Tìm hiểu về Đức Phật Trùm
Đức Phật Trùm (1868-1875)
Đời thực lẫn huyền thoại.
Phật Trùm, từ nhỏ đến lớn, sống như một người bình thường. Khi trưởng thành, ông cưới vợ và có được bốn cô con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm), theo như mấy câu sám giảng của ông còn lưu truyền:
Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết ông có để lại một cuốn kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp, bởi vậy chỉ có thể biết được một phần nội dung:
Thương đời ta phải bị đày,
Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
Tu Nhân, Học Phật khá gìn,
Long Hoa đến hội, Phật tiên đến gần...
Và cũng tương tự lối hành đạo của Đoàn Minh Huyên, Phật Trùm cho phân phát “lòng phái”, trổ tài trị bệnh thật lạ thường. Người ta kể rằng Phật Trùm thường dùng đèn sáp đốt lên, bảo bịnh nhơn ngửi hơi khói mà hết bịnh, nên ông còn được gọi là Đạo Đèn.
Cái tên ấy, đã được nhắc đến trong sám giảng của ông:
Lâm san nghe tiếng Đạo Đèn,
Gần xa thiên hạ ngợi khen vô cùng.
Kẻ thời đến lãnh giấy thông,
Người thời đến lãnh phù ông đem về...
Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam ông rồi kết án tù đày.
Trong tù, ông chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy ông hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên ông được trả tự do. Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi rao giảng đạo sang tận bên nước Campuchia.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch.
Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Sàlon., một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Phật Trùm (? - 1875) tên thật: Tà – pênh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm.
Mười hai năm sau ngày Đức Phật Thầy tịch diệt, Đức Phật Trùm ra đời. Ngài tên thật là gì và sanh năm nào, chưa ai biết (có Tài liệu ghi Ngài tên là Ta-Poul hay Paul ?). Chỉ biết Ngài là người Cao Miên có vợ và bốn người con gái. Quê của Ngài ở sóc Lương Phi, núi Tà Lơn (nằm trong vùng Thất sơn, gần kinh Tám Ngàn) thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc. Năm Mậu Thìn (1868), quanh vùng Tà Lơn xảy ra bịnh ôn dịch khiến cho người ta chết vô số kể, Ngài cũng mắc phải bịnh nầy mà chết vào ban đêm nhưng có điều lạ lùng là sáng hôm sau khi người nhà định đem đi hỏa táng thì Ngài bỗng nhiên sống lại. Điều lạ kỳ nữa là khi sống lại, Ngài không còn nói được tiếng Miên mà chỉ nói ròng tiếng Việt. Sau đó, Ngài bắt đầu nói giọng nửa hư nửa thực, có người nghi ngờ hỏi thì Ngài trả lời :
-“Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.”
Và “Hồn Trùm” ấy không ai khác hơn là Đức Phật Thầy như lời Ngài thố lộ :
“Ở đời hạ giái yêu ma,
Phật cho Thầy xuống giáo mà chúng sanh.”
Rõ ràng, Ngài cho biết :
“Trùm của Phật sai xuống dạy đời”.
Vì vậy, người đời gọi Ngài là Phật Trùm. Chẳng những để dạy đời mà Ngài còn ra tay cứu độ chúng sanh bằng phương pháp huyền diệu. Khởi đầu là cứu khỏi những người đang mắc bịnh ôn dịch quanh vùng, sau đó, người ta đem đến bịnh gì Ngài cũng trị được hết. Đặc biệt, khi trị bịnh, Ngài hay dùng đèn sáp đốt lên rồi bắt bịnh nhơn ngữi hơi khói mà hết bịnh, nên Ngài còn được gọi là ông Đạo Đèn. Song song với việc chữa bịnh, Ngài bắt đầu dạy đạo, thu nhận đệ tử, phát lòng phái nên tín đồ BSKH tin rằng Đức Phật Trùm là người kế thừa Đức Phật Thầy để tiếp nối hoằng dương chánh pháp, do đó, từ khắp nơi họ ào ạt kéo về lễ bái, xin trị bịnh và qui y ngày càng đông đảo. Ngài có làm bài KỆ sau đây :
Hạ ngươn mạt pháp khổ trời Nam,
Thừa lịnh Phật Tôn xuống cõi phàm.
HỌC PHẬT TU NHÂN noi diệu pháp,
Long Hoa ký hội độ hiền nhân.
Hai năm sau đó, vì thấy Ngài được nhiều người tín ngưỡng nên có một số người Cao Miên ở Xà-Tón sanh lòng ganh ghét nên đến báo cáo với quân Pháp ở Châu Đốc rằng Ngài đang chiêu mộ binh sĩ có ý khởi nghĩa Cần Vương, mưu cuộc dấy binh chống Pháp. Thế là, Ngài bị quân Pháp bắt về Châu Đốc và giam giữ.
Theo lời của ông Nguyễn Phước Còn (còn gọi là ông Bảy Còn) ở tổng Định Hòa, (Long Xuyên) thì mặc dầu Ngài đang bị giặc Pháp giam cầm trong ngục thất nhưng người ta vẫn thấy Ngài thong thả dạo chơi ở ngoài phố chợ. Sau đó, bọn Pháp còn đem Ngài bỏ vào cũi sắt rồi liệng xuống sông nhưng Ngài vẫn không bị chết ngộp hay bắt Ngài ngồi trong đụn dầu sôi nhưng Ngài vẫn không bị chết phỏng. Cuối cùng, thực dân Pháp đem Ngài đày ra hải ngoại nhưng không ai biết là ở nơi nào (Côn Đảo hay đảo Réunion ? không tài liệu nào ghi rõ).
Trước khi bị đày, Ngài có để lại một bài Sấm giảng nhưng bị thất lạc, chỉ còn lại mấy câu (do gia đình một tín đồ BSKH truyền miệng) như sau :
…“Thương đời ta phải bị đày,
Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
Tu Nhân Học Phật khá gìn,
Long Hoa đến hội Phật tiên đến gần…”
Sau một thời gian an trí, nhà chức trách Pháp thấy Ngài hiền lành, không có gì là nguy hiểm nên tha Ngài về xứ. (Có nhơn chứng tên là Quăng quê ở Long Kiến, tỉnh Long Xuyên kể lại rằng Ngài bị giam chung với tội nhơn thường phạm và lãnh phần chăn hai con heo, nơi đây, Ngài cũng bị bọn cai ngục cho uống nước cường toan (eau régale) là chất độc nhưng Ngài vẫn không chết lại mạnh khoẻ như thường.). Khi về đến Châu Đốc, Ngài được nhà cầm quyền Pháp cấp cho một cây súng hai lòng để đi săn bắn nhưng buộc Ngài phải trình diện họ mỗi tuần một lần vào sáng thứ Hai. Sau đó, Ngài trở về núi Tà-Lơn tiếp tục cứu nhơn độ thế và nhắc nhở người đời lo việc tu hành. Ngài tịch diệt ngày 21 tháng Mười một năm Ất Hợi (1875) sau bảy năm ra đời hoằng khai chánh pháp và cứu độ sanh linh.
Trước khi tịch diệt, Ngài có cho vợ con và tín đồ biết trước rằng Ngài sẽ về cõi Phật, rồi bỏ nhà đi lên núi. Nhà cầm quyền Pháp thấy đã quá mấy ngày mà Ngài không đến trình diện nên cho người tìm bắt. Sau khi nghe nói Ngài đã tịch rồi, bọn chúng không tin nên bắt vợ con của Ngài giải về Châu Đốc, buộc Ngài phải lộ diện thì họ mới thả vợ con ra. Cuối cùng, Ngài phải trở về nhà, bảo tín đồ đóng cho một cái hòm rồi tự mình trải vào đó một cái khăn rộng và vào nằm trong đó. Sau đó, sai người đậy nắp lại cẩn thận rồi đi báo cho Pháp hay. Bọn Pháp sau khi đã khám nghiệm đủ cách, biết chắc Ngài không còn sống nên hạ lịnh đem chôn trước sự chứng kiến của họ. Tuy nhiên, một thời gian sau đó người ta vẫn thấy Ngài lảng vảng trong vùng Thất sơn.
Ngài còn truyền lại một bổn “Sấm Giảng” khuyên người đời tu niệm và tiên đoán việc thiên cơ, trong đó có đoạn như sau :
“Việc đời nghe cũng gần đây,
Nghe lời Thầy dạy vậy thời ở yên.
Rày kinh nay đã đóng biên,
Hai năm Tuất Hợi gần miền Phật ra.
Tử dân vô số Hằng hà,
Độc trùng ác thú đều ra hại người.
Phần thời giặc đánh tới nơi,
Phần thời giặc Trời ra hại người ta.
Chư hầu dấy động can qua,
Đến chừng thấy Phật thì còn bâu* không.
Loạn trong thập bát chư hầu,
Âm thinh ba tiếng đâu đâu cũng tàng.”
(Viết theo quyển “Thất sơn Mầu nhiệm” của Dật Sĩ & Nguyễn văn Hầu)
Chú thích :
1/- Ngoài việc phát đèn sáp cho bịnh nhơn, Đức Phật Trùm còn phát cảbâu áo. Hễ ai là đệ tử thì được phát cho hai khuy hai nút, còn người thường thì phát cho một khuy một nút. Bâu áo nầy được bọc vải bên ngoài còn bên trong thì lót lá cây mần-dè, ngụ ý là không dè mà gặp Phật.
2/- Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Đức Phật Trùm cho biết : Ngày Đức Phật Trùm tịch là 21 tháng 11 năm Ất Hợi (1875), mồ mả còn tại núi Tà-lơn, Ngài còn để lại một cuốn Kinh bằng tiếng Việt nhưng tên Tà-Sao là cháu của Ngài vì ham lợi đã đem nạp cho bọn Pháp. (Theo quyển “Nửa tháng trong miền Thất sơn” của Nguyễn văn Hầu).
Bia mộ Phật Trùm
Điều mà ai đọc đến lịch sử Đức Phật Trùm đều phải kinh dị là trường hợp ra đời và mở đạo của Ngài không khác trường hợp của Đức Phật Thầy Tây An. Ngài vốn là một người Miên ở núi Tà Lơn vùng Xã Tón thuộc tỉnh Chấu đốc, nhưng bỗng một hôm, sau khi chết đi sống lại vì bịnh thời khí, Ngài hốt nhiên tỏ ngộ, không nói được tiếng Miên, lại nói ròng tiếng Việt. Rồi bắt đầu từ đó, Ngài phát phù trị bịnh, mở đạo giáo đời, nhứt nhứt như được Đức Phật Thầy truyền lại. Thế cũng chưa làm cho người đời ngạc nhiên bằng khi thấy Ngài cũng phát lòng phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Thật là một điều kỳ diệu. Nếu không phải Đức Phật Thầy chuyển kiếp thì làm gì có trường hợp lạ lùng như thế.
Chùa Phật Trùm trước đây
Cổng vào chùa (mới xây lại)
Do những chỗ giống nhau ấy mà người đời quả quyết rằng: Đức Phật Trùm tức là Đức Phật Thầy tái sanh, nhiều đệ tử và tín đồ của Ngài tấp nập kéo đến. Nhân đó giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương lại một phen mạnh truyền trong dân chúng.
Cũng như đệ tử của Đức Phật Thầy, đệ tử của Đức Phật Trùm cũng được mật truyền bí pháp và đắc pháp thần thông, trong số đó người ta được biết ông Đạo Sĩ ở Trà Kiết thuộc tỉnh Long Xuyên, ông Đạo Ớt ở Tân Lược thuộc tỉnh Cần Thơ, là những vị còn lưu lại ít nhiều tung tích và có công trong việc xây nền móng cho giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Công cuộc truyền giáo có cơ phát triển thì chẳng may Đức Phật Trùm gặp phải tai nạn. Mặc dù sau một thời gian bị đày lưu, Đức Phật Trùm được trả tự do và tiếp tục công việc cứu bịnh, qui tụ tín đồ đông như trước, nhưng về giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương thì bắt đầu từ đó bước vào con đường khó khăn chẳng khác Phật-giáo gặp ách tam Võ (1) ở Trung Hoa.
Khu mộ gia đình Phật Trùm trên núi Sà-lôn
Nên biết Đức Phật Trùm ra đời nhằm năm Mậu thìn (1868) tức là lúc quân pháp đã chiếm Nam kỳ Lục tỉnh. Các vị anh hùng ái quốc trong cuộc nổi lên gây phong trào kháng chiến Cần vương. Nào là Ngài Trương Công Định huy động nghĩa binh ở miền Đông, nào là ngài Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp, nào là các Ngài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Khoa Huân, Trần Văn Thành tức Đức Cố Quản… phát cờ khởi nghĩa ở miền Tây. Đặc biết là Ngài Nguyễn Trung Trực, kế đó Đức Cố Quản, là hai tướng lãnh kháng chiến, từng làm cho quân Pháp kinh danh khiếp sợ. Ngài Nguyễn Trung trực đã hỏa công chiếm hạm Pháp tại sông Nhựt Tảo thuộc tỉnh Tân An và hạ đồn Kiên Giang tức tỉnh Rạch Giá. Đến như Đức Cố Quản thì Ngài đã đánh nhau với Pháp ở đồng Bảy Thưa, giữa khoảng Châu đốc Long xuyên. Vả lại Ngài là đệ tử của Đức Phật Thầy có hàng vạn người làm hậu thuẫn, cho nên quân Pháp đạc biệt chú ý đến tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Sau khi Pháp phá tan lực lượng của Ngài vào năm 1873. quân Pháp truy nã tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương và thi hành một chánh sách khủng bố nghiệt ngã.
Chính lúc ấy, Đức Phật Trùm lại truyền mạnh giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, qui tụ tín đồ hàng vạn thì tránh sao cho khỏi quân Pháp nghi kỵ. Thế rồi Đức Phật Trùm bị bắt và đày đi. Bắt đầu từ đó, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương bước vào giai đoạn đình đốn ngưng trệ.
Nói tóm lại, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương từ khi Đức Phật Thầy Tây An khai sáng cho đến khi Đức Phật Trùm viên tịch, là ở vào giai đoạn thành lập xây đựng. Trong giai đoạn này, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương được Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm, cùng đệ tử của hai Ngài đặt vững cơ sở khắp nơi. Nhiều cảnh chùa đã xây dựng còn lưu lại đến ngày nay.
Mặc dù giữa Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm không có sự ấn chứng hay truyền y bát như hệ thống tổ , tổ tương truyền, nhưng Đức Phật Trùm cũng như bao nhiêu vị giác ngộ sau này, vẫn kế truyền và xiển dương giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương như đã có một truyền cảm giữa vị giác ngộ này với vị giác ngộ khác.
Đó là một điều huyền diệu, chỉ giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương mới có.
ÔNG ĐẠO ĐÈN hay ĐỨC PHẬT TRÙM
A. Thân Thế
Ngài tên thật là chi và sanh năm nào chưa tìm ra được. Quê ở sóc Lương Phi, núi Tà Lôn (núi này trong vùng Thất Sơn, ở góc núi Dài, về phía núi Tô, gần kinh tám ngàn), thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.
Nghe Ngài xưng là Trùm của Phật sai xuống cứu đời, người ta gọi Ngài là Đức Phật Trùm; lại thấy Ngài trị bịnh hay dùng cây đèn sáp để đốt cho bịnh nhơn coi và ngửi mà hết bịnh, người ta còn gọi Ngài là ông Đạo Đèn.
Ngài vốn thật là người Cao Miên, lúc còn là thường nhân thì đầu cạo trọc, ăn mặc theo lối Miên, nhưng khi được sáng tỏ, Ngài để tóc và ăn mặc theo người Việt. Ngài có vợ và sanh được bốn người con gái. Hiện nay miêu duệ không thấy còn ai.
B. Trường Hợp Tỏ Ngộ
Năm Mậu Thìn (1868), quanh vùng Tà Lôn nhân dân bị bịnh dịch mà chết vô số. Khi ấy Ngài cũng mang bịnh rồi chết. Lúc chết về đêm, gia quyến Ngài định hoàn lại sáng sớm hôm sau sẽ đem ra hoả táng. Không ngờ trời rạng đông, Ngài tự nhiên sống lại và đi đứng mạnh giỏi như thường.
Nhiều người Cao Miên thấy vậy xúm lại mừng rỡ hỏi thăm. Ngài không trả lời bằng tiếng Miên mà chỉ nói tiếng Việt. Ngài còn bảo vợ con từ nay hãy ăn ở nói năng theo phong tục người Việt.
Vài hôm sau, Ngài bắt đầu nói giọng nử hư nử thực. Có ai hỏi Ngà tại sao thế, thì Ngài trả lời đại lược rằng:
Tuy là phần xác của Mên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
C. Bị Bắt
Từ ấy Ngài bắt đầu trị bịnh. Ban đầu còn cứu người về bịnh dịch tả, sau bịnh này êm rồi thì người ta đêm đến bịnh chi Ngài cũng trị được. Tiếng đồn vang dội khắp nơi, thiên hạ đêm nhau đến để quy y cầu đạo mỗi ngày một đông không xiết kể!
Bởi thế nên có bọn người Cao Mên ở Xà Tón đem lòng ganh tỵ, nhứt là họ thấy Ngài thâu nhận nhiều tín đồ người Việt thì lại càng ganh ghét thêm. Một hôm nọ, họ đến cáo báo với quân Pháp ở Châu Đốc, nói rằng hiệp cùng người Việt để mưu cuộc dấy binh chống Pháp. Liền theo đó Ngài bị bắt về Châu Đốc và không cần xét hỏi hư thực, người ta đem giam Ngài vào ngục.
Theo lời ông Nguyễn Phước Côn -tục gọi là ông Bảy Còn, hiện ở tổng Định Hoà, Long Xuyên- đã nghe kể lại thì trường hợp nầy cũng gần giống như trường hợp bị bắt của Đức Phật Thầy Tây An. Mặc dù Ngài bị giam cầm trong ngục thất, nhiều người vẫn thấy Ngài thong thả dạo chơi như người vô sự ở ngoài phố chợ. Bởi vậy, nhà cầm quyền Pháp hết sức nghi nan, họ bắt Ngài bỏ vào củi sắt rồi đem liệng xuống sông. Thế mà khi khiêng đến bến, Ngài vẫn điềm nhiên ngồi trong cũi hút thuốc lá như thường.
Nhiều người tín đồ của Ngài giả dạng khách thương buôn để đến thăm dò tin tức; họ thấy Thầy bị hành hạ như vậy thì đau lòng hết sức, định bụng rằng Ngài không tài nào sống được. Nhưng trái lại, một chặp sau, họ thấy Ngài xả tóc ung dung đi đứng trên đường.
Người ta hết sức thử thách mà không chết, có lần họ đem Ngài bỏ vào vạc dầu sôi, Ngài an nhiên không chút sợ sệt, và khi đem ra, Ngài không bị một vết phỏng nào.
D. Bị Đi Đày
Thấy như vậy, người Pháp tuy có mến phục tài năng, nhưng thâm tâm còn sợ nỗi nếu thả Ngài ra thì quần chúng còn càng tin tưởng thêm, mà chính cái tin tưởng ấy sẽ gây cho Ngài một thế lực mạnh mẽ, vì thế nên họ cho đày Ngài ra hải ngoại.
Trong lúc ở hải ngoại, người ta bắt Ngài đi làm việc và chăn heo như những tội nhân thường phạm khác. Hễ mỗi sáng sớm, mỗi người phải lùa lên núi hai con heo cho ăn, rồi chiều đến lại lùa về. Khác hơn các tù phạm khác, Ngài chỉ kêu hai con heo mà người ta đã cắt cho Ngài lại mà dặn nó sau khi đi ăn rồi phải trở về. Thế là hai con heo răm rắp vâng lời, khỏi phải phiền Ngài đi theo giữ như kẻ khác.
Ở đây một thời gian, Ngài bị nhà chức trách Pháp cho uống nước cường toan (eau régale) là một chất độc giết người, mà Ngài vẫn thêm mạnh. Lại xét thấy Ngài hiền lành, không có gì đáng cho là nguy hiểm lắm, họ bèn tha Ngài về.
Trước khi xuống tàu về xứ, có người tù phạm tên là Quăng -bấy lâu cũng bị đày như Ngài- than thở rằng không biết số phận mình sẽ ra sao, và bao giờ mới được về quê quán. Ngài thấy vậy bảo Quăng đừng lo gì cho nhọc, nội trong bảy ngày nữa cũng sẽ được thả ra như Ngài vậy. Quả thật đúng y như lời Ngài nói, một tuần sau Quăng được đưa về.
E. Trở Về Tà Lôn
Sau lúc được trả tự do, Ngài được người Pháp phát cho một cây súng hai lòng để đi săn chơi, song họ buộc Ngài mỗi một tuần lễ, cứ lệ ngày thứ hai thì phải có mặt để trình diện. Ngài tuy theo lệnh nhưng vẫn còn có thì giờ trở về sóc Tà Lơn mà cứu độ bệnh nhân và nhắc nhở cho người đời sớm lo tu tỉnh.
Nơi đây Ngài thường lên núi lấy sáp đem về để xe đèn trị bịnh. Người ta không biết sáp ở đâu mà hễ cứ mỗi lần Ngài đi lấy thì những người đi theo không tài nào gánh hết được.
Cũng nơi vùng Thất Sơn có một lần Ngài sắp đặt một cuộc cúng tế có đông đủ tín đồ. Người nhà than rằng không thể nào lo được chén bát để dọn ăn cho đủ. Ngài bảo rằng không hề chi, trên non không thiếu gì những vật ấy.
Thế rồi hôm sau, Ngài cho ít người môn đệ đem gióng gánh theo chân Ngài lên núi để mượn đồ. Ngài dẫn đến một nơi nọ có hầm sâu, cây cối chung quanh sầm uất, rồi chỉ cho họ lấy, và dặn muốn lấy bao nhiêu tùy ý, nhưng hãy đếm để về sau hòng trả lại cho đủ.
Khi xong đám, mấy người tín đồ quảy gánh chén bát lên núi để trả lại chỗ cũ, nhưng có điều rất lạ là họ cố tìm mà không gặp được chỗ hầm đã lấy, họ đành phải gánh trở về. Sau phải nhờ Ngài dẫn lên chỉ chỗ mới trả được.
Cứ nhiều lần như vậy, nên trong tín đồ của Ngài có người đưa ý kiến chặt cây và cột gút cỏ lại để làm dấu, rồi đợi khi vắng Ngài, họ lén lên để tìm coi. Nhưng họ cũng thất vọng, những dấu họ làm bửa trước không sao kiếm được, mặc dầu họ là đám người rất quen thuộc đường rừng.
Để cho phân biệt được tín đồ của Ngài và của các tôn phái khác, Ngài phát cho mỗi người đệ tử một bâu áo có hai khuy hai nút, còn những thân chủ đến trị bịnh thì ngài chỉ cho một khuy một nút mà thôi.
G. Trường Hợp Tịch Diệt
Ngài ra đời giáo đạo được bảy năm thì tịch diệt nhằm ngày 21 tháng Muời Một năm Ất Hợi (1875). Ngài còn lưu lại cho đời một bổ "Sám Giảng" khuyên đời tu niệm và tiên đoán việc thời cơ.
Lúc Ngài tịch, có xảy ra một việc rất lạ, tưởng không thể bỏ sót được.
Một hôm, trước ngày tịch diệt, Ngài cho vợ con và tin đồ biết trước rằng Ngài sẽ về cõi Phật. Thế rồi Ngài bỏ nhà lên núi mà không trở về.
Sau mấy hôm quá ngày trình diện mà không thấy Ngài đến, quân Pháp cho lính vào tận sóc Lương Phi để tìm kiếm, và sau khi nghe nói Ngài đã tịch rồi, họ nhứt định cho là nói dối, bèn bắt hết cả vợ con của Ngài giải về Châu Đốc, buộc phải có mặt Ngài thì họ mới thả vợ con ra.
Trước tình trạng rắc rối ấy, có người tín đồ trung thành của Ngài tên là ông Việm, hết lòng nguyện vái rồi lặn lội lên vùng Thất Sơn để tìm Ngài mà cầu xin giải cứu.
Sau mấy hôm tìm kiếm hết sức vất vả, ông Việm mới gặp được Ngài đang ngồi trong hang đá, cùng nói chuyện với những bậc dị nhân.
Thấy ông Việm, chưa đợi ông này tường thuật, Ngài tự nhiên đã hiểu rồi. Ngài bảo ông Việm hãy về trước rồi Ngài sẽ theo sau, và dặn rằng Ngài chỉ rán độ cho một phen này, sau thì tự lo liệu lấy.
Khi đến nhà, Ngài bảo tín đồ đóng cho một cái hòm, rồi tự mình trải vào một cái khăn bằng vải rất rộng. Xong, Ngài vào nằm trong đó, sai người đậy nắp lại cẩn thận rồi đi báo cho Pháp hay. Được tin đã kiếm được xác Ngài, quân Pháp kéo vào xem xét, thì quả nhiên, nhưng họ chưa tin rằng chết thiệt, bảo cứ gác thẻ dưới nắp hòm rồi để đó, hễ vài ba ngày thì họ vào một lần để dở ra khám nghiệm.
Sau khi đã khám nghiệm đủ cách mà không thấy Ngài còn có chút gì là người sống -mặc dầu xác Ngài vẫn không hôi thối- nhà cầm quyền Pháp thả hết vợ con Ngài ra, rồi hạ lệnh đem chôn Ngài, trước mặt cho họ trông thấy.
Từ ấy về sau, Ngài không có trở về nhà nữa. Nhưng thỉnh thoảng Ngài có cho người ta xem thấy Ngài còn lảng vảng trong vùng Thất Sơn.
Hiện giờ nghe đâu Ngài còn có một người nữ tín đồ ở tại sóc Tức (1), tục gọi là bà Bảy, sống hơn một trăm tuổi mà vẫn còn khoẻ mạnh, lại cứ một ngày một trẻ dần, đọ với con bà người ta thấy bà trẻ hơn nhiều. Nghe nói bà có xin phép "Ơn Trên" để đi vào viếng cảnh trong ruột núi Cấm, nhưng chưa được lịnh, chẳng biết có quả thật như vậy không!
Trong khi đi sưu tầm tài liệu cho quyển sách nầy, vì tình thế khó khăn không cho phép, nên chúng tôi chưa đến gặp tận mặt bà được. Xin chờ lại một dịp sau.
tư liệu tổng hợp
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro