Cách tả bối cảnh trong truyện
MEO MEO: chia sẻ cho một số bạn đang nhức đầu về vấn đề này.
Cách để Mô tả bối cảnh trong truyện
3 Phần: Mô tả bối cảnh. Chọn bối cảnh trong truyện. Sử dụng nhân vật để tả bối cảnh.
Bên cạnh nhân vật và cốt truyện, bối cảnh là một trong ba phần chủ yếu của truyện. Bối cảnh là địa điểm và thời gian trong câu chuyện. Nó làm nổi bật và hỗ trợ cho cốt truyện và các nhân vật; nó hé mở và tô đậm những điểm quan trọng của truyện cũng như chủ đề của truyện.
Phần 1:
- Mô tả bối cảnh:
Tự hỏi mình sáu câu hỏi. Khi bắt tay vào xây dựng bối cảnh, bạn hãy đặt ra sáu câu hỏi. Lấy giấy bút ra và viết câu trả lời cho từng câu hỏi để xây dựng một bối cảnh thuyết phục và hiệu quả.
Câu chuyện xảy ra tại đâu?
Câu chuyện xảy ra khi nào?
Thời tiết hay khí hậu ở đó ra sao?
Điều kiện xã hội hay cộng đồng ở đó là gì?
Phong cảnh ở đó trông như thế nào?
Những chi tiết đặc biệt nào giúp câu chuyện trở nên dễ hiểu? [1]
2. Quyết định nên xây dựng bối cảnh rộng hay hẹp. Bạn sẽ mô tả bối cảnh trong truyện như thế nào? Bạn sử dụng góc máy rộng hay lấy cận cảnh? Xác định xem truyện của bạn cần điều gì. Bạn có nên tả toàn cảnh thành phố không, hay chỉ miêu tả ngôi nhà? Bạn cần chọn cách làm nào đem lại sự sinh động cần thiết cho truyện.
Cố gắng miêu tả nhân vật trong bối cảnh rộng hơn và dần dần thu hẹp vào một địa điểm cụ thể. Mở đầu bằng việc mô tả quốc gia, tỉnh, vùng đất, đến thành phố, rồi khu phố.
Bạn cũng có thể đi từ bối cảnh tự nhiên đến con người bằng cách mô tả kiểu dân cư sinh sống trong thành phố đó. Đây là phương pháp phổ biến để chuyển tiếp từ những vật vô tri vô giác sang những sinh vật biết suy nghĩ, cảm nhận và lo âu. Bằng cách này, bạn đã bắt đầu đem ý nghĩa vào truyện. [2]
3 Sử dụng năm giác quan. Bạn hãy sử dụng năm giác quan: xúc giác, thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Nhiều người chỉ dùng thị giác khi viết truyện, nhưng đây là một sai lầm, vì cách viết đó sẽ chỉ tạo nên một bức tranh hai chiều. Tất nhiên là bạn phải miêu tả vẻ ngoài của sự vật, nhưng trong đó cũng cần bao gồm cả những cảm nhận từ các giác quan khác.
Nghĩ về mùi hương trong căn phòng. Những hạt cát dưới chân nhân vật tạo nên cảm giác gì? Nhân vật có bị gờ núi đá cứa vào tay không? Miêu tả hương vị của món ăn mà nhân vật yêu thích. [3]
Ví dụ: Nàng bước vào phòng khách. Phu nhân MacDougall uy nghi như nữ hoàng Victoria trên chiếc trường kỷ bọc vải hoa xanh và ra hiệu cho Elizabeth ngồi vào chiếc ghế bành đồng bộ đặt đối diện. Những bức tường màu cam ánh lên mái tóc bạch kim của nữ công tước một màu hồng rực. Elizabeth giật mình khi một khúc củi dịch chuyển trên ngọn lửa cháy rừng rực trong lò sưởi lát đá cẩm thạch mà ngài MacDougall đã đích thân đem về từ Ai Cập. [4]
4. Đừng để việc miêu tả bối cảnh làm nghẽn mạch truyện. Bối cảnh phải làm nổi bật câu chuyện thay vì cản trở. Điều này có thể xảy ra nếu bạn ngừng lại ở giữa cảnh để kể dài dòng về hoàn cảnh xung quanh nhân vật. Thay vì dành riêng một đoạn văn chỉ để miêu tả bối cảnh, bạn hãy làm việc này thông qua hành động của nhân vật. Bối cảnh nên được lồng trong những hành động mà nhân vật đang thực hiện.[5]
Ví dụ, nếu nhân vật vùng thoát khỏi gã ma cà rồng và chạy vào rừng, bạn đừng dừng lại và tả cảnh khu rừng rùng rợn như thế nào. Hãy để cho nhân vật cảm nhận sự im ắng và màn đêm đen kịt trong khu rừng. Cho nhân vật vấp ngã vì đoạn rễ cây nhô lên khỏi mặt đất và cành cây cứa vào má cô ấy. Tập trung mô tả cảnh nhân vật không nhìn thấy gì nhưng có thể nghe được tiếng bước chân đuổi theo mình. Bằng cách này, bạn có thể kết hợp bối cảnh với hành động và không cản trở mạch truyện.
5. Diễn đạt, đừng giải thích. Bạn hãy cho người đọc hình dung được bối cảnh thay vì giải thích. Đừng nói, "Sa mạc nóng bỏng". Thay vì thế, bạn hãy cho thấy vùng sa mạc đó nóng như thế nào bằng cách mô tả mặt trời thiêu đốt trên da của nhân vật, những làn hơi nóng bốc lên từ cát bỏng, không khí đặc quánh và ngột ngạt.
Để làm việc này, bạn cần dùng những từ ngữ sinh động. Chọn các danh từ và tính từ miêu tả cho phần bối cảnh. Dùng các động từ chuyển động dứt khoát.
Giải thích: Các cô gái rất phấn khích.
Diễn đạt: Những tiếng cười rúc rích và tiếng hò reo tràn ngập đấu trường. Những lọn tóc xoăn mềm giờ đã ướt đẫm vì mồ hôi và vì cảm giác háo hức mong đợi sự kiện sắp diễn ra. Các cô gái ôm chặt nhau như để kìm nén. Những cánh tay giơ lên cao đung đưa và các giọng nói vang lên với mọi âm sắc. Giờ phút trọng đại đã đến. [6]
6. Chỉ tập trung vào những chi tiết quan trọng. Đôi khi người ta quá sa đà vào việc mô tả bối cảnh. Bạn nên hạn chế miêu tả những thứ không quan trọng đối với câu chuyện và chủ đề của truyện. Thay vì thế, bạn hãy chú tâm lựa chọn mọi thứ cần miêu tả. Mỗi chi tiết của bối cảnh cần phải có mục đích trong câu chuyện.
Phần 2: Chọn bối cảnh trong truyện
1. Bắt đầu bằng địa điểm. Bối cảnh bao gồm nhiều yếu tố, trong đó địa điểm là yếu tố quan trọng nhất để mở đầu truyện. Bạn phải chọn một nơi để câu chuyện diễn ra. Cách lựa chọn địa điểm là cực kỳ quan trọng. Nó hình thành nên tâm trạng, sự kết nối và những ý niệm chung mà bạn có thể dùng để hỗ trợ cho truyện, hoặc đó là nơi mà các nhân vật của bạn phải vật lộn chống trả.
Bắt đầu bằng cách chọn một quốc gia, một tỉnh, một vùng đất, một thành phố hay thị trấn. Bạn có thể chọn địa điểm cụ thể hơn, chẳng hạn như một khu phố hoặc một con đường. Quyết định xem khung cảnh của truyện nên là thành thị, nông thôn, vùng hải đảo hay vùng núi. [7]
2. Mô tả căn phòng. Miêu tả các chi tiết của ngôi nhà, khoảng sân hay căn phòng. Dùng các chi tiết này để tả các nhân vật. Bạn cũng có thể dùng các chi tiết thực thể để làm nổi bật chủ đề, giá trị và quan điểm.[8]
Bằng cách này, bối cảnh có thể đem lại ý nghĩa cho câu chuyện.
Ví dụ: Những bức tường đá sẫm màu lờ mờ sáng bởi những ngọn đuốc. Hai bên là những băng ghế trống nhô lên, nhưng ở đằng trước, trên băng ghế cao nhất có nhiều bóng người mờ ảo. Họ thầm thì nói chuyện, nhưng khi cánh cửa nặng nề đóng sầm sau lưng Harry, những tiếng nói im bặt trong bầu không khí đáng sợ.[9]
3. Tập trung vào bối cảnh thời gian. Thời gian là một phần quan trọng của truyện. Nó có thể tác động đến cốt truyện và hành vi của các nhân vật. Sau đây là những bối cảnh thời gian mà bạn cần cân nhắc:
Thời gian trong ngày. Câu chuyện của bạn xảy ra vào buổi sáng, giữa trưa hay ban đêm? Mỗi khoảng thời gian trong ngày có những nét đặc trưng riêng. Bạn cũng nên nhớ rằng nhân vật có thể hành động khác đi tại các thời điểm khác nhau trong ngày.
Thời gian trong năm. Truyện của bạn diễn ra vào mùa hè, mùa đông hay mùa xuân? Câu chuyện xoay quanh một dịp lễ như Giáng sinh hay Halloween? Thời gian trong năm cũng có thể bao gồm những ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử hay sự kiện cá nhân.
Thời gian đã trôi qua. Nghĩ về sự chuyển tiếp thời gian trong truyện. Thời gian này có thể bao gồm nhiều giờ, thậm chí nhiều tháng. Bạn phải mô tả thời gian trôi qua thông qua bối cảnh. Thời gian có thể tiếp diễn ngay từ khi câu chuyện được mở ra, hoặc đi ngược về quá khứ. [10]
4. Mô tả thời tiết. Thời tiết có thể tạo nên tâm trạng của nhân vật. Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến cốt truyện. Bạn hãy miêu tả nhiệt độ, trời mưa hay gió, thậm chí độ chiếu sáng của mặt trời.
Nếu câu chuyện diễn ra trong khí hậu khắc nghiệt, bạn cần phải miêu tả điều đó với độc giả. Mô tả điều kiện sống khắc nghiệt ở sa mạc hay ở vùng bắc cực, hoặc diễn tả cuộc sống thanh nhàn trong một ngôi nhà bên bờ biển. [11]
Ví dụ: Cuối cùng thì thời tiết cũng thật lý tưởng. Không còn hôm nào tuyệt vời hơn để mở tiệc ngoài trời như hôm ấy. Một ngày lặng gió, ấm áp, và bầu trời không một gợn mây. Chỉ một màu xanh lơ ẩn sau màn sương mỏng vàng óng như thỉnh thoảng vẫn thấy trong những ngày đầu mùa hè. Người làm vườn đã thức dậy từ sáng sớm, xén cỏ và sửa sang cho đến khi những ngọn cỏ dường như sáng lên. [12]
5. Khám phá địa lý. Đặc điểm địa lý trong truyện là một yếu tố quan trọng. Nếu có những loài cây, hoa cỏ hoặc cây lương thực đặc trưng nào trong vùng, bạn hãy miêu tả những điều đó. Suy nghĩ tại sao yếu tố này là quan trọng đối với nhân vật và cốt truyện xảy ra trong vùng địa lý đó.[13]
Suy nghĩ về những thực thể thiên nhiên như đồi núi, sông hồ hoặc những khu rừng. Nên để cho nhân vật tương tác với chúng, và điều đó phải đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện. Nếu không, bạn nên hỏi lại mình tại sao ban đầu bạn lại đặt bối cảnh đó trong truyện.
6. Tính đến cả bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa. Nếu đang viết truyện lịch sử, bạn phải diễn đạt trong mô thức của kỷ nguyên lịch sử. Điều này bao gồm cách nhìn thế giới lúc bấy giờ, kể cả công nghệ và cách hành xử của con người thời kỳ đó.
Nghĩ về bối cảnh xã hội và chính trị. Đây là yếu tố quan trọng trong truyện hiện đại hoặc lịch sử. Chúng có tác động đến niềm tin về giá trị và hành động của các nhân vật.
Bối cảnh văn hóa có thể bao gồm tôn giáo, truyền thống và các tương tác xã hội. Dân cư có thể góp một phần trong bối cảnh văn hóa. Đó là nơi có cư dân đông đúc hay xa xôi hẻo lánh? [14]
Phần 3: Sử dụng nhân vật để tả bối cảnh
1. Mô tả bối cảnh thông qua hành động. Dùng nhân vật để tả bối cảnh. Khi nhân vật đi qua một khung cảnh, hãy để cô ấy nhận ra hoàn cảnh xung quanh. Cô ấy thấy điều gì ngay lúc ấy? Điều gì cô ấy nhận ra sau đó? Để cho nhân vật tương tác với môi trường thay vì chỉ tả sự vật trong phòng.[15]
Để cho nhân vật phản ứng với bối cảnh. Điều này có thể giúp phát triển cốt truyện và nhân vật.
2. Dùng trải nghiệm của nhân vật để miêu tả bối cảnh. Mỗi người sẽ nhìn sự việc một khác. Bạn cần quyết định nhân vật của bạn sẽ miêu tả sự việc như thế nào. Điều này tác động đến cách bạn mô tả bối cảnh.[16]
Người dân thành thị sẽ miêu tả đường xe điện ngầm rất khác với những người ở vùng nông thôn. Bạn cần quyết định đứng trên góc nhìn của ai để tả khung cảnh, và tại sao bạn lại chọn quan điểm của nhân vật đó.
3. Xây dựng bối cảnh thông qua tâm trạng của nhân vật. Tâm trạng và tính cách của nhân vật có ảnh hưởng đến cách miêu tả khung cảnh của bạn. Hãy suy nghĩ về cách mà nhân vật nhìn bối cảnh và cảm nhận về nó. [17]
Suy nghĩ xem sinh viên năm nhất và sinh viên năm cuối có cảm giác như thế nào về tiệc khiêu vũ ở trường. Sinh viên mới vào trường có thể rất háo hức vì đó là buổi khiêu vũ đầu tiên của cô ấy, nhưng sinh viên năm cuối thì có thể rên rỉ và phàn nàn vì đã ở đó. Một đứa trẻ bị bắt nạt có thể sợ đến buổi tiệc nếu kẻ bắt nạt cũng có mặt ở đó, trong khi cô chủ tịch hội sinh viên lại rất vui khi gặp tất cả bạn bè ở buổi tiệc.
Cốt truyện cũng có thể tác động đến tâm trạng và nhân vật. Một buổi chiều dạo chơi trong rừng có thể là khoảng thời gian dễ chịu đối với nhân vật này, nhưng đối với nhân vật khác bị lạc trong rừng thì quả là trải nghiệm đáng sợ.
Lời khuyên
Đừng chọn một bối cảnh nào đó cho truyện của bạn chỉ vì bạn cảm thấy có vẻ hay. Có thể câu chuyện của bạn sẽ thích hợp với khung cảnh một ngôi nhà hơn là một nơi xa hoa như tòa lâu đài.
Đặt bối cảnh đằng sau nhân vật. Mặc dù bối cảnh tạo thêm bầu không khí và ngữ cảnh, người đọc vẫn thích xem hành động của nhân vật và tiến triển của cốt truyện hơn. Bối cảnh phải có tác dụng làm nổi bật nhân vật và cốt truyện.
Nếu bạn viết truyện từ góc nhìn của ngôi thứ nhất, hãy thử miêu tả bối cảnh tác động đến từng giác quan như thế nào.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro