Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tieu Thuyet Ðóa hoa tàn Hồ Biểu Chánh Chương 8-het

I V - Tình sâu tiết sạch

Chương 8

Cách một tháng sau, thím biện Yến có trở về ở đâu trong xóm mà mướn thợ xây mả cho chồng.

Người ta hỏi thăm thì thím nói Hải Đường làm quan Bác vật tại sở Tạo Tác Sài Gòn. Làm mả xong rồi thì thím đi nữa, nói rằng lên Sài Gòn ở với con.

Từ ấy cho tới hai năm sau, Hải Đường và thím biện Yến không có trở về trong làng nữa, mà cũng không có gởi thơ cho ai hết, nên không ai biết còn ở Sài Gòn hay là đã dời đi chỗ nào khác.

Một buổi trưa, lính trạm đi phát thơ, cũng ghé nhà ông Bình mà phát nhựt trình như mỗi bữa. Cô Túy Nga ở nhà có một mình, cô mở tờ nhựt báo "Thanh niên" ra, thấy ở chương đầu có một bài đề tựa chữ lớn như vầy: „Tài với Tình". Cô là người đa tình, thấy tựa như vậy thì lấy làm kỳ, nên đọc bài ấy trước.

Bài viết như vầy:

Ông Nguyễn Hải Đường là một đứng nhơn tài của Việt Nam, ông ở tại " Chư nghệ Đại học hiệu" Bá Lê mà xuất thân, được cấp bằng làm Kỹ sư Bác vật sở Tạo Tác Đông pháp. Chí tấn thủ với tài học thức của ông làm vẻ vang cho bực thanh niên Nam Việt không biết chừng nào. Tiếc thay cho ông cũng như trăm ngàn đứng thanh niên khác, hễ đa tài thì đa tình, ông cũng bị dây ái tình ràng buộc lôi cuốn vào biển khổ.

Hôm chúa nhựt rồi đây, tôi thăm ông bạn tôi là ông y khoa Tấn sĩ Lê Vĩnh Trị ở Châu Đốc, tình cờ tôi nghe được tâm sự của ông Hải Đường thì tôi lấy làm đau lòng vô hồi. Theo như lời ông bạn tôi nói lại, thì ông Hải Đường từ nhỏ đã có tình với một cô mỹ nữ nào đó, nhưng vì cô chê ông nghèo hèn, không khứng kết tóc trăm năm với ông, nên ông thất vọng mới đi qua Pháp mà học. Ông học thành tài rồi, ông trở về xứ, gắn bó xin kết tóc với cô nữa. Cô quyết một lòng kháng cự, ông năn nỉ thế nào cô cũng không ưng. Lần nầy ông thất vọng mà lại thêm thất chí, không còn ham phú quí công danh gì nữa. Ông đương làm Kỹ sư Bác vật tại Sài Gòn sang trọng sung sướng không ai bì kịp, mà ông không thèm kể, ông xin đổi lên xứ Cao Miên đặng đi coi làm cầu theo đường xe lửa qua ranh Xiêm La. Ông lội trong ruộng, ở trong rừng, dãi nắng dầm mưa, cực nhọc đáo để, mà ông cũng không lấp mạch sầu được. Ông buồn quá nên sanh tật uống rượu, vì ông tính lấy rượu mạnh mà rửa mối sầu. Gần hai năm nay, phần thì ăn thất thường, ở cực khổ,phần thì ngày như đêm rượu mạnh cứ đốt gan đốt ruột ông, bởi vậy ông phải sanh bịnh, vừa đau trái tim, vừa đau con mắt. Ông phải xin vào nhà thương Nam Vang mà dưỡng bịnh.

Ông bạn của tôi là ông Lê Vĩnh Trị vốn là bạn thiết của Hải Đường hồi ở Bá Lê, lại chuyên trị bịnh trái tim và con mắt. Ông Trị hay tin ấy mới tuốt lên Nam Vang thăm ông Hải Đường, rồi rước ông về Châu Đốc để tại nhà mà trị bịnh cho ông. Tuy ông Trị hết lòng lo cứu bạn, nhưng mà cho thuốc hơn nửa tháng rồi, bịnh trái tim có giảm, còn cặp mắt của ông Hải Đường vẫn còn lù mù, không thấyđường đi.

Tôi thấy bịnh của ông Hải Đường thì tôi làm tiếc cái tài học của ông hết sức, mà tôi lại ghê gớm cho cái giống ái tình, nó mạnh mẽ đến nỗi giết người được. Cái hại về ái tình mà ông Hải Đường vương mang đó, là cái gương để cho anh em thanh niên xem.

Giáo sư Bùi Đạo Đức

Cô Túy Nga đọc hết bài nhựt trình, thì nước mắt tuôn dầm dề. Cô cầm tờ nhựt trình vô phòng nằm đọc đi đọc lại, đọc chừng nào cô càng đau đớn thêm chừng nấy. Cô khóc trót giờ, rồi lấy giấy viết một bức thơ, giọt lụy nhiểu ướt giấy hai ba chỗ. Cô niêm thơ kỹ luỡng rồi sai một đứa bạn đem xuống Vũng Liêm mua cò mà gởi tại nhà thơ[1].

Cô nằm trong phòng mà khóc hoài, cho đến chiều, ông bà đi xóm về, người nhà dọn cơm, mà cô cũng không chịu ra ăn.

Bà tưởng đau, nên tối bà vô phòng mà thăm cô, té ra bà thấy cô dựa bên cây đèn, mắt ngó vào tờ nhựt trình mà khóc. Bà lấy làm lạ, nên trở ra nói việc mình thấy đó cho ông nghe.

Ông Bình bèn kêu cô Túy Nga mà dạy ra cho ông biểu. Cô bước ra, cặp mắt ướt rượt, tay cô cầm tờ nhựt trình. Ông thấy vậy bèn hỏi rằng: „Có việc gì mà con khóc?"

Cô Túy Nga đưa tờ nhựt trình và chỉ cái bài "Tài với Tình" cho ông xem. Ông cầm đọc lớn cho bà nghe với ông. Ông đọc lớn rồi day qua hỏi Túy Nga rằng: „Hải Đường mang bịnh thì tội nghiệp thiệt, nhưng tại cớ nào con khóc đến nỗi bỏ ăn bỏ uống?" Túy Nga thủng thẳng đáp rằng: „Cô mỹ nhơn nói trong bài nhựt trình đó là con!"

Vợ chồng ông Bình nhìn nhau chưng hửng.

Ông hỏi rằng:

- Té ra Hải Đường có tỏ tình với con, có xin kết tóc trăm năm với con hay sao?

- Thưa, có.

- Hồi nào?

- Thưa, hồi ở bên Pháp mới về đó.

- Sao con không cho thầy má hay?

- Con nghĩ con ưng ảnh không được, nên con trả lời ngay cho ảnh, con không thưa lại cho thầy má hay làm chi.

- Hồi nó đi Pháp về thì chồng con để bỏ con đã lâu rồi, có điều chi trở ngại đâu mà con ưng không được?

- Tại con hay cái tình của ảnh đối với con nặng lắm, cái tình ấy gây ra từ khi ảnh mới thi đậu Tú tài và con chưa có chồng, mà ảnh ái ngại không dám nói ra, để bỏ đi Pháp mà học; nên sau con nghĩ phận hèn của con không xứng với tình nặng của ảnh mà con không ưng.

- Con dại quá! Việc như vậy mà nó không cho hay, để Hải Đường thất tình đến nỗi bịnh hoạn, bây giờ làm sao?

Bà nói rằng:

- Hồi Hải Đường thi đậu Tú tài rồi, tôi muốn gã phứt con Túy Nga cho nó. Tại ông muốn làm sui với chỗ môn đương đối hộ, ông hứa lỡ với ông Thiện mà gả nó cho Đăng Cao, tôi không biết làm sao, nên tôi phải xuôi theo. Chớ chi hồi trước mình gả nó cho Hải Đường thì nó có đâu bị hành hạ cái thân như vậy.

- Thiệt đó chớ! Tại hồi đó lòng tôi còn phấn chấn danh lợi nên tôi lầm. Thôi, việc xưa bà nó nhắc lại làm chi, để tính việc bây giờ đây coi phải làm sao.

- Bây giờ còn tính giống gì nữa. Tại hai đứa nó không có duyên nợ với nhau nên trời mới khiến như vậy, thì phải chịu, chớ biết làm sao.

Ông ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi ông hỏi Túy Nga rằng: „Con nói mấy lời hồi nãy đó thì thầy đủ hiểu ý tứ của con rồi. Tại con vì liêm sỉ, vì tiết giá nên con không ưng Hải Đường. Con ở như vậy thì cao thiệt, nhưng mà cái cao của con đó nó không hạp với cái tình sâu của chàng Hải Đường, nên chàng mới thọ hại. Bây giờ con tính lẽ nào? Con đành giữ phẩm giá của con cho cao hoài mà để cho tiêu diệt một đứng nhơn tài của xã hội Việt Nam hay sao?"

Túy Nga khóc và đáp rằng:

- Thiệt con không dè cái ái tình của anh Hải Đường sâu sia[2] đến thế. Con tưởng anh tài cao tước lớn, nếu con không ưng ảnh, thì chẳng thiếu nơi sang trọng giàu có cho ảnh kết đôi, có lẽ nào phận hèn của con mà làm lụy cho ảnh được.

- Có vậy con mới thấy cái ái tình đó là ái tình thiệt, không giả dối chút nào hết.

- Phải con hay như vậy thì thà là con chịu hổ thầm mà làm thấp, chớ con đâu nỡ giành phần cao mà để cho ảnh thất chí thọ bịnh. Con nghĩ lại con lỗi với anh Hải Đường nhiều lắm, nếu ảnh chết thì cái tội của con còn lớn hơn nữa, biết chừng nào mà chuộc đuợc.

- Thiệt như vậy.

Túy Nga đứng dụ dự một lát rồi nói tiếp rằng: "Con muốn xin thầy má một điều nầy: Từ ngày con bị chồng để bỏ, con tưởng nợ nhơn duyên con đã dứt rồi, nên con thề tâm phục sự thầy má cho đến trăm tuổi già, để đền ơn sanh thành cúc dục. Chẳng nhè nợ nhơn duyên của con còn lòng dòng, nên mới khiến có việc rắc rối như vầy. Nếu con làm lơ thì con mang tội ác lớn lắm. Vả lại ở nhà có anh Hai chị Hai. Vậy con xin thầy má vui lòng cho phép con lên Châu Đốc tìm mà nuôi dưỡng anh Hải Đường đặng con chuộc cái tội của con, chừng nào ảnh lành mạnh rồi con sẽ trở về".

Ông Bình gật đầu đáp rằng: "Đó là nghĩa vụ của con, có lẽ nào thầy ngăn cản".

Bà tiếp mà nói rằng: "Vậy mới phải. Bề nào cũng phải ráng hết sức mà cứu nó chớ".

Cô Túy Nga sửa soạn hành lý rồi bữa sau cô đón xe hơi mà đi Châu Đốc.

Chương 9

Ông y khoa Tấn sĩ Lê Vĩnh Trị mướn ba căn phố dọn ở phía sau chợ Châu Đốc, một căn để làm phòng khám bịnh, còn hai căn để làm biệt xá.

Cô Túy Nga lên tới Châu Đốc lối ba giờ chiều. Cô hỏi thăm nhà ông Lê Vĩnh Trị rồi ngồi xe kéo đi lại đó. Khi cô xách vali bước vô cửa thì cô thấy thím biện Yến ngồi trong nhà. Cô liền để vali ngoài hàng ba rồi đi riết vô và khóc và hỏi rằng: „Thím biện, anh Bác vật bớt hay không? Ảnh nằm đâu?"

Thím biện Yến lắc đầu, rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: „Nó ở trong núi, chớ đâu có ở đây. Tại cô mà bây giờ nó phải mang bịnh hoạn nhiều quá cô Ba ôi!"

Cô Túy Nga ngồi dựa bên thím biện Yến mà khóc, không nói được một tiếng chi hết. Thím biện Yến thấy vậy thím cảm tình, nên thím cũng khóc chớ không nỡ trách nữa.

Hai người tỏ dấu sầu não về cái họa chung một hồi, rồi cô Túy Nga mới hỏi bịnh của Hải Đường phát hồi nào, chứng bịnh ra làm sao, tại sao lại vô trong núi mà ở. Thím biện Yến cũng nói y như bài trong nhựt trình: Hải Đường không kết duyên cùng Túy Nga được thì chàng thất tình xin đổi lên Cao Miên mà làm việc. Tưởng đi cho xa đặng nguôi bớt nỗi sầu, nào ngờ sự buồn thảm vấn vít theo hoài đêm ngày làm việc mệt nhọc hết sức mà cũng không nguôi được. Chừng cùng thế bèn mượn rượu mạnh mà giải khuây, uống nhiều quá nên phải sanh bịnh con mắt rồi luôn tới trái tim nữa. Chàng mới xin nghỉ ra nằm nhà thương Nam Vang mà dưỡng bịnh. Ông Bác sĩ Trị hay tin ấy mới lật đật lên rước đem về mà cho thuốc. Vả bịnh phải trị lâu ngày, mà nhứt là cần phải ở chỗ yên tịnh mát mẻ. Sẵn ông Bác sĩ Trị có cất một cái nhà mát ở trên triền núi Sam để hứng gió, nên ông đem Hải Đường để ở tạm nhà mát ấy rồi mỗi ngày ông vô tuần mạch mà cho thuốc.

Túy Nga nghe rõ đầu đuôi rồi cô mới hỏi rằng:

- Vậy mà từ ngày ông Bác sĩ rước về cho thuốc đến nay, thím coi bịnh có giảm chút nào hay không?

- Khá lắm. Mấy bữa rày nó không còn mệt nữa. Ông Bác sĩ coi mạch hồi trưa, ổng nói trái tim nó bớt nhiều, song ổng căn dặn đừng có chọc cho nó giận, bởi vì hễ nó giận thì sợ bịnh phát lại rồi khó trị.

- Còn con mắt bây giờ ra thể nào?

- Cặp con mắt thì ông Bác sĩ ổng lo lắm. Ổng nói với tôi, ổng sẽ hết lòng lo cứu chữa, song ổng sợ nó phải chịu tật; như Phật Trời có phò hộ thì hoặc may nó thấy lờ mờ vậy thôi, chớ khó tỏ rõ như hồi trước được. Hổm nay ổng băng con mắt nó bì bịt, có thấy đường đâu, ăn cơm phải đút, ra vô phải dắt, chớ nó không thấy chi hết.

Túy Nga nghe lời đó thì nước mắt tuôn dầm dề nữa. Thím biện Yến hỏi rằng:

- Ông bà dưới nhà mạnh, cô Ba hả?

- Thưa, mạnh.

- Sao cô hay nó đau?

- Tôi coi nhựt trình tôi mới hay.

- Còn sao cô biết tôi ở đây nên lên đây mà kiếm?

- Cũng nhờ xem nhựt trình mới biết.

- Cô đi lên đây ông bà hay hay không?

- Thưa, hay. Tôi có xin phép thầy má tôi rồi mới đi đây. Nhà nầy phải là nhà của ông Bác sĩ hay không?

- Phải.

- Ổng đi đâu vắng?

- Hồi trưa ổng vô trỏng ổng xem mạch cho nó, rồi tôi đi theo xe ổng ra đây mà lấy thuốc. Té ra xe về tới thì có người trực rước ổng, vì có bịnh gấp. Ổng lật đật đi coi bịnh dưới Cỏ Tầm Bon, ổng dặn tôi chờ ổng về rồi ổng sẽ soạn thuốc cho tôi đem về trỏng mà cho nó uống. Tôi rầu lắm, cô Ba ôi! Vợ chồng tôi có làm việc gì bất nhơn thất đức đâu, mà sao trời đất lại hại con tôi như vầy không biết. Nếu con tôi có bề nào chắc là tôi phải chết theo nó, chớ sống sao cho được.

Thím biện Yến tủi phần con nên thím khóc nữa. Túy Nga thấy vậy cô càng thêm ăn năn, nên cô cũng chảy nước mắt mà nói rằng: „Anh Bác vật bịnh hoạn như vậy, tôi có tội nhiều lắm. Đã biết tôi không làm cho ảnh bịnh, nhưng mà cũng tại cử chỉ của tôi nên anh thất chí rồi mới sanh bịnh. Vì vậy nên hay tin thì tôi lo sợ buồn rầu không biết chừng nào. Tôi lên đây là tôi quyết hy sanh cái danh giá của tôi, quyết thí thân tôi mà nuôi dưỡng săn sóc cho tới chừng nào ảnh lành mạnh rồi tôi mới trở về. Nói cùng mà nghe, ví như trời đất không thương bắt ảnh phải chết, thì tôi cũng khó sống được. Vậy tôi xin thím tha lỗi cho tôi, và vui lòng cho tôi ở mà nuôi ảnh. Tôi phải chịu cực khổ với ảnh thì hoặc may tôi mới chuộc tội của tôi được".

Thím biện Yến thở ra mà đáp rằng:

- Bây giờ cô biết thương nó rồi, cô nói như vậy, thì có lẽ nào tôi đi ngăn cản.

- Tôi cảm ơn thím. Tôi sẽ thế cho thím mà nuôi ảnh.

- Cha chả! Mà nó phiền cô lung lắm. Từ ngày nó đau cho tới bây giờ hễ nói tới tên cô thì nó nổi giận nó rầy quá. Tôi sợ nó không chịu cho cô ở gần nó chớ.

- Tôi sẽ hạ mình mà xin lỗi ảnh. Tôi ăn năn rồi, không lẽ ảnh không dung chế. Tôi muốn xin thím dắt tôi đi liền vô núi đặng tôi giáp mặt coi bịnh tình thế nào.

- Không được. Tôi phải đợi ông Bác sĩ đặng lấy thuốc rồi về mới được chớ. Cô chờ một chút, đã quá bốn giờ rồi, có lẽ ông Bác sĩ cũng gần về.

- Anh Bác vật đau như vậy mà ảnh ăn ngủ được hay không?

- Ăn được mà nó ngủ ít lắm.

- Ảnh ốm hay không?

- Ốm hơn hồi trước nhiều.

- Thím đi đây rồi ai ở nhà với ảnh?

- Có mướn một đứa nhỏ mười bốn tuổi, mướn để nó ra vô lấy thuốc. Tôi đi thì nó ở nhà, chớ có ai đâu.

Hai người nói chuyện tới đó thì xe hơi của ông Bác sĩ Trị về tới. Ông Bác sĩ bước vô thấy cô Túy Nga chào ông, thì ông hỏi thím biện Yến vậy chớ người đó là ai. Thím biện đáp rằng: „Cô Ba đây là con của ông Tổng Bình ở dưới Vũng Liêm. Cô là người mà thằng con tôi nó muốn kết duyên, song muốn không được nên nó rầu buồn mà phải sanh bịnh đó".

Ông Bác sĩ chưng hửng. Ông đứng ngó cô Túy Nga trân trân, sắc mặt nghiêm nghị, làm cho phải kiêng nể mà cúi đầu.

Ông hỏi cô rằng:

- Cô lên đây có việc chi?

- Thưa, em coi nhựt trình, em thấy anh Bác vật đau, nên em xin phép thầy má em mà lên đây.

- Anh Bác vật nặng tình với cô, mà cô không biết thương xót ảnh, vậy thì cô lên đây làm chi?

- Thưa, việc riêng của em khó nói cho ông hiểu được. Em thương hay là không thương chỉ có em biết bụng em mà thôi.

- Cô nói thế ấy nghe ra cô thương anh Bác vật. Thương sao lại đối đãi với ảnh lợt lạt, làm cho ảnh thất tình đến nỗi phải bịnh hoạn dường ấy. Tôi nói cho cô biết, nếu anh Bác vật có bề nào, thì cô mang tội lớn lắm. Theo lời anh nói chuyện với tôi thì tôi biết ảnh đối với cô, ảnh có một cái tình sâu sia nặng nề lắm. Có lẽ cô còn biết sự ấy nhiều hơn tôi nữa chớ?

- Thưa, em biết.

- Ờ, cô biết mà sao cô phụ rảy cái tình ấy?

- Thưa, em đã có một đời chồng rồi. Theo luân lý của mình thì liệt nữ vô nhị giá. Vì vậy mà em không thể kết duyên cùng anh Bác vật được, chớ nào phải em phụ rảy ảnh.

Ông Bác sĩ Trị nghe mấy lời sau đó, thì ổng ngó cô Túy Nga rồi lắc đầu mà hỏi rằng:

- Bây giờ cô hay ảnh đau, rồi cô lên đây làm chi?

- Em nghĩ ảnh mang bịnh đó là tại em, nên em quyết hy sinh danh giá và tánh mạng mà nuôi dưỡng ảnh cho lành mạnh đặng em chuộc cái tội của em chút đỉnh.

- Cô nói sao?

- Em nói em quyết lên đây ở làm tôi mọi mà nuôi dưỡng anh Bác vật cho tới ảnh lành mạnh.

- Uý! Cái đó không được. Tôi không thể cho cô gặp anh Bác vật được.

Cô Túy Nga chưng hửng.

Thím biện Yến nói rằng: „Ở nhà nãy giờ cô Ba cổ nói cổ ăn năn lắm, nên quyết lên ở nuôi dưỡng nó mà chuộc cái tội phụ rảy nó ngày trước".

Ông Bác sĩ lắc đầu, ông kéo ghế mà ngồi rồi nói chậm rãi mà gắt gao rằng: „Tôi không thể cho cô Ba đây giáp mặt với anh Bác vật được. Không được, không được".

Cô Túy Nga vội hỏi ông rằng:

- Thưa ông, tại sao vậy?

- Anh Bác vật nói tâm sự của ảnh cho tôi nghe mấy lần thì tôi biết rõ ý ảnh hờn cô, oán cô hung lắm. Ảnh đau trái tim tự nhiên phải cử cái giận, vì vậy nên tôi kiếm chỗ yên tịnh để ảnh ở dưỡng bịnh. Mấy tuần nay bịnh trái tim đã giảm nhiều rồi. Nếu cô giáp mặt với ảnh, tôi sợ ảnh nổi giận ảnh làm sung, rồi tôi cứu ảnh không được.

- Ảnh thương em, nếu em đến, có lẽ ảnh hết giận chớ.

- Cô nói như vậy thì sai lắm. Cô hay ảnh mang bịnh, cô đến mà nuôi ảnh, ấy là cô tội nghiệp người mắc hoạn họa, chớ không phải cô trìu mến người đa tình. Ảnh biết như vậy thì ảnh càng thêm giận, chớ không phải ảnh vui đâu.

- Nếu ảnh còn giận thì em sẽ khóc lóc năn nỉ với ảnh. Em nói thiệt dầu ảnh giận, ảnh mắng nhiếc đánh đập em đi nữa, em cũng cam tâm mà chịu.

- Không được. Bịnh đó hễ giận thì nguy lắm.

- Tội nghiệp em lắm, ông ơi! Hồi nãy em nói với thím Biện, thì thím bằng lòng rồi.

Thím biện Yến nói rằng: „Hồi nãy cô nói với tôi thì thiệt tôi có chịu, bởi vì tôi có hiểu bịnh tình thế nào đâu. Bây giờ ông Bác sĩ nói như vậy, thì tôi đâu dám cho cô gặp nó".

Cô Túy Nga ngồi khóc bộ thảm thiết quá. Ông Bác sĩ thấy vậy, ông bèn bỏ đi qua chỗ khám bịnh, không muốn thấy cái cảnh ảo não của một người đàn bà ăn năn. Cô Túy Nga theo năn nỉ thím biện Yến cho cô giáp mặt với Hải Đường, ví như chàng giận chàng xô đuổi thì cô sẽ liệu lượng. Thím biện động lòng, nhưng vì có lời ông Bác sĩ nói như vậy, nên thím không biết lẽ nào.

Cách một hồi lâu, ông Bác sĩ Trị trở qua nhà tư, ông nói rằng: „Cô Ba nói đã hết lời, nếu mình ngăn cản thì té ra mình hẹp lượng. Vậy để cô giáp mặt với anh Hải Đường thử coi. Song nếu cho cô Ba đi vô trỏng thì phải có tôi theo mới được. Lại phải làm chậm chậm, chớ không nên làm gấp. Lúc nầy tôi băng con mắt của ảnh, nên ảnh không thấy chi hết. Bây giờ mình phải lập kế nói dối rằng tôi thấy thím biện già cả thức đêm thức hôm nuôi bịnh mệt nhọc, lại phải ra vô lấy thuốc hoặc mua đồ ăn khó lòng, nên tôi mướn giùm cô Ba đây - phải giấu mà kêu cô là "con Kiều" - là con gái mồ côi, mới vài mươi tuổi, nghèo nàn, song biết chữ, để phụ nấu cơm, nước, hoặc đi lấy thuốc, hoặc thức đêm hôm, hoặc đọc thơ đọc nhựt trình cho ảnh nghe. Mình nói dối như vậy trong ít ngày cho ảnh quen rồi, ví như chừng con mắt ảnh sáng lại ảnh biết, thì việc đã lỡ rồi, nên có lẽ ảnh bớt giận. Tôi tính như vậy, cô nghĩ thử coi được không cô Ba?"

Túy Nga mừng lòng, nên lật đật đáp rằng:

- Thưa, ông tính như vậy thì hay lắm.

- Cha chả! Mà tôi quên việc nầy: Tôi sợ cô nói chuyện rồi ảnh biết tiếng cô.

- Em không nói chuyện.

- Không nói sao được.

- Ảnh có hỏi hay là biểu việc chi thì chỉ nói tiếng một vậy thôi, chớ không nói dài.

- Ừ, phải vậy mới được. Không nên nói dài, sợ ảnh biết tiếng; đợi ít ngày cho quen rồi sẽ hay. Mà cô nhớ là tôi đặt tên cô là con "Kiều" nghe hôn. Thím biện cũng nhớ kêu tên ấy, chớ đừng lộn xộn dấy lâu mà hư việc. Thôi, để tôi biểu đầu bếp nấu cơm dọn cho thím với cô Ba ăn rồi sẽ đi. Để làm thử coi hoặc may ảnh hết sầu não rồi ảnh mau mạnh được.

Ông Bác sĩ kêu đầu bếp mà hối dọn cơm. Có lính trạm đem thơ và nhựt trình mà phát. Ông Bác sĩ soạn thấy có hai cái thơ đề tên Hải Đường, ông bỏ túi để lát nữa đem vô cho bạn. Ông lại soạn thuốc bỏ vào một cái túi da sẵn sàng.

Ăn cơm rồi, mặt trời đã chen lặn, thím biện Yến cùng cô Túy Nga mới lên xe hơi đi với ông Bác sĩ Trị mà vô núi Sam.

Chương 10

Đường từ Châu Đốc vô núi Sam chỉ có bốn năm ngàn thước. Cô Túy Nga ngồi trên xe hơi ngó hai bên thì thấy đồng ruộng minh mông, lúa trỗ chín nên vàng vàng, còn chỗ đương trỗ nên phơi màu xám xám. Trước mặt một vừng núi sừng sựng, tuy không cao không lớn, song đứng giữa đồng nên coi cũng có vẻ chớn chở[1] nguy nga.

Cảnh lạ lại gặp trời chiều, người nhàn du ai cũng phải vui lòng phới dạ, duy có cô Túy Nga mắc trông cho mau tới chỗ đặng giáp mặt Hải Đường, lại mắc lo không biết bịnh tình thế nào, nên thấy cảnh đẹp mà cô không biết vui chút nào hết.

Xe vô tới chơn núi rồi quanh qua phía tay trái, chạy vòng theo một con đường nhỏ mà lên núi. Cách ít trăm thước xe ngừng trước cửa một cái nhà nhỏ, tuy trời đã chạng vạng tối, song Túy Nga thấy cái nhà ấy trên lợp ngói đỏ dưới đóng vách ván.

Thím biện Yến chỉ cho Túy Nga mà nói rằng: " Nó ở cái nhà nầy đây".

Cô Túy Nga theo thím biện Yến mà bước xuống xe, trong lòng bâng khuâng, nên không nói chi hết.

Ông Bác sĩ xâm xâm đi vô nhà, hai người đàn bà nối gót theo sau. Nhờ có cây đèn tạ đăng đốt để trên bàn ở giữa nhà, nên trong nhà coi sáng sủa. Một đứa trai chừng mười bốn mười lăm tuổi chạy ra sân. Ông Bác sĩ hỏi nó rằng:

- Bà cụ đi từ hồi trưa đến giờ, ông mầy ở nhà có nhắc hay không?

- Thưa, có. Ông tôi cứ hỏi bà cụ về hay chưa.

Thím Biện Yến sai thằng nhỏ ra ngoài xe bưng đồ vô. Ông Bác sĩ vô nhà, ông để cái túi da trên bàn, rồi đi thẳng vô buồng.

Ông hỏi rằng: „Từ hồi trưa tới giờ con mắt có nhức nữa hay không?"

Có tiếng đáp nhỏ nhỏ rằng: „Không. Nhờ toa cho thuốc nhỏ mắt nên êm".

Ông Bác sĩ nói nữa rằng: „Ờ, chịu thuốc rồi đa. Mỏa[2] về ngoải rồi có bịnh gấp họ rước, thím phải ở chờ, nên bây giờ mỏa mới đưa thím về được. Đâu toa[3] ra ngoài nầy ngồi cho khoảng khoát, sao nằm trong buồng hoài vậy?"

Cô Túy Nga đứng dựa cái bàn viết, cô thấy ông Bác sĩ Trị nắm tay Hải Đường mà dắt ra ngoài, Hải Đường bị băng bít hai con mắt, một tay níu ông Bác sĩ, một tay rờ rờ trên không, sợ đụng bàn ghế, thì cô cảm động, nên nước mắt nhiểu giọt.

Ông Bác sĩ để Hải Đường ngồi trên cái ghế phô tơi[4], rồi ông kéo một cái ghế khác mà ông ngồi một bên.

Thím biện Yến có mua bánh mì, sữa bò, cùng đồ hộp đặng để dành cho con dùng, nên nãy giờ thím mắc soạn đồ ấy. Chừng Hải Đường ngồi yên rồi, thím mới hỏi rằng:

- Thằng Hai đã dọn cháo cho con ăn rồi hay chưa?

- Thưa rồi. Con ăn hồi nãy.

- Chiều nay con ăn được mấy chén?

- Thưa, hai chén.

- Để má biểu nó nấu nước nóng rồi khuấy sữa cho con uống.

Ông Bác sĩ Trị tiếp hỏi Hải Đường rằng:

- Toa hết hồi hộp nữa phải không?

- Thiệt hết.

- Mỏa lo là lo trái tim, chớ con mắt mỏa ít lo. Nay trái tim mạch nhảy đều rồi thì hết lo. Tuy vậy mà mỏa cấm toa không được buồn, không được giận. Toa phải nghe lời mỏa đa. Bữa nay toa còn thèm rượu nữa hay không?

- Cũng còn thèm lắm.

- Mỏa xin toa cử tuyệt thứ đó, chớ nếu toa uống rượu, nó công con mắt, rồi mỏa trị sao được.

- Không uống rượu thì buồn quá.

- Mỏa hiểu. Bợm rượu mà cử rượu, phần thì không thấy đường, nên không đi đâu đuợc, làm sao mà khỏi buồn. Nầy, may quá toa. Hồi mỏa ăn cơm với thím, có ông đốc học Luật ổng dắt một đứa con gái lại nói mà cho ở với mỏa. Ổng nói con nhỏ mồ côi, nhà nghèo, học có bằng cấp sơ học, mà không có công việc làm, nên bữa đói bữa no. Ông gởi gấm nó ở cho mỏa đặng quét nhà lau tủ, mỗi tháng cho nó đôi ba đồng bạc cũng được, miễn nó có cơm ăn thì thôi. Mỏa sực nhớ đến toa. Toa đau, mà lại đau con mắt, không đi đâu, mà cũng không coi sách được, tự nhiên toa phải buồn, nên mỏa mướn nó giùm cho toa. Mỏa dắt nó vô đây, để nó ở đặng hễ toa có buồn thì biểu nó đọc truyện, đọc sách, hoặc đọc nhựt trình cho toa nghe, toa muốn gởi thơ thì đọc cho nó viết, bữa nào đi lấy thuốc, hoặc ra chợ mua đồ thì sai nó đi, chớ thím già cả, thím đi cực nhọc thím quá.

Ông Bác sĩ nói tới đây, ông ngó coi ý Hải Đường thể nào. Cô Túy Nga đứng đàng xa cô cũng ngó chàng trân trân.

Hải Đường lặng thinh một hồi rồi thủng thẳng đáp rằng:

- Được vậy thì tốt lắm. Hổm nay mỏa muốn viết vài bức thơ mà không biết làm sao mà viết.

- Ờ, có nó ở thì toa biểu nó viết rồi toa ký tên. Nó ở mỗi tháng cho nó đôi ba đồng bạc, không tốn hao gì lắm.

- Được.

- Hồi chiều mỏa nói chuyện thì thím cũng bằng lòng, nên mỏa dắt luôn nó vô đây.

- Ủa, toa đã đem nó vô đây hay sao?

- Ừ.

Thím biện Yến xen vô nói rằng: „Má nghe ông Bác sĩ ổng nói cũng phải, mà má thấy con nhỏ mồ côi bơ vơ cũng tội nghiệp, nên má chịu mướn để đỡ tay chơn cho má chút đỉnh. Ông Bác sĩ chở nó vô đó. Nó biết chữ, nó coi ve thuốc nào uống giờ nào cho dễ; cha chả, má dốt, hổm nay má cho con uống thuốc, thiệt má sợ lộn quá".

Hải Đường ngồi im lìm một lát rồi nói rằng: „Nếu có nó vô rồi, đâu kêu nó lại gần đây cho tôi hỏi nó một chút coi".

Thím biện ngoắt Túy Nga và nói: „Kiều à, buớc lại đây cho ông mày hỏi".

Cô Túy Nga bỏ giày thủng thẳng bước lại đứng một bên Hải Đường và lấy khăn ra lau nước mắt.

Ông Bác sĩ nói: „Nó lại rồi đó. Toa hỏi việc chi thì hỏi đi".

Hải Đường hỏi:

- Em năm nay mấy tuổi?

- Dạ, thưa hai mươi.

- Cha mẹ chết hết, mà không có anh em gì hay sao?

- Thưa, không.

- Em học trường nào? Em biết đọc chữ Tây hay không?

- Thưa, em học trường... Châu Đốc, em đọc chữ Tây được.

- Hải Đường rùng mình, đưa hai tay run run, ngã ngửa trên ghế phô tơi và la lớn rằng: „Không thèm! Tôi không bằng lòng mướn người nầy. Đuổi nó đi, đuổi nó ra khỏi nhà cho mau. Đi, đi. Không chịu, không chịu".

Ông Bác sĩ Trị lật đật đỡ Hải Đường và tiếp mà nói:" Thôi, đi ra, đi về đi, ổng không chịu mướn. Đi, đi". Tuy ổng nói như vậy, mà ổng ra dấu biểu đứng đó. Thím biện cũng chạy lại ôm con mà nói: „Con làm giống gì vậy con? Sao con lại giận? Không chịu mướn thì thôi, rầy rà nó làm chi?"

Túy Nga đứng sửng sốt, nước mắt tuôn dầm dề.

Hải Đường nằm thở dốc. Ông Bác sĩ Trị mở túi da lấy ra một ve dầu nhãn rồi đưa gần lỗ mũi cho Hải Đường hửi.

Cách một hồi Hải Đường tỉnh lại, chống tay ngồi dậy.

Thím Biện nói rằng: „Con đau rồi con nóng nảy quá! Nguời ta nghèo nàn, người ta xin ở với mình đặng nhờ hột cơm. Mướn hay là không mướn thì thôi, con xô đuổi người ta như vậy, tội nghiệp người ta chớ. Ông Bác sĩ mới dặn đừng có giận, mà con giận liền như vậy rồi làm sao mau mạnh cho được".

Ông Bác sĩ cũng nói tiếp rằng: „Toa nóng nảy quá! Có gì đâu mà giận dữ vậy".

Hải Đường ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi hỏi mẹ rằng:

- Má biết người đó hay không?

- Người nào?

- Người xin ở đó.

- Ờ! Thuở nay ai mà biết nó hồi nào.

- Thiệt như vậy hay sao?

- Sao lại không thiệt! Hồi chiều má đương ăn cơm với ông Bác sĩ. Ông đốc học dắt nó lại gởi gấm xin mướn giùm nó, má mới thấy nó đó chớ.

- Người đó bao lớn tuổi?

- Lối mười chín hai mươi gì đó không biết.

Hải Đường ngồi im lìm một hồi nữa rồi chậm rãi nói rằng: „Tiếng nói của người đó sao giống tiếng cô Túy Nga quá. Tôi nghe cái giọng nói đó tôi chịu không được nên tôi mới nổi giận chớ. Té ra không phải cô Túy Nga hay sao?"

Ông Bác sĩ ngó thím biện rồi ngó Túy Nga mà cười. Ông đáp rằng:

- Túy Nga nào đâu? Con Kiều ở ngoài chợ Châu Đốc mà; học trò cũ của ông đốc học Luật đa.

- Vậy hay sao?

- Chớ sao.

- Cha chả! Nếu thiệt cô Túy Nga lên đây, chắc mỏa chết được.

- Cái gì mà chết?

- Toa không hiểu hay sao? Cô đã khinh khi mỏa; bây giờ mỏa bịnh hoạn, mà cô tới đây ngạo mỏa nữa, thì mỏa chịu sao nổi.

- Có cái gì mà ngạo toa đâu. Ví như cô Túy Nga hay toa đau, cô Túy Nga đến thăm toa, chớ sao mà ngạo?

- Mỏa không màng cái tình đó. Nếu ngày nay cô ấy tới đây, ấy là cô ấy tội nghiệp thân mỏa, chớ không phải cô thương yêu mỏa.

- Nếu biết tội nghiệp thì phải có thương rồi mới tội nghiệp chớ.

- Hứ! Tội nghiệp với thương khác nhau. Toa đi đường toa thấy có một người bịnh họ té nhủi. Toa lật đật chạy lại đỡ họ, ấy là toa tội nghiệp họ, chớ nào phải toa yêu thương gì họ. Ví như toa là người bịnh mà té đó, còn người khinh khi toa chạy lại đỡ, toa chịu được hay sao?

Ông Bác sĩ ngó Túy Nga rồi lắc đầu. Ông không muốn kéo nhây câu chuyện đó nữa, nên ông nói:

- Thôi, chuyện cô Túy Nga toa nên bỏ dẹp đi, nhắc tới làm chi. Bây giờ toa mướn con Kiều hay không? Như không muốn thì mỏa chở nó về mỏa trả nó lại cho ông đốc học Luật.

- Mướn thì mướn chớ sao... Phải mướn đặng đỡ tay chơn cho bà già mỏa... Bậy quá, hồi nãy mỏa nóng giận mỏa xô đuổi nó, không biết bây giờ nó chịu ở hay không?

- Sao lại không chịu. Con nhà nghèo đói rách, có biết liêm sĩ là gì đâu. Rầy chút đỉnh mà kể gì.

- Không biết nó còn ở đó hay không?

Thím biện nói: "Hồi nãy con giận, nó sợ nó chạy ra ngoài xe kia chớ đâu. Để má kêu nó". Túy Nga vẫn đứng một bên đó, song thím biện làm bộ ra cửa kêu om sòm rồi mới dắt vô.

Ông Bác sĩ nói: „Ông Bác vật có bịnh nên sanh tật nóng nảy, cô em đừng có phiền. Thôi, ở mà nuôi giùm ổng".

Túy Nga dạ mà thôi, chớ không dám nói dài.

Hải Đường nói: „Tôi xin lỗi cô em. Tại bịnh nên tôi hay giận dỗi như vậy, chớ không phải tôi hung dữ chi đâu. Cô em đừng có sợ. Để rồi bà cụ chỉ thuốc cho cô em biết thứ nào uống giờ nào đặng cô em coi mà cho tôi uống".

Túy Nga cũng dạ cụt ngủn, chớ không dám nói chi hết.

Ông Bác sĩ Trị thấy kế đã thành, ông bèn mở túi da ra lấy hai cái thơ mà đưa cho Hải Đường, lấy thuốc mà giao cho Túy Nga và dặn thứ nào phải uống giờ nào, mà mỗi lần uống bao nhiêu. Ông hứa chiều bữa sau ông sẽ vô thăm bịnh. Ông dặn Hải Đường đừng có buồn, đừng có giận, rồi ông từ giã lên xe mà về.

Thím Biện làm bộ lăng xăng, chỉ công việc cho Túy Nga làm, biểu quét giường nệm trong phòng Hải Đường, dọn bộ ván phía trong cho Túy Nga ngủ gần người bịnh, rồi sai đi khuấy sữa cho Hải Đường uống, giọng nói như chủ nhà với đày tớ, nên Hải Đường không nghi nữa.

Túy Nga bưng ly sữa đem cho Hải Đường. Chàng lấy ly sữa và hỏi rằng:

- Cô em tên gì, nói cho qua biết đặng kêu cho dễ?

- Em tên Kiều.

- Cô em buồn ngủ hay chưa?

- Thưa, chưa.

- Viết giùm đồ cho qua một chút được hay không?

- Thưa, được.

- Thôi, để qua uống sữa rồi qua sẽ chỉ công việc cho em làm.

Hải Đường bưng ly sữa, một lát uống một hớp.

Thím biện Yến ngoắt cô Túy Nga qua căn bên kia mà nói nhỏ rằng: „Được rồi. Coi bộ nó không nghi nữa. Nó thức khuya lắm. Đêm nào cũng vậy, nó lục đục đến canh ba nó mới chịu đi ngủ. Như cô có mệt thì qua giường tôi phía bên nầy mà ngủ trước đi, để tôi thức với nó".

Túy Nga lắc đầu đáp nhỏ nhỏ rằng:

- Tôi không mệt đâu. Để tôi thức với ảnh. Thím nghỉ trước đi.

- Như cô muốn thức cũng được. Nè, mà hồi nãy tôi làm bộ chỉ chỗ cho cô ngủ đó đặng nó tin, chớ chừng nào cô buồn ngủ thì qua ngủ chung với tôi đặng có mùng, kẻo muỗi cắn chết.

- Được. Thím nghỉ đi, đừng lo. Chừng nào ảnh nghỉ rồi, tôi sẽ qua.

Túy Nga đợi Hải Đường uống hết sữa rồi, cô lấy ly mà dẹp.

Thím biện Yến đóng cửa rồi thím đi ngủ.

Chương 11

Đã gần hết canh một, tư bề vắng vẻ, chỉ nghe tiếng ve kêu trên ngọn cây và một lát nghe tiếng chuông ở chùa Phật dưới chơn núi dộng một cái bon mà thôi.

Hải Đường ngồi trân trân không nói chi hết, mà Túy Nga ngồi cái ghế gần đó, cô ngó chàng rồi rơi lụy, chớ cô không dám hở môi.

Cách một hồi lâu chàng hỏi rằng: „Cô Kiều còn thức đó hay không?".

Túy Nga lật đật đứng dậy đáp rằng:

- Thưa, em còn thức đây. Ông có cần dùng việc chi hay không?

- Tôi muốn đọc cho cô em viết một chút.

- Thưa, được.

- Cô bước lại bàn viết, cô lấy cuốn "agenda" đem giùm lại đây cho tôi. Cuốn bìa cứng, màu xám, ngoài bìa có in chữ lớn "agenda" đó.

- Em biết.

Túy Nga bước lại bàn viết lấy cuốn agenda đem đưa cho Hải Đường. Chàng cầm trong tay và gặc đầu nói rằng: „Phải. Cuốn nầy. Xưa rày tôi bịnh, song tôi có ngụ ý đặt đuợc một bài thi bát cú, ngặt bị con mắt đau nên viết ra không được. Vậy cô em lấy viết mực đem lại bàn đây mà ngồi cho gần, rồi tôi đọc bài thi ấy cho cô em chép".

Túy Nga lấy viết mực ngồi dựa cây đèn, gần một bên Hải Đường. Chàng đưa cuốn agenda lại cho cô và nói rằng: „Cô em giở trương đầu coi phải có một thi đề tựa " Túy Nga tự thán" hay không?

Cô giở ra thiệt quả có bài thi của cô làm năm trước. Cô bèn đáp rằng:

- Thưa, phải. Có bài thi đó.

- Ừ, cô em viết tiếp khúc dưới. Cô viết tựa chữ lớn: „Hải Đường hòa vận".

- Thưa, rồi.

- Bây giờ tôi đọc cho cô em chép bài thi của tôi.

Hải Đường ngồi đọc nhỏ nhỏ cho Túy Nga viết bài thi như vầy:

Một mình co duỗi góc trời đông,

Khỏa lấp niềm riêng chén rượu nồng;

Nghĩa vụ, chung tình đành phải thế,

Công danh, phú quí cũng như không;

Câu ngâm hối hận bồi hồi khách,

Giọt lụy chia lìa lai láng sông;

Em hỡi Túy Nga em nỡ để,

Trăm năm rối rắm mối tơ hồng.

Túy Nga chép bài thi, cô cảm động không xiết kể, song cô sợ Hải Đường biết nên cô không dám khóc, cô dằn lòng mà chịu, mà nước mắt tuôn dầm dề.

May Hải Đường không biểu cô đọc lại, chớ nếu chàng biểu, thì chắc cô đọc không được.

Chàng dựa ngửa trên ghế phô tơi mà nghỉ lưng. Cô ngồi coi chừng coi ý chàng còn muốn việc gì nữa. Chàng thò tay vào túi móc ra hai cái thơ của ông Bác sĩ Trị trao hồi nãy, cầm sò sè một lát rồi đưa một cái cho cô mà hỏi rằng:

- Cô em xem con dấu đóng trên con cò đó coi thơ ở đâu gởi vậy.

- Thưa, con dấu nhà thơ Mỹ Tho.

- Thơ của ai vậy kìa. Đâu cô xé đọc giùm cho tôi nghe.

- Túy Nga xé bao, rút thơ ra rồi đọc như vầy:

Cher ami Hải Đường,

Tôi đọc nhựt trình có hay tin bạn đau và M. Trị rước bạn về nhà mà điều trị. Tôi lật đật viết sơ lược ít hàng mà cầu chúc cho bạn mau mạnh, đợi ít ngày nữa có dịp tôi sẽ lên Châu Đốc mà thăm bạn.

Theo như tin trong nhựt trình, thì mấy năm nay bạn cũng chưa cưới vợ. Ở trong thời đại nầy, lại đứng vào bực học thức cao đẳng, mà bạn ôm ấp ái tình đến nỗi phải lụy thân, thì tôi lấy làm lạ. Bạn phải tỉnh mà nhớ lại, đời nầy là đời danh lợi, cách hành động của mình, dầu đi học, hay là cưới vợ, hay là kết bạn, hay là làm việc, bất lục là lúc nào, mình đều phải chủ hướng về cái danh hoặc cái lợi, dường ấy mới hạp với thời, thuận với người.

Cô mỹ nhơn mà bạn đeo đuổi theo đó sẽ giúp ích cho đường đời của bạn về phương diện danh hay là lợi hay không mà bạn phải chịu khổ tâm đến thế? Ối! Dầu có ích cho mấy đi nữa, nếu thấy bước đường gay trở thì bạn phải vạch nẻo khác mà đi, hơi nào mà phải cố tâm thiết tha trong chỗ khó.

Sao bạn không làm như thiên hạ, mà lại trèo leo lên cái lối huyền vọng ái tình làm chi cho lao tâm mệt trí?

Tôi quyết sẽ đem bạn ra khỏi cái lối huyền vọng ấy, tôi sẽ kéo bạn xuống cái cảnh chơn thiệt ở cõi trần, đặng cho bạn hưởng chút đỉnh của thế gian như các bạn đồng song của chúng ta vậy. Tôi nói ngay với bạn rằng tôi có một đứa em gái, năm nay mới hai mươi tuổi, thông thạo cách giao thiệp theo đời nay, biết nói tiếng Pháp, bíết đánh tơ nít[1]; cha mẹ tôi khuất hết để gia tài lại, tôi chia ra phần nó mỗi năm hưởng huê lợi trên mười ngàn giạ lúa. Tôi nhứt định sẽ gả cho bạn đặng trước là nó có chồng xứng đáng với số gia tài của nó, sau nữa bạn khỏi mệt mà có một cái gia tài nhỏ nhỏ đủ làm nề[2] mà bước lên cho cao thêm hoài.

Tôi gởi cái chơn dung của con em tôi theo đây cho bạn xem trước. Nếu bạn không chê nó, thì tôi gả nó cho bạn liền, bạn muốn định cưới ngày nào cũng được.

Đợi bạn hồi âm, tôi chúc bạn mau mau mạnh.

Nắm tay bạn.

Túy Nga đọc thơ rồi, cô ngó Hải Đường trân trân, có ý chờ coi chàng liệu định lẽ nào. Hải Đường ngồi tự nhiên mà hỏi rằng:

- Người viết thơ có ký tên hay không?

- Thưa, có.

- Ai vậy kìa...

- Thưa, ở dưới dấu ký tên có biên: „Phan Thế Bửu, điền chủ ở Mỹ Tho".

- À! Anh Thế Bửu! Có học thức mà vậy đó! "Thế Ngu" chớ Thế Bửu gì vậy.

Túy Nga hiểu ý, thì cô lắc đầu. Tuy vậy mà cô muốn dò đáo để, nên cô đưa tấm chơn dung đính theo thơ cho Hải Đường mà nói rằng: „Thưa, có tấm hình đây".

Hải Đường cùn quằn đáp rằng: „Hình mà làm gì. Đút vô bao với cái thơ rồi bỏ trong cuốn agenda".

Chàng ngồi im lìm một hồi lâu rồi đưa phong thơ thứ nhì mà hỏi rằng: „Còn thơ nầy ở đâu gởi lại?"

Túy Nga lấy phong thơ, thì là thơ của cô gởi tại Vũng Liêm, trước khi ra đi. Tuy vậy mà cô cũng làm bộ coi con dấu nhà thơ rồi đáp rằng: „Thưa, thơ gởi tại Vũng Liêm".

Cô và nói và ngó coi ý chàng thế nào.

Hải Đuờng dụ dự rồi hỏi rằng:

- Chữ đề bao đó giống tuồng chữ đàn bà hay là đàn ông?

- Thưa, em không hiểu.

- Đàn ông thường họ viết cứng, còn đàn bà họ viết yếu.

- Thưa, em coi không ra.

Hải Đường dụ dự một hồi nữa, rồi thở ra mà rằng: „Thôi, xé đại mà đọc thử coi".

Túy Nga xé thơ. Vả thơ của cô viết thì cô thuộc lòng, bởi vậy tay cầm bức thơ, mắt ngó Hải Đường trân trân và miệng đọc như vầy:

" Anh Hải Đường đáng yêu đáng kính ôi!

Trót hai năm nay em không được tin tức của anh, nên em không biết anh ở đâu, mà cũng không hiểu anh làm việc gì. Tuy vậy mà trong trí em vẫn tưởng tượng anh đã có đôi bạn, có con nhỏ, tưởng anh đã gầy cuộc gia đình, tưởng anh đang hưởng hạnh phúc vợ hiền con quí, chẳng có chút chi buồn hay là lo, cũng như bầu trời thanh bạch, chẳng có mây giăng, cũng như mặt biển lặng trang, chẳng có sóng dợn.

Than ôi! Em vừa đọc một bài trong nhựt trình, em mới hay sự tưởng tượng của em không trúng chút nào hết, em mới rõ mấy năm nay vì em mà anh phải sầu não, phải vất vả tấm thân, đến nỗi phải thọ bịnh. Trời đất ôi! Tội của em lớn biết chừng nào, bây giờ làm sao mà chuộc cho được!

Anh ôi! Hiện bây giờ em đau đớn trong lòng quá, không còn trí khôn mà tả cho anh hiểu tấm lòng của em đối với anh. Em biết nói làm sao bây giờ! Em xin viết một câu nầy: „Nếu anh chết thì em không thể nào sống được". Em tưởng nói bao nhiêu đó có lẽ đủ cho anh hiểu rõ lòng dạ của em.

Mà không lẽ trời độc ác đến nỗi phải khiến anh chết như vậy. Em cũng không chịu cho anh chết. Em phải làm cho anh mạnh thì em mới khỏi tội. Vậy em nhứt định bỏ dẹp luân lý, em hy sinh cái đời vô dụng của em đặng em cứu anh.

Em cúi xin anh cho phép em lên ở nuôi dưỡng anh cho anh lành mạnh. Ví như trời có khiến anh phải chết, thì đôi ta nhìn cho tận mặt nhau một lần chót, rồi chết với nhau một lượt đặng chừng đầu thai cũng trở lên một luợt mà kết vợ chồng với nhau.

Nếu anh nhậm lời, thì xin anh đánh dây thép cho em biết, em sẽ lên liền".

Hải Đường nghe đọc dứt rồi, chàng dựa ngửa ghế phô tơi, tay run, miệng hỏi rằng: "Ai ký tên đó?"

Tuý Nga ngó chàng không nháy mắt, thủng thẳng đứng dậy mà đáp rằng: „Lê Túy Nga ở Mê Phốp, làng Trung Điền".

Hải Đường thở một cái, rồi gượng ngồi dậy và đưa tay nói rằng: „Trao cái thơ ấy lại đây".

Túy Nga đút thơ vô bao rồi đưa cho chàng. Hải Đường bỏ thơ vô túi, ngồi lặng thinh một hồi rất lâu, bộ chàng suy nghĩ lung lắm. Túy Nga đứng ngó không nháy mắt.

Thình lình Hải Đường biểu rằng: „Lại bàn viết lấy một miếng giấy trắng đặng tôi đọc cho mà viết". Túy Nga vưng lời, đi lấy một miếng giấy đem lại đèn mà ngồi và nói rằng: „Thưa, có giấy rồi".

Hải Đường đọc:

"Lê Túy Nga, con gái ông Tổng Bình, làng Trung Điền, Vũng Liêm".

Túy Nga run tay nên viết chậm lắm. Chừng viết xong rồi cô mới nói rằng: "Thưa, rồi".

Hải Đường ngồi im lìm một hồi nữa rồi vùng nói: "Viết: Lên lập tức, tôi trông".

Túy Nga cảm động, không thể dằn nữa được, nên buông cây viết chạy lại, một tay thì nắm tay Hải Đường, còn một tay thì vịn vai chàng mà khóc và nói rằng: „Cám ơn anh. Em đã lên rồi đây".

Hải Đường rùng mình, run hết cả tay chơn rồi thủng thẳng nói rằng: „Thiệt em đó hay sao? Té ra hồi hôm, qua nghi trúng lắm...Em đã thấy tình của qua hay chưa?"

Túy Nga đứng khóc rấm rức, không nói được một tiếng chi nữa hết.

Hải Đường hớn hở, miệng chúm chím cười mà nói rằng: „Đôi ta đã hiệp nhau rồi, có việc chi phải buồn nữa đâu mà em khóc".

Túy Nga bệu bạo đáp rằng:

- Vì em mà anh phải đau nhiều quá, không buồn sao được.

- Được gần em thì chắc qua mạnh. Bây giờ trong mình qua khỏe khoắn như thường.

- Em biết anh còn đau nhiều lắm.

- Dầu còn đau, hễ em nuôi qua thì qua mạnh chớ gì. Em ở nuôi giùm qua nghe hôn.

- Dạ, em ở, ở nuôi cho anh mạnh.

Hải Đường phỉ chí nên ngồi cười khan, còn Túy Nga càng thêm cảm động nên khóc lớn. Thím biện Yến bước qua, thấy hai trẻ nắm tay dang díu, kẻ khóc người cười, thím biết việc đã bể mà hai bên đều thỏa tình mãn ý, thì thím mừng nên cười ngỏn ngoẻn mà nói rằng: „Thương nhau như vậy mà trời khiến duyên nợ trắc trở làm chi cho kẻ rầu người bịnh không biết!".

Nhờ ông Bác sĩ Trị cho thuốc tận tâm, mà cũng nhờ Túy Nga ở nuôi dưỡng an ủi, nên cách vài tuần lễ thì Hải Đường bình phục, trái tim mạch nhảy đều như thường, cặp mắt cũng đã sáng lại, duy còn đỏ chút đỉnh mà thôi.

Mỗi bữa, sớm mơi từ tảng sáng đến tám giờ, chiều từ bốn giờ rưởi tới chạng vạng, Túy Nga dắt Hải Đuờng lên núi rồi khi thì ngồi dựa gốc cây, khi thì nằm nghiêng trên hòn đá, mà nghinh phong hướng cảnh. Mặt trời mọc lên chói cánh đồng từ núi Sam dãy Thất Sơn, lúa đương chín nên vẽ một màu vàng khè, làm cho khách háo cảnh đa tình trông thấy, phải ngậm ngùi vì tình, khoan khoái với cảnh. Mặt trời chen lặn giục giã dế ngâm trong kẹt đá, chim hót trên ngọn cây, làm cho khách chí đại tâm thanh nghe qua, như ghẹo lòng son, như khiêu chí cả.

Có khi Túy Nga ngâm bài thi tự thán hồi trước lại cho Hải Đường nghe, rồi Hải Đường cũng ngâm bài thi của chàng họa mà đáp lại, ngâm rồi hai người ngó nhau rưng rưng nước mắt. Có khi Túy Nga ngồi đờn, Hải Đường nằm nghe; người đờn rỉ rả như bày tỏ cang trường, người nghe mẩn mê quên lửng công danh phú quí.

Gần gũi nhau chừng nào, tình càng thêm sâu, nghĩa càng thêm nặng, càng mê vì nết, càng mến vì lời, gái chẳng chút ngại ngùng, trai chẳng còn sè sụt. Tuy vậy mà hễ khi nào Hải Đường mở hơi muốn nói chuyện cưới hỏi, thì Túy Nga chận liền mà xin rằng: „Anh phải rán an tâm tịnh trí mà lo dưỡng bịnh cho mau mạnh, không nên lo tính việc gì khác. Nếu thiệt anh thương em, thì anh phải nghe lời em". Mấy lời nói ấy vừa dang díu, vừa quả quyết, làm cho Hải Đường không cãi được, nên phải dằn lòng vưng chịu.

Một buổi sớm mơi, ông Bác sĩ Trị khám bịnh cho toa đến chín giờ rồi ông rảnh rang. Ông bèn sai người nhà mua rượu, thịt, bánh, trái, rồi ông bỏ lên xe hơi mà chạy vô núi, tính đem đồ vô ăn uống với bạn cho vui. Thím biện Yến với Hải Đường, Túy Nga tiếp rước ông rất vui vẻ.

Ông Bác sĩ coi mạch cho Hải Đường rồi ông nói rằng: „Bữa nay toa thiệt mạnh rồi, không còn một chút bịnh nào nữa hết. Thôi, để dọn đồ ăn uống chơi một bữa, rồi mỏa rước hết về nhà mỏa mà ở. Toa chơi chừng nào đã thèm rồi sẽ đi làm việc".

Thím Biện với Túy Nga nghe Hải Đường thiệt hết bịnh thì mừng rỡ, nên nói nói cười cười coi dọn đồ lên bàn rồi chủ khách đồng ngồi chung quanh mà ăn uống.

Ông Bác sĩ Trị rót một ly rượu chát mà đưa cho Hải Đường và nói rằng: „Mấy tháng nay toa bị cấm rượu, chắc toa thèm lắm. Bữa nay uống được. Vậy toa uống đi".

Túy Nga ngồi ngang Hải Đường, cô đưa tay mà cản rằng: „Úy! Không nên. Xin ông Bác sĩ đừng cho uống. Xưa rày bỏ rượu đã quen rồi. Nếu cho uống rồi anh Bác vật bắt bén uống lại, sợ e bịnh con mắt phục phát. Thôi, bỏ luôn tốt hơn".

Hải Đường thèm rượu lắm, song nghe Túy Nga nói như vậy, thì chàng ngó ly rượu rồi ngó Túy Nga và cười và nói rằng: „Cô Ba buồn, thôi tôi không uống".

Ông Bác sĩ cũng cười và nói rằng: „Tôi mướn cô Ba để nuôi ông Bác vật bịnh. Tôi không dè người bịnh vị bụng người nuôi quá, hèn chi bịnh mới mau hết".

Túy Nga nghe lời pha lửng ấy, thì cô mắc cỡ, nên cúi mặt đáp rằng:

- Anh Bác vật lành mạnh là nhờ tài của y sư, chớ em có công cán chi đâu. Em chịu sự anh Bác vật hay vị bụng em, nhưng mà nếu ảnh không vị, thì làm sao hôm nay được vui như vầy.

- Cô đã công nhận rằng anh Hải Đường thường vị bụng cô, hễ cô muốn thế nào, ảnh cũng làm theo hết thảy. Bây giờ tôi muốn coi cô có vị bụng ảnh hay không, như ảnh muốn một việc gì cô có vui lòng làm theo hay không?

- Thưa, việc em muốn có ý nghĩa khác, còn việc anh Bác vật muốn sợ có ý nghĩa khác, vì vậy nên em e khó chìu ý ảnh được.

Hải Đường nghe mấy lời ấy thì chàng ngó Túy Nga một cách rất buồn.

Ông Bác sĩ Trị cũng lấy làm lạ, ông bèn nghiêm sắc mặt mà hỏi Túy Nga rằng:

- Cô nói cái gì vậy cô Ba? Hôm cô lên đây, cô có nói với tôi rằng bạn tôi mang bịnh, lỗi tại nơi cô, nên cô quyết hy sinh cả danh giá và tánh mạng đặng lo phương cứu bạn tôi. Bình sanh bạn tôi muốn có một điều, là kết tóc trăm năm với cô. Nay bạn tôi lành mạnh rồi, ví bạn tôi tỏ ý muốn việc đó, cô cũng không chịu hay sao?

- Thưa, muốn cái đó khó cho em lắm.

- Cô đã quyết hy sinh cả danh giá và tánh mạng với ảnh, sá chi một chút đó mà cô dụ dự.

- Thưa ông, em có tội làm cho anh Bác vật rầu buồn mà sanh bịnh. Em phải hy sinh danh giá và tánh mạng mà cứu ảnh đặng em chuộc tội của em. Em hứa sẽ làm tôi mọi mà nuôi dưỡng cho tới ảnh lành mạnh. Nay ảnh lành mạnh rồi thì thôi, chớ em có hứa kết tóc trăm năm với ảnh đâu.

Hải Đường buông đũa đứng dậy ngó ngay Túy Nga mà nói xẳng xớm rằng:

- Rõ ràng cô làm bộ thương, chớ cô không thương tôi chút nào hết. Tại sao mà cô cứ gạt gẫm tôi hoài vậy cô Ba?

- Xin anh cũng đừng nóng giận. Anh ngồi lại rồi em sẽ nói rõ cho anh nghe.

- Có chuyện gì nữa đâu mà nói. Bình sanh tôi chỉ ao ước có một điều mà thôi: Là kết nghĩa vợ chồng với cô. Hồi nhỏ vì cô giàu sang còn tôi hèn hạ nên không thể phối hiệp đuợc, tôi thất tình mới bỏ qua Pháp mà học. Khi trở về xứ, tôi hay cô bị chồng để, tôi liền xin cưới cô. Cô phụ rẫy tình tôi, làm cho tôi phải bịnh hoạn thiếu chút nữa tuyệt mạng. May nhờ có bạn tôi cho thuốc, lại cũng nhờ có cô nuôi dưỡng giải sầu, nên tôi lành mạnh. Nay sẵn dịp có bà già tôi và có bạn thiết của tôi đây, tôi tỏ lời xin cưới cô nữa. Cô bằng lòng hay là không bằng lòng xin cho tôi biết liền. Cô nói phứt một tiếng mà thôi, chẳng cần phải nói dài.

Túy Nga cúi đầu, rưng rưng nước mắt mà đáp nhỏ nhỏ rằng: „Nếu em liệu làm vợ anh được, thì năm trước anh nói em đã ưng rồi, có đâu phải sầu não đến nỗi sanh bịnh hoạn".

Hải Đường đỏ mặt, trợn mắt, hỏi nặng lời rằng:

- Té ra bây giờ cô cũng không ưng nữa sao?

- Em đã nói em không thể làm vợ anh được.

- Tại sao vậy?

- Anh không biết hay sao?

- Cô nói cho tôi nghe thử coi. Cô phải nói đi.

- Thân em như đóa hoa tàn, còn phận anh như cái lục bình quí. Hoa tàn mà cặm trên cái lục bình quí thì uổng lục bình, mà cũng thẹn cho hoa quá. Tại vậy mà em không vưng lời anh được, chớ nào phải em làm khó cho anh đâu. Anh thương em, xin anh trọng giùm em, đừng làm cho em hổ với cái tiết của em mới phải.

Hải Đường nghe dứt lời, thì chàng té ngồi trên ghế nước mắt chảy ròng ròng.

Thím biện Yến với Bác sĩ Trị nhìn nhau trong lòng lạnh ngắt. Thím biện Yến thấy con bi lụy, thím chịu không được, nên thím nói rằng: „Tại nó nòng nòng quyết một, nếu cô Ba ái ngại hoài thì sợ nó buồn rầu rồi sanh bịnh lại chớ".

Bác sĩ Trị cũng tiếp mà nói rằng: „Cô Ba nói nghe phải lắm. Nhưng mà người vương lấy bịnh tình, thì còn kể gì là cao thấp nữa đâu. Vậy tôi khuyên cô Ba nếu cô thương bạn tôi, thì cô ưng phứt đi, đừng kể nỗi đục trong gì hết. Cô đã dám hy sinh danh giá với tánh mạng, sá chi một chút đó mà cô dụ dự".

Túy Nga đau đớn trong lòng quá, nên cô ấm ức nói rằng: „Liệt nữ vô nhị giá. Nếu em ưng làm vợ anh Bác vật, thì em hổ thẹn với cái tiết của em hoài, rồi sợ em cũng không làm vui cho ảnh được. Em cũng thương anh Bác vật vậy chớ; nếu không thương, thì làm sao mà em lên ở đây. Ngặt vì tiết giá của em đã đục rồi, nếu kiếp nầy phối hiệp cùng nhau, thì tình vợ chồng không được thanh bạch. Em nguyện để kiếp sau em sẽ làm vợ ảnh, đặng cho tình vợ chồng được cao, được sạch. Bây giờ chẳng thiếu chi gái xứng đáng cho ảnh cưới làm vợ: Ông Phan Thế Bửu, dưới Mỹ Tho, có một người em gái giàu có, ảnh cưới thì có sẵn gia tài cho ảnh hưởng trọn đời. Như ảnh sợ người nhiều tiền hay có tánh thô tục, ảnh chê chỗ đó, thì em xin ảnh cưới cô Trường Thoại, là con của ông giáo Lạc ở dưới Vũng Liêm, cô ấy tuy nghèo song có tánh cao thượng, làm vợ ảnh thì xứng đáng lắm. Còn phận em thì em xin kết nghĩa anh em với ảnh thôi, để kiếp sau rồi sẽ làm vợ chồng".

Hải Đường vùng đứng dậy nói lớn rằng: „Bình sanh vô nhị sắc. Tôi không thèm ai hết. Nếu cô không ưng tôi thì tôi sẽ chịu cô thân trọn đời".

Túy Nga và khóc và nói: " Sá chi một đóa hoa tàn!"

Cô than tới đó thì có một cái xe ngựa ngừng ngoài cửa. Thím biện Yến ngó ra rồi nói lớn rằng: „Ủa, có ông Tổng với bà Tổng lên kia!"

Thiệt quả hai vợ chồng ông Bình xuống xe rồi đi thẳng vô nhà. Bốn người trong nhà đều đứng dậy chào mừng.

Ông Bình hỏi ông Bác vật rằng:

- Cháu thiệt mạnh hay chưa? Hơn một tuần nay bác không được thơ của con Túy Nga, bác không biết bịnh cháu có giảm hay không, nên chạy lên đây thăm thử coi.

- Thưa, cháu đã mạnh rồi. Ông Bác sĩ Trị đây là anh em bạn thiết của cháu, mới xem mạch nói bịnh cháu bữa nay thiệt dứt.

Ông Bình với Bác sĩ chào nhau. Ông Bình day lại thấy đồ ăn đầy bàn thì ông nói rằng: „Ủa, mấy bà con ăn đi, ăn cho rồi bữa chớ. Vợ chồng tôi lên tới Châu Đốc vô tiệm ăn cơm rồi mới mướn xe vô đây. Mấy bà con ăn đi".

Vì việc Hải Đường với Túy Nga cãi lẽ nãy giờ làm cho tiệc vui mà không vui, nên không ai muốn ăn nữa. Thím Biện với Túy Nga dẹp đồ ăn, còn Hải Đường với Bác sĩ Trị thì đi rửa tay uống nước.

Ông Bác sĩ Trị nói với ông Bình rằng:

- Hai bác lên đây thiệt là may lắm. Mới xảy ra một việc khó liệu hết sức. Phải có hai bác thì phân giải mới được.

- Việc gì đó?

- Bạn tôi là Hải Đường mạnh rồi. Bữa nay tôi mua đồ đem vô đây ăn mừng. Nhơn dịp nầy bạn tôi tỏ lời xin cưới cô Ba. Cô Ba không nhậm lời, làm cho bạn tôi thất vọng nữa.

- Tại sao vậy?

- Tôi xin nói tắt như vầy cho hai bác hiểu: Cô Ba không ưng, cô viện lẽ "Liệt nữ vô nhị giá". Cô nói cô thương anh Bác vật lắm, ngặt vì cô đã có một đời chồng rồi, nếu cô làm vợ anh Bác vật thì cô hổ với tiết của cô. Cô chỉ chỗ nầy chỗ nọ, cô xin anh Bác vật cưới thế cho cô, để kiếp sau rồi cô sẽ làm vợ ảnh, cho tình vợ chồng được trong sạch. Anh Bác vật nói: „Bình sanh vô nhị sắc", ảnh không thèm ai hết. Nếu cô Ba không ưng ảnh thì ảnh nguyện sẽ chịu cô thân suốt đời. Thím tôi đây với tôi không biết xử sao được. Vậy xin hai bác phân xử giùm.

Ông Bình ngồi suy nghĩ một chút rồi nói rằng: „Hai trẻ đều có tình nặng với nhau. Mà bên gái trọng tiết hơn tình, ấy là phải lắm. Còn bên trai thì trọng tình hơn tiết, ấy cũng không quấy. Tuy vậy mà thầy khuyên con Túy Nga đừng cố chấp thái quá như vậy. Đã biết làm thân nhi nữ phải trọng tiết trinh, nhưng mà cái tiết của đàn bà là cái phẩm hạnh vô hình, chớ không phải thứ vật chất như con thấy đó. Nếu con có chồng, mà con còn lưu ý với người khác dầu con không ăn nằm với người tình của con đó đi nữa, con cũng mang tội thất tiết với chồng. Nay con có chồng, mà chồng con đã để[3] con rồi, đạo cang thường đã dứt, bây giờ con lấy chồng khác, thì đối với chồng sau con có thất tiết chỗ nào đâu. Mà dầu con cho có một đời chồng ấy là thất tiết, thì sự thật thất tiết của con đó lỗi tại nơi thầy, bởi vậy từ ngày thầy hay Bác vật vì nặng tình với con mà mang bịnh thì thầy ăn năn hết sức. Vậy thầy khuyên con đừng ái ngại nữa mà buồn cho ông Bác vật và cũng buồn cho thầy".

Bà Bình tiếp nói rằng: „Hồi ông Bác vật mới thi đậu Tú tài thì ý tôi đã muốn gã nó cho ổng. Tại căn duyên của nó phải trắc trở, nên trời khiến phải tan rồi mới hiệp được. Thôi thì phải chịu như vậy, chớ cãi trời sao được".

Hải Đường thấy vợ chồng ông Bình đều xuôi thuận thì mừng, nên nói với Tuý Nga rằng:

- Cô Ba, cô nghe ông bà nói đó hôn? Dầu cô không vị tình tôi, thì cô cũng phải vị tình của ông bà một chút. Xin cô đừng ái ngại nữa. Cô nỡ cố chấp tiểu tiết, mà để cho hỏng cái đời của tôi hay sao?

- Dầu thế nào em cũng chẳng quên thân em là đóa hoa tàn.

- Hoa tàn mà tôi coi quý hơn hoa mới nở.

Túy Nga ngước lên thấy Hải Đường ngó mình rất hữu tình, thì cô động lòng, không còn lời mà cãi nữa được, nên cô thở dài mà than rằng: „Tạo hoá sanh loài người, lại bày cho cái ái tình làm chi, mà phải nặng nề như vậy!"

Hải Đường hiểu ý cô đã thuận rồi, nên chàng bước lại nắm tay cô và cười và nói rằng: „Cám ơn cô Ba tưới nước cái cây khô nầy được tươi lại. Tôi nguyện tôi cũng sẽ săn sóc cho đóa hoa tàn tươi lại một lần nữa".

Ai nấy thẩy đều vui mừng.

Ông Bác sĩ Trị rước hết ra Châu Đốc ở chơi, tới bữa sau vợ chồng ông Bình với Túy Nga dắt trở về Mê Phốp.

Hải Đường vô làm việc lại, xin đổi về Sài Gòn rồi chọn ngày lễ cưới Túy Nga.

Vĩnh Hội 1936

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro