chiến thắng được bệnh tật để thực hiện ước mơ của mình.
Căn bệnh nan y này không thể dập tắt được những ước mơ mà trái lại nó còn làm cho những ước mơ của tôi càng cháy bỏng và nồng nhiệt hơn.
Suy nghĩ càng nhiều, đầu tôi lại càng đau hơn, nó như muốn nổ tung lên vậy. Nhưng tôi vẫn tin vào ngày mai, tỉnh dậy tôi sẽ lại khỏi và đi dạy bình thường. Trong sự đau đớn, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Lần này thì hạnh phúc đã mỉm cười với tôi: Sau một giấc ngủ ngon, tôi đã thấy hết đau đầu và đau bụng. Có lẽ chỉ do tôi đi lại nhiều và làm việc quá sức. Nhưng như vậy đối với tôi là tốt lắm rồi, mọi thứ sẽ khá lên dần dần, miễn sao tôi không bị gián đoạn công việc.
Đi dạy học, tôi có thêm rất nhiều niềm vui: niềm vui từ đồng nghiệp, niềm vui từ học sinh và cả niềm vui từ những bài giảng nữa. Nhưng đổi lại những niềm vui đó, tôi cũng thường xuyên âm thầm chịu đựng đau đớn do bệnh tật đem lại.
Thỉnh thoảng đi dạy về tôi lại thấy mệt mỏi và đau đớn đặc biệt là những cơn đau đầu cứ hành hạ tôi. Thế nhưng dường như sự đau đớn tôi chịu đựng đã thành thói quen, còn công việc mà tôi đang làm lại là công việc mà tôi rất yêu thích.
Vậy nên, nếu có phải trao đổi hai điều đó thì tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Còn nếu có người khuyên tôi từ bỏ công việc thì quả là một điều khó, vì công việc đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt nó còn tiếp thêm cho tôi nghị lực sống.
* *
*
Trong cái xã hội bao la rộng lớn, công việc của tôi thật giản dị, nhỏ bé. Nhưng nó mang lại cho tôi một cuộc sống vô cùng ý nghĩa - một cuộc sống có nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Tôi được đi làm, được hòa đồng với thế giới bên ngoài, được thực hiện mơ ước và đặc biệt được cống hiến hết mình cho xã hội. Tôi mong muốn mình là một người có ích cho xã hội.
Tuy là người rất ngại viết, nhưng tôi đã cố gắng viết những dòng này. Trước hết để cảm ơn tấm lòng của những người thân, bạn bè đã dành cho tôi, nhưng chắc kiếp này tôi chỉ biết nhận ân tình của mọi người thôi, hẹn kiếp sau báo đáp vậy.
Sau nữa là để cho những người ốm đau vì bệnh tật như tôi, hy vọng đọc những dòng này sẽ làm nguôi ngoai phần nào nỗi đau trong lòng họ. Tôi sẽ rất vui nếu mọi người cùng đọc để hiểu tâm trạng của những người bệnh và cảm thông cho chúng tôi.
VÀ....
Tác giả "Vẫn tin ở ngày mai" đã ra đi
- Cô giáo Lê Minh Nguyệt - tác giả của cuốn sách Vẫn tin ở ngày mai ( đã vĩnh biệt cuộc sống ở tuổi 25 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư máu.
Phát hiện mình mắc bệnh khi đang là sinh viên, nhưng bất hạnh không quật ngã được Nguyệt. Cô vẫn kiên cường vượt lên, lạc quan và tự tin vào bản thân, vào tương lai với khao khát sống và cống hiến mãnh liệt để tốt nghiệp loại giỏi, trở thành một cô giáo được học sinh yêu mến. Tấm gương Lê Minh Nguyệt đã được nhắc đến trên Báo An ninh Thủ đô, và là nhân vật của nhiều chương trình truyền hình trên VTC, VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Cho dù cô đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 3-5-2009 tại quê hương Quốc Oai, Hà Nội nhưng cuốn tự truyện cảm động Vẫn tin ở ngày mai của Lê Minh Nguyệt vẫn là một liều thuốc tinh thần quý báu của các bệnh nhân ung thư, truyền cho họ niềm yêu đời và lòng ham sống, sống có ý nghĩa hơn.
Dù một đêm còn sống,
vẫn tin ở ngày mai...
Lê Minh Nguyệt (tên đầy đủ theo khai sinh là Lê Thị Minh Nguyệt) - tác giả của cuốn sách này - là một thiếu nữ còn rất trẻ. Cô sinh ngày 14 tháng 11 năm 1984, tại thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Nguyệt là con gái thứ hai, trong gia đình có bốn chị em, cha mẹ đều là nông dân.
Nhà nghèo, nhưng những năm học phổ thông, liên tục từ lớp 1 đến lớp 12, Lê Minh Nguyệt đều đạt danh hiệu học giỏi toàn diện. Mùa thi Đại học - Cao đẳng năm 2003, Nguyệt nộp hồ sơ xin thi vào ba trường: Đại học Sư phạm Hà Nội II, Đại học Lâm nghiệp và Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Kết quả, cô đã đỗ cả ba trường với điểm cao. Ngoài ra, theo nguyện vọng hai, Nguyệt còn được Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây gọi nhập học.
Cầm bốn tờ giấy báo nhập học, Nguyệt xin phép bố mẹ cho chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.
Trong 4 năm là sinh viên K29 Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Lê Minh Nguyệt đều đạt kết quả học tập tốt. Cô là một trong 5 sinh viên xuất sắc nhất của lớp K29C Toán được chọn làm Khóa luận tốt nghiệp. Nhưng cũng chính thời gian này, các Bác sĩ phát hiện Nguyệt có một khối u ở hốc mắt trái, phải phẫu thuật khoét bỏ. Đó là một khối u ác tính...
Vượt lên nỗi đau bệnh tật, Nguyệt đã hoàn thành chương trình thực tập của một giáo sinh. Tuy cô không đủ sức khỏe để trực tiếp bảo vệ khóa luận, nhưng Hội đồng chấm thi vẫn đánh giá cao và thống nhất cho điểm 10/10. Đó là một thành tích mà nhiều sinh viên mơ ước!
Nhưng niềm vui của Nguyệt thật ngắn ngủi, bởi khi được các Bác sĩ cho chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cô mới biết mình đã bị mắc căn bệnh khủng khiếp: Ung thư máu!
Hơn một năm qua, Lê Minh Nguyệt đã phải một mình kiên cường chiến đấu chống lại căn bệnh nan y nói trên tại Khoa C8 của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Cô đã tận mắt chứng kiến nhiều người bệnh phải vĩnh viễn ra đi bên cạnh mình. Đã có lúc tia hi vọng lóe lên, khi Nguyệt được về nhà và được Trường Phổ thông Trung học Minh Khai, huyện Quốc Oai nhận làm giáo viên thử việc trong hai tháng. Nhưng rồi, căn bệnh lại tái phát và cô phải vào viện điều trị tiếp...
Với mỗi người bình thường khi còn trẻ, người ta thường có rất nhiều ước mơ và dự định cho tương lai. Nhưng với một người bệnh, không có sức khoẻ, thì họ chỉ còn một ước mơ duy nhất: được khoẻ mạnh như người bình thường! Lê Minh Nguyệt đang là một người như thế.
thật sự xúc động, khi đọc được những lời tâm sự của Nguyệt: Bệnh tật đã cướp đi những thứ quý giá nhất của Nguyệt : Tình yêu và sự nghiệp. Nhưng em vẫn luôn hi vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Em luôn tin tưởng rằng "sau cơn mưa trời lại sáng".
"Em đã mắc phải căn bệnh nặng nhất của loài người: Ung thư! Hơn nữa lại là ung thư nặng nhất: Ung thư máu! Thì chẳng có cớ gì để cho em phải sợ những bệnh khác cả - Lê Minh Nguyệt tâm sự - Có người nói: Thà bị AIDS còn hơn là bị bệnh này. Vì bây giờ người nhiễm HIV chỉ cần tiêm một mũi là có thể sống thêm mấy năm. Lại có người nói, thà bị tù đầy còn hơn là ung thư máu, bởi dù tù chung thân, vẫn có thể được giảm án và cơ hội làm lại từ đầu; còn ung thư máu thì sống hôm nay chẳng biết ngày mai.
"Một tâm niệm chung của tất cả những người bị bệnh nặng như em là được ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng, không để lại một hậu quả lớn lao nào cho người thân. Tất nhiên, nghĩ đến cái chết cô đơn, lạnh lẽo ai mà chả sợ. Là con người, ai cũng mong muốn được sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, nhưng mỗi người có một số phận, ông trời cho chúng ta số phận thế nào ta phải chấp nhận thế đó. Hãy cứ vui vẻ mà sống, sống hết mình từng giây, từng phút để nếu có chuyện gì không may xảy ra, ta không phải hối hận rằng mình đã sống không cố gắng.
"Em cũng đã nghĩ đến rất nhiều đến cái chết. Mỗi khi có một bệnh nhân được trả về em lại nghĩ đến mình. Hay mỗi khi thấy một cái đám tang em lại nghĩ: Không biết sau này đám tang của mình có đông không?...
"Đầu óc em như muốn nổ tung bởi muôn vàn suy nghĩ. Chưa nghĩ xong điều này em đã nghĩ tới điều khác. Em đã khóc rất nhiều. Đối với em, khóc không phải là một việc xấu.
"Em cũng không biết một bệnh nhân ung thư được coi là người mất sức lao động bao nhiêu phần trăm? Nhưng với khí thế sục sôi của tuổi trẻ, em tin tưởng rằng mình có thể chiến thắng được bệnh tật để thực hiện ước mơ của mình. Căn bệnh nan y này không thể dập tắt được những ước mơ của em, mà trái lại nó còn làm cho cháy bỏng và nồng nhiệt hơn...
sưu tầm :♥♥♥ GIRL_113♥♥♥
MỌI PHẢN HỒI MỜI QUA OLA.VN
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro